Điểm báo ngày 18/5/2021

(CDC Hà Nam)
 Bộ Y tế hỗ trợ đồng bộ để y tế Vĩnh Long vươn cao phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Trường hợp cấp bách, địa phương được chỉ định thầu mua sắm thiết bị chống dịch COVID-19; Nữ điều dưỡng Đà Nẵng phản vệ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 được ra viện

Bộ Y tế hỗ trợ đồng bộ để y tế Vĩnh Long vươn cao phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân

“Làm sao để người dân Vĩnh Long được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương là mong muốn lớn nhất của chúng tôi”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh điều này trong các buổi tiếp xúc cử tri cùng các ứng cử Đại biểu Quốc hội Khoá XV tại các xã, thị xã trên địa bàn huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh, huyện Trà Ôn và huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cũng như trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về công tác y tế trên địa bàn.

Hỗ trợ toàn tuyến khám chữa bệnh

GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh “mối quan tâm nhất của ngành y tế là sức khoẻ của nhân dân. Ngành y tế luôn lấy nhân dân làm gốc và là trung tâm phục vụ. Tất cả những đổi mới, những công việc của ngành đều vì mục đích phục vụ nhân dân”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với mục tiêu cao cả như vậy nên ngành y tế luôn nỗ lực đổi mới toàn diện, mạnh mẽ các hoạt động, từ y tế dự phòng, khám chữa bệnh, nâng cao năng lực y tế cơ sở đến đào tạo nhân lực y tế; ban hành, tham mưu các chính sách liên quan đến hoạt động của ngành; thu hút các nguồn lực đầu tư cho ngành và đặc biệt là toàn ngành đang dồn tâm trí, sức lực cho công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19, đem lại bình yên cho người dân.

Với tỉnh Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện đổi mới toàn diện hệ thống y tế của tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu, thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh, kết nối khám chữa bệnh từ xa để người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở; củng cố phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh, đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin Bộ Y tế sẽ hỗ trợ để cùng địa phương đưa Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long trở thành bệnh viện ngang tầm tuyến trung ương trên địa bàn tỉnh vào năm 2024.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế giao cho các bệnh viện tuyến trung ương tại TP Hồ Chí Minh như BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất… và các bệnh viện khác để cùng bàn bạc, triển khai phối hợp hiệu quả, phù hợp.

Đối với bệnh viện tuyến huyện, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tỉnh có thể lựa chọn một vài bệnh viện tuyến huyện để đầu tư, hỗ trợ thành bệnh viện hạng 1. Bộ Y tế sẽ phân công các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng giao các bệnh viện tuyến trung ương kết nối khám chữa bệnh từ xa đến các điểm cầu tuyến huyện của tỉnh Vĩnh Long để các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ y tế tuyến huyện hội chẩn, điều trị ca bệnh khó.

Song song đó, Bộ Y tế giao Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế, cùng trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Dược Cần Thơ làm việc trực tiếp với tỉnh để có kế hoạch đào tạo, thu hút nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao cụ thể, phù hợp.

“Làm sao để người dân Vĩnh Long được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương là mong muốn lớn nhất của chúng tôi”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Các bệnh viện tuyến trung ương sẵn sàng

Liên quan đến việc thực hiện hỗ trợ ngành y tế Vĩnh Long, trong đó có BVĐK tỉnh, TS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, từ năm 2008 đã tiến hành hợp tác, hỗ trợ BVĐK tỉnh Vĩnh Long. Năm 2021, BV Chợ Rẫy có kế hoạch đào tạo, hỗ trợ cho BVĐK tỉnh Vĩnh Long về các lĩnh vực: tim mạch can thiệp (can thiệp động mạch vành qua da); rối loại nhịp (đặt máy tạo nhịp tim); hồi sức cấp cứu (tim phổi nhân tạo – ECMO); thận nhân tạo.

Trong giai đoạn 2022-2025, BV Chợ Rẫy sẽ triển khai hỗ trợ tiếp BVĐK tỉnh Vĩnh Long trong các lĩnh vực: Chẩn đoán hình ảnh (can thiệp mạch máu não, can thiệp mạch tạng); Ngoại lồng ngực (phẫu thuật lồng ngực mạch máu); Ngoại thần kinh (phẫu thuật chấn thương cột sống và thoát vị đĩa đệm); Chấn thương chỉnh hình (phẫu thuật nội soi khớp).

“Hợp tác giữa BV Chợ Rẫy và BVĐK tỉnh Vĩnh Long dựa trên khảo sát trực tiếp nhu cầu thực tế tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long nên hoàn toàn khả thi và sẽ được thực hiện hiệu quả”- TS Nguyễn Trí Thức khẳng định.

Theo TS Nguyễn Tri Thức, hiện BV Chợ Rẫy đã thực hiện việc đọc phim online cho các BV tuyến tỉnh, do đó, tới đây ngoài BVĐK Vĩnh Long, chuyên gia của BV Chợ Rẫy sẽ có thể giúp đọc được phim của các cơ sở y tế tuyến huyện ở Vĩnh Long nếu kết nối qua Hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) với BV Chợ Rẫy.

PGS.TS Lê Đình Thanh – Giám đốc BV Thống Nhất cho hay, BV Thống Nhất đã có kinh nghiệm trong hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện, BVĐK khu vực.

“Đối với Vĩnh Long, BV Thống Nhất sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện của Vĩnh Long nâng cao chuyên môn các lĩnh vực nội khoa, đặc biệt là chuyên khoa lão, tim mạch, điều trị loạn nhịp nội khoa. Hoặc các kỹ thuật ngoại khoa như phẫu thuật nội soi căn bản như phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, khâu lỗ thủng dạ dày và phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, XQ, CT-MR và những kỹ thuật khác phù hợp với phân tuyến của tuyến huyện” – PGS.TS Lê Đình Thanh nói.

Theo PGS.TS Lê Đình Thanh, để việc hỗ trợ này thực sự hiệu quả, trước hết phải đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện trực tiếp và trực tuyến. Do đó, các bệnh viện tuyến huyện ngay từ bây giờ phải lựa chọn, cử cán bộ đi học. BV Thống Nhất đã có sẵn trung tâm đào tạo, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, telehealth, có chuyên gia, có dụng cụ trực quan, bất cứ lúc nào cũng có thể hỗ trợ được các bệnh viện tuyến huyện, kể cả trong việc hội chẩn, đọc phim…

“Vấn đề quan trọng nhất là cung và cầu phải khớp nhau, có như thế mới nâng cao hiệu quả, chất lượng của y tế tuyến dưới”- Giám đốc BV Thống Nhất Lê Đình Thanh bày tỏ.

ThS.BSCKII Lê Trung Chánh – Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh cho hay có thể chuyển giao xuống tuyến cơ sở những kỹ thuật theo phân tuyến phù hợp như nhổ răng, nhổ răng khôn, phẫu thuật trám răng… để người dân khi cần chăm sóc sức khoẻ răng miệng sẽ được thăm khám, phẫu thuật ngay tại địa phương.

“Chúng tôi sẵn sàng kết nối hỗ trợ tuyến dưới ở Vĩnh Long bằng nhiều hình thức khác nhau, cả chuyển giao trực tiếp cầm tay chỉ việc, đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; hội chẩn, hỗ trợ điều trị từ xa qua Telehealth…”- ThS BSCK II Lê Trung Chánh nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Trường hợp cấp bách, địa phương được chỉ định thầu mua sắm thiết bị chống dịch COVID-19

Trong văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về kinh phí, cơ chế mua sắm đối với phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 cho biết trường hợp cấp bách, địa phương được chỉ định thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định việc xác định giá gói thầu.

Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm đối với phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, tại văn bản số 4841/BTC-HCSN của Bộ Tài chính nêu rõ: Để phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ” là dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án phòng, chống dịch của Bộ Y tế; đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trong tổ chức thực hiện, trường hợp địa phương có khó khăn về cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét xử lý theo quy định.

 Trường hợp cấp bách, địa phương được chỉ định thầu

Về cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của pháp luật liên quan.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, căn cứ Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19 và tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Luật Đấu thầu.

Theo đó, trong thời gian có dịch được cấp có thẩm quyền công bố, các địa phương được quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.

Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định việc xác định giá gói thầu

Về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công văn nêu rõ, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:

Thứ nhất, giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá.

Thứ hai, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: Chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm).

Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.

Thứ tư, giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.

Thứ năm, giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

Căn cứ quy định nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm. Giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước; không để xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo, tình huống và kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tại địa phương thực hiện quản lý kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của pháp  luật, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Nữ điều dưỡng Đà Nẵng phản vệ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 được ra viện

BS CKII Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc – BV Đà Nẵng thông tin đến PV báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, sau 1 tuần điều trị, sức khỏe nữ điều dưỡng bị phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 đã ổn định và được ra viện.

Trước đó, nữ điều dưỡng không có tiền sử dị ứng, không  có các bệnh lí nền. Khoảng 3 phút sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, chị bị sốc phản vệ, khó thở, suy hô hấp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.

Ngay lập tức, ê kíp trực hồi sức tiến hành cấp cứu cho nữ điều dưỡng. Các bác sĩ tiến hành tiêm Adrenaline, đặt nội khí quản, thở máy, cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Trong vòng 24-48 giờ đồng hồ, bệnh nhân sốc nặng, suy hô hấp cấp nặng, được tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Sau 72 giờ, tình trạng của điều dưỡng ổn định dần, các chức năng cơ quan trong giới hạn bình thường, được cai thở máy và tiếp tục theo dõi.

Sau một tuần, sức khỏe của chị đã ổn định và được ra viện.

Trước khi triển khai tiêm vắc xin COVID-19, BV Đà Nẵng đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác xử trí các biến chứng sau tiêm và phác đồ cấp cứu phản vệ.

Tại thời điểm tiêm vắc xin, BV đã bố trí khu vực cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị cho công tác hồi sức bao gồm hệ thống oxy, máy thở, máy sốc điện, cũng như phương tiện, thuốc men cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao. Bệnh viện lên phương án, chuẩn bị ekip hồi sức cấp cứu ứng trực tại chỗ theo dõi sau tiêm để kịp thời xử lý tình huống.

BS Hà Sơn Bình khuyến cáo: Tại các điểm tiêm chủng cần chuẩn bị đầy đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu, nhân lực để kịp thời xử trí sốc phản vệ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Cần đánh giá mức độ sốc phản vệ để kịp thời sử dụng Adrenaline cứu sống BN. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Lên phương án chống dịch cho mọi tình huống

Thủ tướng yêu cầu cần phải chuẩn bị kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống, nhất là khi dịch bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp.

Chiều 17.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về phòng, chống dịch  Covid-19.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo tình hình chống dịch ở các địa phương. Theo đó, tình hình cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn diễn biến khó lường, nhất là tại các ổ dịch ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN).

Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định đợt dịch này có chủng vi rút mới, lây lan nhanh, khó lường tại nhiều tỉnh – thành, nhất là dịch lại xảy ra tại các KCN trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh ở các KCN.

Dù vậy, Thủ tướng khẳng định chúng ta đang kiểm soát tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước; các tỉnh, TP có dịch đang từng bước được kiểm soát; chưa phát sinh ổ dịch chưa rõ nguồn lây; chúng ta đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phát triển

KT-XH, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đang được tiến hành đúng quy trình, đúng tiến độ…

Thủ tướng cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu như chúng ta lơ là chủ quan. Do đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân cần vào cuộc một cách thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể: huy động các nguồn lực để xét nghiệm Covid-19 chủ động; thực hiện “chiến lược vắc xin”, tìm kiếm nguồn vắc xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của Bộ TT-TT vào phòng, chống dịch; chuẩn bị thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và nguồn tài chính sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch; chuẩn bị phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện phân công, phân cấp hợp lý, rõ ràng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong mọi tình huống, nhất là khi dịch bệnh xảy ra tại các KCN; tiếp tục xây dựng chính sách, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội vào đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân nhằm trang bị kiến thức và truyền cảm hứng cho người dân vào cuộc trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19…

Duy trì “tổ an toàn” trong KCN

Trong khi đó, UBND tỉnh Bắc Giang vừa quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời giãn cách xã hội đối với 4 huyện từ 0 giờ ngày 17.5.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết diễn biến dịch trên địa bàn đang diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp. Các ổ dịch đang được phong tỏa tại H.Việt Yên gồm KCN Vân Trung và Quang Châu thì ngày hôm qua cũng trên địa bàn này đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với Covid-19 đang làm việc tại Công ty TNHH VSun thuộc KCN Đình Trám. Qua điều tra dịch tễ ban đầu, cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây. Ngay sau khi phát hiện, H.Việt Yên đã phối hợp cùng các lực lượng phong tỏa, truy vết, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho các công nhân liên quan.

Cùng ngày 17.5, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm của tỉnh đã tăng do có hỗ trợ từ Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và quân đội… và 1 ngày có thể hoàn thành gần 20.000 mẫu xét nghiệm. Tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trước mắt sẽ xem xét cho dừng hoạt động của các công ty trong các KCN không đủ điều kiện về phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị Bắc Giang cần tiếp tục khẩn trương lấy mẫu tại các khu dân cư liên quan đến KCN, tranh thủ sự hỗ trợ từ lực lượng các địa phương. Đồng thời, phải theo dõi được kết quả lấy mẫu, theo dõi thời điểm, thời gian, số lượng kết quả lấy mẫu trong thời gian nhanh nhất.

PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho rằng Bắc Giang cần duy trì các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng và tổ an toàn Covid-19 trong KCN.

Còn tại Vĩnh Phúc, theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, thực hiện yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, từ ngày 14.5 các doanh nghiệp (DN) trong các KCN trên địa bàn bắt đầu khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động (gọi chung là người lao động). Đến ngày 17.5, có 306/351 DN đã ký hợp đồng với các đơn vị lấy mẫu và lấy 54.931 mẫu, trên tổng số 86.022 người lao động. Trong 31.091 người còn lại, có 25.696 người đã được công ty ký hợp đồng lấy mẫu với đơn vị lấy mẫu.

Do mới triển khai nên đến cuối ngày 17.5, mới có 85 mẫu có kết quả xét nghiệm và đều âm tính. Có 45 DN báo cáo, DN đang tích cực liên hệ, đăng ký và ký hợp đồng với các đơn vị xét nghiệm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều DN đã ký hợp đồng hoặc đăng ký với các đơn vị xét nghiệm nhưng chưa tới lượt xét nghiệm, do các đơn vị này đang quá tải.

Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, trước 24 giờ ngày 17.5, tất cả các DN phải triển khai được việc lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động. Từ ngày 18.5, tỉnh sẽ tổ chức đi kiểm tra. Đơn vị nào chưa hoàn thành sẽ bị xử lý. Ngoài các DN trong KCN, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu tất cả DN khác phải triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người lao động, nhưng thời hạn hoàn thành muộn hơn (đến 25.5).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng vào chiều ngày 17.5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, khoảng 50.000 công nhân tại các KCN sẽ tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm. Trước tình hình lây lan dịch bệnh với nhiều ca mắc trong KCN tại các tỉnh phía bắc, Ban Chỉ đạo yêu cầu các DN trong KCN phải siết chặt các quy định kiểm soát, phòng chống dịch tại đơn vị mình. UBND TP sẽ lập các tổ liên ngành để kiểm tra đột xuất các đơn vị trong KCN, các DN ngoài KCN, qua đó chấn chỉnh kịp thời những vi phạm. (Thanh niên, trang 2)

 

Việt Nam hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 đợt 2 vào ngày 23.5

Theo Bộ Y tế, tiến độ tiêm chủng đợt 2 về cơ bản sẽ hoàn thành trước ngày 23.5.

Theo Bộ Y tế, hơn 1,68 triệu liều vắc xin Covid-19 từ COVAX Facility cung cấp đợt 2 (tối 17.5) cho VN hiện được bảo quản tại kho lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Lô vắc xin Vaxzevria do COVAX cung cấp lần này (trước đây được gọi là Vắc xin Covid-19 AstraZeneca, Anh) do AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển.

Lô hàng này được sản xuất tại Ý. Theo thống kê của hệ thống giám sát an toàn tiêm chủng, trong số những người đã tiêm vắc xin Covid-19, 18% có phản ứng phụ nhẹ và chỉ có 24 trường hợp có phản ứng phụ nặng đã được cấp cứu kịp thời; 1 ca tử vong.

Đến cuối ngày 17.5, đã có hơn 1 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm cho các đối tượng ưu tiên trên cả nước và các bộ, ngành.

Theo Bộ Y tế, tiến độ tiêm chủng đợt 2 về cơ bản sẽ hoàn thành trước ngày 23.5. Với lô vắc xin mới tiếp nhận (tối 17.5), có hạn sử dụng đến 31.8 tới, dự kiến sẽ hoàn thành tiêm vào 31.7. (Thanh niên, trang 3)

 

Kỷ luật 2 nhân viên y tế từ chối không xét nghiệm cho F1

Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) kỷ luật 2 nhân viên y tế từ chối, không xét nghiệm cho F1 của một bệnh nhân Covid-19.

Ngày 17.5, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa kỷ luật khiển trách đối với bác sĩ Nguyễn Ngọc Đệ và chậm nâng lương 6 tháng đối với nhân viên y tế Trần Đức Anh, do vi phạm trong thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Đảng ủy Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả cũng tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc trong toàn cán bộ, đảng viên, viên chức, lao động trong đơn vị về công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, ngày 29.4, ông T.T.T (trú tại TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh; là F1 vì từng tiếp xúc trực tiếp với F0 là người thân trong gia đình khi về thăm quê tại Hà Nam vào ngày 23.4) đã đến Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả khai báo y tế và đề nghị được xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, tại đây, bác sĩ Đệ và ông Trần Đức Anh sau khi đón tiếp đã hướng dẫn người này tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh để được xét nghiệm. Sau đó, trên đường đi xét nghiệm, ông T. đã tiếp xúc với nhiều người khác trên xe buýt, gây khó khăn trong việc truy vết F2 cho lực lượng chức năng. (Thanh niên, trang 3)

 

Thường trực Chính phủ họp ứng phó dịch Covid-19

Chiều 17-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đợt dịch này có đặc điểm là chủng virus mới lây rất nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường, làm cho dù chúng ta có kinh nghiệm ở các đợt dịch trước đây cũng bị lúng túng. Dịch đến nay lan ra nhiều tỉnh, thành phố, tập trung ở một số tỉnh, một số ổ dịch nhất định, xảy ra tại nhiều khu công nghiệp, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, lan rộng. Kinh nghiệm chúng ta đối phó ở các khu công nghiệp lại chưa được tổng kết. Dịch lại xảy ra vào thời điểm chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kết thúc năm học. Dịch bệnh trên thế giới diễn biến rất phức tạp, ở cường độ cao, tạo sức ép chúng ta. Nhu cầu về nước của bà con Việt kiều cũng tăng lên.

Thủ tướng nêu rõ một số nguyên nhân của đợt dịch này, đó là dịch thâm nhập từ bên ngoài, chứ không phải phát sinh trong nước. Vừa qua có sơ hở để xảy ra việc nhập cảnh trái phép; quản lý không tốt các trường hợp cư trú trái phép. Đó còn là do sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số địa phương. Cơ quan nào không tuân thủ việc này thì cần kiểm điểm, xử lý theo mức độ vi phạm. Việc quản lý cách ly và sau cách ly cũng không tốt. Một số quy định, quy chế quản lý còn thiếu. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương mặc dù nói tinh thần 4 tại chỗ nhưng khi xảy ra dịch thì bị lúng túng, như thiếu vật tư, sinh phẩm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xảy ra dịch thì cũng thiếu kinh nghiệm phản ứng. Trong khi một số nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc từng xảy ra dịch, thì đợt dịch này cũng làm tốt.

Thủ tướng khẳng định, chúng ta đánh giá công tác chỉ đạo đồng bộ từ T.Ư đến địa phương: Thường trực Ban Bí thư có chỉ đạo, chỉ thị; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc… Chúng ta đã dự báo trước tình hình trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 có khả năng xảy ra đợt dịch; các cơ quan hành pháp vào cuộc quyết liệt.

Thủ tướng biểu dương tinh thần vào cuộc quyết liệt, tích cực, bài bản của Ban Chỉ đạo. Chúng ta cũng cơ bản nắm chắc tình hình, sát thực tế, đánh giá đúng tình hình, nhờ đó mới đưa ra được nhiệm vụ, giải pháp đúng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng đúng hướng. Chúng ta xác định đúng nhưng ngăn chặn chưa đúng. Về mặt tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo, chúng ta không chủ quan. Việc khen thưởng, kỷ luật cũng được thực hiện kịp thời. Việc phân công, phân cấp, phân quyền cũng rõ ràng. Tóm lại, công tác chỉ đạo, lãnh đạo cơ bản là tốt, nhưng vẫn có khuynh hướng hoang mang, hốt hoảng, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh.

Thủ tướng nhấn mạnh quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong mọi vấn đề, nhất là mua sắm trang thiết bị vật tư; điều quan trọng là không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, có mục đích xấu, lợi ích nhóm. Phải khẩn trương tổng kết, kế thừa bài học, kinh nghiệm hay, hiệu quả của các đợt phòng chống dịch trước, và của cả thế giới. Phải chuyển trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công. Phòng ngự tốt sẽ hỗ trợ tấn công tốt, tấn công tốt sẽ thực hiện phòng ngự hiệu quả. Đây là mối quan hệ hữu cơ. Vấn đề là khi nào ta tập trung nhiều hơn cho phòng ngự hay tấn công. Tấn công là thực hiện tốt “5K + vaccine”. Phòng vẫn là cơ bản, quyết định. Xét nghiệm chủ động, huy động nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Thực hiện chiến lược vaccine, mua bằng được vaccine, đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh việc tự nghiên cứu, sản xuất vaccine. Tổ chức tiêm chủng vaccine hiệu quả. Khi tiêm phòng vaccine cũng có rủi ro, nhưng phải giải thích rõ cho nhân dân yên tâm tiêm chủng. Tăng cường ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Huy động người dân sử dụng tối đa công nghệ để truy vết, phát hiện. Tăng cường vật tư, sinh phẩm y tế, phải dự trữ cả về tài chính. Thực hiện phân công, phân cấp, 4 tại chỗ. T.Ư lo lãnh đạo, quản lý vĩ mô, đôn đốc kiểm tra, lo tài chính tổng thể, những cân đối lớn cho chống dịch. Tỉnh phải lo cho tỉnh, huyện phải lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn lo cho thôn. Mỗi người phải tự lo sức khoẻ của bản thân mình, qua đó đóng góp vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng kêu gọi sự hợp tác và hưởng ứng của nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ. Cần rút kinh nghiệm, có các kịch bản phòng, chống dịch cho các khu công nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách để kêu gọi sự đóng góp của xã hội, người dân, doanh nghiệp để mua trang thiết bị, vật tư, y tế, vaccine.

Thủ tướng đánh giá công tác tuyên truyền thời gian qua có cố gắng nhưng các cơ quan thông tấn báo chí cũng cần tập trung cao nhất là phòng, chống dịch; tuyên truyền bầu cử. Theo đó, tăng cường phổ biến liên tục, phân tích, giải thích, đánh giá cho người dân, truyền cảm hứng cho người dân hiểu và hợp tác, bảo vệ chính họ, kêu gọi toàn dân vào cuộc phòng, chống dịch, “Lấy cái tích cực dẹp cái tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; phổ biến, nhân rộng những mô hình hay, bài học quý, thí dụ như của Đông Anh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Dương…; việc kỷ luật, xử lý, truy tố cũng phải thông báo rộng. Việc giãn cách xã hội đã có, căn cứ vào các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải căn cứ vào tình hình cụ thể đề xuất, đánh giá, nắm chắc tình hình, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định, chỉ thị. Việc giãn cách là “nhẹ nhàng” cho các lực lượng chống dịch nhưng ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân. Cái giỏi của chúng ta, của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền là phải nắm chắc tình hình, xử lý hài hòa, hợp lý, kịp thời, sáng tạo, chính xác, hiệu quả. Khi cần giãn cách thì phải giãn cách. Không đúng thẩm quyền thì phải báo cáo cấp trên. Phải giải thích cho người dân yên tâm về các quyết định của chúng ta. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động, bình tĩnh, tích cực, sáng suốt, nắm chắc tình hình, xem xét quyết định các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao để thực hiện tốt nhất theo thẩm quyền. Bộ Công thương, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải bảo đảm cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu trong mọi tình huống, góp phần bảo đảm sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân, phát triển sản xuất kinh doanh.

Chúng ta cần đánh giá đúng tình hình, những cái được thì phát huy, những cái chưa được thì phải xử lý. Những bài học, kinh nghiệm hay thì phổ biến, dự báo nắm chắc tình hình; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Hết sức bình tĩnh, sáng suốt, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Thủ tướng khẳng định, tình hình cơ bản được kiểm soát nhưng nếu hệ thống chính trị, chính quyền, địa phương, người dân lơ là, mất cảnh giác thì tình hình mất kiểm soát, hậu quả khôn lường. Một người lơ là, cả xã hội vất vả, lao đao. (Nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 3; Công an nhân dân, trang 1)

 

COVID-19: Tập trung dập dịch tại điểm nóng Bắc Giang

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế phải xem lại tất cả quy trình, không để lọt người bệnh có triệu chứng dương tính với SARS-CoV-2 tại các phòng khám, bệnh viện công lập và tư nhân.

Bắc Giang hiện là tỉnh ghi nhận số ca mắc nhiều nhất cả nước trong đợt dịch thứ tư, với 314 ca tính đến tối 16-5.

Sáng 16-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tiếp tục thăm các cơ sở cách ly y tế, cách ly tập trung lớn của tỉnh tại Bắc Giang.

“Chỉ để lọt một ca là có thể thành “bom nổ chậm””

Nhận định tình hình dịch tại Bắc Giang diễn biến phức tạp, trong công tác y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh bốn nội dung tỉnh Bắc Giang cần đặc biệt chú ý liên quan đến khu công nghiệp (KCN), khu cách ly, bệnh viện (BV) và cộng đồng, trong đó phải hết sức lưu ý tiêu chí an toàn trong phòng chống COVID-19. Theo Thứ trưởng Sơn, ngành y tế phải tự đánh giá, phải xem lại tất cả quy trình, không để lọt người bệnh có triệu chứng dương tính với SARS-CoV-2 tại các phòng khám, BV công lập và tư nhân. “Chỉ để lọt một ca là có thể thành “bom nổ chậm”, rất nguy hiểm” – ông Sơn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết toàn tỉnh hiện có 385 doanh nghiệp tại sáu KCN. Tại Bắc Giang có 60 khu cách ly tập trung. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tại khu cách ly tập trung phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên hằng ngày, nếu phát hiện ra trường hợp dương tính phải đưa đi điều trị ngay, không chờ kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR, đề phòng lây lan tại khu cách ly.

Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đề nghị Bắc Giang phải có quyết định thành lập ngay đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn COVID-19 trong KCN (với ít nhất 60 đoàn); Cục Quản lý môi trường y tế là đầu mối tập huấn công tác này. “Tỉnh cần kiên quyết nơi nào không bảo đảm an toàn phải cho dừng hoạt động” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị.

Ngày 17-5, đoàn cán bộ y tế của Hải Dương sẽ có mặt để hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm. Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế Bắc Giang phải có kế hoạch chi tiết về xét nghiệm.

Trước đó, hơn 11.000 mẫu xét nghiệm công nhân của Công ty Crystal Martin Việt Nam và Công ty Công nghệ Lens Việt Nam đã được 200 nhân viên y tế tình nguyện của BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chi viện cho Bắc Giang lấy trong 9 giờ. (Pháp luật TPHCM, ngày 17/5, trang 3)

 

Hy sinh quên mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

Đất nước ta đang căng sức gồng mình ứng phó với đợt dịch Covid-19 mới được đánh giá là phức tạp và nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Song tin tưởng tưởng rằng, với tinh thần thần “chống dịch như chống giặc”, với sự chung sức đồng lòng của cả nước, đặc biệt là sự quên mình nơi tuyến đầu chống dịch, chúng ta sẽ sớm ngăn chặn, khống chế đợt dịch hiện nay.

Hy sinh thầm lặng của các “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch

Từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên ngày 23-1-2020 tới nay, nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, nhưng chưa có đợt dịch nào diễn biến phức tạp, khó lường và nguy hiểm như đợt dịch hiện nay. Kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên của đợt dịch này vào ngày 27-4 vừa qua, chỉ trong vòng 3 tuần, nước ta đã có thêm 1.204 ca mắc mới Covid-19 trong tổng số 2.773 ca bệnh của cả nước tính tới 12 giờ ngày 17-5.

Đợt dịch hiện nay đã lây lan ra 27 tỉnh, thành phố trên cả nước với những ổ dịch được đánh giá rất nguy hiểm ở các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng những ca bệnh chưa phát hiện được nguồn lây nhiễm. Trong đó, chỉ riêng tại “tâm dịch” Bắc Giang lúc này ngoài 350 ca bệnh Covid-19 còn có hàng nghìn trường hợp F1 và hàng chục nghìn trường hợp F2 (chỉ riêng ở ổ dịch Công ty TNHH Shin Young Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung) đã có 174 F0, 4.466 trường hợp F1, 18.617 trường hợp F2); tại tỉnh Bắc Ninh qua rà soát, truy vết cũng đã xác định có hơn 2.90 trường hợp F1; hơn 25.000 trường hợp F2.

Vì thế, nhiệm vụ ưu tiên cấp bách số một hiện nay là phải làm sao khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly được các ổ dịch, các trường hợp mắc bệnh. Thực hiện nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách này, lực lượng tuyến đầu chống dịch là các y, bác sỹ, nhân viên y tế; các lực lượng Công an, Quân đội… đã làm việc không kể thời gian, nắng mưa với nỗi đau đáu tất cả vì nhiệm vụ, tất cả làm sao khoanh vùng, dập dịch một cách nhanh nhất.

Trong “cuộc chiến” chống “giặc” dịch Covid-19 đầy gian khó và không kém phần nguy hiểm này đã thấy xuất hiện những câu chuyện, hình ảnh, tấm gương lay động, làm rung động xiết bao con tim chúng ta những ngày này. Hình ảnh cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dành 1 phút mặc niệm để chia buồn với gia đình một bác sỹ có người mẹ qua đời mà không thể về chịu tang khiến tất cả đều không khỏi xúc động, nhói lòng. Do bệnh viện phải cách ly phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 5-5-2021, cả hai vợ chồng là bác sỹ cùng ở luôn trong bệnh viện. Trước khi vào bệnh viện cách ly dài ngày, vợ chồng bác sỹ đành gửi hai con nhỏ 13 tuổi và 8 tuổi cho ông bà ngoại trông. Nay, người mẹ yêu quý qua đời, vợ chồng bác sỹ phải nén đau thương ở lại bệnh viện để tuân thủ quy định cách ly và vẫn tiếp tục lo công việc chuyên môn, chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân.

Miền Bắc và Thủ đô Hà Nội những ngày này nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên đến 35-36 độ C. Vậy mà trong Phòng Hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, các bác sỹ mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy ròng, mắt kính mờ nhưng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân mới, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Họ chưa lúc nào ngơi nghỉ, chưa một lời ca thán.

Bệnh nhân Covid-19 sớm nhất 21 ngày có thể ra viện, còn những y bác sỹ, nhân viên y tế đang điều trị hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Dịch còn chưa lui, họ chưa biết bao giờ về. Đã có những y, bác sỹ ròng rã suốt 3 tháng túc trực, làm nhiệm vụ trong bệnh viện, giờ lại tiếp tục với những “trận đánh” mới nhưng họ không ngại khó, không ngại khổ với niềm tin rằng sẽ sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Niềm tin vững chắc trong cuộc chiến chống dịch

Mới đây, khi tới thăm, động viên đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế là những “chiến sỹ” đang kiên cường làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch vì sức khỏe nhân dân, vì lợi ích đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã bày tỏ cảm ơn lực lượng y tế cả nước đã hết sức trách nhiệm, thể hiện cao độ lòng yêu nước, tinh thần hết lòng cứu chữa người bệnh, “thầy thuốc như mẹ hiền” như lời dạy của Bác Hồ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi 3 đợt dịch trước và đang góp phần rất hiệu quả trong kiểm soát đợt dịch lần thứ 4.

Thủ tướng khẳng định, các lực lượng trên tuyến đầu, các y, bác sỹ có đóng góp rất tích cực, quan trọng, hiệu quả, có tính chất quyết định trong phòng chống và khắc phục hậu quả đại dịch; cùng với đó là sự vào cuộc của các lực lượng Quân đội, Công an và các lực lượng khác. Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã chịu hy sinh, gian khổ để phục vụ nhân dân, Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và rất biết ơn đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, người lao động ngành Y tế.

Cùng với tri ân lực lượng tuyến đấu chống dịch Covid-19, những ngày này đã dấy lên những việc làm, hành động kịp thời, thiết thức và hiệu quả để chi viện, tiếp sức cho “tiền tuyến” chống dịch. Ngày 15-5, 200 y bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện của Quảng Ninh cùng trang thiết bị hiện đại nhất đã tới “chi viện” cho tỉnh Bắc Giang chống dịch. Ngày 16-5, ngay khi tới nơi, những y, bác sỹ và sinh viên của tỉnh Hải Dương chi viện cho Bắc Giang đã bắt tay ngay vào lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) – một “điểm nóng” hàng đầu ở tâm dịch Bắc Giang những ngày nay với “ổ dịch” nguy hiểm là Công ty Hosiden. Họ bắt đầu công việc từ 20 giờ tối, làm không ngừng nghỉ cho tới khi hoàn thành 9.000 mẫu xét nghiệm ở thôn Núi Hiểu. Lúc này, ai cũng đã thấm mệt khi phải mặc bộ quần áo bảo hộ ngột ngạt trong nhiều giờ đồng hồ dưới tiết trời oi bức.

Hà Nội ngày 16-5 cũng đã tổ chức lễ xuất quân cho các y, bác sỹ, nhân viên y tế giỏi – là những người có chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm chuyên sâu về truy vết, khoanh vùng dập dịch – lên đường “chi viện” tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cho “đội đặc nhiệm” này ngay trong ngày 16-5 phải bắt tay ngay vào việc hỗ trợ xét nghiệm 10.000 mẫu; khẩn trương truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch ở Khu công nghiệp Vân Trung với gần 100.000 công nhân và gần 200 ca bệnh Covid-19 nhằm giúp Bắc Giang nhanh chóng dập dịch.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường gần 300 cán bộ, chiến sỹ nhằm phối hợp, hỗ trợ Công an tỉnh Bắc Giang, các ban, ngành, chính quyền và nhân dân địa phương triển khai kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an ninh, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… Ngày 17-5, lực lượng này đã có mặt tại Bắc Giang để bắt tay thực hiện ngay nhiệm vụ được giao là cùng Công an tỉnh tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực tế ghi nhận tại “tiền tuyến” chống dịch Covid-19 những ngày qua cho chúng ta thấy được sự vất vả, hy sinh lớn lao của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là các y, bác sĩ, nhân viên y tế cùng các chiến sỹ Công an, Quân đội đang phải ngày đêm đương đầu với “giặc” dịch Covid-19. Những chiến sĩ ở tiền tuyến ấy luôn nhận được sự ủng hộ, chi viện hết mình từ hậu phương lớn bao la với tinh thần tất cả vì tiền tuyến chống dịch. Chính điều này mang lại niềm tin vững chắc là chúng ta nhất định sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch này. (An ninh thủ đô, trang 17).

Phan Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 16/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/7/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận