Cứu sống ngoạn mục bệnh nhân ở ‘cửa tử’
Bệnh nhân 582 đã thoát qua “cửa tử” không những trong hoàn cảnh bệnh tình ngặt nghèo về sức khỏe, mà còn ngặt nghèo về điều kiện vật chất và nhân lực chống dịch vào thời điểm các bệnh viện ở Đà Nẵng bị phong tỏa. “Nói bệnh nhân này ở “cửa tử” trở về cũng không sai vì tình trạng tổn thương phổi nhiều thời điểm tưởng chừng như không cứu được…”, bác sĩ Trần Thanh Linh, phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, nói về trường hợp của bệnh nhân 582.
Hai lần chuyển viện
Nam bệnh nhân 55 tuổi (giáo viên ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu) nhập viện tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để điều trị COVID-19 vào ngày 31-7 với các bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ. Sau 2 ngày nhập viện, ông bị tổn thương phổi nặng, đây là tổn thương đặc trưng đối với những bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi, có bệnh lý nền suy giảm miễn dịch.
Vào thời điểm ấy, phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chưa có các thiết bị đặc trị, trong khi bệnh nhân cần phải tiến hành ECMO, đồng thời lọc máu. Các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân này tới Bệnh viện Đà Nẵng để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Đến ngày 6-8, sau khi các chuyên gia của Bộ Y tế thiết lập một phòng chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Phổi, bệnh nhân lại được chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng về đây để điều trị.
Bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay giáo viên này mắc bệnh quá nặng trong tình huống mà Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa, gần như tất cả những kinh nghiệm về hồi sức đều nằm ở đây với nhiều nguy cơ lây nhiễm. Nhờ hỗ trợ tích cực của các chuyên gia Bộ Y tế, chỉ vỏn vẹn 8 ngày nhưng các đơn vị đã kết hợp cho ra một đơn vị hồi sức tích cực và cứu chữa thành công bệnh nhân này.
“Có gì trong tay đều mang ra chiến đấu hết”
Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết với những bệnh nhân nặng thế này ngoài chăm sóc toàn diện còn đòi hỏi phải kết hợp vật lý trị liệu, hút đàm nhớt… để cứu bệnh nhân. “Chúng tôi nghĩ mình không bao giờ quên được giai đoạn này, bởi gần như có gì trong tay chúng tôi đều mang ra chiến đấu hết”, ông Linh nói.
Theo bác sĩ Linh, sau nhiều ngày sử dụng ECMO, diễn tiến bệnh tốt hơn, các thông số oxy máu cải thiện, huyết áp bệnh nhân ổn định hơn. Đến ngày 5-8 bệnh nhân được cai ECMO mặc dù vẫn tiếp tục được lọc máu, thay huyết tương nhưng các chỉ số đã có sự điều chỉnh theo hướng tích cực.
Đến nay bệnh nhân đã 5 lần được xét nghiệm âm tính, được công bố khỏi bệnh và được chuyển đến khu riêng biệt để theo dõi sức khỏe, tránh tình trạng bị lây nhiễm chéo với khu vực đang điều trị COVID-19. Sau khi thoát “cửa tử”, hiện tại bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị các bệnh lý nền, đặc biệt là tổn thương phổi.
Theo bác sĩ Linh, không riêng gì bệnh nhân này mà những bệnh nhân có bệnh lý nặng buộc phải theo dõi xuyên suốt đêm ngày.
“Không chỉ là bác sĩ, mà các điều dưỡng lúc nào cũng ở bên cạnh bệnh nhân trong việc chăm sóc toàn diện từ vệ sinh cho đến vật lý trị liệu. Anh em ở đây đang không ngại khó, khổ vì một mục tiêu chung cứu sống người bệnh, đưa người bệnh sớm khỏi bệnh càng sớm càng tốt”, bác sĩ Linh nói.
Tại buổi công bố bệnh nhân 582 được chữa khỏi COVID-19, bà Yến đã thay mặt ngành y tế Đà Nẵng cảm ơn các bác sĩ trực tiếp điều trị đã thực hiện một ca cứu người ngoạn mục.
“Đây là một sự nỗ lực hết sức của ngành y tế để giành lại sự sống cho những bệnh nhân nặng. Chúng ta đều biết đợt dịch thứ hai phần lớn các bệnh nhân đều có bệnh nền và tiên lượng tử vong, điều kiện chữa trị đòi hỏi nguồn lực chuyên môn cao và máy móc thiết bị tốt nhất”, bà Yến nói (Tuổi trẻ, trang 4).
Nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội phải giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 m
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu, từ 0 giờ ngày 19.8, tất cả cửa hàng ăn uống, cà phê, giải khát tại Hà Nội thực hiện nghiêm việc giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 m… Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 TP.Hà Nội chiều 17.8, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Trương Quang Việt, cho biết Hà Nội đã ghi nhận 10 ca bệnh tại cộng đồng, dịch còn diễn biến phức tạp, nhưng việc thực hiện giữ khoảng cách khi ra ngoài, sát khuẩn tay thường xuyên… kể cả ở công sở cũng không được thực hiện nghiêm túc. Một số quận, huyện, trong đó có Q.Thanh Xuân, cũng nhận định là người dân có phần chủ quan hơn, kiến nghị cần áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa. Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đánh giá: “Hiện nay, số người bị nhiễm bệnh ở các hàng quán tương đối nhiều. Vừa rồi, ở Hà Nội có quán bia Lộc Vừng, ở Hải Dương thì có quán TG bò tươi. Nhưng thực tế, có vẻ như các nhà hàng chưa có động thái trong thực hiện giãn cách, các hàng ghế vẫn giữ nguyên và mỗi bàn có 6 ghế, được kê sát vào nhau, giữa các bàn không có khoảng cách. Đây là vấn đề cần quyết liệt và xử lý nghiêm”.
Kết luận cuộc họp, Phó CT UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã đồng ý với đề xuất trên và yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra. Từ 0 giờ ngày 19.8, tất cả cửa hàng ăn uống, cà phê, giải khát thực hiện nghiêm việc giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 m, toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang suốt quá trình phục vụ, phải có máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn (Thanh niên, trang 4).
Thêm 9 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng được xuất viện
Ngày 17-8, tại các cơ sở y tế thành phố Đà Nẵng đã có 9 bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19 và được xuất viện. Các bệnh nhân này đã có 3-4 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo đó, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 6 bệnh nhân được xuất viện, gồm bệnh nhân 435, bệnh nhân 455, bệnh nhân 571, bệnh nhân 610, bệnh nhân 611 và bệnh nhân 712, trong đó 5 bệnh nhân ở thành phố Đà Nẵng và một bệnh nhân ở tỉnh Bình Định.
Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cho xuất viện 3 bệnh nhân gồm bệnh nhân 492, bệnh nhân 555 và bệnh nhân 819 (cùng trú tại tỉnh Quảng Nam). Toàn bộ các bệnh nhân này đã hết ho, không còn sốt và đều có kết quả ít nhất 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau khi xuất viện, hai cơ sở y tế này đã bố trí xe đưa các bệnh nhân về tận nhà và yêu cầu họ tiếp tục cách ly 14 ngày dưới sự theo dõi, giám sát của cơ sở y tế (Tuổi trẻ, trang 4).
Dỡ bỏ phong tỏa một số khu vực
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 17-8, có thêm 14 người mắc Covid-19 (người bệnh thứ 963 đến 976), trong đó 13 người tại cộng đồng, gồm: Ðà Nẵng sáu người, Hải Dương năm người, Hà Nội một người, Quảng Nam một người và một người được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ðáng chú ý, các người bệnh thứ 970 đến 973 tại Hải Dương, có độ tuổi từ 13 đến 41 tuổi, liên quan đến ổ dịch đường Ngô Quyền (trước đó đã ghi nhận năm người bệnh). Hiện các người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương.
* Liên quan đến người bệnh thứ 962 (nam, 30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết sơ bộ đã xác minh năm trường hợp F1, 41 trường hợp F2. Các trường hợp F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời chuyển đến khu cách ly tập trung tại Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao – Nam Từ Liêm. CDC Hà Nội cũng khuyến cáo, tất cả người dân trở về từ Ðà Nẵng từ ngày 15 đến 29-7 tiếp tục phối hợp chặt chẽ ngành y tế địa phương trong việc khai báo thông tin sức khỏe và đến các điểm lấy mẫu để được cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.
* Sau 14 ngày thực hiện cách ly y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của TP Ðà Nẵng, từ 0 giờ ngày 17-8, thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang chính thức được dỡ bỏ cách ly y tế. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch một số chốt chặn sẽ vẫn được giữ lại để tiếp tục theo dõi, kiểm soát người dân và phương tiện ra, vào.
* Lực lượng chức năng TP Biên Hòa (Ðồng Nai) đã công bố kết thúc phong tỏa, dỡ bỏ cách ly khu dân cư tuyến đường Hồ Văn Ðại do liên quan đến hai vợ chồng người bệnh Covid-19 thứ 595 và 669. Riêng chợ Cây Chàm, nằm tuyến đường Hồ Văn Ðại, lực lượng chức năng thông báo cấm họp chợ đến ngày 31-8, để tiếp tục thực hiện công tác phòng dịch. Trước khi dỡ bỏ phong tỏa, trong ngày 16-8, nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 lần hai cho 620 trường hợp, trong đó, có 575 người dân ở tuyến đường Hồ Văn Ðại và các hẻm kết nối tại tổ 13,14,15, khu phố 3, phường Quang Vinh, còn lại là lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường. Kết quả, tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.
* Chiều 17-8, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết, hệ thống giám sát trong tỉnh điều tra, truy vết có 47 trường hợp F1 của người bệnh số 748 ở phố Nam Bắc, phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn cho kết quả xét nghiệm lần một âm tính với SARS-CoV-2. Hệ thống giám sát cũng đã lấy mẫu của 2.168 người về Thanh Hóa từ các điểm phát sinh các ca bệnh theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế làm xét nghiệm.
* Ngày 17-8, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ủng hộ tỉnh Hải Dương năm tỷ đồng nhằm chung tay đồng hành và chia sẻ khó khăn với tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian tới, Vietinbank sẽ tiếp tục triển khai một số hoạt động hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh phòng, chống dịch. Toàn bộ số tiền hỗ trợ sẽ được chuyển tới Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh để mua bộ kit xét nghiệm Covid-19, phục vụ việc xét nghiệm trên diện rộng.
* Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều 17-8, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khuyến cáo, người dân không nên ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Ðồng chí yêu cầu, từ 0 giờ ngày 19-8, các nhà hàng, quán ăn phải nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống dịch, bảo đảm giãn cách chỗ ngồi. Những trường hợp không thực hiện nghiêm, thành phố sẽ xử lý nghiêm và buộc đóng cửa.
Ngày 17-8, có thêm 11 người bệnh mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang, Bệnh viện Lao và phổi Trà Vinh được công bố khỏi bệnh (người bệnh thứ 435, 455, 492, 555, 571, 559, 560, 610, 611, 712, 819). Các người bệnh sẽ tiếp tục được cách ly tại nơi cư trú, cơ quan y tế địa phương trong 14 ngày theo quy định. Tính đến chiều 17-8, cả nước đã điều trị và công bố khỏi 467 người mắc Covid-19 (Nhân dân, trang 8).
Chặn dịch từ những ca F1
Hơn 24 ngày kể từ thời điểm bùng phát dịch, đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng có xu hướng giảm dần. Về mắt xích giúp cắt đứt đường lây truyền của SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch tại Đà Nẵng, nhận định, điều này nằm ở việc cách ly, quản lý F1. Những ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng một lần nữa cho thấy, việc cách ly phòng dịch phải thực hiện kiên quyết và triệt để. Họ phải tuân thủ các quy định trong khu cách ly tập trung để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Từ ổ dịch tại Đà Nẵng, hiện dịch đã xuất hiện tại 14 tỉnh, thành phố. Không riêng gì Hà Nội mà một số tỉnh, thành phố có các ca mắc COVID-19 mới liên quan ổ dịch ở Đà Nẵng, như Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Trị, TPHCM đều đã ghi nhận nhiều trường hợp lây nhiễm thứ phát, từ F1 thành F0.
PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, hiện tại chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus ra cộng đồng.
Về một số các ca mắc mới gần đây có nhiều trường hợp là F1, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, F1 là người tiếp xúc gần với ca bệnh (F0) và có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2. Điều này không có gì là bất thường, theo đúng cơ chế lây bệnh của virus. Khi F1 trở thành F0 thì những người tiếp xúc gần với F1 này cũng có nguy cơ trở thành F1. Trong đợt dịch này, đối tượng F1 và F2 rất đông. Điều đó cảnh báo, sự lây lan trong cộng đồng rất cao và mọi người cần nâng cao cảnh giác.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, đối với các trường hợp F1, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 nên cần có sự chú ý đặc biệt hơn. Không kể tiếp xúc trong thời gian bao lâu nhưng vì đây là trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh. F1 có thể được coi là những bệnh nhân tiềm tàng.
“Nếu không phát hiện nhanh, kịp thời, không tổ chức cách ly ngay, để lọt F1 trong cộng đồng thì nguy cơ cao đối tượng này trở thành người bệnh, phát tán virus. Khi đó, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình, tiếp đến là ra nơi làm việc, rồi ra cộng đồng. Như vậy, dịch sẽ lan rộng, không ngăn chặn được nữa”, PGS.TS Trần Như Dương cảnh báo.
Kiên quyết không bỏ lọt F1
Để ngăn chặn dịch có hiệu quả, theo PGS.TS Trần Như Dương, việc truy vết F1 ngay sau khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca nghi mắc là yếu tố then chốt. “Việc chống dịch ở các địa phương phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch “truy vết F1 thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không bỏ sót F1. Việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện quan trọng và mang tính chiến lược, bắt buộc phải làm”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu không cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi việc cách ly tại nhà hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát (Tiền phong, trang 4).
Vắc-xin COVID-19: Cuộc đua ngày càng nóng
Hãng công nghệ sinh học Trung Quốc CanSino vừa được cấp bằng sáng chế cho vắc-xin COVID-19 mang tên Ad5-nCOV. Công ty này đã triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Nga để sớm hoàn tất quá trình được cấp phép. Quá trình thử nghiệm quy mô lớn cũng được nhiều hãng dược triển khai.
Vắc-xin Ad5-nCoV đã được cấp phép để quân đội Trung Quốc sử dụng sau quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2. Những thử nghiệm quy mô lớn khác đang được chuẩn bị triển khai ở Mexico và Ả-rập Xê-út. Báo chí Trung Quốc hôm qua dẫn thông tin từ Cục Quản lý tài sản trí tuệ quốc gia cho biết vắc-xin Ad5-nCoV đã được cấp bằng sáng chế.
CanSino và các công ty cùng lĩnh vực khác như Sinovac và Sinopharm đang thử nghiệm sản phẩm ở nước ngoài vì Trung Quốc không có đủ số tình nguyện viên cần thiết. Hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 là yêu cầu cần thiết để cơ quan chức năng cấp phép cho đưa sản phẩm vào sử dụng trong cộng đồng.
Dự án thử nghiệm của CanSino tại Nga đã tuyển 635 tình nguyện viên từ 6 viện y học để kiểm tra hiệu quả và tính an toàn của vắc-xin. Thử nghiệm này bắt đầu được triển khai từ ngày 14/8, Reuters đưa tin.
Nga là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc-xin COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người. Vắc-xin Sputnik V của Nga sử dụng adenovirus để mang kháng nguyên từ virus corona vào tế bào cơ thể người. Vắc-xin Ad5-nCoV cũng sử dụng phương pháp này.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Mỹ Novavax hôm qua cho biết họ đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 vắc-xin COVID-19 ở Nam Phi, trong lúc quốc gia này đang ghi nhận số ca mắc tăng mạnh.
Giai đoạn thử nghiệm thứ hai của vắc-xin NVX-CoV2373 sẽ được tiến hành trên 2.665 người trưởng thành khoẻ mạnh để đánh giá tính an toàn và khả năng miễn dịch ở khoảng 240 người trưởng thành nhiễm HIV nhưng có sức khoẻ ổn định, Reuters dẫn thông báo từ công ty cho biết.
Nam Phi đang là nước bị COVID-19 tấn công nghiêm trọng thứ năm thế giới, với 583.653 ca mắc và 11.677 trường hợp tử vong. Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ 15 triệu USD cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc-xin NVX-CoV2373. Novavax nói rằng họ có kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 ở cả Mỹ và Úc trong tương lai gần và sẽ cần khoảng 1.500 người tham gia. Đầu tháng này, lãnh đạo Novavax nói với báo chí rằng công ty sẽ sớm tiến hành thử nghiệm quy mô lớn nhằm thu thập đủ dữ liệu để xin cấp phép vào tháng 12 tới.
Tháng 7 vừa qua, chính phủ Mỹ cấp cho Novavax 1,6 tỷ USD để chi phí cho xét nghiệm và sản xuất vắc-xin ở Mỹ, với mục tiêu cung cấp 100 triệu liều vào tháng 1 năm sau.
Tháng trước, hãng AstraZeneca cho biết các thử nghiệm quy mô lớn đối với vắc-xin AZD1222 – sản phẩm hợp tác giữa AstraZeneca và ĐH Oxford, đang được tiến hành ở Brazil và Nam Phi và chuẩn bị được tiến hành ở Mỹ.
Tại Anh, giới chức nước này cho biết đã có hơn 100.000 người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc-xin, giúp đẩy nhanh nỗ lực tìm ra một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả.
Chính phủ Anh hôm qua kêu gọi người dân đăng ký tham gia các thử nghiệm vắc-xin của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) nhằm hỗ trợ NHS trong cuộc chiến chống virus corona và bảo đảm các loại vắc-xin sẽ hiệu quả với mọi người. Chưa có vắc-xin nào được chứng minh hiệu quả với người, nhưng có khoảng 20 loại đang được thử nghiệm lâm sàng ở Anh.
Theo thông báo trên trang web của chính phủ Anh, các nhà nghiên cứu đặc biệt hoan nghênh người tham gia từ mọi nhóm dân cư trong xã hội tham gia, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, những người thuộc cộng đồng da màu, người châu Á và dân tộc thiểu số.
Diễn biến nghiêm trọng
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, thế giới có thêm 294.237 ca mắc COVID-19 trong ngày 15/8, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát cuối năm ngoái, vượt con số kỷ lục hơn 292.000 trường hợp hôm 31/7.
Giới chức Hàn Quốc hôm qua cảnh báo nước này đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nữa, sau khi xuất hiện ổ dịch phức tạp liên quan đến nhà thờ gồm hơn 4.000 thành viên ở Seoul và đã có hơn 300 tín đồ mắc bệnh, trong khi nhiều người khác không muốn đi xét nghiệm. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc báo cáo thêm 197 ca mắc mới tính hôm qua, chủ yếu ở khu vực đô thị của Seoul, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp nước này có mức tăng 3 con số.
Úc hôm qua cho biết nước này vừa trải qua ngày có nhiều người chết vì COVID-19 nhất, với 25 trường hợp, trong khi có thêm 282 ca mắc.
Tại Nhật, suy thoái kinh tế vì COVID-19 đã thổi bay những thành quả mà quốc gia này đạt được dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Kinh tế suy thoái trong quý thứ 2 liên tiếp khi đại dịch khiến các trung tâm mua sắm trở nên trống trải, sản lượng xuất khẩu ô-tô sụt giảm. Báo chí Nhật Bản hôm qua đưa tin Thủ tướng Abe Shinzo phải vào viện kiểm tra sức khoẻ. Không rõ thông tin cụ thể nhưng một số nguồn tin nói rằng có thể ông bị suy nhược vì làm việc liên tục để đối phó đại dịch COVID-19 (Tiền phong, trang 12).