Điểm báo ngày 11/6/2021

(CDC Hà Nam)
Bác sĩ hiến máu thực hiện ca ghép tủy cứu cháu bé 3 tuổi; Ngăn chặn dịch bệnh “tiến công” vào bệnh viện; Hoàn tất các phương án phòng, chống dịch trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10…

 

Xử lý an toàn rác thải y tế

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc xử lý rác thải y tế trong các khu cách ly và trong bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên cấp thiết do rác có chứa mầm bệnh, dễ phát tán rộng ra môi trường.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (Công ty Môi trường đô thị) đang cùng thành phố thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng là tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế, rác thải liên quan đến dịch Covid-19.

Theo thống kê, lượng rác thải y tế ở các bệnh viện, khu cách ly tập trung liên quan dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố khoảng 35 tấn/ngày. Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Huỳnh Minh Nhựt cho biết: “Ðể bảo đảm công tác thu gom rác được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, công ty đã bố trí thường trực một đội hơn 300 công nhân, bao gồm lực lượng trực tiếp và gián tiếp, tần suất hoạt động của các công nhân là 3 ca/ngày trong suốt 24 giờ. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải y tế tại các bệnh viện, khu cách ly Covid-19 được Công ty Môi trường đô thị thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn cho công nhân và không để lây lan dịch bệnh ra bên ngoài”. Theo đó, công nhân vệ sinh sau khi được trang bị đồ bảo hộ theo tiêu chuẩn của ngành y tế, sẽ xuất phát từ Nhà máy xử lý rác thải nguy hại Ðông Thạnh (huyện Hóc Môn) đến các bệnh viện, khu cách ly để thu gom rác thải y tế. Phương tiện vận chuyển là xe tải 3,5 tấn, các thùng chứa rác có dung tích 240 lít có nắp đậy kín sẽ được phun dung dịch Cloramin B sát khuẩn an toàn trước khi xuất phát. Khi đến địa điểm nhận rác, xe tải tiếp tục được khử khuẩn. Rác thải y tế được cho vào túi ni-lông lớn, dán băng keo kín và được cho vào các thùng chứa rác. Mỗi chuyến, xe có thể vận chuyển được 20 thùng rác. Khi ra khỏi địa điểm nhận rác, xe được khử khuẩn một lần nữa. Về đến nhà máy xử lý, rác được xử lý qua hai lần phun xịt khử khuẩn, sau đó xử lý bằng công nghệ đốt nhiệt độ cao bằng lò quay sử dụng nhiên liệu ga. Tro thải sau khi đốt phải hóa rắn, chôn lấp tại nơi dành riêng chất thải nguy hại.

Ðể thực hiện đúng quy trình an toàn khi xử lý rác thải y tế liên quan đến dịch Covid-19, chính những công nhân vệ sinh là những người phải chấp nhận bao vất vả, thậm chí cả hiểm nguy luôn rình rập do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Trưởng phòng Công nghệ Môi trường và Kiểm tra chất lượng (Công ty Môi trường đô thị) Cao Văn Tuấn bộc bạch: “Nếu nói bác sĩ, y tá, nhân viên trung tâm y tế, nhân viên trung tâm kiểm soát bệnh tật, lực lượng vũ trang… là tuyến đầu chống dịch thì công nhân thu gom, vận chuyển và xử lý rác có chứa mầm bệnh tại các khu cách ly, bệnh viện là những người bọc hậu cuối cùng bảo đảm toàn bộ khối lượng rác phát sinh phải được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, an toàn tuyệt đối. Họ xứng đáng được coi là “những chiến binh thầm lặng” trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Với việc ý thức cao mối nguy hiểm tiềm ẩn cho bản thân và nhằm bảo vệ gia đình, hàng xóm, những người công nhân này chọn cho mình giải pháp tự cách ly tại chỗ làm để hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh. Họ luôn đối mặt với những hiểm nguy, để thực hiện mục tiêu chung là đẩy lùi dịch Covid-19″. Theo tâm sự của anh Triều Phước An, công nhân chi nhánh Dịch vụ môi trường (Công ty Môi trường đô thị), mặc dù đã được công ty cấp đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ và nước sát khuẩn, nhưng vì tính chất công việc đặc thù cho nên các công nhân thường chọn cách là ở lại công ty. Họ chỉ về nhà sau khoảng 20 ngày kể từ ngày ngưng tiếp nhận công việc. Riêng trong đợt dịch lần này, anh An cùng các công nhân đã ở lại chỗ làm, họ xác định đến lúc dịch cơ bản được khống chế mới trở về nhà. Anh An mong muốn người dân cùng chung tay phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các quy định của thành phố, của Chính phủ để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Ðây cũng là cách để các công nhân vệ sinh môi trường sớm hoàn thành nhiệm vụ được về đoàn tụ với gia đình.

Dù phải chịu rất nhiều thiệt thòi để hoàn thành công việc được giao, nhưng những công nhân làm công việc vệ sinh môi trường của thành phố vẫn không đòi hỏi nhiều quyền lợi cho mình. Với họ, mong muốn lớn nhất hiện nay là được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 để tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Theo góp ý của các chuyên gia, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người lây nhiễm Covid-19 trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là những người có nguy cơ cao, cần được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, được ưu tiên tiêm ngừa vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần siết chặt quy trình thu gom rác thải từ khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, kết hợp đẩy nhanh đầu tư công nghệ xử lý rác thải này, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. (Nhân dân, trang TPHCM)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Giữ an toàn xử lý rác thải tại khu cách ly”

 

Ngăn chặn dịch bệnh “tiến công” vào bệnh viện

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dù số ca mắc mỗi ngày có dấu hiệu giảm nhẹ.

Việc không để dịch lây lan trong môi trường dễ lây nhiễm, trong đó có bệnh viện (BV) luôn được lãnh đạo thành phố, ngành y tế quan tâm hàng đầu. Các BV trên địa bàn thành phố đang nỗ lực, ngăn chặn không để bị dịch bệnh “tiến công”.

Lá chắn “sàng lọc”

Ngày 26-5, BV Nhân Dân Gia Ðịnh tiếp nhận ba trường hợp đến khám bệnh. Với những triệu chứng viêm hô hấp của các bệnh nhân, BV đưa vào diện nghi ngờ nên đã phân loại ba bệnh nhân vào buồng khám sàng lọc. Nhờ cảnh giác, sàng lọc ngay từ đầu, BV đã giữ được an toàn khi ba trường hợp trên trở thành ba ca “chỉ điểm” để thành phố sau đó phát hiện ra ổ dịch Covid-19 lớn nhất, nguy hiểm nhất ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Sau đó, các BV như Hoàn Mỹ Sài Gòn, BV Gò Vấp, BV Tân Phú cũng tiếp nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng với sự cảnh giác và sàng lọc sớm, các BV vẫn giữ “sạch lưới”, không để dịch lây lan tại các khoa BV.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Khi dịch Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng, việc phát hiện sớm ca mắc ngay từ khi người bệnh đến BV khám (xuất hiện các triệu chứng) trở thành trách nhiệm quan trọng của các BV. Chính vì thế, công tác sàng lọc phải được thực hiện nghiêm túc để trở thành lá chắn ngăn mầm bệnh xâm nhập vào bên trong. Ðến nay, các BV trên địa bàn thành phố đã tổ chức thực hiện khai báo y tế điện tử, kịp thời phát hiện người bệnh có yếu tố nguy cơ qua hoạt động “check-in”; hướng dẫn và phân luồng, khám sàng lọc, cách ly tạm trong thời gian làm xét nghiệm. Có thể nói “buồng cấp cứu sàng lọc” đã được các BV triển khai nghiêm túc và đã có BV kịp thời phát hiện, cách ly kịp thời người bệnh vào cấp cứu dương tính với Covid-19. Ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm: Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 với sự xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng, các BV đang đứng trước một thách thức lớn, hoặc sẽ trở thành nơi lây lan mầm bệnh với hậu quả khó lường nếu thực hiện không tốt sàng lọc, cấp cứu sàng lọc, hoặc trở thành nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Tính đến ngày 7-6, đã có 22 BV tại TP Hồ Chí Minh có người nhiễm Covid-19 từng đến để khám, chữa bệnh, trong đó đã có 13 BV chủ động phát hiện, kịp thời cách ly, xét nghiệm và chuyển về các BV được phân công tiếp nhận điều trị; chín BV còn bị động trong phát hiện khi người bệnh đến khám. Trong số này có hai BV phát hiện có nhân viên y tế mắc Covid-19 phải phong tỏa BV (BV quận Tân Phú và BV tư nhân Nam Sài Gòn).

Mô hình “bệnh viện tách đôi”

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó lên đến quy mô 5.000 giường chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19. Theo đó, khi dịch đã bước sang giai đoạn 2 (đã có ca mắc trong cộng đồng, vẫn trong tầm kiểm soát), ngành y tế phải sẵn sàng khoảng 2.000 giường bệnh chuyên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 với 200 giường hồi sức tích cực. Cụ thể, các BV được phân công sẵn sàng trong giai đoạn này là: BV dã chiến Củ Chi (300 giường), BV điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường), BV Bệnh nhiệt đới (400 giường), BV Phạm Ngọc Thạch (550 giường), hai BV chuyên tiếp nhận trẻ em là Nhi đồng thành phố (100 giường) và Nhi đồng 2 (50 giường). Ngoài ra có BV Chợ Rẫy (40 giường hồi sức). Theo kế hoạch này, hai BV sẽ được chuyển đổi một số chức năng để trở thành BV chuyên tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 (ngoài hai BV dã chiến Củ Chi và Cần Giờ) là: BV Bệnh nhiệt đới và BV Phạm Ngọc Thạch. Hai BV chuyên tiếp nhận trẻ em là Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 2 dành các khối nhà độc lập (khoa Nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. BV Chợ Rẫy sẽ bố trí một khoa Hồi sức chuyên tiếp nhận bệnh nhân người lớn nặng, ngoài BV Bệnh nhiệt đới.

Theo Sở Y tế, BV Phạm Ngọc Thạch đã, đang sẵn sàng chuyển đổi theo mô hình “bệnh viện tách đôi” và có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 khi tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo đó, một nửa BV (tính theo chiều dọc) tách biệt hẳn với một nửa còn lại, với cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm,…) và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19. Quy mô giường bệnh của một nửa BV chuyên phục vụ bệnh nhân Covid-19 có thể lên đến 700 giường. Sở Y tế và Ban Giám đốc BV thống nhất và đồng thuận về hướng phát triển của BV Phạm Ngọc Thạch. BV Phạm Ngọc Thạch tiếp tục là BV chuyên khoa đầu ngành về bệnh phổi và các bệnh lý khác do lao, đồng thời tiếp tục lộ trình phát triển chuyên khoa sâu về bệnh lý phổi không do lao. BV Phạm Ngọc Thạch sẽ là một trong những BV được phân công chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19, khi được yêu cầu, thì một nửa chuyên sâu về bệnh phổi không do lao của BV Phạm Ngọc Thạch sẽ chuyển sang tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: “Tách đôi” BV để một nửa trở thành BV chuyên tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng hô hấp là một mô hình khá thành công của Hàn Quốc trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Với nhiều biện pháp được triển khai và được thực hiện nghiêm túc, các BV không chỉ là nơi an toàn mà còn là nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 song song với điều trị theo chức năng như trước nay, qua đó góp phần vào thành công trong công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ

Chợ là nơi tập trung đông người tới kinh doanh, buôn bán, mọi người thường tiếp xúc gần, trao đổi tiền mặt, cho nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn rất cao.

Gần đây nhất, TP Hà Nội đã ghi nhận chùm ca bệnh liên quan đến những người bán hàng tại một khu chợ tại thị trấn Ðông Anh. Do đó, các địa phương, đơn vị cần siết chặt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch tại các chợ.

Chiều 9-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, cho đến nay, liên quan đến bệnh nhân Covid-19 là một phụ nữ bán rau tại chợ Cửa hàng mới (thị trấn Ðông Anh) đã có thêm năm ca dương tính. Ngoài hai trường hợp là người nhà bệnh nhân thì ba trường hợp đều có tiền sử đến mua bán rau tại đây. CDC Hà Nội đã tiếp tục thông báo tìm người đã đến làm việc, mua bán, liên quan đến khu vực chợ Cửa hàng mới từ ngày 16-5 đến 8-6. Ðáng lưu ý, để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, chợ Cửa hàng mới đã tạm ngừng hoạt động từ 12 giờ trưa ngày 28-5 cho đến khi có thông báo mới, nhưng đến nay vẫn có những người bán hàng trên hè đường quanh chợ.

Chùm ca bệnh tại chợ Cửa hàng mới ở Ðông Anh cho thấy, hoạt động mua bán, kinh doanh tại các chợ gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Tuy nhiên, mua bán thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, các chợ cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 để có thể hoạt động an toàn. Chính quyền địa phương cũng cần quyết liệt giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm, việc bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…

Qua khảo sát, nhìn chung các chợ trên địa bàn đều hoạt động nghiêm túc dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. Hầu hết người dân khi ra vào chợ đều đeo khẩu trang đầy đủ. Chợ Long Biên (quận Ba Ðình) mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến mua bán tại đây. Ði quanh chợ, dễ dàng bắt gặp nhiều bảng, biển, khẩu hiệu thông tin phòng, chống dịch, Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Hệ thống loa phát thanh của chợ thường xuyên tuyên truyền thông tin và khuyến cáo người dân cách phòng, chống dịch bệnh. Ban Quản lý chợ lắp đặt 20 điểm rửa tay, bố trí 100 chai nước sát khuẩn, 300 chai nước rửa tay khô… để người dân sử dụng. Ðồng thời, lắp đặt hệ thống phun thuốc sát trùng kết hợp với muối i-ôn khử trùng tự động tại khu vực cổng chợ; phun thuốc phòng dịch và rắc vôi bột khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ hai ngày/lần…

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Ðình, Cồ Như Dũng cho biết, đến cuối tháng 5-2021, tất cả các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên đã được xét nghiệm Covid-19 và kết quả đều âm tính. Ban Quản lý chợ cũng khuyến cáo mỗi quầy kinh doanh chỉ nên có một, hai người bán, hạn chế thuê người lao động đến từ vùng dịch đến làm việc. Các hộ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu hạn chế mở cửa bán hàng trong thời điểm này…

Nếu như bên trong các chợ, việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn được cơ bản kiểm soát, thì với hoạt động mua bán tại vỉa hè, hàng rong, tại các chợ cóc, chợ tạm… lại khá lỏng lẻo. Dù thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã ra quân dẹp chợ cóc, chợ tạm, nhưng vẫn có tình trạng tụ tập buôn bán trên vỉa hè, lòng đường… Mỗi sáng sớm, vỉa hè hai bên đường Thạch Bàn (khu vực quanh chợ Thạch Bàn, quận Long Biên) thường tập trung đông người bán thực phẩm trên vỉa hè, người dân xúm xít lại mua bán. Phải đến 7-8 giờ sáng, lực lượng chức năng nhắc nhở mới giải tỏa được việc mua bán trên vỉa hè. Tại nhiều khu vực khác như chợ cóc ở phố Yên Bái 2 (quận Hai Bà Trưng), chợ cóc ở khu tập thể Thành Công (quận Ba Ðình), khu vực quanh chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)…, những lúc vắng mặt lực lượng chức năng, nhiều cửa hàng cũng bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè, nhiều xe, gánh hàng rong tụ tập kinh doanh.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, ngày 14-5, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng, chống Covid-19 tại chợ truyền thống, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tăng cường thông tin tuyên truyền đến các chợ trên địa bàn và người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế. Các chợ phải bố trí bộ phận đón tiếp, đo thân nhiệt và hướng dẫn khách hàng ra vào chợ, thực hiện rửa tay, sát khuẩn tay theo quy trình; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn định kỳ tại chợ; tăng cường bảo vệ, có nhân viên kiểm soát các cửa ra vào chợ. “Các chợ kiên quyết không cho người không đeo khẩu trang vào chợ hoặc báo cho chính quyền, lực lượng chức năng địa phương xử lý theo quy định. Thường xuyên đôn đốc các tiểu thương bán hàng tại chợ phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian hoạt động. Các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Công thương và thành phố về công tác bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ do đơn vị quản lý” – đồng chí Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Hoàn tất các phương án phòng, chống dịch trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập của TP Hà Nội năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, do vậy, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi được tập trung triển khai với sự tham gia của cả hệ thống chính trị của thành phố.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội, Phạm Văn Ðại cho biết, tính đến chiều 9-6, 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã phối hợp các lực lượng chức năng hoàn thành công tác diễn tập phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị vật tư y tế và các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ðáng chú ý, trong tổng số 184 điểm thi trên địa bàn TP Hà Nội đã quyết định đổi hai điểm thi tại huyện Ðông Anh do mới ghi nhận một số ca dương tính vi-rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Ðồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh chưa từng có do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên công tác tổ chức phải có những kịch bản đặc biệt. Ðồng chí yêu cầu, trong mọi tình huống, bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn cho thí sinh và tổ chức thành công kỳ thi này. 15 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy vừa hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục đi kiểm tra để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi và phòng, chống dịch Covid-19. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu phải vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an toàn và tổ chức thành công kỳ thi.

Trong buổi kiểm tra thực tế công tác phòng dịch ở Trường THPT Kim Liên (quận Ðống Ða), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chu Ngọc Anh đã đóng vai thí sinh tham gia diễn tập các tình huống. Từng khâu, từng phần việc từ lúc thí sinh đến trường thi và ra về, cũng như các tình huống phát sinh đã được Chủ tịch UBND thành phố nhắc nhở, chỉ đạo hoàn thiện sát với thực tế nhất, bảo đảm an toàn tối đa cho kỳ thi… Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, trong mỗi buổi thi, các thí sinh ngồi cạnh nhau hơn 120 phút, cho nên mọi phần việc phải xem xét kỹ lưỡng, các phương án phải cụ thể nhất. Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Nguyễn Thị Hiền cho biết, trường là một trong bảy điểm thi lớp 10 trên địa bàn quận Ðống Ða với 32 phòng thi, hơn 700 thí sinh dự thi. Nhà trường đã chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ thi đầy đủ, đúng quy chế. Trường đã đặt ra các tình huống phòng, chống dịch và đưa ra biện pháp xử lý trong kỳ thi như phát hiện học sinh sốt hoặc có một trong các dấu hiệu viêm đường hô hấp như ho, khó thở; mắc hoặc nghi mắc Covid-19 có tiền sử đi từ hoặc đi qua các quốc gia có dịch về, hoặc tiếp xúc gần với trường hợp nghi mắc Covid-19… tại cổng trường, trong phòng thi.

Tại quận Ba Ðình, ngày 8-6, việc diễn tập được tổ chức ở hai điểm thi là Trường THPT Phan Ðình Phùng và THCS Thăng Long với 11 nội dung liên quan đến quy trình thi của thí sinh từ lúc đến điểm thi, vào phòng thi, làm bài thi, nộp bài, ra về; các tình huống phát sinh – xử lý trong quá trình thi; phân luồng giao thông, hướng dẫn phụ huynh về điểm chờ… “Sau buổi tập huấn đầu tiên, Ban Chỉ đạo thi quận Ba Ðình đã tiếp tục hoàn chỉnh phương án và triển khai, hướng dẫn đến năm điểm thi còn lại trên địa bàn quận trong ngày 9-6” – Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Chỉ đạo thi quận Ba Ðình Phạm Thị Diễm cho biết.

Thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát, thống kê số lượng học sinh lớp 9 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến 10 giờ sáng 7-6, thành phố có 35 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể, không có học sinh diện F0; 14 thí sinh diện F1; 5 thí sinh diện F2; 16 thí sinh lưu trú ở các địa bàn bị phong tỏa. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2021 – 2022 diễn ra vào ngày 12 và 13-6. Toàn thành phố có 93.363 thí sinh đăng ký dự thi. Sở đã thành lập 184 điểm thi với 3.998 phòng thi; trong đó có gần 10.000 thí sinh dự thi vào các lớp chuyên. Sở đã điều động 14.484 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi; hoàn thành hướng dẫn nghiệp vụ coi thi cho các thành viên tại điểm thi.  Ðến thời điểm này, mọi điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực phục vụ kỳ thi đã sẵn sàng ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và có một kỳ thi chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc tại Học viện Quân y

Chiều 10-6, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Ðình Huệ thăm và làm việc tại Học viện Quân y. Tham gia đoàn công tác có Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các cơ quan của QH, các bộ, ngành T.Ư.

Qua báo cáo của Bộ Quốc phòng, của Học viện, ý kiến của các đồng chí trong Ðoàn công tác và theo dõi tình hình thực tế, Chủ tịch QH Vương Ðình Huệ đánh giá cao nỗ lực và những thành tựu mà Học viện Quân y đạt được trong suốt 72 năm xây dựng và trưởng thành. Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực y tế cho quân đội và ngành y tế; nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ y – dược; nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Chủ tịch QH đánh giá cao Học viện tích cực trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế.

Trong đó, cử lực lượng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Phái bộ và các nước đánh giá cao.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, thời gian qua, ngoài việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám bệnh cho nhân dân, Học viện đã có những hy sinh thầm lặng, đóng góp lớn lao cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, là lực lượng tuyến đầu, tham gia chủ động tích cực, hiệu quả. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng về “Chống dịch như chống giặc”, Học viện đã triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, với quan điểm chỉ đạo “trong bất luận tình huống nào, quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu phòng, chống dịch Covid-19”.

Cụ thể, Học viện Quân y đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm phát hiện chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) bằng phương pháp realtime RT-PCR, hiện được sử dụng tại hơn 100 cơ sở y tế trong cả nước và xuất khẩu sang 18 quốc gia trên thế giới. Tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kít xét nghiệm Amphabio PCR với khả năng xét nghiệm nhanh, số lượng lớn cùng lúc, hiện nay đang được sử dụng hiệu quả tại tỉnh Bắc Giang. Khẩn trương triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax phòng Covid-19 từ tháng 12-2020.

Thời gian tới, Chủ tịch QH Vương Ðình Huệ đề nghị Học viện Quân y tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao; đạt được mục tiêu, định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu trong tốp đầu khối ngành sức khỏe của quốc gia, là trung tâm nghiên cứu khoa học y dược, y học quân sự, trung tâm khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại.

Do đó, Học viện Quân y cần xây dựng quy hoạch phát triển Học viện Quân y đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nỗ lực hơn nữa, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, chủ động đóng góp tích cực và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả đối với các tình huống dịch bệnh, khẩn cấp của ngành quân y, ngành y tế nói riêng và cộng đồng nói chung.

Trước đó, Chủ tịch QH Vương Ðình Huệ và đoàn công tác tham quan phòng thí nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin tại tòa nhà Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, thuộc Học viện Quân y. Chủ tịch QH ân cần động viên lực lượng trực tiếp tham gia nghiên cứu, sản xuất và người tình nguyện thử nghiệm vắc-xin phòng dịch Covid-19. (Nhân dân, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Học viện Quân y”; Công an Nhân dân, trang 1: “Phấn đấu sớm có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine nanocovax”

 

Cơ bản khống chế được dịch Covid-19 ở Bắc Giang

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 10-6, cả nước ghi nhận 219 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh thứ 9.566 đến 9.784).

Trong đó có tám ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang và 211 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (98 ca), TP Hồ Chí Minh (61 ca), Bắc Ninh (38 ca), Hà Tĩnh (năm ca), Hà Nội (bốn ca), Tiền Giang (hai ca), Lạng Sơn (một ca), Hải Dương (một ca), Long An (một ca). Các ca mắc Covid-19 mới chủ yếu được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Trong ngày, có 72 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; 418 người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trước khi Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chính thức rút khỏi địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, phụ trách bộ phận thường trực đề nghị tỉnh cần bổ sung máy xét nghiệm PCR cho Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm sau khi đoàn Viện Pa-xtơ Nha Trang rút đi.

Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang được Viện Pa- xtơ Nha Trang cử nhân sự và mang trang thiết bị và sinh phẩm hỗ trợ công tác xét nghiệm PCR. Ðến nay, nhờ được đào tạo, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã thực hiện tốt công tác xét nghiệm PCR. Bộ phận thường trực nhấn mạnh, thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục giảm quy định giãn cách tại các huyện trên toàn tỉnh từ áp dụng Chỉ thị 16 sang áp dụng Chỉ thị 15+, nhưng riêng với huyện Việt Yên, đề nghị tỉnh Bắc Giang hết sức lưu ý vì đây vẫn là “điểm nóng”. Do vậy, cần cố gắng duy trì hiện trạng tại huyện Việt Yên thêm từ hai đến ba tuần để an toàn cộng đồng, an toàn sản xuất, an toàn của người dân trên toàn tỉnh… Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, hy sinh cho tỉnh của Bộ phận thường trực Bộ Y tế. Nhờ vậy, sau một thời gian được Bộ Y tế, các bộ, ngành hỗ trợ, đến hiện tại Bắc Giang đã cơ bản khống chế được dịch…

Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn tổ chức đón 366 công nhân là người lao động đang lưu trú ở vùng dịch tỉnh Bắc Giang trở về Lạng Sơn để tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe theo đúng quy định phòng, chống dịch. Tỉnh đã bố trí 56 chuyến xe khách và cử hơn 100 cán bộ lực lượng chức năng để phục vụ quá trình tiếp nhận và vận chuyển công nhân trở về địa phương bảo đảm an toàn, đúng theo quy định. Dự kiến, trong hai ngày 10 và 11-6 sẽ có khoảng hơn 1.000 công nhân được đón về địa phương.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, người bệnh 2.983 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã cai ECMO thành công sau 26 ngày hồi sức tích cực. Người bệnh 2.983 được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang lên trong tình trạng suy hô hấp nặng, kéo dài nhiều ngày không cải thiện với điều trị, tổn thương phổi ARDS nặng, bệnh nhân có bệnh lý nền tiểu đường, tăng huyết áp; được xác định nặng như người bệnh 91, thường xuyên được hội đồng chuyên môn hội chẩn.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 10-6, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam có công văn đề nghị các tổ chức tôn giáo tiếp tục phối hợp Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hành động cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt. Theo đó, các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp tục phối hợp các cấp chính quyền, MTTQ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay. Tuyên truyền vận động trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ nâng cao cảnh giác trước những thông tin xấu, độc về đại dịch Covid-19, nhất là những thông tin xuyên tạc về chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; vận động trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với các trường hợp bị nhiễm Covid-19 hoặc đã hoàn thành việc cách ly y tế trở về địa phương …

Trong ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục phát động, tiếp nhận các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng tổ chức phát động và tiếp nhận được 5,5 tỷ đồng. Dịp này, tỉnh Cao Bằng trích Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 ủng hộ một tỷ đồng cho hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 2,082 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19. Cụ Nguyễn Thị Châu (80 tuổi, ở ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, Ðồng Tháp), nguyên Trưởng Ban nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh Ðồng Tháp đã ủng hộ 10 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Học viện Quân y cho biết, chiều 10-6, 19 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax giai đoạn 3.

Sau tiêm, 19 tình nguyện viên này đều khỏe mạnh, không có vấn đề bất thường. Các tình nguyện viên sẽ quay trở lại tiêm mũi 2 sau 28 ngày. 42 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu để đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc-xin.

Trong giai đoạn 3, vắc-xin Nano Covax sẽ được tiêm thử nghiệm trên 13.000 người tình nguyện. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Bắc Giang qua giai đoạn căng thẳng nhất”; Tiền phong, trang 4: “Bắc Giang đã qua giai đoạn khó khăn nhất”

 

Cảnh báo lừa đảo tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Bộ Y tế cho biết đang xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng; người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc- xin thông qua những hình thức quảng bá khác nhau… Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, Bộ Y tế khuyến cáo: các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 cần tiếp xúc, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vắc-xin, hạn chế thông qua các bên trung gian.

Các loại vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân, cho nên, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi… Tuyệt đối không tiêm những loại vắc-xin trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Cảnh báo lừa đảo ăn theo vaccine”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Cảnh báo xuất hiện tình trạng lừa đảo mới tiêm vaccine Covid-19”; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần cảnh giác với lừa đảo tiêm vắc-xin phòng Covid-19”; Lao động, trang 3: “Bộ Y tế cảnh báo lừa đảo tiêm vaccine Covid-19”

 

TP Hồ Chí Minh tập trung kiểm soát các nguồn lây nhiễm Covid-19

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là những ngày gần đây xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Thực tế đó đòi hỏi thành phố và các ngành chức năng cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm sớm ngăn chặn đợt dịch này.

Dịch diễn biến phức tạp

Sáng 10-6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, trong 12 giờ qua, thành phố ghi nhận thêm 26 trường hợp nhiễm mới, trong đó, ngoài 13 trường hợp đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa đã xác định chuỗi lây nhiễm thì 13 trường hợp còn lại liên quan một chuỗi lây nhiễm vẫn còn đang điều tra dịch tễ. Trong 20 trường hợp nhiễm Covid-19 công bố trưa 9-6 cũng có tám trường hợp vẫn chưa rõ nguồn lây. Ngoài việc phát hiện các ca nhiễm mới khi xét nghiệm mở rộng, nhiều trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện khi bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện. Gần đây, một cư dân ngụ ở tầng 9, block A3, chung cư Ehome 3, quận Bình Tân, cảm thấy mệt mỏi, uể oải kéo dài nên đi khám bệnh. Kết quả test nhanh sàng lọc Covid-19 dương tính SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây. Một số trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được phát hiện tại các bệnh viện: Trưng Vương, Thống Nhất, huyện Bình Chánh…

Hiện nay, ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, quận Gò Vấp là nguy hiểm nhất. Ðến thời điểm TP Hồ Chí Minh phát hiện ra chuỗi ca bệnh đã mất 13 đến 14 ngày, nghĩa là vi-rút đã lây qua bốn đến năm chu kỳ. Từ ổ dịch này, xuất hiện các chuỗi nhánh lớn, gồm: Khách sạn Sheraton, quận 1 (với 12 ca); chuỗi cửa hàng cà-phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang (với 34 ca); Trường mầm non song ngữ Kid Town (với 26 ca); khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp (với 22 ca)… Ðáng chú ý, có những trường hợp diện F5 đã trở thành F0 khi có tiếp xúc gần với các ca liên quan nhóm truyền giáo này. Chính vì thế, dù đã cơ bản kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm lớn trên địa bàn, nhưng nguy cơ xuất hiện những chuỗi lây nhiễm mới chưa rõ nguồn lây ở thành phố là rất cao.

Ðến nay, TP Hồ Chí Minh đã có sáu ca nhiễm Covid-19 được phát hiện trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cũng như tại công ty sản xuất có đông công nhân. Ðêm 8-6, lực lượng y tế đã phát hiện nữ công nhân làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (đóng tại quận Bình Tân) dương tính với SARS-CoV-2, nơi có gần 60 nghìn công nhân, được xem là doanh nghiệp có đông công nhân nhất thành phố nên công tác truy vết, khoanh vùng, tổ chức cách ly cùng các biện pháp chống dịch cao nhất lập tức được triển khai… Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ vẫn phức tạp nên chính quyền thành phố, các đơn vị quản lý và các doanh nghiệp đang tăng cường cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động cũng như không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Trưa 10-6, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sau khi phát hiện ca nhiễm tại đây. Lãnh đạo UBND thành phố đề nghị công ty tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, trước mắt truy tìm hết những đối tượng F1 nhằm không để sót người có nguy cơ lây nhiễm. Ðồng thời yêu cầu ngành y tế thành phố cần hoàn thiện các quy trình phòng, chống dịch Covid-19 trong doanh nghệp và tiếp tục hỗ trợ công ty PouYuen trong công tác truy vết.

Giải pháp cho các kịch bản tiếp theo

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn thành phố và Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, quận 12 đã góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, để kiểm soát, ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, chính quyền thành phố cần có những biện pháp quyết liệt hơn, nhằm “đón đầu”, chặt đứt tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh. Theo đó, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trong cộng đồng, nhưng có trọng điểm. Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho rằng trong cuộc đua chặn đứng các vòng lây nhiễm, chìa khóa mấu chốt là phải nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần F1, các tiếp xúc gần của F1 là F2 để cách ly, làm xét nghiệm nhanh chóng để có bằng chứng truy vết tiếp tục. Trên thực tế, điều này gặp một số khó khăn khi các F0 khai báo chưa đầy đủ dẫn đến để sót các F1. Từ đó ngành chức năng không thể truy vết kịp các F2 nên để F2 lây tiếp cho người tiếp xúc với mình tạo thành chu kỳ lây nhiễm thứ ba và cứ thế tiếp tục. Các trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở chu kỳ lây nhiễm thứ tư, thứ năm chủ yếu là các tiếp xúc tại nơi làm việc, nơi cư trú.

Ðể nhanh hơn vi-rút, chặt đứt các chu kỳ lây nhiễm tiếp theo bên cạnh nỗ lực của hệ thống phòng, chống dịch trong truy vết, ngành y tế cần sự chủ động của chính người dân. Khi nhận biết mình thuộc nhóm nguy cơ đã từng tiếp xúc với F0, F1 tại nơi làm việc, nơi cư trú, hoặc từng tới các địa điểm giám sát đã được công bố thì người dân cần chủ động liên hệ khai báo cho y tế địa phương. HCDC khuyến cáo người dân không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh thì mới khai báo vì có thể bản thân người đó đã kịp lây chuyền vi-rút qua người khác cho một chu kỳ mới. Nếu có nguy cơ tiếp xúc, đến từ khu vực nguy cơ hãy nhanh chóng chủ động và trung thực trong khai báo y tế. Ngoài ra, khi mầm bệnh đã xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, người dân càng phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.

Cùng với đẩy nhanh xét nghiệm trong cộng đồng, kêu gọi ý thức người dân, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai các giải pháp cho các kịch bản phòng, chống dịch tiếp theo. Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Thành phố sẽ chuyển đổi một số công năng trên địa bàn thành cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước mắt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố và Bệnh viện huyện Củ Chi sẽ được chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với công suất 900 giường bệnh. Sở Y tế tính đến việc áp dụng mô hình “bệnh viện tách đôi” để điều trị bệnh nhân Covid-19 khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, khi mầm bệnh đã lây lan ra cộng đồng, khả năng lây lan trong bệnh viện ngày càng hiện rõ hơn nếu như các đơn vị này thiếu cảnh giác, không thực hiện tốt công tác sàng lọc. Chính vì thế, các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc công tác sàng lọc, phát huy hiệu quả “buồng cấp cứu sàng lọc” kịp thời phát hiện, cách ly kịp thời người bệnh vào cấp cứu dương tính với Covid-19, không để các mầm bệnh xâm nhập vào bên trong. Thực hiện tốt sàng lọc, cấp cứu sàng lọc, bệnh viện sẽ là nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có những diễn biến mới, đồng thời để bảo đảm vừa chống dịch an toàn, vừa sản xuất, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện, sở ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện 789/CÐ-TTg 2021 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Trao đổi thống nhất với các tỉnh về vận tải hành khách, hàng hóa, thực hiện giãn cách xã hội nhưng không ngăn sông cấm chợ, không ảnh hưởng kinh doanh, thực hiện cách ly y tế đúng đối tượng. Thành phố cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thay đổi phương thức làm việc, không tiếp khách tại công sở, nhất là nhân rộng mô hình phòng, chống dịch hiệu quả tại các công sở nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. UBND thành phố yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, tổ chức tập huấn thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho người quản lý đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thiết lập phòng cách ly tạm thời để đáp ứng tình huống phát sinh trường hợp có yếu tố nghi ngờ nhiễm Covid-19; lập tổ an toàn Covid-19 để tuyên truyền, triển khai, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất… (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 1: “TP.HCM ngăn dịch lan trong khu công nghiệp”

 

TPHCM thêm chuỗi lây nhiễm ở Hóc Môn

Tối 10-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, từ 2 bệnh nhân 9.612 và 9.613 được phát hiện tại một xưởng cơ khí chế tạo máy ở Ấp Mới 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, bệnh nhân có địa chỉ cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP đã phát hiện chuỗi lây nhiễm với số bệnh nhân được phát hiện là 28 trường hợp.

Trước đó vào ngày 8-6, bệnh nhân 9.612 (cha vợ) và bệnh nhân 9.613 (con rể), do có triệu chứng sốt từ ngày 5-6, đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cả hai bệnh nhân đều cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.

Bệnh nhân 9.614 cư trú tại quận Tân Bình là em trai của bệnh nhân 9.612 cùng làm việc tại xưởng cơ khí. Do có triệu chứng bệnh nên đi khám tại Bệnh viện Trưng Vương cùng ngày với hai bệnh nhân trên.

Từ đây, qua quá trình điều tra, truy vết, TP đã phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan đến 3 bệnh nhân này. Tất cả những trường hợp bệnh nhân được phát hiện sau này đều có quan hệ trong cùng gia đình, hàng xóm có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.

Gia đình bệnh nhân 9.612 gồm có vợ là bệnh nhân 9.611 cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi cùng 4 người con là bệnh nhân 9.615, 9.616, 9.617 và 9.620.

Ngày 30-5, bệnh nhân 9.611 có triệu chứng sốt. Người này có mối quan hệ bà con với bệnh nhân 9.504.

Bệnh nhân 9.504 làm việc tại nhà bếp của 1 khách sạn ở Tân Bình. Bệnh nhân 9.504 vì có triệu chứng hô hấp nên đi khám tại Phòng khám Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (ở quận Tân Bình) vào ngày 6-6. Từ bệnh nhân 9.504 phát hiện thêm 2 bệnh nhân làm chung tại khách sạn là bệnh nhân 9.017 và bệnh nhân 9.505.

Trường hợp bệnh nhân 9.613 là con rể của bệnh nhân 9.612 và 9.611. Người này có vợ là bệnh nhân 9.617. Bệnh nhân 9.613 sống cùng nhà với mẹ ruột là bệnh nhân 9.618 và con gái là bệnh nhân 9.619 cũng tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Hàng xóm của bệnh nhân 9.613 đã phát hiện 7 người nhiễm được công bố là bệnh nhân 9.772 đến 9.778.

Trường hợp bệnh nhân 9.614 (em trai của bệnh nhân 9.612), cư trú tại quận Tân Bình có vợ là bệnh nhân 9.621 và có tiếp xúc với vợ chồng sui gia là bệnh nhân 9.622 và 9.623, hiện đang cư trú tại huyện Bình Chánh. Hàng xóm của bệnh nhân 9.614 cũng đã được phát hiện 4 trường hợp nhiễm là bệnh nhân 9.779 đến 9.782.

Tính đến tối 10-6, liên quan đến chuỗi lây nhiễm trên, đã có 28 bệnh nhân được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19. Các trường hợp tiếp xúc gần với các ca mắc Covid-19 này đã được chuyển cách ly tập trung, các trường hợp tiếp xúc vòng 2 cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa nơi cư trú của các bệnh nhân, mở rộng xét nghiệm tầm soát các hộ gia đình nơi phong tỏa. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Covid-19 ‘made in Vietnam’

Ngày 10.6, Học viện Quân y đã chính thức triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3 vắc xin Covid-19 “made in VN” NanoCovax, do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu, phát triển.

Trước mắt, trong giai đoạn đầu của TNLS giai đoạn 3, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm cho 1.000 người trong số 6.500 người tình nguyện tham gia.

Theo Học viện Quân y, trước đó, trong giai đoạn 1 và 2 của nghiên cứu TNLS vắc xin NanoCovax, 100% người tiêm sinh miễn dịch, được bảo vệ trước tấn công của SARS-CoV-2. Trong nghiên cứu TNLS giai đoạn 3, vắc xin NanoCovax được tiêm cho người tình nguyện từ 18 tuổi, và không giới hạn độ tuổi tối đa của người tham gia TNLS. Hiện người cao tuổi nhất đăng ký tiêm TNLS giai đoạn 3 là 83 tuổi.

Vắc xin NanoCovax cũng sẽ được tiêm cho người tình nguyện có bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường (bệnh trong giai đoạn ổn định, không tiêm khi đang trong giai đoạn cấp tính) để đánh giá kết quả về sinh miễn dịch, phản ứng sau tiêm… Kết quả TNLS giai đoạn 3 là cơ sở để Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp, tiêm rộng rãi cho người dân phòng dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, sẽ có tổng số 13.000 người tình nguyện tham gia nghiên cứu TNLS trong giai đoạn 3 tại cả 2 miền Nam và Bắc, mỗi nơi sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin NanoCovax cho 6.500 người tình nguyện. Tại miền Bắc, nghiên cứu do Học viện Quân y thực hiện và tại miền Nam do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện.

Cảnh báo lừa đảo tiêm vắc xin

Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết đã xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động; một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa.

Ngoài ra, có một số thông tin quảng bá mời người dân đăng ký tiêm vắc xin Covid-19. Bộ Y tế lưu ý theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Các loại vắc xin Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế kiểm định cấp phép theo quy định. Bộ Y tế cũng khẳng định đã và đang đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế để mua, tổ chức tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 cho tất cả người dân tại Việt Nam. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép; tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. (Thanh niên, trang 3)

 

Dự trù giường bệnh cho tình huống xấu hơn

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo tất cả cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM yêu cầu không bỏ sót người bệnh có yếu tố dịch tễ và yếu tố nguy cơ.

Theo ông Thượng, giai đoạn hiện nay, khi người bệnh không đủ yếu tố dịch tễ nhưng có một trong các triệu chứng thường gặp của Covid-19, như: sốt, ho, đau họng, thay đổi vị giác, khứu giác… thì phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Nếu kết quả test nhanh dương tính thì tiếp tục cách ly người bệnh trong thời gian chờ kết quả RT-PCR, triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nếu kết quả test nhanh âm tính và người bệnh không có yếu tố dịch tễ, để tránh quá tải buồng cách ly, có thể cho người bệnh theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã tiếp nhận điều trị 557 ca và dự kiến gia tăng trong thời gian tới. Để triển khai thực hiện kế hoạch 2.000 giường điều trị với 200 giường hồi sức cho giai đoạn hiện nay và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 5.000 giường cho tình huống xấu hơn, TP.HCM sẽ tạm chuyển đổi công năng 2 bệnh viện (BV) là BV Bệnh nhiệt đới với 400 giường và BV H.Chủ Chi 500 giường. Hiện trên địa bàn TP.HCM có 7 BV điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 1.944 giường (bao gồm cả BV Bệnh nhiệt đới), 202 giường hồi sức, đang điều trị cho 557 ca, 22 nặng. Khi BV H.Củ Chi chuyển đổi công năng xong thì sẽ thêm 500 giường và sẽ đưa BV H.Củ Chi vào sử dụng khi có yêu cầu.

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết cũng đã chỉ đạo các quận huyện, TP.Thủ Đức phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) trong việc truy vết nhanh chóng và lấy mẫu xét nghiệm các ca F1. Giám đốc Sở Y tế lưu ý chủ động lấy mẫu, truy vết sớm cho nhóm F2, kể cả F3 (có liên quan gần, cùng gia đình… để cắt sớm nguồn lây).

Sở Y tế thành lập 6 đội phản ứng nhanh về phòng chống dịch Covid-19 của Sở. Mỗi đội phụ trách 4 quận, huyện nhằm tăng cường, hỗ trợ cho Trung tâm y tế quận huyện, TP.Thủ Đức truy vết nhanh các trường hợp F1, bao gồm các trường hợp F1 làm việc ở địa phương khác, các cao ốc văn phòng, công ty, xí nghiệp… nhưng về trú ngụ tại TP.HCM.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, điều quan trọng nhất hiện nay là biết được F0 càng sớm càng tốt và người có thể chuyển thành F0 (tức F1) có kết quả càng sớm càng tốt. Đặc biệt, đối với trường hợp F0 “lang thang” ngoài cộng đồng, khi nhóm này (có triệu chứng) tới BV thì làm sao có kết quả xét nghiệm thật nhanh để truy vết tiếp. Một chuyên gia bệnh truyền nhiễm khác cũng cho biết muốn “bắt” được F0 giai đoạn này, cần mở rộng test nhanh. Thậm chí nếu F1 chờ xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR thì cũng nên sử dụng test nhanh để trả lời. Test nhanh không chỉ sử dụng cho BV lớn mà còn phải triển khai cho các phòng khám tư nhân. (Thanh niên, trang 2)

 

Hà Nội sẽ tiêm vắc xin cho 4 nhóm ưu tiên

Thành phố đã ban hành kế hoạch về việc tiếp nhận, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 3, 4 năm 2021.

Sáng 10/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ 3/6 đến nay, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc mới. Đáng chú ý là chùm ca bệnh tại Đông Anh với 10 ca mắc trong cộng đồng. Những người liên quan tới chùm ca bệnh đã được lấy mẫu xét nghiệm. Ông Hạnh cho biết, nguy cơ dịch COVID-19 tại cộng đồng ở huyện Đông Anh cao do một số ca mắc là người bán hàng nên có nhiều người liên quan, trên địa bàn lại có nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, tình hình dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM dù đã có xu hướng được kiểm soát nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới, đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát những người về từ vùng có dịch, nhất là những người liên quan đến chùm ca bệnh tại huyện Đông Anh, yêu cầu khai báo y tế và theo dõi sức khỏe. Sở Y tế tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực có nguy cơ; đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Theo ông Hạnh, thành phố đã ban hành kế hoạch về việc tiếp nhận, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 3, 4 năm 2021. Theo đó sẽ tiêm tổng số 91.000 liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sản xuất do Bộ Y tế cấp.

Thành phố sẽ tiếp tục tiêm vắc xin cho 4 nhóm: Nhóm 1 là đối tượng ưu tiên đã được tiêm 1 mũi vắc xin và đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ít nhất 8 tuần, dự kiến: 54.193 trường hợp. Nhóm 2 là người làm việc trong các cơ sở y tế (cán bộ y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập chưa được tiêm vắc xin ), dự kiến: 11.266 trường hợp. Nhóm 3 là cán bộ trực tiếp tham gia phục vụ tại các khu cách ly tập trung do UBND thành phố thành lập, đang thực hiện tiếp nhận các trường hợp cách ly chưa được tiêm vắc xin, dự kiến: 505 trường hợp; thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngành Y tế, Ban chỉ đạo các cấp, các ngành; thành viên tổ COVID cộng đồng tại 579 xã, phường, thị trấn chưa được tiêm vắc xin, dự kiến: 17.486 trường hợp. 550 phóng viên, báo chí trực thuộc thành phố trực tiếp làm việc ở các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm hoặc tiếp xúc với người mắc, nghi mắc COVID-19 cũng đã được tiêm vắc xin.

Nhóm 4 là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, dự kiến: 7.000 trường hợp. Thời gian tổ chức tiêm chủng từ ngày 8/6, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2021. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố vừa nhận được hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế và sẽ tiến hành việc tiêm vắc xin công khai, minh bạch, đúng đối tượng và nhanh chóng, an toàn nhất. Đặc biệt, bà Hà cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, sắp tới thành phố sẽ triển khai tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 cho người dân. (Tiền phong, trang 5)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 cho nhân dân”

 

Chuyến tình nguyện đặc biệt

Tập thể “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương gồm 87 sinh viên lớp Y4, ngành Y học dự phòng (ÐH Y Hà Nội) xung phong vào tâm dịch Bắc Ninh. Họ không quản ngại vất vả, ngày đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm,… góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Mồ hôi đọng từng vũng

Cuộc nói chuyện với Nguyễn Quang Nam (lớp Y4, ngành Y học dự phòng, ĐH Y Hà Nội) bắt đầu lúc đêm muộn. Lúc này, Nam mới kết thúc công việc sau một ngày dài về xã lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Suốt câu chuyện, Nam chia sẻ đầy hào hứng và coi đó là một chuyến tình nguyện đặc biệt trong đời sinh viên.

Huyện Yên Phong (Bắc Ninh) nơi Nam đang tình nguyện hỗ trợ chống dịch COVID-19 chính là quê hương của cậu. Nơi Nam ở cách nhà chưa đến 3km, nhưng từ hôm về đây, cậu chưa được về thăm nhà, thậm chí gọi điện thoại về nhà cũng rất ít, bởi gần như không có thời gian trống cho việc riêng tư.

Hàng ngày, Nam theo xe về các thôn, xã để lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày thời tiết nắng nóng như đổ lửa, thời gian lấy mẫu cũng thay đổi để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ y tế, tình nguyện viên cũng như người dân. Theo đó, công tác lấy mẫu được bắt đầu từ sáng sớm hoặc từ 4,5 giờ chiều cho đến đêm khuya. Nhiều hôm, đội của Nam phải làm đến 12 giờ đêm mới xong việc.

Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời tiết nắng nóng 39,40 độ C là thử thách mà các tình nguyện viên như Nam không thể nào quên. “Có thời điểm chúng tôi phải đứng liên tục 4 giờ đồng hồ lấy mẫu giữa thời tiết nóng hầm hập. Nóng, mệt, đói, khát cũng phải chịu cho đến khi hết việc. Bộ đồ bảo hộ kín mít khiến cái nóng tăng lên gấp bội, mồ hôi chảy từng dòng không thể thoát ra ngoài, đọng thành vũng trong người. Thú thật, có lúc tưởng chừng không thể chịu đựng nổi, tôi muốn cởi phăng bộ quần áo đi. Nhưng nhìn về phía trước, thấy người dân đang kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đợi đến lượt, khiến tôi và nhiều bạn rất xúc động, làm quên hết mệt mỏi”, Nam kể.

Nam chia sẻ, trẻ em là một trong những đối tượng lấy mẫu khó nhất, vì các em sợ, dễ khóc và phản ứng không cho lấy mẫu. Dù mệt đến mấy, các tình nguyện viên cũng kiên nhẫn dỗ dành để các em có tâm lý thoải mái rồi mới tiến hành lấy mẫu.

Thầy ơi, cho em đi!

Lê Mai Bảo Châu, Phó Bí thư Liên chi đoàn Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng là bạn học cùng lớp với Nguyễn Quang Nam, cùng tham gia chuyến tình nguyện về Yên Phong. Châu được phân công vào đội hỗ trợ trung tâm y tế tiêm vắc-xin, làm báo cáo.

Mỗi ngày của Châu bắt đầu từ 6 giờ sáng và thường kết thúc lúc tối muộn. “Đây là những ngày tôi được sống một cuộc sống rất khác, rất đặc biệt, rất ý nghĩa. Chúng tôi gần như không có thời gian cầm điện thoại, tán gẫu như trước đây. Lâu rồi tôi cũng không biết có trend gì trên mạng xã hội”, Châu chia sẻ. Đến tối Châu mới dùng đến điện thoại để trao đổi công việc trong nhóm với thầy và các bạn cùng đội.

Mỗi ngày mới, Châu đều tự nhủ phải bảo vệ mình an toàn và phải thật khỏe mạnh để làm việc dẻo dai trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Điều tôi sợ nhất là mệt, ốm. Một khi đã tình nguyện đi vào tâm dịch rồi thì phải nỗ lực, cống hiến hết mình hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch bệnh”, Châu nói.

Châu cho biết, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng, mồ hôi ước sũng cả người; ngứa không thể gãi được, khát cũng đành chịu. Tuy nhiên, đó là sự trải nghiệm đáng quý của một sinh viên ngành y, để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh cho công việc sau này.

Trưởng đoàn, bác sĩ Ngô Trí Tuấn, giảng viên bộ môn Tổ chức và quản lý y tế (Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội) nhấn mạnh, tình nguyện viên đặt yếu tố an toàn lên trên hết, bởi mình không khỏe thì không thể giúp được gì cho người dân. “Dù làm việc trong điều kiện vất vả, nhưng các bạn sinh viên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bất cứ khi nào có việc gì, các bạn đều xung phong: Thầy ơi, cho em đi!”, bác sĩ Tuấn nói.

Anh Nguyễn Ngọc Minh Hải, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội cho biết, những sinh viên tình nguyện đi vào vùng dịch đều trải qua nhiều vòng tập huấn bài bản, khắt khe. Những sinh viên tình nguyện đi vào vùng dịch như tập thể lớp Y4 đều phải chấp nhận tạm hoãn học, hoãn thi. Sau chuyến tình nguyện các bạn phải về thực hiện cách ly y tế 21 ngày, sau đó mới học và thi.

Theo anh Hải, hiện danh sách sinh viên tình nguyện sẵn sàng đi vào tâm dịch của ĐH Y Hà Nội đã có hơn 1.000 bạn đăng ký. (Tiền phong, trang 7)

 

Dịch Covid-19 tiềm ẩn trong cộng đồng: Cảnh giác nguy cơ F5 thành F0

TP.HCM đã phát hiện F5 nhiễm Covid-19, điều chưa từng xảy ra trong các đợt dịch trước. Nhiều tỉnh đã có ca lây nhiễm cộng đồng, vất vả trong việc truy vết. Nếu người dân mất cảnh giác, không áp dụng các biện pháp phòng dịch thì rất có thể trở thành F0.

Dịch lây lan mạnh

TP.HCM đã ghi nhận F5 mắc Covid-19, liên quan đến chuỗi lây nhiễm thuộc ổ dịch Hội truyền giáo Phục Hưng. Dù F5 này đã được cách ly từ trước, tuy nhiên cũng dấy lên lo ngại về “độ mạnh” của virus biến chủng mới. Ngoài ra, từ 1 F0 cũng đã có 29 ca Covid-19 khác có liên quan, đây là mức độ lây lan lớn. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân (BN) 6288, hội viên Hội truyền giáo Phục Hưng, lây cho 5 F1, 5 người này lây cho 19 người khác (F2), 3 F3, 1 F4.

Còn ca F1 (BN6770), hội viên hội truyền giáo, đã lây cho đồng nghiệp (F2), người đồng nghiệp lây cho em gái (F3), em gái lây cho đồng nghiệp là 1 thai phụ (F4), thai phụ này lây cho chồng và con (F5).

Hiện, 40 trong số 55 thành viên nhóm truyền giáo mắc Covid-19. Dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ, có chuỗi lây nhiễm ghi nhận vòng lây 4-5 chu kỳ (tức F4, F5 thành F0). Từ ngày 18/5 đến trưa 10/6, TP.HCM ghi nhận ca 542 Covid-19 cộng đồng, đứng thứ 3 (sau Bắc Giang, Bắc Ninh) cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch này, phần lớn các ca liên quan Hội truyền giáo Phục Hưng.

