Điểm báo ngày 14/1/2022

(CDC Hà Nam)

Các ca mắc biến thể Omicron tại TPHCM đã xuất viện; Những điều cần lưu ý khi F0 điều trị tại nhà; Yêu cầu địa phương giám sát chặt nhóm người về quê dịp Tết để phòng dịch; Mệt mỏi vì bệnh hậu Covid- 19; Đánh giá cấp độ dịch ở Hà Nội: Đến lúc thay đổi?

Các ca mắc biến thể Omicron tại TPHCM đã xuất viện

Chiều 13-1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp báo. Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 12-1-2022, có 510.195 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 509.542 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 653 trường hợp nhập cảnh.

Hiện, TPHCM đang điều trị 4.152 bệnh nhân, trong đó: có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 12-1, có 275 bệnh nhân nhập viện, 292 bệnh nhân xuất viện, 19 trường hợp tử vong trong ngày. Tổng số mũi vaccine ngành y tế TPHCM đã triển khai tiêm đến ngày 12-1 là 8.079.259 mũi 1, 7.226.684 mũi 2, 492.691 mũi bổ sung và 3.074.870 mũi nhắc lại.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 12 ca mắc Omicron và đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Đến 15 giờ ngày 13-1, toàn bộ 12/12 trường hợp đều đã được xuất viện. Trong 12 ca này, chỉ 2 ca có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, còn lại không có triệu chứng. Các trường hợp xuất viện đảm bảo quy định của Bộ Y tế.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, sau 1 tháng thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, tính đến 13-1, TPHCM ghi nhận 25.837 người chưa tiêm vaccine, phát hiện trên 5.000 người mắc Covid-19.

“Số chưa tiêm chủ yếu thuộc nhóm mắc Covid-19 hoặc chống chỉ định tiêm. Hiện, ngành y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn, thuyết phục người có nguy cơ tiêm vaccine tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết và khẳng định, hiện ngành y tế tiếp tục phát tờ rơi hướng dẫn chăm sóc nhóm này để bảo vệ cho người cao tuổi không mắc Covid-19. TPHCM đã chỉ đạo và Sở Y tế sẽ tham mưu thực hiện xét nghiệm đợt 3 cho người có nguy cơ trong tháng 1 và đến tháng 2 sẽ mở rộng nhóm nguy cơ đến người trên 50 tuổi.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, mặc dù TPHCM đã trở thành vùng xanh, các hoạt động dần trở lại bình thường nhưng hoạt động truy vết hiện vẫn được thực hiện và chặt chẽ hơn để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Còn theo bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, đa số những tổn thương hậu Covid-19 để lại là hô hấp cấp, hô hấp mãn tính, tim mạch, một số bệnh lý có thể gây xuất huyết não. Về tâm lý, nhiều bệnh nhân bị stress, rối loạn lo lâu, rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân nên quay trở lại bệnh viện thăm khám, thực hiện xét nghiệm để đánh giá tổng quát thể trạng bệnh nhân. Từ đó, giúp bệnh nhân trở về cộng đồng một cách an toàn và khỏe mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 5). 

 

Những điều cần lưu ý khi F0 điều trị tại nhà

Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục ở mức gần 3.000 những ngày qua kéo theo lượng F0 điều trị tại nhà gia tăng. Khi trở thành F1 hoặc F0, cần dự phòng một số thuốc, vật tư để đảm bảo cách li và tự điều trị.

Cảnh giác tình trạng “thiếu ô xy thầm lặng”

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ người bệnh COVID-19 ở Hà Nội, cho biết, một số F0 hết triệu chứng (hết sốt, người khỏe lên…) thậm chí âm tính sau 4-6 ngày nhưng đến ngày 8-10 thì đột ngột chuyển nặng, không khó thở nhưng chỉ số ô xy trong máu (SpO2) giảm chỉ còn 60-70% và có người đã không qua khỏi, đa số đều phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ Hoàng thông tin, “thiếu ô xy thầm lặng” được chẩn đoán khi người bệnh không cảm thấy khó thở nhưng SpO2 lại giảm dưới 94%. Theo thống kê, gần 20% bệnh nhân nhập viện cảm thấy không hề khó thở trong khi biểu hiện CT scan bất thường (86%) và cần phải bổ sung ô xy (40%). Đây là một tỉ lệ khá cao, do đó mọi người cần hết sức lưu ý”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thiếu ô xy ở bệnh nhân COVID-19 phản ánh tổn thương phổi mà cơ thể vượt qua ngưỡng có thể bù trừ được. Trên 70% bệnh nhân COVID-19 có tổn thương phổi ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu tổn thương rất là nhỏ, cơ thể bù trừ được, không gây ảnh hưởng gì. Tổn thương lớn hơn khiến cơ thể không bù trừ được, biểu hiện là tụt ô xy trong máu. Lúc này cần có sự hỗ trợ của các biện pháp hồi sức. SpO2 ở người bình thường là 94-100%. Ở bệnh nhân COVID-19 bị viêm phổi, mức ô xy chỉ còn 60-70%, thậm chí 50%, đe dọa suy hô hấp, dẫn đến tử vong. Các bác sĩ khuyên thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người bệnh F0. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, F0 có bệnh nền (tim mạch, gout, tăng huyết áp…), chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đủ mũi càng phải chú ý hơn đến tình huống này. Cần chú ý đến thời gian ngày thứ 7-10 kể từ khi phát hiện bệnh, đây cũng là thời điểm tình trạng “thiếu ô xy thầm lặng” có thể xuất hiện. SpO2 dưới 95% là chỉ dấu nguy hiểm, dưới 90% thì cận kề nguy hiểm. Từ thời điểm này, người bệnh cần được hỗ trợ thở ô xy sớm và chuyển nhanh nhất đến cơ sở điều trị. “Các F0 tuyệt đối không chủ quan chỉ căn cứ vào triệu chứng khó thở mà bỏ qua chỉ số SpO2 trên máy, khi thấy tụt SpO2 dưới 94% mà chưa khó thở thì hãy hết sức đề phòng. Cần nằm tư thế, tập thở thật tốt để cải thiện SpO2 ngay”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Nên chuẩn bị trước thuốc và thiết bị y tế

TS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo (Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y), cho biết, người dân có thể chuẩn bị một số loại thuốc như hạ sốt (Efferalgan, Panadol…), nhóm thuốc chữa ho, thuốc điều trị tiêu chảy, nước súc miệng, cồn sát trùng, thuốc chữa bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần), các loại thuốc xịt mũi, vitamin C, kẽm, thảo dược trị cảm, trị ho, nước uống thông thường, nước bù điện giải. Theo các bác sĩ, đây là những thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Đáng chú ý, các triệu chứng của COVID-19 thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để có thể dùng ngay.

Bác sĩ Tuấn giải thích: “Các loại nước nói trên rất quan trọng khi bạn bị sốt và đặc biệt khi nhiễm COVID-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài”.

Ngoài ra, người dân cần dự phòng các thiết bị cần thiết cho việc tự cách li, tự theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình như: nhiệt kế, máy đo SpO2, que test nhanh, khẩu trang, găng tay y tế, máy theo dõi bệnh nền. Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý người dân không nên dự phòng, không nên tự điều trị với các nhóm thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng virus. “Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hoá và phù hợp với từng bệnh nhân nên mọi người hết sức lưu ý không tự tiện mua và dùng thuốc, sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Bên cạnh đó, khi trở thành F1, F0, mỗi người cần chuẩn bị thêm: Lương thực đủ cho thời gian cách li (nếu ở một mình); dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn; giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái; chỗ ở cách li đảm bảo quy định; số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực, phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch (Tiền phong, trang 6).

 

Yêu cầu địa phương giám sát chặt nhóm người về quê dịp Tết để phòng dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; phân công cán bộ trực 24/24 giờ; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Chỉ thị của Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus.

Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời;

Đặc biệt, phải bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tổ nguy cơ gây dịch.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương tiếp nhận mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định (An ninh thủ đô, trang 2; Nhân dân, trang 7).

 

Mệt mỏi vì bệnh hậu Covid- 19

Nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19, nhìn bên ngoài vẫn thấy bình thường nhưng khi làm việc rất nhanh mệt. Những người trước đây làm việc đến 1h – 2h sáng, giờ đến tối đã thấy mệt, không thể thức khuya.

Khó thở, đuối sức

Một bệnh nhân nữ, 30 tuổi, nhiễm COVID-19 nặng. Trong quá trình điều trị phải thở oxy dòng cao (HFNC). Sau khi xuất viện được 6 tuần, bệnh nhân được tái khám ở khu vực hậu COVID-19 Bệnh viện Nhân dân Gia Định và kết quả hình ảnh CT lồng ngực ghi nhận phổi kín mờ.

Khi bệnh nhân đi 10 bước thì SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) đã tụt từ bình thường xuống dưới 90% (giá trị SpO2 xuống dưới 95% là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng máu thiếu oxy).

Trong 40 ngày qua, từ ngày 1-12-2021 đến ngày 10-1-2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận 1.021 bệnh nhân đến khám ở nhiều chuyên khoa do các vấn đề sức khỏe sau nhiễm COVID-19. Đa số bệnh nhân đến khám vì mệt mỏi, suy nhược cơ thể, rối loạn tinh thần.

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng cho biết số bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến bệnh viện điều trị tăng lên nhiều. Nếu một ngày trong tháng 11, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến khám thì hiện nay trung bình một ngày có 150 – 180 bệnh nhân hậu COVID-19 đến khám.

Một tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 4.000 bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến khám. Người bệnh đến khám than có những triệu chứng như khó thở, đuối sức, hụt hơi, rụng tóc… Một số bệnh nhân kể họ cảm thấy làm việc nhanh mệt.

TS Nguyễn Như Vinh, trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp bệnh viện này, cho biết các triệu chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan, bộ phận trên cơ thể con người với khoảng 200 triệu chứng ở khắp cơ thể, trong đó phổ biến nhất là ở đường hô hấp.

Trong một hội nghị gần đây của ngành y tế, TS Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong số bệnh nhân mắc di chứng COVID-19 khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có 510 người bị các triệu chứng hô hấp (chiếm gần 50%), 182 người có triệu chứng thần kinh, 134 trường hợp mắc các triệu chứng tim mạch, 180 bệnh nhân có vấn đề về nội tiết, 66 ca mắc bệnh lý tiêu hóa, 49 người gặp triệu chứng cơ xương khớp.

Triệu chứng dai dẳng kéo dài

Từ tháng 10-2021, thế giới có những định nghĩa chính thức về hội chứng hậu COVID-19. Đây là tình trạng bệnh ở những người đã từng mắc nhiễm hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, có những triệu chứng dai dẳng kéo dài ít nhất 2 tháng trở lên.

Những triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, có cả triệu chứng tâm thần kinh, thậm chí rối loạn nhận thức. Những triệu chứng này có thể là những triệu chứng mới khởi đầu sau khi hồi phục COVID-19 hoặc dai dẳng kéo dài từ khi mới nhiễm bệnh.

Hiện có gần 2% dân số Việt Nam nhiễm COVID-19 nhưng chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu COVID-19 trong cộng đồng. Nhưng số liệu trên cho thấy số người bị hậu COVID-19 sẽ rất lớn. Riêng tại TP.HCM, đến nay hơn nửa triệu người dân mắc COVID-19 với hơn 300.000 người xuất viện. Những người từng nằm viện hầu hết là bệnh nhân từ mức độ trung bình đến nặng, nguy kịch.

Một số thống kê ghi nhận có khoảng 33 – 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính của bệnh, trong đó 20% người bệnh phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi chăm sóc trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch cần nhập viện hoặc lớn tuổi, có bệnh nền mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, mắc bệnh nhẹ.

Ngay cả bệnh nhân không có triệu chứng cũng bị hậu COVID-19. Trong đó, khoảng 1/5 bệnh nhân độ tuổi 18 – 34, không nhập viện, không triệu chứng vẫn có triệu chứng hậu COVID-19.

Phân tích gộp trên gần 48.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 lứa tuổi 17 – 87, thời gian 14 – 110 ngày sau nhiễm COVID-19, ghi nhận 55 nhóm tác động lâu dài với nhiều triệu chứng, hậu quả để lại trên cơ thể.

Khoảng 80% bệnh nhân từng nhiễm có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài, thậm chí có ghi nhận đến 5 triệu chứng.

Hai chiến lược chăm sóc hậu COVID-19

Năm 2022, bên cạnh phát huy các thành quả chống dịch đã đạt được, ngành y tế TP.HCM sẽ tập trung chăm lo giai đoạn hậu COVID-19.

Ngành y tế TP.HCM đã đề ra mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là xác định mô hình của bệnh nhân hậu COVID-19 trên địa bàn, những triệu chứng nào nổi bật? Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, nâng tầm năng lực chăm sóc cho người hậu COVID-19, đặc biệt là y tế cơ sở.

Hai chiến lược chăm sóc hậu COVID-19 được Sở Y tế TP.HCM triển khai là tiếp cận và can thiệp sớm. Mục đích nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị sớm người mắc di chứng, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh.

Trong thời gian chờ Bộ Y tế cập nhật, ban hành phác đồ điều trị hậu COVID-19, thành phố sẽ tập hợp các chuyên gia để có hướng dẫn tạm thời. Hiện dữ liệu hậu COVID-19 còn thiếu, chứng cứ chưa đầy đủ nên thành phố đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phân tích các biểu hiện lâm sàng, phương pháp điều trị và đánh giá hiệu quả (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Đánh giá cấp độ dịch ở Hà Nội: Đến lúc thay đổi?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện nhiều cơ quan ở Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gây ra nhiều sức ép cho cả chính quyền cơ sở và hàng quán kinh doanh, người dân.

Thứ 6 hằng tuần, Hà Nội công bố cấp độ dịch COVID-19 chi tiết đến từng phường, xã theo tiêu chí quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, nếu địa bàn nào được đánh giá ở cấp độ 3, đồng nghĩa ngay sau thời điểm đó, nhiều hoạt động trên địa bàn phải điều chỉnh tương ứng, cụ thể như các cửa hàng ăn, uống phải chuyển trạng thái sang bán mang về, hạn chế các sự kiện tập trung đông người…

Có hiện tượng người dân tranh thủ chạy từ địa bàn cấp độ 3 sang địa bàn cấp độ 2 ăn sáng, uống cà phê tại chỗ… Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, một số hàng quán ở địa bàn cấp độ 3 tranh thủ thời gian trước 8h sáng, khi lực lượng chức năng chưa đi kiểm tra, để tranh thủ bán hàng tại chỗ…

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện UBND một phường ở quận Hoàng Mai cho biết, các lực lượng của phường đang căng sức trên nhiều mặt trận. Vừa phải lo công tác điều trị cho các trường hợp F0, vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên, trong khi vẫn phải tổ chức lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng cấp độ 3 trên địa bàn. “Anh em làm không hết việc”, vị này nói.

Theo vị này, do cập nhật cấp độ dịch mỗi tuần một lần, các phương án cũng phải thay đổi liên tục, nếu được xác định ở cấp độ 2, hàng quán được mở bán tại chỗ, còn nếu ở cấp độ 3, phải chuyển trạng thái sang chỉ bán mang về. “Người dân, hộ kinh doanh cũng chấp hành thôi.

Nhiệm vụ phòng, chống dịch luôn được đặt lên cao nhất, tuy nhiên, người dân, hộ kinh doanh cũng mệt mỏi, mà lực lượng chức năng cũng phải căng sức trong thời gian quá dài rồi”, vị này nói. Theo vị này, số lượng bệnh nhân ngày một tăng, nhưng hầu hết là triệu chứng nhẹ. Nếu có chỉ đạo mới, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, sẽ giảm áp lực cho lực lượng chức năng ở cơ sở.

Lãnh đạo một quận trung tâm thành phố cho biết, quận đang tập trung nhiều giải pháp để giảm số ca mắc ngoài cộng đồng, với quyết tâm đưa quận trở về vùng 2.

“Chúng tôi làm rất nghiêm, nhưng cũng phải hiểu và thông cảm với người dân, doanh nghiệp, các hộ buôn bán. Cả năm họ vất vả vì dịch rồi. Cuối năm hàng hoá về nhiều, không buôn bán được dịp này thì càng khó khăn hơn”, vị này nói. Theo vị này, các quận, huyện, đơn vị thuộc thành phố đang chờ chỉ đạo mới nhất liên quan các tiêu chí cụ thể đánh giá cấp độ dịch.

“Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng, bởi hiện nay số ca mắc ở thành phố đang rất cao. Mấy ngày nay, người tử vong vì COVID-19 trên địa bàn thành phố đều trên chục ca. Đặc biệt, nhiều nước trên thế giới lại vẫn đang trở lại các biện pháp tái phong toả, áp đặt nhiều lệnh cấm. Chúng ta không nên chủ quan”, vị này nhận định. Theo vị này, nhiều trẻ em và người cao tuổi ở Hà Nội chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, lại đang ở mùa đông lạnh, nên cần thận trọng, đánh giá đúng tình hình để đưa ra các giải pháp phù hợp (Tiền phong, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/8/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/1/2019

CDC Hà Nam