Điểm báo ngày 13/6/2022

(CDC Hà Nam)
Vướng mắc trong thực hiện tự chủ bệnh viện

Năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, một số bệnh viện, trung tâm y tế ở tỉnh Hậu Giang đang thực hiện tự chủ một phần và toàn phần rơi vào tình cảnh bội chi do khó khăn về nguồn thu. Nhiều khả năng tình trạng bội chi sẽ còn nghiêm trọng hơn, nếu không có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Từ năm 2020, hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Hậu Giang thực hiện tự chủ một phần hoặc toàn phần. Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa thành phố Ngã Bảy tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhân lực; các đơn vị còn lại tự chủ từ 30 đến 60% hay 100% hệ điều trị (tùy đặc thù từng cơ sở). Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu của tất cả bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh Hậu Giang đều giảm, trong đó hai đơn vị mất cân đối thu-chi nghiêm trọng nhất là Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang có quy mô 550 giường bệnh với đội ngũ gần 490 cán bộ, nhân viên. Đây là đơn vị thực hiện chủ trương tự chủ hoàn toàn về tài chính và nhân lực từ năm 2020. Giám đốc bệnh viện Nguyễn Thành Phúc cho biết, năm 2021, bệnh viện bội chi khoảng 24,5 tỷ đồng, đây là con số bội chi lớn nhất từ trước đến nay tại bệnh viện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên theo ông Phúc, trong đó chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện không đạt chỉ tiêu kế hoạch, trung bình khoảng 370 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú mỗi ngày, trong khi chỉ tiêu khoảng 600 lượt/ngày. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng thấp khoảng 360 người/ngày, trong khi chỉ tiêu là 550 giường bệnh. Như vậy, số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú trong năm 2021 không đạt được 35 đến 40% so với chỉ tiêu đề ra, đã làm cho nguồn thu không bảo đảm chi là điều bất khả kháng. Còn ở Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ (đơn vị tự chủ 100% hệ điều trị), năm 2021 cũng bội chi hơn 13 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượt người đến khám, chữa bệnh giảm khá nhiều so với thời gian trước, dẫn đến nguồn thu giảm.

Trong những tháng đầu năm 2022, hoạt động khám, chữa bệnh ở các bệnh viện, trung tâm y tế đã mở trở lại trong điều kiện bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19. Song số lượt khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế vẫn chưa cải thiện nhiều, nguy cơ bội chi sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022 này. Theo bà Trần Ngọc Quyên, Kế toán trưởng Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, những năm trước, bình quân mỗi tháng trung tâm thu khoảng 4,3 tỷ đồng khám bảo hiểm y tế, hiện tại chỉ được khoảng 3 tỷ đồng. Nếu tình hình cứ kéo dài như hiện nay, hệ điều trị của trung tâm sẽ khó tự chủ thu-chi. Tương tự, ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang, trung bình số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú chưa đầy 400 lượt, số điều trị nội trú trong ngày cũng không vượt qua con số này. Tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

Một số bệnh viện, trung tâm y tế khác dù không mất cân đối thu-chi, nhưng nguồn chênh lệch thu-chi giảm thấp cho nên giảm thu nhập của nhân viên y tế và không thể tái đầu tư phát triển. Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Ngã Bảy Huỳnh Văn Huân chia sẻ: Bệnh viện thực hiện tự chủ trong điều kiện không thuận lợi khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng người đến khám, điều trị giảm. Bệnh viện phải nỗ lực để duy trì các hoạt động và bảo đảm được cân đối thu-chi, nhưng chưa bảo đảm chế độ chi khác cho nhân viên y tế. Nguồn kinh phí để đầu tư lại mua sắm các trang thiết bị để nâng cao chất lượng bệnh viện cũng khó khăn.

Lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế đều bày tỏ lo ngại tình trạng nguồn thu giảm kéo dài, sẽ dẫn đến thu nhập của y, bác sĩ thấp, khi đó khó giữ chân được cán bộ y tế. Thực tế, trong năm 2021, đã có tám bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang xin nghỉ việc. Để khắc phục tình trạng giảm thu, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ Lý Minh Quang cho biết, sẽ đẩy mạnh các hoạt động khám, chữa bệnh vật lý trị liệu đối với bệnh nhân hậu Covid-19 và triển khai phòng khám hậu Covid-19. Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả tại trung tâm y tế để người dân an tâm đến khám, chữa bệnh, do hiện tại người dân vẫn còn tâm lý e ngại đến cơ sở y tế và sợ lây nhiễm dịch. Mặt khác trung tâm sẽ sớm triển khai khu điều trị Covid-19 tại trung tâm để không phải chuyển các ca bệnh nhiễm Covid-19 đến cơ sở y tế khác, nhằm tăng được lượt khám, chữa bệnh và tăng nguồn thu ở trung tâm y tế.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Phúc kiến nghị: Điều mong mỏi của các đơn vị tự chủ hiện nay là địa phương sớm có chính sách hỗ trợ phần bội chi để giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, chúng tôi cũng phải tính đến việc tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn hỗ trợ của tỉnh để đầu tư trang thiết bị y tế, đặc biệt là phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút bệnh nhân đến.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết: Để giải quyết khó khăn về mất cân đối tài chính thu-chi ở các bệnh viện, trung tâm y tế, tỉnh cũng đã có chỉ đạo Sở Y tế rà soát và báo cáo cụ thể thực trạng mất cân đối thu-chi tại đơn vị, sau đó đề nghị Sở Tài chính có phương án tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với từng loại hình tài chính của từng nhóm đơn vị, nhằm bảo đảm cho các đơn vị hoạt động, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho rằng, về lâu dài, tự chủ tài chính là chủ trương chung và là xu thế tất yếu phải thực hiện ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Mục tiêu tự chủ nhằm phát huy trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế, khích lệ tinh thần; làm càng tốt, càng thu nhiều thì tăng nguồn thu, bệnh viện phát triển, nhân viên gắn bó, nâng cao hiệu quả hoạt động. Do đó, các đơn vị muốn tồn tại và phát triển thì phải tìm hướng đi cho phù hợp. Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, có thể bước đầu các đơn vị nên liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các bệnh viện lớn để đầu tư trang thiết bị y tế, nhất là các dịch vụ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh để vừa bảo đảm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tốt hơn, cũng như hiệu quả về kinh tế. (Nhân dân, trang 5).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 06 Giờ 00, ngày 04/02/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 22/7/2021

CDC Hà Nam