Điểm báo ngày 13/5/2021

(CDC Hà Nam)
Tập trung triển khai “chống dịch như chống giặc”; Không để dịch bệnh lây lan, làm đứt gãy chuỗi sản xuất; Tiêm vaccine COVID-19 đúng tiến độ, phản ứng sau tiêm thấp; Tìm phương án sớm giải tỏa cách ly 2 bệnh viện lớn; Tăng cường phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp

Tập trung triển khai “chống dịch như chống giặc”

Trong đợt dịch Covid-19 thứ tư được tính từ ngày 27-4 đến nay, nước ta đã ghi nhận tổng số 610 người dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 tại 26 tỉnh, thành phố. Đây cũng là đợt dịch có diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố nguy cơ, đòi hỏi phải khoanh vùng, xử lý triệt để, không để dịch lan rộng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, có bốn điểm xuất phát dịch bệnh. Điểm thứ nhất là từ Đà Nẵng (với ca bệnh ở khu cách ly trở về Hà Nam và quán bar, thẩm mỹ viện ở Đà Nẵng). Điểm xuất phát thứ hai là từ Yên Bái (với ca bệnh từ các chuyên gia Ấn Độ, lây cho các chuyên gia Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số địa phương). Điểm xuất phát thứ ba là từ Hải Dương (từ một người có liên quan đến lịch sử dịch tễ ở Lào về, lây lan cho người khác). Điểm xuất phát thứ tư là từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, lây lan ra rất nhiều địa phương và bệnh viện. Hiện nay, các lực lượng phòng, chống dịch đã cơ bản kiểm soát, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các ca liên quan. Các chuyên gia dịch tễ dự báo thời gian tới, ngoài bốn nguồn lây nhiễm này có thể còn một điểm xuất phát trong cộng đồng mà chúng ta không biết nên bây giờ phải rất cảnh giác, nhất là những địa phương chưa ghi nhận các ca mắc Covid-19.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá nước ta đang trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm nhanh của vi-rút SARS-CoV-2. Đáng chú ý, biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần nhưng biến chủng phát hiện tại Ấn Độ còn nhanh hơn nữa và có khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí… Ứng phó tình trạng đó, Bộ Y tế coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện. Tính đến ngày 7-5, cả nước đã có 125 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19; công suất xét nghiệm tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7-2020). Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện có từ 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR…

Hiện nay, tình hình dịch ở nước ta hết sức phức tạp, số ca mắc trong ngày vẫn ở mức cao (ngày 10-5 ghi nhận 126 ca lây nhiễm trong cộng đồng), nhiều địa phương ghi nhận ca nhiễm biến thể ghi nhận tại Ấn Độ… Trước tình hình đó, Bộ Y tế đề nghị các địa bàn trọng điểm, nguy cơ cao, cần quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; kiên quyết không để dịch xâm nhập và lây lan trên diện rộng. Tại các địa phương có nguy cơ cao, vùng trọng điểm, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, nơi vui chơi nghỉ dưỡng nâng mức cảnh báo lây nhiễm dịch Covid-19 lên mức cao nhất, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, siết chặt quản lý và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các địa điểm tập trung đông người, khu công nghiệp, vui chơi nghỉ dưỡng; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận quản lý biên giới, quản lý nhập cảnh.

Các địa phương có đường biên giới chung với các nước Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành cách ly khi nhập cảnh. Các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, phát huy vai trò các tổ phòng dịch cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép; kiên quyết không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép gây lây lan dịch bệnh. Phát động phong trào toàn dân phòng, chống dịch, vận động mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Tập trung chỉ đạo và tăng cường kiểm tra việc thực hiện 5K, nhất là đeo khẩu trang (thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng); chú trọng kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn, nhất là tại các bệnh viện, trường học, nhà máy, bến xe, cửa khẩu, khu du lịch, cơ sở tôn giáo…; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần phòng ngừa, răn đe. Cơ sở nào không bảo đảm an toàn, kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý theo pháp luật. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân trên tuyến biên giới đề cao cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập; khuyến khích tiêm vắc-xin phòng dịch, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện 5K, chủ động phát hiện, thông báo với chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép; lưu ý phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong tuyên truyền vận động nhân dân. Rà soát các phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt (theo phương châm bốn tại chỗ) ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra…

Mặc dù công tác phòng, chống dịch được các cấp chính quyền triển khai khẩn trương, tích cực, song vẫn còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc các trường hợp nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ rất cao lây nhiễm cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lơ là, chủ quan sau thời gian dài không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng; người dân chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang… Do vậy, tất cả các địa phương cần thực hiện triệt để việc ngăn chặn dịch từ bên ngoài; thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung và cách ly tại nhà sau khi cách ly tập trung; giám sát, xét nghiệm tất cả các đối tượng có yếu tố nguy cơ nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm. Tăng cường khả năng truy vết từ các trường hợp nhiễm; chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản; nâng cao khả năng thu dung, điều trị; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị để phục vụ cho tình huống dịch lan rộng (Nhân dân, trang 5).

 

Không để dịch bệnh lây lan, làm đứt gãy chuỗi sản xuất

Ngày 12-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ tình hình dịch bệnh tại các khu công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cho nên, không chỉ Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, mà tất cả các địa phương khác trên cả nước nghiêm túc vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp cập nhật việc tự đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh định kỳ lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 (https://antoancovid.vn). Bộ Công thương tiếp tục quán triệt các địa phương thực hiện nhiệm vụ này bởi nếu dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp phép các công nghệ xét nghiệm mới, nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn, đồng thời có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm ở tình huống dịch bệnh khác nhau, tại những khu vực có nguy cơ khác nhau. Đồng thời đề nghị Đà Nẵng tổng kết thành hướng dẫn phương pháp xét nghiệm  mẫu gộp để chia sẻ với các địa phương. Tất cả các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”. Các khu công nghiệp đang có dịch gửi văn bản (danh sách số xe, tuyến đường…) cho các địa phương có xe đi qua để được di chuyển thuận lợi, không gây ách tắc.

Qua kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang và những đợt dịch trước, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố làm việc, phổ biến quy định phòng, chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp có đông công nhân, đặc biệt doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xét nghiệm từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn. Mặt khác cần chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Nhưng tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất nhưng hầu như các địa phương chỉ “khoán gọn” cho ngành y tế. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, ngay trong tuần này, Bộ trưởng Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an toàn trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các khu công nghiệp (Nhân dân, trang 1).

 

Tiêm vaccine COVID-19 đúng tiến độ, phản ứng sau tiêm thấp

Tính đến nay, sau hơn hai tháng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, tất cả các trường hợp tiêm vaccine AstraZeneca đều an toàn do Việt Nam áp dụng quy trình tiêm chủng an toàn. Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho gần 900.000 người là cán bộ, nhân viên y tế, công an, quân đội…

Tỉ lệ phản ứng sau tiêm thấp

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một trong những điểm khác với nhiều nước là chúng ta tổ chức quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ, rất cẩn thận, được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ…

“Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống không mong muốn xảy ra trong tiêm chủng. Chúng ta đã tập huấn cho tất cả các tuyến theo hình thức trực tuyến. Thời gian vừa qua, vaccine khi về Việt Nam đã tổ chức tiêm cho tất cả các đối tượng theo Nghị quyết 21” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong số những người được tiêm, đến nay ghi nhận có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỉ lệ này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay khẳng định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam là an toàn.

“Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vaccine phòng COVID-19, mà còn ở các loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, ho gà, uốn ván…” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%.

“Vẫn có nguy cơ sau tiêm vaccine, người tiêm vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu tiêm vaccine rồi mà mắc COVID-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều”, ông Cường nói.

TS.BS Phạm Quang Thái – Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện.

Hiện nay, vẫn còn tâm lý e ngại những phản ứng phụ sau tiêm vaccine. Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của COIVD-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng ba tháng sau tiêm liều 1.

Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy, thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, tiêm vaccine là biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khi vaccine đã được tiêm chủng đại trà thì chúng ta vẫn phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn sự lây truyền COVID-19. Phải kết hợp cả hai yếu tố như thế thì công tác phòng, chống dịch mới đạt hiệu quả.

Đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, qua 3 đợt dịch COVID-19, lần này dịch phức tạp hơn đợt dịch trước. Các tỉnh, thành phố chưa có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng cũng phải nâng mức báo động lên một mức cao, coi như địa phương đó đã có dịch để triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, đợt dịch này có nhiều nguồn lây nhiễm: Thứ nhất, từ các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà trong quá trình cách ly chúng ta thực hiện quản lý chưa nghiêm.

Nguồn lây nhiễm thứ hai, là trong cộng đồng cũng có các trường hợp lây nhiễm, rồi từ đó lây vào bệnh viện, từ bệnh viện lại lây ra cộng đồng.

Thứ ba là chủng virus lần này khác hơn so với các lần trước, đó là chủng Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Nếu như chủng của Anh lây gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng của Anh (Lao động, trang 2).

 

Tìm phương án sớm giải tỏa cách ly 2 bệnh viện lớn

“Thực tế, đến nay, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và hai bệnh viện lớn bị phong tỏa. Bộ Y tế sẽ họp bàn với các lãnh đạo và hai cơ sở y tế này để đưa ra biện pháp giải tỏa cách ly sớm nhất”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại cuộc họp với Bệnh viện K và Nhiệt đới T.Ư, ngày 12/5.

Cần giải phóng bệnh nhân thường

TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay, mật độ tại cơ sở 2 của bệnh viện này đang rất đông, cần giải phóng lượng bệnh nhân thường để đón bệnh nhân COVID-19 mới. Tới sáng 12/5, cơ sở 2 đang điều trị 284 bệnh nhân dương tính, 21 bệnh nhân thường, 15 người nhà. Trong số các bệnh nhân COVID-19 có 9 nhân viên y tế và học viên, 13 bệnh nhi. Ngoài 5 ca nguy kịch, còn có 11 bệnh nhân thở oxy, 14 bệnh nhân nặng.

Với số lượng người đang điều trị, cách ly trong bệnh viện đông, mật độ dày, TS. Thạch bày tỏ mong muốn được chuyển các bệnh nhân thường (không mắc COVID-19) nặng và không nặng đã có 3 lần âm tính tới các cơ sở y tế khác. Ông cho biết bệnh viện ở các địa phương xung quanh Hà Nội vẫn chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. “16 tháng nay chúng tôi đã làm nhiệm vụ điều trị COVID-19 rồi, chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần, chỉ mong giải phóng bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng, để nhận bệnh nhân COVID-19 mới”, TS Thạch nói. Ông chia sẻ, sau khi có bác sĩ xét nghiệm dương tính, toàn thể nhân viên y tế ở đây đều trở thành F1. Nhưng với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng chống dịch theo các cách khác nhau. Đơn cử như có một bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 bị vỡ lách, các bác sĩ ngoại khoa phải mổ cấp cứu. Các trường hợp thai sản được các tuyến chuyển trong đêm vẫn được bác sĩ phẫu thuật kịp thời.

Đa phần bệnh nhân không triệu chứng

TS.Thạch cho biết thêm, giải trình tự gien cho thấy biến chủng virus tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ khiến đa số người mắc không có triệu chứng, do đó, việc khám sàng lọc, đo nhiệt độ không thể phát hiện. Theo ông Thạch, đến nay, các khu điều trị ca bệnh COVID-19 đều nằm ở khu kiểm soát, cách ly. Ông nhận định khả năng trong tuần này, bệnh viện sẽ cơ bản kiểm soát được bệnh nhân COVID-19.

Tại Bệnh viện K, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc cho hay, ngoài xét nghiệm lần 1 cho toàn bộ nhân viên, các khoa có nguy cơ cao đã xét nghiệm lần 2, lần 3. Hiện tại, Khoa Ngoại gan – mật – tụy không phát hiện thêm ca bệnh nào trong viện. Người dương tính với SARS-CoV-2 là những trường hợp F1 trong khu cách ly. Đến nay, số ca bệnh COVID-19 liên quan Bệnh viện K là 19 người, gồm 12 bệnh nhân, người nhà (phát hiện trong bệnh viện) và 7 trường hợp trong khu cách ly ở Hà Nội. Dự kiến cuối tuần này, Bệnh viện K hoàn thành xét nghiệm lần 2 với toàn bộ nhân viên ở 3 cơ sở. Nếu họ có kết quả âm tính, Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế xem xét mở cửa lại cơ sở 1 (Phan Chu Trinh) và 2 (Tam Hiệp). Lãnh đạo Bệnh viện K cũng kiến nghị, đề nghị hỗ trợ cho các F1 đang cách ly tại bệnh viện, hỗ trợ test nhanh, tạo điều kiện cho bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới (Tiền phong, trang 4).

 

Tăng cường phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp
Những ngày qua, tại các khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại các KCN rất lớn do mật độ công nhân tập trung đông, công nhân đi lại bằng phương tiện công cộng và thuê trọ ở chung… Ngoài lực lượng chức năng phòng, chống dịch (PCD) thì Ban Quản lý các KCN, các doanh nghiệp trong các KCN cần kích hoạt mức PCD cao nhất để luôn ở thế chủ động ứng phó dịch.

Không chờ có ca bệnh mới truy vết

Bắc Giang hiện là địa phương có số ca mắc Covid-19 đứng thứ tư cả nước và đang đối mặt với ổ dịch lớn khởi phát từ ngày 8-5 tại KCN Vân Trung, huyện Việt Yên- KCN lớn nhất của tỉnh. Người bệnh là chị Ngọc Thị Th. (34 tuổi, trú ở thôn Chim, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), mắc bệnh do liên quan ổ dịch tại Bệnh viên K cơ sở Tân Triều, là công nhân Công ty TNHH Sin Young Việt Nam nằm trong KCN Vân Trung. KCN này có hàng trăm nghìn công nhân tập trung làm việc, do đó, từ ca bệnh đầu tiên đến nay đã có 71 ca nhiễm Covid-19 đều là công nhân của KCN. Do công nhân thuê ở trọ nhiều nơi trên địa bàn huyện, tỉnh Bắc Giang đã thiết lập vùng cách ly y tế 25 thôn, xóm, tổ dân phố, thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam và nhiều tổ dân phố, phường, xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, với thế chủ động trong PCD, tỉnh Bắc Giang đã kiểm soát được ổ dịch. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, ổ dịch tại Công ty TNHH Sin Young Việt Nam bùng phát tại nơi có mật độ dân số dày đặc, lịch trình di chuyển của nhiều người bệnh phức tạp, nhưng tỉnh nắm thế chủ động PCD bằng việc  khoanh  vùng, truy vết, xét nghiệm trên diện rộng. Ổ dịch bước đầu đã được khoanh vùng, khống chế, khả năng lây lan sang các công ty, cơ sở sản xuất khác rất thấp.

Sự chủ động trong xử lý ổ dịch của Bắc Giang là không đợi đến khi có F0 mới “chạy” theo truy vết, khoanh vùng, mà lực lương chức năng đi trước một bước. Trong đó đáng chú ý, tỉnh đã thành lập 30 tổ xét nghiệm nhanh, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân và người dân tại ba tổ dân phố My Điền 1, 2, 3 thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, yêu cầu lập danh sách công nhân gửi cho các huyện, thành phố để rà soát, truy vết những trường hợp liên quan. Tạm dừng các tuyến xe chở công nhân để lực lượng công an làm nòng cốt rà soát các trường hợp đi cùng chuyến xe với các trường hợp nghi nhiễm. Xét nghiệm toàn bộ lái xe và công nhân đi trên các xe và cách ly theo quy định. Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng vào cuộc, cung cấp cho từng doanh nghiệp số điện thoại đường dây nóng để được hướng dẫn PCD. Điều chỉnh giảm quy mô, giãn tần suất nhập cảnh của lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tập trung ưu tiên lực lượng cho công tác PCD…

TP Đà Nẵng cũng đang thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm khi KCN lớn nhất của quận Sơn Trà ghi nhận ca bệnh Covid-19 vào ngày 11-5. Người bệnh là nhân viên của Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng, có trụ sở tại KCN An Đồn. Đáng chú ý, cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh, và hiện đã có 34 đồng nghiệp của người bệnh này đang trong diện “nghi mắc” Covid-19. Các ca F1, F2 liên quan ca bệnh trải rộng trên nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, có cả cơ sở y tế, buộc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu ngừng hoạt động khám, chữa bệnh. Nếu các ca nghi nghiễm này trở thành F0 thì đây sẽ là ổ dịch lớn nhất tại TP Đà Nẵng kể từ ca đầu tiên phát hiện vào ngày 3-5. Từ kinh nghiệm của đợt PCD trước đây, TP Đà Nẵng kiểm soát ổ dịch này bằng cách xét nghiệm đi trước, mở rộng sàng lọc hợp lý, không chờ công bố lịch trình, dịch tễ của ca mắc mới rồi mới tiến hành truy vết. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, UBND quận đã triển khai năm biện pháp gồm chuyển bệnh nhân, khoanh vùng, truy vết, khử khuẩn và xét nghiệm. Theo Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 TP Đà Nẵng, với tinh thần thần tốc truy vết, khoanh vùng nguy cơ, lấy mẫu xét  nghiệm Covid-19, đến thời điểm này, thành phố Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh liên quan ổ dịch ở Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCD trong các khu công nghiệp, một số địa phương đã triển khai ngay các giải pháp cấp bách. TP Hà Nội đã có công điện về tăng cường một số biện pháp cấp bách PCD Covid-19 liên quan các KCN, khu chế xuất (KCX), cụm công nghiệp và tại cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó, yêu cầu người lao động, chuyên gia cư trú trên địa bàn Hà Nội, làm việc tại các KCN, KCX  thuộc các tỉnh lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm, Ban Quản lý các KCN, KCX Hà Nội liên hệ ngay với Ban Quản lý các KCN và KCX các tỉnh lân cận để lập danh sách, gồm họ tên, chỗ ở hiện tại, số điện thoại, gửi Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã quản lý. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công an khu vực, tổ Covid-19 cộng đồng rà soát, lập danh sách các đối tượng để chủ động giám sát khi xuất hiện các ca bệnh có liên quan. Tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra công tác PCD tại KCN Tân Hương và Long Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang chưa phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng nhưng nguy cơ nhiễm bệnh không nhỏ. Các công ty phải kích hoạt hệ thống phòng ngừa dịch ở mức độ cao nhất và đúng theo quy định. Các ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với công ty điều hành, quản lý KCN để tăng cường kiểm tra, giám sát và có thể kiểm tra đột xuất việc PCD. TP Cần Thơ cũng siết chặt công tác PCD tại các KCN, các doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn.

Cần đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại các KCN

Theo các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19 tại các KCN ở nước ta hiện nay là do đặc điểm các KCN thường thu hút lực lượng lao động đông đến từ nhiều địa phương, người lao động làm việc trong môi trường khép kín, thuận tiện cho dịch bệnh lây nhiễm. Trong khi đó, phần lớn người lao động ở thuê tại các xóm trọ, nhà trọ dành cho công nhân do tư nhân xây dựng và quản lý, cho nên diện tích ở chật hẹp, số lượng người ở chung một phòng thường đông, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này rất cao. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, công tác PCD tại các KCN ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia PCD, như chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly PCD khi có trường hợp dương tính xảy ra tại KCN; chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn PCD Covid-19 cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc kiểm tra, tập huấn, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Đồng chí Mai Sơn cho biết, qua thực tiễn PCD cho thấy, một số doanh nghiệp trong KCN có số lượng công nhân lớn nhưng chưa thực hiện nghiêm PCD. Các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động thời vụ nhưng không nắm chắc được lý lịch của người lao động, cho nên những đối tượng F1 là lao động thời vụ rất khó truy vết, xác minh. Tới đây, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang cần có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp trong KCN về công tác PCD. Đồng thời, có chính sách quản lý lực lượng lao động thời vụ, không chỉ phục vụ cho công tác PCD mà còn giúp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nếu để xảy ra lây lan dịch phải xử nghiêm theo quy định của pháp luật (Nhân dân, trang 7). 

 

Thêm 82 bệnh nhân Covid-19 do lây nhiễm trong nước

Ngày 12.5, BYT thông báo ghi nhận 86 ca mắc Covid-19 mới (4 ca nhập cảnh và 82 ca mắc ghi nhận trong nước). 82 ca mắc do lây nhiễm trong nước gồm Đà Nẵng 27 ca, Bắc Giang (17), Vĩnh Phúc (13), Hà Nội (8), BV Bệnh nhiệt đới T.Ư (tại Hà Nội) 6 ca, Bắc Ninh 5 ca. 6 tỉnh khác gồm: Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ và Lạng Sơn, mỗi tỉnh ghi nhận 1 ca. Các bệnh nhân Covid-19 mới trong nước đều được ghi nhận trong khu cách ly, khu đã phong tỏa, không phát hiện các ổ dịch Covid-19 mới (Thanh niên, trang 2).

Như Huệ tổng hợp

Bài viết liên quan

Nhiều loại dịch bệnh được loại trừ nhờ tiêm chủng vaccine

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 17/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/12/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận