Thần tốc hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine Covid-19
Chiều 16-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp cụ thể nhằm giảm số ca chuyển nặng, tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 15-12, cả nước ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh, 28.500 ca tử vong. Đến ngày 14-12, Việt Nam đã tiêm được trên 135 triệu mũi vaccine. Bộ Y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu về thuốc điều trị. Ban chỉ đạo nhận định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều nơi… Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất – kinh doanh theo hướng an toàn Covid-19. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân”. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine, điều trị và thuốc điều trị và nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khi đó ở trong nước một số tỉnh, số ca tử vong chưa kiểm soát được. Khi vấn đề y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được quán triệt, tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc, nên khi diễn biến phức tạp sẽ bị lúng túng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, thực chất để quyết liệt, ngăn chặn các ca mắc trong cộng đồng, nhất là các ca chuyển nặng, kiểm soát bằng được các ca tử vong. Thủ tướng yêu cầu phải thần tốc thực hiện kế hoạch tiêm vaccine, phấn đấu đến 31-12-2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đến hết tháng 1-2022 tiêm đủ 2 mũi cho người 12-18 tuổi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, diễn biến tình hình còn phức tạp; biến thể Omicron theo dự báo cho thấy tốc độ lây lan nhanh hơn Delta, nên không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải bám sát tình hình, sớm phát hiện biến thể mới xâm nhập nước ta. Mục tiêu phải rất rõ ràng: kiểm soát được tình hình, tức là hạn chế tối đa lây nhiễm cho cộng đồng, giảm tối đa ca chuyển nặng, ca tử vong. Các địa phương có nhiều ca mắc và ca chuyển nặng phải thành lập các trạm xá lưu động để thu dung, điều trị kịp thời. Những địa phương có dịch diễn biến phức tạp, quá năng lực đáp ứng, phải khẩn trương báo cáo Trung ương để được chi viện kịp thời.
Thủ tướng cũng đề nghị huy động bác sĩ về hưu, hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác điều trị người mắc, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách của việc này. Tăng cường năng lực y tế cơ sở và y tế dự phòng; hướng dẫn, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn phát hiện sớm, sàng lọc, điều trị F0 tại nhà; những nơi xuất hiện nhiều ca mắc, diễn biến phức tạp, dứt khoát phải lập trạm xá lưu động. Các tỉnh thành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, bảo đảm sản xuất – kinh doanh (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tiền phong, trang 4).
Không để ‘đứt gãy’ oxy y tế
Oxy lỏng dùng trong y tế không thể thiếu với các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tầng 3 điều trị bệnh nhân hồi sức nặng. Tại TP.HCM, khi COVID-19 bùng phát hàng loạt, bồn oxy được thiết lập tại các bệnh viện dã chiến…
Tuy vậy, nguồn cung oxy cho bệnh nhân mắc COVID-19 cần hồi sức tại một số bệnh viện dã chiến ở TP.HCM được dự báo thiếu hụt trong thời gian tới khi số ca mắc gia tăng, trong khi một số đơn vị sản xuất oxy lại chuyển qua phục vụ sản xuất công nghiệp. Tìm nguồn cung oxy lỏng
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một nhân viên điều phối khí y tế tại một bệnh viện dã chiến ở TP.HCM cho biết có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung oxy.
Đơn cử bệnh viện nơi nhân viên này làm việc vừa nhận được thư “ngưng cung cấp oxy lỏng” từ phía doanh nghiệp cung ứng. Mặc dù vẫn còn một ít oxy lỏng dự trữ trong bồn nhưng chỉ đủ sử dụng tối đa 2-3 ngày, bệnh viện đang phải tìm nguồn cung khác dự phòng cho những ngày sắp tới.
“Trung bình một ngày bệnh viện cần 3-4 tấn oxy lỏng để phục vụ trên 200 bệnh nhân hồi sức hoặc bệnh nặng” – nhân viên này nói.
Từ cuối tháng 11, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, các giường bệnh từ hồi sức bệnh nặng, trung bình, nhẹ đến cấp cứu bắt đầu rơi vào cảnh kín bệnh nhân trở lại. PGS.TS Lê Đình Thanh – giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, đơn vị phụ trách tầng 3 (hồi sức) – cho biết hiện nguồn oxy lỏng phục vụ nhu cầu của bệnh nhân hồi sức tại bệnh viện dã chiến đang báo động.
“Các công ty cung ứng oxy đang khá đuối, khó có thể hỗ trợ” – ông nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đã nắm được thông tin nêu trên và đang làm việc với các công ty cung ứng oxy lỏng. Vấn đề hiện nay, theo vị này, không phải là thiếu bình chứa oxy mà khả năng sắp tới sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp oxy lỏng châm vào các bồn chứa đã được thiết lập tại các bệnh viện.
Lý giải về nguy cơ thiếu nguồn oxy lỏng, theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, từ trước tới nay chỉ có Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ que hàn (Sovigaz) chuyên cung cấp oxy y tế. Trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua tại TP.HCM có 7 công ty, vốn sản xuất oxy công nghiệp, đã cùng chung tay tham gia sản xuất cung ứng oxy y tế nên cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên khi mở cửa trở lại, các công ty này trở lại sản xuất bình thường phục vụ các nhu cầu khác, chỉ còn vài công ty sản xuất oxy lỏng cho y tế sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu nếu toàn khu vực phía Nam dịch bệnh còn phức tạp.
Bồn chứa chờ oxy
Theo tìm hiểu, để có đủ nguồn cung ứng oxy cho điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, từ giữa tháng 8-2021 UBND TP.HCM đã giao các đơn vị đặt mua bổ sung 10 bồn oxy lỏng (mỗi bồn 10 tấn) trong các bệnh viện. Kế hoạch này được Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp phối hợp với các đơn vị đầu tư, tăng cường lắp đặt hệ thống oxy cho các giường điều trị, đảm bảo quy mô 15.000 giường có gọng thở oxy.
Thời điểm này, Sở Xây dựng được giao phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính làm việc với các đơn vị cung cấp oxy như Công ty TNHH oxy Đồng Nai, Công ty Sovigaz, Công ty cổ phần Nippon Sanso Việt Nam và Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam để thống nhất cam kết thực hiện hợp đồng cung cấp oxy cho các bệnh viện.
Ngoài ra, TP.HCM cũng thống nhất chủ trương sử dụng bồn oxy lỏng dung tích lớn do Công ty TNHH oxy Đồng Nai cung cấp (ngoài các bồn oxy lỏng 1 tấn đã lắp đặt). Theo số liệu cập nhật tính đến đầu tháng 9-2021, TP.HCM đã lắp đặt tổng số 114 bồn oxy lỏng các loại, đồng thời vận hành hệ thống oxy với khoảng 10.000 chai.
Để thử tìm mua oxy lỏng, chiều 16-12 chúng tôi liên hệ với một công ty cung ứng tại Đồng Nai, nhân viên phụ trách kinh doanh nói: “Hiện oxy lỏng ngoài thị trường đang rất khan hiếm, các công ty đều đứng hình”.
Ngoài nguồn cung hạn chế, theo nhân viên này, giá oxy lỏng cũng tăng theo. Nếu như trước đây chỉ khoảng 5.000 đồng/kg oxy lỏng, trong hai ngày nay giá oxy lỏng tăng vọt lên đến 10.000 đồng/kg.
Theo nhân viên này, hiện tại đơn vị đang ưu tiên những bệnh viện mà công ty bỏ thầu, ngoài ra có thể cung ứng cho một số bệnh viện ở khu vực TP.HCM, nếu đảm bảo các hồ sơ, thủ tục, giá cả.
“Từ trước tới nay khí y tế sử dụng không nhiều, vì thế lượng sản xuất để cho ra khí y tế của chúng tôi rất hạn chế, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của ngày thường, còn khi dịch bùng phát như thế này trở tay không kịp” – nhân viên này nói.
Liên hệ số điện thoại của Công ty Sovigaz, đơn vị cung ứng nguồn oxy lớn cho các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TP.HCM, một nhân viên cho hay hiện công suất sản xuất oxy lỏng của công ty đang quá tải và chỉ nhận ưu tiên cung ứng cho các bệnh viện đã ký hợp đồng.
“Công suất máy móc hạn chế, nguồn cung hạn chế, bây giờ các bệnh viện liên hệ rất nhiều nhưng không thể đáp ứng” – nhân viên này nói.
Còn một đại diện phụ trách kinh doanh của công ty này cho biết việc cung ứng oxy lỏng cho các bệnh viện đang “rất căng”.
“Hiện trong kho của công ty có được đợt nào ra là chuyển đi cấp ngay cho các bệnh viện. Tình trạng này cũng đã được công ty báo cáo lên các sở, ban ngành của TP.HCM và Bộ Y tế” – vị này nói.
Như vậy, trước đây khi cao điểm có oxy thì thiếu bồn chứa oxy. Hiện nay, theo các nhà sản xuất cũng như các bệnh viện, điều ngược lại có thể xảy ra khi có bồn chứa nhưng chưa chắc có đủ nguồn oxy để chứa.
TP.HCM trang bị 10.000 giường oxy
Bên cạnh một số bệnh viện có nguy cơ thiếu hụt oxy lỏng, vẫn có các bệnh viện như Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức, Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện dã chiến số 16 cho biết “hiện chưa thiếu oxy lỏng”.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói thêm hiện tại TP có khoảng 10.000 giường oxy được thiết kế, trong khi số bệnh nhân cần phải thở oxy tại các bệnh viện hiện khoảng 3.000 giường (Tuổi trẻ, trang 2).
Cần Thơ: tạm thời đi mượn… oxy
Theo thông tin từ Sở Y tế TP Cần Thơ, hiện nay tổng số bệnh nhân COVID-19 đang được theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên 2.400 trường hợp. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ hiện đang có 343 bệnh nhân, trong đó có 80 bệnh nhân ở tầng 2 và 197 bệnh nhân ở tầng 3 (nặng).
Bác sĩ Trần Quốc Luận – giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ – cho biết hiện tại lượng oxy cung cấp cho bệnh viện khá hạn chế. Tuy nhiên bệnh viện đang tranh thủ mượn, nhờ hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng tạm đảm bảo nhu cầu sử dụng.
Về lâu dài bệnh viện đang xin hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, đã làm công văn gửi Sở Y tế xin thêm oxy lỏng và bình oxy cũng như tranh thủ tìm thêm nguồn xã hội hóa bên ngoài.
Ông Cao Hoàng Anh – phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ – dự báo sắp tới sẽ thiếu hụt nguồn oxy do công ty cung cấp nguồn oxy cho TP Cần Thơ đã gửi công văn về việc xin giảm nguồn cung, không đáp ứng được. Vì thế, Sở Y tế đang có công văn đề nghị đơn vị cung cấp phải cung cấp đủ theo hợp đồng trúng thầu (vì hiện nay mới cung cấp được khoảng 2/3 hợp đồng).
Đồng thời, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn xin UBND TP, Bộ Y tế tìm nguồn cung cấp oxy khác để hỗ trợ thêm cho ngành y tế Cần Thơ (Tuổi trẻ, trang 2).
Bộ Y tế đề nghị tăng cường sản xuất oxy y tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-12, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Lợi cho biết hiện các vụ, cục chức năng đã có văn bản trình Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký, đề nghị các nhà sản xuất chuyển một phần công năng sản xuất oxy công nghiệp sang oxy y tế.
Các địa phương phải có biện pháp ứng phó
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã công bố kết quả khảo sát thực trạng cung cấp oxy y tế và thiết bị chăm sóc hô hấp cho người bệnh. Theo báo cáo khảo sát, có 60% ca nhiễm COVID-19 diễn biến nặng phải sử dụng oxy y tế để hỗ trợ hô hấp.
Như thời điểm hiện nay, số bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy khoảng 7.300 người. Ngoài thuốc điều trị, oxy đóng vai trò rất quan trọng trong giảm ca tử vong.
Trong khi đó, khảo sát này cho biết đang có khoảng trống về năng lực cấp cứu, đặc biệt là ở tuyến huyện, tổng năng lực sản xuất oxy lỏng là 1.400 tấn/ngày. Mạng lưới cung cấp bình để chứa oxy có 190 nhà cung cấp ở 55 tỉnh thành, tức là còn 8 tỉnh thành ở Tây Bắc, ĐBSCL không có nhà cung cấp bình khí oxy.
Ở thời điểm khảo sát, ông Trần Văn Thuấn cho biết đủ oxy cung cấp cho bệnh nhân, nhưng “khi dịch bùng phát mạnh hơn thì các địa phương phải có biện pháp ứng phó cần thiết, đặc biệt chuyển công năng sản xuất oxy phục vụ công nghiệp sang oxy y tế”. Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ điều phối oxy y tế, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế…
Tổ điều phối oxy hoạt động ra sao?
Từ đầu tháng 8-2021, Bộ Y tế quyết định thành lập tổ công tác điều phối oxy y tế và tổ công tác điều phối máy thở điều trị người bệnh COVID-19 toàn quốc.
Theo đó, tổ công tác điều phối oxy y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn làm tổ trưởng, có nhiệm vụ rà soát thực trạng, cập nhật tình hình sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc; phối hợp với các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế để tổng hợp năng lực sản xuất oxy y tế của các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp trên toàn quốc; phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương, sở y tế các tỉnh, TP để điều phối công tác cung ứng oxy y tế phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19; tổng hợp thông tin về thực trạng sử dụng các thiết bị chăm sóc hô hấp.
Đồng thời, tổ chức kết nối, trao đổi thông tin giữa các bệnh viện, cơ sở y tế với nhà sản xuất, nhà cung cấp oxy y tế để đáp ứng cung cấp oxy phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 và cho công tác quản trị hệ thống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng quản lý, theo dõi, điều hành công tác sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc; báo cáo tiến độ, tình hình triển khai hoạt động theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Y tế.
Nửa tháng sau, TP.HCM cũng thành lập trung tâm điều phối, đầu tư cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại hệ thống cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn. Trung tâm này có nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi, điều phối giường bệnh, bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên địa bàn.
Bên cạnh đó điều phối sẽ bố trí oxy cho các giường bệnh tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp giữa các tầng điều trị (Tuổi trẻ, trang 2).
Dịch diễn biến nhanh: Nhiều biện pháp ứng phó
Hôm qua, Bộ Y tế cho biết đang áp dụng nhiều biện pháp ứng phó COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc trong cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương, nguồn cung ôxy y tế đang thiếu hụt.
Bộ Y tế cho biết, trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 tính đến ngày 16/12, cả nước ghi nhận hơn 1,4 triệu ca mắc, gần 29.000 ca tử vong.
Hỗ trợ thuốc, nhân lực, thiết bị y tế
Trước diễn biến ca bệnh tăng nhanh ở các địa phương, Bộ Y tế đã điều động 16 bệnh viện trung ương hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lí có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam có số ca nặng và tử vong cao. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang đều đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp phát bổ sung thuốc kháng virus Molnupiravir, thuốc điều trị Remdesivir… Một số tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy thở HFNC, duy trì và hỗ trợ thêm về nhân lực y tế hồi sức cấp cứu…
Đối với đề xuất của các địa phương về thuốc điều trị, máy thở, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giao Cục Quản lí Khám chữa bệnh trao đổi, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan để điều phối, cấp phát ngay cho các địa phương. Riêng thuốc Molnupiravir, các địa phương gửi báo cáo đề xuất nhu cầu về Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế). Các địa phương khi nhận được thuốc phải sử dụng hiệu quả, hợp lí và có phương án cụ thể để sẵn sàng chuyển đến cho F0 điều trị tại nhà và cộng đồng.
Ông Sơn cho hay, số lượng ca mắc COVID-19 tại các địa phương phía Nam tiếp tục tăng, do đó việc theo dõi, quản lí F0 tại nhà phải có trọng tâm, trọng điểm. Thực tế cho thấy, phần lớn ca tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam là người trên 50 tuổi có bệnh nền và đa số chưa tiêm vắc xin. “Vì thế, cùng với tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực của các Trung tâm hồi sức điều trị người bệnh COVID-19, các tỉnh, thành phố phía Nam còn cần phải tăng cường quản lí người trên 50 tuổi có bệnh nền để giám sát chủ động, rà soát tiêm vắc xin, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đến điểm tiêm”, ông nói.
Đánh giá nguyên nhân tử vong
Trước thực trạng lực lượng chuyên môn y tế đang thiếu trong khi số F0 gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị giám đốc Sở Y tế các địa phương tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, thành phố chỉ sử dụng lực lượng y tế cho chuyên môn y tế, lực lượng khác như đoàn thanh niên… hỗ trợ làm việc hành chính. “Có như thế mới tạo nên sự phân bố nhân lực hợp lí. Đồng thời, các tỉnh, thành cũng cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với lực lượng tham gia phòng chống dịch”, ông Sơn nói. Ông đồng thời lưu ý, tại tầng điều trị 3 phải giám sát các trường hợp tử vong, đánh giá nguyên nhân để có khuyến cáo phù hợp với các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong điều trị, chủ động thực hiện mô hình “bệnh viện chị em”, giữa bệnh viện tầng 3 với các tầng dưới phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt trong hội chẩn, chuyển tuyến bệnh nhân COVID-19 nặng phù hợp, kịp thời.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, như thường xuyên rà soát cập nhật các cấp độ dịch bám sát thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết, tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách li F1 tại nhà, nơi lưu trú; truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để 5K. Đặc biệt, truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân” và các biện pháp khác… Các Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lí F0 tại cộng đồng.
Thiếu hụt nguồn cung ôxy
Bộ Y tế nhận định, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc nói chung và tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực miền Tây đang có chiều hướng bùng phát, gia tăng mạnh. Theo phản ánh của một số Sở Y tế (Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang…) và một số nhà cung ứng ôxy lớn trong khu vực, đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ôxy y tế từ các nhà sản xuất. Lí do là vì đã tập trung trở lại cung ứng cho các ngành công nghiệp, ngành sản xuất.
Vì thế, Bộ Y tế đặc biệt đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối ôxy y tế tại Việt Nam cam kết, tập trung ưu tiên nguồn sản xuất, cung ứng ôxy y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cứu chữa người bệnh COVID-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng hiện nay. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức phối hợp, rà soát thực hiện, không để chậm trễ trong sản xuất, cung ứng, phân phối ôxy y tế (Tiền phong, trang 5).
TPHCM có hơn 173.000 người ở thuộc nhóm nguy cơ cần bảo vệ
Chiều 16-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh.
Thông tin tại buổi họp báo, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 15-12, có 491.068 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 490.476 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 592 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 11.574 bệnh nhân (trong đó có 370 trẻ em dưới 16 tuổi, 505 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO).
Trong ngày 15-12 có 1.065 bệnh nhân nhập viện, 1.011 bệnh nhân xuất viện, 65 trường hợp tử vong. Đến nay, thành phố đã tiêm 7.950.886 mũi 1, 6.897.284 mũi 2, 10.025 mũi bổ sung và 23.438 mũi nhắc lại.
Sau 2 tháng mở cửa trở lại, TPHCM duy trì dịch ở mức độ 2 nhiều tuần liên tiếp; tuy nhiên, địa bàn vẫn là nơi có số lượng F0 mới và tử vong cao nhất cả nước. Số F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus.
Theo Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, từ ngày 13-12 đến nay, các trường học trên địa bàn phát hiện 8 trường hợp F0; trong đó có 6 học sinh và 2 giáo viên và việc xuất hiện các ca F0 trong trường học đã được xử lý đúng kịch bản.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, sau 1 tuần triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, ngành y tế vẫn đang trong quá trình rà soát, xét nghiệm, tiêm vaccine và tư vấn, can thiệp kịp thời. Đến nay, ghi nhận 173.500 người ở thuộc nhóm nguy cơ cần bảo vệ. Trong đó, 140.000 người có bệnh lý nền, còn lại là người trên 65 tuổi.
Từ lúc TPHCM triển khai kế hoạch chủ động ứng phó với biến thể mới Omicron, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, ngành y tế ghi nhận 45 mẫu dương tính và đều đưa đi giải trình tự gene; trong đó, 28 mẫu chủng Delta, số còn lại chưa có kết quả. “TPHCM vẫn chưa ghi nhận người nhiễm chủng Omicron xuất hiện”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm thông tin.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế đã lấy hơn 17.000 mẫu xét nghiệm trong 1 tuần triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Kết quả tầm soát phát hiện 187 mẫu dương tính, tỷ lệ 1,1%. Với các trường hợp dương tính, ngành y tế có 2 biện pháp xử lý. Người muốn điều trị tại nhà là 52 trường hợp, được thăm khám, phát thuốc Molnupiravir. Đối với các trường hợp muốn nhập viện, ngành y tế bố trí điều trị tại tầng 2-3 (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
COVID-19, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn: Những điều khác biệt
“Các bác tập thể dục vui nhé, nhưng nhớ tuân thủ quy định giúp chúng cháu”, nam bác sĩ vui vẻ nói với sang phía hành lang đối diện, nơi một số bệnh nhân lớn tuổi đang thực hiện các động tác yoga đơn giản. Dọc hành lang được sơn vạch kẻ đỏ báo hiệu khu dành cho các F0. Không khí nhẹ nhàng, cảm giác như đang ở nơi an dưỡng chứ không phải bệnh viện điều trị toàn bệnh nhân COVID-19…
Từ chuyển động Brown
Xe cứu thương tiến vào cổng, không còi hụ, không ồn ào, thoắt cái, bóng nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ bước khỏi xe, trao đổi ngắn gọn với bác sĩ đã đứng đợi. Cụ bà hơn 80 tuổi, mắc COVID-19 kèm bệnh lí nền đái tháo đường, thở mặt nạ ô xy nhanh chóng được vào khu vực hồi sức tích cực (ICU).
Âm thanh dễ nhận ra nhất phát ra từ hệ thống máy móc hỗ trợ sự sống. 20 bệnh nhân nặng, người thở máy người thở HFNC, người thở ô xy mask. Những bóng áo bảo hộ trắng di chuyển liên tục giữa các giường bệnh. Tôi nhận thấy một người đàn ông đứng lặng lẽ bên ngoài cửa kính, quan sát chăm chú nhất cử nhất động của những người trong phòng bệnh. Hiểu thắc mắc của tôi, một bác sĩ bảo: “Đó là nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, anh ấy sẽ theo dõi mọi thao tác của các nhân viên y tế. Một số trường hợp không tuân thủ quy trình có thể bị nhắc nhở ngay, thậm chí thay ra như cầu thủ bóng đá nếu không tuân thủ chiến thuật của huấn luyện viên”.
Bước vào phòng điều trị bệnh nhân nặng, không bị cảm giác ngột ngạt như thường thấy ở những khoa hồi sức tích cực. Giữa các giường bệnh được bố trí vách ngăn để tạo không gian riêng tư cho bệnh nhân. Nhưng lớp ngăn đó được lắp một khoảng kính ở phần trên giúp nhân viên y tế có thể quan sát được nhiều bệnh nhân cùng lúc. Không khí khá thoáng, ánh nắng chiếu qua cửa sổ rộng làm không gian phòng bệnh trở nên bớt lạnh lẽo. Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Nguyễn Thị Thu Phương nói: “Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ nhưng không bị nóng vì ở các phòng bệnh được bố trí điều hòa, có hệ thống tia cực tím giúp khử khuẩn, tránh virus lây lan, nhờ đó công suất làm việc cũng tăng theo”.
Bốn bác sĩ và điều dưỡng ở trong phòng trực tiếp theo dõi người bệnh. Nhìn họ đi lại như con thoi giữa các giường khiến người ngoại đạo như tôi chóng mặt. Phương cười bảo “mỗi ngày đi lại trong buồng bệnh không khác thể dục, ở đây không ai béo được vì đi như chạy”. Vừa nói cô vừa kiểm tra lại chỉ số sinh tồn của cụ ông đang thở máy. Khác với nhiều bệnh viện tôi đã từng đến tác nghiệp, ở đây trong phòng bệnh bố trí nhiều máy bộ đàm. Cần trao đổi gì những bác sĩ, điều dưỡng trong phòng bệnh nhân nặng sẽ gọi ra phòng trực cách một lớp cửa kính. Khi có tình huống khẩn cấp họ sẽ nhanh như chớp vào buồng hỗ trợ đồng nghiệp. Nhìn họ, có cảm giác như mình đang được tận mắt thấy chuyển động Brown trong phòng thí nghiệm vật lí. Ở đó, những dòng, những hạt phân tử không ngừng lao về các phía. Họ, những y bác sĩ không ngừng nghỉ, tất cả theo thao tác chính xác, nhanh chóng, không được phép lơ là, chậm trễ, bởi mỗi hơi thở mệt mỏi trì kéo họ thì cũng có nghĩa nhịp sống nơi bệnh nhân đang cần họ tiếp sức, sẽ tụt xuống…
Đến hiệu ứng đi ngược số đông
Số ca nặng nhập viện tăng, vất vả đang đè dần thêm lên những người khoác áo blouse nơi đây. Đã gần 4 tháng nay, bệnh viện này là nơi tiếp nhận F0 trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Nằm riêng biệt giữa vùng đất khá rộng, khuôn viên thoáng đãng, những khu nhà đều tăm tắp, màu sắc hài hòa, thiết kế thanh thoát. Nếu không có tấm bảng ghi tên bệnh viện thì ít ai nghĩ nơi đây đang điều trị cho hàng trăm bệnh nhân COVID-19. PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) dẫn tôi đi tham quan từng khu vực. Mọi thứ được bài trí khoa học. Mọi dịch chuyển đều theo hướng một chiều để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Ban đầu khi thiết kế bệnh viện này Ban Giám đốc hướng đến điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch với 500 giường bệnh, cao điểm có thể tiếp nhận 700 ca. Những ngày gần đây số ca mắc mới tại Hà Nội tăng liên tục. Để giảm áp lực cho các cơ sở y tế thủ đô, lãnh đạo Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 tiếp nhận cả bệnh nhân nhẹ. “Mặc dù chuyển đổi mô hình, nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên điều trị bệnh nhân nặng”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói. Bệnh viện được chia thành nhiều khu, đang chăm sóc cho hơn 200 F0. Trong đó khoảng 20% là bệnh nhân nặng. Số còn lại là những trường hợp nhẹ và không triệu chứng.
Điểm đặc biệt ấn tượng là những nhân viên y tế ở đây sau khi hết ca chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch vẫn được trở về nhà trong ngày mà không cần cách li như nhiều bệnh viện khác. Có được điều này cũng là quyết định cân não của lãnh đạo bệnh viện. Đi ngược với số đông thì phải có minh chứng chắc chắn mới thuyết phục được mọi người. Để làm được điều đó, bệnh viện đề ra quy trình kiểm soát chặt chẽ, tôn trọng kỉ luật lao động, thường xuyên kiểm tra, đánh giá nguy cơ để phân loại. “Mỗi tuần nhân viên y tế được test COVID-19 hai lần. Hằng ngày, sau giờ làm việc, các nhân viên tự đánh giá mức độ an toàn của mình cũng như có đội ngũ kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát”, điều dưỡng trưởng khu vực ICU Trần Xuân Ngọc, người vừa thực hiện xét nghiệm nhanh sau ca trực chia sẻ. “Cho đến bây giờ chúng tôi hiểu những biện pháp đang áp dụng phát huy hiệu quả rất tốt. Đặc biệt, chúng tôi đầu tư kĩ lưỡng cho kiểm soát nhiễm khuẩn”, TS Hải bộc bạch. Đến nay sau gần 4 tháng hoạt động chưa có một nhân viên nào nhiễm hay nghi ngờ nhiễm COVID-19. Điều đó giúp cho tinh thần mọi người được an tâm để hết lòng phục vụ người bệnh.
Vài ba trẻ khoảng 4-5 tuổi đang chơi đùa ở khu vực sảnh khá rộng, bao quanh là những căn hộ cửa đóng kín. Ngó chừng thấy tôi ngạc nhiên, TS. Hải cười đầy bí ẩn: “Bạn sẽ thấy ở đây những điều đặc biệt”. Bản tính tò mò nổi lên, tôi với tay nắm cửa, định mở ra để bước vào chỗ lũ trẻ. “Đừng!”. Khựng lại giây lát khi hiệu lệnh phát ra từ bác sĩ Hải, tôi dừng lại. “Phòng gia đình F0 đấy”, TS Hải cười nhẹ. Quả là bất ngờ. Vốn đi nhiều bệnh viện, nhiều cơ sở cách li F0, nhưng chưa ở đâu tôi thấy những căn phòng nhỏ xinh dành cho cả gia đình người mắc COVID-19 như ở đây. Người Việt Nam vốn mang nét văn hóa gia đình, văn hóa quần tụ. Trong đại dịch dữ dội này, mỗi giây phút người bệnh được ở bên gia đình trở thành liều thuốc tinh thần quan trọng.
Lòng tôi chợt rộn lên. Những bất ngờ từ đây, không đơn thuần là thuốc men, sự nhiệt tình và trí tuệ của y bác sĩ, mà cách họ linh hoạt trong khám chữa bệnh đã khiến kẻ ngoài cuộc như mình thấy ấm áp, tự tin (Tiền phong, trang 8).
Đình chỉ Giám đốc CDC Hải Dương phục vụ điều tra
Nguồn tin của Tiền Phong được biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an vừa mời ông Phạm Duy Tuyến – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương để làm việc, phục vụ công tác điều tra liên quan một chuyên án.
Trước đó, đầu tháng 12, tổ công tác thuộc Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP Hải Dương tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Tuyến tại CDC tỉnh Hải Dương.
Trao đổi với Tiền Phong sáng 16/12, một lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương cho biết, đơn vị đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương.
Ông Tuyến bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra về dấu hiệu vi phạm trong việc mua sắm vật tư y tế, do C03 – Bộ Công an đang điều tra, xác minh.
Trong quá trình ông Phạm Duy Tuyến làm việc với cơ quan điều tra, Sở Y tế Hải Dương cũng đã bố trí người điều hành công việc tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh.
Theo đó, ông Phạm Mạnh Cường – Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã quyết định giao ông Nguyễn Phúc Thiện – Phó giám đốc CDC Hải Dương thay ông Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương điều hành hoạt động CDC Hải Dương từ ngày 13/12 cho đến khi kết thúc việc điều tra, xác minh của C03 – Bộ Công an (Tiền phong, trang 8).
Cần thêm nhiều chính sách động viên, giữ chân nhân viên y tế
Nhiều bạn đọc cho rằng trong 2 năm dịch bệnh Covid- 19 hoành hành, chính sách với nhân viên y tế đã có những thay đổi, nhưng vẫn chưa tương xứng công sức lực lượng này cống hiến.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, sức chống chịu của lực lượng y tế tpHCM đẩy lên cao độ. Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, năm nay số lượng nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc khoảng 1.000 người, gấp đôi năm ngoái.
Tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), mới đây có 16 y, bác sĩ (BS) tuyến thành phố nộp đơn xin nghỉ. Từ năm 2019 đến cuối tháng 11.2021, tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) có 70 viên chức (gồm 48 BS) xin thôi việc, trong đó có 32 BS trình độ sau đại học, đặc biệt trong số người nghỉ có 1 phó giám đốc bệnh viện…
Động viên tinh thần thôi, chưa đủ!
Theo nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên, thu nhập của nhân viên y tế ở TP.HCM vốn đã thấp, gần 8 tháng dịch bệnh chưa nghỉ ngày nào, nên đối diện dịch bệnh còn phức tạp, nhiều nhân viên y tế bị dao động.
“Làm việc trong ngành y tế với đặc thù công việc áp lực cao, thu nhập giảm sút, trải qua những đợt dịch Covid-19 căng thẳng và đó là lý do nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng nhiều”, BĐ Thanhvan phân tích.
Tương tự, BĐ nguyenkhanhnho3 chia sẻ: “Hãy nhìn vào thực tế là họ vẫn tiếp tục xin nghỉ việc, nguyên nhân là tiền lương quá ít so với công sức họ bỏ ra… Lúc đầu họ cố gắng ở lại vì hy vọng được nhận số tiền tương ứng công sức, nhưng thực tế không như vậy. Trong khi tình hình dịch thì vẫn kéo dài và phức tạp chưa biết đến khi nào…”.
“Trong điều kiện bình thường, nhiều nhân viên y tế vẫn trụ được với công việc. Tuy nhiên, khi xảy ra đại dịch, khó khăn vượt sức chịu đựng của nhiều người. Họ muốn cống hiến, nhưng cũng phải lo nuôi sống gia đình, con cái… Vì thế, việc nhân viên y tế nếu có nghỉ vì áp lực cũng nên được chia sẻ”, BĐ Nguyen Quang viết.
Còn BĐ Phu Luu Huu nêu quan điểm: “Bản thân tôi là người sát cánh cùng lực lượng y tế trong phòng chống dịch, tôi thấu hiểu những áp lực, vất vả, nguy cơ mà cán bộ, nhân viên y tế phải đối mặt. Họ phải làm việc xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, không được nghỉ ngơi, có lúc phải làm việc đến kiệt sức vì lực lượng mỏng, dịch bệnh thì phức tạp mà công việc của họ thì không ai làm thay được.
Trong khi đó, nguy cơ bị nhiễm bệnh luôn thường trực, nhiều người không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho người thân. Có đi cùng với họ mới thấy xót vô cùng. Cũng cố động viên tinh thần để họ có thêm nghị lực tiếp tục chiến đấu, nhưng chỉ tinh thần thôi thì không đủ. Thiết nghĩ nhà nước cùng các địa phương cần phải có sự đãi ngộ, hỗ trợ kịp thời bằng chế độ cụ thể, dẫu không thể nào thỏa đáng nhưng ít nhất họ cũng cảm thấy được quan tâm, chia sẻ để họ yên tâm có động lực tiếp tục cống hiến, chiến đấu vì cuộc chiến chống dịch này chưa biết bao giờ mới kết thúc”. Vận dụng linh hoạt các chính sách đãi ngộ
BĐ PQH đặt vấn đề: “Có thực mới vực được đạo. Chế độ làm việc ngoài giờ đã có, sao không vận dụng triệt để cho ngành y. Có thể ngân sách gánh thêm chút ít, nhưng bảo toàn lực lượng tuyến đầu chống dịch là cực kỳ quan trọng để vượt qua đại dịch. Chúng ta hãy mặc thử bộ quần áo chống dịch trong 1 ngày sẽ thấy thương cho đội ngũ này”.
Rất nhiều BĐ đồng tình cần thay đổi chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân viên y tế. “Trong thời gian chiến đấu với dịch bệnh vất vả, khổ cực, nếu muốn giữ nhân sự lại thì ngoài lương ra phải bồi dưỡng, thưởng xứng đáng, chứ động viên tinh thần bằng miệng không cũng khó giữ họ ở lại lắm”, BĐ Viet Dung đề đạt. Tương tự, BĐ truc.nguyen viết: “Động viên chưa đủ, vấn đề chính là tăng lương cho phù hợp, vì họ quá áp lực, mà lương bù lại không xứng đáng những gì họ đã cống hiến. Thực tế hợp lý sẽ níu chân họ được”.
“Theo tôi nên lập quỹ Vì tuyến đầu chống dịch như quỹ vắc xinn, để có nguồn lực tiếp sức cho lực lượng y tế đang bám trụ. Sau nữa là tăng thuế vào các ngành ăn chơi, tụ tập, lấy nguồn thuế này làm chi phí cho nhân viên y tế đang chiến đấu chống dịch”, BĐ Tran Hung đề xuất giải pháp (Thanh niên, trang 9).