Điểm báo ngày 18/10/2021

(CDC Hà Nam)

Chính sách phòng, chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc; Sóc Trăng, Cà Mau trở thành điểm nóng COVID-19; Cần rõ lộ trình tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em; Có F0, học sinh ở Việt Trì và Lâm Thao (Phú Thọ) phải nghỉ học; Phụ huynh muốn biết loại vắc xin tiêm cho trẻ.

Chính sách phòng, chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, chính sách phòng, chống dịch phải thống nhất toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên. Nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.

Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát

Sáng 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố. Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo các địa phương thảo luận, rà soát những vướng mắc sau một tuần thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 5 tháng kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan, đến nay dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở Nghị quyết 128, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc chung là chính sách phải thống nhất toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên; nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, đợt dịch thứ 4 kéo dài hơn 5 tháng, đến nay cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.

Nhìn lại công tác phòng, chống dịch trong thời gian đầu của đợt dịch thứ 4, Ban Chỉ đạo thẳng thắn nhìn nhận, công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Việc triển khai một số quyết sách như giãn cách xã hội, xét nghiệm phát hiện người nhiễm còn chậm, chưa nghiêm, tỷ lệ xét nghiệm thấp so với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhưng khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, khi ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác truyền thông nên khó thực hiện; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu…

Không ban hành biện pháp trái với quy định của Trung ương

Về ứng dụng công nghệ thông tin, Ban Chỉ đạo thẳng thắn đánh giá là chưa khoa học, vẫn còn tình trạng manh mún, cục bộ, thiếu thống nhất, đồng bộ; trình độ công nghệ thông tin khác nhau giữa các địa phương và các lực lượng phòng, chống dịch. Việc người dân di chuyển về quê chưa có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng gây ảnh hưởng an toàn phòng, chống dịch và an ninh trật tự.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trên cơ sở độ bao phủ vắc xin, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu vắc xin và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Cùng với đó tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa (Tiền phong, trang 2; An ninh thủ đô, trang 3; Nhân dân, trang 1).

Sóc Trăng, Cà Mau trở thành điểm nóng COVID-19

Trong lúc dịch bệnh ở nhiều tỉnh miền Tây chựng lại thì hai tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau lại vượt lên dẫn đầu số ca mắc COVID-19 trong khu vực. Lý do là thời gian qua, dòng người từ các tỉnh thành trở về hai tỉnh này quá nhiều, trong đó có người đã nhiễm bệnh.

Sóc Trăng mỗi ngày trên 200 ca F0

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 1-10, tỉnh Cà Mau chỉ ghi nhận 369 ca, là một trong những địa phương có số ca mắc COVID-19 thấp nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, từ sau ngày 1-10 đến nay, số ca mắc của tỉnh Cà Mau nhanh chóng vượt qua mức 1.000 ca.

Cụ thể đến ngày 16-10, tỉnh Cà Mau ghi nhận 1.122 ca, chủ yếu là người từ các tỉnh vùng dịch trở về. Qua thống kê, từ ngày 1-10, có hơn 30.000 người từ các tỉnh về Cà Mau tránh dịch.

Tương tự, tại Sóc Trăng đến nay đã có khoảng 40.000 người về từ TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam Bộ. Trong số này có nhiều người mắc COVID-19, đẩy số ca mắc mới của tỉnh này tăng mạnh. Trong những ngày qua, mỗi ngày Sóc Trăng ghi nhận gần 200 ca mắc mới, có hôm lên đến 271 ca.

Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 16-10 Sóc Trăng có 3.338 ca mắc COVID-19 ở 11 huyện, thị xã, TP của tỉnh. Nhiều nhất là huyện Trần Đề do có liên quan đến một công ty thủy sản tại xã Tài Văn với 1.072 ca; kế đến thị xã Vĩnh Châu với 776 ca, huyện Mỹ Xuyên 489 ca. Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, hầu hết ca mắc mới là những trường hợp F1 và về từ vùng dịch, tất cả đều được quản lý trước đó.

Các nơi chi viện cho điểm nóng

Ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết tuy các giải pháp phòng chống dịch đã triển khai thực hiện đúng hướng, hiệu quả, cơ bản được kiểm soát nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 phát hiện qua sàng lọc cộng đồng vẫn còn.

Hiện Sóc Trăng còn 1.980 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại cơ sở y tế. Trước tình hình này, Sóc Trăng đã kích hoạt, nâng cấp nhiều bệnh viện dã chiến, trong đó đầu tư trên 19 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp 2 khu nhà triển lãm Hồ nước ngọt (phường 6, TP Sóc Trăng) làm nơi cách ly và điều trị F0 không triệu chứng, đưa vào hoạt động Bệnh viện điều trị COVID-19. Trước đó, Sóc Trăng đã đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ hỗ trợ tỉnh nguồn lực để phòng chống dịch.

Ông Trần Văn Dũng – phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng – cho biết sau khi kêu gọi đã có 10 bác sĩ, 60 điều dưỡng được chi viện cho Sóc Trăng. Ngoài ra, TP.HCM đã hỗ trợ Sóc Trăng xe xét nghiệm lưu động, 10.000 sinh phẩm xét nghiệm và 4 người vận hành xe. Quân khu 9 cũng cho Sóc Trăng mượn 1 xe xét nghiệm của quân y. Bệnh viện Thống Nhất cử y, bác sĩ về tiêm tại chỗ 1.200 liều vắc xin Pfizer cho các tình nguyện viên, chức sắc tôn giáo.

Riêng Trường ĐH Cần Thơ chi viện 100 sinh viên cho Sóc Trăng hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin.

Tại Cà Mau, trước diễn biến số ca mắc COVID-19 đang leo thang, tỉnh này đã kích hoạt tất cả các bệnh viện dã chiến và thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau – cho biết trước khi có dòng người về quê tránh dịch, khả năng tiếp nhận điều trị COVID-19 ở Cà Mau chỉ 790 bệnh nhân. Trước số ca bệnh tăng nhanh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh kích hoạt 5 bệnh viện dã chiến và chuẩn bị chuyển đổi công năng bệnh viện huyện Phú Tân và Ngọc Hiển thành bệnh viện dã chiến số 6 và 7, nâng tổng công suất tiếp nhận điều trị COVID-19 lên hơn 1.700 giường.

Ông Dũng dự báo số ca mắc COVID-19 ở Cà Mau sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nên rất cần sự hỗ trợ. Theo ông Dũng, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tăng cường lực lượng hỗ trợ Cà Mau về công tác phòng chống dịch và chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, gồm 4 bác sĩ và 2 điều dưỡng, do bác sĩ CKII Trần Thanh Linh – trưởng khoa hồi sức cấp cứu – làm trưởng đoàn.

Đoàn của Bộ tư lệnh TP.HCM do thượng tá Nguyễn Mạnh Tú dẫn đầu, cũng đã đến Cà Mau trao trang thiết bị, vật tư y tế gồm: 1.000 giường xếp, 11.000 khẩu trang y tế, 175kg hóa chất Cloramin B, 15 máy phun khử khuẩn và 5.000 thùng mì gói (Tuổi trẻ, trang 5).

Cần rõ lộ trình tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em

Đến ngày 17.10, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP vẫn chưa thể “gút” thời gian chính thức tiêm vắc xin cho trẻ em và loại vắc xin gì sẽ tiêm, vì chưa có vắc xin từ Bộ Y tế.

Các tỉnh, thành cần mở rộng đối tượng tiêm từ 12 – 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương; đồng thời cần triển khai ngay tiêm cho trẻ em nếu đủ điều kiện.

Đó là chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 8688/BYT-DP vừa gửi các sở y tế và các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi.

Lý giải về việc tiêm cho lứa tuổi lớn trước (tiêm trước cho lứa 16 – 17 tuổi và hạ dần độ tuổi), một lãnh đạo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vì so với nhóm dưới 18 tuổi, lứa tuổi lớn hơn có nguy cơ cao hơn, cũng tương tự như cần ưu tiên cho nhóm người cao tuổi khi tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên. “Tuy nhiên, rồi dần dần sẽ tiêm hết cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, chỉ là một số sẽ tiêm trước”, vị lãnh đạo này giải thích.

Liên quan đến việc sử dụng vắc xin nào để tiêm cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi, theo Cục Y tế dự phòng, vắc xin tiêm cho trẻ em cũng là loại vắc xin tiêm cho người lớn (hiện có 8 loại đã được Bộ Y tế cấp phép), trong đó nhà sản xuất đã có nghiên cứu và hướng dẫn tiêm cho trẻ em; trong nước cũng đã có vắc xin này.

Giải thích thêm về vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em, một chuyên gia về tiêm chủng cho biết: Tại Việt Nam, vắc xin Pfizer và Moderna đã có hướng dẫn tiêm cho người từ 12 tuổi, cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng. Tuy nhiên, vừa qua trong nước chưa sử dụng 2 vắc xin này cho trẻ em do nguồn vắc xin hạn chế, và trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Hiện vẫn chờ thêm hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về vắc xin được tiêm cho trẻ em.

Đến tối qua 17.10, Bộ Y tế chưa công bố thông tin về việc sử dụng cụ thể vắc xin Covid-19 nào để tiêm cho trẻ em. Về vấn đề này, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia bệnh truyền nhiễm), có 2 công nghệ vắc xin tiên tiến và an toàn cho trẻ em.

Thứ nhất là công nghệ vắc xin liên hợp. Gọi là liên hợp (Conjugate vắc xin) vì là kết hợp thêm một protein nào đó để bộ nhớ của hệ thống miễn dịch ghi nhớ và tạo miễn dịch bền vững. Đã có nhiều vắc xin dùng công nghệ này như HIB (ngừa viêm phổi, viêm màng não), vắc xin phế cầu, vắc xin não mô cầu.

Thứ hai là vắc xin công nghệ tái tổ hợp – tái tổ hợp tiểu đơn vị (Recombinant vắc xin), ở Việt Nam mà dùng nhiều nhất là vắc xin viêm gan B tái tổ hợp và vắc xin cúm. Sau này lại thêm tái tổ hợp tiểu đơn vị cộng công nghệ nano.

Các gia đình cần ký cam kết?

Về công tác triển khai tiêm chủng cho trẻ em, thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết, BYT đã giao Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực hướng dẫn cụ thể với từng vắc xin, xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn cũng như hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương theo địa bàn phụ trách, trong việc tổ chức triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi.

Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, chia sẻ: “Trong các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm, vắc xin Pfizer hiện đã được thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 – 18 tuổi. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Về liều tiêm vắc xin Pfizer, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cũng tương đương liều tiêm cho người lớn”.

Về theo dõi phản ứng sau tiêm, bác sĩ Thái cho hay, trẻ em cần được theo dõi cẩn trọng giống như tiêm các loại vắc xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bao gồm: các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.

“Mới đây đã có báo cáo nghiên cứu ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau tiêm cho trẻ em dù rất hiếm gặp. Trẻ em rất hiếu động, có thể không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Do đó, đây cũng là phản ứng cần được theo dõi, nhận biết sớm sau tiêm”, bác sĩ Thái lưu ý.

Theo Cục Y tế dự phòng, cần yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm). Các gia đình cần biết tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên vắc xin phòng Covid-19 có thể không phòng được bệnh hoàn toàn. Người được tiêm chủng vắc xin Covid-19 đủ liều có thể phòng được bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu mắc Covid-19. Tiêm chủng vắc xin Covid-19 cũng có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ…, hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng.

TP.HCM chưa “gút” thời gian tiêm

Tại TP.HCM, sau cuộc họp với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH mới đây, Sở Y tế vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi. Trong tờ trình, lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, do Bộ Y tế đang chuẩn bị tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc tổ chức tiêm cho trẻ em nên có một số vấn đề chưa được xác định rõ, như số lượng trẻ được tiêm/bàn tiêm/ngày để làm căn cứ tổ chức.

Thời gian bắt đầu triển khai phải chờ sau khi được Bộ Y tế tập huấn chuyên môn. Tuy nhiên, Sở Y tế TP đề xuất thời gian bắt đầu từ ngày 22.10. Sở cũng dự kiến tiêm mũi 1 trong vòng 5 ngày, và sau khi đủ thời gian tiêm mũi 1 theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thì thực hiện tiêm mũi 2 cũng trong thời gian tương tự.

Đến ngày 17.10, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, UBND TP vẫn chưa thể “gút” thời gian chính thức tiêm vắc xin cho học sinh và loại vắc xin gì sẽ tiêm, vì chưa có vắc xin từ Bộ Y tế.

Nếu triển khai tiêm, TP.HCM sẽ tiêm tại 3 điểm: điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động và tại trường học. Theo lãnh đạo Sở Y tế, với nhóm học sinh thì tiêm tại trường học rất thuận lợi và an toàn, vì tiêm theo lớp, cô giáo chủ nhiệm tạo nhóm Zalo, Viber… với phụ huynh học sinh, chỉ cần cô giáo nhắn thời gian phụ huynh đưa con đến trường tiêm và đưa về. Học sinh vẫn phải khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, số trẻ dưới 18 tuổi nhiễm Covid-19 tại TP.HCM là 12.560 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 5,1%.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, hiện nay với người lớn thì rõ ràng vắc xin có hiệu quả đối với việc giảm tỷ lệ nguy cơ chuyển nặng; nhưng khi tiêm cho trẻ em chúng ta vẫn cần phải thận trọng, và cần tính toán kỹ hơn để đảm bảo công bằng vắc xin.

Bác sĩ Nam cho rằng thực tế qua đợt dịch lớn ở TP.HCM có thể thấy tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 diễn tiến nặng và tử vong rất thấp so với người lớn. Trong khi đó, số lượng vắc xin ở Việt Nam hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào các nguồn từ bên ngoài, nhất là độ bao phủ vắc xin cho người lớn, các nhóm đối tượng nguy cơ cao vẫn chưa nhiều. Do vậy, vẫn phải cân nhắc, xem lại việc ưu tiên vắc xin cho những đối tượng có nguy cơ cao trước.

Bác sĩ Nam thông tin, ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong đợt dịch vừa rồi đã tiếp nhận hơn 1.000 ca mắc là trẻ em. Trong đó có 4 ca tử vong, và những ca này đều có bệnh nền như béo phì, sinh non thiếu tháng… Còn lại, hầu hết trẻ em khi mắc Covid-19 không chuyển nặng, thời gian khỏi bệnh cũng nhanh. So với người lớn thì tỷ lệ này rất thấp, trong khi số người lớn, người già và bệnh nhân có bệnh nền tử vong vì Covid-19 rất cao.

Về việc có nên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em tại TP.HCM thời điểm này, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện TP.HCM đã tiêm vắc xin cho người lớn 2 mũi đã gần đủ, thì cũng nên dành vắc xin cho người lớn có nguy cơ cao ở các tỉnh khác. Khi nào người lớn trên cả nước tiêm đủ thì hãy tiêm cho trẻ em. Vì dự kiến cuối năm nay vắc xin sẽ về nhiều, thì lúc đó hãy tiêm cho trẻ em.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM), cho rằng nếu TP.HCM tiêm thì nên tiêm cho trẻ mắc bệnh nền trước và để dành vắc xin cho các tỉnh để tiêm cho người lớn, người có nguy cơ cao. “Thật sự để an toàn thì trẻ em không cần tiêm vẫn an toàn, nếu người trưởng thành tiêm đủ, và mọi người thực hiện 5K thì nguy cơ trẻ mắc bệnh là rất thấp. Tiêm cho người lớn chính là giúp bảo vệ cho trẻ em”, ông Dũng nói (Thanh niên, trang 2).

Có F0, học sinh ở Việt Trì và Lâm Thao (Phú Thọ) phải nghỉ học

Tỉnh Phú Thọ tạm thời cho học sinh ở thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao nghỉ học 1 tuần, sau khi phát hiện 2 học sinh mắc COVID-19 và 45 học sinh Trường THCS Chu Hóa test nhanh cho kết quả dương tính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-10, ông Nguyễn Văn Mạnh – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ – cho biết lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã thống nhất chủ trương cho học sinh thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao tạm nghỉ học 1 tuần.

“Trong ngày hôm nay, sở sẽ có văn bản thông tin chính thức. Trước mắt, chúng tôi cho học sinh nghỉ học 1 tuần để làm xét nghiệm sàng lọc, khoanh vùng các trường hợp liên quan đến các ca mắc. Sau đó sở xem xét cho học sinh đi học trở lại hoặc học trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19”, vị này nói.

Theo vị này, ngày 16-10, sở đã cho phép các Trường THPT: Việt Trì, Vũ Thê Lang, Nguyễn Tất Thành, Hermann Gmeiner Việt Trì, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp tỉnh, lớp 11 chuyên hóa THPT chuyên Hùng Vương và THPT Long Châu Sa, THPT Lâm Thao (huyện Lâm Thao) tạm dừng đến trường trong ngày 16-10 để rà soát, báo cáo những trường hợp liên quan đến các ca F0.

“Đêm 16-10, ngành y tế tỉnh cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ học sinh trường tiểu học và THCS Chu Hóa (thành phố Việt Trì). Kết quả xét nghiệm nhanh phát hiện 45 học sinh lớp 7 dương tính với COVID-19, hiện tỉnh Phú Thọ đang làm xét nghiệm khẳng định bằng PCR”, ông Mạnh cho biết thêm.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, đến 6h ngày 17-10, thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao đã phát hiện thêm 6 ca mắc mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Trong số này có hai trường hợp là học sinh Trường tiểu học Chu Hóa, THCS Chu Hóa (xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì).

Sau khi đánh giá mối nguy cơ giữa trường hợp dương tính mới tại thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao, phát hiện cùng chung yếu tố dịch tễ liên quan đến lớp 7A Trường THCS Chu Hóa, Sở Y tế đã chỉ đạo việc lấy mẫu xét nghiệm tổng thể toàn bộ học sinh và giáo viên tại Trường tiểu học Chu Hóa và THCS Chu Hóa.

Kết quả test nhanh có 45 học sinh dương tính tại 7 lớp của Trường THCS Chu Hóa, riêng lớp 7A có 31/41 học sinh.

Từ 12h ngày 17-10, thành phố Việt Trì cũng dừng tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu và vui chơi giải trí hoặc có tiếp xúc gần như karaoke, quán bar, Internet, massage, thẩm mỹ, phòng tập gym, không phục vụ ăn uống tại chỗ.

Dừng tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nghệ thuật, nghi lễ tôn giáo, thể dục thể thao, sự kiện có tập trung đông người; dừng tổ chức hoạt động cưới hỏi; tổ chức đám hiếu nhanh gọn, hạn chế số lượng người và đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch; tạm dừng đến trường đối với tất cả các cơ sở giáo dục (Tuổi trẻ, trang 5).

Phụ huynh muốn biết loại vắc xin tiêm cho trẻ

Đó là tâm lý chung của các phụ huynh sau khi nhiều địa phương thông báo kế hoạch chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ 12 – 17 tuổi. Ý kiến của các cơ quan chuyên môn thế nào?

Ứng viên nào?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, đến nay duy nhất vắc xin Pfizer đã có chỉ định sử dụng cho trẻ 12 – 17 tuổi được cấp phép. Việt Nam cũng đã có hợp đồng với nhà sản xuất mua 20 triệu liều Pfizer, số này đủ dùng cho toàn bộ 8,1 triệu trẻ 12 – 17 tuổi.

Có những thông tin cho rằng có thể sử dụng vắc xin Abdala (vắc xin do Cuba sản xuất trên nền công nghệ tái tổ hợp protein), nhưng thông tin kể trên cho biết Abdala được phê duyệt tại Việt Nam dành cho nhóm người từ 19 tuổi trở lên, nên hiện chưa có kế hoạch sử dụng cho trẻ em loại vắc xin này.

Đây là vấn đề các bậc phụ huynh rất quan tâm, do vắc xin sử dụng cho trẻ em khi trẻ đang phát triển, nếu không an toàn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ về lâu dài.

Chuyên gia của Chương trình mở rộng quốc gia chia sẻ có một nguy cơ có thể gặp ở trẻ tiêm chủng vắc xin công nghệ mNRA là viêm cơ tim, nhưng là tỉ lệ thấp ở mũi 2 và trẻ trai gặp nhiều hơn trẻ gái, ở lứa thanh niên 24 – 25 tuổi nguy cơ này gặp với tỉ lệ nam thanh niên gấp 10 lần so với nữ thanh niên.

Vì sao bố mẹ và người giám hộ phải ký trước tiêm?

Theo TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, lý do bố mẹ hoặc người chăm sóc phải ký trước khi cho con tiêm vắc xin là do các vắc xin này đều chưa thử nghiệm lâm sàng và cấp phép chính thức tại VN, chỉ được phê duyệt khẩn cấp.

TS Thái cũng cho biết mặc dù vắc xin Pfizer đã được cấp phép chính thức tại Mỹ, đã hoàn thiện quy trình thử nghiệm lâm sàng nhưng về nguyên tắc đã vào VN phải làm lại thử nghiệm lâm sàng, nên mới có khái niệm phê duyệt khẩn cấp.

“Không có bất cứ báo cáo nào về việc vắc xin có thể ảnh hưởng đến gene, vắc xin không tích hợp vào bộ gene của người, mà chỉ thông qua cơ chế tổng hợp protein tại khu vực ngoài nhân tế bào của một số tế bào hệ miễn dịch để sản xuất ra protein gai đặc trưng của virus, từ đó giúp cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu” – TS Thái nói.

“Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các thành phần của vắc xin cũng như protein nó tạo ra bị thanh thải trong vòng 14 ngày sau tiêm, mà không ảnh hưởng đến gene của người, điều này cũng đúng ngay cả với bào thai của những phụ nữ được tiêm vắc xin” – ông Thái cho biết thêm.

Cuối tháng 10 năm nay, vắc xin sẽ về nhiều và sẽ có nhiều tỉnh thành triển khai tiêm chủng, khi đó ngành y tế và giáo dục phải phối hợp lại, vì an toàn cho trẻ là quan trọng nhất.

Loại vắc xin: chờ Bộ Y tế

Theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM đến Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM ngày 15-10, loại vắc xin sẽ được tiêm cho trẻ từ 12 – 17 tuổi là vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt, theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Trẻ sẽ tiêm 2 liều cơ bản và cùng loại vắc xin. Chiều 17-10, Bộ Y tế và TP.HCM vẫn chưa thông tin chính thức loại vắc xin sẽ tiêm cho trẻ 12 – 17 tuổi sắp tới.

Trên thế giới, những loại vắc xin phòng COVID-19 đã được xác định là an toàn cho người lớn, hiện đang được tiếp tục nghiên cứu ở trẻ em. Trong đó, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer là phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng khuyến cáo rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin Pfizer với chỉ định tiêm 2 mũi và mũi 2 cách mũi đầu tiên 3 tuần sau đó. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng nhận được liều lượng vắc xin Pfizer giống như người lớn.

Để việc tiêm phòng diễn ra hiệu quả, cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước, trong và sau buổi tiêm. Báo với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ có thể mắc phải. Lưu ý để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm chủng và trong 15 phút sau khi tiêm vắc xin.

Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, phụ huynh sẽ được yêu cầu ở lại trong 15 – 30 phút để có thể quan sát trẻ trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức.

Ngoài ra, trẻ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn có thể gặp các tác dụng phụ như sốt, đau chỗ tiêm, mệt mỏi… Đây là những dấu hiệu bình thường sẽ biến mất sau vài ngày và cho thấy cơ thể trẻ đang được bảo vệ (Tuổi trẻ, trang 18).

Trọng Đoàn tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/9/2018

Ngọc Nga