Nhà thuốc kê đơn, bán thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19: Ai giám sát?
Mới đây, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho phép các hiệu thuốc kê đơn Molnupiravir – thuốc kháng virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia về y tế lo ngại, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Bộ Y tế nhận định, số F0 ngày càng tăng cao, với khoảng 97% trường hợp ở mức độ nhẹ, trung bình, được điều trị và cách ly tại nhà. Thời gian qua người dân muốn mua thuốc điều trị COVID-19 phải do bác sĩ, y sĩ kê đơn dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống, cán bộ y tế. Đáng nói chính điều này khiến bệnh nhân chậm được tiếp cận với thuốc trong khi thuốc này được chỉ định cho các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình, được khuyến cáo sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc có kết quả dương tính. Việc cho phép người phụ trách chuyên môn ở các nhà thuốc, quầy thuốc kê đơn nhằm đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc điều trị COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tăng cao. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận, đề xuất này có mặt hạn chế bởi Molnupiravir là thuốc mới, cần phải giám sát sự an toàn, tính hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi.
Việc cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc kê đơn có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ và thận trọng dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Vì vậy, Bộ Y tế quy định, người mua thuốc phải có xác nhận là F0 từ cơ sở y tế. Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải kí một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu kèm một bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người bệnh.
Trước 17h hằng ngày, các cơ sở bán lẻ là nhà thuốc, quầy thuốc việc bán thuốc, tổng hợp, báo cáo kết quả kinh doanh thuốc điều trị COVID-19 về cơ quan quản lí y tế địa phương.
“Đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị COVID-19 dùng uống tại các địa bàn có số ca mắc COVID-19 tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định”, Bộ Y tế ghi rõ tại văn bản đề xuất.
Hậu quả khó lường nếu sử dụng tràn lan
Nhiều chuyên gia y tế băn khoăn Molnupiravir là loại thuốc mới, hiện chưa được sử dụng rộng rãi trên thế giới và vẫn đang trong quá trình kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam, nhiều nguy cơ có hại nếu không được sử dụng đúng liều lượng và đối tượng.
Dù việc để nhà thuốc kê đơn Molnupiravir sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận thuốc, nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kĩ các thông tin đã được Bộ Y tế cũng như các chuyên gia hướng dẫn khi sử dụng thuốc Molnupiravir. Theo bác sĩ Khanh, các hiệu thuốc phải có bảng mẫu để các bệnh nhân kê khai thông tin, từ đó kê đơn một cách có kiểm soát.
Về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại: “Việc để các nhà thuốc kê đơn Molnupiravir còn tạo ra một tiền lệ xấu. Trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải như hiện nay, ai sẽ là người giám sát các hiệu thuốc thực hiện nghiêm vấn đề này”.
Thực tế tại Việt Nam người dân dễ dàng mua được các loại thuốc cần bác sĩ kê đơn tại nhà thuốc mà không cần chỉ định nào từ giới chuyên môn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước ta đối mặt với vấn đề kháng kháng sinh. Do đó với loại thuốc đặc trị và được cấp phép có điều kiện như Molnupiravir, nếu để các hiệu thuốc kê đơn, sẽ xảy ra tình trạng sử dụng tràn lan và hậu quả rất khó lường, TS Nga nhận định.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng nói rõ tại Anh, Mỹ, Nhật và một số nước phê duyệt thuốc Molnupiravir sử dụng khẩn cấp, thuốc này chỉ do bác sĩ, y tá đã đăng kí thực hành nâng cao, trợ lí bác sĩ đã được cấp bằng và cấp phép kê đơn theo luật.
“Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thể xem COVID-19 như một bệnh lưu hành bởi tỉ lệ mắc COVID-19 chưa ổn định, có sự khác biệt giữa các địa phương, tỉ lệ tử vong còn cao. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và các biến thể này có thể gây tái nhiễm khiến tỉ lệ mắc tại các quần thể chưa có tính ổn định.
Ngay cả khi COVID-19 được xem là bệnh lưu hành thì việc quản lí, điều trị cũng không thể tùy tiện bởi đây là một loại bệnh truyền nhiễm, cũng giống như bệnh sởi, bạch hầu, người mắc cần phải được điều trị tại các khoa riêng biệt, tránh lây truyền cho người xung quanh”, TS Nga phân tích. (Tiền phong, trang 14; Tuổi trẻ, trang 1).
Người nhà bệnh nhân “tố” việc người thân tử vong vì bị chặn xe cấp cứu
Chiều 10/3, ông Huỳnh Giới – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết đã nắm thông tin, xác minh vụ việc xe cứu thương bị chặn lại bên ngoài bệnh viện và đang làm báo cáo trình UBND tỉnh.
Theo ông Giới, tối 9/3, bệnh nhân N. nhập viện và được chẩn đoán chấn thương sọ não mức độ vừa. Bác sĩ chỉ định nhập viện nhưng mẹ bệnh nhân xin chuyển viện ra Đà Nẵng điều trị. Sau khi được bệnh viện đồng ý chuyển viện, gia đình liên hệ tài xế xe cấp cứu tư nhân đã quen biết trước đó để đưa bệnh nhân ra Đà Nẵng.
“Ban đầu, xe cấp cứu tư nhân vào khu vực cấp cứu nhưng vì chờ gia đình làm thủ tục chuyển viện quá lâu nên tài xế lái xe ra bên ngoài. Lúc đó, tài xế để lại băng ca ở khu cấp cứu và hướng dẫn người nhà khi nào làm thủ tục xong thì đẩy băng ca cùng bệnh nhân ra ngoài ngõ để chở đi Đà Nẵng”, ông Giới nói.
Khi được hỏi về việc người nhà bệnh nhân bị nhiều người ngăn cản, không cho xe vào đón bệnh nhân như đã phản ánh, ông Giới khẳng định là không có hành động trên.
Cũng theo ông Giới, để thích ứng an toàn dịch bệnh, những bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng, bệnh nhân hồi sức cần vận chuyển về nhà hoặc chuyển lên tuyến trên, người nhà cần báo biển số xe ô tô cứu thương hoặc biển số xe gia đình mình với bệnh viện. Sau đó, lãnh đạo bệnh viện yêu cầu bảo vệ cho xe đó vào trong bệnh viện để chở bệnh nhân đi.
“Trước đây, các xe cứu thương hay giành giật bệnh nhân, thậm chí xảy ra đánh nhau. Chúng tôi cũng đã có báo với Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải và công an để quản lý việc này. Bệnh viện chỉ cho phép xe cứu thương của tư nhân vào khi người nhà yêu cầu”, ông Giới thông tin thêm.
Trước đó, ông Bùi Văn Hòa, người nhà bệnh nhân N., cho biết, tối 9/3, cháu N. (16 tuổi) bị tai nạn giao thông nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết N. bị chấn thương sọ não rất nặng. Sau đó, gia đình xin chuyển viện cho cháu ra Đà Nẵng để điều trị và được bệnh viện đồng ý.
Theo ông Hòa, ngay sau đó người nhà đã gọi xe cấp cứu tới để chở cháu N. chuyển viện thì bị nhiều người ngăn cản, không cho xe vào đón bệnh nhân. Không còn cách nào khác, gia đình dùng băng ca đẩy N. một đoạn khoảng 50m để ra khỏi khuôn viên bệnh viện và đưa lên xe cấp cứu.
“Quá trình chuyển từ giường bệnh xuống băng ca rồi ra xe cấp cứu khiến sức khỏe cháu tôi yếu thêm. Đến sáng nay (10/3), cháu tôi không qua khỏi. Gia đình rất bức xúc trước việc nhóm người vô lương tâm chặn xe cấp cứu”, ông Hòa bức xúc nói. (Tiền phong, trang 15).
Nếu coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường, người không đeo khẩu trang nơi công cộng có bị xử phạt?
Trước thông tin Covid-19 có thể được đưa ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, coi đó là bệnh truyền nhiễm thông thường, nhiều người đặt câu hỏi: “Việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng bệnh Covid-19 như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không khai báo y tế…sẽ thay đổi ra sao”?
Sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, Hà Nội liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Sự lây lan nhanh của dịch bệnh đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đời sống và kinh tế của người dân.
Ngày 28/01/2022 Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, sau đó ra quyết định về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý người mắc bệnh Covid-19 tại nhà”, giúp người dân chủ động tự điều trị tại nhà, sau khi xét nghiệm âm tính trở lại, sức khoẻ bình thường thì tham gia trở lại làm việc, sinh hoạt cộng đồng.
Việc tự điều trị và hồi phục trong một khoảng thời gian nhất định đã khiến hầu hết người dân có tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch, vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm – Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Huy nhận định.
Cũng theo Luật sư Đào Tơ, Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đã nêu rõ, Covid-19 được coi là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Còn theo Điểm a, khoản 1 Điều 3 của Luật này, đây được coi là “bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh”. Mọi hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bệnh Covid-19 đều được luật này và các văn bản liên quan điều chỉnh.
Do vậy, người nào “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác” theo điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Nếu Covid-19 được xem là bệnh thông thường, không còn là dịch bệnh truyền nhiễm, được đưa ra khỏi nhóm bệnh chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng bệnh cũng có sự thay đổi. Khi đó, việc kiểm soát đối với F0, F1 như khai báo y tế, cách ly tập trung, xét nghiệm, đeo khẩu trang… có thể sẽ không bị bắt buộc nên không bị xử phạt hành chính – Luật sư Đào Tơ nhận định.
Tuy nhiên, nếu đưa Covid-19 ra khỏi nhóm A bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn xem là bệnh truyền nhiễm thì các quy định về áp dụng các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế vẫn còn nguyên giá trị. Cá nhân vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định.
Song khi đó, một số hành vi vi phạm chỉ áp dụng đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Nghị định 117/2020 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021 sẽ hết hiệu lực.
Việc coi Covid-19 là bệnh nguy hiểm hay bệnh thông thường chỉ là xác định cách thức điều chỉnh của pháp luật, còn về bản chất, đây vẫn là bệnh truyền nhiễm. Do đó, mỗi cá nhân vẫn cần thực hiện những biện pháp cần thiết như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách…
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật, cơ quan chức năng cần rà soát, ban hành các văn bản pháp lý phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới – Luật sư Tơ nhấn mạnh. (An ninh Thủ đô, trang 9).
Tròn 2 năm sau khi công bố đại dịch, WHO cảnh báo Covid-19 chưa thể kết thúc
Đại dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 9-3, hai năm sau khi lần đầu tiên ông sử dụng thuật ngữ “đại dịch” để cảnh báo thế giới về mối đe dọa ngày càng tăng từ Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9-3, hai ngày trước thời điểm tròn hai năm ngày WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ hơn 6 triệu người đã tử vong, trong khi gần 444 triệu ca mắc Covid-19 đã được ghi nhận trên toàn cầu. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Mặc dù số ca mắc và tử vong được báo cáo giảm trên toàn cầu, một số nước đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế, nhưng đại dịch còn lâu mới chấm dứt. Đại dịch sẽ không chấm dứt ở bất cứ đâu cho đến khi chấm dứt ở mọi nơi”. Tuần trước, số ca mắc mới tăng 46% tại khu vực Tây Thái Bình Dương lên 3,9 triệu ca mắc.
Theo Tổng Giám đốc WHO, khi virus gây bệnh tiếp tục biến đổi, các nước trên thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ vaccine, tiến hành xét nghiệm và điều trị. Ông cũng cảnh báo tỷ lệ xét nghiệm giảm mạnh gần đây, cho rằng điều này khiến nhà chức trách có thể đánh giá sai về diễn biến dịch bệnh.
Tuần trước, số ca mắc mới trên thế giới giảm 5% so với tuần trước đó, trong khi số ca tử vong giảm 8%. Tuy nhiên, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm chắc chắn thấp hơn so với thực tế do tỷ lệ xét nghiệm sụt giảm mạnh. Bà cho rằng 3 năm kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xuất hiện, dịch bệnh vẫn đang lây lan quá mạnh. Quan chức WHO nêu rõ: “Mặc dù chúng ta ghi nhận xu hướng giảm, song tuần trước vẫn có hơn 10 triệu ca mắc được báo cáo trên toàn cầu. Chúng ta phải thận trọng”.
Trong bản cập nhật hàng tuần về dịch bệnh mới đây, WHO cho biết biến thể Omicron phổ biến hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới này chiếm 99,7% mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 30 ngày qua và đã được giải trình tự gene.
WHO cho biết, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng tiếp cận không công bằng về xét nghiệm, điều trị và vaccine ngừa Covid-19, dẫn đến đại dịch kéo dài. Về chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, số liệu mới nhất của WHO cho thấy 23 nước vẫn chưa tiêm đủ liều cho 10% dân số, trong khi 73 nước chưa đạt được mục tiêu trong đầu năm 2022 bao phủ vaccine cho 40% dân số.
Ngày 30-1-2020, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu – mức cao nhất trong các quy định của cơ quan y tế Liên hợp quốc – khi các nước, ngoài Trung Quốc, chưa có đến 100 ca mắc và chưa ghi nhận ca tử vong nào do virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Tuy nhiên, 6 tuần sau đó, WHO xác nhận đây là đại dịch toàn cầu, gióng lên hồi chuông cảnh báo các nước cần hành động khẩn trương để ngăn chặn. (An ninh Thủ đô, trang 20).
Yêu cầu Bộ Y tế kiểm điểm việc chậm mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Tại Văn bản 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14 ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân để chậm trễ. Tiếp đó, tại Văn bản 1504/VPCP-KGVX, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong ngày 10/3 phải báo cáo giải trình việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chính phủ giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em ở lứa tuổi này đảm bảo an toàn, khoa học. Tuy nhiên, đến nay vaccine cho lứa tuổi này chưa có ở Việt Nam. Bộ Y tế cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. (An ninh Thủ đô, trang 1; Nhân dân, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19
Bộ Y tế vừa có dự thảo lấy ý kiến về yêu cầu phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh. Cụ thể, người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm vaccine phòng chống COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19.
Trong bản dự thảo gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh, Bộ Y tế đưa ra đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, đối với người nhập cảnh theo đường hàng không:
+ Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ hoặc trong vòng 24 giờ (nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (gọi tắt là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2).
+ Không cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-02 sau khi nhập cảnh, nhưng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam.
Đối với người nhập cảnh đi theo các đường khác
Trường hợp người nhập cảnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh theo đường hàng không.
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.
Người nhập cảnh đều phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-02 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp…) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, rất hạn chế dừng, đỗ dọc đường.
Trường hợp đặc biệt/khẩn cấp cần dừng đỗ dọc đường thì phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tiếp xúc gần với người xung quanh, đặc biệt là người già (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh nền.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khác theo quy định của Việt Nam.
Tại dự thảo, Bộ Y tế nêu rõ: Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Đối với người nhập cảnh Việt Nam theo lời mời của Lãnh đạo cấp cao: thực hiện theo Đề án đón đoàn.
Cơ sở đề thực hiện các đề xuất trên theo Bộ Y tế là Việt Nam đã thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Hiện nay (tính đến ngày 03/3/2022) tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đã đạt ở mức cao (tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi là 100% và tiêm đủ hai mũi là 98,3% và 36,3% đã tiêm mũi nhắc lại; trẻ em (12-17 tuổi) một mũi là 98,8% và tiêm đủ hai mũi là 93,5%). Việt Nam đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho đối tượng trẻ thuộc nhóm tuổi từ 5-11 tuổi (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Ca COVID-19 tăng liên tục, cấp độ dịch ‘vàng, cam, đỏ’ tăng theo
Ca COVID-19 liên tục gia tăng, do đó cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế cho thấy số xã, phường thuộc ‘vùng xanh’ đã giảm xuống còn 44,4%; hơn 55% còn lại là các xã, phường thuộc ‘vùng vàng’, ‘vùng cam’ và ‘vùng đỏ’
Theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới COVID -19 có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tình, thành phố trong thời gian gần đây. Tính từ 16h ngày 08/3 đến 16h ngày 09/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 164.596 ca mắc COVID-19 mới tăng 2.161 ca so với ngày trước đó.
Cũng theo thông tin của Bộ Y tế, trung bình số ca mắc COVID-19 mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 141.797 ca/ngày.
Ca bệnh tăng nhanh, theo đó, cấp độ dịch trên quy mô xã, phường tại nhiều địa phương đã có sự thay đổi. Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến ngày 9/3 cho thấy cả cả nước hiện có 4.707 số xã, phường thuộc ‘vùng xanh’, chiếm 44,4% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.645 xã, phường thuộc ‘vùng vàng’, chiếm 24.9%; số xã, phường thuộc ‘vùng cam’ là 2.864 chiếm khoảng 27.0%; số xã, phường thuộc ‘vùng đỏ’ là 369 chiếm khoảng 3.5%.
Những con số này cho thấy số xã, phường thuộc cấp độ dịch 1- tương đương ‘vùng xanh’ vẫn chiếm nhiều nhất, tuy nhiên so với khoảng 2 tuần trước thì tỷ lệ xã, phường thuộc ‘vùng xanh’ trên cả nước đã giảm xuống còn dưới 50%; số xã, phường thuộc cấp độ dịch 2,3 và 4 tương đương ‘vùng vàng’, ‘vùng cam’ và ‘vùng đỏ’ có tỷ lệ gia tăng… Tổng cộng 3 vùng này chiếm khoảng hơn 55% tổng số xã, phường đánh giá.
Tại Hà Nội, địa phương liên tục thời gian qua dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19, đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất, cập nhật đến 9h ngày 4/3 của thành phố cho thấy, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Hà Nội đã có 326 xã phường ở cấp độ 3 (tăng gấp khoảng 4,5 lần so với đánh giá được thông báo ngày 26/2); số xã phường ‘vùng xanh’ (cấp độ 1) giảm còn 66; 187 xã phường cấp độ 2; chưa có xã phường nào cấp độ 4.
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gồm:
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine.
Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Để biết được nơi mình đang sống, sẽ đến thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Quản Trọng Đoàn