Lý giải về sự việc “chưa từng có” F5 cũng mắc Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đó là vì ổ dịch phát hiện muộn, đi xa tầm truy vết nên sự truy vết chậm hơn sự lây lan của virus. Biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây cho người khác vì thế F0 ở ngoài càng lâu càng lây cho nhiều F1, F1 lại lây F2, rồi lây đến F3, F4, F5…

Ngoài TP.HCM, dịch Covid-19 tại Hà Nội, Hà Tĩnh cũng đang diễn biến phức tạp. Sáng 10/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội xác nhận, từ đêm ngày 9/6 đến sáng ngày 10/6 đã xuất hiện thêm 4 ca Covid-19 liên quan tới ổ dịch tại chợ Cửa hàng mới, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, nâng tổng số ca bệnh tại ổ dịch này lên 10 trường hợp. Trong đó có 4 ca Covid-19 mới đều là trẻ em (3-15 tuổi), trong đó có 3 F2 và 1 F1 là con của các bệnh nhân được ghi nhận mắc Covid-19 trước đó.

Tại cuộc họp về phòng chống dịch sáng 10/6, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, một số ca Covid-19 ở ổ dịch này là những tiểu thương bán hàng nên có nhiều người liên quan. Chùm ca bệnh tại Đông Anh có ca chỉ điểm từ 1 người phụ nữ bán rau tại chợ Cửa hàng mới, không xác định được nguồn lây.

Cùng đó, ổ dịch tại TP. Hà Tĩnh đến sáng 10/6 cũng đã có đến 16 ca Covid-19. Chùm ca bệnh tại TP.Hà Tĩnh xảy ra khi 2 người dân (thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung) đã vào Bình Dương chơi, tiếp xúc với 1 người cháu từ Hà Nội vào (người cháu sau này xác định mắc Covid-19). Sau đó, khi về Hà Tĩnh, 2 người này không cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc mà đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Hậu quả là dịch bùng phát khiến TP. Hà Tĩnh phải cách ly y tế từ ngày 8/6.

Người dân cần hợp tác hơn

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, PGS-TS Trần Đắc Phu – cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho biết, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được các ổ dịch lớn.

Tuy nhiên, đáng nói hiện nay là mầm bệnh đang lẩn khuất trong cộng đồng chưa diệt ngay được. Nhiều ca bệnh được ghi nhận qua các bệnh viện mà không rõ nguồn lây. Do đó, người dân tuyệt đối phải thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K, ủng hộ tiêm vaccine Covid-19 khi có cơ hội. Ông Phu cũng cho biết, thời gian qua nhiều ca Covid-19 đã được phát hiện tại bệnh viện, khi bệnh nhân đến khám các chứng viêm đường hô hấp. Do đó, các bệnh viện cần tiếp tục nâng cao cảnh giác khi có người dân đến khám ho sốt, mỏi mệt”.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng nhận định đợt dịch Covid-19 lần này có tính chất lây nhanh, lan rộng và trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm. Theo đó, đợt dịch này nguy hiểm hơn và phức tạp hơn các đợt dịch trước vì khi phát hiện dịch đã âm thầm lây lan trước đó. Bên cạnh đó, biến chủng gây bệnh lại là biến chủng B.1.617.2 với chu kỳ lây nhiễm ngắn 2-3 ngày, có trường hợp sau phơi nhiễm 3 ngày thì đã có thể lây bệnh cho người khác.

Do đó, khi phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng thì các trường hợp lây nhiễm từ chu kỳ thứ 3. Trong quá trình truy đuổi, phát hiện thêm các trường hợp thuộc chu kỳ lây nhiễm thứ 4, thậm chí là thứ 5 của virus. Bài toán được đặt ra là phải tìm cách bắt kịp tốc độ lây của virus và chặn kịp những vòng lây nhiễm tiếp theo.

Theo đại diện HCDC, trong cuộc đua chặn đứng các vòng lây nhiễm, chìa khóa mấu chốt là phải nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần F1, các tiếp xúc gần của F1 là F2 để cách ly, làm xét nghiệm nhanh chóng để có bằng chứng truy vết tiếp.

Trên thực tế, điều này gặp một số khó khăn khi các F0 khai báo chưa đầy đủ để sót các F1. Từ đó, không thể truy vết kịp các F2 trong khi do tốc độ lây nhanh các F2 đã có thể lây tiếp cho người tiếp xúc với mình tạo thành chu kỳ lây nhiễm thứ 3 và tiếp tục chu kỳ lây nhiễm. Các trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở chu kỳ lây nhiễm thứ 4, thứ 5 chủ yếu là các tiếp xúc tại nơi làm việc, tại nơi cư trú.

“Để nhanh hơn virus, chặt đứt các chu kỳ lây nhiễm tiếp theo bên cạnh nỗ lực của hệ thống phòng chống dịch trong truy vết, chúng ta cần sự chủ động của chính người dân. Khi nhận biết mình thuộc nhóm nguy cơ đã từng tiếp xúc với F0, F1 tại nơi làm việc, nơi cư trú, hoặc từng tới các địa điểm giám sát đã được công bố thì chủ động liên hệ khai báo cho y tế địa phương. Không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh thì mới khai báo vì có thể chúng ta đã kịp chuyển virus qua người khác cho một chu kỳ mới”- đại diện HCDC cho biết. (Nông thôn ngày nay, trang 1)

 

Bác sĩ hiến máu thực hiện ca ghép tủy cứu cháu bé 3 tuổi

Việc tiến hành ghép tủy cho cháu Nh. trong mùa dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn máu dự trữ nên lãnh đạo Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế đã huy động nguồn máu từ đội ngũ tình nguyện viên và cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện.

Sáng 10/6, Bệnh viện T.Ư Huế đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhi Nguyễn Ngọc B. Nh. (SN 2018, trú ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) sau khi thực hiện thành công ca ghép tủy tự thân chữa u nguyên bào thần kinh cho cháu bé.

Trước đó, tháng 6/2020, cháu Nh. được gia đình chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 vì lý do đi loạng choạng, ăn uống kém. Trẻ được tiến hành làm đầy đủ các xét nghiệm và được chẩn đoán bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao (ung thư hệ thần kinh giao cảm), được điều trị với hóa chất, phẫu thuật.

Sau đó, cháu Nh. được chuyển ra Bệnh viện T.Ư Huế để tiếp tục điều trị. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chủ trì cuộc họp và lên kế hoạch ghép tủy cho cháu bé.

Việc tiến hành ghép tủy trong mùa dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn máu dự trữ nên lãnh đạo Bệnh viện đã huy động nguồn máu từ đội ngũ tình nguyện viên và cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện. Một số bác sĩ của Bệnh viện đã tình nguyện hiến máu để phục vụ kịp thời cho ca ghép tủy cho cháu Nh.

Trong quá trình thực hiện ghép tủy, việc sử dụng hóa chất liều cao, cháu Nh. có biểu hiện loét niêm mạc miệng mức độ nhẹ kèm nhiễm trùng. Tuy nhiên, được các bác sĩ theo dõi sát sao và điều trị tích cực nên sức khỏe cháu Nh. phục hồi nhanh, được cho xuất viện trong sự vui mừng của gia đình.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, đến nay Bệnh viện đã thực hiện ghép tủy tự thân cho 9 bệnh nhi, trong đó 8 cháu bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao và một cháu u nguyên bào võng mạc di căn, với tỷ lệ thành công là 100%. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện ghép tế bào gốc tự thân cho rất nhiều bệnh nhi từ các địa phương chuyển đến với các căn bệnh như Lymphoma non Hodgkin tái phát, u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. (Công an Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 6: “Ghép tủy tự thân cứu bé 3 tuổi bị u nguyên bào thần kinh”.

CDC Hà Nam tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/8/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/8/2018

admin

Để lại bình luận