TPHCM ứng phó với biến chủng Omicron: Sớm bao phủ vắc xin mũi 3 cho cộng đồng
“Thành phố vừa phát hiện một chùm ca Omicron lây nhiễm trong cộng đồng ở một gia đình có người từ nước ngoài về. Đây là thông tin đáng lo ngại sau khi thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết hôm 19/1. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về 3 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron được phát hiện trong cộng đồng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Quá trình điều tra dịch tễ ghi nhận chùm ca nhiễm biến chủng Omicron có liên quan tới trường hợp người nhập cảnh là bà Nguyễn Thị Nam P. (41 tuổi, ngụ tại phường 17, quận Bình Thạnh). Bà Nam P. đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer, từ Mỹ về Việt Nam vào ngày 5/1. Sau khi về nước, bà được cách ly tại khách sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa). Bốn ngày sau, bệnh nhân có xét nghiệm PCR âm tính do CDC Khánh Hòa thực hiện.
Ngày 10/1, bà Nam P. bay chuyến VN1345 từ Nha Trang đến TPHCM. Chiều tối cùng ngày, bà Nam P. được 3 người thân, gồm: Phạm Duy K. (nam, 35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh); Phan Thị Ngọc H. (nữ, 46 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và Trương Bích T. (nữ, 31 tuổi, ngụ Quận 11) đón tại sân bay đưa về nhà người thân ở quận Tân Bình. Sau đó, nhóm 3 người cùng đi ăn tại nhà hàng Rạn Biển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ra về lúc 22 giờ cùng ngày.
Sau khi đến TPHCM, bà Nam P. ở nhà, không tiếp xúc với ai. Tối 13/1, bà có biểu hiện ho khan, rát họng nhẹ. Ngày 14/1, cả 3 người còn lại cũng có triệu chứng nên đi khám và được lấy mẫu gửi Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an). Ngày 15/1, khi có kết quả dương tính, Bệnh viện 30/4 gửi mẫu của 3 người qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để giải trình tự gen. Ngày 16/1, bà Nam P. liên hệ với nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính.
Ngày 18/1, phòng xét nghiệm của Đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng Đại học Oxford – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thông báo kết quả giải mã 3 mẫu bệnh phẩm của Duy K. – Ngọc H. – Bích T., các bệnh nhân đều nhiễm biến chủng Omicron (BA.1). Sau khi điều tra dịch tễ, cơ quan y tế đã chuyển cả 4 bệnh nhân đến Bệnh viện Dã chiến số 12 để điều trị. Đây là 3 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện tại TPHCM.
Lây lan nhanh
Trước sự xuất hiện của biến chủng mới, trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết: “Sự xuất hiện của biến chủng là một tất yếu bởi đây là biến chủng có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Trong giai đoạn thành phố mở cửa, người dân giao lưu, tiếp xúc nhiều nên khó để ngăn chặn triệt để được mọi nguy cơ lây nhiễm. Đặc tính lây lan nhanh có thể sẽ khiến số ca bệnh mới nhiễm trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành khác tăng nhanh về số ca mới mắc Omicron trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, theo BS Hữu Khanh, sự xuất hiện của biến chủng mới không phải là vấn đề quá lo ngại. “Về mặt chuyên môn, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, khi nhiễm biến chủng Omicron, biểu hiện của bệnh nhân nhẹ hơn nhiều so với chủng Delta. Chúng ta đã chấp nhận sống chung với Delta thì càng nên sống chung với Omicron bởi bệnh nhân đã nhiễm Omicron thì không nhiễm Delta. Omicron lây lan nhanh và ít ảnh hưởng trên những bệnh nhân đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin”.
Mặc dù vậy, theo BS Khanh, với đặc tính lây lan nhanh của biến chủng mới có thể khiến ngành y tế rơi vào quá tải. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế nhiễm bệnh, diễn tiến nặng của người thuộc nhóm nguy cơ là sớm bao phủ vắc xin mũi 3 cho cộng đồng, giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, giảm áp lực quá tải bệnh viện (Tiền phong, trang 3).
Mua sắm vật tư y tế chống dịch: Trên lo, dưới sợ
Hôm qua (19.1), hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Kiểm toán Nhà nước.
Có cài cắm, trục lợi chính sách?
Ông Vũ Văn Họa, Phó tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN), cho biết theo dự kiến, chuyên đề kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được cơ quan này thực hiện tại 32 tỉnh, TP và hàng loạt bộ, ngành trong một tháng rưỡi, từ ngày 16.2 – 31.3. Tuy nhiên, trước sự phức tạp, độ bao quát cũng như tầm ảnh hưởng lớn của vấn đề này, cơ quan kiểm toán thấy rất cần được sự góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Về nội dung kiểm toán, ông Họa cho hay đầu tiên KTNN dự kiến làm việc về huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. Thứ hai là về sử dụng các nguồn lực. Ngoài ra, KTNN cũng sẽ làm rõ các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí lẫn việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ hay vấn đề xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch.
Góp ý về nội dung kiểm toán, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nhận định “sẽ rất áp lực và thách thức” cho KTNN vì quy mô rộng và phạm vi rất lớn. Do đó, việc đánh giá công tác tham mưu, ban hành chính sách cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường và bên cạnh việc làm rõ hiệu quả của cơ chế cũng cần làm rõ có việc cài cắm, trục lợi của cá nhân, tổ chức khi tham mưu, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách này hay không.
Sợ nhất là mua xong thì… giá giảm
Ông Lê Văn Khảm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, băn khoăn về nội dung kiểm toán mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch. Ông Khảm cho rằng thực tế cho thấy có thời điểm cơ sở y tế lo sợ việc mua sắm nên chủ yếu dùng đồ tài trợ, do BYT cấp, hoặc chỉ mua các thiết bị đã đấu thầu từ trước. “Nhưng trong thực tế đã có cá nhân, có cơ sở có biểu hiện tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế gây bức xúc trong xã hội”, ông Khảm nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận tại một số thời điểm, nguồn cung một số vật tư, trang thiết bị có khó khăn; giá hàng hóa tăng cao nên các địa phương rất khó mua vì không có giá tham khảo phù hợp, dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng. “Một số ý kiến đề nghị Bộ mua tập trung để đảm bảo tính thống nhất. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro vì dịch tiếp tục diễn biến phức tạp nên việc từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nhu cầu về chủng loại, số lượng và thời gian mua là rất khó. Nếu Bộ mua tập trung thì mặt hàng đó có thể không phù hợp với nhu cầu của đơn vị. Chưa kể giá mua sắm tập trung có thể giảm tại thời điểm mua, nhưng sau đó có thể biến động giảm nếu số ca mắc thấp, giảm giá mạnh theo thời gian, rất rủi ro cho ngân sách”, ông Thuấn nói.
Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị thực hiện mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”, từng địa phương, đơn vị, đi cùng với đẩy mạnh công khai giá bán, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, kê khai giá cùng với đẩy mạnh thanh kiểm tra. “Song các đoàn thanh tra, kiểm toán nên xem xét tính chất khách quan bản chất của sự việc. Trong tình huống “chống dịch như chống giặc”, việc mua sắm có thể có những thiếu sót về thủ tục hành chính thì cần xem xét đánh giá thận trọng, khách quan, không thể có đầy đủ hồ sơ như đấu thầu trong tình huống thông thường”, ông Thuấn bày tỏ.
Từ thực tiễn địa phương, ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, và lãnh đạo nhiều tỉnh phản ánh trước yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, các đơn vị phải thực hiện nhanh chóng các thủ tục mua sắm (gồm lập kế hoạch, xây dựng dự toán, trình phê duyệt…). “Tuy nhiên, các thông tin về giá mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm… cập nhật còn hạn chế, thiếu sự chia sẻ nên khó xác định giá dự toán phù hợp với thị trường. Giá trúng thầu tham khảo một số loại, trong đó có test PCR, được đăng tải tại Cổng công khai kết quả đấu thầu tại mỗi thời điểm và giữa các địa phương có độ chênh đáng kể, gây khó khi xây dựng giá dự toán”, ông Sơn chia sẻ (Thanh niên, trang 5; Tiền phong, trang 3).
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm hầu tòa
Theo quyết định của TAND Hà Nội, hôm nay 20.1 dự kiến diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại BV BM.
Trong số 8 bị cáo của vụ án này, có 4 bị cáo là cán bộ lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai, gồm: Nguyễn Quốc Anh (63 tuổi, cựu Giám đốc); Nguyễn Ngọc Hiền (62 tuổi, cựu Phó giám đốc); Trịnh Thị Thuận (48 tuổi, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán); Lý Thị Ngọc Thủy (54 tuổi, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán). 4 bị cáo khác là Phạm Đức Tuấn (43 tuổi, cổ đông sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CN y tế BMS); Ngô Thị Thu Huyền (39 tuổi, cựu Phó giám đốc Công ty BMS); Trần Lê Hoàng (39 tuổi, cựu thẩm định viên Công ty CP thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội – VFS); và Phan Minh Dung (49 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty VFS), bị VKS truy tố về cùng tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong số này, có 2 bị cáo là Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Ngọc Hiền bị tạm giam, các bị cáo khác được tại ngoại.
Theo cáo trạng của VKS, quá trình triển khai thực hiện đề án, ký hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, bị cáo Quốc Anh cùng các bị cáo khác đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Các bị cáo Trần Lê Hoàng, Phan Minh Dung bị xác định đã cấp chứng thư thẩm định giá xác định giá Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não 39 tỉ đồng trái quy định, tạo điều kiện cho Công ty BMS tham gia liên doanh, lk với BVBM triển khai lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỉ đồng không đúng thực tế.
Cụ thể, ngày 20.2.2017, Công ty VFS ban hành chứng thư thể hiện Robot Rosa có giá 39 tỉ đồng, nhưng 3 ngày sau, loại robot này mới được nhập khẩu từ Pháp với giá 7,4 tỉ đồng, bao gồm cả thuế. Việc chênh lệch giá nêu trên mang lại lợi nhuận cho tập thể và cá nhân bị cáo Quốc Anh hơn 331 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền bị xác định hưởng lợi 150 triệu đồng, Trịnh Thị Thuận hưởng lợi 50 triệu đồng.
Từ tháng 2.2017 – 5.2020, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng Robot Rosa (liên kết với Công ty BMS) thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan 551 ca bệnh cho Công ty BMS.
Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca, nhưng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca, gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỉ đồng. VKS xác định trong vụ án này, bị cáo Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên doanh, liên kết (Thanh niên, trang 7; Lao động, trang 7).