Điểm báo ngày 07/8/2019

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng quá trình giải quyết tình tiết mới liên quan đến vụ chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình; Báo động dịch sốt xuất huyết lan rộng trên Tây Nguyên

Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng quá trình giải quyết tình tiết mới liên quan đến vụ chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình

Bộ Y tế vừa có văn bản số 4184/BYT-PC gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo quá trình giải quyết tình tiết mới do Bộ Y té kiến nghị trong vụ án chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Văn bản nêu rõ:

Ngày 19/06/2019, sau thời gian xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra tuyên án Vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa khiến 08 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (Bản án số 20/2019/HSPT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình). Sau khi nhận được bản án phúc thẩm, Bộ Y tế xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình giải quyết tình tiết mới do Bộ Y tế kiến nghị gửi các cơ quan có liên quan. Cụ thể:

1. Về quá trình xem xét giải quyết kiến nghị của Bộ Y tế liên quan đến phát hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong và con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong trong Vụ án

Ngày 06/3/2019, Bộ Y tế đã có Công văn số 41/BYT-PC gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo phát hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong trong Vụ án chạy thận nhân tạo khiến 08 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đến ngày 28/3/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 726/VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Y tế đề nghị xem xét giải quyết tình tiết mới này trong quá trình xét xử phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Trong đó giao Bộ Y tế tổng hợp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ khoa học mới phát hiện liên quan đến Vụ án này để gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo và Bộ Công an.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngày 26/4/2019, Bộ Y tế đã có Công văn số 69/BYT-PC gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an để cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ khoa học mới phát hiện.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một tháng kể khi có bản án phúc thẩm ngày 19/6/2019, Bộ Y tế vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi của Bộ Công an cũng như Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Về quá trình xem xét tình tiết mới tại Phiên tòa xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình

Ngày 13/6/2019, nhận được Giấy mời số 159/GM-TA ngày 03/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế đã cử một số chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, tâm huyết và có trách nhiệm về hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hoá học, độc chất, pháp lý tham gia tố tụng tại Phiên toà để làm rõ quan điểm của Bộ Y tế về phát hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong. Đó là: Nguyên nhân chết của 08 người bệnh có thể là do nhiễm đa chất, trong đó có HF và con đường ô nhiễm nước dùng cho máy chạy thận là do hệ thống RO1 hỏng (có 03 van hỏng trên đường Bypass cũ) đã mở thông con đường gây ô nhiễm đa chất là nguyên nhân gây ra sự cố y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Với nhận định khoa học trên, một số câu hỏi đặt ra để Hội đồng xét xử đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hòa Bình (Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB) làm rõ, đó là:

– Vì sao các lần trước bị cáo Quốc đã bảo trì, súc rửa hệ thống RO2 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng không xảy ra hậu quả mà lần này lại xảy ra tai biến, liệu bị cáo Quốc có làm gì khác so với các lần trước không?

– Vì sao những lần trước sau khi bảo trì, súc rửa hệ thống RO2 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bị cáo Quốc không làm xét nghiệm AAMI mà người bệnh không chết mà lần này bị cáo Quốc cũng không làm xét nghiệm AAMI nhưng người bệnh lại chết?

– Vì sao Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chỉ bảo dưỡng hệ thống RO2 trong khi cả 2 hệ thống RO1 và RO2 đều được kết nối với nhau nên không thể bảo đảm chất lượng chạy thận nhân tạo của cả hệ thống, hư hỏng của hệ thống RO1 có thể ảnh hưởng đến hệ thống RO2 và ngược lại?

– Vì sao bị cáo Quốc sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCl) để lau chùi, sục rửa các cột lọc mà khi xét nghiệm lại chỉ có HF (đơn chất), không có HCL (cả HF và HCL là đa chất)? HCL (tính axit cao hơn HF) có phải cũng là nguyên nhân nữa dẫn bệnh nhân đến tử vong của 08 bệnh nhân không?

– Vì sao Vụ án chưa xét xử xong nhưng Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB lại cho phép Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phá bỏ hệ thống lọc nước RO (cả RO1 và RO2) để lắp đặt hệ thống mới, trong khi đây là vật chứng hết sức quan trọng của Vụ án?

Qua các câu hỏi trên, cần thiết phải điều tra bổ sung thông qua các biện pháp khoa học, khách quan:

– Thực nghiệm hiện trường pha loãng bao nhiêu lít axit HF với nồng độ bao nhiêu cho bể chứa RO dung tích 2000 lít của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để đạt được nồng độ như trên (hàm lượng Florua cao gấp 245 – 260 lần mức cho phép), thực nghiệm hiện trường pha loãng bao nhiêu lít a xit HF để có được dung dịch có pH từ 2,69 – 2,72; có phù hợp với lượng axit mà bị cáo Quốc sử dụng để súc rửa màng lọc RO hay không?; Thực nghiệm dung dịch a xít HF có pH 2,69 – 2,72 trên máy thận nhân tạo, đánh giá khả năng phá huỷ của dung dịch này với quả lọc thận … và một số nội dung khác cần tham khảo các chuyên gia về lĩnh vực y học, trang thiết bị y tế, hoá học, pháp y …

– Xác định rõ quy cách lấy mẫu, vị trí lấy mẫu như thế nào, quy trình lấy mẫu, người lấy mẫu có đúng quy định không; việc phân tích hàm lượng F- dựa trên phương pháp nào (dùng ICP phân tích các nguyên tố hay dùng phương pháp phân tích hóa học thông thường?) và được thực hiện ở phòng xét nghiệm nào?

– Cơ quan Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB có thực hiện giám định chất lượng toàn bộ hệ thống lọc nước RO1 và RO2 không? Tại sao không có luận giải liên quan đến hỏng hóc 3 van của hệ thống RO1? Cần thiết dựng lại hiện trường và tổ chức thực nghiệm.

– Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB giải thích ra sao về cơ chế tồn dư hóa chất HF trong hệ thống RO của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình?

– Đồng hồ đo độ dẫn của hệ thống RO2 có được kiểm định không? Cơ quan và phương pháp kiểm định? 02 màng lọc RO của hệ thống RO2 có được kiểm định không, Cơ quan kiểm định và phương pháp kiểm định?

– Xem xét toàn diện việc điều tra các hư hỏng của hệ thống RO1, RO2 để tìm ra đúng nguyên nhân của sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình?

– Tổ chức giám định lại pháp y hoặc trưng cầu giám định quốc tế trong trường hợp cần thiết?

Rất tiếc, tại phiên toà hôm đó, Hội đồng xét xử đã không mời đại diện Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB đến để làm rõ những nội dung khoa học mà Bộ Y tế kiến nghị, mà chỉ mời đại diện một số các nhà khoa học của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an (Viện KHHS-BCA) là cơ quan được trưng cầu giám định để phục vụ công tác điều tra. Do đó, một số luận cứ then chốt liên quan đến nguyên nhân tử vong, con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong vẫn chưa được làm sáng tỏ về khoa học.

Đại diện Viện KHHS-BCA đã giải thích bằng miệng (không có văn bản) tại Phiên tòa một số yếu tố khoa học có liên quan đến giám định nhưng không trả lời được các vấn đề mà Bộ Y tế đặt ra cho Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB. Một số giải thích của đại diện Viện KHHS-BCA chưa làm rõ được bản chất của nguyên nhân tử vong do ô nhiễm đơn chất hay đa chất, chưa luận giải được một số nội dung về các kết quả giám định mẫu nước, dung dịch, hoá chất đã thu giữ, quy trình và thực thi quy trình lấy mẫu…  Đặc biệt, đại diện Viện KHHS-BCA khẳng định trước Tòa là đã phát hiện ra 03 van của hệ thống nước RO1 bị hỏng nhưng chưa nêu được căn cứ khoa học để xác định 03 van bị hỏng này. Rất tiếc, đến đây Chủ tọa Phiên tòa đã chủ động dừng, không cho tranh tụng khoa học tiếp về vấn đề này (Đây là điểm mấu chốt sẽ làm thay đổi bản chất Vụ án nếu được chứng minh bằng thực nghiệm điều tra).

Như vậy, một trong những nội dung quan trọng nhất chưa được làm sáng tỏ là việc Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB và cơ quan giám định là Viện KHHS-BCA đã phát hiện ra 03 van bị hỏng nằm trên con đường nối tắt Bypass thuộc hệ thống RO1 nhưng Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB lại chưa điều tra, thực nghiệm điều tra hiện trường; chưa vẽ lại hoặc chụp ảnh toàn bộ hệ thống RO1, RO2 trong quá trình giám định; cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình dỡ bỏ vật chứng quan trọng của Vụ án là hệ thống RO1, RO2 sai với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Nhận định của các nhà khoa học về hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hoá học, độc chất và pháp lý của Bộ Y tế là việc hệ thống RO1 do hỏng 03 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào vòng tuần hoàn nước thành phẩm cho máy chạy thận nhân tạo là nguyên nhân khiến 08 người bệnh tử vong cũng không được làm rõ (Đây là tình tiết mới chưa có trong Kết luận điều tra).

Đến ngày 03/7/2019, Bộ Y tế mới nhận được Bản án Phúc thẩm số 20/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có nội dung liên quan đến kiến nghị của Bộ Y tế về phát hiện tình tiết mới trong Vụ án như sau:

“Quá trình xét hỏi, trình bày công khai tại phiên tòa phúc thẩm, sự đối đáp, trao đổi và làm rõ các vấn đề giữa đại diện Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự. Đã làm sáng tỏ các ý kiến mang tính giả thiết của Bộ Y tế, Viện Trang thiết bị thuộc Bộ Y tế về các nghi vấn về nguyên nhân tử vong của 08 bệnh nhân trong sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, về con đường tồn dư hóa chất và các đề nghị, kiến nghị của Bộ Y tế … là không có cơ sở khoa học và không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Một lần nữa tại phiên tòa phúc thẩm, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã luận giải một cách khoa học, biện luận với đầy đủ luận cứ cũng như trình bày lại về phương pháp tiến hành giám định. Để đưa ra được các kết luận giám định là chứng cứ nền tảng then chốt trong vụ án. Các kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an có trong hồ sơ vụ án là chính xác và khoa học, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Điều này bác bỏ hoàn toàn các lập luận, giả thiết mà Bộ Y tế nêu ra trong các văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng. Viện khoa học hình sự khẳng định tại phiên tòa phúc thẩm và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của các kết luận giám định của Viện khoa học hình sự.

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy các quan điểm và ý kiến của Bộ Y tế là chưa bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ và không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về chứng cứ thì các quan điểm của Bộ Y tế, Viện trang thiết bị không được xác định là chứng cứ, nên không xét đến”.

Việc Hội đồng xét xử chưa xem xét nghiêm túc tại Phiên tòa các kiến nghị khoa học bằng các luận giải khoa học mà đã khẳng định các kiến nghị của Bộ Y tế “là không có cơ sở khoa học” là không bảo đảm khoa học pháp lý, khoa học xét xử. Thêm vào đó, Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB không trả lời kiến nghị của Bộ Y tế nhưng Hội đồng xét xử lại nhận định “Điều này bác bỏ hoàn toàn các lập luận, giả thiết mà Bộ Y tế nêu ra trong các văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng” cũng là ngụy biện.

Như vậy, Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình và Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đều chưa chứng minh được nguyên nhân tử vong, cũng như con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong bằng khoa học từ kiến nghị của Bộ Y tế nhưng vẫn tuyên án. Do đó, Bản án phúc thẩm này không có giá trị khoa học và không thuyết phục.

Bản án trên đã lại một lần nữa gây dậy sóng dư luận xã hội, gây ra tâm lý bất an cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cả nước, những người đang hàng ngày trực tiếp cứu chữa, điều trị, chăm sóc người bệnh bởi vì bất kỳ sự cố y khoa nào xảy ra thì cán bộ, nhân viên y tế nào trực tiếp liên quan đều có khả năng gánh chịu trách nhiệm pháp lý hình sự, bất kể là người làm công tác quản lý, điều hành phụ trách chuyên môn y tế của cơ sở y tế hay người trực tiếp tham gia công tác cứu chữa, điều trị, chăm sóc người bệnh cũng như những người gián tiếp cung cấp dịch vụ có liên quan đến công tác y tế thông qua việc thực hiện công tác xã hội hóa trong cơ sở y tế do Đảng và Nhà nước khuyến khích, phát triển trong thời gian vừa qua.

Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ toàn bộ quá trình giải quyết đối với phát hiện mới do Bộ Y tế kiến nghị liên quan đến bản chất Vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Nhân dân, trang 5; Tiền phong, trang 13; Lao động, trang 1).

 

Báo động dịch sốt xuất huyết lan rộng trên Tây Nguyên

Bệnh sốt xuất huyết lan rộng khắp khu vực Tây Nguyên, gây ra 2 ca tử vong tại Đắk Lắk. Người dân cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực chống dịch.

Hơn 12.000 ca bệnh sốt xuất huyết

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, chị L.T.H (SN 1983, trú tại phường Khánh Xuân) cho biết, chị mới xuất viện được vài hôm. “Đầu tháng 8, tôi đi làm về thấy miệng khô rát, đau nhức khắp người… Do chủ quan nên không đi điều trị sớm. Đến khi bệnh nặng mới đưa đi bệnh viện. Bác sĩ nói, chỉ cần đến viện chậm hơn chút nữa là nguy đến tính mạng”.

Ở tổ dân phố 6, phường Khánh Xuân có hàng chục gia đình có người bị sốt xuất huyết phải cấp cứu nhiều ngày nay. Báo cáo nhanh từ Trung tâm Y tế Dự phòng (thuộc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk): Tính đến ngày 6/8/2019, toàn tỉnh ghi nhận 9.391 ca bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, TP Buôn Ma Thuột có 3.643 ca (phường Khánh Xuân chiếm tỷ lệ cao nhất với 348 ca bệnh; phường Thành Nhất 299 ca…); huyện Krông Năng 1.045 ca; huyện Buôn Đôn 1.095 ca; huyện Cư M’gar 758 ca…

Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các phòng bệnh chật kín bệnh nhân vào những ngày cuối tuần. Thiếu giường bệnh trong khi các bệnh nhân ngày một tăng, bệnh viện buộc phải kê thêm nhiều giường dọc khu vực hành lang để điều trị.

Để giải quyết vấn đề quá tải, trước mắt Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên dành hẳn 4 khoa để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, điều động nhân sự của tất cả khoa khác phối hợp với khoa Xét nghiệm vận động hiến máu tình nguyện, thu gom máu, chuẩn bị sẵn máu, huyết tương tươi… phục vụ việc điều trị UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn chỉ đạo Sở Y tế phải ráo riết diệt loăng quăng, bọ gậy.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết: “Năm nay bệnh viện tiếp nhận số ca bệnh tăng đột biến. Đội ngũ y bác sĩ phải tăng ca, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người bệnh” .

Theo báo cáo nhanh từ Sở Y tế Đắk Nông, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 2.681 ca bệnh sốt xuất huyết (tăng 18,71 lần so với cùng kỳ năm 2018). Dịch bệnh có mặt ở 68/71 xã phường, trong đó huyện Đắk G’long chiếm tỷ lệ cao nhất với 949 người; huyện Đắk R’Lấp 649 người; huyện Cư Jút 423 người… Địa phương cũng đang triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Biện pháp trước mắt là tiến hành diệt bọ gậy trên toàn tỉnh. Tiếp đến, chúng tôi tăng cường cán bộ xuống cơ sở để xử lý dứt điểm các ổ dịch. Tiếp tục tập huấn, truyền thông để người dân tự bảo vệ mình, nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh”.

Ở Việt Nam hiện nay có tới 2.500 loài muỗi, nhưng chỉ có muỗi Ea Des Aegypti, muỗi Culex và muỗi Anophen là gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là muỗi vằn. Loài muỗi này sinh trưởng trong môi trường nước 7 ngày, tuổi thọ 20 ngày, nhưng mỗi con sinh sản tới 500 trứng.

“Muỗi vằn thường sống ở môi trường nước sạch, nhất là nước mưa và không sống trong bụi rậm. Chỉ ở loanh quanh nhà. Muỗi thường đậu ở áo quần có mùi hôi, không đậu ở tường. Khi có người xuất hiện, lập tức tấn công ngay. Chu kỳ sinh trưởng của muỗi là trứng nở thành loăng quăng, bọ gậy và muỗi. Diệt được nơi sinh sản của muỗi là biện pháp phòng ngừa tốt nhất” – Bác sĩ Lào cho biết. (Tiền phong, trang 7).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/7/2019

CDC Hà Nam

Bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 19/8/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận