Điểm báo ngày 07/9/2020

(CDC Hà Nam)
Ca nghi nhiễm Covid -19 ở Đà Nẵng dương tính với kháng thể; Đảm bảo tốt nhất điều kiện an ninh, y tế phục vụ Đại hội đồng AIPA-41; TP. HCM có ca tử vong do sốt xuất huyết: Lưu ý các ca bệnh trẻ lớn; Sốt xuất huyết vào mùa, nhiều bệnh nhi biến chứng nặng…

Ca nghi nhiễm Covid -19 ở Đà Nẵng dương tính với kháng thể

Tối 6/9, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp test nhanh và phương pháp Mac Elisa cho thấy bệnh nhân nghi nhiễm có kết quả dương tính với kháng thể.

Ngành y tế xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Mac Elisa với em trai, vợ, con gái của bệnh nhân và cũng cho kết quả dương tính. Còn kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là âm tính với nCoV.

“Kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể, nghĩa là trong quá khứ bệnh nhân từng nhiễm SARS-CoV-2”, Sở Y tế Đà Nẵng nhận xét.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và ba người nhà dương tính với kháng thể cần có thêm cơ sở khoa học và ý kiến chuyên môn, Sở Y tế Đà Nẵng nói và cho biết sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo.

Bệnh nhân hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang và tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày tới. Những người có liên quan tiếp tục được rà soát để xét nghiệm, trong đó sáu người đã được cách ly tập trung.

Trước đó, bệnh nhân nghi nhiễm từng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đầu tháng 7. Ngày 5/9, ông bị ho, sốt và được đưa vào Bệnh viện C Đà Nẵng cấp cứu.

Bệnh viện C đã lấy mẫu xét nghiệm nCoV và sáng ngày 6/9 có kết quả dương tính. Mẫu bệnh phẩm này tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng làm xét nghiệm, kết quả dương tính.

Trong ngày 6/9, Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang, nơi đang điều trị cho bệnh nhân, lấy mẫu lức 8h45; kỹ thuật viên CDC Đà Nẵng lấy mẫu lúc 9h và hai kết quả xét nghiệm được CDC thực hiện đều cho kết quả âm tính vào chiều cùng ngày.

Quận Ngũ Hành Sơn đã phong toả toàn bộ khu vực 7 hộ dân xung quanh nơi ở của ca nghi nhiễm, phun hoá chất khử khuẩn để đảm bảo quy trình về phòng chống dịch bệnh.

Kết quả xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR với 7 người khác, gồm con rể, hai cháu ngoại ở cùng nhà ít tiếp xúc với bệnh nhân; em dâu và ba người có liên quan cũng âm tính với nCoV.

RT-PCT là phương pháp xét nghiệm mục đích để tìm kháng nguyên (tác nhân gây bệnh – nCoV) có tồn tại trong cơ thể và có khả năng lây nhiễm tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm hay không.

Xét nghiệm tìm kháng thể là khi người từng mắc bệnh do kháng nguyên gây ra, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để đáp ứng lại kháng nguyên đó.

Xét nghiệm tìm kháng nguyên là xác định tại thời điểm xét nghiệm, cơ thể có nhiễm kháng nguyên hay không. Xét nghiệm kháng thể là để tìm kháng thể, được sinh ra khi cơ thể từng tiếp nhận kháng nguyên. (Sài Gòn giải phóng, trang 9; Công an nhân dân, trang 1; Thanh niên, trang 3).

 

Đảm bảo tốt nhất điều kiện an ninh, y tế phục vụ Đại hội đồng AIPA-41

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban An ninh – Y tế ASEAN 2020 vừa trực tiếp kiểm tra, khảo sát công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (Đại hội đồng AIPA-41) sẽ diễn ra tại Hà Nội bằng hình thức trực tuyến từ ngày 08 đến 10/9/2020. Báo cáo với đồng chí Thứ trưởng, Cơ quan Thường trực Tiểu ban cho biết: Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phân luồng, phân tuyến, sắp xếp phương tiện ở khu vực diễn ra Đại hội; các lực lượng sẵn sàng xử lý tình huống tập trung đông người tuần hành trái pháp luật, khiếu kiện đông người không đúng nơi quy định hoặc lợi dụng Đại hội đồng AIPA-41 để tiến hành gây rối trật tự công cộng ở khu vực Trung tâm Hội nghị quốc tế, Nhà Quốc hội… Các đơn vị chức năng cũng đã triển khai lắp đặt các thiết bị, phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng cho công tác đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin tại Đại hội trực tuyến; công tác phòng cháy, chữa cháy được rà soát và tiến hành, đồng thời kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở các phòng họp, Trung tâm báo chí của Đại hội, bố trí cán bộ, phương tiện ứng trực phòng cháy, chữa cháy…

Bên cạnh đó, việc đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội cũng đã được Bộ Y tế triển khai với các nhiệm vụ trọng tâm như bố trí cán bộ y, bác sỹ, các thiết bị y tế, cơ số thuốc, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe đại biểu…

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bùi Văn Nam đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị chức năng cũng như khối lượng công việc mà Tiểu ban đã thực hiện cho đến nay. Đồng tình với những công việc mà Thường trực Tiểu ban đã nêu về công tác đảm bảo an ninh, trật tự và y tế, Thứ trưởng Bùi Văn Nam yêu cầu Tiểu ban An ninh – Y tế ASEAN 2020 phải thống nhất nhận thức việc đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh y tế là hết sức quan trọng và cấp bách; do đó, cần quán triệt tinh thần đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên tham gia đến công tác chuẩn bị và phục vụ Đại hội.

Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin, viễn thông… phải đảm bảo an ninh tốt nhất về đường truyền, an toàn thông tin và xử lý khi có sự cố xảy ra. Cơ quan Thường trực Tiểu ban tiếp tục bổ sung các ý kiến đóng góp tại buổi kiểm tra vào kế hoạch để có sự phân công thật cụ thể tới các đơn vị tham gia…

Về công tác y tế, không được chủ quan với tình hình dịch bệnh Covid-19; công tác phòng ngừa, kiểm soát, phát hiện phải chú ý, đặc biệt là khi các đại biểu đến dự Đại hội; việc khai báo y tế phải được tính toán một cách thuận lợi nhất để không ảnh hưởng đến Đại hội… (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

TP. HCM có ca tử vong do sốt xuất huyết: Lưu ý các ca bệnh trẻ lớn

Một thiếu nữ 16 tuổi ở quận 7, TP.HCM mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM dự báo sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần tiếp tục tăng theo mùa.

Thông tin được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố tối 5-9.

Theo ThS.BS Lê Hồng Nga – trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC, giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau, với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.

Dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần tiếp tục tăng theo mùa.

Nếu toàn thể cộng đồng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, nguy cơ xảy ra các ổ dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM rất lớn.

ThS Hồng Nga nhấn mạnh bên cạnh phòng bệnh, việc phát hiện sớm bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách cũng rất quan trọng.

Tháng 8 vừa qua, TP.HCM ghi nhận một bệnh nhân nữ 16 tuổi, ngụ quận 7 tử vong vì sốt xuất huyết. Một số tỉnh thành khác cũng ghi nhận các trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết khác với các bệnh truyền nhiễm khác và diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5 – 7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi và điều trị phù hợp.

Không nên vì COVID-19 mà ngại tới cơ sở y tế khám bệnh vì hiện các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường với bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. (Tuổi trẻ, trang 1).

Sốt xuất huyết vào mùa, nhiều bệnh nhi biến chứng nặng

Giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau, với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.

Tối 5/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM vừa công bố trường hợp tử vong của một thiếu nữ 16 tuổi ở Quận 7, TP.HCM do mắc bệnh sxh. Các bác sĩ cho biết, trường hợp này nhập viện muộn và đã diễn tiến nặng trước khi nhập viện. Đồng thời, các bác sĩ cũng phát đi cảnh báo người dân không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết đặc biệt là các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, không tự ý điều trị tại nhà.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cảnh báo số ca bệnh sốt xuất huyết hàng tuần tiếp tục tăng theo mùa trong thời gian sắp tới. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 8, TP.HCM đã có gần 500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng ở hầu hết các quận huyện. Đáng nói, tại các BV Nhi, nhiều trẻ trong tình trạng nặng.

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết khác với các bệnh truyền nhiễm khác và diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5 – 7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi và điều trị phù hợp. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế phấn đấu đưa cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức tại Hà Nam đi vào hoạt động trong năm 2020

Để tăng cường năng lực cho Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế đã giao đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Ban Quản lý dự án. Thông tin này được GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác đưa ra tại buổi làm việc về tình hình triển khai dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 ngày 5/9 ở Hà Nam

Cùng tham gia đoàn công tác về phía Bộ Y tế có PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng/Thanh tra Bộ Y tế; lãnh đạo BV Bạch Mai và BV Việt Đức.

Về phía tỉnh Hà Nam, tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế có đống chí Lê Thị Thanh Hà- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Đinh Thị Lụa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

Trước khi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi khảo sát thực tế và lắng nghe báo cáo một số nội dung thi công, lắp đặt các hạng mục ngay tại công trình 2 BV

Người dân mong mỏi cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức đi vào hoạt đông, chúng ta phải làm sao nỗ lực để đáp ứng mong mỏi đó

Lắng nghe ý kiến thảo luận của các đồng chí tham dự cuộc làm việc, phát biểu kết luận buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn đến chính quyền, nhân dân Hà Nam đã ủng hộ, hỗ trợ Bộ Y tế trong triển khai thi công hai dự án 2 BV này.

Theo Quyền Bộ trưởng, việc xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức nhằm đáp ứng, việc giảm tải cho các cơ sở y tế của Hà Nội và cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng tương xứng cơ sở 1 cho nhân dân khu vực này. Vì vậy Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh các đồng chí lãnh đạo BV  Bạch Mai và BV Việt Đức phải coi đây là một khối thống nhất để đưa nguồn nhân lực có chất lượng về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân

“Người dân mong mỏi cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức đi vào hoạt đông càng sớm càng tốt để được thụ hưởng dịch vụ y tế có chất lượng tại địa phương. Vì vậy chúng ta phải làm sao nỗ lực để đáp ứng mong muốn đó”- Quyền Bộ trưởng yêu cầu

Cũng theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc sớm đưa cơ sở 2 của 2 BV vào hoạt động là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Y tế hiện nay. Do đó, Quyền Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế tập trung toàn bộ lực lượng để chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ.

“Để tăng cường sức mạnh cho Ban Quản lý dự án, Bộ Y tế đã kiện toàn Ban Quản lý dự án. Theo đó Bộ Y tế giao đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Ban Quản lý dự án (tăng cường cấp lãnh đạo cao hơn cho Ban Quản lý dự án so với trước). Đồng thời thay thế lãnh đạo hiện tại của hai BV vào Ban Quản lý; bổ sung thêm 2 đồng chí phó giám đốc cho Ban Quản lý dự án”- GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết đồng thời nhấn mạnh quan điểm “chúng ta không chờ bàn giao hết mà mặt bằng nào hoàn thiện thì bàn giao ngay giữa Ban Quản lý dự án và 2 BV, tuy nhiên cũng cần lưu ý đến hoàn thiện thủ tục về phòng cháy chữa cháy, môi trường, xả thải…”

Đối với 2 BV, Quyền Bộ trưởng yêu cầu trình ngay Bộ Y tế  (đầu mối Vụ Tổ chức cán bộ) phương án tổ chức bộ máy đi kèm kế hoạch lộ trình từng thời gian về sử dụng cán bộ của cơ sở 2. Theo đó, trong tháng 9, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế phải trình Ban cán sự Bộ Y tế nội dung này.

Đối với các đơn vị liên quan trực thuộc của Bộ Y tế như Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Bảo hiểm y tế, Quyền Bộ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam bàn thảo, trao đổi về việc thực hiện chính sách khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định.

Liên quan đến danh mục thuốc BHYT, thanh toán BHYT, tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng thông tin, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã làm việc và thống nhất sẽ do BHXH TP Hà Nội phụ trách cơ sở 2 của 2 BV.

Về thiết bị y tế, Quyền Bộ trưởng yêu cầu trong tháng 9 phải thực hiện đấu thầu. Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng thẩm định những thiết bị đã nhập về “chúng ta không thể đợi hoàn chỉnh mà có trang thiết bị đến đâu thì thẩm định đến đó”- Quyền Bộ trưởng nói

Về cấp phép hoạt động của cơ sở 2, phải làm theo đúng quy định. Đối với các hạng mục phòng cháy chữa cháy, xử lý xả thải, môi trường… Quyền Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án để tháo gỡ , triển khai cấp phép càng nhanh càng tốt

“Ví như BV Bạch Mai đã bàn giao phòng khám thì bây giờ bàn giao thêm khu nội trú để đưa vào hoạt động trở lại phòng khám. Chúng tôi coi dịch vụ khám chữa bệnh tại đây tương đương với khám chữa bệnh tại cơ sở 1”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về nhân lực, ngoài lực lượng cứng là các chuyên gia của BV Bạch Mai và BV Việt Đức, Quyền Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hà Nam tạo điều kiện về nhân lực, tuy nhiên 2 BV cần làm việc kỹ với tỉnh để có sự hỗ trợ phù hợp.

Quyền Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu, trao đổi với địa phương và 2 BV để xây dựng trước mắt khu nhà ở, lưu trú cho cán bộ về làm vệc tại cơ sở 2. Yêu cầu 2 BV làm việc, bàn thảo kỹ với địa phương cần cụ thể các dịch vụ phụ trợ gì để đảm bảo hoạt động cho cơ sở 2, trong đó lưu ý cả vấn đề đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động của BV

Đối với dự án BV Lão Khoa cơ sở 2 tại Hà Nam, Quyền Bộ trưởng thông tin, Bộ Y tế quyết tâm khởi công trong năm nay. Liên quan đến cơ sở 2 của Trường Đại học Y Hà Nội,  Bộ Y tế sẽ làm việc lại với nhà trường và sẽ có làm việc riêng với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về nội dung này.

“Chúng tôi quyết tâm  theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng trong năm nay đưa vào hoạt động những phần quan trọng của cơ sở 2 BV Bạch Mai và BV Việt Đức”- Quyền Bộ trưởng khẳng định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Tròn 4 ngày không có ca mắc mới ở cộng đồng, thông tin về ca nghi nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng

Bản tin chiều ngày 6/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận. Như vậy, đến nay đã tròn 4 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Ban Chỉ đạo cũng đã thông tin về ca nghi nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng. Trong ngày có 10 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng số ca khỏi tại Việt Nam lên 815. Số ca mắc ở Việt Nam:

– Tính đến 18h ngày 06/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

– Tính từ 6h đến 18h ngày 06/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Về ca nghi nhiễm nam, 64 tuổi, có địa chỉ tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, có tiền sử điều trị tại BV Chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng (29/6-5/7) và khoa Lão, BV Đà Nẵng (6/7-12/7), có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 5/9:

Ngày 6/9, CDC Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm lại 2 lần, kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.
Hiện nay ngành Y tế Đà Nẵng đang làm thêm một số xét nghiệm để khẳng định. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.620, trong đó:

– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 830

– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.006

– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 24.784

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị-  Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: trong ngày, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang công bố khỏi bệnh đối với 10 bệnh nhân mắc COVID-19. Cụ thể:

6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gồm:

– Bệnh nhân 755 (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, ĐN),

– Bệnh nhân 846 (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, ĐN),

– Bệnh nhân 434 (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, ĐN),

– Bệnh nhân 956 (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, ĐN),

– Bệnh nhân 870 (phường Điện Hồng, quận Điện Bàn, Quảng Nam),

– Bệnh nhân 914 (Thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi).

Tất cả 6 bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần với SARS-CoV-2.

4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Hoà Vang gồm:

– Bệnh nhân số 689 (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê),

– Bệnh nhân số 889 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu),

– Bệnh nhân số 941 (thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang),

– Bệnh nhân số 1014 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê).

4 bệnh nhân trên đều có kết quả âm tính 3 lần trở lên với SARS-CoV-2 và không có dấu hiệu sốt, ho, khó thở đủ điều kiện công bố khỏi bệnh COVID-19:

Sau khi được công bố khỏi bệnh, các bệnh nhân được cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nơi cư trú theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 815 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19/ 1.049 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 19 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 27 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 24 ca, số ca âm tính lần 3 là 35 ca.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, hiện nay còn có 03 bệnh nhân tại BV Dã chiến Hoà Vang, mặc dù đã công bố khỏi COVID-19 do kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch là 416, 888, 763. Riêng bệnh nhân  416 vẫn trong tình trạng ECMO phổi nhân tạo, bệnh nhân 888 lâm sàng  có cải thiện.

Hiện có 6 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (2,9%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/6 trường hợp (2,4%), và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp (0,5%).

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Nhân dân, trang 7).

 

Truy vết gần 1.900 người là F1, F2 qua Bluezone

Chiều 4-9, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ 39 bệnh nhân nhiễm Covid-19 có cài Bluezone, hệ thống đã truy vết được 1.891 người nghi nhiễm (F1) và người nghi tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2) để bổ sung cho danh sách truy vết bằng biện pháp điều tra dịch tễ.

Trong đó, tỉnh Hải Dương là địa phương mà Bluezone truy vết được nhiều người tiếp xúc gần nhất, hơn 1.000 trường hợp, chiếm trên 50%.

Cũng theo Cục Tin học hóa, hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện có cài và sử dụng Bluezone chiếm khoảng 24%. Tỷ lệ người cài đặt Bluezone hiện nay mới chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Trong khi đó, nếu số lượng bệnh nhân có cài và sử dụng Bluezone tăng lên thì số lượng truy vết được sẽ nhiều hơn, công tác truy vết sẽ càng hiệu quả, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ giảm. Cơ quan y tế cũng sẽ khoanh vùng chính xác, phạm vi cách ly sẽ hợp lý hơn, không cần thiết phải cách ly hàng nghìn người như trước đây.

Vì vậy, Cục Tin học hóa đề nghị, với nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, bệnh nhân và người đến thăm, khám sức khỏe cần cài đặt và sử dụng Bluezone. Tương tự, với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên nên cài đặt và sử dụng Bluezone.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

 

                         Loạn làm giả, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược

Đã có nhiều vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt, thậm chí chuyển cơ quan điều tra bởi gây hậu quả chết người… nhưng thực tế nạn làm giả, thuê mướn chứng chỉ hành nghề liên quan lĩnh vực sức khỏe vẫn nhức nhối. Không khó để nhận diện sự nhức nhối này, nhưng điều lạ là nó vẫn tồn tại nhiều năm nay trong sự “kêu khó” của cơ quan chức năng.

Rao “mua, bán” công khai trên mạng

Chỉ cần lên mạng gõ dòng chữ ” Thuê chứng chỉ hành nghề y, dược” là lập tức có hàng chục triệu kết quả liên quan. Trong đó, nổi bật là trang muabanyduocsg.com với những lời rao công khai của cả người cần thuê và cho thuê, như “Có CCHN do Sở Y tế TP.HCM cấp, muốn được hợp tác kinh doanh với người có nhu cầu, liên hệ Tr. qua số 09381595x”, “Mình tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, kinh nghiệm nghề 15 năm. CCHN Dược do Sở Y tế TP.HCM cấp, mình cần hợp tác với chủ đầu tư mở công ty, nhà thuốc khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…”.

Trong vai người đang cần cho thuê CCHN y học cổ truyền, PV gọi vào số 098233451x, thì một phụ nữ xưng tên Đỗ Thủy, dò hỏi: “Anh ở tỉnh nào? CCHN được cấp bao lâu rồi? Hiện anh đang công tác ở đâu…”. Nghe PV trả lời đang công tác tại một bệnh viện công ở TP.HCM, CCHN trên 5 năm, bà Thủy yêu cầu kết bạn trên Zalo, chụp CCHN gửi cho bà xem nhằm kiểm chứng.

“Bà thuê giá bao nhiêu?”, PV đặt vấn đề. “Thường thường nếu bác sĩ có CCHN giá 5 triệu đồng/tháng. Nếu “ok”, sẽ có hợp đồng ràng buộc giữa hai bên. Trong hợp đồng, anh yêu cầu nội dung gì thì hai bên sẽ thỏa thuận, rồi đi đến thống nhất. Ví dụ, hiện “nóng” chuyện phòng khám (PK) Trung Quốc thì anh yêu cầu không được cho bác sĩ Trung Quốc vào làm, hay là không được làm quá danh mục, kỹ thuật cho phép…”, bà Thủy nói rồi khẳng định hợp đồng sẽ được tính toán kỹ để “không bên nào thiệt thòi”… (Thanh niên, trang 1).

 

Nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai: Trắng trợn móc túi người bệnh

“Việc đầu tư máy móc như vậy là hoạt động phi pháp, không phù hợp với quy định của pháp luật, móc túi trắng trợn đối với người bệnh. Có thể nói đây là một hình thức trục lợi vô nhân đạo, không thể chấp nhận được”, TS Bùi Ðức Thụ phân tích.

TS Bùi Ðức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong sau vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ðầu tư liên kết siêu lợi nhuận

Vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Mạch Mai vừa qua đang gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Từng tham gia giám sát về hoạt động xã hội hóa lĩnh vực y tế, ông thấy sao về thực trạng này?

Trước tiên, xã hội hóa nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng là rất cần thiết. Bởi nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân rất lớn, mức chi ngân sách cho y tế rất lớn, mỗi năm tăng 10% nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi lĩnh vực khám chữa bệnh, nếu máy móc thiết bị thiếu, phát hiện bệnh chậm thì có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, đến sự sống còn của người dân.

Để phát triển ngành Y tế, trong những năm gần đây chúng ta đã thực hiện chủ trương xã hội hóa, xây dựng khuôn khổ pháp lý, khuyến khích đầu tư vào y tế. Nhờ vậy những năm gần đây các bệnh viện tư đã xuất hiện, giải quyết được nhu cầu khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe của nhân dân rất nhiều. Ngay cả trong các bệnh viện công, do nguồn lực nhà nước có hạn, trong khi vẫn phải cần hiện đại hóa trang thiết bị cho bệnh viện. Với mức phí cũng như cơ chế bảo hiểm như hiện nay, để cung ứng lực lượng kinh phí cho hoạt động của các bệnh viện, cũng như nguồn viện phí của người không có bảo hiểm y tế, thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa đối với các bệnh viện công thuộc quyền sở hữu nhà nước.

Chính vì vậy chúng ta đã tiến hành xã hội hóa ngay trong bệnh viện công. Chẳng hạn như, thiếu phương tiện thì có thể cho phép các thành phần kinh tế đầu tư cùng với bệnh viện, chia sẻ lợi ích, qua đó bệnh viện có thêm phương tiện, hiện đại hóa ngành và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Khi còn làm ở Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đi giám sát hoạt động ngành Y tế, tôi thấy nhờ việc đặt máy đó, trang thiết bị ở bệnh viện công có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, chủ trương đúng, nhưng giải pháp và cơ chế thực hiện của chúng ta có vấn đề. Vụ việc vừa qua báo chí đưa tin, mua các loại máy móc thiết bị hiện đại, liên kết liên doanh với bệnh viện. Qua đó thu hồi siêu lợi nhuận dưới hình thức nâng giá máy lên 3 – 4 lần… Đặc biệt, tất cả viện phí đều được phân bổ và đổ lên đầu người bệnh. Việc đầu tư máy móc như vậy là hoạt động phi pháp, không phù hợp với quy định của pháp luật, móc túi trắng trợn đối với người bệnh. Trong số đó có người bệnh hiểm nghèo, ở hoàn cảnh hết sức khó khăn, phải gánh giá quá cao bất hợp lý. Có thể nói đây là một hình thức vô nhân đạo, không thể chấp nhận được.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?  

Đối với người dân, dược phẩm và các lĩnh vực khác, nói giá bao nhiêu người ta thanh toán bấy nhiêu thôi. Bệnh nhân hoàn toàn tin tưởng vào người chữa bệnh, tin tưởng vào nhà nước, nhất là đối với bệnh viện công, bệnh viện lớn như Bạch Mai. Trong thời khắc sinh tử, kể cả không có, người dân vẫn phải bán nhà đi lo viện phí, đòi giá bao nhiêu cũng phải trả, trừ khi không lo được nữa mới đành trở về nhà, chấp nhận chờ chết. Người ta đã lợi dụng niềm tin của người bệnh để móc túi trắng trợn.

Chia chác kiểu cổ phần?

Trước thực trạng trên, theo ông cần phải làm gì để ngăn chặn những sai phạm tương tự tại các bệnh viện?

Trước tiên cần phải tuyên truyền cho mọi người dân, các bác sĩ cần tư vấn, mỗi ca bệnh, mỗi lần điều trị như vậy tiền là bao nhiêu, sử dụng cái nào bảo hiểm, cái nào cần phải tự thanh toán… Đặc biệt, đối với thầy thuốc không chỉ là công tác chuyên môn, mà y đức là điều hết sức quan trọng. Thầy thuốc là người trực tiếp sử dụng các phương tiện đó cứu người, phải có lương tâm, trách nhiệm khuyên bảo đối với mỗi người dân. Đồng thời lương tâm cũng phải trỗi dậy để ngăn chặn những trường hợp sống trên lưng người bệnh, như trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai. Đặc biệt, tình trạng trên đã kéo dài trong hàng chục năm chứ không phải bây giờ mới xảy ra.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ, chi phí bệnh viện đều do nhà nước quản lý. Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bây giờ phải rà soát lại hệ thống quy định pháp luật, khâu tổ chức thực hiện, tại sao một chủ trương trúng và đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn phải làm nhưng lại xảy ra những hậu quả đau lòng, buồn phiền như vậy? Phải xem lỗi ở chỗ nào, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quản lý giá thuốc, giá dịch vụ khám chữa bệnh thế nào mà lại để đội giá lên nhiều lần như thế?

Vậy theo ông chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Các cơ quan thanh tra, trước hết Thanh tra Chính phủ, rồi thanh tra tài chính các cơ quan, theo chức năng nhiệm vụ của mình phải vào cuộc làm rõ. Nếu sơ hở về cơ chế chính sách thì kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, ngăn chặn tình trạng đó. Do đây là mặt hàng nhà nước quản lý, nên trước hết phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, và trách nhiệm của các tổ chức liên quan.

Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý công khai, nghiêm minh theo pháp luật. Điều này vừa đảm bảo cho sự tôn nghiêm của pháp luật, vừa có tính chất răn đe, rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh những trường hợp tương tự chạy theo lợi nhuận bất chính, gây phương hại đến lợi ích chính đáng của người dân. Đặc biệt, phải tùy theo mức độ vi phạm, nếu vi phạm nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm kinh tế, mà còn có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự, để thắt chặt kỷ luật, chấn chỉnh công tác xã hội hóa nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng.

Trong bối cảnh hiện nay càng cần phải xử lý nghiêm, tạo môi trường thu hút đầu tư lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư, bệnh viện cũng như lợi ích của người dân. Phải lấy sự hài hòa lợi ích đó làm cái gốc, làm điểm tựa thì mới duy trì chính sách đảm bảo bền vững, lâu dài được.

Có ý kiến cho rằng, sau vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, cần thiết phải rà soát xem những trường hợp tương tự có xảy ra ở các bệnh viện khác không, đặc biệt đối với các bệnh viện công lớn hiện nay?  

Tôi được biết việc đặt máy chiếu chụp, soi, làm xét nghiệm… có biểu hiện của sự gắn kết giữa lãnh đạo bệnh viện, giữa thầy thuốc khám chữa bệnh với người đầu tư, bỏ tiền mua các phương tiện thiết bị đó. Trước kia có việc liên kết, thao túng nhập khẩu thuốc, chúng ta đã xử lý rồi. Bây giờ, theo một số bác sĩ bệnh viện phản ánh, rằng họ cũng muốn bỏ vốn liên kết, cũng muốn bỏ tiền mua máy đặt vào bệnh viện. Tuy nhiên, với cán bộ nhân viên bình thường thì không được, mà ở đây có sự chia chác kiểu cổ phần, ông to được bỏ vốn nhiều, ông bé được bỏ vốn ít. Rồi gắn kết với bên ngoài để hợp thức hóa cũng có.

Như vậy, phải khẳng định việc đầu tư vào các phương tiện khám chữa bệnh ở các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện công là lĩnh vực đầu tư béo bở, siêu lợi nhuận bằng con đường bất chính, nâng giá khống máy lên, nâng khống giá dịch vụ khám chữa bệnh, chiếu, chụp cũng như xét nghiệm… qua việc sử dụng các phương tiện đó.

Theo pháp luật quy định, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hệ thống thanh tra có thẩm quyền, trách nhiệm vào cuộc làm rõ. Bây giờ qua báo chí, qua dư luận và qua thực tiễn phản ánh của một số cán bộ ngành y tế như vậy, tôi cho đã có đầy đủ cơ sở để thanh tra vào cuộc. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chỉ dừng ở cơ quan thanh tra, mà cơ quan điều tra cũng có quyền khởi tố điều tra, làm rõ vấn đề.

Cảm ơn ông.

“Ðể xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bây giờ phải rà soát lại hệ thống quy định pháp luật, khâu tổ chức thực hiện, tại sao một chủ trương trúng và đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn phải làm nhưng lại xảy ra những hậu quả đau lòng như vậy? Phải xem lỗi ở chỗ nào, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quản lý giá thuốc, giá dịch vụ khám chữa bệnh thế nào mà lại để đội giá lên nhiều lần như thế?”.

“Phải khẳng định việc đầu tư vào các phương tiện khám chữa bệnh ở các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện công là lĩnh vực đầu tư béo bở, siêu lợi nhuận bằng con đường bất chính, nâng khống giá máy móc, giá dịch vụ khám chữa bệnh”. (Tiền phong, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/7/2020

CDC Hà Nam

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 12 Giờ 00, ngày 02/02/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/6/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận