Điểm báo ngày 07/9/2021

(CDC Hà Nam)
Chậm sử dụng vắc-xin tại 4 tỉnh, thành phía Nam: Ðâu là nguyên nhân?; Quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9; Lý do những người đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn chưa thể tự do đi lại; Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; Dùng vắc-xin Pfizer chích ngay cho người đã tiêm Moderna

Chậm sử dụng vắc-xin tại 4 tỉnh, thành phía Nam: Ðâu là nguyên nhân?

Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc-xin COVID-19 với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Riêng TPHCM, Ðồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% vắc-xin trên cả nước. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến về đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì với 4 địa phương gồm: TPHCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương.

Bốn địa phương nhận 45% số vắc-xin trên cả nước

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đến nay, TPHCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc-xin đủ để bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% để tiêm cho mũi 1. Đến ngày 5/9, 4 địa phương trên đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều vắc-xin và đã tiêm hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%).

Cục Y tế dự phòng cho biết, TPHCM tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc-xin (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ sử dụng vắc-xin đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ. Đồng Nai tiêm gần 826.000 liều/gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỷ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.

Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu). Tỷ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc “vùng đỏ” được tiêm vắc-xin. Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin, tỷ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng đề cập đến nguyên nhân tỷ lệ sử dụng vắc-xin tại các tỉnh, thành phố này còn thấp. Đại diện lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay, điều này một phần do lượng vắc-xin của các địa phương tiếp nhận lớn. Quyết định phân bổ vắc-xin gần đây nhất mới được ban hành hôm 30/8. Trong một tuần qua, các địa phương đã tăng tốc tiếp nhận và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Đơn cử tại Bình Dương, Giám đốc Sở Y tế cho biết đến nay tỉnh đã tiếp nhận 1,8 triệu liều vắc-xin COVID-19. Trong 2-3 ngày tới, tỉnh này sẽ tiếp nhận thêm hơn 300.000 liều vắc-xin AstraZeneca và Pfizer. Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết 2 ngày tới đây sẽ hoàn tất tiêm số 750.000 liều vắc-xin Sinopharm mới tiếp nhận cách đây vài ngày. Sau đó, tỉnh sẽ tiêm hết 300.000 liều AstraZeneca và Pfizer. Bình Dương ưu tiên tiêm mũi 1 cho người dân, phấn đấu đến ngày 10/9, 100% dân số trên 18 tuổi ở tỉnh được tiêm vắc-xin.

Ngoài ra còn nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ sử dụng vắc-xin thấp là do để đảm bảo vắc-xin đủ để tiêm mũi 2 cho người dân, các tỉnh, thành phố cũng lưu kho, chưa tiếp nhận hết lượng vắc-xin phân bổ. Do đó, tỷ lệ vắc-xin đã được sử dụng trên tổng vắc-xin tiếp nhận/phân bổ bị kéo giảm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thẳng thắn chỉ ra hạn chế khi các địa phương có kế hoạch tổng thể nhưng lại chưa có kế hoạch chi tiết theo từng quận, huyện. Vấn đề báo cáo, nhập dữ liệu chưa kịp thời, chưa tính toán đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên số liệu thực tế đã tiêm và số cập nhật lên hệ thống bị chênh. Đây là nguyên nhân khiến việc đánh giá kết quả sử dụng vắc-xin ở những địa phương này còn thấp so với yêu cầu.

Thực tế, qua quá trình báo cáo, kiểm điểm, tổng số vắc-xin đã tiêm ở 4 địa phương này nâng lên hơn 9,8 triệu liều, cao hơn gần 1 triệu liều so với con số cập nhật dữ liệu lên Bộ Y tế, đạt 72% số vắc-xin đã tiếp nhận.

Lập kế hoạch chi tiết tới từng huyện/thị xã/quận

Theo dự kiến, trong tháng 9 và quý IV, lượng vắc-xin về nhiều, đặc biệt với các loại vắc-xin như AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị TPHCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương nghiêm túc thực hiện Công điện 1102 của Thủ tướng. Trong Công điện này có nêu rõ chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nhập khẩu vắc-xin.

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý: “Các doanh nghiệp muốn nhập khẩu vắc-xin phải nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu; vắc-xin phải rõ nguồn gốc, xuất xứ; khi về Việt Nam vắc-xin phải được Bộ Y tế cấp phép, thẩm định, tổ chức tiêm chủng”. Đồng thời đề nghị 4 địa phương quán triệt nguyên tắc “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm nhanh nhất” theo tinh thần vắc-xin về phải tiêm ngay, không chậm trễ, không chờ đợi, không lựa chọn, có vắc-xin nào tiêm ngay loại đó.

Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch chi tiết về tiềm chủng vì sau ngày 15/9, mỗi quận, huyện sẽ áp dụng các hình thức giãn cách xã hội khác. Khi đó, mỗi địa bàn cần hình thức tổ chức tiêm chủng khác nhau. “Cần phải có kế hoạch chi tiết để có sự chỉ đạo thống nhất, sẵn sàng thực hiện khi vắc-xin về thêm. Tôi đề nghị kế hoạch chi tiết này phải hoàn thành trước ngày 10/9”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý trong kế hoạch này cần tính toán việc tiêm vắc-xin cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên.

Đối với việc tiếp nhận vắc-xin, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Viện Pasteur TP HCM chủ động thông báo cho các địa phương trong vòng 24 giờ từ khi có quyết định phân bổ của Bộ Y tế. Và ngay khi nhận thông báo này, các địa phương phải chủ động liên hệ, tổ chức tiếp nhận vắc-xin trong 24 giờ (Tiền phong, trang 4).

 

Quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 ​

Chiều 6-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX – đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Các địa phương cần triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15-9. Về vaccine cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ Y tế đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.

Đối với việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi, Bộ Y tế hiện đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Bởi những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.

Đáng chú ý, đối với việc kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng (app) liên quan. Do đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước mắt, cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”.

Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9. Trong lúc còn khan hiếm vacicne, chưa bao phủ được vaccine thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia.

Còn chống dịch là quan trọng, cần thiết, đột phá, phải tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng.

Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; chú trọng nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản nông sản, nhất là công nghệ sau thu hoạch. Bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi, không để gián đoạn sản xuất. Thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm (dự kiến 2-3 triệu lượt người).

Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trong triển khai, tổ chức năm học mới phù hợp; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước; tổ chức dạy và học qua truyền hình.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu dứt khoát để các em học sinh được tiếp cận bình đẳng với giáo dục, nghiên cứu, phát động phong trào ủng hộ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 2; Lao động, trang 2).

 

Lý do những người đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn chưa thể tự do đi lại

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên tính tới biện pháp “nới lỏng” các biện pháp phòng chống dịch cho những đối tượng đã được tiêm đủ  2 mũi, tiến tới những phương án đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.

Cần “giữ” cho những người chưa được tiêm vaccine

Theo các chuyên gia, chúng ta có thể đạt được miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng. Nhưng hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng tại Việt Nam, đặc biệt những người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine còn khá thấp. Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam mới có hơn 21 triệu người tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 và hơn 3 triệu người được tiêm đủ 2 mũi.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội, cách ly y tế các khu vực, những người đã được tiêm đủ 2 mũi liệu có thể có một “cơ chế riêng” để nới lỏng các hoạt động xã hội hay không?

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: Sau khi tiêm đủ liều vaccine (2 mũi đối với loại cần tiêm 2 liều) vẫn cần tuân thủ chủ trương chung về cách ly, giãn cách hay phong tỏa, thực hiện 5K khi có quy định và Bộ Y tế hiện chưa có quy định riêng với người đã tiêm đủ liều vaccine.

Với người tiêm đủ liều vaccine thì cơ bản là bảo vệ cho cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong. Nhưng người đó vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.

Trong khi đó, hiện chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng (khi tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng, ở mức 70% dân số được tiêm đủ liều 2 mũi vaccine trên phạm vi cả nước). Vì vậy, người chưa được tiêm vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ người đã tiêm đủ vaccine khi tiếp xúc, nếu như khi người đã tiêm bị nhiễm SARS-CoV-2.

Đồng thời người được tiêm vaccine mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch.

Ví dụ như, người tiêm vaccine nếu đi đến nới có nguy cơ cao, hoặc tiếp xúc người bệnh, có thể họ cũng bị nhiễm virus và chỉ bị bệnh nhẹ, thoáng qua, hoặc cũng không triệu chứng. Khi về nhà hoặc đến nơi khác họ có thể lây cho người thân hoặc người xung quanh. Và trong số người bị lây bệnh từ họ mà chưa được tiêm vaccine lại có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Tiêm đủ 2 mũi vẫn cần tuân thủ quy định chung

Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo rằng để kiểm soát dịch COVID-19 lây lan, những người đã tiêm đủ liều (2 mũi) vaccine COVID-19 vẫn cần tuân thủ các quy định chung về giãn cách, phong tỏa, thực hiện 5K để kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

Đồng thời, các địa phương khi triển khai tiêm vaccine COVID-19, cần ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, vì đó những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc COVID-19.

Tại Hà Nội, vừa qua chưa triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi do nguồn vaccine hạn chế và mới ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, khu vực lao động sản xuất… Tuy vậy tới đây, Hà Nội sẽ ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho người mắc bệnh nền, người cao tuổi (từ 65 tuổi).

Cũng theo văn bản về việc triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn thành phố đợt 12 vừa được Sở Y tế Hà Nội ban hành, trong đợt này, Hà Nội cũng chú trọng vào việc tiêm trả mũi 2 vaccine COVID-19 cho các đối tượng đã tiêm chủng mũi 1.

Cụ thể, đối với 800.700 liều vaccine AstraZeneca tiếp tục phân bổ để tiêm cho các đối tượng còn lại tại đợt 11 thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng:

1. Các đối tượng đến thời gian cần phải tiêm trả mũi 2.

2. Người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu: công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm tại các chuỗi cung ứng.

3. Người nằm trong nhóm nguy cơ, người sinh sống tại các khu vực có dịch (vùng đỏ), vùng nguy cơ cao trong khu vực vùng đỏ sau khi xét nghiệm âm tính.

4. Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn thành phố.

5. Người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng chống dịch của thành phố. Các đối tượng theo thứ tự ưu tiên đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện theo phương án 170/PA-UBND của thành phố và thực hiện tiêm cho các đối tượng khác khi có chỉ đạo của UBND thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng dịch (Lao động, trang 3).

 

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 với 4 địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương sáng 6-9, Cục Y tế dự phòng cho biết đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc xin COVID-19 với tổng số 32,8 triệu liều.

Riêng TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% vắc xin cả nước. Trong đó, TP.HCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc xin đủ bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% để tiêm cho mũi 1.

4 địa phương đã tiêm được khoảng 65%

Đến ngày 5-9, 4 địa phương trên đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều và đã tiêm hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%). Hà Nội cũng đã được phân bổ khoảng 5,3 triệu liều vắc xin, đến 5-9 tiêm được trên 2,3 triệu mũi, trong đó có gần 2,1 triệu người được tiêm 1 mũi và gần 230.000 người được tiêm đủ 2 mũi, tổng số đã được tiêm bằng gần 34% dân số trong độ tuổi tiêm chủng (từ 18 tuổi trở lên).

Cục Y tế dự phòng cho biết TP.HCM đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc xin (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỉ lệ sử dụng vắc xin đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.

Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỉ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.

Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu). Tỉ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm.

Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều, tỉ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.

Vì sao tỉ lệ sử dụng vắc xin còn thấp?

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, điều này một phần do lượng vắc xin của các địa phương tiếp nhận lớn. Quyết định phân bổ vắc xin gần đây nhất mới được ban hành hôm 30-8. Trong một tuần qua, các địa phương đã tăng tốc tiếp nhận và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Tại Bình Dương, giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết 2 ngày tới đây sẽ hoàn tất tiêm số 750.000 liều vắc xin Sinopharm mới tiếp nhận. Sau đó, tỉnh sẽ tiêm hết 300.000 liều AstraZeneca và Pfizer.

Bình Dương ưu tiên tiêm mũi 1 cho người dân, phấn đấu đến ngày 10-9, 100% dân số trên 18 tuổi ở tỉnh được tiêm vắc xin.

Lý do thứ 2, theo Cục Y tế dự phòng, là để đảm bảo vắc xin đủ để tiêm mũi 2 cho người dân, các tỉnh, thành cũng lưu kho hoặc chưa tiếp nhận hết lượng vắc xin phân bổ. Do đó, tỉ lệ vắc xin đã được sử dụng trên tổng vắc xin tiếp nhận/phân bổ bị kéo giảm.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết các địa phương có kế hoạch tổng thể nhưng lại chưa có kế hoạch chi tiết theo từng quận, huyện. Vấn đề báo cáo, nhập dữ liệu chưa kịp thời, chưa tính toán đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên số liệu thực tế đã tiêm và số cập nhật lên hệ thống bị chênh.

Đây là nguyên nhân khiến việc đánh giá kết quả sử dụng vắc xin ở những địa phương này còn thấp so với yêu cầu.

Thực tế, qua quá trình báo cáo, kiểm điểm, tổng số vắc xin đã tiêm ở 4 địa phương này nâng lên hơn 9,8 triệu liều, cao hơn gần 1 triệu liều so với con số cập nhật dữ liệu lên Bộ Y tế, đạt 72% số vắc xin đã tiếp nhận.

Bộ Y tế cũng yêu cầu đến 15-9, 5 tỉnh thành Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ phải hoàn tất tiêm mũi 1 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên.

Đây là yêu cầu khó thực hiện với một số tỉnh thành trong số này, bởi thời gian chỉ còn hơn một tuần nhưng số lượng mũi tiêm (như ở Hà Nội) lên đến hàng triệu mũi, trong khi ngày 5-9 Hà Nội chỉ tiêm được chưa đầy 100.000 mũi (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Dùng vắc-xin Pfizer chích ngay cho người đã tiêm Moderna

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện giải pháp tiêm trộn này, hiệu quả miễn dịch vẫn ổn bởi đây là hai loại vắc-xin có cùng công nghệ sản xuất. Đó là khẳng định của BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong chiều 6/9 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những người đã chích vắc-xin ngừa COVID-19 bằng Moderna tại TPHCM nhưng đến nay loại vắc-xin này đã bị gián đoạn nguồn cung.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế TPHCM, từ nay đến ngày 15/9 thành phố sẽ tiêm nhắc mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi thứ nhất đủ thời gian theo từng loại vắc- xin với khoảng 2.089.000 người. Tổng số lượng vắc- xin cần sử dụng là 2.769.000 liều. Trong đó có 446.000 người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi thứ nhất bằng Moderna hiện đã đến hoặc sắp đến thời gian chích ngừa mũi thứ hai.

Trước đó, ngày 27/7/2021 Bộ Y tế có công văn hướng dẫn tiêm 2 liều vắc-xin phòng COVID-19. Theo đó, để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc- xin từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vắc- xin của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; Bộ Y tế hướng dẫn: Những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó.

Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8 đến 12 tuần. Không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca. Những người đã tiêm vắc xin do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc-xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chiều 6/9, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, TPHCM khẳng định: “Phương án sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế. Việc tiêm trộn vắc-xin hay không cũng phải đúng hướng dẫn”.

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng gián đoạn vắc-xin Moderna đang khiến người dân lo lắng vì ngành y tế chưa có phương án cụ thể để xử lý tình trạng thiếu vắc-xin Moderna. BS Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết: “Hiện giờ chúng tôi chưa nhận được vắc- xin Moderna cho đợt 2. Ngành y tế thành phố đang tính toán đến những giải pháp phù hợp về khoa học và chuyên môn để có phương án tiêm phòng cho cộng đồng”.

Trước tình hình thiếu vắc- xin Moderna ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng cho người dân, BS Trương Hữu Khanh khẳng định: “Không riêng ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin, trong đó có Moderna. Để kịp thời chích ngừa bảo vệ người dân, các nước đã thực hiện việc tiêm trộn mũi thứ nhất tiêm vắc-xin Moderna, mũi thứ hai tiêm Pfizer. Bộ Y tế cần cập nhật nhanh những phương án các quốc gia khác đã thực hiện để ứng biến trong tình trạng khan hiếm Moderna hiện nay, cần dùng vắc- xin Pfizer để chích ngừa ngay mũi thứ hai cho những người đã chích mũi thứ nhất bằng Moderna”.

Các quốc gia khác đã chích Pfizer với Moderna hai loại này có cùng công nghệ, nguyên nhân chính Việt Nam chưa cho chích trộn là cho chúng ta chậm cập nhật. Bây giờ không nên chờ nghiên cứu nữa mà cần áp dụng những phương án hiệu quả, an toàn đã được các quốc gia thực hiện trước” (Tiền phong, trang 4).

 

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ mắc Covid-19

Dịch Covid-19 đang trở thành mối nguy hiểm cho bất kỳ ai, trong đó có trẻ em. Dù chưa ghi nhận có nhiều biến chứng nặng như đối với người già, người lớn có bệnh lý nền nhưng virus SARS-CoV-2 cũng gây ra không ít hậu quả khôn lường cho trẻ em, vì vậy phụ huynh cần hết sức cẩn trọng bảo vệ trẻ trong mùa dịch.

Nhiều trẻ trở thành F0 

Mặc dù mới 3 tháng tuổi nhưng bé T.T.T. (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đã trở thành F0. Chị Trần Thị Ngọt (mẹ bé) kể, do trong nhà có người mắc Covid-19 nên mấy ngày sau bé bắt đầu có dấu hiệu sốt, khó thở, tím tái và được đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố cấp cứu. T. có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Nhập viện được 2 ngày, T. có dấu hiệu nhiễm trùng máu, bệnh trở nên nguy kịch. Bác sĩ Trần Văn Minh, khoa nhiễm, cho biết, T. là một trong 3 trẻ mắc Covid-19 nặng, phải thở máy điều trị tại đây. Số lượng bệnh nhi mắc Covid-19 nhập viện điều trị tại BV đã vượt dự liệu ban đầu là 100 bệnh nhân từ nhiều ngày qua. Trong đó, 6 phòng cách ly áp lực âm của BV cũng luôn kín chỗ.

Từ khi đưa vào hoạt động, BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 (do BV Nhi đồng Thành phố phụ trách) cũng tiếp nhận nhiều trẻ F0. Phó Giám đốc BV Nguyễn Trần Nam cho biết, đơn vị đã tiếp nhận điều trị hơn 600 trẻ, trong đó nhiều trẻ đã khỏi bệnh, về nhà.  Điều trị cho trẻ đặc thù hơn so với người lớn, như khác về chế độ dinh dưỡng, thuốc men điều trị.

Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 6-9, thành phố ghi nhận gần 3.000 trẻ dưới 16 tuổi mắc Covid-19. Những em không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể được hướng dẫn cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định. Những em không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được chuyển đến BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4, BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 11 (do BV Nhi đồng 2 phụ trách) hoặc BV dã chiến Củ Chi (do BV Nhi đồng 1 phụ trách). Những em diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến BV Nhi đồng Thành phố hoặc BV Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, ở trẻ mắc Covid-19, các biến chứng không nặng như ở người già, người lớn có bệnh lý nền, dù cần lưu ý những trẻ có cơ địa đặc biệt hoặc dư cân, béo phì. Thực tế, nhiều trẻ nhập viện nhẹ, sau đó trở nặng do cơ địa đặc thù hoặc dư cân, mắc hội chứng viêm đa hệ thống. Trong tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, số trường hợp mắc Covid-19 gia tăng kéo theo số mắc Covid-19 ở trẻ em cũng tăng theo, chiếm 10%-15% tổng số ca mắc trên địa bàn. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, đau rát họng, khó chịu…, phụ huynh hãy nghĩ đến khả năng mắc Covid-19 và đưa đến các BV nhi thăm khám, xét nghiệm tầm soát để có phương án điều trị thích hợp. Ngoài điều trị bằng thuốc, các bác sĩ cũng lưu ý, trẻ mắc Covid-19 cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng, giảm nhẹ triệu chứng, tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị.

Bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 2, cho biết, trẻ điều trị Covid-19 sẽ có chế độ ăn tương thích tùy theo lứa tuổi, nhưng quan trọng là phải bảo đảm đủ năng lượng cho trẻ, chú trọng các loại vitamin và khoáng chất. Bệnh nhi chủ yếu được điều trị theo triệu chứng. Chỉ những trường hợp có tổn thương đặc hiệu phải can thiệp, lúc này ngoài phần điều trị, trẻ sẽ có chế độ dinh dưỡng đặc biệt riêng. Trẻ nhiễm siêu vi thông thường nói chung, mắc Covid-19 nói riêng cũng đều phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng để chống chọi với bệnh tật. Hiện tại tiết trời đang nóng nên cần bảo đảm cung cấp đủ nước cho trẻ (nước cam, nước chanh, nước đun sôi để nguội). Trong khẩu phần ăn cần thêm rau xanh, trái cây.

Trước mắt, chưa thể tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ vì số lượng còn hạn chế, nhưng về lâu dài cần tính toán việc tìm kiếm vaccine cho trẻ, bởi trẻ mắc Covid-19 vẫn có thể lây lan cho người lớn trong nhà (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/01/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận