Điểm báo ngày 15/9/2020

(CDC Hà Nam)
Tây Nguyên : Vẫn chưa thể dập tắt dứt điểm các ổ dịch bạch hầu; TPHCM: Sẵn sàng tiếp nhận người nhập cảnh; Thêm một bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu cấp tính tử vong…

 

12 ngày liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng

Chiều tối 14-9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, ngày thứ 12 liên tiếp cả nước không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng.

Trong khi đó, UBND TP Hà Nội vừa cho phép 8 khách sạn trên địa bàn làm cơ sở cách ly tập trung tiếp nhận người nước ngoài có nguyện vọng và tự nguyện chi trả phí lưu trú và các dịch vụ liên quan. Theo quy định, người đang cách ly phải chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly y tế như: hạn chế ra khỏi phòng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác trong phân khu cách ly. Trong trường hợp ra ngoài phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác tối thiểu 2m; không được tự ý ra khỏi phân khu cách ly và khách sạn; không tổ chức các trò chơi đông người trong phân khu cách ly; không tụ tập nói chuyện với người được cách ly khác; đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với người khác… (Sài Gòn giải phóng, trang 2),

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “12 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng”; Tiền phong, trang 2: “12 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 lây nhiễm cộng đồng”.

 

TPHCM: Sẵn sàng tiếp nhận người nhập cảnh

Sở Y tế phối hợp Sở Du lịch thẩm định thêm 18 khách sạn (quy mô 1.371 giường), nâng tổng số lên 25 khách sạn với quy mô lên 2.329 giường và tiếp tục mở rộng các cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu cách ly y tế cho người nhập cảnh.

Báo cáo tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch diễn ra vào chiều 14-9, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, 77 ca mắc Covid-19 phát hiện tại TPHCM và 1 ca chuyển viện từ Bệnh viện Bạc Liêu (bệnh nhân 278) đều đã được điều trị khỏi bệnh. Đến nay, 47 ngày kể từ khi ghi nhận ca bệnh sau cùng, TP chưa phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Hiện có 26 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện.

Không có trường hợp nào có triệu chứng nặng, 23 trường hợp đã có kết quả âm tính, 3 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

Trong ngày, ngành y tế TP đã tiến hành thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt cho các thành viên tổ bay, thuyền viên và hành khách đến TP gồm: 10 chuyến bay quốc tế với 36 thành viên tổ bay, 48 người nhập cảnh, tất cả được chuyển cách ly y tế theo quy định; 13 tàu nhập cảnh với 255 thuyền viên, tất cả thuyền viên được cách ly tại tàu; 140 chuyến bay quốc nội với 21.826 hành khách và 6 chuyến tàu lửa với 1.252 hành khách.

TP cũng đã lấy 382 mẫu xét nghiệm tại 4 trung tâm bảo trợ xã hội, 1.271 mẫu xét nghiệm tại 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền) và 526 mẫu xét nghiệm tại Cty TNHH Pouyuen VN (Bình Tân). Tất cả mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính.

Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, trước tình hình dịch bệnh trong nước đang được khống chế, người đến TP từ các tỉnh thành khác cần thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế để được giám sát tại địa phương và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu có xảy ra.

TP sẽ tiếp tục giám sát nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trong cộng đồng thông qua thực hiện khoảng 500-1.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc mỗi ngày đối với những người có triệu chứng hô hấp, người bệnh nặng tại các cơ sở y tế, người có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh (nhân viên y tế, người bán hàng ở siêu thị, chợ đầu mối, nhân viên phục vụ trong cơ sở dịch vụ ăn uống, tài xế phương tiện giao thông công cộng, người lao động trong khu chế xuất – khu công nghiệp, người sống trong ký túc xá…).

Bên cạnh đó, ngành y tế TP sẽ tiếp tục cập nhật các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh phù hợp theo từng cấp độ nguy cơ (bảng màu cảnh báo nguy cơ dịch bệnh); tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho các tình huống dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở y tế. Tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực cán bộ y tế.

TP cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận người nhập cảnh trong giai đoạn sắp tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn cụ thể của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Cụ thể, Sở Y tế phối hợp Sở Du lịch thẩm định thêm 18 khách sạn (quy mô 1.371 giường), nâng tổng số lên 25 khách sạn với quy mô lên 2.329 giường và tiếp tục mở rộng các cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu cách ly y tế cho người nhập cảnh.

Triển khai hướng dẫn y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc dưới 14 ngày và lập kế hoạch tổ chức xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại sân bay cho người nhập cảnh khi có hướng dẫn của Bộ Y tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Thêm một bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu cấp tính tử vong

Ngày 14-9, Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân A.N. (nam, 12 tuổi, ngụ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) mắc bệnh bạch hầu ác tính đã tử vong vào chiều cùng ngày.

Trước đó, ngày 13-9, bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày thứ 7 của bệnh, trong tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim cao. Khai thác tiền sử, bệnh nhi chưa tiêm ngừa vắc xin bạch hầu.

Tại đây, bệnh nhi nhanh chóng được đặt máy tạo nhịp, dùng thuốc vận mạch. Trong lúc các bác sĩ hội chẩn xem xét cho bệnh nhân dùng ECMO thì bé tử vong lúc 13 giờ 55 ngày 14-9.

Đây là ca thứ 3 mắc bệnh bạch hầu ác tính, có biến chứng tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ tháng 6 đến nay. Tất cả bệnh nhân này đều có thời gian điều trị tại bệnh viện địa phương và chưa tiêm vaccie phòng bệnh bạch hầu.

Hiện tại khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đang điều trị bệnh nhi A.P. (nam, 6 tuổi, ngụ huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) mắc bệnh bạch hầu với nhiều biến chứng. Hiện bệnh nhi đã nhận thức, phản xạ tốt sau hơn 2 tháng nằm viện điều trị.

Bệnh nhi A.P. nhập viện với biến chứng tim (rối loạn nhịp tim, men tim cao, viêm cơ tim) và biến chứng thận (suy thận). Bệnh nhi được điều trị nội khoa, dùng thuốc vận mạch. Sau một tháng, bệnh nhi ổn định nhưng lại xuất hiện biến chứng thần kinh (liệt chân tay, cơ hô hấp), phải thở máy.

Đến sáng 14-9, bệnh nhi được cai máy thở, phản xạ và nhận thức tốt. Dự kiến hai tuần tới, bệnh nhi sẽ tập vật lý trị liệu và xuất viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Bệnh nhi 12 tuổi ở TP.HCM tử vong do bạch hầu”.

 

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 7 đến 13-9, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 399 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 171 trường hợp so với tuần trước đó).

Số ca mắc mới phân bố tại 163 xã, phường, thị trấn, tập trung tại một số quận, huyện vùng ven, như: Nam Từ Liêm 48 ca, Hoàng Mai 33 ca,  Hà Đông 23 ca, Thường Tín 57 ca, Thanh Oai 26 ca.

Như vậy, lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 2.201 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 2 trường hợp tử vong), giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (4.083 trường hợp).

Tuy nhiên, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Thêm 2 bệnh viện triển khai khám, chữa bệnh từ xa

Chiều 14-9, Bệnh viện E khai trương và đưa vào hoạt động hệ thống telehealth thuộc đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế.

Theo đó, Bệnh viện E thực hiện kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế, trong đó có 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện tư nhân.

Ngay trong buổi khai trương, các bác sĩ Bệnh viện E đã hội chẩn, tư vấn trực tuyến phương pháp điều trị hiệu quả cho một số ca bệnh, như: Phẫu thuật mổ tim tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình; phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; nội soi tiêu hóa tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Theo Bộ Y tế, hiện đã có gần 20 bệnh viện trung ương kết nối khám, chữa bệnh từ xa với gần 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được thiết lập để đáp ứng nhu cầu của người dân ở mọi miền của Tổ quốc.

* Chiều cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tổ chức khai trương trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa kết nối với các điểm cầu là các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố. Tại đây, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã cùng hội chẩn với các y, bác sĩ của các cơ sở y tế tham gia buổi khám trực tuyến để đưa ra can thiệp điều trị cần thiết cho 7 ca bệnh. Đây là bệnh viện thứ hai trực thuộc Sở Y tế Hà Nội triển khai đề án này. (Hà Nội mới, trang 2).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 4: “Bác sĩ ở Hà Nội khám cho bệnh nhi tại Cô Tô qua Telehealt”; Gia đình & Xã hội, trang 1: “Khám, chữa bệnh từ xa để lan tỏa kiến thức chuyên môn cao”.

 

Việt Nam đã điều trị khỏi cho 926 ca Covid-19

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 14-9, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Đến nay, đã tròn 12 ngày (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.063 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước. Trong đợt dịch này, tính từ ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại Đà Nẵng vào ngày 25-7 đến nay, cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước; 15 tỉnh, thành phố có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 33.605 người, trong đó có 489 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 16.224 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số 8 bệnh nhân này, có bệnh nhân 1025 (nam, 70 tuổi, trú tại Đà Nẵng), với nhiều bệnh nền, đã được điều trị khỏi. Cụ thể, bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang từ ngày 25-8, với bệnh lý nền đái tháo đường, viêm dạ dày. Sau quá trình điều trị tích cực 21 ngày, bệnh nhân ổn định sức khỏe, không sốt, không ho, không khó thở, có kết quả xét nghiệm 3-4 lần liên tiếp âm tính với vi rút SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Như vậy, tính đến 18h ngày 14-9, nước ta có 926 ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi, ghi nhận 35 ca tử vong.

Trong số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 45 ca có kết quả âm tính từ 1 đến 3 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Chuẩn bị cơ sở cách ly 10.000 người nhập cảnh có thu phí

Các địa phương, trước hết là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận 3 thành phố trên khẩn trương chỉ đạo lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10 ngàn người và có thể tăng dần trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 326/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, đối với việc mở lại đường bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn việc kiểm tra, theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Đối với khách quốc tế nhập cảnh phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo lịch trình kiểm soát tốt dịch bệnh các chuyến bay, không để sơ xuất xảy ra. Lịch bay cụ thể do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.

Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI); đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế xem xét, giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp và các hướng dẫn khác đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.

Lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí

Về thực hiện cách ly người nhập cảnh tại cơ sở lưu trú có thu phí, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện cách ly người nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú và có thu phí.

Các địa phương, trước hết là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận 3 thành phố trên khẩn trương chỉ đạo lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10 ngàn người và có thể tăng dần trong thời gian tới.

Bộ Công an và chính quyền các địa phương nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí và chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm việc tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép.

Các Bộ, ngành, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất với thủ tục nhanh gọn, rõ ràng, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm việc cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Việt Nam. (Tiền phong, trang 5).

 

Tuyển sinh 2020: Thách thức từ khối ngành sức khỏe

Học phí tăng chóng mặt, khó dự đoán điểm chuẩn là những thách thức đối với những thí sinh lựa chọn học ngành y năm nay.

Dự kiến, ngày 17/9, cùng với khối ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo tối thiểu (điểm sàn) khối ngành sức khỏe. Các trường khối ngành y dược đều đưa ra dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ tăng.Khoa Y – ĐH Quốc gia TPHCM sử dụng đồng thời 5 phương thức xét tuyển, trong đó dành 30 chỉ tiêu xét điểm thi THPT. Nhưng trước tình hình xác nhận nhập học 4 phương thức trước đó, theo tính toán của khoa, chỉ tiêu xét điểm thi THPT còn khoảng 50% tổng chỉ tiêu. Đại diện khoa cũng dự đoán điểm chuẩn vào các ngành của khoa tăng ít nhất vài điểm. Năm 2019, điểm chuẩn các ngành ở mức 22,85 – 23,95 điểm.

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm nay tuyển 1.480 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu dự bị dân tộc 70, xét tuyển thẳng 6, còn lại xét điểm thi tốt nghiệp. Trường dự báo điểm chuẩn các ngành của trường năm nay cao hơn năm ngoái ít nhất 1 – 1,5 điểm. Riêng ngành y khoa, điểm chuẩn có thể tăng khoảng 2 điểm so với năm 2019.

Nhiều chuyên gia dự đoán, năm nay điểm chuẩn sẽ chỉ tăng ở một số ngành như sức khỏe, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa học, dịch vụ – du lịch, nhà hàng, khách sạn, quản trị kinh doanh, quan hệ quốc tế, truyền thông, kinh tế quốc tế, kinh doanh đối ngoại… Các ngành khác điểm sẽ không tăng nhiều; nhiều ngành có rất thí sinh đăng ký.

Học phí tăng

Trường ĐH Y Dược TPHCM công bố mức học phí của năm học này cao nhất là 70 triệu đồng/năm ngành Răng hàm mặt; Khoa Y Dược – ĐH Quốc gia TPHCM có ngành có mức học phí lên đến 68 triệu đồng, khiến dư luận xôn xao vì đây là những trường công lập. Các trường tư thục ở khu vực phía Nam đào tạo y dược cũng thu học phí mức cao như ngành Y đa khoa (ĐH Tân Tạo) 150 triệu đồng/năm, ngành Răng – Hàm – Mặt (ĐH Hồng Bàng) 198 triệu đồng/năm. Lãnh đạo các trường đại học khối y, dược cho rằng, việc tăng học phí này là cần thiết khi các trường phải tự chủ tài chính.

Theo thống kê của phóng viên, các trường ĐH Y và trường ĐH có khoa y dược ở khu vực phía Bắc, miền Trung ở khối công lập đều chưa có đơn vị nào thực hiện tự chủ ĐH nên học phí đều theo quy định của Chính phủ với mức chung là 14,3 triệu đồng/năm. Khối trường ngoài công lập, học phí tùy theo quy định của từng trường và dao động từ 22 – 90 triệu đồng/năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên), hằng năm, thống kê ở trường cho thấy có 50-60% tân sinh viên nhập học đến từ khu vực miền núi và khu vực nông thôn nên phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, xu hướng tất yếu của các trường ĐH là tiến tới tự chủ, vì thế, thời gian tới, sinh viên cũng phải tính đến điều này. “Có thể thấy, với sinh viên khu vực khó khăn, để học ngành y, sẽ phải đối diện với hai vấn đề: điểm chuẩn đầu vào cao, học phí sẽ tăng”, ông Sơn nói.

TS. Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo – trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, các trường ĐH Y được tự chủ đã tăng học phí và nhóm ngành y đa khoa có chi phí đào tạo rất lớn. Trường ĐH Y Hà Nội vẫn thực hiện theo nghị định học phí của Chính phủ, tăng 10% hằng năm. Năm nay, học phí là 1.430.000 đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với chi phí đào tạo. Tuy nhiên, ông Tùng nói: “Hiện nay, cùng với xây dựng đề án tự chủ, trường cũng xây dựng lộ trình tăng học phí phù hợp với khả năng chi trả của người học và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước”.

Năm nay, điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng cao. Theo TS. Tùng, trong 3 năm trở lại đây, khi công bố điểm thi của tổ hợp xét tuyển, trường đã làm tròn 2 chữ số thập phân, sự khác biệt đến 0,01 điểm không lớn lắm. Do đó, ưu tiên thứ 2 của nhà trường là thứ tự nguyện vọng.“Ví dụ, những người cùng đạt điểm như nhau 28,75 nếu nguyện vọng 1 thì được ưu tiên hơn nguyện vọng 2. Do vậy, thí sinh thấy có cơ hội trúng tuyển nhưng ở mức thấp sẽ phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn nguyện vọng 1. Cùng điểm nhưng nguyện vọng khác nhau, cơ hội trúng tuyển khác nhau. Thí sinh nên mạnh dạn chọn nguyện vọng yêu thích lên số 1 phù hợp với số điểm mình có”, ông Tùng khuyên. (Tiền phong, trang 6).

 

Sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí xét nghiệm Covid-19

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết ngày 14.9 cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, trong khi 5 bệnh nhân (BN) được công bố khỏi bệnh.

Trong số 1.063 ca mắc tại Việt Nam từ đầu dịch, có 691 ca do lây nhiễm trong nước; 926 ca đã được điều trị khỏi; 35 ca tử vong. 33.605 người đang được cách ly y tế theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cho biết đang tổ chức đấu thầu nhà cung cấp test, kit xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc Covid-19 tại sân bay. Chi phí xét nghiệm do người nhập cảnh chi trả, theo mức bảo hiểm y tế thanh toán (mức thấp nhất là hơn 700.000 đồng một lần xét nghiệm). Tuy nhiên, Bộ Y tế dự kiến sẽ thực hiện xét nghiệm gom mẫu, giúp rút ngắn thời gian sàng lọc và chi phí xét nghiệm cũng sẽ thấp hơn rất nhiều.

Hôm qua 14.9, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết 2 BN 549 và 550, là ni cô, ở TP.Hội An đã tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi được điều trị khỏi bệnh và đang cách ly tại chùa. Hai BN này đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam để tiếp tục cách ly, điều trị; 25 người đang lưu trú tại chùa được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Từ ngày 1.8 đến nay, chùa này tạm ngưng hoạt động nên không có trường hợp nào liên quan đến cộng đồng.

Ngày 14.9, Công an TP.Đà Nẵng đã có văn bản gửi Phòng CSGT, Phòng CSCĐ, Công an các quận, huyện ngừng nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế ở các cửa ngõ ra vào TP; yêu cầu Phòng Hậu cần phối hợp với công an các quận, huyện thu gom trang thiết bị tại các chốt kiểm dịch y tế. Các chốt này thiết lập từ ngày 31.7. Đến chiều qua, 8 chốt kiểm soát phòng dịch đã ngừng nhiệm vụ, các lực lượng liên quan đã rút khỏi chốt. (Thanh niên, trang 4).

 

Người dân bất an về an toàn thực phẩm

Mất an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nhức nhối từ rất lâu, người dân luôn cảm thấy bất an, thậm chí không biết phải mua thực phẩm nào, mua ở đâu cho an toàn. Khó có thể biết hết được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm “bẩn”, nhất là lại đóng hộp, đóng gói, nhiều người tặc lưỡi “hên xui”.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, việc để doanh nghiệp tự công bố ATTP sẽ bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu khâu hậu kiểm không được làm tốt thì tất cả đều không có giá trị…

Vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay (của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới) như là cái “mụn nhọt” đến  ngày “vỡ”. Số người ngộ độc sau khi sử dụng pate Minh Chay ngày càng tăng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có 10 người là nạn nhân phải nhập viện điều trị.

Bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện đang điều trị cho trường hợp mà bệnh viện tiếp nhận có liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay. Bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy hơn một tháng trước với chẩn đoán nhược cơ, yếu liệt toàn thân, sau đó người nhà cho biết, bệnh nhân đã sử dụng pate Minh Chay trước đó. Các bác sĩ xác định bệnh nhân này cũng bị ngộ độc Botulinum do ăn pate Minh Chay.

Trong 7 bệnh nhân ngộ độc Botulinum mà Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, điều trị, đến nay chưa có bệnh nhân nào cai được máy thở và việc hồi phục khá khó khăn. Cùng với việc khó hồi phục sức cơ, việc thở máy kéo dài khiến các bệnh nhân sẽ phải đối diện nhiều nguy cơ biến chứng như tổn thương phổi, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, ảnh hưởng tim mạch, tiêu hóa…

Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết đã ghi nhận 1.920 khách mua sản phẩm Minh Chay nhưng hiện Ban chỉ liên hệ được với 1.107 người và thu hồi được 274 hộp sản phẩm pate Minh Chay. Ban Quản lý đang tiếp tục liên hệ cũng như rà soát, thu hồi các sản phẩm trên địa bàn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, sản phẩm pate Minh Chay có giá “không hề rẻ”; nếu so với những đồ chay thông thường, thì đây là sản phẩm đắt tiền. Vụ việc này cực kỳ nguy hiểm nhưng chưa biết cụ thể bao nhiêu người đã sử dụng sản phẩm của Minh Chay. Bệnh này làm liệt hai cơ hô hấp – liệt phổi là rất nguy hiểm, người bệnh phải thở máy sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng, nhất là những người lớn tuổi có nhiều bệnh nền.

“Đối với thực phẩm đóng gói sẵn, chúng tôi luôn tập trung để kiểm tra. Bởi vì khi làm những sản phẩm này có nguy cơ sử dụng hoá chất phụ gia, được phép hay không được phép thì cũng phải xác minh. Cho nên chúng tôi luôn ưu tiên trong việc kiểm tra, đánh giá nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Lan cho biết.

Trong môi tự nhiên luôn có bào tử, nhưng khi bị nhiễm vào trong nguyên liệu hay trong công đoạn nào đó của quá trình sản xuất thực phẩm đóng hộp kín, bị yếm khí, không có ôxi, ít ôxi, sẽ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn botulinum phát triển.

“Với khí hậu nhiệt đới của nước ta, mầm bệnh ở khắp nơi, nên nguyên tắc sử dụng an toàn cho cả thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng hộp là ăn chín, uống sôi. Nếu thực phẩm được đun sôi trước khi sử dụng ít nhất từ 85 độ C trở lên trong 30 phút thì không những vi khuẩn botulinum này mà cả các loại vi khuẩn khác sẽ bị diệt”, bà Lan cho biết thêm. Theo quy định, tất cả các thực phẩm đóng gói sẵn, doanh nghiệp phải làm thủ tục tự công bố chất lượng… Trước đây, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước xem xét cấp phép.

Hiện nay, tại các tỉnh, thành chưa thành lập Ban quản lý ATTP, liên quan đến ngành hàng nào, doanh nghiệp đăng ký cho các cơ quản lý ngành hàng đó. Còn tại TP Hồ Chí Minh, việc đăng ký ATTP, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký tại một mối là Ban quản lý ATTP thành phố, sau đó cơ quan chức năng sẽ tổ chức hậu kiểm là thanh tra. Nếu doanh nghiệp không đăng ký chất lượng sản phẩm hoặc đăng ký nhưng chất lượng không đúng sẽ bị phạt rất nặng. Việc để doanh nghiệp tự công bố sẽ bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù hình thức nào nhưng không làm tốt hậu kiểm thì tất cả đều không có giá trị.

Theo bà Lan, tại TP Hồ Chí Minh, số lượng loại thực phẩm đóng gói rất nhiều, trách nhiệm của doanh nghiệp cho phép tự công bố thì phải tự chịu trách nhiệm với những gì đã tự công bố. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra bất cứ lúc nào mà không thông báo trước.

“Theo quy định, tất cả các hồ sơ đăng ký phải được hậu kiểm trong năm, nhưng tại TP Hồ Chí Minh cả trăm ngàn sản phẩm. Mặc Ban quản lý ATTP có số nhân sự đông nhất nước, nhưng trong chừng mực nào đó vẫn chưa đáp ứng được, chúng tôi cũng đang phải nỗ lực rất nhiều”, bà Lan nói.

Theo Bà Lan, những cơn nôn mửa, tiêu chảy… xảy ra cấp kỳ sau một bữa ăn của tập thể thường xảy ra ở bếp ăn công nhân, nhà hàng… thì đó chỉ là phần nổi của tảng băng, để cho thấy quá trình bảo quản bị lấy nhiễm vi sinh vật.

“Nhưng cái mà chúng tôi lo ngại là những hoá chất độc hại, phụ da, phẩm màu… không được phép sử dụng nó tích tụ lại thì sau này một vài năm, một vài chục năm nó sẽ thể hiện ở sức khoẻ cộng đồng chung của chúng ta, nó bào mòn sức khoẻ của người Việt Nam, nhưng những cái này lại không cân đong đo đếm được. Và kết quả chúng ta làm ngày hôm nay có tốt hay không, mấy chục năm sau mới đánh giá được”, bà Lan chia sẻ. (Công an Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “Tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Trung thu”.

 

Tây Nguyên : Vẫn chưa thể dập tắt dứt điểm các ổ dịch bạch hầu

Toàn vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn một số ổ dịch bạch hầu chưa được dập tắt triệt để. Các tỉnh trong vùng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu cho người dân, ưu tiên bà con sống ở các huyện, thành phố đã xuất hiện ca mắc bệnh. Qua đó, hướng đến mục tiêu từ đây đến cuối năm 2020, Tây Nguyên về cơ bản dập tắt được dịch bạch hầu, phủ sóng hệ miễn dịch cộng đồng…

Còn ổ dịch trong khu dân cư

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng cho biết, tỉnh vừa có một học sinh lớp 12 ở xã Đạ M’Rông (huyện Đam Rông) mắc bạch hầu. Lực lượng y tế địa phương đã nhanh chóng tiến hành điều tra dịch tễ, lên danh sách 11 người tiếp xúc gần gồm bố mẹ, hai em ruột của bệnh nhân và 7 nhân viên y tế trong khu vực. Đây là ca bệnh bạch hầu thứ hai ở Lâm Đồng.

Đầu tháng 9, Gia Lai cũng phát hiện thêm 3 ca nhiễm bạch hầu mới ở huyện Chư Păh. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, cả 3 bệnh nhân đều có kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Gia Lai đã phối hợp với công an, dân quân tự vệ huyện thành lập các chốt kiểm soát tại các ổ dịch. Lực lượng chức năng tổ chức phun hoá chất khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân và các hộ dân xung quanh, đồng thời tổ chức khám sàng lọc để cách ly, điều trị dự phòng những trường hợp tiếp xúc gần.

Riêng tại Đắk Lắk, ngành Y tế tỉnh này vẫn đang khá vất vả để dập tắt một số ổ dịch ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Theo CDC Đắk Lắk, toàn tỉnh đã có đến 44 ca mắc bạch hầu phân bố ở khắp 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố (1 ca ở TP.Buôn Ma Thuột). Các ổ dịch khó kiểm soát nhất tập trung chủ yếu ở các huyện M’Đrắk, Krông Bông. Đáng chú ý, sau khi lực lượng y tế TP.Buôn Ma Thuột ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên ở xã Cư Êbur, đã qua nhiều ngày chưa phát hiện người mắc mới.

Hiện, toàn vùng Tây Nguyên chỉ có 2 tỉnh Đắk Nông và Kon Tum về cơ bản đã kiểm soát được dịch bạch hầu. Ông Võ Văn Thanh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum – cho hay, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 32 ổ dịch bạch hầu, hiện có 31 ổ dịch đã qua 14 ngày không xuất hiện ca bệnh bạch hầu mới. Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy, việc tiêm chủng vaccine đã tạo nên bước chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Kon Tum có 48 trường hợp dương tính bạch hầu tại 5 huyện/thành phố, cao hơn tổng số ca dương tính trong giai đoạn 2016 đến 2019.

Đắk Nông là địa phương đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên phát hiện các ca bệnh bạch hầu. Trong số 39 ca mắc bệnh, có 2 ca tử vong. Đến nay, ngành Y tế tỉnh này đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, gần 1 tháng qua không phát sinh thêm ca mắc mới. Đắk Nông cũng dự kiến sẽ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho hơn 660.000 người từ 2 tháng tuổi trở lên.

Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho dân

Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đặt mục tiêu từ đây đến cuối năm phải nỗ lực dập tắt hoàn toàn dịch bạch hầu. Dù ngành Y tế các địa phương đã dập tắt được một loạt ổ dịch lớn nhưng rồi nguy cơ bà con mắc bệnh vẫn còn cao nhất là đối với những người lớn tuổi chưa được tiêm vaccine phòng bệnh trước đó, hệ miễn dịch kém. Bên cạnh đó, đặc thù địa hình khu vực nhiều núi non, đường xá đi lại khó khăn cách trở nên ngành Y tế các tỉnh cần ưu tiên tiêm chủng trước cho người dân những ‘’vùng lõm’’.

Sở Y tế Đắk Lắk đã nhận hơn 110.000 liều vaccine Td từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để tiêm phòng cho người dân ở các xã xuất hiện ổ dịch. Ông Trịnh Quang Trí – Phó Giám đốc phụ trách (CDC) Đắk Lắk – nói rằng, tỉnh đang triển khai tiêm vaccine phòng bạch hầu trong toàn dân. Theo đó, lực lượng y tế ưu tiên tiêm chủng trước cho người dân ở các huyện Lắk, M’Đrắk, Krông Bông.

Kon Tum là tỉnh miền núi, đặc thù địa phương có tỉ lệ người dân tộc thiểu số lớn nên chính quyền và ngành Y tế đã truyền thông việc tiêm chủng bằng cách treo các pano áp phích bằng tiếng đồng bào để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin. Trong quần thể cư dân, một bộ phận người lớn tuổi không có miễn dịch với bạch hầu nên vẫn có nguy cơ tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới, ông Thanh bày tỏ.

Ông Viên Chinh Chiến – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên – nhận định, trong kế hoạch tiêm chủng 10 triệu liều vaccine phòng bạch hầu của Bộ Y tế ở Tây Nguyên sẽ có 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 2 của chiến dịch, đơn vị sẽ triển khai trên 3 triệu liều cho các tỉnh triển khai tiêm chủng cho bà con ở những huyện, thành phố có ca bệnh. Giai đoạn 3 sẽ cấp tiếp 6 triệu liều cho những đối tượng còn lại. Chỉ khi các tỉnh trong vùng hoàn tất chiến dịch tiêm chủng cho người dân, phủ sóng được miễn dịch cộng đồng, lúc đó, dịch bạch hầu mới được dập tắt gần như cơ bản. (Lao động, trang 4).

 

‘Mở cửa lại bầu trời’: Xét nghiệm COVID-19 ra sao?

heo Bộ Y tế, hiện đã có nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm thông báo mức phí 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm tại sân bay, tương đương mức phí bảo hiểm đang chi trả.

Theo dự kiến, khi Việt Nam “mở cửa lại bầu trời”, nối lại đường bay quốc tế với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia và Lào trong thời gian tới, dự kiến trong tháng 10 sẽ có khoảng 20.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam.

Điều quan trọng hiện nay là tổ chức xét nghiệm COVID-19, cách ly như thế nào để hành khách nhập cảnh không làm xuất hiện các ổ dịch mới. Đặc biệt, xét nghiệm và cách ly như thế nào để đảm bảo thuận tiện cho người mới nhập cảnh, chưa kể chi phí xét nghiệm ở mức chấp nhận được. Yêu cầu nhanh, rẻ, chính xác là một trong những mục tiêu của ngành y tế.

Đủ năng lực xét nghiệm

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, đã có 3 doanh nghiệp được mời cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại sân bay từ 15-9; một doanh nghiệp trong số này cho biết hoàn toàn đủ năng lực cung cấp dịch vụ tại tất cả các sân bay, cửa khẩu, trước mắt có thể trả 5.000 kết quả xét nghiệm COVID-19 sau mỗi giờ, 50.000 mẫu/ngày, sau này công ty có thể trả 250.000 kết quả/ngày.

Với năng lực này, giai đoạn đầu có 20.000 khách nhập cảnh/tuần công ty đáp ứng được ngay, chỉ cần sân bay cung cấp mặt bằng để lập phòng xét nghiệm, đặt tủ an toàn sinh học cấp 2. Về thời gian trả xét nghiệm, doanh nghiệp này cho biết tối đa sau 6 giờ khách nhập cảnh sẽ được trả kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tham gia dịch vụ này sẽ phải tham gia một cuộc đấu thầu tổ chức rộng rãi tới đây nhằm chọn nhà cung cấp có năng lực và có mức giá phù hợp nhất.

Rút ngắn thời gian cách ly

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – thứ trưởng Bộ Y tế, hiện đã có nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm thông báo mức phí 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm tại sân bay, tương đương mức phí bảo hiểm đang chi trả.

“Nhưng nếu cho phép áp dụng xét nghiệm bằng phương pháp trộn mẫu, chi phí xét nghiệm rẻ hơn thì mức phí cũng rẻ hơn” – ông Sơn cho biết. Phương pháp trộn mẫu là trộn 5 mẫu bệnh phẩm của 5 người vào xét nghiệm 1 lần.

Nhưng ngay trong thời gian trước mắt, cuối tuần trước các cơ quan chức năng đã họp và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề xuất một số phương án. Cụ thể với người nhập cảnh đến từ 6 thành phố/vùng lãnh thổ là Seoul (Hàn Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Campuchia và Lào, đề nghị rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 5-7 ngày với nhóm khách chuyên gia, doanh nghiệp đến làm ăn, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại (sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính), thay vì cách ly 14 ngày như hiện nay. Riêng công dân Việt Nam về nước vẫn cách ly 14 ngày như bình thường.

Với người đến từ các thành phố khác của các quốc gia kể trên, Bộ Y tế cũng đề xuất áp dụng phương án cách ly riêng, nhưng nếu hành khách đã di chuyển đến 6 thành phố/vùng lãnh thổ này 1 tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến Việt Nam thì áp dụng cách ly tương tự nhóm đến từ Tokyo, Quảng Châu, Đài Loan…

Bên cạnh đó, hành khách cũng phải áp dụng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không đến nơi đông người… (Tuổi trẻ, trang 14).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 1: “Kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế: Hàng không đã sẵn sàng chỉ còn chờ cơ quan y tế”.

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận