Điểm báo ngày 08/12/2020

(CDC Hà Nam)
Các bệnh viện tại TPHCM: lập hàng rào chặn COVID-19 xâm nhập; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp lễ; Gia tăng số người cách ly y tế tại nhà…

Siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19

Chiều 7-12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp triển khai công tác phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đến thời điểm này tình huống lây nhiễm Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh cơ bản được kiểm soát. Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các lực lượng chức năng đã vào cuộc nhanh, sau 48 tiếng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đã xác định được toàn bộ các ca F1, F2, chủ động lấy mẫu, khoanh vùng, cách ly. Tuy nhiên, từ vụ việc lây nhiễm này, cần xem xét, phân tích kỹ nguyên nhân do đâu để có giải pháp thật thiết thực, hiệu quả, tránh trường hợp tương tự xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, trong khi khả năng tiếp cận vắc-xin nhanh nhất cũng phải sang cuối năm 2021, cho nên Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt là mùa đông đã đến, đất nước sắp diễn ra nhiều sự kiện chính trị – xã hội lớn, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán… Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa phải đón chuyên gia, lao động, kỹ thuật vào phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đón bà con người Việt ở các vùng dịch về… chính quyền địa phương các cấp phải phát huy chủ động, trách nhiệm với sự tham mưu của ngành y tế, phối hợp chặt chẽ của ngành công an và lực lượng liên quan. Đặc biệt siết chặt các quy định phòng, chống dịch trên các chuyến bay đón chuyên gia, công dân Việt Nam về nước. Các biện pháp phòng, chống dịch trên chuyến bay giải cứu công dân phải thực hiện như trong bệnh viện. Thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung 14 ngày đối với người nhập cảnh; các cơ sở cách ly dân sự phải được chính quyền địa phương chấp thuận trên cơ sở tham mưu của ngành y tế. Việc cách ly tại nhà riêng phải được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm đủ điều kiện y tế; cách ly tại nhà riêng phải có biển báo, thông báo cho người dân sinh sống lân cận biết.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết hiện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm bảo đảm đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng… Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất ủng hộ, sẽ cùng tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Song song với đó Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác để có thể mua vắc-xin phòng, chống Covid-19 từ nước ngoài. Tuy nhiên, dự kiến ít nhất phải một năm nữa mới có vắc-xin, do đó trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải tập trung triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.

Ngày 7-12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện An Phú (An Giang) đưa Đinh Văn Út và Trần Văn Trứ, cùng ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú về lại khu cách ly sau khi bỏ trốn. Cả hai trở về từ Cam-pu-chia vào ngày 5-12 và được đưa đi cách ly tập trung tại Trường THPT Lương Thế Vinh (thị trấn An Phú) nhưng rạng sáng 7-12 cả hai đã bỏ trốn khỏi khu cách ly.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 cho biết, trong ngày 7-12 ghi nhận một ca mắc Covid-19 mới, là người bệnh thứ 1.367 tại Việt Nam. Ca bệnh 1.367 là nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, từ Nga nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 6-12 trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng. Hiện người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trong ngày 7-12 cũng có bốn người nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh gồm người bệnh 1.311, 1.250, 1.291, 1.234. (Nhân dân, trang 8).

 

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong  dịp lễ

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ban, ngành địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn và kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông cho người dân. Chú trọng vận động nhân dân thực hiện: “Đã uống rượu, bia – không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô-tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô-tô; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt; mặc áo phao đúng quy định khi đi đò; rửa tay đúng cách và mang khẩu trang khi tham gia giao thông… Vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi lại trong dịp nghỉ Tết và dự lễ hội xuân. Cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong dịp Tết và tại khu vực diễn ra lễ hội xuân trong các bản tin thời sự. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện phổ biến và yêu cầu người lao động, học sinh, sinh viên tự giác chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông; chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu xe trực tiếp cho công nhân, sinh viên và người lao động; bố trí thời gian phù hợp để người lao động, sinh viên nghỉ Tết và trở lại làm việc, học tập, giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Thứ hai, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng dịch Covid-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân. Chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử phạt các hành vi: điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường; dừng, đỗ phương tiện trái phép; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy; không nhường đường cho xe ưu tiên; đi vào làn đường khẩn cấp; vi phạm khi qua đường ngang; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không có giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm… Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô-tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là người điều khiển xe ôtô chở khách, ô-tô chở hàng hóa… Cương quyết ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng, trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Tiến hành kiểm tra việc thưc hiện quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch, trên các tuyến, luồng đường thủy phức tạp.

Thứ ba, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về TTATGT, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid -19, đặc biệt là tại các đầu mối giao thông chính, trên phương tiện vận tải hành khách công cộng, cũng như đội ngũ người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện. Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm an toàn phòng dịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; giảm thiểu tối đa tình trạng chậm, huỷ chuyến; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định. Cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 tham gia giao thông.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực hiện thu phí đường bộ không dừng, chủ động mở trạm, tạm dừng thu phí để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc tắc giao thông; xử phạt nghiêm đối với các phương tiện không đủ điều kiện đi vào cửa thu phí điện tử không dừng (ETC) gây ùn tắc giao thông theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 2-12-2020. Các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng, tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố về hạ tầng; hoàn thành công tác nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường phục vụ giao thông trước ngày 30-1-2021. Có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào trung tâm thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và khu vực tổ chức lễ hội xuân.

Thứ năm, chỉ đạo các Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước thực hiện ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và nguồn máu dự phòng, dịch truyền để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cấp cứu, điều trị nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người.

Thứ sáu, có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm virus Covid-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện vận tải công cộng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng thiếu kiểm soát trong phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến làm lây nhiễm dịch bệnh trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Thứ bảy, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình TTATGT, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông; niêm yết đầy đủ các thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng…) và trên các phương tiện vận tải công cộng.

Thứ tám, đề nghị các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội tại địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia cảnh giới, hướng dẫn giao thông, tổ chức chốt gác tại các điểm có nguy cơ cao về tai nạn giao thông, nhất là tại các vị trí đường ngang, lối đi dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn; phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 2: “Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết gắn với phòng chống dịch Covid-19 ”; Công an Nhân dân, trang 7: “Tăng cường đảm bảo ATGT, chống dịch COVID-19 trong dịch Tết”.

 

Thế giới vượt mốc 67 triệu ca mắc Covid-19

Theo trang thống kê worldometers.info và TTXVN, đến ngày 7-12, trên toàn thế giới có hơn 67,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 1,5 triệu người chết. Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch, với gần 18,5 triệu ca nhiễm và 425 nghìn người chết.

* Tại Mỹ, hạt Lốt An-giơ-lét ghi nhận mốc đáng cảnh báo, khi lần đầu vượt 10.000 ca nhiễm mới Covid-19 trong một ngày. Số ca nhập viện tại hạt này cũng vượt 10 triệu người. Toàn bộ vùng Nam Ca-li-pho-ni-a áp dụng các biện pháp hạn chế mới, theo đó các viện bảo tàng, vườn bách thú, khu công viên nước… đều phải đóng cửa.

* Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng dịch Hàn Quốc ngày 7-12 cho biết, nước này có thêm 615 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 38 nghìn ca. Các cơ quan y tế ở thủ đô Xơ-un và vùng phụ cận phải nâng mức giãn cách xã hội thêm một bậc, lên 2,5 (mức cao thứ tư trong thang cảnh báo 5 cấp độ).

* Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ cử đội ngũ y tá thuộc Lực lượng Phòng vệ (SDF) tới các tỉnh Ô-xa-ca và Hốc-cai-đô để hỗ trợ các địa phương này phòng, chống dịch Covid-19. Các chuyên gia cảnh báo, hệ thống y tế ở Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng quá tải trong thời gian từ nay tới cuối năm.

* Men-bơn, thành phố lớn thứ hai của Ô-xtrây-li-a, đã đón chuyến bay chở khách quốc tế đầu tiên sau năm tháng tạm ngừng dịch vụ. Dự kiến, hàng trăm người sẽ đến bang Vích-to-ri-a mỗi tuần.

* Hãng dược phẩm GC Pharma của Hàn Quốc thông báo, một bệnh nhân nam ngoài 70 tuổi mắc Covid-19 hồi tháng 9 đã được xác nhận khỏi bệnh sau hơn 20 ngày dùng thuốc điều trị bằng huyết tương GC5131A của hãng này tại tỉnh Bắc Ghi-ông-xang.

* Thị trưởng Mát-xcơ-va cho biết, thủ đô của nước Nga dự định thực hiện tiêm chủng phòng Covid-19 cho bảy triệu người. Nga bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Sputnik V cho người dân thông qua 70 cơ sở y tế, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên ngừa Covid-19.

* Giám đốc doanh nghiệp và thương mại của Công ty BioNTech (Đức) cho biết, vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech có thể được vận chuyển tới Ca-na-đa trong vòng 24 giờ sau khi các cơ quan chức năng Ca-na-đa cấp phép lưu hành. Đây sẽ là vắc-xin đầu tiên được cấp phép lưu hành ở Ca-na-đa.

* In-đô-nê-xi-a tiếp nhận lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị triển khai một chương trình tiêm chủng đại trà. Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô thông báo, nước này đã nhận được 1,2 triệu liều vắc-xin từ Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc và dự kiến tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vào đầu tháng 1-2021.

* Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này nhiều khả năng sẽ tiếp nhận lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên vào giữa năm 2021. Lô vắc-xin đầu tiên mà Nam Phi sẽ tiếp nhận từ COVAX, sáng kiến cung cấp các loại vắc-xin ngừa Covid-19 cho những nước nghèo, sẽ chỉ đủ để thực hiện tiêm chủng cho khoảng 10% trên tổng dân số nước này. (Nhân dân, trang 8).

 

Rác thải y tế được quản lý ra sao?

Rác thải y tế là vấn đề được người dân quan tâm trong thời điểm hiện nay, bởi nếu không quản lý chặt, có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, đặc biệt là Covid-19.

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM là nơi tiếp nhận các bệnh truyền nhiễm nhiều nhất và là tuyến cuối phía nam. Đây cũng nơi tiếp nhận và điều trị hàng chục ca bệnh Covid-19 ở TP.HCM.

Thu gom rác thải nguy cơ chứa Covid-19

Chiều 5.12, PV Thanh Niên đến Khoa Nhiễm C, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ở khuôn viên BV, dọc các lối đi có rất nhiều thùng có dòng chữ “chất thải hữu cơ dễ phân hủy” và thùng màu vàng với dòng chữ “chất thải lây nhiễm” dành cho bệnh nhân (BN) và thân nhân.

Khu lưu trữ rác thải của BV chia thành 2 khu vực, khu rác thải y tế (RTYT) lây nhiễm được tập kết về một góc riêng, chốt chặn kín kẽ; khu rác thải tái chế nằm ở phòng đối diện. Điều đặc biệt, phía sau Khoa Hồi sức tích cực và chống độc người lớn, PV bắt gặp một thùng inox lớn chắc chắn với dòng chữ “chất thải có nguy cơ chứa Covid-19”.

BV lớn nhất miền Nam là BV Chợ Rẫy (TP.HCM), nơi từng điều trị 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở VN, BN 91 và nhiều BN Covid-19 khác “ghé thăm”, cũng có quy trình xử lý RTYT bài bản. Các điều dưỡng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy sau khi thao tác tiêm chích trên BN thì bỏ bơm tiêm vào bao màu vàng, kim tiêm vào thùng nhựa màu, găng tay bỏ vào bao ni lông màu vàng trên xe đẩy. RTYT sau đó được các hộ lý, nhân viên khác đẩy đến khu nhà chứa rác thải. Với rác thải từ sinh hoạt của BN, BV tập kết ra một khu lớn. Rác thải tái chế thì được để riêng một khu. Còn với rác thải lây nhiễm, BV có khu xử lý riêng, đóng kín cửa.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết RTYT, rác thải nguy hại tại các BV, cơ sở y tế đều được quản lý, phân loại tại cơ sở theo quy trình chuẩn liên bộ Y tế và TN-MT, đơn vị thực hiện thu gom theo khung giờ tùy theo từng cơ sở, còn quy trình vận chuyển, xử lý RTYT là do Sở TN-MT chịu trách nhiệm.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Tiên, Phó tổng giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết đơn vị phụ trách chính việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại, RTYT tại các cơ sở y tế ở Đà Nẵng, với lượng thu gom trung bình khoảng 2 tấn/ngày (trừ BV Tâm Trí, BV Hoàn Mỹ, BV 199, BV Gia đình do các đơn vị khác ở Quảng Nam xử lý). Đối với rác thải nguy hại này, đều kiểm soát vận chuyển đến nơi quy định, thực hiện tiêu hủy bằng phương pháp đốt. Hoạt động này có sự giám sát của Sở TN-MT TP.Đà Nẵng.

Cũng theo ông Tiên, ngoài RTYT thông thường, tại các cơ sở y tế còn có một lượng rác thải nguy hại, y tế được thải ra từ các khu cách ly, khách sạn thực hiện cách ly, kiểm soát Covid-19 cũng phải thu gom theo quy trình phòng tránh lây nhiễm. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày phát sinh thêm khoảng 1 tấn thuộc diện rác thải nguy hại, RTYT được đưa đi tiêu hủy.

Bà Vũ Vân Hà, Giám đốc Công ty CP vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13), đơn vị được cấp phép xử lý chất thải y tế trên địa bàn TP.Hà Nội, cho biết theo quy định pháp luật, việc phân loại chất thải y tế tại các cơ sở y tế là trách nhiệm của chủ nguồn thải. Công ty Urenco 13 thực hiện việc giao nhận chất thải y tế với cơ sở y tế tại khu vực tập kết, lưu giữ chất thải; thực hiện kiểm tra, rà soát và đối chiếu khối lượng, chủng loại chất thải trước khi vận chuyển chất thải y tế ra khỏi cơ sở y tế. Trường hợp chất thải chưa được phân loại hoặc phân loại chưa đúng quy định, nhân viên công ty sẽ đề nghị và hướng dẫn nhân viên giao chất thải của cơ sở y tế phân loại theo đúng chủng loại mới tiếp nhận…

Quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải y tế được thực hiện duy trì việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng chất thải tiếp nhận từ BV đến khi về nhà máy, hành trình di chuyển của phương tiện để bảo đảm không xảy ra hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình vận chuyển và xử lý chất thải.

Tiêu hủy khá tốn kém

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, do BV chuyên khoa truyền nhiễm nên hầu hết RTYT đều được xem là rác có nguy cơ lây nhiễm cao, nên không được tái chế. Số lượng rác tái chế rất ít khoảng 100 kg/ngày (chủ yếu là bao đựng thuốc, thùng carton). BV đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM xử lý rác y tế và rác sinh hoạt; Công ty Trường Thiên Thanh xử lý rác thải độc hại nguy hiểm; cơ sở nhựa Tam Hồng Phát thu gom chất thải tái chế. Trung bình RTYT tại BV là khoảng 450 kg/ngày được xác định phân loại cụ thể.

“Riêng rác thải có liên quan Covid-19 thì được lưu giữ riêng biệt và có dán nhãn cảnh báo “Rác Covid-19”… Kinh phí xử lý rác y tế tùy theo số lượng thực tế mỗi tháng, trung bình BV phải chi cho việc xử lý chất thải rắn y tế khoảng 130 triệu đồng/tháng”, TS Châu thông tin.

Về trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác quản lý chất thải y tế, TS Châu nói, điều dưỡng trưởng khoa chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và giám sát công tác phân loại, lưu trữ và vận chuyển chất thải rắn. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và Phòng Điều dưỡng kiểm tra công tác vệ sinh và xử lý rác tại các khoa lâm sàng và kho chứa chất thải rắn vào thứ tư hằng tuần. Tổ bảo vệ chịu trách nhiệm giám sát tại các cổng ra vào BV không cho rác tái chế sai quy định tuồn ra khỏi BV. Từ năm 2019 đến nay, đã có 2 trường hợp đề nghị thay đổi nhân viên vệ sinh công nghiệp liên quan đến công tác vệ sinh và thu gom rác tái chế không đúng quy định, không tuân thủ thời gian vệ sinh bề mặt.

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, RTYT phát sinh từ BV, nếu không được quản lý tốt sẽ có nguy cơ là nguồn lây bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng. BV đã ra văn bản quy định, nếu phát hiện nhân viên y tế vi phạm về phân loại rác hay tuồn rác y tế ra ngoài cộng đồng thì sẽ bị xử phạt theo quy định của BV và theo pháp luật. (Thanh niên, trang 22).

 

Gia tăng số người cách ly y tế tại nhà

19.806 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly y tế. Đáng chú ý, số người cách ly tự nguyện tại nhà, nơi lưu trú tăng gấp hơn 2 lần so với 1 ngày trước đó (1.677 người).

Chiều 7.12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo bệnh nhân (BN) Covid-19 mới là BN Covid-19 thứ 1367.

BN 1367 (nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam) có địa chỉ tại xã Đông Hòa, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ngày 6.12, BN từ Nga nhập cảnh sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay và lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm ngày 6.12 xác định BN dương tính SARS-CoV-2. Hiện BN được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ngày 7.12, thêm 4 ca Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Trong số 1.367 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, có 1.224 ca đã được điều trị khỏi. Hiện 19.806 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly y tế theo dõi sức khỏe.

Trong đó, 158 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 15.915 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 3.733 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Đáng chú ý, số người cách ly tự nguyện tại nhà, nơi lưu trú đã tăng gấp hơn 2 lần so với 1 ngày trước đó (1.677 người). (Thanh niên, trang 4).

 

Tiềm ẩn nhiều mối nguy trong găng tay y tế đã qua sử dụng

Vừa qua, Thanh Niên đã có bài điều tra Nghi vấn đường dây tuồn găng tay y tế cũ vào VN. Trong khi đó, liên quan vấn đề găng tay y tế cũ, trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết các loại găng tay, khẩu trang sử dụng trong y tế là loại chất thải không được tái chế. Quá trình xử lý các loại chất thải này thường là thu gom, phân loại vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng từ nguồn phát thải đến các cơ sở có đủ điều kiện, được cấp phép thực hiện hấp, sấy để khử khuẩn trước khi mang đi thiêu hủy.

Vị lãnh đạo này cho biết, đối với chất thải y tế nói chung, khi trong khuôn viên cơ sở y tế thì được thực hiện thu gom, bảo quản theo quy định của ngành y tế. Nhưng khi đưa ra khỏi khuôn viên cơ sở y tế, thì chịu sự quản lý theo quy định tại Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT là văn bản liên tịch phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ TN-MT ban hành vào năm 2015. Theo đó, việc thu gom, quản lý, phân loại, tái chế, vận chuyển, lưu trữ, xử lý… chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường được quy định rất chi tiết, chặt chẽ.

Tuy quy định pháp luật rất chặt chẽ, nhưng việc thực hiện nghiêm hay không còn tùy thuộc trước hết vào ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng chịu quản lý và mức độ kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng. Trên tinh thần ai làm sai ở khâu nào, mức độ nào thì phải chịu trách nhiệm, đều có quy định rất rõ ràng.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, găng tay y tế thường được sử dụng trong chăm sóc BN, xét nghiệm, thủ thuật phẫu thuật. Ở các BV, găng tay y tế được xếp là rác thải nguy hại, chỉ sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng sẽ lây nhiễm chéo cho người xử lý tái sử dụng, cũng như cho các BN khác. RTYT nguy hại có thể chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như: tụ cầu, HIV, viêm gan B…, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều hình thức. (Thanh niên, trang 22).

 

Xử nghiêm mọi vi phạm trong phòng dịch Covid-19

Chiều 7-12, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia bhòng chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, ghi nhận, biểu dương nỗ lực của TPHCM, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất nhanh. Sau 48 giờ kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19, đã xác định được toàn bộ các ca F1, F2, chủ động lấy mẫu, khoanh vùng, cách ly.

Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng ngừa, nhất là mùa đông đã đến, đất nước sắp diễn ra nhiều sự kiện chính trị – xã hội lớn, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Để thực hiện mục tiêu kép, chúng ta vừa chống dịch vừa phải đón chuyên gia, lao động, kỹ thuật và phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đón bà con người Việt ở các vùng dịch về nước nên tất cả biện pháp phòng chống dịch đã hết sức đầy đủ, được tập huấn trực tiếp, quán triệt tỉ mỉ đến tận các cấp chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương các cấp phải phát huy chủ động, trách nhiệm cùng với sự tham mưu của ngành y tế, phối hợp chặt chẽ của ngành công an. Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết chặt các quy định phòng chống dịch trên các chuyến bay đón chuyên gia, công dân Việt Nam về nước. “Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người mắc Covid-19 hay không, nên các biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện như trong bệnh viện. Mọi vi phạm phải bị xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ.

Các thành viên ban chỉ đạo, chuyên gia cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung 14 ngày đối với người nhập cảnh. Các cơ sở cách ly dân sự phải được chính quyền địa phương quyết định chấp thuận trên cơ sở tham mưu của ngành y tế; những cơ sở cách ly dân sự, cách ly tại nhà riêng phải có biển báo, thông báo cho người dân sinh sống lân cận…

mChiều tối 7-12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận 1 ca mắc mới (thứ 1.367) là người nhập cảnh từ Nga và đã được cách ly ngay tại Đà Nẵng. Trong số 1.367 người mắc Covid-19 có 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tại TPHCM tiếp tục trải qua ngày thứ 7 liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng sau ca bệnh thứ 1.349.

Trong ngày, cả nước có thêm 4 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi lên 1.224 người.

Liên quan tới việc chuẩn bị thử nghiệm vaccine Covid-19 của Công ty Nanogen trên người tình nguyện, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết, dự kiến trong lần thử nghiệm đầu tiên sẽ có 20 người tình nguyện khỏe mạnh được tiêm vaccine Covid-19. Theo đó, nhóm 1-2 người sẽ được tiêm những mũi đầu tiên, sau đó họ sẽ được theo dõi phản ứng trong 24-72 giờ, nếu đảm bảo an toàn sẽ tiếp tục được tiêm nhóm còn lại. Việc thử nghiệm trên những nhóm nhỏ sẽ được thực hiện trong khoảng 3 tháng, sau đó mở rộng hơn. Những người tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam được lựa chọn cẩn thận, đảm bảo nhiều tiêu chí bắt buộc. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, khoảng 4 tháng tới sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính đến phương án đưa vaccine vào tiêm chủng và Công ty Nanogen có thể sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine/tháng. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Phòng chống dịch COVID-19: Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm”.

 

Nguồn bệnh COVID-19 từ người nhập cảnh hợp pháp: nguy hiểm nhất

“Chúng ta đã xác định nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất. Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm COVID-19 hay không…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chiều 7/12.

Chiều 7/12, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ Y tế cho biết, trên các chuyến bay giải cứu và đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới, có tình trạng hành khách không tuân thủ quy định phòng chống dịch, như không đeo khẩu trang. Vì vậy, đề nghị có giám sát bằng camera để xử lý nghiêm những người vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại: “Không làm chặt chẽ, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tất cả các bộ, ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý của mình. Đây là thời kỳ cao điểm”.

Trong khi đó, tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly, phòng chống COVID-19 theo quy định. Do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, trong khi thời điểm cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, về nước của người dân rất lớn.

Qua kiểm tra, làm việc tại các địa phương, một số thành viên Ban Chỉ đạo nêu thực tế công tác phòng chống dịch tại cấp tỉnh được nhận thức, quán triệt đầy đủ, nhưng ở cấp thấp hơn có tâm lý chủ quan do một thời gian dài không có dịch. Một số nơi có biểu hiện lơi lỏng trong giám sát y tế đối với người hết thời gian cách ly tập trung. Đây là nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, phải kiên quyết ngăn chặn.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, tình huống lây nhiễm COVID-19 ở TPHCM cơ bản đã được kiểm soát, nhưng cần phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả, tránh trường hợp tương tự xảy ra. “Chúng ta đã xác định nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất. Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm COVID-19 hay không, nên các biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện như trong bệnh viện. Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.

Dự kiến tiêm vắc-xin từ  5/2021

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên người, cho biết, vắc-xin của Nanogen dự kiến mất khoảng 6 tháng để thử nghiệm lâm sàng trên người, chia thành ba giai đoạn, đến tháng 5/2021 có thể đưa vào tiêm chủng.

Theo đó, từ ngày 10/12 sẽ tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng. Trong thử nghiệm giai đoạn một, công ty phối hợp Học viện Quân y tuyển chọn 60 tình nguyện viên để tiêm vắc-xin. Nhóm này sẽ được chia nhỏ thành 3 nhóm để tiêm thử hàm lượng vắc-xin khác nhau gồm: 25 mg, 50 mg và 75 mg. Toàn bộ quy trình thử nghiệm giai đoạn một sẽ kéo dài trong một tháng. Trước mắt, sẽ tiêm cho 20 người đầu tiên. Giai đoạn hai, thử nghiệm trên quy mô 600 người, trong thời gian 2-3 tháng. Hiện chưa rõ số lượng tình nguyện viên trong giai đoạn ba. (Tiền phong, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Siết chặt quy định phòng, chống dịch trên các chuyến bay”.

 

Những nỗ lực của Việt Nam trong chống đại dịch COVID-19 và tiến tới thử nghiệm vaccine

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 thấp trên thế giới. Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, đặc biệt vào mùa đông năm nay, Việt Nam đã từng bước khống chế và ngăn chặn dịch lây nhiễm trong cộng đồng.

Sau khi phát hiện 4 ca mắc COVID-19 tại TP HCM, đến nay đã 6 ngày không ghi thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Ngày 10-12, Việt Nam chính thức thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người. Theo lộ trình, có khoảng 20 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1.

Truyền thông mạnh mẽ thông điệp 5K

Sau 88 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, TP HCM lại xuất hiện dịch COVID-19 với 3 ca lây nhiễm. Thành phố đã khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó đẩy mạnh việc truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly và dập dịch.

Đến 7/12, sau 6 ngày xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, thành phố không phát hiện ca lây nhiễm mới. Toàn bộ 3.263 mẫu xét nghiệm của các trường hợp tiếp xúc với các ca dương tính (bệnh nhân 1.342, 1.347, 1.348, 1.349), trong đó 861 trường hợp tiếp xúc gần, 1.400 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần đều âm tính; 1.002 trường hợp lấy mẫu giám sát (518 âm tính, 484 đang đợi kết quả).

Thành phố tiếp tục giám sát tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại địa bàn và mở rộng xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao, cách ly người nhập cảnh theo quy định, giám sát người đã thực hiện cách ly ở các tỉnh, thành phố khác về cư trú.

Thành phố cập nhật giám sát và xét nghiệm đối với người bệnh COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung và người sau cách ly. Đồng thời khuyến cáo người dânhãy cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo, đồng thời thực hiện phòng dịch theo khuyến cáo 5K. Ngoài ra, người dân nên cập nhật thông tin chính thống để phản ứng phù hợp, tránh hoang mang vì những thông tin sai lệch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào chống dịch, giúp chúng ta khống chế thành công hai đợt dịch. Song, thời điểm này, nguy cơ dịch COVID-19 lây nhiễm vào nước ta là rất lớn, bài học hữu hiệu là việc lây nhiễm trong cộng đồng ở TP HCM vừa qua. Hiện nay, chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Chính vì vậy mà các địa phương, người dân không được lơ là. Tăng cường ý thức phòng bệnh của mỗi người dân, mỗi cán bộ y tế lúc này là vô cùng quan trọng.

Bộ Y tế liên tục triển khai các chiến dịch truyền thông về thông điệp 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế) để người dân thực hiện. “Điều quan trọng nhất lúc này là người dân cần thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt lưu ý đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế”, ông Phu nói.

Nỗ lực để có vaccine COVID-19 “Made in Việt Nam”

Trên thế giới, một số quốc gia đã xong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 và tiến tới tiêm phòng để ngăn ngừa đại dịch. Tại Việt Nam, song song với công tác phòng chống dịch, có 4 công ty ngày đêm nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19.

Ngày 10/12, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN (Công ty NANOGEN) phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam. Học viện Quân y sẽ là nơi tuyển tình nguyện viên, sau đó sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm.

TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển, Công ty NANOGEM – đơn vị đưa vaccine đầu tiên vào thử nghiệm trên người cho biết, test quan trọng nhất chính là bước thử nghiệm tiền lâm sàng để chứng minh khả năng đáp ứng miễn dịch trên động vật. Đáp ứng miễn dịch trên động vật chỉ là một trong số những tiêu chí để được thử nghiệm vaccine trên người. Trước đó, vaccine của Nanogen đã được thử nghiệm thành công trên chuột và khỉ.

Dự kiến 1 tuần sau, có khoảng 20 người tình nguyện khỏe mạnh có độ tuổi từ 18-40 sẽ được tiêm những mũi vaccine COVID-19 thử nghiệm. Một nhóm nhỏ khoảng 1- 2 người sẽ được tiêm trước và được theo dõi phản ứng trong vòng 24 giờ đến 72 giờ mới bắt đầu tiêm cho các tình nguyện viên tiếp theo (khoảng 18 – 19 người). Sau 3 tháng thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, vaccine COVID-19 sẽ được tiêm thử nghiệm cho khoảng 400 người.

Những người được lựa chọn tiêm thử nghiệm vaccine  COVID-19 được lựa chọn rất kỹ lưỡng. Họ là những tình nguyện viên khỏe mạnh, không có bệnh nền, không có tiền sử bệnh tật. Các cá nhân này được khai thác kỹ về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng với thuốc, thực phẩm… vì yếu tố cơ địa này liên quan nhiều đến phản ứng sau tiêm vaccine.

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế – TS.BS Nguyễn Ngô Quang, vaccine thử nghiệm phải đánh giá được độc tính, tính an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt yêu cầu bắt buộc là phải có kết quả đánh giá về hiệu lực bảo vệ trên súc vật, trên động vật linh trưởng để hội đồng thẩm định xem xét trước khi cấp phép triển khai thử nghiệm ở trên người, với mục tiêu bảo đảm tính an toàn, tính hiệu quả và tiến tới xác định hiệu lực bảo vệ.

Trên cơ sở kết quả tiền lâm sàng có được một cách hoàn chỉnh thì Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế sẽ xem xét tất cả các khía cạnh, trong đó có vấn đề liên quan đến thiết kế đề cương, bảo vệ sự toàn vẹn của đối tượng tham gia nghiên cứu, điều kiện của cơ sở nghiên cứu cũng như những phương án để chúng ta triển khai trong quá trình đánh giá trên người tình nguyện khỏe mạnh.

Theo ông Quang, đó là những yêu cầu hết sức chặt chẽ, phải được Hồi đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế xem xét, thẩm định và thông qua. Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế sẽ xem xét kỹ càng, quyết định cho phép các bước quan trọng trong thử nghiệm vaccine trên người.

Công nghệ sản xuất vaccine của NANOGEN dựa trên phương pháp protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào gen để sản sinh kháng thể. Phương pháp này khác với việc dùng kháng thể, do đó các nhà khoa học đánh giá là an toàn. Dự kiến, một mũi tiêm có giá 5 USD, mỗi người tiêm 2 mũi sẽ chi phí 10 USD (hơn 200.000 đồng), tương đương với giá vaccine COVID-19 trên thế giới.

Hiện Học viện Quân y – đơn vị thử nghiệm lâm sàng – đã sẵn sàng các thiết bị xét nghiệm, chuẩn bị giường lưu sau tiêm cho người tình nguyện, bác sĩ về cấp cứu để theo dõi sức khỏe trong các giờ đầu sau tiêm và có thể xử trí ngay nếu có các phản ứng không mong muốn cho người tiêm vaccine thử nghiệm.

Ngoài NANOGEN, vaccine COVID-19 của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và vaccine của Công ty vaccine sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang được đánh giá tiền lâm sàng. Dự kiến, vaccine COVID-19 của 2 đơn vị này sẽ lần lượt đưa vào tiêm thử nghiệm trên người vào tháng 2 và 3/2021.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine, bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vaccine, đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đến hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine. (Công an Nhân dân, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay, trang 5: “Nghiên cứu vaccine COVID-19 tại Việt Nam: Dự kiến tuần tới thử nghiệm trên người”; An ninh Thủ đô, trang 16: “Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên 20 người khỏe mạnh, độ tuổi từ 18-40”.

 

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam – lan tỏa sức trẻ, cống hiến vì cộng đồng

Ngày 6/12, tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà Hội Thầy thuốc trẻ đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Có thể nhận thấy sự cống hiến, sức trẻ đang lan tỏa, sự không ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng đi đầu trong tất cả các hoạt động của ngành Y tế, kể cả hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của các thầy thuốc trẻ.

Dẫn câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tự hào chia sẻ: Đối với ngành Y tế, có thể nói rằng ngành Y tế chưa bao giờ có được vị thế, uy tín và sự tin yêu của người dân như ngày hôm nay. Điều này có được là nhờ có sự cống hiến, hy sinh và phấn đấu không mệt mỏi của gần 500.000 cán bộ y tế trong cả nước, trong đó có Hội Thầy thuốc trẻ. Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Hội Thầy thuốc trẻ và tất cả các thành viên của Hội tiếp tục công hiến, tạo sức lan tỏa, giữ vững được niềm tin của người dân, để vị thế của ngành Y tế của ngày một phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Ngành Y tế có ước mơ làm thế nào để trong những năm tới đây đứng thứ hai trong các nước ASEAN, đứng thứ 10 trong các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương và làm thế nào để đứng hàng thứ 30 của các nước trên thế giới. Hoài bão ước mơ đó không phải chỉ của riêng lãnh đạo ngành Y tế mà của toàn ngành và mong rằng đó cũng là ước mơ của Hội Thầy thuốc trẻ, để chúng ta phấn đấu xây dựng ngành Y tế ngang tầm với các nước khu vực và trên thế giới…

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các chương trình công tác của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã được tổ chức rộng khắp trên cả nước, lực lượng thầy thuốc trẻ đã từng bước khẳng định là lực lượng năng động, sáng tạo, luôn có tinh thần học tập, rèn luyện, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn, có ý chí và khát vọng vươn lên. Vai trò, vị thế của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam từng bước được khẳng định, đưa Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín, thực sự là người bạn gần gũi, thân thiết, là môi trường để tập hợp, đoàn kết lực lượng thầy thuốc trẻ trong cả nước; đồng hành với các thầy thuốc trẻ trong lập thân, lập nghiệp, sáng tạo, xung kích, tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng; góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ IV phát động và triển khai 2 chương trình: “Thầy thuốc trẻ tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và cải tiến chất lượng” và “Thầy thuốc trẻ xung kích, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”. Trong đó, chương trình “Thầy thuốc trẻ tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và cải tiến chất lượng” nhằm cổ vũ thầy thuốc trẻ tham gia nghiên cứu khoa học và làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, đẩy mạnh việc ứng dụng những thành tựu y học vào hoạt động khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khám, chữa bệnh, y tế dự phòng.

Chương trình “Thầy thuốc trẻ xung kích, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” nhằm cổ vũ các thầy thuốc trẻ tham gia phong trào tình nguyện khám, phát thuốc miễn phí và triển khai các chương trình y tế công cộng tại cộng đồng với phương châm “Ở đâu có thầy thuốc trẻ, ở đó có hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, với khẩu hiệu hành động “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh”, Hội đặt ra mục tiêu tổ chức khám bệnh, sàng lọc bệnh cho 5.000.000 người dân; tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ năng; xuất bản 500 bài báo đăng tạp chí quốc tế; tuyên truyền, vận động được 200 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo nhất trong toàn quốc; thành lập Hội, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 36/63 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội. (Gia đình & Xã hội, trang 3).

 

Chống dịch COVID-19: ‘Trên nóng, dưới lạnh’, khắc phục cách nào?

Trường hợp BN 1342 lây cho BN 1347, BN 1348, BN 1349 là lời cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”…

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, hàng nghìn cuộc họp, cuộc tập huấn đã được tổ chức nhằm quán triệt tới tất cả các cấp chính quyền đến tận thôn, xóm, tổ dân phố, từng người dân, tinh thần chống dịch quyết liệt, kỷ cương, kỷ luật theo 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị.

Nhất là trong tình hình hiện nay, mỗi ngày trên thế giới hàng gần nửa triệu người nhiễm, hơn 10.000 người tử vong vì COVID-19 thì Việt Nam như ở trong “cánh đồng trũng, ở bên ngoài thì nước cao, sóng lớn”. Do vậy, chúng ta tiếp tục phải “bao đê cho chặt”, giữ cho chắc.

Tất cả các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống COVID-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia) đều nhấn mạnh nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực.

Hàng trăm quy định, hướng dẫn phòng chống dịch đã được ban hành hết sức chi tiết, cụ thể. Ban Chỉ đạo quốc gia nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ít nhất trong vòng 28 ngày, bao gồm 14 ngày cách ly tập trung và đặc biệt là 14 ngày giám sát y tế sau khi cách ly.

Tại các cuộc họp trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban Chỉ đạo quốc gia, ngày 17/9 và 3/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương nhất là chính quyền, lực lượng công an, y tế cơ sở phải nắm được từng ngày trên địa bàn của mình có bao nhiêu người nhập cảnh, thuộc diện cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Mỗi ngày phải hỏi thăm những người này ít một lần về tình trạng sức khoẻ, việc tuân thủ các quy định cách ly, phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đề cao kỷ cương mới giữ được bình yên đất nước trước đại dịch COVID-19. “Từng địa phương phải nắm được ngày hôm nay trên địa bàn có bao nhiêu người từ nước ngoài về và trong vòng 28 ngày phải có cách để hỏi đáp ít nhất mỗi ngày một lần. Bộ Y tế phải lệnh cho cán bộ cấp dưới. Trưởng ban chỉ đạo các tỉnh phải lệnh xuống cấp dưới. Ngành công an cũng phải thế. Nếu phát hiện trường hợp thuộc diện cách ly tại nhà mà đi ra ngoài thì phải xử phạt thật nghiêm”.

Nhìn lại tình huống lây nhiễm ở TPHCM, rõ ràng chính quyền cơ sở, lực lượng công an, y tế đã không làm tròn trách nhiệm. Nếu chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ thì BN 1342 không thể gặp người thân, đi ra ngoài gặp bạn bè, đi học, thậm chí đi ăn uống ở nhiều nơi đến như vậy. Điều đáng nói, ở nhiều địa phương khác cũng có tình trạng chính quyền cơ sở lơ là, chểnh mảng, không hỏi han, giám sát đối với người thuộc diện cách ly, giám sát y tế tại nhà.

Công tác phòng chống dịch sẽ ra sao nếu vẫn tiếp diễn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh?

Chúng ta cần làm rõ trách nhiệm của người vi phạm và nhất là sự lơ là, chủ quan của chính quyền địa phương, các lực lượng phòng chống dịch, đặc biệt là trách nhiệm trực tiếp của chính quyền cơ sở và phải xử lý nghiêm.

Các quy định, hướng dẫn đã có đầy đủ, chi tiết, vì vậy kỷ luật, kỷ cương là mấu chốt của nhiệm vụ phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.

Cũng qua tình huống lây nhiễm ở TPHCM, một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của công tác truy vết, theo dấu ca bệnh.

Tại buổi báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác hỗ trợ cho lực lượng phòng chống dịch của TPHCM, các chuyên gia của Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Tổ Thông tin) cho biết đã vào cuộc ngay khi có thông tin về các ca nhiễm COVID-19 ở TPHCM.

Tổ Thông tin hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch TPHCM xác minh nhanh nhất những “khoảng trống” thông tin về một số thời điểm, lịch trình di chuyển BN 1342 khi ra khỏi nhà gặp bạn bè, đi học…, chuyển giao phương pháp, kỹ thuật truy vết, theo dấu ca bệnh mới. Nhờ vậy, lực lượng phòng chống dịch TPHCM đã xác định nhanh hàng nghìn trường hợp F1, F2, ngăn chặn chu kỳ lây nhiễm tiếp theo.

Bài học được rút ra là tất cả các bước trong quy trình truy vết, theo dấu ca nhiễm phải được tuân thủ đầy đủ, nếu bỏ sót bất cứ khâu nào cũng có thể để lọt trường hợp nghi nhiễm ở ngoài cộng đồng.

Tuy nhiên, từ thực tế tại TPHCM, các chuyên gia kiến nghị phải bổ sung thêm những biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả của công tác truy vết, theo dấu ca bệnh.

Cụ thể, trung tâm kiểm soát dịch bệnh, ban chỉ đạo chống dịch địa phương, bộ phận kỹ thuật của Ban Chỉ đạo quốc gia phải được truy cập trực tuyến vào hệ thống camera giám sát trong các khu cách ly dân sự, để theo dõi, giám sát, kiểm tra đột xuất và xử lý ngay khi tình huống xảy ra.

Trước thực tế rất nhiều người thuộc diện cách ly không cài đặt, hoặc có cài đặt nhưng không bật các ứng dụng giám sát y tế trực tuyến, cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19 như NCOVI, Bluezone…, các chuyên gia kiến nghị phải có quy định bắt buộc, thậm chí xem xét phương án sử dụng vòng đeo tay điện tử để giám sát người thuộc diện cách ly.

Cùng với việc kêu gọi mọi người dân, chúng ta cần khuyến nghị mạnh mẽ, thậm chí quy định bắt buộc nhân viên y tế, giáo viên, sinh viên các trường đại học cài đặt, sử dụng các ứng dụng giám sát y tế trực tuyến, cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19. Điều này đặc biệt quan trọng để cảnh báo, truy vết nhanh người nghi nhiễm COVID-19, nhất là trong tình huống xuất hiện nhiều ca bệnh cùng lúc ở nhiều nơi.

Các địa phương cần được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật truy vết, theo dấu ca bệnh, có các trường hợp giả định để sẵn sàng cho những tình huống khác nhau.

Qua gần 1 năm chống “giặc” COVID-19, có thể nói đến nay những quy định, hướng dẫn đã rất đầy đủ, cụ thể, chi tiết, vấn đề luôn nằm ở khâu thực hiện, giám sát, kiểm tra. “Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bài học Đà Nẵng hay trường hợp BN 1342 ở TPHCM cho thấy sự lơi lỏng, chủ quan của bất kỳ ai, ở bất kỳ khâu nào trong công tác phòng chống dịch cũng có thể khiến hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên phải nghỉ học, hàng nghìn DN bị thiệt hại, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thậm chí đến cả nước.

Chúng ta không được phép để những bài học đó trở thành vô ích, do đó, phải tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cho đến từng người dân. Mọi vi phạm phải xử lý cương quyết, nghiêm khắc, có vậy mới giữ được bình yên cho đất nước. (Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Ca điều phối ghép đa tạng cứu sống 4 bệnh nhân: Cảm phục, chi ân người mẹ quyết định hiến tạng con trao

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lòng cảm phục và tri ân đối với bà Phạm Thị Mai, người đã quyết định hiến tạng của con trai mình là anh N.H.Q giúp cứu sống 4 bệnh nhân suy tạng nặng

Sau khi hay tin hàng trăm cán bộ, chuyên gia, thầy thuốc, nhân viên thuộc các cơ sở y tế đã phối hợp với Cảnh sát Giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu, Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh và Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện thành công ca điều phối ghép đa tạng từ một người hiến ở Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bày tỏ lời khen ngợi đối với những nỗ lực điều phối kịp thời, nhanh chóng của các đơn vị liên quan, cũng như trình độ chuyên môn cao của các thầy thuốc.

Đây là lần đầu tiên các đơn vị điều phối ghép tạng tiếp nhận một ca hiến đa tạng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và vận chuyển tạng tới cả 3 miền đất nước. Người hiến là anh N.H.Q (30 tuổi), công nhân cầu đường tại TP Vũng Tàu bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao vai trò điều phối Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, sự hợp tác chính xác và nhịp nhàng giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với Cảnh sát Giao thông của hai địa phương là Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cùng Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thực hiện lấy, vận chuyển và ghép tạng nhanh chóng, kịp thời.

Tinh thần trách nhiệm hết lòng vì người bệnh và tinh thần chuyên nghiệp cao của tất cả các bên và cá nhân liên quan đã đảm bảo việc ghép tạng thành công trong thời gian vàng.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lòng cảm phục và tri ân đối với bà Phạm Thị Mai, người đã quyết định hiến tạng của con trai mình là anh N.H.Q: “Thay mặt lãnh đạo ngành y tế xin gửi tới bà lời tri ân của đội ngũ y bác sĩ và các bệnh nhân được ghép tạng. Hành động cao cả của bà và gia đình đã giúp cứu sống 4 bệnh nhân suy tạng nặng đã cận kề cái chết”

Ca điều phối, vận chuyển tạng từ Vũng Tàu đi TP Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội được thực hiện ngày 2/12. Tim của người hiến đã được ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế; thận được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tới nay tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều đang bình phục.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong ca này và tặng kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho người hiến tạng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Các bệnh viện tại TPHCM: lập hàng rào chặn COVID-19 xâm nhập

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Y tế TPHCM tiếp tục siết chặt các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ đầu vào. Đặc biệt, các bệnh viện ở TPHCM đã tăng cường xây dựng các “hàng rào” chống COVID-19 để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong môi trường này.

Thắt chặt khai báo y tế ngay từ cổng vào

Ngay khi xuất hiện trở lại bệnh nhân mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TPHCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh (Giám đốc Sở Y tế TPHCM) nhận định, các bệnh viện tại TPHCM là những nơi dễ phát tán dịch bệnh nhất nên phải có biện pháp phòng ngừa riêng biệt. Chính vì vậy, những đơn vị này đã thắt chặt công tác kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh ngay từ cổng bệnh viện với quyết tâm cao không để COVID-19 xâm nhập.

Ghi nhận của phóng viên ngay tại Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh, TPHCM), nơi tiếp nhận hàng nghìn trường hợp đến khám và điều trị mỗi ngày, đơn vị đã tổ chức 2 cổng kiểm tra, khai báo y tế. Mỗi cổng được chia thành 2 nhánh với các hình thức khai báo trên giấy và trên máy tính. Ngoài ra, người đến khám chữa bệnh phải đeo khẩu trang suốt thời gian vào viện, xịt tay khử khuẩn, khai báo y tế… ngay tại cổng.

“Từ đầu năm 2020, chúng tôi liên tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch để không lọt trường hợp lây nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, tất cả người đến bệnh viện đều phải khai báo y tế sau đó được dán nhãn an toàn. Trong quá trình thăm khám chữa bệnh, các bác sĩ tiếp tục thực hiện kiểm tra khai báo y tế nhằm phát hiện trường hợp cố tình che giấu. Cùng với đó, bệnh viện chuẩn bị sẵn phòng trống ở mỗi tầng lầu nhằm xử lý kịp thời khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tại khoa” – TS-BS Diệp Bảo Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, TPHCM – cho biết.

Tương tự, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng phân luồng bệnh nhân, xây dựng lối đi khám bệnh, khu vực cách ly riêng biệt. Tại các khoa phòng, người bệnh đều được nhân viên y tế nhắc nhở liên tục việc phải đeo khẩu trang 24/24 giờ và ngồi giãn cách an toàn…

Mỗi bệnh nhân chỉ có một thân nhân nuôi bệnh

Là đơn vị y tế tuyến đầu, điều trị rất nhiều ca bệnh nặng và bệnh nhân nhiều người mắc bệnh nền, Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM) đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, mỗi bệnh nhân chỉ có một thân nhân nuôi bệnh và không thay đổi người nuôi bệnh trong suốt 1 tuần. Bệnh viện sẽ không giải quyết thăm bệnh trong suốt thời gian nằm viện. Người thân nuôi bệnh cũng được quy định rõ ràng (từ 16 giờ đến 6 giờ hôm sau). Cùng với đó, hạn chế tụ tập và tiếp xúc với người xung quanh để bảo vệ sức khỏe của cả bản thân, cũng như gia đình và xã hội. “Tôi có người thân nằm tại bệnh viện, bình thường nhiều người được vào chăm sóc cùng lúc nhưng nay chỉ được 1 người vào chăm sóc. Việc này có đôi chút vất vả nhưng tôi thấy hoàn toàn hợp lý vì giúp bảo vệ sức khỏe của chính người bệnh và của cả gia đình. Mọi người ai cũng chịu thiệt thòi đôi chút nhưng đồng lòng thì dịch sẽ sớm qua” – anh Hải Phan (quận 6, TPHCM) chia sẻ.

Để đảm bảo phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, ông Tăng Chí Thượng (Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM) vừa yêu cầu các cơ sở y tế cần duy trì và củng cố hoạt động kiểm soát tất cả người đến, bao gồm người bệnh, thân nhân, nhân viên bệnh viện và dịch vụ thuê ngoài… Các quy định như mang khẩu trang, kiểm soát thân nhiệt, sát trùng khai báo y tế phải thực hiện đầy đủ.

Đặc biệt, các cơ sở y tế cần thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán với trường hợp đã từng đến điểm dịch tễ trong cùng thời gian mà Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã công bố, có hoặc không có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp cấp. Trường hợp đến những điểm dịch tễ, ngoài thời gian mà HCDC công bố, nhưng có triệu chứng sốt, hoặc triệu chứng viêm đường hô hấp cấp cũng phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Các bệnh viện cũng đang triển khai sàng lọc, phân luồng người đến khám, chữa bệnh tại khoa Khám bệnh hoặc khoa Cấp cứu, đặc biệt là người có yếu tố dịch tễ hoặc xuất hiện triệu chứng sốt, hô hấp. Mỗi khoa lâm sàng nội trú phải có một buồng cách ly tạm cho người bệnh khi phát hiện có yếu tố dịch tễ, triệu chứng nghi ngờ COVID-19 hoặc bệnh lây nhiễm khác.

“Những bệnh viện chưa được Bộ Y tế công nhận xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 tập trung gửi mẫu về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Các đơn vị này cần tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ nhân viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh, kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn, kỹ thuật sử dụng máy thở… Cơ sở y tế cần hạn chế đi lại giữa các khoa, phòng, giảm tình trạng tập trung đông người tại những khu vực thường bị ùn tắc trong bệnh viện, giãn cách theo quy định” – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng lưu ý.

TPHCM: 3.259 mẫu liên quan đến các ca mắc COVID-19 có kết quả âm tính

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh COVID-19, tính đến sáng ngày 7.12, TPHCM đã lấy 3.259 mẫu xét nghiệm F1, F2 và các ca rà soát cộng đồng liên quan đến các trường hợp tiếp xúc với 4 ca dương tính (bệnh nhân 1342, 1347, 1348 và 1349). Qua xét nghiệm, có 861 trường hợp tiếp xúc gần (F1), 1.400 trường hợp tiếp xúc của F1 và 1.002 trường hợp lấy mẫu giám sát cộng đồng cho kết quả âm tính với COVID-19. (Lao động, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/01/2021

CDC Hà Nam

Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 20/4/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận