Điểm báo ngày 12/9/2018

(CDC Hà Nam)

12SỰ THẬT ẨN GIẤU PHÍA SAU “THẦN DƯỢC” NANO VÀNG CHỮA ĐƯỢC UNG THƯ:Thuốc chữa ung thư được sản xuất bởi công ty Công nghệ… vũ trụ!; Vợ chồng cô giáo về hưu xin hiến xác cho Y học; Đình chỉ hoạt động khoa sản gây tai biến phụ khoa…

Vợ chồng cô giáo về hưu xin hiến xác cho Y học

Trưa 11-9, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, phối hợp với Khoa Y- Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), đến TP Sóc Trăng làm thủ tục nhận thi hài ông Trần Anh Tuấn (55 tuổi, nguyên cán bộ thuộc Sở VH-TT&DL Sóc Trăng), qua đời sau một thời gian điều trị bệnh. Trước đó ông Tuấn đã tự nguyện làm thủ tục hiến xác cho Y học sau khi qua đời.

Bà Ngô Thị Xuân Duyên (vợ ông Tuấn, nguyên giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Sóc Trăng), cho biết: “Lúc còn sống, anh Tuấn thường tâm sự muốn làm việc gì đó có ích cho xã hội. Khi tôi nói các trường thuộc ngành Y có nhu cầu về thi hài cho nghiên cứu khoa học và cho sinh viên thực tập thì anh ủng hộ nhưng chưa nói ra vì lo cho người thân trong gia đình”.

“Lúc anh bị bệnh, tôi nói với anh là em sẽ hiến xác cho Y học ý anh thế nào? Anh Tuấn đồng ý và nói anh cũng hiến xác cho khoa học luôn. Sau đó vợ chồng tôi làm thủ tục đăng ký hiến xác và được chấp nhận. Đêm 10-9, anh ấy mất, gia đình gọi điện báo cho Ban Giám hiệu Trường Đại học Võ Trường Toản và trưa nay nhà trường đã cho người, phương tiện đưa anh về trường phục vụ cho khoa học”.

Thông tin ông Tuấn hiến xác cho Y học, khiến nhiều người ngỡ ngàng và nể phục. Ông Lê Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Sở TTTT Sóc Trăng, chia sẻ: “Hành động của anh Tuấn và chị Duyên thật cao cả, rất đáng trân trọng, vinh danh. Hiến xác cho Y học sẽ giúp ích được cho ngành Y rất nhiều. Anh mất đi nhưng vẫn còn giúp ích cho đời. Hành động của anh có ý nghĩa hết sức cao đẹp, mang tính nhân văn cao”. (Công an Nhân dân, trang 7)

Đình chỉ hoạt động khoa sản gây tai biến phụ khoa

Ngày 11-9, Sở Y tế Đồng Nai đã quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn đối với Khoa Sản thuộc phòng khám đa khoa Âu Mỹ Việt có trụ sở trên đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến TP Biên Hòa trong thời gian 3 tháng để củng cố, thẩm định lại về chuyên môn kỹ thuật…

Cùng lúc, Sở Y tế cũng quyết định xử phạt hành chính phòng khám này với số tiền 88,7 triệu đồng; chế tài kèm theo là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của bà Li Guang Qiu do Bộ Y tế cấp ngày 26-7-2016 trong thời hạn 4,5 tháng kể từ ngày 10-9-2018.

Để khắc phục hậu quả do phòng khám đã gây ra, Sở Y tế Đồng Nai yêu cầu cơ sở chấm dứt hành vi vi phạm, đồng thời gửi tất cả bảng giá dịch vụ về Sở Y tế để xem xét và niêm yết công khai trên cổng thông tin của Sở Y tế.

Trước đó ngày 4-9, Sở Y tế Đồng Nai nhận được thông tin của bệnh nhân nữ 17 tuổi, ngụ tại phường Tân Mai, TP Biên Hòa tố cáo phòng khám đa khoa Âu Mỹ Việt đã đốt điện gây tai biến phụ khoa.

Sau khi thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra phòng khám đa khoa Âu Mỹ Việt theo nội dung tố cáo đã xác định, việc phòng khám đốt điện đã gây tai biến phụ khoa cho bệnh nhân này, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng vùng kín. (Công an Nhân dân, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 18: “Tước chứng chỉ hành nghề một bác sĩ Trung Quốc”

Kiểm tra chất lượng bánh trung thu sản xuất thủ công

Các cơ sở sản xuất bánh trung thu (BTT) lớn thường kết thúc sản xuất vào tháng 7 âm lịch, nhưng các cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công (handmade), tháng 8 âm lịch vẫn vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng của BTT làm từ các cơ sở thủ công đang đặt ra nhiều vấn đề…

Theo ghi nhận của PV, tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như chợ Bình Tây, Bà Chiểu, Tân Bình… bán rất nhiều các loại nguyên liệu làm BTT, vỏ bánh, nhân bánh trộn sẵn, các loại hộp, khay, nhãn, bao bì, gói hút ẩm… theo nhu cầu của người sản xuất bánh.

Đến một quầy bán nguyên liệu làm BTT tại chợ Bình Tây, hỏi mua nhân BTT trộn sẵn, tôi được chị bán hàng giới thiệu đủ các loại nhân BTT được sản xuất từ các cơ sở ngành chế biến thực phẩm trong nước. Mặc dù các cơ sở trong nước sản xuất, nhưng có nhiều loại nhân BTT xào sẵn được đóng trong các bịch nhựa (1, 2, 3kg/bịch) nhưng không có nhãn mác ghi các thành phần trong nhân bánh, thời hạn sử dụng, cách bảo quản, tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất.

Một số bịch thì có ghi “hạn sử dụng 6 tháng kể từ ngày sản xuất”, nhưng tìm mãi vẫn không thấy ngày sản xuất. Nhìn chung, giá bán các loại nhân bánh tại các sạp giá chênh lệch không nhiều.

Chị Nga, bán nguyên liệu BTT tại chợ Bình Tây cho biết, các loại vỏ bánh, nhân bánh trộn sẵn chủ yếu là bán cho các cơ sở nhỏ, những người sản xuất BTT handmade tại nhà, bởi vì họ làm BTT không chuyên, lâu lâu mới nhận được đơn đặt hàng của người thân, bạn bè, nên việc pha trộn tỷ lệ bột, nhân, không chuẩn liều lượng. Hơn nữa, việc pha trộn nhân rất cực, phải đánh bằng máy, không thể đánh nổi bằng tay.

Vì vậy, các cơ sở trong nước họ có máy móc để làm và pha trộn với tỷ lệ chuẩn, người sản xuất BTT chỉ việc mua về đưa vào khuôn nên rất tiện lợi. Chính vì vậy, các loại vỏ bánh, nhân bánh tiêu thụ rất mạnh.

Không chỉ cung cấp vỏ bánh, nhân bánh đã được trộn sẵn mà các tiểu thương còn cung cấp luôn cho người sản xuất BTT các loại hộp, khay, tem nhãn, gói hút ẩm…

So với mọi năm, thì năm nay NTD chuộng vỏ hộp BTT phải đẹp, sang trọng, nên thị trường cũng đáp ứng ngay nhu cầu này, dù giá cao gấp nhiều lần. Điển hình, trước đây tại các chợ, cửa hàng chủ yếu bán hộp đựng BTT gồm hộp vuông hoặc hộp xéo (đựng 4 bánh) chỉ in chữ “bánh trung thu” giá khoảng 5.000 đồng/cái, thì nay, thị trường rất đa dạng các loại hộp như: Hộp Phú quý, hộp Cát tường, hộp Mẫu đơn (đựng 4 bánh) giá 21.000 – 28.000 đồng/hộp…

Các cơ sở sản xuất BTT handmade tiêu thụ rất mạnh loại hộp này để sản xuất sản phẩm thuộc dòng quà biếu tặng theo yêu cầu của NTD.

Tương tự, bên cạnh các loại khay nhựa đựng BTT giá 1.000 đồng/10 cái (loại đựng bánh nhỏ nhất), thì thị trường năm nay cũng xuất hiện một số mẫu mới, sử dụng nguyên liệu nhựa PET giá cao hơn vài chục lần như: Khay đựng BTT có đế đen, nắp trong (đựng BTT hình lợn) giá 3.000 đồng/cái; khay vuông đế đen đựng 1-2 BTT giá 3.000 – 4.000 đồng/khay…

Chị Thanh (ngụ quận 5), khách hàng đang chọn mua các loại nguyên liệu BTT cũng bật mí: “Muốn mua logo của các thương hiệu BTT nổi tiếng trên thị trường đều mua được hết. Nhưng muốn mua thì phải hỏi, chứ người bán không trưng bày công khai”. Chị Thanh chia sẻ, để làm BTT tại nhà chỉ cần học 1 ngày, thậm chí chỉ 1 buổi là đã biết cách làm.

