Điểm báo ngày 10/12/2019

(CDC Hà Nam)
Bệnh nhân bị chuyển lòng vòng; Bộ Y tế lý giải về việc quy định bổ sung 21 loại vi chất vào sữa học đường; Hà Nội đã khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết; Trời lạnh khiến cúm, bệnh hô hấp ở trẻ em tăng mạnh…

Bệnh nhân bị chuyển lòng vòng

Một số bệnh viện tại TP.HCM hiện đã xài hết dự toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hoạt động cầm chừng chờ… hết năm 2019 dẫn đến việc, người bệnh bị chuyển “lòng vòng” hoặc được “khất”… đến năm sau.

Hẹn… sang năm

Trả lời Thanh Niên, một bác sĩ (BS) tại Viện Tim thừa nhận do bệnh nhân (BN) đông và nặng, nên bệnh viện (BV) đã xài hết quỹ khám chữa bệnh, Bảo hiểm Y tế (BHYT). Có thời điểm, BV rất khó khăn.

“BN có thể trì hoãn được thì trì hoãn, còn những BN nặng cần giải quyết thì vẫn phải mổ, sau đó sẽ xin bổ sung tiền sau”, BS này nói. Một chuyên gia quản lý BHYT nói rằng, do tình trạng cạn quỹ KCB BHYT nên hiện nay đáng lo là BN vào viện thì các BV phải chuyển viện. Cách đây gần nửa tháng, một BN bị trọng thương cánh tay phải chuyển lòng vòng qua 2 BV, cuối cùng đến BV Nhân dân 115 mới được phẫu thuật, mặc dù các BV trước đều thực hiện được kỹ thuật này.

Trước thực trạng quỹ KCB BHYT của các BV cạn, từ giữa tháng 11.2019, UBND TP.HCM đã có công văn về việc tăng cường quỹ BHYT, trong đó giao Sở Tài chính phối hợp BHXH, Sở Y tế TP tham mưu giải pháp trong trường hợp không cân đối được dự toán 2019 thì trình UBND TP gửi Hội đồng quản lý quỹ BHXH Việt Nam, báo cáo Thủ tướng; đồng thời nghiên cứu các nguồn hỗ trợ.

Có nhiều phương án được BHXH và Sở Y tế TP bàn tính, trong đó có phương án cho các BV thêm tiền để hoạt động, chờ quyết định bổ sung kinh phí hơn 1.700 tỉ đồng từ Chính phủ (theo đề xuất của TP). Theo đó, ưu tiên bổ sung kinh phí cho các BV chuyên khoa, đa khoa công lập… để hoạt động đến cuối năm. Ngoài ra, còn có phương án, các BV tự cân đối, quyết định bệnh nào nhận, bệnh nào không – tức là bệnh khẩn cấp, nặng thì nhận; còn bệnh có thể kéo dài được thì hẹn… sang năm 2020 (!?).

Bổ sung tiền tỉ, vẫn không… thấm vào đâu

Để tạm thời “giải vây” cho tình trạng này, ngày 4.12, Giám đốc BHXH TP.HCM Phan Văn Mến đã có văn bản điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT, tức là chi thêm tiền cho các BV đã hết quỹ KCB BHYT. Giám đốc BHXH TP đề nghị các đơn vị căn cứ dự toán được giao, có biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người bệnh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chi phí KCB.

BHXH TP sẽ không thanh toán chi phí KCB gia tăng do nguyên nhân chủ quan; lựa chọn và chỉ định thuốc, kỹ thuật… rộng rãi, không phù hợp với tình trạng bệnh và các quy định về chuyên môn. Trường hợp đơn vị chi vượt số dự toán KCB BHYT do nguyên nhân khách quan, BHXH TP sẽ phối hợp Sở Y tế xem xét,tổng hợp báo cáo BHXH Việt Nam và trình UBND TP.

Theo dự toán bổ sung, Viện Tim được “bơm” thêm hơn 29 tỉ đồng (cấp dự toán lần đầu là hơn 225 tỉ đồng), BV H.Củ Chi hơn 30 tỉ đồng (cấp dự toán lần đầu là hơn 72 tỉ đồng), BV Chấn thương chỉnh hình hơn 18 tỉ đồng (dự toán lần đầu là hơn 347 tỉ đồng)… Tuy vậy, theo lãnh đạo một BV, việc bổ sung này cũng không thấm vào đâu…

Từ những thực tế nêu trên, giám đốc một BV tuyến trên của TP.HCM đề nghị cần xem xét lại việc giao dự toán chi KCB BHYT cho các BV. Theo đó, BHYT cần thanh toán theo chi phí thực tế mà BV đã sử dụng cho BN. Ngoài ra, đối với các BV tuyến, BHYT nên chi trả thực tế theo ca bệnh. Nếu BV làm sai thì kiểm tra và BV làm sai chịu trách nhiệm. Nếu vẫn còn giao dự toán KCB BHYT như hiện nay thì dẫn đến tình trạng các BV tuyến dưới “đẩy bệnh” cho BV tuyến trên, trong khi BV tuyến trên, tuyến cuối… thì không biết phải chuyển BN đi đâu.

Năm 2019, TP.HCM được Chính phủ giao dự toán 18.190 tỉ đồng để chi cho hoạt động KCB BHYT. Các BV được giao dự toán KCB BHYT dựa trên chi phí năm 2018 và một số yếu tố khác. Tuy nhiên, mới 6 tháng đầu năm, nhiều BV đã chi quá 50% dự toán của cả năm; và đến tháng 9,10 thì nhiều BV đã “cạn” số tiền được giao. UBND TP.HCM cũng đã có công văn kiến nghị gửi Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét giải quyết bổ sung dự toán chi KCB BHYT cho TP thêm hơn 1.700 tỉ đồng cho năm 2019.

Làm rõ các bệnh viện xài biệt dược gốc “quá tay”. (Thanh niên, trang 14).

 

Bộ Y tế lý giải về việc quy định bổ sung 21 loại vi chất vào sữa học đường

Thông tin tới báo chí về Thông tư liên quan đến sữa học đường vừa được ban hành, Bộ Y tế lý giải, việc bổ sung 21 vi chất vào sản phẩm sữa học đường là rất cần thiết và chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu…

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 5-9 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2019/TT-BYT quy định về yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Điểm đáng chú ý nhất là thông tư này quy định các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải bổ sung đủ 21 loại vi chất.

Thông tin rõ hơn đến báo chí xung quanh việc ban hành Thông tư nói trên, Bộ Y tế nêu rõ, chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016.

Trước đó, ngày 24-11-2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng, trong đó có xác định nhu cầu các vi chất, vitamin và có ngưỡng dung nạp tối đa.

Căn cứ vào Quyết định số 1340/QĐ- TTg và Thông tư số 43/2014/TT- BYT quy định “Bổ sung vi chất vào Chương trình Sữa học đường cần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết và phải căn cứ cơ sở khoa học”, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nghiên cứu và có văn bản đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Trong đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định có cơ sở khoa học được nêu ra khi đề nghị bổ sung 21 vi chất nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ký ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT. Thông tư này quy định đảm bảo đủ 21 vi chất với hàm lượng trung bình của từng loại vi chất trong 100 ml sữa và quy định về nguồn nguyên liệu đầu vào, việc công bố sản phẩm, ghi nhãn cũng như điều khoản chuyển tiếp.

“Theo ý kiến của Viện Dinh dưỡng thì việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là rất cần thiết và cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về vitamin và khoáng chất hàng ngày của trẻ. Đồng thời Thông tư 31/2019/TT-BYT cũng đã quy định rõ ràng, minh bạch và thống nhất cho tất cả các địa phương thực hiện” – thông cáo của Bộ Y tế nêu rõ.

Cũng theo Bộ Y tế, chương trình Sữa học đường được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học của Việt Nam, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tăng chiều cao của trẻ em. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Hà Nội đã khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết

Chiều 9-12, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội liên tục giảm trong 7 tuần gần đây.

Cụ thể, trong tuần (từ ngày 2 đến 8-12), thành phố ghi nhận 359 ca mắc sốt xuất huyết, trong khi những tuần đầu của tháng 11-2019 ghi nhận hơn 800 ca mắc sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 11.852 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa có trường hợp tử vong.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, có thể khẳng định, Hà Nội đã cơ bản khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết. Dù vậy, người dân không nên chủ quan mà cần tập trung diệt lăng quăng, phòng muỗi đốt ngay từ chính gia đình mình. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Trời lạnh khiến cúm, bệnh hô hấp ở trẻ em tăng mạnh

Những ngày gần đây không chỉ miền Bắc lạnh mà miền Nam, tại TP.HCM tiết trời cũng se lạnh như Đà Lạt. Các bệnh nhi mắc cúm, bệnh hô hấp gia tăng, tiêu chảy do virút cũng đáng lưu ý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-12, bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Trung tâm bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) – cho hay những ngày miền Bắc lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A bắt đầu vào viện nhiều, đặc biệt trong những ngày cuối tuần vừa qua.

Bệnh đặc trưng tăng

Theo bác sĩ Hải, hiện có 40-60 bệnh nhân đang điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm, đa số các cháu có bệnh cảnh nền như rối loạn chuyển hóa, viêm phổi mãn tính kéo dài, tim bẩm sinh… nên khi có thêm bệnh cúm biểu hiện bệnh nặng lên rất nhiều.

“Các cháu mắc cúm đang chiếm 1/3 bệnh nhi điều trị tại khoa chúng tôi, trong khi những thời điểm trước đó có khi không có bệnh nhi cúm nào nằm viện. Đây là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân nên số các cháu mắc bệnh còn có thể gia tăng trong những ngày tới. Khoa chúng tôi cũng đang tiếp nhận một số bệnh nhi mắc sởi, quai bị, cũng là bệnh mùa đông xuân, lây qua đường hô hấp” – bác sĩ Hải cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam – trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội – cho hay bệnh lý hô hấp vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa. Theo bác sĩ Nam, đây vẫn chưa là thời điểm lạnh nhất trong năm ở miền Bắc, nên những ngày tới, cha mẹ chú ý đề phòng bệnh hô hấp, bệnh tiêu chảy do virút ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là nhóm tuổi sức đề kháng còn yếu.

Với người già, các bác sĩ hướng dẫn không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, đề phòng đột quỵ trong trường hợp đột ngột ra khỏi chăn ấm để đến nhà vệ sinh trong đêm. Người cao tuổi cũng nên chú ý không nên tắm và gội cùng thời điểm, tránh để cơ thể quá lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đặc biệt lưu ý trẻ nhỏ

Trẻ mắc bệnh hô hấp cũng đang gia tăng tại TP.HCM do lạnh. Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 9-12, nhiều trẻ được phụ huynh cho mặc áo ấm, đầu đội mũ len, hai bàn chân và tay bao tất cẩn thận để giữ ấm cơ thể. Bé L.H.B. được mẹ đưa vào viện khám, mẹ bé cho hay những ngày gần đây bé B. có biểu hiện ho, sổ mũi, hắt xì khi về đêm.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết thời tiết trở lạnh, số bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh lý đường hô hấp, hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản cấp tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhóm trẻ dưới 2 tuổi chiếm tỉ lệ mắc bệnh cao nhất so với các nhóm tuổi còn lại.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn – trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – cho biết hiện đang là cuối mùa của bệnh hô hấp, bệnh đúng ra phải có xu hướng giảm nhưng những ngày gần đây, do thời tiết chuyển lạnh rõ khiến số lượng bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu gia tăng trở lại. Số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nhập viện khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng 10-20%. Phần lớn bệnh nhi nhập viện điều trị tại khoa dưới 2 tuổi.

Tuổi càng nhỏ, mắc bệnh càng nặng. Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, hai nhóm bệnh chính mà trẻ thường mắc phải khi thời tiết chuyển lạnh là các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi, các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen suyễn. Đặc biệt, thời tiết chuyển lạnh cũng là điều kiện thuận lợi để trẻ em mắc bệnh cúm.

Trong những ngày trở lạnh này, các bác sĩ lưu ý cha mẹ cần mặc đủ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời. Nên chích ngừa cúm, chích văcxin để phòng ngừa phế cầu cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh hiện tượng mất nước, ăn nhiều rau, trái cây để có nhiều vitamin. Không nên cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, tiếp xúc với người mắc bệnh về hô hấp.

Dễ khởi phát bệnh hen

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, với những trẻ mắc bệnh hen suyễn, cơn hen dễ khởi phát khi thời tiết trở lạnh như hiện nay.

Để đề phòng trẻ mắc bệnh trong thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là hai bàn chân và tay. Khi về trưa có nắng ấm hay trẻ chơi đùa bị toát mồ hôi cần cởi áo ấm cho thoáng.

Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tránh để trẻ tiếp xúc những yếu tố gây kích thích như phấn hoa, thú nhồi bông, chó mèo, khói thuốc lá, bụi…

Riêng đối với trẻ mắc bệnh hen suyễn, cần trang bị thuốc dự phòng do chính các bác sĩ chuyên khoa hô hấp thăm khám và kê toa.

Các thực phẩm làm ấm cơ thể

Các loại thịt như thịt bò, thịt trâu, thịt bê, sườn heo, thịt gà, các loại cá có hàm lượng các chất protein và cacbon hydrat dồi dào, đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nhiệt lượng, giúp bổ thận tráng dương, lưu thông khí huyết, tăng cường tuần hoàn máu, từ đó nâng cao sức đề kháng của cơ thể trong điều kiện thời tiết lạnh giá.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những người chống rét kém và thường xuyên cảm thấy “lạnh giá” là do cơ thể thiếu muối vô cơ. Các loại rau dạng sợi và củ như ngó sen, cà rốt, su hào, khoai môn, khoai tây, rau bí, cải ngọt, súp lơ… rất giàu hàm lượng muối vô cơ này.

Ngoài ra, trái cây như quýt, đu đủ, cam, nho, lê… cũng là những loại không thể thiếu cho việc thúc đẩy hệ miễn dịch. Để tăng cường hệ thống miễn dịch, hãy ăn nhiều chất chứa beta carotene có trong các loại rau lá xanh như xà lách, súp lơ, cải xanh, cải xoăn…

Các loại gia vị: gừng, tỏi, tiêu, ớt, quế, hành, hạt thìa là là các gia vị, vừa chứa nhiều vitamin A và C. Các gia vị cay này là vị thuốc hữu hiệu làm ấm nóng cơ thể, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa cảm cúm trong mùa đông. Tỏi được ví như là loại “kháng sinh tự nhiên” giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa nguy cơ mắc các chứng bệnh do virút và vi khuẩn tấn công.

Các loại hạt vừng, hạnh nhân, bí ngô, đậu phộng cũng có khả năng mang đến hơi ấm. Mật ong, nghệ tây mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có cả việc giữ ấm cho cơ thể. (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/11/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận