Bộ Y tế kêu gọi người dân phòng,chống COVID-19 qua “Thông điệp 5K
Thực hành tốt Thông điệp 5 K: Khẩu trang – Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế”, chính là “lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế đã chính thức khuyến cáo Thông điệp 5 K: Khẩu trang – Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế, kêu gọi mỗi người dân cùng nhau thực hiện Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19.
“Thông điệp 5 K: Khẩu trang – Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế” đang có sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng. Đã đến lúc chúng ta cần phải xác định chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả. Thực hành tốt thông điệp 5K chính là “lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Đến nay, trên trang Fanpage của Bộ Y tế – Sức khỏe Việt Nam, Thông điệp 5 K đã có gần 1 triệu lượt người tiếp cận, tương tác và chia sẻ. Để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ, Bộ Y tế đã cập nhật khung Avatar Thông điệp 5 K, chia sẻ để cộng đồng mạng hưởng ứng bằng cách thay Avatar, góp phần hưởng ứng thực hiện Thông điệp 5 K.
Chỉ sau 3 ngày phát động, hàng nghìn lượt người dùng Facebook đã thay Avatar Thông điệp 5 K.
Đặc biệt, các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên, người nổi tiếng, KOLs đã đồng loạt hưởng ứng thay Avatar trên trang Facebook cá nhân của mình như: Ca sĩ Dương Triệu Vũ, Hoa hậu Jennifer Phạm; ca sĩ Nam Cường; Hoa hậu doanh nhân Bảo Trâm; Giám đốc sáng tạo thời trang Neva Easter Lily; Á hoàng Golf Queen Nguyễn Hải Anh; Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa, nhạc sĩ Minh beta, ca sĩ Thanh Tài…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nguy cơ dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế đã luôn khuyến cáo những thông điệp, những việc cần làm rất cụ thể, chính xác, phù hợp với diễn biến và tình huống phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường phối hợp chặt chẽ cùng các ban, ngành, đoàn thể ban hành những quy định cụ thể về an toàn trước dịch COVID-19.
Nếu mỗi người trong chúng ta chúng ta làm tốt các quy định đã được khuyến cáo thì việc kiểm soát dịch COVID-19 là hoàn toàn có thể. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự đoàn kết để chung sức chiến thắng đại dịch COVID-19.
“Bộ Y tế nhận định đã đến lúc chúng ta phải xác định chung sống an toàn với đại dịch COVID-19. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy hành động, cùng nhau thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Hãy tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5 K để giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước đại dịch COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng các tài liệu, các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19; đồng hành với các KOLs xây dựng các chương trình truyền thông Thông điệp 5 K.
Đặc biệt, sẽ phối hợp Ra mắt MV ca nhạc với sự góp mặt của hơn 100 là các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên; phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện các chương trình truyền hình, tọa đàm, giao lưu trực tuyến… nhằm lan tỏa thông điệp tới cộng đồng. (Công an nhân dân, trang 4).
Quảng Nam có thêm 19 ca COVID-19 xuất viện
Các bệnh nhân sau khi xuất viện đã được xe của Trung tâm Y tế địa phương đưa về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi 14 ngày theo quy định và được lấy thêm 2 lần mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi hoàn thành cách ly, hòa nhập cộng đồng.
Tiểu ban điều trị COVID-19 tỉnh Quảng Nam cho biết sáng 7/9 đã có thêm 19 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh và cho xuất viện.
Trong đó có 10 bệnh nhân được xuất viện tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Quảng Nam, gồm BN 464 (SN 1951, trú phường Minh An, Hội An), BN 838 (SN 1973, trú xã Đại Quang, Đại Lộc), BN 461 (SN 1974, trú phường Sơn Phong, Hội An), BN 596 (SN 1997, trú xã Bình Trung, Thăng Bình), BN 775 (SN 1994, trú xã Duy Thành, Duy Xuyên), BN 837 (SN 1964, trú xã Đại Đồng, Đại Lộc), BN 857 (SN 1994, trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), BN 796 (SN 1964, trú xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), BN 593 (SN 1945, trú phường Cẩm An, Hội An), BN 715 (SN 1978, trú phường Cẩm An, TP Hội An).
9 bệnh nhân được xuất viện tại BVĐK khu vực Quảng Nam, gồm BN 521 (SN 2005, trú xã Điện Thọ, Điện Bàn), BN 547 (SN 1968, trú phường Cẩm An, Hội An), BN 625 (SN 1969, trú phường Cẩm An, Hội An), BN 594 (SN 1952, trú xã Cẩm Kim, Hội An), BN 840 (SN 1984, trú xã Cẩm Thanh, Hội An), BN 841 (SN 2009, trú phường Phước Hòa, Tam Kỳ), BN 842 (SN 2012, trú phường Tân An, Hội An), BN 905 (SN 1955, trú phường Điện Nam Bắc, Điện Bàn), BN 964 (SN 1971, trú phường An Mỹ, Tam Kỳ).
Các bệnh nhân sau khi xuất viện đã được xe của Trung tâm Y tế địa phương đưa về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi 14 ngày theo quy định và được lấy thêm 2 lần mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi hoàn thành cách ly, hòa nhập cộng đồng.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam ghi nhận có 67 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó BVĐK Trung ương Quảng Nam có 41 trường hợp, BVĐK khu vực Quảng Nam 24 trường hợp, Bệnh viện Trung ương Huế 2 trường hợp. (Công an nhân dân, trang 4).
Cà Mau xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1
Ngày 7/9, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau cho biết, đàn gia cầm tại một hộ dân ở xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời) bị chết do cúm gia cầm H5N1.
Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau nhận được báo cáo từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trần Văn Thời về thông tin hộ ông Phạm Văn Tòng (ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông) có đàn gia cầm bị bệnh chết nhiều, chết nhanh (chết 63 con/85 con gia cầm).
Trạm tiến hành kiểm tra thấy gia cầm có các biểu hiện, như: Mắt kéo mây, xuất huyết vùng da chân… là những biểu hiện đặc trưng của bệnh cúm gia cầm nên tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Theo thông báo số 1825/TB-TYV7-TH của Chi cục Thú y vùng 7 về mẫu bệnh phẩm trên gia cầm dương tính với virus H5N1.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau chỉ đạo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trần Văn Thời phối hợp với UBND xã Khánh Bình Đông tiêu hủy số gia cầm còn lại.
Điều tra tổng đàn gia cầm xung quanh ổ dịch; giám sát phun xịt thuốc sát trùng; tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực ổ dịch và tiến hành tiêm phòng bao vây ổ dịch đúng theo quy định để khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng. (Công an nhân dân, trang 4).
Những việc học sinh cần làm hàng ngày để phòng bệnh COVID-19
Hiện nay, các tỉnh thành đã cho trẻ đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ học phòng bệnh COVID-19. Bộ Y tế vừa xây dựng khuyến cáo bằng video sinh động về những việc học sinh cần làm tại trường hàng ngày để phòng tránh mắc căn bệnh này.
Trong thời gian học sinh học ở trường cần:
– Rửa tay với nước sạch và xà phòng theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế tại các thời điểm: Trước khi vào lớp học, trước và sau khi ăn, sau mỗi giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ, sau khi đi vệ sinh, khi thấy tay bẩn.
– Ngồi trong lớp học không bắt buộc phải đeo khẩu trang, khi ra chơi cần đeo khẩu trang.
– Các phòng học có thể bật điều hòa, nhưng định kỳ mở cửa sổ chính để thông thoáng khí.
– Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay; Bỏ rác đúng nơi quy định.
– Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh.
– Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, gối, chăn…
– Nghiêm cấm học sinh khạc nhổ bừa bãi.
– Hàng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh xem có cảm thấy sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không (đối với trẻ mầm non thì hỏi cha mẹ khi giáo viên nhận trẻ). Nếu có, giáo viên đưa ngay học sinh đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi và xử trí kịp thời.
Trong thời gian học:
– Khi giáo viên, nhân viên y tế nhà trường phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế tại nhà trường có trách nhiệm cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh nêu trên.
– Khi giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến phòng y tế ngay để được kiểm tra, theo dõi, cách ly. Nhân viên y tế nhà trường thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã, cơ quan quản lý đồng thời cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường nêu trên.
Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường; Cha mẹ học sinh không được vào trong trường; Bảo vệ tại nhà trường, ký túc xá hạn chế không cho người không có nhiệm vụ vào trường, ký túc xá. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14).
Chiều 7-9, tiếp tục không có ca mắc Covid-19 mới, 38 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 7-9, nước ta tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 1.049 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước. Trong đợt dịch này, tính từ ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại Đà Nẵng vào ngày 25-7 đến nay, cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.
Như vậy, 9 ngày qua (từ ngày 30-8 cho đến nay), cả nước mới ghi nhận 1 ca mắc mới Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng (bệnh nhân 1.045 ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Điều đó cho thấy, dịch đã được kiềm chế nhưng mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng và có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cần tiếp tục được duy trì và tăng cường.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ngày 7-9, nước ta có thêm 38 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 9 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, 10 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam, 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương, 1 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) và 9 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng).
Đến nay, nước ta đã điều trị khỏi cho 853 ca, 35 ca tử vong. Các ca tử vong chủ yếu là người cao tuổi, người mắc các bệnh nền, như ung thư, suy thận mạn, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… Trong số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 66 ca có kết quả âm tính từ 1 đến 3 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2.
Đặc biệt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đang điều trị cho 19 bệnh nhân Covid-19, trong đó có bệnh nhân 793 (nam, 58 tuổi quê ở Bắc Giang) đã kết thúc ECMO (tim, phổi nhân tạo) từ ngày 4-9 và rút ống nội khí quản ngày 5-9.
Đến hôm nay (7-9), bệnh nhân đang thở ô xy kính mũi, huyết động ổn định. Bệnh nhân đã có thể tự ăn đường miệng được. Đây là bệnh nhân Covid-19 nguy kịch thứ hai phải dùng ECMO tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, sau bệnh nhân 19 và thở máy xâm nhập được điều trị thành công. (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 8).
Hà Nội ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Ngày 7-9, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh, trong tuần (từ ngày 31-8 đến 6-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại quận Hoàn Kiếm.
Số ca mắc sốt xuất huyết tuần qua được phân bố rải rác tại 106 xã, phường, thị trấn và tăng 76 ca so với tuần trước đó, tập trung tại một số quận, huyện vùng ven: Thường Tín có 38 ca, Nam Từ Liêm 35 ca, Thanh Oai 13 ca, Đan Phượng 12 ca.
Như vậy, lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 1.802 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong và số ca mắc giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 3.626 trường hợp). Tuy nhiên, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.
Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, như: Vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phối hợp thực hiện, không chủ quan với dịch bệnh. (Hà Nội mới, trang 1).
Vụ pate Minh Chay: ‘Tính mạng người dân là quan trọng nhất’
Không lực lượng thanh tra nào có thể kiểm soát hết các yếu tố nguy cơ nếu người sản xuất thiếu ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Nếu đứng ở góc độ quy trình, cơ quan chức năng đáp ứng được các quy trình xử lý vụ việc pate Minh Chay theo cơ sở pháp lý, các bước tiến hành cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, xét theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc do pate Minh Chay nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố botulinum, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của người tiêu dùng, tôi có cảm giác cơ quan chức năng đã phản ứng hơi chậm”. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh), Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, thẳng thắn nêu quan điểm với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc pate Minh Chay có chứa độc tố mạnh.
Chậm trễ sẽ gia tăng nguy cơ
. Phóng viên: Chậm là do cơ quan chức năng dành thời gian để củng cố chính xác tác nhân gây ra ngộ độc. Điều này đâu sai, thưa bà?
+ PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Thực tế cho thấy đây không phải việc dễ, ngay cả tác nhân gây ra ngộ độc cũng phải đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ, chuyên gia. Về phía Bộ Y tế, nơi đây cũng đã lấy mẫu kiểm nghiệm hai lần và chờ đợi vi khuẩn sinh bào tử để đánh giá kết quả được chính xác nhất.
Mặc dù cơ quan chức năng đã làm hết sức nhưng chưa đáp ứng được sự mong mỏi mang tính khẩn cấp về mặt thời gian. Cơ quan chức năng chậm phút nào, giờ nào, ngày nào thì nguy cơ người dân tiếp tục sử dụng pate Minh Chay sẽ xảy ra và điều này rất nguy hiểm đến sức khỏe.
. Nếu vụ việc pate Minh Chay xảy ra tại TP.HCM, Ban Quản lý ATTP TP này sẽ xử lý ra sao, thưa bà?
+ Vụ việc cho dù xảy ra ở đâu thì cũng phải tuân thủ quy trình xử lý. Các nạn nhân của vụ ngộ độc pate Minh Chay không xảy ra cùng một địa điểm để cơ quan chức năng có thể vào cuộc ngay mà xảy ra ở những thời điểm khác nhau và địa phương cũng khác nhau như Khánh Hòa, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… Điều này ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc.
Nếu vụ việc pate Minh Chay xảy ra tại TP.HCM, chúng tôi lập tức tham mưu UBND TP này yêu cầu công ty ngưng sản xuất nếu có nghi ngờ, ngay cả khi chưa có kết quả kiểm nghiệm trong trường hợp nhiều người có cùng triệu chứng, cùng tác nhân gây ngộ độc. Bên cạnh đó, việc thu hồi sản phẩm sẽ được thực thi song song với việc báo cáo Bộ Y tế để có sự chỉ đạo cần thiết và kịp thời.
Độc tố rất mạnh nên cảnh báo càng sớm càng tốt
. Có ý kiến cho rằng “thà cảnh báo nguy cơ nhầm còn hơn để nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe do ăn pate Minh Chay chứa độc tố”. Quan điểm của bà ra sao?
+ Từ cơ quan chức năng đến cộng đồng đều khẳng định: “Tính mạng con người là quan trọng nhất”. Tuy nhiên, không thể bỏ qua quy trình vì dễ dẫn đến nhầm lẫn, oan sai. Nếu oan sai cho doanh nghiệp chắc chắn gây thiệt hại kinh tế. Còn nếu chậm cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Trong trường hợp pate Minh Chay, do độc tố rất mạnh của vi khuẩn đe dọa tính mạng người sử dụng thì cần cảnh báo sớm ngày nào tốt ngày đó. Tuy nhiên, cảnh báo cần có nhiều mức độ. Một khi khẳng định 100% vi khuẩn xuất phát từ quy trình của công ty thì phải căn cứ trên các dữ liệu để cơ quan quản lý ra lệnh ngưng sản xuất và thực hiện thu hồi. Bên cạnh đó, xử lý vi phạm liên quan do các lỗi chủ quan hay khách quan.
Trong việc xử lý, bản thân cơ quan quản lý cũng có sức ép khi phải cân đối các giải pháp xử lý ở những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong tình huống sự việc đã xấu thì cần chọn những tình huống ít xấu nhất. Thiệt hại kinh tế của công ty có thể đền bù, có thể làm bù nhưng sức khỏe, tính mạng người dân không có gì bù đắp được.
. Thưa bà, để không xảy ra vụ việc tương tự pate Minh Chay, cơ sở sản xuất và cơ quan chức năng cần làm gì?
+ Công ty sản xuất pate Minh Chay có địa chỉ, sản phẩm có nguồn gốc nên việc truy xét các vấn đề liên quan sau sự cố rất thuận lợi.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở sản xuất thức ăn chay và thực phẩm mặn, đặc biệt là đồ hộp luôn xảy ra nguy cơ vi khuẩn yếm khí xâm nhập khi nhiễm nguồn từ ban đầu nếu điều kiện sản xuất không đáp ứng. Hiện nay, bên cạnh những cơ sở dạng doanh nghiệp còn tồn tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo diện hộ kinh doanh cá thể.
Khi cơ quan chức năng kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, không loại trừ nhiều cơ sở đã mua nguồn nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, tiết giảm chi phí đầu vào, vi phạm các điều kiện ATTP… vì mục đích lợi nhuận. Việc xử lý không nên dừng lại ở mức độ răn đe mà quan trọng cơ sở phải đầu tư ngay từ khâu sản xuất ban đầu.
Ý thức của cơ sở sản xuất là điều rất quan trọng. Nếu không có ý thức từ chính người sản xuất thì không có lực lượng thanh tra nào có thể kiểm soát được hết yếu tố nguy cơ cũng như các sai phạm mang tính cố ý.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, kể cả sự vào cuộc của người dân. Thực phẩm sạch chỉ có đất sống khi người dân nâng cao ý thức tiêu dùng, loại trừ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc… (Pháp luật TPHCM, ngày 7.9, trang 2+3).