Trong khi đó, phong trào mua BTT sản xuất tại nhà hiện nay đang được rất nhiều người lựa chọn. Lý do là người bán cam kết sản phẩm đảm bảo an toàn, sản xuất theo yêu cầu của người đặt hàng về chất lượng, giá cả. Tuy nhiên, chị Yến – chủ một xưởng sản xuất BTT ở quận 12 khẳng định: “Tiền nào của đó, cùng chủng loại bánh nhưng nếu đặt giá thấp hơn cơ sở sản xuất sẽ làm nhân đậu, mứt, bột loại 2, loại 3. Muốn có lời nhiều hơn nữa thì các cơ sở mua nhân bán sẵn ngoài chợ. Đặc biệt là BTT nhân thập cẩm, nói là có bào ngư, vi cá… nhưng thật ra những thứ đó tìm đâu ra, toàn là thịt heo với khô mực xé. Vì vậy, việc sản xuất BTT tại nhà tùy theo cái tâm của người sản xuất, chứ NTD không thể nào biết được người sản xuất sử dụng nguyên liệu gì, chất lượng ra sao, vệ sinh thực phẩm tới đâu?”.

Để sản xuất BTT, các cơ sở sản xuất phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện như: Phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; giấy khám sức khỏe, tập huấn vệ sinh ATTP cho người trực tiếp tham gia sản xuất; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia làm bánh phải rõ ràng; phải đảm bảo vệ sinh nơi sản xuất, chế biến, bảo quản…

Trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất tại nhà đều là sản xuất “chui”, không đảm bảo các điều kiện cần thiết như trên. Từ ngày 22-8 đến nay, cơ quan Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện 8 vụ vi phạm thu giữ 174 cái BTT các loại, trong đó có 144 cái BTT do Thái Lan sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Các loại BTT còn lại vi phạm chủ yếu không đảm bảo an toàn thực phẩm trong bảo quản và không có nhãn hàng hóa. (Công an Nhân dân, trang 7)

Kiểm định vaccine mới để thay thế Quinvaxem

Tại nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn TPHCM vaccine “5 trong 1” Quinvaxem (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib) sử dụng cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được dán thông báo hết, trong khi vaccine mới thay thế loại này là ComBe Five đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế cung cấp khiến phụ huynh lo lắng.

Sáng 11-9, chị Nguyễn Thị Huyền đưa con gái đến Viện Pasteur (TPHCM) để chích ngừa vaccine “5 trong 1” theo lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại quầy hướng dẫn chị nhận được thông báo vaccine này đã không còn.

Cùng cảnh ngộ với chị, nhiều phụ huynh khác dù có con đến lịch tiêm nhưng do vaccine không còn nên đành phải quay về.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, mặc dù đã nỗ lực điều phối giữa các tuyến của Trung tâm Y tế Dự phòng TP nhưng số vaccine Quinvaxem tại TPHCM chỉ đủ sử dụng trong tháng 8-2018. Vì vậy, trong tháng 9-2018, dự kiến hầu hết các Trạm y tế và bệnh viện, Trung tâm có Tiêm chủng mở rộng sẽ không có vaccine Quinvaxem để sử dụng.

“Để kịp thời đáp ứng vaccine Quinvaxem, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản chính thức gửi lên Bộ Y tế và thông báo rộng rãi đến 24 trung tâm y tế quận, huyện và 14 bệnh viện/trung tâm có Tiêm chủng mở rộng về tình hình thiếu vaccineQuinvaxem. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị triển khai các giải pháp chuyên môn cũng như các hoạt động tư vấn, truyền thông cho người dân”- bác sĩ Dũng thông tin.

Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng TP khuyến cáo đối với các phụ huynh có trẻ 2-4 tháng tuổi cần thực hiện theo các hướng dẫn sau: Vẫn đưa trẻ ra Trạm Y tế trên địa bàn cư trú để trẻ được uống vaccine ngừa bệnh bại liệt; Tuân thủ theo lịch hẹn tiêm chủng lần sau của Trạm Y tế; Khi cho trẻ đi tiêm chủng cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên hệ để giúp Trạm y tế có thể thông báo cho phụ huynh về lịch tiêm bù vaccine ngay khi nhận được vaccine “5 trong 1” trở lại, nhằm đảm bảo trẻ không bị mất mũi tiêm chủng phòng bệnh quan trọng nào.

Đồng thời để có thể bảo vệ trẻ không bị lây bệnh, phụ huynh cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi chăm sóc, tiếp xúc trẻ; không để trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc có các triệu chứng bệnh hô hấp, sốt chưa rõ nguyên nhân.

Đặc biệt Trung tâm Y tế dự phòng TP lưu ý, nếu phụ huynh có điều kiện, trong thời gian chờ vaccine mới, phụ huynh có thể chích ngừa thay thế bằng vaccine dịch vụ (Pentaxim và Infanrix Hexa) tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thay thế vaccine của chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Trong khi đó, trước thông tin một số điểm tiêm chủng tại TPHCM hết vaccine Quinvaxem, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, vaccine Quinvaxem do tập đoàn vaccine Janssen tại Hàn Quốc sản xuất đã ngừng sản xuất và cung ứng cho Việt Nam từ ngày 15-12-2017. Ngay sau khi có thông báo ngừng sản xuất của Nhà sản xuất, Bộ Y tế đã khẩn trương tìm kiếm loại vaccine tương tự vaccineQuinvaxem để chuyển đổi, thay thế và đã lựa chọn vaccine ComBE Five do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất. Đây là loại vaccine có thành phần tương tự vaccineQuinvaxem và đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định, đã được sử dụng trên 72 quốc gia, với khoảng 362 triệu liều, và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Sau khi lựa chọn vaccine này, Bộ Y tế đã tiến hành các thủ tục mua sắm, nhập khẩu tuân thủ các quy định hiện hành và theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết việc sử dụng loại vaccine này thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bước đầu dự kiến triển khai tại 7 tỉnh trước khi triển khai trên quy mô toàn quốc. Để bảo đảm vaccine an toàn, chất lượng, hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại vaccine đều phải tuân thủ việc kiểm định nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo Dự án tiêm chủng mở rộng ngày 8-6 nhập 3 lô vaccine ComBE Five do GAVI viện trợ cho Việt Nam thông qua UNICEF để tiến hành kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, tuy nhiên kết quả kiểm định chất lượng 3 lô vaccine này chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu nhà sản xuất tiếp tục cung cấp lô vaccine mới để tiến hành kiểm định. Ngày 10-9, kết quả kiểm định lô vaccine mới này đạt yêu cầu.

Ngay sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu của lô vaccinemới này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm theo quy định để sớm đưa vaccine ComBE Five vào trong chương trình tiêm chủng để tiêm phòng cho trẻ.

Trong thời gian chờ có vaccine mới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo dự án tiêm chủng mở rộng và các địa phương tiến hành rà soát, cân đối, điều phối sử dụng vaccine hiện có trong toàn hệ thống để bảo đảm sự thiếu hụt vaccine đến mức thấp nhất. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng chủ động lập Kế hoạch, rà soát và tiến hành tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm đủ các mũi vaccine ComBE Five khi lô vaccine này hoàn thành các thủ tục mua sắm để chuyển đổi, thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 7: “Xung quanh thông tin thiếu vaccine Quinvaxem tại TP.Hồ Chí Minh”

Bộ Y tế cam kết sẽ sớm có vaccine “5 trong 1”

trưa nay, 11-9, Bộ Y tế đã chính thức có thông báo lý giải về sự thiếu hụt vaccine “5 trong 1” (phòng 5 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Viêm gan B – Viêm màng não mủ do Hib) thời điểm này.

Thông báo của Bộ Y tế cho biết, trước đây vaccine “5 trong 1” được sử dụng cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) là loại Qunvaxem của Hàn Quốc. Từ giữa tháng 12-2017, nhà sản xuất loại vaccine này ngừng sản xuất và cung ứng Quinvaxem cho Việt Nam nên Bộ Y tế đã khẩn trương tìm kiếm loại vaccine tương tự để thay thế và đã lựa chọn vaccine ComBE Five do Công ty Biological E (Ấn Độ) sản xuất.

Sau đó, Bộ Y tế đã tiến hành mua sắm, nhập khẩu vaccine ComBE Five theo đúng các quy định hiện hành và bước đầu dự kiến triển khai tại 7 tỉnh trước khi triển khai trên quy mô toàn quốc.

Bộ Y tế nêu rõ, theo quy định của Việt Nam, để bảo đảm vaccine an toàn, chất lượng, hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại vaccine đều phải tuân thủ việc kiểm định nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Vì vậy, từ tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo Dự án tiêm chủng mở rộng nhập 3 lô vaccine ComBE Five do GAVI viện trợ cho Việt Nam thông qua UNICEF để tiến hành kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên kết quả kiểm định chất lượng 3 lô vaccine này chưa đạt kết quả như mong muốn.

Do đó, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu nhà sản xuất tiếp tục cung cấp lô vaccine mới để tiến hành kiểm định. Đến ngày hôm qua, 10-9, kết quả kiểm định lô vaccine mới này đạt yêu cầu.

Ngay sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm theo quy định, sớm đưa vaccine ComBE Five vào trong chương trình tiêm chủng để tiêm phòng cho trẻ.

“Trong thời gian chờ có vaccine mới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo dự án tiêm chủng mở rộng và các địa phương tiến hành rà soát, cân đối, điều phối sử dụng vaccine hiện có trong toàn hệ thống để bảo đảm sự thiếu hụt vaccine đến mức thấp nhất” – thông cáo của Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng chủ động lập Kế hoạch, rà soát và tiến hành tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm đủ các mũi vaccine ComBE Five khi lô vaccine này hoàn thành các thủ tục mua sắm để chuyển đổi, thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. (An ninh Thủ đô, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Bộ Y tế thông báo về vắc xin “5 trong 1””; Báo Thanh niên, trang 4: “Sớm xử dụng vắc xin thay thế Quivaxem”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 12: “Bộ Y tế thông tin về vắc-xin Quivaxem 5 trong 1”

Bến Tre: 1 trường hợp tử vong do mắc bệnh cúm A/H3

Ngày 11-9, ông Võ Hồng Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết trên địa bàn vừa có 1 ca tử vong do cúm A/H3. Đó là trường hợp bệnh nhân V.T.M.T., sinh năm 1979 ở thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm.

Trước đó, ngày 23-8, bệnh nhân sốt, ho và tự mua thuốc uống. Tình trạng không thuyên giảm, bệnh nhân tiếp tục điều trị ở phòng khám tư với tình trạng sốt, ho kèm theo khó thở, ăn uống kém. Đến ngày 25-8, bệnh trở nặng, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, ngừng tim 2 lần. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhập viện viêm phế quản cấp.

Điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn không cải thiện nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM với chẩn đoán: suy hô hấp, theo dõi cúm, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng, rối loạn điện giải, trào ngược dạ dày thực quản.

Tại đây, kết quả cận lâm sàng: X quang phổi mờ toàn bộ phổi trái và đáy phổi phải, cúm dương tính A/H3. Thông tin từ gia đình, bệnh nhân M.T. không ghi nhận tiền căn bệnh lý tim mạch, đái tháo đường. Cách đây 3 năm, M.T. có mổ bướu giáp. Bệnh nhân có chuyên chở, tiếp xúc với gà do xung quanh nhà có nuôi gà và chuyên chở gà.

Hiện ngành y tế tỉnh Bến Tre đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm tại địa phương. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Bộ Y tế yêu cầu thực hiện theo mẫu tóm tắt ‘hồ sơ bệnh án’

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 18/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2017 quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Tại Thông tư 18 này, Bộ yêu cầu tóm tắt bệnh án thực hiện theo mẫu tóm tắt hồ sơ bệnh án quy định tại Thông tư số 14/2016 Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thuộc lĩnh vực y tế…

Tuy nhiên, Thông tư số 14/2016 đã hết hiệu lực từ ngày 1.3.2018 khi Thông tư 56/2017 quy định chi tiết thi hành luật BHXH và luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế quy định về mẫu “tóm tắt hồ sơ bệnh án” của Bộ Y tế có hiệu lực. Hiện có 3 – 4 “mẫu tóm tắt bệnh án” hoặc “hồ sơ bệnh án” khiến nhiều bệnh viện… rối.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết việc ban hành Thông tư 18 nói trên là mang tính hợp nhất văn bản chứ không phải là phủ nhận thông tư cũ. Do đó, vẫn sử dụng mẫu “tóm tắt bệnh án” theo Thông tư 14/2016.

Về vụ bệnh nhân ung thư tại An Giang phải đi 250 km lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để bổ sung hai chữ “hồ sơ” theo yêu cầu của BHXH tỉnh An Giang (Thanh Niên vừa phản ánh), ông Quang nói: “Yêu cầu trên của cán bộ BHXH là quá máy móc và hành dân. Vì về bản chất bệnh án hay hồ sơ bệnh án thì nội dung cũng vẫn là một”. (Thanh niên, trang 19)

BỆNH VIỆN TUYẾN TRUNG ƯƠNG QUÁ TẢI:55,4% số bệnh nhân vượt tuyến

Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 35,4% bệnh nhân đến KCB ở tuyến T.Ư có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện.

41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế (TYT) xã. Điều này gây lãng phí lớn cho xã hội và gây quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

70% số bệnh không cần phải lên bệnh viện hạng đặc biệt

Thừa nhận thực tế này đã xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện hạng đặc biệt, TS-BS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: Trên thực tế, có đến 70% số bệnh không cần thiết phải lên tuyến bệnh viện hạng đặc biệt như BV Bạch Mai, dẫn đến sự lãng phí to lớn của xã hội, dẫn đến quá tải khủng khiếp cho tuyến trên. “Đơn cử như có những bệnh cần được điều trị ở tuyến dưới như điện giật, đuối nước mà mang lên tuyến Trung ương cấp cứu thì quá muộn, phải cấp cứu tuyến dưới” – TS Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Bên cạnh đó, phần lớn các TYT chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít: TYT xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến…

Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, GS-TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E – cho rằng: “Đây là tình trạng chung mà các bệnh viện tuyến Trung ương đều gặp phải. Bệnh viện của tôi cũng không ngoại lệ. Người dân, nói đi khám chữa bệnh là thích lên tuyến Trung ương, vì họ tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh, trình độ y bác sĩ, thiết bị hiện đại… Giải pháp của Bộ Y tế rất tốt là sau khi có phác đồ điều trị, bác sĩ tuyến Trung ương có trách nhiệm giải thích kỹ cho người bệnh, loại trừ nguy cơ, không nguy hiểm gì đến tính mạng thì những bệnh như tiểu đường, cao huyết áp có thể phát thuốc ở trạm y tế xã, y tế huyện quản lý kiểm tra định kỳ”.

Giải pháp nào?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế rất quyết liệt trong vấn đề nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. “Để triển khai đổi mới hoạt động của TYT xã, chúng tôi đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Qua khảo sát, Bộ Y tế cho biết, mặc dù đã lựa chọn các TYT có nhà cửa tương đối nhưng việc bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết các trạm này phải được cải tạo, nâng cấp cho khang trang sạch sẽ, bổ sung trang thiết bị cho đồng bộ” – Bộ trưởng Tiến nói.

Thêm một rào cản nữa ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân vượt tuyến là danh mục thuốc BHYT ở TYT rất ít, thiếu nhiều loại thuốc. Hơn nữa, một số TYT không có bác sĩ nên hạn chế việc chỉ định sử dụng các loại thuốc…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, 26 TYT điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên TYT, đến bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang… Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 TYT điểm. Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) xong hết cả đầu tư, nhân lực và hoạt động của TYT xã theo nguyên lý y học gia đình.

Với các TYT chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm…

Bộ Y tế cũng đề nghị BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại các TYT xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản… (Lao động, trang 3)

Xoa bóp và tập mắt để chữa cận thị: Tin theo, mất cơ hội chữa bệnh

Chia sẻ về phương pháp điều trị cận thị, TS. BS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Khúc xạ – Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi được cận thị mà với loại tật khúc xạ này hiện chỉ có thể dùng kính và phẫu thuật để điều chỉnh…

Về vấn đề phương pháp bấm huyệt, xoa bóp và tập mắt có chữa được cận thị không? TS. Hiền cho rằng, đây chỉ là phương pháp thư giãn mắt – nhất là với trẻ nhỏ chưa mắc tật khúc xạ, còn nếu sử dụng các phương pháp xoa bóp, tập mắt để chữa cận thị thì không có hiệu quả.

“Trên thực tế chúng tôi đã giải quyết nhiều hậu quả do nhiều bố mẹ sử dụng các phương pháp được quảng cáo trên các mạng xã hội trong đó có bấm huyệt, xoa bóp và tập mắt để chữa cận thị. Vì vậy, có thể nói rằng các phương pháp bấm huyệt, xoa bóp và tập mắt không thể chữa được cận thị mà phải bằng phương pháp đeo kính hoặc phẫu thuật.

Như tôi được biết, khi đến chữa bệnh cận thị bằng phương pháp trên thì bố mẹ phải cho con đến ngồi tại trung tâm ít nhất 1 -2 tiếng, nếu để ở nhà thì sẽ cận thị nặng thêm. Thay vì thế thì bố mẹ cho cháu hoạt động ngoài trời, ra công viên chơi để đỡ mất tiền”- BS. Hiền cho biết thêm.

Tại bệnh viện Mắt trung ương chưa có một nghiên cứu nào về vấn để phương pháp bấm huyệt, xoa bóp và tập mắt để chữa bệnh cận thị mắt. Do vậy, những người bị tật cận thị cần đến các cơ sở nhãn khoa uy tín để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý sử dụng các phương pháp không được nghiên cứu và công bố rõ ràng, không nên tự ý sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc,… vì sẽ gây hại cho mắt, thậm chí có thể dẫn đến mù mắt – TS Hiền khuyến cáo.

Nói về phương pháp điều trị cận thị BS Hiền cho biết: Các phương pháp để điều trị tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng, cho đến nay, có thể chia ra làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là sử dụng kính gọng, được sử dụng nhiều, từ xưa đến nay… Kính gọng an toàn, nhưng về thẩm mỹ lại hạn chế, bất tiện. Và kính gọng là phương pháp điều trị không tốn kém nhiều, có thể lựa chọn cho bất kỳ lứa tuổi nào.

Phương pháp hai là sử dụng kính tiếp xúc, được sử dụng khá phổ biển ở Việt Nam. Có loại kính tiếp xúc mềm để trị cận thị và loại kính tiếp xúc cứng để trị tật loạn khúc xạ. Ngoài ra, bây giờ còn có loại kính tiếp xúc được thiết kế đặc biệt để chỉnh hình giác mạc. Sử dụng kính này vào ban đêm để thay đổi hình dạng của giác mạc để ban ngày không cần sử dụng kính gọng mà vẫn đạt được thị lực tốt. Phương pháp này rất hiệu quả trong việc hạn chế phát triển cận thị cho các cháu nhỏ.

Phương pháp thứ ba là phẫu thuật. Phương pháp này điều trị tật khúc xạ vĩnh viễn. Khi bệnh nhân trên 18 tuổi và cận thị trở nên ổn định và giác mạc trở nên đủ dày để có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bằng laser. Trong trường hợp các cháu bị cận thị quá nặng, trên hơn 10 đi ốp, bề mặt giác mạc quá dày không thể sử dụng phương pháp phẫu thuật laser, thì chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật đặt kính vào bên trong mắt, phương pháp đặt kính nội nhãn.

Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ triệt tiêu được cận thị ở thời diểm hiện tại của bệnh nhân. Tuy nhiên, sau này, người bệnh có bị cận thị lại hay không thì các bác sĩ và máy móc không tính được. Chúng tôi chỉ phẫu thuật được khi độ cận không thay đổi, ổn định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4)

SỰ THẬT ẨN GIẤU PHÍA SAU “THẦN DƯỢC” NANO VÀNG CHỮA ĐƯỢC UNG THƯ:Thuốc chữa ung thư được sản xuất bởi công ty Công nghệ… vũ trụ!

Để tìm hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất và bán “vật liệu” nano vàng được quảng cáo là chữa được bệnh ung thư, nhóm phóng viên đã nhập vai người nhà bệnh nhân và phát hiện ra có quá nhiều điều bất thường, khuất tất trong vụ việc này.

Công ty công nghệ vũ trụ sản xuất thuốc chữa ung thư

Như báo Lao Động đã thông tin trong hai số báo (ra ngày 10 và 11.9) về “thần dược” nano vàng có khả năng chữa được ung thư. Và, để làm rõ hơn, thông qua các nạn nhân và người nhà bệnh nhân, phóng viên đã nhập vai thành người có nhu cầu mua nano vàng để chữa bệnh. Nhiều sự thật đã lộ diện.

Theo quảng cáo của một group trên mạng xã hội (đã bị gỡ bỏ – PV) và trực tiếp là tài khoản có tên Doãn Hà Thắng thì được biết: Để có được sản phẩm nano vàng thì cần tìm đến công ty Long Hải.

Lần theo địa chỉ này, hóa ra đây là Công ty Công nghệ Vũ trụ Long Hải – nằm trên tầng 4 của toà nhà V+, số 505 Minh Khai, Hà Nội.

Theo thông tin doanh nghiệp được niêm yết thì công ty này thành lập đầu năm 2017, chủ sở hữu là Trần Thanh Thủy không rõ địa chỉ. Đáng chú ý, ngành nghề kinh doanh của công ty này là “Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu” với mã ngành 7490; Hoạt động khí tượng thuỷ văn (mã ngành 74901); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu (mã ngành 74909) và… Hoạt động thú y (mã ngành 75000).

Nghĩa là công ty này gần như không có liên quan gì đến chuyên ngành dược hay bào chế thuốc. Vậy tại sao lại có sản phẩm nano vàng chữa được ung thư?

Qua giới thiệu, người đàn ông có tên Doãn Hà Thắng cho biết, cần liên lạc với một phụ nữ tên Nga. Đến tận nơi, sau khi xác nhận đúng người giao dịch, chúng tôi được đưa vào một phòng riêng, có khá nhiều camera và chờ đợi. Những người mua nano vàng mà chúng tôi đã gặp, ai muốn lấy sản phẩm cũng phải qua người phụ nữ tên Nga này.

Chị Nguyễn Thị Hồng – bệnh nhân ung thư nói: “Tôi liên hệ với anh Thắng thì anh bảo liên hệ với chị Nga. Lấy thuốc tại tòa nhà 505 Minh Khai, tại quán càphê bên dưới chứ không lên văn phòng. Người ta hẹn 6h chiều chứ không phải trong giờ hành chính”.

Còn anh Phan Ngọc T ở TPHCM (chồng chị Lê Mai H) thông tin: “Tôi đến 505 Minh Khai, mình xuống dưới chỗ càphê đó, ngồi dưới đó, xong cô Nga mang xuống. Cô Nga dặn trước là không đưa tiền cho cô Nga để cô Nga kiểm mà kiểm tra tiền ở nhà trước, xong cô Nga đưa thuốc rồi cô cầm tiền đi, không kiểm lại. Có thể cô Nga cũng ngại bị ghi hình, chụp hình lại đó, mình nghĩ là như vậy. Cho nên cô Nga dặn mình kiểm tra tiền trước”.

Cuộc đối thoại bất ngờ

Sau khi liên hệ và đề nghị ngồi chờ, khoảng mấy phút sau, người phụ nữ tên Nga xuất hiện, trên tay cầm một chai truyền có dung dịch màu tím và tờ giấy A4. Chai dịch truyền này chỉ khác chai chúng tôi đã thấy ở nhà một bệnh nhân về dung tích, một bên là 500ml và một bên là 250ml.

Vừa ngồi xuống ghế, người phụ nữ tên Nga đã yêu cầu phóng viên điền thông tin và ký vào một tờ đơn được soạn sẵn, chính là tờ A4 mà cô này cầm theo. Sau một hồi ghi vào tờ đơn với những thông tin như “quan hệ với bệnh nhân, đã điều trị ở đâu, điều trị pháp đồ gì rồi? Mấy lần? Có hóa chất chưa? Thì người phụ nữ đưa ra chai nano vàng 250ml. Trước khi đưa sản phẩm, người phụ nữ này đã kịp bóc đi tờ giấy ghi các thông tin bằng tiếng Anh được dán trên vỏ chai.

Chị này nói: “Cái này nó ghi là dịch truyền nên em sẽ bóc ra nhé, thực tế nó là đồ uống thôi ạ! Tức là em để cho mọi người nhìn thấy đây là chai nó được đóng vô khuẩn, khi mà ấy thì em sẽ bóc nó ra. Vì cái này nó ghi dịch truyền nhưng không phải dịch truyền nên bắt buộc phải bóc ra để được uống”.

Người mua chỉ biết người bán tên Nga, không biết họ, không có thông tin về nhân thân. Ngay đến cả nghề nghiệp cũng không có. Đơn xin nhận tài trợ nano vàng là tự nguyện nhưng người mua không được chụp lại. Bệnh nhân ký cam kết sử dụng miễn phí nhưng phải trả đến 15 triệu đồng cho một sản phẩm…

Thế nhưng hàng nghìn sản phẩm từ những kênh phân phối này đã tới tay người bệnh mà không hề có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Theo thông tư 44/2014/TT-BYT có hiệu lực 25.11.2014 thì để đăng ký một loại thuốc mới phải trải qua quy trình rất ngặt nghèo. Trong đó riêng hồ sơ chất lượng thì thành phẩm đăng ký phải ghi rõ tên nguyên liệu kể cả thành phần chính và tá dược; hàm lượng hoặc nồng độ của từng nguyên liệu; tiêu chuẩn áp dụng của nguyên liệu; nếu sản xuất từ cao phải ghi rõ lượng dược liệu tương ứng; Công thức cho một lô, mẻ sản xuất: Tên nguyên liệu bao gồm cả thành phần chính và tá dược; khối lượng hoặc thể tích của từng nguyên liệu; Sơ đồ quy trình sản xuất bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình sản xuất; Mô tả quy trình sản xuất: Mô tả đầy đủ, chi tiết từng giai đoạn trong quá trình sản xuất; Danh mục trang thiết bị, dụng cụ sử dụng: tên thiết bị, thông số, mục đích sử dụng; Kiểm soát trong quá trình sản xuất: Mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sản xuất….

Thế nhưng một loại thuốc được quảng cáo chữa được ung thư với tên nano vàng, phân phối bởi công ty chuyên về… vũ trụ lại dễ dàng lọt qua mắt cơ quan chức năng. Vì sao?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. (Lao động, trang 7)

 

Bài viết liên quan

Hà Nam: Học sinh tiếp tục nghỉ học từ 27/9, chuyển sang học trực tuyến

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 19/05/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/10/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận