Điểm báo ngày 12/11/2021

(CDC Hà Nam)
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Mạnh dạn cách li F0 không triệu chứng, F1 tại nhà; Bộ Y tế đã quyết liệt từng bước minh bạch hóa cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế; Nhiều trẻ nhỏ viêm phổi nặng vì nhiễm virus hợp bào hô hấp; …

Bộ Y tế đã quyết liệt từng bước minh bạch hóa cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế

Bộ Y tế đã quyết liệt từng bước minh bạch hoá cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời, đây là vấn đề dư luận, người dân quan tâm, nhất là vấn đề quản lý giá trang thiết bị sinh phẩm.

Theo Bộ trưởng, trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý theo luật giá. Giá cả giữa các hãng khác nhau giữa các nước sản xuất. Giữa trang thiết bị y tế, sinh phẩm giá cũng khác nhau qua các thời điểm, có thời kỳ nhu cầu sử dụng lớn, giá thành sẽ cao hơn. Đầu năm 2020, giá khẩu trang, găng tay, máy thở nhiều khi khan hiếm trên thị trường, nên đẩy giá tăng cao. Các doanh nghiệp thời gian qua tham gia nhiều vào thị trường nên giá thay đổi, đã hạ.

Bộ Y tế đã quyết liệt từng bước minh bạch hoá cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế.

Thứ nhất, từ tháng 7/2020, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các công ty kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải niêm yết giá trên Cổng Công khai niêm yết giá của Bộ Y tế, đến nay có 69.235 sản phẩm niêm yết gía; 93.253 kết quả công khai niêm yết giá. Từ đó các cơ quan, đơn vị tham khảo xây dựng kế hoạch đấu thầu cũng như triển khai đấu thầu, cung ứng

Thứ hai, Bộ Y tế liên tục yêu cầu tăng nguồn cung ứng cho thị trường Việt Nam. Bộ Y tế đã 2 lần có văn bản yêu cầu doanh nghiệp cùng chung tay và hạ giá thành sản phẩm.

Thứ ba, Bộ Y tế tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị. Trước đây có ít mặt hàng được cấp phép, tuy nhiên sau khi các doanh nghiệp trên thế giới tăng cường sản xuất thì đến thời điểm này đã cấp phép 131 sản phẩm, sinh phẩm chẩn đoán. Trong đó test nhanh 60, PCR là 43 và kháng thể là 28.

Thứ tư, tăng cường vận động hỗ trợ, tài trợ từ các nước, các doanh nghiệp của Việt Nam. Về cơ bản chúng ta sử dụng các sản phẩm test đã vận động, hỗ trợ. Các địa phương tiến hành đấu thầu nhưng không nhiều.

Đến thời điểm hiện nay, theo con số Bộ Y tế nắm được chúng ta đã vận động khoảng 50 triệu test và 2.400 máy thở. Riêng TP HCM ngoài phần TW phân bổ, thì có thêm các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 14 triệu test.

Thứ năm, giảm giá thành là một trong những yêu cầu đặt ra. Bộ Y tế đã liên tục có những hướng dẫn về gộp mẫu, ngay từ khi xảy ra dịch tại Bắc Giang đã gộp mẫu, kể cả với test nhanh có thể gộp 3, mẫu 5; đối với test PCR có thể gộp 10. Thậm chí tại Đà Nẵng đã gộp mẫu 20.

“Điều này được cho phép trong chuyên môn để nhằm giảm giá thành trong xét nghiệm. Đồng thời Bộ Y tế cũng liên tục có các điều chỉnh trong chiến lược xét nghiệm, tuỳ từng thời điểm, tuỳ tình hình thực tế trên quan điểm phòng chống dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thứ sáu, trước thời điểm 1/7, lượng test nhanh sử dụng không nhiều. Sau 1/7, Bộ Y tế tiên lượng thị trường sôi động hơn, việc sử dụng test cũng sẽ nhiều hơn, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu thực hiện theo “phương thức thực chi, trong trường hợp người dân đến xét nghiệm thì chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào”. Vì vậy có hiện tượng chênh giá giữa các đơn vị, tư nhân. Bộ Y tế cũng đã nhận ra.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế do quá bận chống dịch, từ tháng 9 khi Bộ yêu cầu thực thanh, thực chi, giá test chỉ được thu theo đúng đầu vào-tức là giá đấu thầu, đơn vị cũng nhận lỗi do bận chống dịch. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh.

Tiếp theo, từ tháng 5/2021, khi dịch xảy ra ở Bắc Giang, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là dịch xảy ra tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã có 2 văn bản nhắc các cơ sở y tế không thu tiền xét nghiệm sàng lọc người đến khám và người tham gia BHYT thì BHYT thanh toán; người không tham gia BHYT thì ngân sách nhà nước chi trả.

Cùng đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản nhắc các đơn vị, các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không có tiêu cực, lãng phí.

“Việc này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đã đưa vào chương trình thanh tra năm 2022 vấn đề đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế” – Bộ trưởng nói.

Tăng cường thúc đẩy sản xuất sinh phẩm xét nghiệm trong nước

Vấn đề tiếp theo là tăng cường thúc đẩy sản xuất trong nước. Hiện có 8 đơn vị sản xuất trong nước cung cấp test nhanh và PCR, test kháng thể. 

“Về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, cơ bản chúng ta đáp ứng đủ”- Bộ trưởng nói. Chúng tôi thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất phương pháp chẩn đoán mới như qua nước bọt, hơi thở làm giảm giá thành và tăng tính tiện ích với người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết thêm, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế và sinh phẩm. Có thể nói đây là một trong những Nghị định làm thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế qua mấy điểm lớn. Một là công khai, minh bạch toàn bộ trong quá trình quản lý; Hai là chuyển từ phương thức là tiền kiểm sang hậu kiểm. Ba là phương thức quản lý phù hợp với quốc tế.

“Đặc biệt đối với vấn đề về quản lý giá và trang thiết bị cũng như sinh phẩm, chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá. Chúng tôi cũng đang làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bình ổn giá trong trường hợp cần thiết đối với mặt hàng này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm, trong Thông tư 16 có một điểm hết sức cần lưu ý đó là giá chỉ tính giá tối đa.

“Nếu như đơn vị y tế đấu thầu với giá sinh phẩm thấp hơn giá đó cũng chỉ được thu giá thấp hơn. Chúng tôi cũng đang tiến hành đảm bảo vấn đề về quản lý giá đối với trang thiết bị y tế”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Chúng tôi đề nghị đối với các địa phương tăng cường việc kiểm tra, giám sát”

Trả lời thêm về quan tâm của ĐB Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế áp dụng quy định thực thanh, thực chi. Trong khi đó, đối với các đơn vị y tế tư nhân không áp dụng quản lý giá, giá xét nghiệm là do các đơn vị này tự chịu trách nhiệm, nhưng phải niêm yết công khai.

Về vấn đề này Bộ xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH và thời gian tới sẽ cùng với các đơn vị chức năng đưa ra hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.

“Nhân đây chúng tôi xin đề nghị đối với các địa phương tăng cường việc kiểm tra, giám sát. Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương đối với việc này” – Bộ trưởng nói.

Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm này và đã triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, chúng tôi đã chính thức đưa mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng quản lý giá. Qua việc thực hiện nghị định tới đây thì chắc chắn việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh trên một quan điểm chung là làm sao cố gắng hạ được giá xét nghiệm để đảm bảo thực thi những biện pháp về phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Nhiều trẻ nhỏ viêm phổi nặng vì nhiễm virus hợp bào hô hấp

Mỗi ngày Trung tâm Hô hấp- Bệnh viện Nhi TW tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp nặng, viêm phổi trong đó các ca nhiễm virus hợp bào hô hấp chiếm khoảng 20-30%. Bệnh hay gặp ở nhóm tuổi dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Hiện số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) tại Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Nhi TW đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và trẻ có bệnh lý nền.

Các chuyên gia Bệnh viện Nhi TW cho biết: Virus hợp bào hô hấp là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu – đông hoặc xuân – hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

Tại phòng Cấp cứu – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi TW, chị N.A (ở Lào Cai) đang chăm sóc con trai 2 tháng tuổi cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày bé xuất hiện ho, ngạt mũi, gia đình có cho trẻ đi khám và uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi thấy bé có biểu hiện thở nhanh, khó thở, trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện.

Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán và tìm căn nguyên gây bệnh. Kết quả cho thấy bé bị viêm phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp. Hiện sau 5 ngày điều trị và chăm sóc đặc biệt, tình trạng sức khỏe của bé tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi thêm.

Nằm kế bên là bệnh nhi Q.V (2,5 tháng tuổi, ở Vĩnh Phúc). Mẹ bé cho biết trước khi nhập viện bé có biểu hiện ho khò khè nhưng không sốt. Gia đình đã đưa trẻ đi khám và điều trị tại bệnh viện địa phương. Sau khi ra viện được 5 ngày, trẻ bị tái lại nặng hơn, bỏ ăn, thở gắng sức, rút lõm lồng ngực. Gia đình lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi TW. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi nặng, có nhiễm virus hợp bào hô hấp.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, virus là một trong những tác nhân quan trọng gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp (RSV). Ngoài ra, còn có các loại virus khác như: Rhinovuris, hMPV, Andenovirus, cúm,…

Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Hô hấp tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp nặng, trong đó các ca nhiễm virus hợp bào hô hấp chiếm khoảng 20-30%. Bệnh hay gặp ở nhóm tuổi dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng:

– Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp

– Trẻ dưới 3 tháng tuổi.

– Trẻ có bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi.

– Trẻ mắc bệnh phổi mãn tính, loạn sản phế quản phổi, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh lý thần kinh cơ.

Một số biểu hiện lâm sàng của bệnh

Trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi… Đường lây truyền chủ yêu qua giọt bắn và dịch tiết của đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi, chảy mũi, hoặc tiếp xúc trực tiếp như tiếp xúc dịch tiết hô hấp trên các bề mặt.

Giai đoạn toàn phát trẻ khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở

Phương pháp điều trị

Khi nhập viện, trẻ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt. Trẻ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế: Thông thoáng đường thở; Hỗ trợ hô hấp khi cần; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện

Phòng bệnh thế nào?

– Ngay từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ, để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh.

– Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.

– Cho ăn dặm đúng phương pháp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

– Môi trường sống trong lành, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

– Vệ sinh mũi họng thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lí.

– Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường,

Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm lạnh, nếu bắt buộc ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ.

Hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Đối với trẻ lớn, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tiêm vaccine phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Mạnh dạn cách li F0 không triệu chứng, F1 tại nhà

Mới đây, trong thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, nêu rõ, các địa phương cần đẩy mạnh việc cách li điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng và F1 tại nhà.

“Trước đây các F1 chưa tiêm vắc xin sẽ phải đưa đi cách li tập trung, nhưng hiện nay, Việt Nam đã bao phủ mũi 1 được hơn 85,5%. Vì thế, các địa phương cần mạnh dạn đưa ra phương án F1 cách li tại nhà”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị. Trong lĩnh vực điều trị, Thứ trưởng yêu cầu cần chuyển hướng để F0 nhẹ điều trị tại nhà theo từng phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đã hướng dẫn. F0 nặng sẽ đưa vào bệnh viện điều trị và với việc được chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, thuốc, ô xy, các bệnh viện phải bảo đảm tỉ lệ tử vong ở mức thấp nhất. “Sở Y tế cần phải nắm chắc quyết định phác đồ điều trị của Bộ Y tế mà Cục Quản lí khám, chữa bệnh đã tổ chức tập huấn toàn quốc để triển khai”, Thứ trưởng nói.

Cùng với đó lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách li. Thứ trưởng đề nghị không mặc cảm, kì thị những người nhiễm hoặc nghi mắc COVID-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tự xét nghiệm phát hiện COVID-19.

Nên cho F1 cách ly tại nhà

Hiện Bộ Y tế cho phép giảm thời gian cách li tập trung F1 xuống còn 14 ngày từ giữa tháng 7, trong khi Hà Nội lại nâng lên 21 ngày từ ngày 4/9, sau khi hoàn thành cách li y tế tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thành phố chưa có chủ trương cách li F1 tại nhà. “Hiện tại, Hà Nội vẫn có đủ nguồn lực để cách li và điều trị tập trung F1 và F0. Khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng thì chúng ta mới tính đến phương án đó”, ông Tuấn nói.

Về việc nhiều người dân sinh sống tại các chung cư ở Thủ đô lo lắng có thể trở thành F1 khi vô tình đi chung thang máy với F0 và bị đưa đi cách li, ông Tuấn khẳng định, theo quy định, F1 tiếp xúc trực tiếp với F0 sẽ được đưa đi cách li tập trung. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy vết, nếu những trường hợp liên quan đi cùng thang máy nhưng có giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tiếp xúc sẽ được phân loại và có thể sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, với tình hình dịch bệnh hiện tại, số F0 còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới, còn rất nhiều các chùm ca bệnh rải rác ở nhiều quận huyện, cũng như các ca tại cộng đồng. Khi xuất hiện ổ dịch cần chú trọng xử lí theo cách “nguy cơ đến đâu, khoanh vùng đến đấy, không áp dụng cách làm như trước đây”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khi F0 tăng đồng nghĩa với F1 cũng nhiều. Vì thế, với những nhà có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế có thể tự cách li tại nhà. “Y tế cơ sở, y tế địa phương có thể mạnh dạn cho cách li F1 tại nhà. Việc này cũng giúp người dân và thành phố Hà Nội tập dượt, nếu khi ca bệnh xuất hiện nhiều thì cũng thuần thục và giảm tải cho y tế tuyến trên”, ông Phu đề nghị. (Tiền phong, trang 4)

Tiêm đủ 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trong năm nay

Theo Bộ Y tế, đến chiều 11.11 cả nước đã tiêm được 95,68 triệu mũi vắc xin Covid-19. Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 85,5% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin là 43,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 77,4% và 36,1%; miền Trung là 83,1% và 27,9%; Tây nguyên là 75,8% và 10,8%; miền Nam là 94,1% và 57,6%. Có 15/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Lạng Sơn, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước và Lâm Đồng.

Đến hết ngày 10.11, cả nước đã phân bổ 81 đợt vắc xin với tổng số 112,7 triệu liều trong số 125 triệu liều đã tiếp nhận.

Bộ Y tế ngày 11.11 đã có văn bản đề nghị gửi các sở y tế các địa phương; Cục Y tế (Bộ Công an) và Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) báo cáo số lượng vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận, đã tiêm và nhu cầu năm 2022, là cơ sở để Bộ Y tế tiếp tục phân bổ phù hợp.

Trong tháng 11 – 12.2021, VN sẽ tiếp tục nhận số lượng lớn vắc xin Covid-19 để tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên. Có 12 tỉnh, thành đang tiêm cho người 12 – 17 tuổi là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn và Lào Cai. Hơn 1,12 triệu liều vắc xin đã tiêm cho lứa tuổi này. (Thanh niên, trang 4)

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 07/9/2020

CDC Hà Nam