Điểm báo ngày 17/9/2019

(CDC Hà Nam)
Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm tại Công ty Helix và VN Pharma: Cấp phép sai 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital; TPHCM hụt quỹ bảo hiểm y tế 1.800 tỷ đồng; Tránh lây nhiễm vi khuẩn “ăn thịt” người; Bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Bắc Ninh bị sốc nhiệt, cực kỳ “may mắn” mới sống sót

Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm tại Công ty Helix và VN Pharma: Cấp phép sai 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Công ty Helix và VN Pharma đồng thời chuyển kết luận thanh tra sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Cơ quan An ninh điều tra.

Ngày 16.9, Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận Thanh tra về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuộc của Cty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Cty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp cho các bệnh viện của Cty Cổ phần VN Pharma.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký cho 10 thuốc của Công ty Helix có nhiều sai phạm. Cụ thể, cấp số đăng ký với 7 lô thuốc, thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100 đến 150 ngày là vi phạm khoản 1, Điều 32 Thông tư 22/2009/TT-BYT; Biên bản thẩm định chỉ ghi tuần thẩm định, không ghi ngày thẩm định lần đầu. Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm và các thành viên tổ chuyên gia thẩm định.

Về việc thẩm định, cấp phép nhập khẩu với 3 lô thuốc, thời hạn xét duyệt, cấp phép nhập khẩu 3 thuốc chậm từ 28 tới 60 ngày là vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 11 Thông tư 47/2010/TT-BYT. Trách nhiệm về vi phạm này thuộc các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định. Về việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Cty Helix năm 2014, thời hạn xét duyệt cấp giấy phép hoạt động chậm 53 ngày, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 1 Thông tư 47/2011/TT-BYT; các thành viên tổ chuyên gia không ghi ngày, tháng, năm thẩm định.

Trưởng tiểu ban theo dõi việc thực hiện quy chế và trưởng tiểu ban thẩm định cũng không ghi ngày, tháng lập và lỗi chính tả ghi địa chỉ của Cty Helix. Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm của các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những thiếu sót, vi phạm khác như Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2009/TT-BYT ngày 24.11.2009 sử dụng thuật ngữ “giấy phép lưu hành”, “rút số đăng ký thuốc” chưa đúng với thuật ngữ sử dụng trong Luật Dược năm 2005.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong công tác đấu thầu mua thuốc có một số thiếu sót, vi phạm như: Việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc có thiếu sót về thủ tục hành chính, thiếu tiêu chí theo quy định, kế hoạch thuốc xây dựng chưa sát với tình hình sử dụng thuốc. Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu chưa làm tròn nhiệm vụ được giao trong việc chấm, xét, chọn thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quy định. Việc ký, thực hiện hợp đồng còn sơ hở, tỷ lệ thực hiện hợp đồng mua thuốc thấp do xác định nhu cầu sử dụng chưa sát, không thống kê và báo cáo được các nhà thầu vi phạm, không thanh lý hợp đồng.

Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm, kiểm điểm lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm.

Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý Dược và Vụ Kế hoạch tài chính tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho công ty Helix năm 2014; công tác đấu thầu mua thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được thanh tra.

Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg của Cty Austin Hong Kong vào Việt Nam ngày 11.4.2014 trong khi giấy phép về hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Cty này đã hết hạn từ ngày 6.10.2013.

UBND các địa phương An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, TP.Hồ Chí Minh và các bệnh viện: Chợ Rẫy, Y dược Tp.Hồ Chí Minh, Đa khoa TW Cần Thơ, Trung ương Huế tổ chức kiểm điểm đối với những tồn tại, vi phạm trong công tác đấu thầu mua thuốc tại địa phương và bệnh viên tuyến Trung ương đã được thanh tra; Chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý phù hợp đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, vi phạm tại địa phương, đơn vị mình (theo kết luận thanh tra) (Lao động, trang 3).

 

TPHCM hụt quỹ bảo hiểm y tế 1.800 tỷ đồng

Năm 2019 là năm đầu tiên các tỉnh, thành phố được Chính phủ giao nguồn kinh phí hoạt động khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) để phân bổ về các bệnh viện, dựa trên chi phí thanh toán BHYT năm 2018. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, việc sử dụng quỹ BHYT tại một số cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm vượt so với dự toán được giao. Điều này ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi bệnh nhân BHYT và hướng giải quyết ra sao? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM. PHÓNG VIÊN: Thưa ông, năm 2019, TPHCM được giao dự toán chi BHYT bao nhiêu? Số tiền đó có phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố hay không?

Ông PHAN VĂN MẾN: Năm 2019, TPHCM được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi phí KCB theo Quyết định số 22/QĐ-TTg với tổng số tiền là 18.190 tỷ đồng, bao gồm chi phí cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại TPHCM (9.574 tỷ đồng) và bệnh nhân từ tỉnh khác chuyển đến (8.616 tỷ đồng). Việc giao dự toán cho TPHCM căn cứ vào số người tham gia BHYT tại thành phố, chi khám chữa bệnh BHYT các năm gần nhất là 2017, 2018. Tuy nhiên, số người tham gia BHYT tại TPHCM đến 31-8-2019 là 7.281.390 người, tăng khoảng 490.000 người so với tháng 8-2018, và từ nay đến 31-12-2019 số người tham gia BHYT sẽ tăng thêm 200.000 người. Do đó chi phí KCB sẽ tăng cao. Mặt khác, tại TPHCM, các bệnh viện tuyến Trung ương, các cơ sở y tế tuyến cuối nhiều, bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại và thầy thuốc có chuyên môn giỏi nên thu hút nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh đến KCB. Chính vì vậy, dự toán chi KCB đến hết năm tại TPHCM thiếu khoảng 1.800 tỷ đồng.

 Vậy, tình trạng vượt chi quỹ BHYT tại các đơn vị có ảnh hưởng gì đến quyền lợi bệnh nhân hay không, thưa ông?

8 tháng đầu năm 2019, tổng số chi BHYT trên địa bàn TPHCM là 13.099 tỷ đồng, chiếm 72% so với dự toán của Chính phủ giao. Trong đó có 40 cơ sở KCB chi trên 70% dự toán, đặc biệt có 10 cơ sở (tính hết ngày 31-8-2019) chi từ 80% dự toán trở lên như: Bệnh viện Tân Hưng, Bệnh viện Mắt Việt Hàn, Bệnh viện Mắt Phương Nam, Phòng khám Hoàn Hảo, Phòng khám Phong Tâm Phúc… Nguyên nhân của tình trạng vượt chi quỹ BHYT là do cơ sở KCB tự chủ về tài chính, chỉ định thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật nhằm khấu hao máy móc nhanh, tăng lượng bệnh nhân nội trú… Trong 8 tháng đầu năm, một số đơn vị có dịch vụ kỹ thuật tăng so với cùng kỳ năm 2018, như: Phòng khám Đa khoa Phong Tâm Phúc tăng 60,42%; Bệnh viện Ngoại thần kinh quốc tế tăng 62,15%; Bệnh viện Đức Khang tăng 61%… Ngoài ra, chi phí bình quân một lần KCB nội trú của một số cơ sở y tế tăng 9,3% so với năm 2018, ngoại trú tăng 5%. Trong đó một số đơn vị tăng cao, như Bệnh viện Tâm Trí, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, Bệnh viện Mắt Sài Gòn.

Mặt khác, thực hiện Thông tư 39/2018 của Bộ Y tế, các chi phí KCB, bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế, mức giá điều chỉnh các dịch vụ y tế tăng trung bình 3,2%; trong đó, giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.

 Đối với các bệnh viện đã chi vượt dự toán, BHYT có rà soát và bắt buộc xuất toán không, thưa ông?

Hiện tại, BHXH TPHCM yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát chi phí KCB sao cho hợp lý và tránh lạm dụng quỹ BHYT, đồng thời sử dụng các công cụ hỗ trợ từ phần mềm điện tử của hệ thống giám định để rà soát quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí được giao tại đơn vị. BHXH TP đã từ chối thanh toán các trường hợp lạm dụng quỹ KCB và xuất toán chi phí KCB không hợp lý của đơn vị. BHXH đã tăng cường rà soát, kiểm tra thường xuyên đối với các đơn vị có gia tăng chi phí bất thường; tìm hiểu rõ các nguyên nhân vì sao tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, chi phí thuốc gia tăng. BHXH cũng phát hiện một vài cơ sở có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT bằng việc chuyển bệnh nhân điều trị ngoại trú vào nội trú, thu gom bệnh nhân từ các tỉnh đến KCB tại đơn vị (do từ quý 2-2019 được thông tuyến quận huyện đối với các đơn vị ngoài công lập được phân hạng 3). Điển hình như: Bệnh viện Tâm Trí xảy ra tình trạng thu gom bệnh nhân từ các tỉnh đến KCB; Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Bệnh viện Mắt Việt Hàn, Bệnh viện Mắt Phương Nam gia tăng chi phí thực hiện phẫu thuật mổ phaco…

 Trước thực trạng đó, cần biện pháp chấn chỉnh hay chế tài như thế nào, thưa ông?
Hiện BHXH TPHCM phối hợp cùng Sở Y tế báo cáo UBND TPHCM về tình hình gia tăng chi phí KCB để gửi Bộ Tài chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các đơn vị có biểu hiện lạm dụng, trục lợi trong việc sử dụng Quỹ BHYT, BHXH TPHCM sẽ gửi hồ sơ có liên quan đến cơ quan điều tra để giải quyết (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Tránh lây nhiễm vi khuẩn “ăn thịt” người

Liên tiếp gần đây tại một số địa phương ghi nhận nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính whitmore. Dù đây không phải là căn bệnh mới nhưng triệu chứng để phát hiện whitmore không đơn giản, điều trị cũng khá phức tạp.

Nguy hiểm hơn, whitmore thường gây tình trạng sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp xe tại nhiều nơi trong cơ thể, nguy cơ tử vong cao nên được gọi là vi khuẩn “ăn thịt” người.

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, cách đây khoảng 5 năm mới có 20 ca mắc whitmore, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận tới 20 người mắc căn bệnh nguy hiểm này với 4 trường hợp tử vong. Riêng tháng 8-2019 ghi nhận 12 ca whitmore nặng được chuyển đến từ một số địa phương, với bệnh cảnh đa dạng, phức tạp. Bệnh nhân được nhập viện từ nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, xương khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa. Hơn nữa, do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh whitmore đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết…

Tuy nhiên, PGS-TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, ngay cả khi chẩn đoán khẳng định mắc whitmore, việc điều trị cũng rất khó khăn vì phải dùng kháng sinh liều cao tấn công liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và có thể tử vong, dù đã được chẩn đoán đúng.

Theo nhiều chuyên gia dịch tễ, whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Đáng chú ý, bệnh whitmore không phải là một căn bệnh lạ, hay mới được phát hiện, mà từ những năm 50 của thế kỷ trước, căn bệnh này đã xuất hiện lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây, căn bệnh này được ghi nhận trở lại và có nguy cơ lây lan rộng. Bản chất của vi khuẩn whitmore không gây ra dịch mà gây ra các ca bệnh đơn lẻ nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề.

Vi khuẩn “ăn thịt” người whitmore khi xâm nhập vào cơ thể có thể ủ bệnh kéo dài, trung bình từ 2 – 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát, bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Để phát hiện một người có nhiễm khuẩn whitmore hay không, bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn.

Hiện nay, bệnh whitmore chưa có vaccine phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Trong khi đó, vi khuẩn whitmore có sẵn trong đất, bùn và cả không khí, nên những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động nhằm tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương. Đồng thời, người dân cũng cần che chắn bảo vệ đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt, để hạn chế cơ thể tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Bắc Ninh bị sốc nhiệt, cực kỳ “may mắn” mới sống sót

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận, sau 48 giờ điều trị, cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên nhiều giờ trên xe đưa đón học sinh mầm non ở Bắc Ninh đã qua tình trạng nguy kịch, sức khỏe ổn định. Đây là trường hợp sống sót cực kỳ “may mắn”. Trưa nay, 16-9, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ trì buổi cung cấp thông tin về sức khoẻ của em bé 3 bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh ở Từ Sơn (Bắc Ninh), ngày 13-9 vừa qua.

Theo đó, Bệnh viện Nhi cho biết, cháu bé này nhập viện với chẩn đoán ban đầu là bị sốc nhiệt. Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm nhập viện tối 13-9, cháu bé trong tình trạng sốt, lơ mơ, suy hô hấp.

Do được cấp cứu tốt ở tuyến dưới lên lúc này, tuần hoàn trẻ ổn định, bắt đầu tỉnh. Thăm dò chức năng của trẻ cho thấy bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn về sốc nhiệt, có thay đổi ý thức, hôn mê, rối loạn các cơ quan như rối loạn đông máu, bắt đầu có biểu hiện suy thận, tiêu cơ vân…

Đến sáng nay, 16-9, sau 48 giờ điều trị, cháu bé tiếp xúc tốt với cha mẹ, hi vọng 1-2 ngày tới sẽ được ra viện vì tình trạng cháu ổn định. May mắn là tri giác của bé cũng tốt.

TS Tuấn cho biết thêm, qua khai thác bệnh sử từ gia đình người bệnh cho thấy, trẻ được gia đình gửi cho cơ sở giáo dục từ 6h30 sáng. Đến khoảng 15h30 cùng ngày, bố cháu có nhận cuộc gọi từ cơ sở nuôi trẻ nói “trẻ đang trong tình trạng cấp cứu”.

Ban đầu, bệnh nhi được đưa đến phòng khám tại gần nơi theo học để sơ cứu tạm thời rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa thị xã Từ Sơn, lúc này trẻ ở tình trạng hôn mê. Sau đó, trẻ được chuyển tiếp lên Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cấp cứu rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hiện, trẻ được điều trị theo các phác đồ bệnh viện, bệnh nhân không còn cần thở oxy. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã mời chuyên gia tâm lý đến đánh giá chức năng tâm lý trẻ, trẻ có biểu hiện tiến triển tốt, phục hồi tốt. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn viêm phổi.

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, theo tài liệu y văn sốc nhiệt, khi bị bỏ quên trên xe, trẻ có tình trạng tăng thân nhiệt hơn người lớn, nguy cơ mất nước cao, dễ bị ảnh hưởng nhiệt. Tuỳ theo từng đứa trẻ, thời điểm trên xe mà có những biểu hiện ảnh hưởng sức khoẻ khác nhau. Các bác sĩ cũng cho biết, trường hợp cháu bé này sống sót thực sự là “rất may mắn” (An ninh thủ đô, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/11/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/2/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận