Điểm báo ngày 14/7/2020

(CDC Hà Nam)
Truyền thông phương Tây ca ngợi thành công chống dịch Covid-19 của Việt Nam; Tây Nguyên có 80 ca bệnh bạch hầu; Hà Nội ghi nhận 868 trường hợp mắc sốt xuất huyết; Bố trí cán bộ y tế, phương tiện cấp cứu tại các điểm thi…

 

Truyền thông phương Tây ca ngợi thành công chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Các tập đoàn truyền thông và hãng tin lớn tại Mỹ đã đưa tin đậm nét về phi công người Anh, người bệnh thứ 91 X.Ca-mê-rôn trở về nước sau quá trình điều trị, hồi phục và xuất viện tại Việt Nam. Theo TTXVN, tờ USA Today dẫn lời ông X.Ca-mê-rôn cảm ơn tất cả mọi người tại Việt Nam về những điều đã làm cho ông. Bài viết đánh giá cao các biện pháp phòng ngừa đại dịch Covid-19 tại Việt Nam; nhấn mạnh, nỗ lực cao độ của đội ngũ y sĩ, bác sĩ Việt Nam trong điều trị người bệnh thứ 91 đã trở thành một biểu tượng cho thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch.

★ Tờ Washington Post cũng đánh giá Việt Nam đã nỗ lực hết mình để cứu chữa ông X.Ca-mê-rôn. Phi công người Anh cho biết, ông choáng ngợp trước sự hào hiệp của người dân Việt Nam, tinh thần tận tụy và tính chuyên nghiệp của đội ngũ y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Người bệnh thứ 91 cũng cho biết, ông trở về nhà với một “trái tim hạnh phúc”, dù cảm thấy buồn vì phải tạm biệt nhân dân và bạn bè ở Việt Nam.

★ Tại Anh, tờ Guardian cũng có một bài viết sâu về quá trình mắc bệnh và được điều trị của phi công X.Ca-mê-rôn cũng như đăng lại lời cảm ơn của ông trước khi rời Bệnh viện Chợ Rẫy. Bài viết cho rằng, Việt Nam chưa ghi nhận người chết nào do Covid-19 bởi đã đối phó, xử lý dịch bệnh một cách nhanh chóng và tích cực.

★ Ngày 12-7, tổ hợp truyền thông BBC cũng đưa tin về người bệnh thứ 91, cung cấp kỹ hơn thông tin chi tiết về những bước tiến triển của người bệnh trong suốt thời gian điều trị. Ông X.Ca-mê-rôn đã bày tỏ lòng biết ơn với nhân dân và bác sĩ Việt Nam khi cho rằng “nếu tôi ở một nơi nào đó khác trên thế giới thì tôi đã chết”, đồng thời ca ngợi nhiệt huyết và quyết tâm cao của các bác sĩ Việt Nam “đã không chịu bó tay đứng nhìn tôi chết”.

★ Kênh truyền hình Sky News cùng ngày cũng đưa tin về sự kiện người bệnh thứ 91 trở về Anh; cho biết thêm, trong gần ba tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, và mọi trường hợp nhiễm bệnh gần đây đều nhập cảnh từ nước ngoài. Những người trở về từ nước ngoài cũng đều phải thực hiện cách ly tập trung tại các cơ sở nhà nước.

★ Tờ Daily Mail ca ngợi Việt Nam đã giữ được “tỷ số hoàn hảo” khi cho biết, người bệnh thứ 91 mắc Covid-19 rất nặng và tiên lượng xấu, nhưng đã được xuất viện sau 115 ngày điều trị. Bài viết nhấn mạnh thành tích của Việt Nam là đã giữ không để có người chết do Covid-19 và chỉ có hơn 300 ca mắc từ khi dịch bùng phát đến nay.

★ Trong hai ngày 12 và 13-7, các cơ quan chức năng Việt Nam, Ðại sứ quán Việt Nam tại Anh, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng của Anh tổ chức chuyến bay đưa hơn 340 công dân Việt Nam trở về nước. Chuyến bay cũng đưa đội ngũ bác sĩ và y tá về lại Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa người bệnh thứ 91 về nước an toàn. Sau khi hạ cánh tại sân bay Vân Ðồn, những người tham gia chuyến bay đều đã được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

★ Ngày 13-7, cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phối hợp cơ quan chức năng Ô-xtrây-li-a đưa 350 công dân Việt Nam từ Ô-xtrây-li-a về nước an toàn.

★ Sáng 13-7, tại Bộ Y tế và Thể thao Mi-an-ma, Ðại sứ Việt Nam tại Mi-an-ma Lý Quốc Tuấn trao số tiền ủng hộ 50 nghìn USD của Chính phủ Việt Nam tặng Mi-an-ma trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Ðại diện Bộ Y tế và Thể thao Mi-an-ma trân trọng tiếp nhận, bày tỏ sự cảm ơn chân thành của Chính phủ, Bộ Y tế và Thể thao Mi-an-ma đối với sự trợ giúp ý nghĩa của Việt Nam; đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước, tình cảm quý báu của Việt Nam dành cho Mi-an-ma. Nhấn mạnh, Mi-an-ma coi thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam là kinh nghiệm thiết thực cho Mi-an-ma. Dịp này, đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam cũng trao một số trang thiết bị, vật tư y tế và tiền mặt tặng Bộ Y tế và Thể thao Mi-an-ma. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 8: “Truyền thông Anh, Mỹ khen Việt Nam nỗ lực điều trị bệnh nhân 91”

 

Hà Nội ghi nhận 868 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 6 đến 12-7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 115 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 51 xã, phường, thị trấn.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 868 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tính đến thời điểm hiện tại giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 1.220 trường hợp).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn giảm 4 trường hợp so với tuần trước đó. Thế nhưng, thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển, nhất là tại các huyện vùng ven đang trong quá trình đô thị hóa và các khu vực có làng nghề phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Riêng với dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, song có nguy cơ thấp đối với Hà Nội. Bởi, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu của Hà Nội đạt hơn 97%, trong khi chỉ tiêu của quốc gia đặt ra là hơn 95%. (Hà Nội mới, trang 2).

 

Bố trí cán bộ y tế, phương tiện cấp cứu tại các điểm thi

Sở Y tế Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch chi tiết về đáp ứng y tế phục vụ kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp và hướng dẫn trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chủ động kiểm tra vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh tại các địa điểm tổ chức thi. Trong thời gian tổ chức kỳ thi cần bố trí cán bộ với đủ cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu trực tại các điểm thi. Bên cạnh đó, phân công các đội cấp cứu cơ động trực tại đơn vị trong những ngày thi, sẵn sàng tham gia cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu.

Sở Y tế cũng giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực tổ chức thi. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Còn hơn 11.000 người nhập cảnh từ vùng dịch Covid-19 đang được cách ly

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 13-7, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19. Hiện còn hơn 11.000 người nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly, theo dõi sức khỏe.

Như vậy, tính từ 6h ngày 16-4 đến 18h ngày 13-7, đã 88 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến 18h ngày 13-7, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 232 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Ngoài ra, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.256 người, trong đó có 25 trường hợp cách ly tập trung tại bệnh viện, 10.816 trường hợp cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Hiện tại, trong số 372 bệnh nhân mắc Covid-19, có 350 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện (chiếm 94,1%). Còn lại 22 bệnh nhân đang điều trị tại 5 cơ sở y tế, trong đó có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 đến 2 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 là nơi tiếp nhận đông bệnh nhân Covid-19 với 15 bệnh nhân đang được điều trị tại đây. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Triển khai nhiều biện pháp ứng phó bệnh bạch hầu

Theo TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu giải pháp bền vững và an toàn nhất là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương trong triển khai tiêm chủng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 13-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến nay trên địa bàn 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum đã ghi nhận 78 ca mắc bệnh bạch hầu.

Trong đó, Đắk Nông là địa phương ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, tiếp đó là Kon Tum có 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Đắk Lăk ghi nhận 3 trường hợp.

Qua phân tích, điều tra dịch tễ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, trong số 78 ca bệnh này có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng. Nghĩa là người lành mang vi trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.

Theo TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu giải pháp bền vững và an toàn nhất là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương trong triển khai tiêm chủng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, cần tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở nâng cao nhận thức về căn bệnh nguy hiểm này để phát hiện sớm, xử lý nhanh ổ dịch, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu. Theo đó, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên.

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bằng vaccine.

Hướng dẫn cũng nêu rõ, tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng quyết định lập 4 tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Ngành Y tế cấp bách ngăn chặn dịch bạch hầu”; Gia đình & Xã hội, trang 7: “Cấp bách đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên”

 

Vì sao dịch bạch hầu bùng phát ở Đắk Nông?

Tỉnh Đắk Nông đang dẫn đầu Tây Nguyên về số người mắc bệnh bạch hầu (30 ca) lẫn tử vong (2 ca).

 “Không nghe cán bộ nào thông báo”

Theo báo cáo của ngành y tế, dịch bạch hầu xuất hiện chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tạo thành vùng lõm khiến ngành y tế tập trung tiêm vắc-xin phòng bệnh cho nhiều đối tượng nhằm dập tắt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp. Phóng viên Tiền Phong đã về những nơi này để tìm hiểu do người dân từ chối hay cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm.

Tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô cách TP. Gia Nghĩa hơn 70 cây số (nơi có 8 ca dương tính với bạch hầu), phóng viên gặp anh Triệu Văn Phây (dân tộc Dao, thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú). Anh Phây kể, nhà có 6 người con, đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa út vừa lên lớp 1. Các con của anh chưa từng được tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào, trừ con trai út được tiêm 1 mũi viêm não Nhật Bản cách đây 2 năm khi theo học mầm non.

“Nhiều năm qua, tôi không nghe cán bộ nào thông báo cho con đi tiêm. Ở đây cũng có y tế thôn buôn, nhưng tôi không biết mặt mũi của họ, cũng không nghe thông báo lịch đưa con đi tiêm. Trong các buổi họp, trưởng thôn cũng không nhắc tới việc này. Tôi đã nghèo lại không biết chữ khổ lắm. Làm cái gì mình cũng phải nhờ người khác rất phiền. Nay, tôi đang học 1 lớp xóa mù chữ để kiếm cái chữ thôi”, anh Phây nói.

Tương tự, 2 con của chị Giàng Thị Dở (người Mông, cụm Sình Cọ, xã Quảng Phú) cũng không tiêm đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chị Dở nói: “Nhà mình cách trung tâm xã Quảng Phú hơn 20 cây số. Mỗi lần ra trạm xá xa quá vất vả lại không thấy ai thông báo cho con đi tiêm nên mình im luôn. Về sau sắm được chiếc xe máy, mình chở con ra Trạm Y tế xã Quảng Hòa (thuộc huyện Đắk G’long) tiêm cho gần nhưng chỉ được 1 mũi.  Tháng trước, mình chuyển nhà ra cụm dân cư thuộc thôn Phú Vinh mới có cán bộ phát phiếu đi tiêm cho đứa thứ 2”. Hỏi về ý nghĩa của việc tiêm vắc-xin, chị Dở lắc đầu nhưng bảo sẵn sàng cho con đi tiêm nếu được thông báo.

Chị Triệu Thị Dao (29 tuổi, cụm dân cư Sình Cọ) nói rằng, 5 người con nhà chị không tiêm đủ các mũi vắc-xin, do nhà chị ở xa nên không nhận được thông báo tiêm phòng. Mới đây, chị chuyển ra khu vực cụm dân cư mới thuộc thôn Phú Vinh mới được cán bộ đến phát giấy đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu…

Vận động suông?

Ông Hồ Khắc Sừng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, cho biết, tỷ lệ tiêm chủng của trẻ trên toàn huyện đạt từ 90-95%. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số vùng lõm tiêm chủng như các thôn Phú Vinh, Phú Hòa, Phú Sơn, Dốc 3 tầng, Nâm Nung… với tỷ lệ 50-60%. Đây là vùng đồng bào thiểu số, vùng sâu vùng xa (cách trạm y tế hơn 20 cây số), cán bộ gặp nhiều khó khăn trong triển khai tiêm chủng cho trẻ. Về biện pháp tuyên truyền người dân đưa con đi tiêm vắc-xin, ông Sừng nói rằng, đơn vị đã giao chỉ tiêu về các trạm y tế chủ động triển khai, nếu không đạt, trạm trưởng sẽ chịu trách nhiệm.

Ông Sừng cho biết, đã phê bình, kiểm điểm các trưởng trạm y tế do không hoàn thành chỉ tiêu, song tình hình tiêm chủng không được cải thiện. Hỏi về trách nhiệm bản thân khi nhiệm vụ tiêm chủng của Trung tâm Y tế không đạt chỉ tiêu, ông Sừng im lặng. Ông nói rằng, cán bộ đã dùng nhiều cách tuyên truyền như dùng loa phát thanh, phát tờ rơi; trong sổ tiêm chủng đã có sẵn các nội dung về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin nhưng người dân chưa nhận thức đầy đủ, không hợp tác. Khi phóng viên đặt vấn đề người dân không biết chữ, liệu cách vận động suông đó có hiệu quả không, ông Sừng cho rằng, nhân lực, kinh phí của ngành y tế có hạn, cán bộ không thể đến từng nhà vận động. Đợt dịch bạch hầu này, cán bộ y tế làm việc cật lực không kể đêm ngày.

Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, cho biết, đã nắm được các vùng lõm trong tiêm chủng mở rộng và đã triển khai xóa các vùng đó bằng cách mở các chương trình tiêm vắc-xin bổ sung. Ông Danh cũng nêu các biện pháp tuyên truyền như thông qua hệ thống phát thanh, yêu cầu các ban ngành đoàn thể vào cuộc vận động…

* Ngày 13/7, sau bài báo của Tiền Phong về giấy cam kết không tiêm vắc-xin, phóng viên Tiền Phong  đã liên hệ được với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Bà Hạnh đề nghị làm việc với Văn phòng UBND tỉnh (hoặc thư ký của bà Hạnh; phóng viên gửi trực tiếp bằng văn bản). Tuy vậy, khi phóng viên gọi điện đề cập trách nhiệm liên quan những tờ cam kết không tiêm chủng phát cho dân, ông Hoàng Văn Thuần, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, lại “chuyền bóng” tới ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế (người từng nói rằng, dịch bệnh bùng phát phần lớn do lỗi của dân không đi tiêm). Phóng viên nhiều lần liên lạc với ông Hùng nhưng không được.

Đến nay, Tây Nguyên có 79 ca mắc bạch hầu, trong đó Đắk Nông – 30, Đắk Lắk – 3, Gia Lai – 20 và Kon Tum – 26. (Tiền phong, trang 3).

 

Thêm 300.000 liều vắc-xin ngừa bạch hầu cho Tây Nguyên

Ngày 13/7, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, cho biết, hôm nay, Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang sẽ chuyển khoảng 300.000 liều vắc-xin ngừa bạch hầu lên các tỉnh Tây Nguyên.

Dự kiến phân phối khoảng 100.000 liều vắc-xin cho tỉnh Kon Tum, 200.000 liều cho những tỉnh Tây Nguyên còn lại. Hiện có xã Quảng Hòa (tỉnh Đắk Nông) đã tiêm hết vắc-xin mũi 1 cho những người từ 40 tuổi trở xuống. Dự kiến hôm nay bắt đầu tiêm cho những người dân còn lại trong xã.

Khống chế các ổ dịch

Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, TS Viên Chinh Chiến cho rằng, cần 3 bước. Bước đầu tiên là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn nâng cao nhận thức để nhận biết được bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu và xử lý nhanh, thì ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác. Tiếp đó làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện. Cuối cùng, giải pháp bền vững và an toàn nhất là vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng làm sao đảm bảo được tỷ lệ hơn 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo ông Chiến, điều quan trọng nhất hiện nay là khống chế các ổ dịch, không để xuất hiện những ổ dịch mới. Làm được điều này mới có thể nhanh chóng dập dịch bạch hầu đang hoành hành tại các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện vẫn có một số khó khăn khi triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua có tình trạng người có chỉ định tiêm vắc-xin, uống kháng sinh phòng bệnh không tiêm hay uống do cho rằng mình không có bệnh nên không phải dự phòng. Ông Chiến cho biết, một số vùng đã lập nhóm vận động, mang thuốc kháng sinh đến tận nhà người dân. Giải pháp vận động sẽ được áp dụng với chiến dịch tiêm ngừa này. Trong tiêm chủng thì không phải được 100%, tức là sẽ có tỷ lệ nhất định họ không tiêm, rồi bản thân tiêm có tỷ lệ nhất định không đáp ứng miễn dịch… Do đó, khi gặp được nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh, cụ thể bao nhiêu thì hiện nay các nhà khoa học cũng chưa xác định được.

“Ở Tây Nguyên thì hầu như những ca tử vong đều là ca đầu tiên. Bởi vì lâu quá người ta không có mặt bệnh, như hôm trước chúng tôi đi Quảng Hòa, bản thân ở xã Quảng Hòa họ nói là nếu như bác sĩ ổn định thì chưa chắc bị, anh bác sĩ làm lâu năm thì mới chuyển công tác, bác sĩ mới về. Bác sĩ mới hiện nay hầu như không có kinh nghiệm và kiến thức về bệnh bạch hầu vì mười mấy năm rồi không có ca bệnh. Khi bác sĩ muốn biết thì đi lâm sàng phải nhìn được mặt bệnh, chỉ nghe lý thuyết thôi thì cũng khó. Đó là lý do mà tại sao chúng tôi ưu tiên chuyện đào tạo tập huấn để các bác sĩ có một kiến thức tổng quát nhất rồi từ đó họ sẽ lan tỏa dần ra các nhân viên y tế khác’, ông Chiến nói.

Phải điều trị sớm

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, muốn ngăn chặn nhanh, giảm tử vong, cách phát hiện sớm, điều trị triệt để rất quan trọng. Theo đó, các địa phương cần thực hiện đúng phương châm phòng chống dịch: phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhưng quan trọng nữa là phải điều trị sớm. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh, ngay lập tức phải cho người trong thôn, xã uống thuốc điều trị dự phòng, giúp ngăn ngừa được biến chứng, lây lan. Một điểm rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bạch hầu được ông Long nhấn mạnh là muốn thành công, phải huy động cấp uỷ chính quyền, tất cả ban ngành đoàn thể, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. (Tiền phong, trang 3).

 

Bệnh nhân 91 và sự hồi sinh kỳ diệu tại Việt Nam: Từ ‘cửa tử’ đến giấc mơ bay

Có thể nói, trong suốt hành trình sinh – tử diệu kỳ của bệnh nhân 91 đã in đậm dấu ấn của sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ Việt Nam.

Những “biệt đội” giải cứu bệnh nhân 91

Sau khi bệnh tình của bệnh nhân 91 trở nặng một cách bất thường, những “biệt đội”, “nhóm” giải cứu mang tên “91 group” được thành lập trên Zalo để các y, bác sỹ cùng nhau hội chẩn, trao đổi, thông tin về diễn tiến bệnh của bệnh nhân này. Nếu như tại Khoa điều trị có những nhóm nhỏ gồm các y, bác sỹ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân thì ở tầm lớn hơn là các nhóm chuyên gia hàng đầu của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo – một trong những thành viên trong “biệt đội” giải cứu bệnh nhân 91 từ những ngày đầu tiên, tâm sự: Các chuyên gia đã làm việc không kể ngày đêm, tranh luận rất nhiều trên các nhóm, đưa ra các phương án để cứu sống bệnh nhân này. “Có những đêm chúng tôi thức trắng, cân não để quyết định sử dụng loại thuốc nào, phương án điều trị nào. Có khi rơi vào tình huống khẩn cấp, không kịp xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế mà phải xử trí ngay để bảo tồn tính mạng cho bệnh nhân. Chúng tôi hay nói với nhau là mình đang “đi xiếc trên dây”, vô cùng áp lực và căng thẳng”, bác sỹ Thảo cho biết.

Đó là những thời điểm vô cùng khó khăn, gần như tuyệt vọng khi cơ hội sống của bệnh nhân tưởng như không còn, nhất là vào thời điểm phổi của bệnh nhân hoàn toàn đông đặc, chỉ còn thông khí được khoảng 10%. Cùng với đó là các biến cố xảy ra liên tục, thậm chí có những ngày có đến 3-4 biến cố xảy ra khiến các bác sỹ phải tìm mọi cách ứng biến. “Có những ngày màng ECMO đông liên tục, trong 57 ngày chạy ECMO chúng tôi phải thay đến 7 màng lọc, đây là điều quá đặc biệt, chưa từng ghi nhận trong y văn thế giới”, bác sỹ Thảo chia sẻ.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh), cũng đã có 65 ngày đêm cùng với các đồng nghiệp của mình “vật lộn” với bệnh nhân 91. Theo ông, bệnh nhân 91 là ca bệnh đặc biệt nhất mà trong suốt hơn 20 năm hành nghề ông mới gặp một lần. Những ngày đầu điều trị, các biến chứng, sự cố liên tục dồn đến khiến ông và các chuyên gia cũng liên tục “thót tim”, nhất là khi “cơn bão cytokine” tấn công ồ ạt. Ông cũng không quên được những tranh cãi “nảy lửa” và giây phút căng thẳng khi các bác sỹ phải quyết định đưa một loại thuốc mới, một phương án điều trị mới áp dụng cho bệnh nhân 91.

Còn bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, kể từ khi bệnh nhân 91 được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là khoảng thời gian đau đầu nhất đối với đội ngũ y, bác sỹ ở đây. Ê kíp nhân viên y tế phụ trách vận chuyển đã rất căng thẳng bởi dù quãng đường di chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về Bệnh viện Chợ Rẫy không quá xa. Tuy nhiên, do bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở với một hệ thống dây dợ lằng nhằng nên đòi hỏi sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. “Chúng tôi phải có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau trong quá trình chuyển bệnh bởi chỉ cần một sơ suất thì bệnh nhân cũng có thể ngưng tim ngay trên đường đi”, bác sỹ Linh nhớ lại.

Sau đó, những diễn biến tiếp theo của bệnh nhân cũng khiến cho tâm trạng của các y, bác sỹ trồi sụt, lên xuống thất thường. Bác sỹ Linh kể: “Đôi khi nhịp tim của bệnh nhân rớt xuống thẳng đứng thì cũng là lúc tim của chúng tôi cũng muốn rớt theo vì lo lắng, hồi hộp”.

Tự hào những thầy thuốc Việt Nam

Dốc toàn lực là cụm từ mà Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo nói về quá trình điều trị cho bệnh nhân 91. Sau 115 ngày với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, Tiểu Ban điều trị, đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành công trong việc giành giật bệnh nhân 91 trở về từ ngưỡng cửa tử thần.

Khi trái tim của bệnh nhân 91 hồi phục cũng là lúc hơn 90 triệu trái tim Việt Nam cùng vui mừng. Với riêng đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân 91, việc phi công người Anh có thể khỏe mạnh bước ra từ ngưỡng cửa tử thần thì không niềm vui nào có thể tả xiết. Họ nở nụ cười mãn nguyện vì trước đó họ đã không quản ngại mọi gian nan, thử thách để cứu sống bệnh nhân 91. Đó là những người tình nguyện tham gia vào các “biệt đội” giải cứu bệnh nhân, là những điều dưỡng trẻ suốt cả tháng trời không về nhà, hay là vị bác sỹ trẻ phải hoãn đám cưới do những ca trực thâu đêm.

Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), người trực tiếp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân 91, cho biết, hằng ngày ông và các y, bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục động viên bệnh nhân mạnh mẽ hơn để quay trở về quê nhà, về với những chuyến bay làm chủ bầu trời. Chính tay ông cũng nhiều lần cạo râu cho bệnh nhân, tâm tình, coi bệnh nhân 91 như một người bạn tâm giao.

Lặng lẽ đứng một góc chứng kiến bệnh nhân 91 khỏe mạnh trong ngày xuất viện, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) chỉ thốt lên được hai từ “hạnh phúc”. Từng chứng kiến thời điểm bệnh nhân cận kề với cái chết nên bác sỹ Phong càng thấu hiểu hơn giá trị của giây phút bệnh nhân được xuất viện về nhà. “Với bác sỹ điều trị chúng tôi, hạnh phúc nhất là được đồng hành cùng bệnh nhân ở thời khắc khó khăn nhất, đưa họ trở lại cuộc sống bình thường. Dù sau này không còn điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91 nhưng tôi vẫn luôn cầu mong cho bệnh nhân khỏe mạnh trở lại và anh đã trở lại đúng như kỳ vọng”, bác sỹ Phong chia sẻ.

Không chỉ các y, bác sỹ mà những người Việt Nam chăng hề liên quan cũng không khỏi vui và tự hào về trường hợp của bệnh nhân 91. Thời điểm thông tin bệnh nhân 91 trở nặng, nguy kịch liên tục xuất hiện trên mặt báo cũng là lúc người dân Việt Nam hướng về bệnh nhân này và cùng cầu nguyện cho một phép màu kỳ diệu xảy ra. Đến khi phương án ghép phổi được đưa ra cũng là lúc “tinh thần Việt Nam” trỗi dậy. Đã có 59 người trên khắp cả nước đăng ký hiến một phần lá phổi của mình để cứu sống bệnh nhân 91- một con người xa lạ. Ông Trần Mạnh Hào, trú tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, xúc động kể lại: Có lẽ sau 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tinh thần Việt Nam lên cao như thế. Kẻ thù không thể quật ngã chúng ta, đại dịch không thể quật ngã chúng ta bởi trái tim của người Việt Nam luôn tràn đầy nhân nghĩa”.

Trầm mặc hơn khi nói về những chiến công của ngành y tế đối với trường hợp bệnh nhân 91, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo thẳng thắn chia sẻ, những áp lực trong quá trình điều trị cho bệnh nhân 91 là vô cùng nặng nề nhưng đó không phải là áp lực từ dư luận, từ truyền thông quốc tế mà là áp lực trước một sinh mệnh con người. Bà tâm sự: “Khi làm nghề, chúng tôi dường như không để tâm đến những áp lực bên ngoài, chúng tôi chỉ làm theo chuyên môn, tìm hết mọi cách để cứu sống bệnh nhân, dù bệnh nhân 91 là người Việt Nam hay bất cứ người ngoại quốc nào thì chúng tôi cũng sẽ dốc toàn lực”.

“Cảm ơn các y, bác sỹ Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam!”

Những ngày cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 hoàn toàn khỏe mạnh với chế độ sinh hoạt bình thường và vẫn nỗ lực tập vật lý trị liệu để phục hồi hoàn toàn. Bác sỹ Trần Thanh Linh, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kể rằng khi được hỏi về dự định quay trở lại bầu trời khi khỏi bệnh, bệnh nhân 91 đã chia sẻ, chắc chắn anh sẽ bay trở lại. Và ước muốn lớn nhất của bệnh nhân 91 là trong chuyến bay đầu tiên sau khi khỏi bệnh, anh sẽ đưa các y, bác sỹ đã cứu sống mình bay một vòng quanh thế giới như một lời cảm ơn đến những người đã cứu anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Trong ngày bệnh nhân 91 xuất viện, ông Lưu Hoàng Minh, Phó Trưởng Đoàn bay 919 (Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam), vui mừng chia sẻ, ông và các đồng nghiệp của mình từng nghĩ đến phương án xấu nhất khi có tin từ các y, bác sỹ rằng bệnh nhân 91 liên tục rơi vào tình trạng xấu. Thế nhưng điều kỳ diệu mà không ai ngờ tới chính là bện nhân 91 đã là bình phục trở lại. Tối 11/7, các phi công của Đoàn bay 919 sẽ đưa bệnh nhân 91 trở về quê nhà trên chính chiếc máy bay Boeing 787 – chiếc máy bay mà anh từng cầm lái.

“Với phi công chúng tôi, máy bay được coi như ngôi nhà thứ hai, việc được trở về quê nhà sau khi xuất viện cùng với các đồng nghiệp trên chính chiếc máy bay mình từng cầm lái sẽ là động lực để anh tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ quay trở lại bầu trời trong tương lai”, ông Lưu Hoàng Minh bộc bạch.

Câu chuyện về bệnh nhân mắc COVID -19 mang số 91 tại Việt Nam đã dần khép lại với cái kết viên mãn đến thời điểm ngày 11/7, khi bệnh nhân được xuất viện, trở về nước Anh trên chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Một hành trình dài với anh đang ở phía trước, nhưng chắc hẳn anh không cô đơn khi chuyến bay còn có tình cảm của hàng triệu con người Việt Nam luôn bên anh – họ là những người đã luôn theo dõi, cầu nguyện cho anh mỗi ngày khi anh nằm viện điều trị, quan tâm đến anh như một người thân của mình, thậm chí có thể hiến một phần cơ thể để anh được sống.

“Cảm ơn các y, bác sỹ Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam!” là câu nói cuối cùng của bệnh nhân 91 trước khi rời khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy trở về quê nhà. Có lẽ, trong suốt quãng đời còn lại, viên phi công người Anh sẽ không thể quên được chuyến bay dài nhất của đời mình. Đó là chuyến bay với hành trình sinh – tử nhưng cũng nhiệm màu như câu chuyện cổ tích giữa đời thực của mình ở đất nước mang tên Việt Nam. (Gia đình & Xã hội, trang 3).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 20: “Điều trị bệnh nhân số 91 là biểu tượng chống dịch thành công của Việt Nam”.

 

Hà Nội: Trẻ mắc viêm não, tay chân miệng nhập viện gia tăng do nắng nóng

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ 5 đến 12-7), nắng nóng gay gắt khiến số lượng trẻ em nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm não và tay chân miệng gia tăng.

Cụ thể, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi trung ương đang điều trị cho 55 ca viêm não, trong đó có 27 ca viêm màng não, 8 ca viêm não Nhật Bản, 20 ca viêm màng não mủ.

Trong 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhi mắc viêm não nhập viện lại gia tăng. Trung bình, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 10 đến 12 ca viêm não.

Cùng đó, ca mắc tay chân miệng nhập viện cũng tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 15 đến 20 ca tay chân miệng.

Tương tự, tại Khoa Nội nhi tổng hợp – Bệnh viện E thời điểm này cũng tiếp nhận khám và điều trị trung bình từ 10 đến 15 ca tay chân miệng/ ngày.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới khuyến cáo, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não. Để phòng bệnh hiệu quả, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Khác với bệnh viêm não, tay chân miệng là bệnh chưa có vaccine và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều quan trọng để phòng bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; vệ sinh nhà cửa, các vật dụng hằng ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân… (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Không tiêm chủng gây bùng phát dịch

Theo thông tin từ ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, việc bùng phát dịch bạch hầu hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân… ngại tiêm chủng.

Tại Đắk Nông, vận động mãi mà nhiều người dân vẫn không hợp tác nên cán bộ y tế yêu cầu viết bản cam kết “từ chối tiêm chủng” để… báo cáo cấp trên.

Theo báo cáo của ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng tại các vùng dân tộc thiểu số khá thấp, thấp nhất lại nằm ở các cụm dân cư người Mông, thường chỉ đạt 40-50%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh có vắcxin phòng ngừa nhưng vẫn xảy ra nhiều nơi…

Hết cách vì dân sợ tiêm

Tại xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, Đắk Nông), nơi có nhiều ổ dịch bạch hầu gần đây, tỉ lệ tiêm chủng cũng chưa tới 50% do nhiều người từ chối tiêm. Để có căn cứ báo cáo cấp trên, các nhân viên y tế nghĩ ra cách yêu cầu người dân viết bản cam kết về việc sợ tiêm.

Bản cam kết của chị T.T.M. (26 tuổi, trú tại thôn 9, xã Quảng Hòa) từ tháng 1-2019 ghi “không muốn tiêm” dù đã được vận động tại nhà. Bản cam kết của chị H.T.S. (hồi tháng 2-2020) thì ghi lý do “ngại tiêm”. Chị H.T.S. cam đoan sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra dưới sự chứng kiến của… em trai và cha.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – trạm trưởng trạm y tế xã Quảng Hòa – thừa nhận có việc cán bộ y tế thôn buôn, cán bộ y tế xã phải viết giúp các tờ cam kết như vậy để người dân ký. Theo bà Nga, tỉ lệ tiêm chủng của người Mông trên địa bàn chỉ đạt 40-50%, trong khi theo yêu cầu phải 95%.

Cán bộ y tế xuống thôn, có trường hợp đến tận nơi tiêm chủng nhưng người dân với nhiều lý do không chịu tiêm nên cán bộ y tế đành phải lập các bản cam kết như vậy để báo lại. “Đây chỉ là những trường hợp cá biệt, ở những cụm dân cư xa xôi, vận động nhiều lần không được…”, bà Nga nói.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – giám đốc Sở Y tế Đắk Nông – khẳng định các bản cam kết mà nhân viên y tế lập không phải thoái thác trách nhiệm mà để làm cơ sở báo cáo cấp trên rằng đã đến tận nơi vận động, yêu cầu tiêm chủng nhưng người dân không hợp tác.

Các bản cam kết này xuất hiện trong năm 2019 và đầu năm 2020, không phải trong dịp tiêm phòng bệnh sau khi có các ổ dịch bạch hầu tại địa phương. Cũng theo bà Hương, về nguyên tắc tiêm chủng mở rộng thì nhân viên y tế không đến tận nhà người dân mà sẽ tiêm tập trung ở địa điểm công cộng của thôn, xã.

Tuy nhiên, do địa bàn khó khăn, người dân chưa thực sự hiểu tác dụng của tiêm chủng nên nhân viên y tế mới phải đến từng nhà vận động.

“Thế nhưng, có những nơi, đáp lại sự nhiệt tình của nhân viên y tế là thái độ từ chối thẳng thừng, có nơi còn chửi bới, dọa đánh. Có người dân lấy lý do con sốt sau tiêm rồi cho rằng thuốc giả nên con họ mới bị như vậy để từ chối nên nhân viên y tế cũng hết cách thuyết phục…”, bà Hương buồn bã.

Tỉ lệ tiêm chủng cực thấp

Nói thêm về vấn đề này, ông Trịnh Quang Trí – phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk – cho biết tỉ lệ tiêm chủng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Mông ở Đắk Lắk cũng cực thấp.

Cấp trên luôn giao chỉ tiêu tiêm chủng cho các cấp cơ sở phải đạt trên 95% để phòng tránh các bệnh lây nhiễm, tuy nhiên việc vận động ở địa phương thực tế rất khó khăn.

Từ năm 2013, Chính phủ đã có nghị định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định xử phạt người không chấp hành việc tiêm chủng, phòng bệnh lây nhiễm. Nhưng thực tế các địa phương, trong đó có Đắk Lắk không xử phạt được trường hợp nào. “Người dân không hợp tác thì không thể đè họ ra mà tiêm được. Vậy nên chỉ còn cách vận động, tuyên truyền, kết hợp với địa phương để người dân hợp tác”, ông Trí nói.

Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Huynh – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong – cho biết các trường hợp ký giấy không đồng ý tiêm chủng đã có từ rất lâu.

“Việc để người dân ký giấy từ chối tiêm là bất đắc dĩ và tôi yêu cầu các trạm y tế xã cần thận trọng. Nhân viên phải tăng cường vận động chứ không thể đổ lỗi người dân từ chối tiêm là xong”, ông Huynh khẳng định. “Và việc viết giấy cam kết chỉ là tình huống tạm thời, không đại trà, không in sẵn phiếu hàng loạt mà chỉ sử dụng cho những người dân cá biệt, làm cơ sở để địa phương có thêm giải pháp tuyên truyền, vận động cho phù hợp”, ông Huynh nói.

Chỉ còn biết “mưa dầm thấm lâu”

Về giải pháp, ông Huynh cho rằng những người Mông sống rất rải rác và có tập quán đẻ đông con mà việc nuôi con đều do phụ nữ. Đàn ông đi làm rẫy, có khi cả tuần mới về, phụ nữ người Mông lại thường không hiểu tiếng Kinh nên khi nhân viên đến vận động, tuyên truyền họ không hiểu.

“Chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên Huyện ủy, UBND huyện Đắk Glong và Sở Y tế, trong đó có đề ra một số giải pháp như tiếp cận người dân cần thông qua các mục sư, trưởng nhóm cầu nguyện, già làng, người có uy tín tại các thôn, cụm dân cư để tuyên truyền, thuyết phục người dân tình nguyện tiêm chủng. Ngoài ra, tới đây chúng tôi sẽ không tuyên truyền dồn dập mà kết hợp sẽ thay đổi hình thức, nội dung tuyên truyền để người dân từ từ hiểu ý nghĩa công tác tiêm chủng của ngành”, ông Huynh đề xuất.

Theo ông Trịnh Quang Trí, địa phương này cũng đã lập kế hoạch tuyên truyền để nâng tỉ lệ tiêm chủng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, ngoài việc nhờ các chức sắc tôn giáo tuyên truyền, tác động thì cũng in thêm các tờ rơi, ápphích truyền thông về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có vắcxin phòng bệnh.

“Về tuyên truyền bằng âm thanh, hình ảnh, chúng tôi dự kiến sẽ phát 6 thứ tiếng như Ê Đê, M’Nông, Mông… ở những khu vực đặc thù để người dân hiểu, hợp tác”, ông Trí nói.

Cần tăng kinh phí cho công tác dự phòng

Cũng theo ông Trí, hiện nay công tác tiêm chủng mở rộng đang gặp khó cả từ sự thiếu hợp tác của người dân đến nguồn kinh phí để thực hiện công tác này rất hạn hẹp. Từ lâu, trung ương chỉ tài trợ vắcxin và kim, ống tiêm, kinh phí tổ chức tiêm do địa phương lo.

Ông Trí ví dụ, sắp tới đây Chính phủ, Bộ Y tế sẽ cấp 11 triệu liều vắcxin uốn ván – bạch hầu (Td) để tiêm cho người dân từ 2 tháng tuổi đến 40 tuổi tại Tây Nguyên.

Như vậy, chỉ tính riêng đợt này, Đắk Lắk phải chi thêm khoảng 30 tỉ đồng để thực hiện chiến dịch tiêm phòng uốn ván – bạch hầu cho khoảng 1,4 triệu dân, chưa biết sẽ lấy từ nguồn nào. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Tây Nguyên có 80 ca bệnh bạch hầu

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 13-7 cho hay 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk) tiếp tục có thêm ca mắc bạch hầu mới, số mắc cho đến nay đã là 80 người, gấp 4 so với trung bình hằng năm của toàn quốc.

“Năm 2019 dịch chỉ xuất hiện tại tỉnh Đắk Lắk. Nhưng năm nay cả 4 tỉnh Tây Nguyên đều có bệnh nhân và số ca mắc vẫn đang tăng”- đại diện Bộ Y tế cho biết.

Hiện có trên 23.000 liều vắcxin có thành phần ngừa bạch hầu đã được cấp cho khu vực Tây Nguyên ngay sau khi dịch xảy ra. Các địa phương vùng dịch vẫn đang triển khai tiêm chủng, bên cạnh vắcxin phục vụ chiến dịch tiêm ngừa bạch hầu (tiêm trên 10 triệu liều vắcxin cho 4,7 triệu người) cũng đang được triển khai.

Trước tình trạng người dân một số vùng có dịch không chịu tiêm chủng, ngành y tế yêu cầu phải viết cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm.

Cục Y tế dự phòng cho biết chiến dịch tiêm ngừa được tổ chức để bảo đảm phòng bệnh toàn dân, nếu người dân nào có chỉ định tiêm ngừa nhưng từ chối tiêm thì cán bộ y tế phải vận động để họ hiểu được ý nghĩa của chiến dịch và tham gia tiêm ngừa.

Chiến dịch tiêm ngừa vắcxin phòng bạch hầu lần này, Bộ Y tế đặt mục tiêu tiêm cho trên 90% người trong diện tham gia tiêm chủng. Qua theo dõi thời gian qua, đa số ca mắc bạch hầu là trẻ lớn trên 7 tuổi và có cả người lớn, trong đó có cả bệnh nhân đã 60 tuổi. (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 14/8/2018

admin

Điểm báo ngày 18/7/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận