Điểm báo ngày 15/10/2020

(CDC Hà Nam)
Thêm 9 ca mắc Covid-19 là người Ấn Độ; Đảm bảo cấp cứu, điều trị người dân vùng lũ; Chung sức chống “giặc” Covid-19; Phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Thêm 9 ca mắc Covid-19 là người Ấn Độ

Chiều tối 14-10, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 9 ca mắc mới, đều là chuyên gia đến từ Ấn Độ, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp).

Như vậy, tới nay, Việt Nam đã có 1.122 người mắc Covid-19, trong đó có tổng cộng 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca. Cả nước tiếp tục trải qua 42 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng trong 57 ngày qua. Tại TPHCM, đã 74 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong ngày 14-10, Việt Nam có thêm 3 bệnh nhân xuất viện, nâng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 1.029 ca. Hiện cả nước không còn ca bệnh nào nặng (Sài Gòn giải phóng, trang 9). 

 

Đảm bảo cấp cứu, điều trị người dân vùng lũ

Ngày 14-10, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, có công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh thành từ Quảng Ninh đến Phú Yên theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ lụt, nhất là cơn bão số 7, để bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó là rà soát các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn.

Các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống lụt bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân khi cần; triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện duy trì chế độ trực các đội cấp cứu cơ động; các tổ đội cơ động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và các đơn vị y tế khác chủ động phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương để thống nhất phương án hỗ trợ, cấp cứu, điều trị các nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng, tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Chung sức chống “giặc” Covid-19

Là địa phương đầu tiên trong cả nước ghi nhận có sự xuất hiện của dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, TPHCM đã vào cuộc ngay, huy động cả hệ thống chính trị, tổ chức xét nghiệm rộng rãi, cách ly, khoanh vùng nghiêm ngặt… đồng thời chạy đua tìm phác đồ điều trị.

1. Ngay sau khi phát hiện 2 bệnh nhân LiDing và LiZhichao (nhập cảnh từ Trung Quốc) nhiễm Covid-19, công tác phòng chống dịch của thành phố bước vào giai đoạn nóng bỏng. TPHCM nâng mức cảnh giác cao và triển khai nhanh chóng các kịch bản đã đề ra. Ngành y tế thành phố bắt đầu có chiến dịch giám sát dịch tễ, kiểm soát cộng đồng bằng các khuyến cáo rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người.

Đặc biệt, khi thành phố xuất hiện các “ổ dịch” phức tạp, tinh thần “chống dịch như chống giặc” được lãnh đạo thành phố đề ra, thực hiện quyết liệt. Với phương hướng hành động dự báo sớm, phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch hợp lý, xử lý triệt để, thành phố đã hạn chế được mức thấp nhất sự lây lan của dịch Covid-19 trên địa bàn.

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, cho biết, chỉ với 2 ngày chuẩn bị và thực hiện, thành phố đã sắp xếp, bố trí hai khu cách ly quy mô lớn tiếp nhận hàng ngàn người nhập cảnh trở về. Có những thời điểm dường như bị quá tải bởi làn sóng nhập cảnh ồ ạt, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo tổ chức thêm các điểm cách ly tập trung từ thành phố đến quận, huyện. Trong giai đoạn đầu, có 18 khu cách ly của thành phố và 24 khu cách ly quận, huyện với 17.820 giường, đã tiếp nhận 13.277 người từ các quốc gia đến – về thành phố và từ cộng đồng dân cư trong quá trình giám sát dịch tễ.

Hiện TPHCM cũng sẵn sàng 12 khu cách ly tập trung cấp thành phố và 24 khu cách ly ở quận, huyện với 2.144 giường; 6 bệnh viện (BV) chuyên điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, quy mô 2.300 giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị hồi sức, cấp cứu, máy thở, phòng cách ly áp lực âm… Thành phố cũng trong tư thế sẵn sàng mở rộng khi dịch bùng phát, chuẩn bị các phương án nếu dịch xảy ra với quy mô lớn, chủ động trong xét nghiệm, huy động nhân lực, vật lực các cơ sở y tế, để triển khai các hoạt động tầm soát, giám sát trên địa bàn thành phố.

Trong từng giai đoạn, từng thời điểm, thành phố đã tổ chức tầm soát xét nghiệm cho tất cả các nhóm nguy cơ tại cộng đồng, các hành khách, nhân viên tổ bay các chuyến bay quốc tế, tầm soát những người có nguy cơ và biểu hiện nghi nhiễm từ các tỉnh về bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ… với tổng số xét nghiệm được thực hiện là 60.735 mẫu. Từ đó, đã góp phần phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

2. Cả nước đồng lòng, chung sức chống dịch là cảm nhận chung của rất nhiều người trong thời gian qua. Người dân đã bình tĩnh hơn và có những hành động phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 và hơn hết là hình ảnh những bác sĩ áo trắng có chuyên môn cao tại các viện, bệnh viện khắp cả nước đã không ngại khó ngại khổ, lên đường “chia lửa” cho vùng tâm dịch. Cảm động nhất là có những người xông ra “tiền tuyến” với lá đơn tình nguyện trên tay hay có người lên đường nhận nhiệm vụ ngay chỉ sau một cuộc điện thoại của cấp trên mà không kịp chia sẻ với gia đình, người thân…

Nhớ lại những ngày cùng đồng nghiệp trắng đêm với ca trực, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới cho biết, điện thoại anh không dám để hết pin, không được để chế độ rung, bất kể mọi lúc. Các cuộc gọi đến rất nhiều, kể cả việc tư vấn hội chẩn hỗ trợ các BV khác. Khi có tình huống đặc biệt, anh phải chạy vào BV, dù đêm hôm. Còn đối với anh Trần Văn Thông, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu BV Ung bướu, khẳng định chắc nịch “xong dịch sẽ trở về” khi đăng ký tự nguyện hỗ trợ tuyến đầu kiểm soát dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Những ngày thành phố tạm yên, tưởng chừng đội ngũ y bác sĩ được nghỉ ngơi sau những ngày vất vả thì các tỉnh miền Trung lại trở thành tâm dịch mới. Như một mệnh lệnh của trái tim “lên đường khi Tổ quốc cần” hàng chục y bác sĩ từ thành phố mang tên Bác lại tình nguyện xin ra mặt trận với quyết tâm “bao giờ hết dịch mới trở về”.

Th.S-BS Nguyễn Phú Quốc, BV Nhân dân 115 chia sẻ, hôm đó, khi chuẩn bị báo cáo đề tài với bệnh viện thì anh nhận được thông báo đi công tác Đà Nẵng. Buổi chiều, anh về nhà chuẩn bị và sáng hôm sau ra sân bay đi Huế rồi xe đón vào Đà Nẵng. Bác sĩ Quốc chia sẻ: “Ngày đầu tiên ra đây, nhìn thấy đồng nghiệp và mọi người ngoài này làm việc cực nhọc, bản thân tôi tự dặn mình phải chung tay chia sẻ công việc và hỗ trợ hết mình chứ không lo lắng hay hoảng sợ. Mọi người ở đây đang nỗ lực làm việc rất vất vả thì chuyện mình xa nhà không đáng là gì hết”.

3. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 thể hiện rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố khi công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành được xuyên suốt, xử lý kịp thời diễn biến thực tế, đều đặn vào cuối mỗi ngày. Ít nhất vào thứ hai hàng tuần, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đều tham gia giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM với các sở ngành, quận huyện để có những định hướng, chỉ đạo quan trọng.

Cùng với các lực lượng xung kích – các y, bác sĩ, công an, quân đội thì tại các địa phương, sự quyết liệt của các đảng viên đã góp phần vào thành công bước đầu của thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Những bí thư chi bộ tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát những trường hợp đi – về từ vùng dịch, những trường hợp tiếp xúc với người bệnh; vận động họ thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.

Khi thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn đã bỏ qua lợi ích kinh tế, tự giác, nghiêm túc chấp hành. Đặc biệt, trong những ngày dịch bệnh hoành hành, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chung sức, đồng lòng ủng hộ thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và giúp đỡ những người khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Đến nay, về cơ bản TPHCM đã khống chế thành công dịch Covid-19, bước vào giai đoạn vừa phát triển kinh tế vừa tiếp tục phòng chống dịch. Dù đất nước đã tạm yên khi 41 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, thế nhưng cùng với cả nước, ngành y tế TPHCM vẫn đang trong tư thế sẵn sàng, bởi dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài và cuộc chiến chống Covid-19 sẽ còn dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Từ bài học ở Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, nếu chỉ cần để lọt người bệnh Covid-19 sẽ khiến hệ thống khám, chữa bệnh bị tê liệt. Do đó, các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm các tiêu chí an toàn trong phòng, chống Covid-19, từ quy trình tiếp nhận khám, chữa bệnh, phân loại, sàng lọc, cách ly người nghi ngờ, phòng, chống lây nhiễm chéo…

Để bảo đảm an toàn cho các cơ sở khám, chữa bệnh phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng như ngăn chặn, phát hiện sớm ca bệnh trước khi tới bệnh viện, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đã ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định 3088/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Sau hơn hai tháng triển khai Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19, có 1.380 bệnh viện, trung tâm y tế tiến hành tự đánh giá qua phần mềm trực tuyến, còn 150 bệnh viện, trung tâm y tế chưa tiến hành tự đánh giá hoặc đã đánh giá nhưng không nhập số liệu. Kết quả thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, có 1.089 bệnh viện an toàn (chiếm 79%); 263 bệnh viện an toàn ở mức thấp (chiếm 19%) và 28 bệnh viện không an toàn (chiếm 2%).

Có năm sở y tế kiểm tra nhiều bệnh viện nhất về các tiêu chí an toàn trong phòng, chống Covid-19 là TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Cà Mau, Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, cũng còn 11 sở y tế kiểm tra ít bệnh viện nhất là Quảng Bình, Lâm Đồng, Hưng Yên, Bắc Giang, An Giang, Bình Dương, Quảng Nam, Đồng Nai, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long. PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy, các bệnh viện đều kiểm soát việc đeo khẩu trang, tăng cường giám sát việc vệ sinh tay, trang bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại nhiều vị trí. Ngoài ra, các bệnh viện đều bố trí hệ thống biển báo, bố trí bàn tiếp nhận, phân loại, buồng khám sàng lọc. Đáng chú ý, một số bệnh viện đã thiết lập điểm cầu để thực hiện hội chẩn, giao ban khám, chữa bệnh, hội nghị trực tuyến; hạn chế người bệnh, người nhà người bệnh đến bệnh viện… nhằm thực hiện việc giãn cách, bảo đảm phòng dịch Covid-19. Thế nhưng, vẫn còn có những bệnh viện chưa tuân thủ tốt các quy định phòng dịch Covid-19, như: Chưa giám sát, nhắc nhở người bệnh tuân thủ đeo khẩu trang, nhiều vị trí cần thiết chưa được trang bị bồn rửa tay xà-phòng và khăn lau dùng một lần; hệ thống biển báo còn thiếu; chưa triển khai việc đặt lịch khám qua tổng đài, trên website; chưa triển khai được việc lấy mẫu xét nghiệm và X-quang tại buồng khám sàng lọc và phương án vận chuyển người nghi nhiễm vào khoa xét nghiệm; chưa công khai việc hạn chế người bệnh, người nhà ra vào bệnh viện… Trong quá trình triển khai phòng, chống Covid-19, nhiều cơ sở chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch, chưa chi tiết phân ca làm việc luân phiên, nhiều bệnh viện sử dụng bàn lấy mẫu, bàn khai báo thông tin bằng vật liệu khó làm vệ sinh bề mặt…

Thời gian qua, các bệnh viện đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công trong công tác điều trị, phòng, chống lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đó là Việt Nam đã xây dựng kế hoạch khám, chữa bệnh ứng phó với năm tình huống cấp độ dịch bệnh; chỉ đạo cụ thể cho các tuyến, cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan chỉ đạo về bảo đảm chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ,… tương ứng với từng cấp độ dịch bệnh. Các địa phương triệt để thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và hỗ trợ chủ động, tích cực từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến Trung ương. Đồng thời tổ chức phân tuyến điều trị ca bệnh gồm tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương.

Việt Nam đã trải qua hai đợt dịch Covid-19 và đều đã khống chế kịp thời. Tuy vậy, hiện tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn ra phức tạp, khó lường, số ca mắc mới tăng cao, tỷ lệ người chết chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, dù hơn 40 ngày qua, không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nhưng nước ta đã quyết định mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, đón người từ nước ngoài đến; mặt khác mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng… cho nên rất cần duy trì đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, nếu không tổ chức quyết liệt các biện pháp cách ly, khoanh vùng, theo dõi, phát hiện sớm ca bệnh, chúng ta sẽ thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19 với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Bài học từ Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, nếu chỉ cần để lọt người bệnh Covid-19 sẽ khiến hệ thống khám, chữa bệnh bị tê liệt. Những người bệnh có bệnh nền đang điều trị tại bệnh viện là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 sẽ tăng lên. Do vậy, công tác phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng hướng dẫn là hết sức quan trọng.

Tại chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn. Thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng bảo đảm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; bảo đảm công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường. Thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định; xét nghiệm bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện triệu chứng của bệnh, xét nghiệm bệnh nhân nặng, bệnh nhân nằm ở các khoa cấp cứu, thận nhân tạo, hồi sức tích cực, hô hấp… Thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân tại bệnh viện và các biện pháp bảo đảm an toàn cho các đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người khuyết tật… Hạn chế người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh; trường hợp cần thiết thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cá nhân theo quy định của Bộ Y tế. Triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng ngày việc tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các khoa, phòng và toàn bộ bệnh viện; đồng thời có phương án xử lý, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ (Nhân dân, trang 5).

 

Đối phó dịch bệnh sau lũ

Giữ an toàn sức khỏe cho người dân vùng lũ ra sao? Bộ Y tế vừa yêu cầu duy trì trực đội cơ động sẵn sàng chi viện cho khu vực bị thiên tai. “Duy trì chế độ trực các đội cấp cứu lưu động, các tổ đội cơ động phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu” – chiều 14-10, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện yêu cầu như trên đối với các cơ sở y tế từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ở miền Trung.

Giữ sức khỏe cho người dân vùng lũ

Theo công điện, bão số 7 kết hợp với không khí lạnh đang khiến mưa to kéo dài ở nhiều nơi, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ có mưa to và rất to, với lượng mưa phổ biến từ 200-400mm/đợt, ở Nghệ An và Hà Tĩnh 50-150mm/đợt, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đây là cơn “bão chồng bão” do nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung vẫn đang gồng mình chống chọi với những thiệt hại nặng nề sau cơn bão và sạt lở đất vừa qua. Quyền bộ trưởng y tế đang giao các vụ, cục kiểm tra, chuẩn bị thuốc men và hóa chất, sẵn sàng hướng dẫn các địa phương khi có yêu cầu. Dự kiến cuối tuần này đoàn công tác đầu tiên của Bộ Y tế sẽ vào miền Trung hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão.

Theo các chuyên gia y tế, sau bão lũ do thiếu nước sạch nên sẽ có một số căn bệnh đường tiêu hóa, bệnh về mắt, sốt xuất huyết… Do đó, đảm bảo có nước sạch sử dụng sau bão lũ và xử lý môi trường ngay là yêu cầu quan trọng cấp thiết để phòng dịch. Hiện đã có nhiều nước đóng chai, đóng bình được vận chuyển cung cấp cho vùng lũ, nhưng so với nhu cầu thì số lượng này chưa đáng kể.

Chuẩn bị cứu nạn

Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế hướng dẫn có thể sử dụng phèn chua làm trong nước, với liều lượng 1g phèn chua (nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước, không có phèn chua có thể dùng vải sạch lọc nước và khử trùng nước bằng hóa chất.

Hiện đã có loại hóa chất dạng viên, liều lượng 1 viên Cloramin B 0,25g cho vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được; 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

Ngoài ra, Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn chỉ uống nước đun sôi đã được khử trùng và lọc trong. Trong thời gian bão lũ không nên sử dụng các đồ ăn uống còn sống (như rau sống) để ngừa bệnh.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

Với hoạt động cứu nạn trong thời điểm bão chồng bão, Bộ Y tế yêu cầu duy trì các đội, tổ chống dịch lưu động; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và các đơn vị y tế chủ động liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn địa phương, thống nhất phương án hỗ trợ, cấp cứu nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng, tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sự cố sạt lở ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Tuổi trẻ, trang 12).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/7/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận