Điểm báo ngày 18/11/2021

(CDC Hà Nam)

BV Quân y 175 lần thứ 5 điều nhân viên y tế hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch Covid-19; Người từ TPHCM và một số tỉnh phía Nam tới Hà Nội phải cách ly 7 ngày; Thích ứng linh hoạt, có hợp lý?; 18 trẻ bị tiêm nhầm vaccine được theo dõi trong 12 tháng; Số người mắc Covid-19 tiếp tục tăng; Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin

BV Quân y 175 lần thứ 5 điều nhân viên y tế hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch Covid-19

Ngày 17-11, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã điều động 60 nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ TPHCM chống dịch Covid-19 trước tình trạng số ca mắc tại thành phố có chiều hướng gia tăng.

 Theo đó, Bệnh viện Quân y 175 tăng cường 20 tổ quân y cho 3 quận. Cụ thể, quận Gò Vấp (10 tổ 30 nhân viên), quận Bình Tân (4 tổ 12 nhân viên), quận Tân Phú (6 tổ 18 nhân viên).

Lực lượng y tế tiếp viện cho TPHCM là những y bác sĩ, điều dưỡng từ các đơn vị nòng cốt của Bệnh viện Quân y 175 có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt hầu hết các y bác sĩ, điều dưỡng đều tham gia các công tác phòng chống dịch trong thời gian cao điểm vừa qua tiếp tục tình nguyện tham gia tổ quân y lần này.

Đây là lần thứ 5 Bệnh viện Quân 175 tăng cường hơn 600 nhân viên y tế tham gia trên các mặt trận chống dịch cùng TPHCM lấy mẫu diện rộng, tiêm vaccine, tham gia Bệnh viện dã chiến số 7, cùng các hoạt động hỗ trợ các tỉnh lân cận trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 15).

Người từ TPHCM và một số tỉnh phía Nam tới Hà Nội phải cách ly 7 ngày

Ngày 17-11, TP Hà Nội chính thức điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp mắc Covid-19, cách ly F1 và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh thành khác đến/về Hà Nội. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) cùng các tỉnh thành có số ca mắc cao như: TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 (thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ nhất).

Đối với những người tiêm chưa đủ 2 mũi hoặc chưa tiêm vaccine, đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).

Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, về Hà Nội  từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ nhất. Đối với những người chưa tiêm, tiêm chưa đủ 2 mũi, đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2), tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày và xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7. TP Hà Nội thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận huyện, thị xã thành lập và điều hành cơ sở điều trị theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế; điều chỉnh phương án cách ly tập trung đối tượng F1 xuống còn 14 ngày. Đồng thời, thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn.

Liên quan thông tin lan truyền về việc F1 ở chung cư, muốn cách ly tại nhà cần được sự đồng thuận của hàng xóm, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định, thành phố không có chủ trương và cũng không có bất kỳ văn bản nào quy định thực hiện nội dung này (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Thích ứng linh hoạt, có hợp lý?

Liên quan quy định mới của Hà Nội về cách ly tại nhà người về từ một số địa phương có nguy cơ dịch cao như TPHCM, Bình Dương…, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng chủ trương này không thực sự hợp lý. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội bác bỏ thông tin “cách ly tại nhà phải được hàng xóm đồng ý”.

Người về từ TPHCM, Bình Dương phải cách ly

Ngày 16/11, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và cấp độ 3, tương ứng màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày, thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Những người này phải xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và thứ 7 thay vì 1 lần như trước đây. Với người chưa tiêm đủ liều vắc xin đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam), phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và thứ 7 từ khi tới Hà Nội. Trước đây, những trường hợp này chỉ phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không phải chỉ định xét nghiệm…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, quyết định bắt buộc cách ly vừa ban hành của Hà Nội là không thực sự hợp lý. Theo ông Nga, người từ TPHCM hay các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An khi ra Hà Nội nếu đi máy bay đều đã phải tiêm 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính.

“Chúng ta đã xác định thích ứng linh hoạt thì chỉ những người có triệu chứng hoặc có bệnh nền thì mới phải chữa trị”. ông Nga nói. Theo ông hiện nay, TPHCM vẫn có hơn nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày, song đã cho mở lại nhiều dịch vụ hơn Hà Nội, và đang tính cho mở lại hoạt động dạy học trực tiếp. “Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của 2 thành phố cao gần ngang nhau. Hà Nội không nên vì quá lo lắng mà có những quy định gây khó trong việc mở cửa, thích ứng linh hoạt, đặc biệt là với người nơi khác về Thủ đô công tác, làm việc”, ông khuyến nghị.

Hàng xóm giám sát F1 tại nhà

Từ ngày 17/11, Hà Nội thí điểm thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã, phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Thành phố sẽ mở rộng cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm.

Cùng với việc duy trì các khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã, thành phố cũng thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện nhiều quận, huyện ở Hà Nội ủng hộ chủ trương này. Theo đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy, hiện nay trên địa bàn phát sinh nhiều trường hợp F1, nếu cứ cách ly tập trung sẽ gây áp lực rất lớn lên cơ sở cách ly, phát sinh nhiều chi phí. Hiện nay, thực hiện trạng thái “bình thường mới”, các địa điểm cách ly tập trung phải hoàn trả lại cho các cơ quan, đơn vị.

“Nếu các trường hợp F1 đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và thành phố sẽ được cách ly tại nhà. Áp lực lớn nhất là việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho họ, nhưng đội y tế lưu động đang cố gắng thực hiện”, đại diện quận Cầu Giấy nêu. Cũng theo vị này, các trường hợp đủ điều kiện sẽ thực hiện cách ly tại nhà, chứ không phải xin ý kiến đồng thuận của hàng xóm… “Hàng xóm, tổ COVID-19 cộng đồng sẽ đóng vai trò theo dõi, giám sát việc thực hiện cách ly. Chúng tôi công bố đường dây nóng, nếu có vi phạm họ sẽ phản ánh. Hàng xóm là người theo dõi giám sát tốt nhất, vì đảm bảo an toàn cho bản thân họ và gia đình. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, đại diện quận Cầu Giấy nói thêm (Tiền phong, trang 5).

18 trẻ bị tiêm nhầm vaccine được theo dõi trong 12 tháng

Ngày 17-11, liên quan tới việc 18 trẻ 2-6 tháng tuổi bị tiêm nhầm vaccine Covid-19 tại Trạm Y tế xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), đại diện Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trong 2 tuần qua, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Xanh Pôn đã theo dõi chặt chẽ sức khỏe của 18 cháu. Tại cuộc họp mới đây, các chuyên gia đánh giá sức khỏe của các cháu ổn định. Các phản ứng viêm, sưng tấy tại chỗ tiêm đều đã hết, chỉ có một vài cháu còn rối loạn tiêu hóa, sổ mũi nhẹ, viêm da cơ địa, chàm.  Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hội đồng chuyên môn đã thống nhất theo dõi sát lâm sàng, xét nghiệm cho các cháu đến ngày thứ 28 tại Bệnh viện Xanh Pôn. Sau đó, nếu tình trạng sức khỏe các cháu ổn định sẽ được cho về nhà. Tiếp đó, định kỳ mỗi tháng, các cháu được kiểm tra sức khỏe lại 1 lần cho đến hết 12 tháng sau tiêm nhầm (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Số người mắc Covid-19 tiếp tục tăng

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 17/11, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.849 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.839 ca ghi nhận trong nước, tăng 198 ca so với ngày trước tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.956 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk… Trong ngày 17/11 ghi nhận 67 ca tử vong, có 3.873 người được công bố khỏi bệnh. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 874.870 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đang hoàn thiện “Sổ tay Hướng dẫn tổ chức thực hiện phong tỏa vùng có dịch Covid-19”. Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định…

Chiều 17/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố kiểm điểm tiến độ triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế cho biết, cả nước đã phân bổ 129,6 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó khu vực miền nam được phân bổ nhiều nhất với hơn 59,3 triệu liều, tiếp đến là khu vực miền bắc với gần 49 triệu liều, khu vực miền trung hơn 14,1 triệu liều và khu vực Tây Nguyên là hơn 4,7 triệu liều. Đến chiều 17/11 cả nước đã tiêm hơn 102 triệu liều, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt khoảng 88,2%, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 50,9% cho người trên 18 tuổi…

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiêm chủng, vắc-xin về đến đâu phải tiêm ngay đến đó, tránh để tồn trong kho. Về tiêm vắc-xin cho trẻ em, các địa phương phải quán triệt, tập huấn cho các điểm tiêm chủng tuân thủ đầy đủ yêu cầu về chuyên môn, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng để tránh xảy ra sai sót không đáng có…

Ngày 17/11, TP Cần Thơ phát hiện 712 ca F0, cao nhất từ khi chuyển về trạng thái bình thường mới và từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, nâng tổng số ca mắc lên 14.151 ca. Trước tình hình số ca mắc mới tăng cao, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 2 cho người dân thành phố nhằm tăng độ phủ vắc-xin, sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Ngành y tế tiếp tục tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm những nơi nguy cơ cao, rất cao; củng cố hệ thống y tế cơ sở để sớm tổ chức cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà ở những nơi đủ điều kiện để giảm tải cho tuyến trên.

Nhằm giảm áp lực cho y tế tuyến tỉnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển bệnh nhân, tỉnh Quảng Ninh đã kích hoạt hệ thống trạm y tế lưu động, phân tầng cách ly điều trị cho hệ thống bệnh viện tuyến dưới. Theo đó, hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện sẽ tiếp nhận, thu dung, điều trị những trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế tuyến huyện sử dụng cơ sở vật chất hiện có của Khoa Truyền nhiễm hoặc Khoa bệnh nhiệt đới để làm khu điều trị bệnh nhân Covid-19, với quy mô ít nhất 50 giường bệnh. Trường hợp bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh hoặc xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng, các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục sắp xếp, bố trí lại các khu điều trị bảo đảm tiếp nhận, điều trị cho người bệnh quy mô cao hơn theo hướng dẫn.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã họp đánh giá tình hình sức khỏe của 18 cháu bé ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) bị tiêm nhầm vắc-xin. Tại cuộc họp, sau khi xem xét và thảo luận các thông tin về tình trạng lâm sàng của các bé, các thành viên tham dự cuộc họp đều thống nhất cần tiếp tục theo dõi và sẽ tiến hành xét nghiệm lại, đánh giá tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bé. Sau đó sẽ xin ý kiến Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế TP Hà Nội đã lập trước đó để đánh giá về sự cố tiêm nhầm. Nếu tình trạng sức khỏe các cháu ổn định sẽ được cho về nhà; cứ một tháng được kiểm tra sức khỏe lại một lần đến hết 12 tháng.

Ngày 17/11, tỉnh Bạc Liêu thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ 12 đến 17 tuổi. Theo Sở Y tế Bạc Liêu, do có sự chuẩn bị khá chu đáo của các cấp chính quyền và ngành chức năng, việc tiêm vắc-xin ngày đầu diễn ra an toàn và thuận lợi, tỉnh Bạc Liêu được Bộ Y tế phân bổ gần 110.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Các em có thể tiêm chủng tại các cơ sở y tế, tại khu vực dân cư và trường học. Trường hợp những nơi khó khăn, đội lưu động thuộc Trạm Y tế các xã đến tận nhà tiêm chủng cho các em. Toàn tỉnh hiện có hơn 90.000 học sinh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong đợt này.

Ngày 17/11, UBND thành phố Long Xuyên, An Giang cho biết, vừa xảy ra ổ dịch tại Công ty TNHH may xuất khẩu Đức Thành 1 tại phường Mỹ Thới. Trước đó, công ty tầm soát 1.511 công nhân phát hiện có 222 trường hợp nhiễm đều là công nhân và hầu hết tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Các F0 được đưa vào khu cách ly của công ty, cho tạm dừng hoạt động khu vực có F0 để tiếp tục sàng lọc và khử khuẩn, cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã tiêm hai mũi vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 65,35%; tiêm mũi 1 cho học sinh lớp 12 được 17.931 em.

Ngày 17/11, UBND tỉnh Kiên Giang điều chỉnh và công bố cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Kiên Giang cấp độ 2, nguy cơ trung bình (vùng vàng). Về cấp huyện có hai đơn vị cấp độ 1, nguy cơ thấp (vùng xanh); 12 đơn vị cấp độ 2 và một đơn vị cấp độ 3, nguy cơ cao (vùng cam). Đáng lưu ý, huyện đảo Kiên Hải từ một địa bàn “vùng xanh” đã chuyển mầu nhanh chóng trở thành “vùng cam”. Đến nay, toàn tỉnh có 15.678 ca mắc Covid-19 (Nhân dân, trang 8). 

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin

Ngày 17/11, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về kiểm điểm tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua theo dõi và giám sát công tác tiêm chủng cho thấy, tiến độ tiêm chủng của một số tỉnh, thành phố nhanh, đảm bảo yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương tiêm chậm, còn để vắc xin đã được phân bổ tồn tại kho bảo quản vắc xin khu vực, kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, thành phố. Một số tỉnh tiêm nhưng cập nhật chưa đầy đủ, làm ảnh hưởng đến cập nhật tiến độ tiêm chủng chung. Ngoài ra, có những địa phương tiêm chưa đạt yêu cầu về tỉ lệ bao phủ cho người trên 18 tuổi, nhưng đã tiêm cho trẻ em. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương báo cáo về Bộ dự trù nhu cầu vắc xin trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, tuy nhiên chỉ có hơn một nửa số tỉnh, thành phố gửi về Bộ.

“Tiếp cận vắc xin đã khó nhưng việc tiêm chủng chậm sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ bao phủ vắc xin của cả nước”, ông Tuyên nói. Lãnh đạo các địa phương chưa báo cáo đều cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin, sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiêm chủng, đẩy nhanh nhập liệu, nếu chậm trễ ở khâu nào sẽ xử lí nghiêm.

Ông Tuyên nhấn mạnh, vắc xin về tới đâu Bộ Y tế phân bổ ngay tới đó. “Các tỉnh, thành cũng cần thực hiện nghiêm vắc xin về đến đâu phải tiêm đến đó để đảm bảo các đối tượng trên 18 tuổi được bao phủ mũi 1, lưu ý tiêm ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên”, ông nói.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế đề xuất nhu cầu vắc xin cần cấp từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vắc xin năm 2022, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/11 để Bộ tổng hợp đưa vào kế hoạch phân bổ vắc xin trong thời gian còn lại của tháng 11 và tháng 12 cũng như năm 2022 (Tiền phong, trang 5; Thanh niên, trang 4).

Gượng dậy sau mất mát

Cuộc chiến với Covid-19 được ví như “chiến trường” không tiếng súng và chiến trường nào cũng có những mất mát, hy sinh. Hàng chục ngàn tính mạng người dân đã ngã xuống, kéo theo biết bao gia đình tan vỡ. Hàng triệu đứa trẻ vì thế cũng rơi vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Trong cuộc chiến ấy, cũng đã có rất nhiều sự hy sinh của những người ở nơi tuyến đầu – những chiến binh áo trắng, áo xanh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì tính mạng, sức khỏe nhân dân.

Hàng chục ngàn người đã ngã xuống 

Cứ chiều chiều, bé Quế Anh (9 tuổi, trú hẻm 258 Trần Hưng Đạo, quận 1) lại chạy sang căn nhà cũ và cất tiếng gọi tìm “mẹ ơi”. Đã gần 2 tháng kể từ ngày chị Dạ Thảo – mẹ Quế Anh ra đi vì mắc Covid-19, cô bé vẫn chưa nguôi nỗi nhớ mẹ. Vốn một mình nuôi con nên khi chị Thảo mất đi, Quế Anh cũng không còn nơi nương tựa. Thương cô bé còn quá nhỏ, bà Chào – hàng xóm đã đón cô bé về chăm sóc, coi như con cháu trong nhà. Thế nhưng, tương lai của đứa trẻ này ra sao thì vẫn chưa ai có thể biết được. Bà Chào bộc bạch: “Nhiều hôm cứ tối đến là nó ra trước cửa, nhìn sang nhà gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi” mà xót cả ruột. Hỏi đến thì nó lại khóc lớn hơn nên lắm lúc tôi cũng giả lơ, để con bé tự bình tĩnh trở lại. Sau này nó nói là nhớ mẹ quá không kiềm chế được, nghe thương quá”.

Còn bà Lê Thị Phượng (ngụ phường 3, quận 4) thì vẫn chưa thể chấp nhận được những mất mát do dịch Covid-19 gây nên. Chỉ trong 3 ngày liên tiếp, bà mất đi 3 người thân. “Tối hôm trước, mẹ tôi mất; chiều hôm sau, chồng tôi cũng ra đi. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, khi trưa hôm kế tiếp, chị tôi cũng qua đời vì dịch bệnh. Chứng kiến từng người thân yêu ra đi, tôi chỉ biết bất lực đứng từ xa nhìn, cũng không có cơ hội lo đủ phận sự của người con, người vợ, người em. Ngày trước, tôi cứ nghĩ dịch bệnh còn ở đâu xa lắm, rồi nó ập đến bất ngờ khiến mình trở tay không kịp. Đến khi từng người thân lần lượt ra đi, tôi mới thấm hết nỗi đau nhiều gia đình như mình gặp phải”, bà Phượng tâm sự trong nước mắt.

 Cũng lần lượt tiễn vợ, con và anh trai ruột ra đi vì mắc Covid-19, ông Lê Trọng Hải (ngụ quận 8) càng thấu hiểu hơn sự khốc liệt của dịch Covid-19. Người thân mất nhưng không thể tổ chức đám tang, tro cốt cũng phải sau 2-3 tháng mới được nhận về. Nỗi đau thương của ông Hải càng tăng lên gấp bội khi bản thân ông và các con của mình cũng lần lượt mắc Covid-19. Một đại gia đình đông đúc đang sum vầy bên nhau bỗng chốc rơi vào cảnh “tan đàn xẻ nghé”. “Nỗi mất mát, đau thương của gia đình mình quá lớn, nhưng tôi biết nhiều gia đình có số người tử vong còn cao hơn, nhiều y, bác sĩ đành bỏ lại con thơ lên đường chống dịch rồi mãi nằm xuống. Nỗi đau chung ấy, biết lấy gì bù đắp cho được?”, ông Hải trăn trở.

Đầu tháng 10, trong cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ những mất mát mà người dân thành phố đã phải chịu trong đợt dịch lần thứ 4: “Tôi xin được gửi lời chia sẻ với đồng bào, nhân dân TPHCM về những đau thương, mất mát quá lớn do tác động của đại dịch Covid-19”. Theo Chủ tịch nước, thời gian vừa qua, TPHCM có hàng chục  ngàn người bị nhiễm bệnh và tử vong khiến rất nhiều trẻ em mồ côi, trong đó nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất thương tâm.

Những hy sinh không nói thành lời

“Chỉ còn 3 tháng nữa thôi, anh ấy sẽ được nghỉ hưu, sống trọn vẹn với gia đình, vợ con. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã cướp anh đi mãi mãi. Anh đã sống trọn vẹn với đời, với nghề”, bà Thân Ngọc Hương, vợ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, chia sẻ trong nước mắt khi nói về sự ra đi của chồng mình. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn là Trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Trong những ngày tháng dịch Covid-19 hoành hành tại thành phố, ông cùng 4 nhân viên trạm y tế xã đảm nhận truy vết F0, F1, lấy mẫu, xét nghiệm… cho hàng chục người dân. Bà Hương kể: “Suốt thời gian đó, ông gần như không về nhà mà cắm chốt tại trạm y tế. Dù gia đình muốn ông xin nghỉ hưu sớm, nhưng ông vẫn quyết tâm chiến đấu cùng đồng đội với mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi. Đến đầu tháng 7, bác sĩ Nhẫn mắc Covid-19”. Dù nằm trên giường bệnh, nhưng bác sĩ Nhẫn không hề ngơi nghỉ, vẫn điều hành công việc và tư vấn cho người bệnh qua điện thoại. Sau đó, bệnh tình ông ngày càng trở nặng, hôn mê và được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Và phép màu đã không xảy ra, bác sĩ Nhẫn ra đi mãi mãi khi chỉ còn 3 tháng nữa sẽ nhận được quyết định nghỉ hưu. Tính đến ngày ra đi, bác sĩ Nhẫn đã có 40 năm công tác trong ngành y tế, trong đó có đến 38 năm gắn bó với Trạm y tế xã Phước Lộc. Cũng ra đi bởi dịch Covid-19 là điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngày 27-7-2021, khi Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc thành Khoa Hồi sức Covid-19 cũng là lúc chị Hằng phải xa gia đình, xa 2 con nhỏ đang học lớp 9 và lớp 5 để toàn tâm chống dịch. Không may trong quá trình chăm sóc cho người bệnh, chị Hằng nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải nhập viện điều trị từ ngày 1-8. Sau 12 ngày điều trị, điều dưỡng Hằng đủ điều kiện xuất viện và chị có nguyện vọng về nhà tiếp tục cách ly. Thế nhưng, khi vừa về đến nhà thì chị đột ngột trở nặng và qua đời, bỏ lại sau lưng cha mẹ già, 2 đứa con thơ và bao ước nguyện còn dang dở.

Trong những ngày tháng gian khó nhất của đại dịch, TPHCM đã huy động hơn 170.000 người tham gia phòng chống dịch. Trong đó, lực lượng y tế tuyến đầu làm công việc trực tiếp khoảng 13.200 người, tuyến đầu làm công việc gián tiếp khoảng 33.000 người, tổ Covid-19 cộng đồng khoảng 68.400 người, tình nguyện viên khoảng 8.300 người và khoảng 6.700 nhân lực y tế do Bộ Y tế chi viện. Đã có quá nhiều mất mát trong cuộc chiến này! Và sự hy sinh ấy góp phần làm cho dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân đã bắt đầu có lại cuộc sống “bình thường mới”.

Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, đến ngày 17-11, TPHCM đã có khoảng  17.239 người chết do Covid-19, trong đó có những ngày ghi nhận hơn 300 ca tử vong. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, thừa nhận, đây là giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất mà chính quyền, nhân dân thành phố phải trải qua trong 35 năm trở lại đây. Trước những mất mát của người dân, Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ nỗi đau tột cùng với gia quyến, người thân có bệnh nhân Covid-19 qua đời, đặc biệt là những trẻ em không còn cha mẹ do đại dịch.

Năm 2021 đang dần trôi qua, những dự báo – kỳ vọng bị đảo lộn bởi sự tàn phá khốc liệt của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Sau một thời gian dài gồng mình chống dịch, gần 13 triệu người dân TPHCM chính thức bước vào những ngày nới lỏng giãn cách xã hội, tiến gần đến trạng thái “bình thường mới”. Không ít những bất tiện và khó khăn sau nhiều tháng trời gồng mình chống dịch, nhưng thành phố đã bước sang một giai đoạn tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, thành phố và người dân luôn giữ tâm thế cảnh giác trước nguy cơ dịch có thể tái bùng phát và diễn biến phức tạp hơn (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/9/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 24/7/2020

CDC Hà Nam

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 07 Giờ 00, ngày 03/02/2020

CDC Hà Nam