Điểm báo ngày 20/11/2019

(CDC Hà Nam)
Thanh tra Bộ Y tế đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Giảm tỷ lệ sử dụng, tăng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; Bé 11 tháng tuổi tử vong do thủng dạ dày, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lên tiếng…

Thanh tra Bộ Y tế đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Sáng ngày 18/11/2019, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Y tế vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam và 55 năm ngày thành lập Ban thanh tra thuộc Bộ Y tế. Tham dự buổi Lễ, có Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ; cùng các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Y tế; các Ban; Ủy ban của Trung ương Đảng, Quốc hội; các Bộ, Ngành Trung ương, các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương, Hà Nội đã về dự và đưa tin cho buổi Lễ. Ngày 08/9/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 138/CP thành lập Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế. Năm 1991 sau khi có Luật Bảo vệ sức khỏe Nhân dân, Pháp lệnh Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 05/12/1991, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1087/BYT-QĐ thành lập tổ chức Thanh tra Nhà nước về Y tế. Tại các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng thành lập tổ chức Thanh tra nhà nước về Y tế gọi tắt là Thanh tra Sở Y tế. Từ đó hệ thống Thanh tra Y tế được hình thành trong cả nước với tên gọi “Thanh tra Nhà nước về Y tế” gọi tắt là Thanh tra Y tế. Năm 2010, sau khi Quốc hội thông qua Luật thanh tra sửa đổi, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra được mở rộng tại các Cục, Tổng Cục thuộc Bộ và Chi cục thuộc sở đã tạo thêm cánh tay nối dài cho hệ thống Thanh tra y tế nhằm giúp lãnh đạo Ngành Y tế ngày càng làm tốt hơn trong công tác thanh tra, góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về y tế. Với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể lãnh đạo, công chức Thanh tra Y tế trong toàn Ngành, Thanh tra Y tế nói chung, Thanh tra Bộ Y tế nói riêng đã đạt được nhiều thành tích, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được các cấp lãnh đạo ghi nhận, khen thưởng.
Sau 55 năm kể từ khi Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế được thành lập (1964 – 2019) và sau 28 năm hình thành hệ thống Thanh tra Nhà nước về y tế (1991 – 2019), với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Y tế đã có những bước phát triển vượt bậc, vừa được kiện toàn về tổ chức, tăng cường về lực lượng, không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động, Thanh tra Y tế đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về Y tế. Công tác thanh tra Y tế từ chỗ thanh tra việc thực hiện các chế độ chính sách và xem xét giải quyết khiếu nại tố cáo là chủ yếu, đến nay đã mở rộng sang tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngành Y tế và được thực hiện một cách có kế hoạch, mang tính chủ động, dự phòng; chất lượng các cuộc thanh tra được nâng lên, hiệu lực và hiệu quả thanh tra được tăng cường, góp phần đáng kể cho việc làm tốt công tác quản lý Nhà nước về Y tế bằng pháp luật. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, trong nhiều năm qua Thanh tra Bộ Y tế đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch hành động hằng năm về phòng, chống tham nhũng; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra liên quan công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó góp phần hạn chế và kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng có hiệu quả… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Giảm tỷ lệ sử dụng, tăng hiểu biết về tác hại của thuốc lá

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) ra đời năm 2013, các cấp ngành, đơn vị, địa phương, các tổ chức xã hội đã đồng loạt triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Từ công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá, biện pháp phòng ngừa cho đến công tác xử lý vi phạm, giám sát thực hiện luật và các quy định khác, xây dựng các mô hình điểm… đã cho thấy có sự quyết tâm và đồng lòng vì một môi trường không khói thuốc lá.

Điểm sáng trong ngành Y tế về PCTHTL là Bệnh viên Đa khoa Trà Vinh. Tại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc vận động cán bộ viên chức và người bệnh, thân nhân người bệnh không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Giám đốc bệnh viện đã phát động phong trào thi đua thực hành bảo vệ môi trường bệnh viện xanh, sạch, không khói thuốc; giao cho công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, giám sát và báo cáo đánh giá thi đua khen thưởng hằng năm.

Tất cả các khoa, phòng, công đoàn bộ phận và cán bộ viên chức xây dựng kế hoạch xanh-sạch-đẹp tại cơ sở khoa phòng và trong khuôn viên bệnh viện, với nhiều bảng hiệu nhắc nhở không hút thuốc lá. Đồng thời, Ban chỉ đạo thực hiện nếp sống văn hóa không khói thuốc luôn kiểm tra, nhắc nhở bệnh nhân và thân nhân người bệnh tuân thủ việc không hút thuốc lá.

Tiếp nối các kết quả đã đạt được trong những năm trước, tại tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Thái Bình năm 2019-2020 với mục tiêu tăng cường việc thực thi nghiêm Luật PCTHTL và môi trường không khói thuốc tại tỉnh Thái Bình. Đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá nơi làm việc vào quy chế nội bộ; đưa vào hương ước, quy ước cộng đồng quy định không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư…

Tỉnh Thái Bình đặt ra chỉ tiêu trong năm 2019 – 2020 là 100% lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương hiểu biết về quy định của Luật PCTHTL và triển khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý. 80% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá. 70% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL. 98% cơ sở y tế, trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có quy định về việc thực thi Luật PCTHTL và xây dựng “Môi trường không khói thuốc” trong khuôn viên đơn vị, trong đó 80% đơn vị thực hiện nghiêm môi trường không khói thuốc. Ít nhất 80% công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách…

Tại tỉnh Kiên Giang, từ năm 2014 đến nay, ngành Y tế tỉnh Kiên Giang đã triển khai thường xuyên thông qua kênh truyền thông đa dạng như phát thanh, truyền hình, báo giấy… Cấp phát 18.000 biển báo “Cấm hút thuốc”; 55 pano; 800 đĩa DVD và hơn 47.000 túi đựng thuốc bằng giấy bên ngoài có in hình và thông điệp cảnh báo tác hại của thuốc lá. Ngành Y tế Kiên Giang cũng phối hợp với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Kiên Giang tổ chức phát thanh và chiếu phim lưu động tại các vùng sâu vùng xa trong tỉnh được 80 lần với các nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá…

5 năm qua hệ thống Công đoàn Việt Nam đã tuyên truyền cho trên 4 triệu lượt đoàn viên, CNVCLĐ về tác hại của thuốc lá, đã có gần 70 % công đoàn cơ sở triển khai thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc và 195.000 CNVCLĐ bỏ thuốc lá, trên 200.000 đoàn viên, CNVCLĐ giảm hút thuốc lá. 100% tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL. Rất nhiều cơ quan, đơn vị đưa nội dung của PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm.

Từ năm 2015, Quỹ đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai 1800-6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh số 1800-1214. Bên cạnh đó, Quỹ PCTHTL cũng đã hỗ trợ cho nhiều hoạt động truyền thông nhằm trang bị thông tin, sự hiểu biết của đông đảo người dân, học sinh về tác hại của thuốc lá. Trong 5 năm vừa qua, cũng có sự tăng đáng kể hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá thụ động.

Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc chung của nam giới khu vực thành thị giảm 5%. Những kết quả của hoạt động truyền thông này là những chỉ số bền vững cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam, góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian tới. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Bé 11 tháng tuổi tử vong do thủng dạ dày, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lên tiếng

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin một bệnh nhi 11 tháng tuổi vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nhưng sau đó bị sốc thuốc, thủng dạ dày, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương rồi tử vong…
Theo phản ánh trên một số tài khoản mạng xã hội cá nhân, chính sự tắc trách, sai sót trong quá trình khám chữa bệnh của y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông như bệnh nhi bị sốc thuốc lại cho uống Oresol là nguyên nhân gây thủng dạ dày… khiến bé gái 11 tháng tuổi tử vong bất thường.

Trước vụ việc nói trên, thông tin đến báo chí, BSCKII Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trường hợp bệnh nhi tử vong được phản ánh trên mạng xã hội phản ánh là bé H.T.M, vào viện đêm 11-11 với triệu chứng sốt, nôn, ho, chướng bụng, kích thích, mạch nhanh, thở nhanh, người mệt lả….

Kết quả chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhi bị viêm phổi, tiêu chảy mất nước nặng và trong tình trạng theo dõi sốc nhiễm khuẩn. Các bác sĩ đã cho bệnh nhi thở oxy, truyền dịch, Oresol, tiêm kháng sinh, hạ sốt, an thần… nhưng sau 20 phút cấp cứu, trẻ vẫn kích thích, vật vã, nôn, vân tím toàn thân.

Các bác sĩ tiếp tục chỉ định đặt 2 đường truyền, đặt sonde hậu môn, nhưng sau khoảng 2 giờ cấp cứu tình trạng bệnh không cải thiện nên đã chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo ông Tiến, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi M. cũng được đánh giá tình trạng ban đầu là suy hô hấp, mất nước nặng, theo dõi sốc nhiễm khuẩn. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng nên chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Quá trình mổ cấp cứu, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thấy dạ dày bệnh nhi hoại tử rộng ở vùng bờ cong lớn, có lỗ thủng trên nền hoại tử nên đã xử lý. Sau đó, bênh nhi M. được tiếp tục hồi sức viện nhưng do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy đa tạng không hồi phục nên đã tử vong vào ngày 15-11, sau 3 ngày điều trị.

Phía Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng cho biết, trước thời điểm bệnh nhi M. tử vong, đại diện gia đình cháu bé đã đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông nộp đơn khiếu nại.

Sau khi bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình đưa thi hài cháu về Bệnh viện Đa khoa Hà Đông yêu cầu được gặp kíp trực khoa Nhi ngày 11-11 để giải quyết nhưng bệnh viện không đồng ý. Sau khi được kíp trực lãnh đạo bệnh viện giải thích, gia đình đã cho cháu về mai táng.

Tiếp đó, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của TS Đặng Ánh Dương, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Hồi sức tích cực Ngoại Nhi – Bệnh viện Nhi Trung ương, và tổ chức họp đánh giá vụ việc. Hội đồng chuyên môn đã nhận định công tác chẩn đoán và xử trí cấp cứu đúng quy trình chuyên môn.

Theo TS Đặng Ánh Dương, bệnh lý thủng dạ dày do hoại tử ở bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi như trường hợp bệnh nhi M. là bệnh lý hiếm gặp, rất khó chẩn đoán, tỷ lệ tử vong rất cao. Các nguyên nhân gây nên hậu quả tắc mạch, có thể làm cho tổ chức dạ dày không được nuôi dưỡng bị hoại tử và thủng gây viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng nhiễm độc…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo trẻ dưới 12 tuổi, khi có dấu hiệu chán ăn, quấy khóc, bụng chướng, mắt trũng, mất nước… thì các gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Ba trẻ trong một gia đình ở Sóc Sơn tử vong, 2 trẻ nghi dương tính với khuẩn whitmore

Thông tin một gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội) mất 3 đứa con chỉ trong 7 tháng, trong đó 2 bé vừa tử vong được xác định nhiễm vi khuẩn gây hoại tử Whitmore đang gây xôn xao dư luận…Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn thông tin cho biết, Trung tâm Y tế huyện đã có báo cáo Kết quả điều tra ban đầu về ca bệnh Whitmore tại thôn Đô Lương (xã Bắc Sơn, Sóc Sơn).

Theo đó, 2 cháu bé trong cùng một gia đình ở thôn Đô Lương vừa tử vong được xác định nhiễm nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm, trong đó có vi khuẩn Whitmore – một loại vi khuẩn gây hoại tử.

Bệnh nhân thứ nhất là bé Trần Công V., sinh năm 2014. Theo lời kể của ông nội bệnh nhân, trước khi vào viện 1 ngày, bệnh nhân sốt 38,5 °C, kèm theo đau bụng. Sáng hôm sau thấy tình trạng không đỡ, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị.

Tối 31-10, bệnh nhi tử vong tại bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Mẫu máu lấy xét nghiệm của bệnh nhân có kết quả dương tính với loại sinh khuẩn Burkholderiapseudomallei (còn gọi là vi khuẩn whitmore). Trước đó, bé V. không có tiền sử bệnh mạn tính.

Chỉ 10 ngày sau, 10-11, đến lượt em trai của bé V. là bé Trần Quang H. (sinh năm 2018) cũng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn đến Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng sốt cao. Đến ngày 16-11, bé H. tử vong tại viện với chẩn đoán tương tự như anh trai.

Đáng chú ý, cách đó chưa đến 7 tháng, người con lớn của gia đình này cũng mới tử vong vì bệnh.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết, qua xác minh ban đầu, cháu bé lớn của gia đình nói trên không phải mất vì bệnh Whitmore. Còn trường hợp 2 cháu bé vừa tử vong trong vòng nửa tháng qua tại Bệnh viện Nhi Trung ương được xác định tử vong vì sốc nhiễm khuẩn.

Được biết, gia đình có 3 người con tử vong trong vòng 7 tháng kể trên có 7 người sống chung (bố, mẹ và ông, bà nội của 3 bệnh nhân), ngoài 3 trẻ tử vong thì 4 người còn lại đều sức khỏe tốt, không có biểu hiện nghi mắc bệnh truyền nhiễm. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Người nhà bệnh nhân lại hành hung nhân viện y tế

Ngày 19.11, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết đã nhận được báo cáo nhanh của PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 về việc người đàn ông là người nhà bệnh nhi đã đánh ​nữ điều dưỡng​ của bệnh viện vào tối 16.11.

Theo báo cáo, người hành hung nữ điều dưỡng trong lúc chăm sóc bệnh nhân là cha của một bệnh nhi 9 tuổi được chẩn đoán là hen suyễn. Bệnh nhi này điều trị tại phòng lưu bệnh để khí dung. Sau khí dung, bệnh nhi khoẻ hơn và được cho nằm vào giường trống để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, sau đó có một bệnh nhi khác mới vào trong tình trạng nặng hơn, nên điều dưỡng trực yêu cầu thân nhân đưa bé trai 9 tuổi này sang khu vực ghế ngồi chờ, nhường giường cho cháu bé nặng hơn.

Bất ngờ một lúc sau, người đàn ông là cha của bé trai 9 tuổi bước vào không đồng ý với yêu cầu của nữ điều dưỡng và dùng tay tát mạnh vào mặt khiến chị choáng váng.

Lãnh đạo trực bệnh viện đã mời công an khu vực đến giải quyết mới có thể lập lại trật tự tại Khoa Cấp cứu. Sau đó, nữ điều dưỡng được đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu và được chẩn đoán chấn thương vùng hàm mặt, nghi ảnh hưởng đến xương hàm nên cần theo dõi.

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh nhận định hành động đánh nữ điều dưỡng của người nhà bệnh nhi là không thể chấp nhận được. Hành động này đã gây tâm lý bất ổn cho nhân viên bệnh viện và nhân viên ngành y tế.

Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 có văn bản chính thức  gửi đến Công an Quận 10 và các cơ quan chức năng có liên quan yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc.

Theo Sở Y tế, hiện nay, các bệnh viện đều đã triển khai quy trình khẩn cấp để chủ động ứng phó với các sự cố gây mất an ninh, trật tự trong bệnh viện.

Theo kế hoạch, Sở Y tế và Công an TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức diễn tập phối hợp trong phát hiện, ngăn chặn các sự cố gây mất an ninh, trật tự tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, dự kiến trong tháng 12.2019. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 16; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Người dân đến khám tăng gấp đôi tại Trạm y tế điểm

Trung bình mỗi ngày hiện nay trạm y tế xã Tân Hội – huyện Đan Phượng- TP Hà Nội khám và điều trị y học cổ truyền cho 50-60 bệnh nhân, tăng gấp đôi so với trước khi triển khai thực hiện trạm y tế mô hình điểm

Để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, “hút” và “níu giữ” người dân về cơ sở thăm khám, theo dõi sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở, Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, trong đó Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm.

Ngày 19/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết giữa Bộ Y tế và UBND các tỉnh về triển khai và nhân rộng mô hình điểm tại Trạm Y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình. PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chủ trì buổi Lễ.

Trước khi diễn ra lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác gồm lãnh đạo UBND, giám đốc Sở Y tế nhiều địa phương, đại diện một số tổ chức quốc tế đã đến thăm thực tế mô hình trạm y tế điểm tại xã Tân Hội- huyện Đan Phượng. Đây là một trong 26 trạm y tế điểm được Bộ Y tế đầu tư để từ đó nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

Chia sẻ và trò chuyện với Bộ trưởng và đoàn công tác, nhiều bệnh nhân đang chờ thăm khám, châm cứu tại trạm y tế xã Tân Hội đều vui mừng cho biết, nhờ có bác sĩ bệnh viện TW về thăm khám tại trạm y tế và trạm y tế theo dõi, cấp phát thuốc huyết áp, tiểu đường… nên người dân đỡ vất vả hơn, không còn phải vất vả lên tuyến trên.

Trò chuyện với Bộ trưởng, ông Nguyễn Thạc Trọng, 50 tuổi ở xã Tân Hội đang châm cứu tại phòng chẩn trị y học cổ truyền của trạm y tế Tân Hội vui mừng cho biết, sau chữa đột quỵ và châm cứu tại các bệnh viện tuyến trên, thấy hàng xóm và người nhà bảo trạm y tế xã Tân Hội đã phát triển và thay đổi nhiều, có cả phòng chẩn trị y học cổ truyền thực hiện châm cứu nên ông Thạc đã về trạm y tế châm cứu từ hơn 2 tháng nay.

“Cảm ơn Bộ Y tế và Bộ trưởng đã đưa bác sĩ tuyến TW- bác sĩ BV Châm cứu TW về với trạm y tế để người dân chúng tôi được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn”- ông Thạc nói.

Đại diện 26 Trạm Y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, BS Trần Thị Mai Hương- Trạm trưởng trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội cho biết: Tân Hội là xã có dân số lớn nhất huyện Đan Phượng, trên 5000 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, trung bình mỗi ngày có khoảng 20-30 bệnh nhân đến thăm khám. Tính đến ngày 31/10/2019, trạm y tế xã Tân Hội đã tiếp nhận 74 đầu danh mục trang thiết bị y tế do Bộ Y tế cấp và đã đi vào hoạt động hiệu quả.

Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã phân công 3 bệnh viện là BV E, BV Châm cứu và BV Phụ sản Hà Nội cùng bác sĩ của Trung tâm y tế huyện về công tác luân phiên định kỳ tại trạm y tế xã Tân Hội. Sở Y tế Hà Nội đã phê  duyệt gần 1100 danh mục kỹ thuật, trong đó có hơn 400 danh mục vượt tuyến cho trạm y tế. Danh mục thuốc được phê duyệt có  140 loại thuốc, trong đó có 7 loại thuốc tăng huyết áp và 4 loại thuốc đái tháo đường.

Sau một năm thực hiện mô hình trạm y tế điểm, tính đến cuối tháng 10/2019, tổng số lượt khám tại trạm y tế là trên 13.000 lượt, trong đó khám chữa bệnh bằng BHYT là 12.000 lượt, có 457 lượt người cao tuổi đến khám chữa bệnh tại trạm.  Bên cạnh đó, trạm y tế đã triển khai bộ phận khám chữa bệnh y học cổ truyền thực hiện châm cứu, xoa bóp, bấp huyệt tại trạm.

Đã có 312 bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, thực hiện trên 11.300 thủ thuật về y học cổ truyền. Trạm y tế Tân Hội cũng đã triển khai siêu âm 317 lượt, xét nghiệm 415 lượt; Lập hồ sơ quản lý 492 bệnh nhân tăng huyết áp và 145 bệnh nhân tiểu đường. Triển khai tiêm chủng cho 28-300 trẻ/tháng

“Trung bình mỗi ngày trạm y tế xã Tân Hội khám và điều trị y học cổ truyền cho 50-60 bệnh nhân/ ngày, tăng gấp đôi so với trước khi triển khai thực hiện trạm y tế mô hình điểm”- BS Trần Thị Mai Hương nhấn mạnh

Từ thực tiễn triển khai thời gian qua, BS Trần Thị Mai Hương cho biết thêm, mô hình trạm y tế điểm là mô hình tốt, phù hợp cho nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân tại cơ sở. Mô hình này mang lại nhiều cái lợi thiết thực đó là, đối với người dân được khám và điều trị gần nhà, đỡ chi phí đi lại và chi phí chăm sóc cho người bệnh. Góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Giảm gánh nặng bệnh tật cho địa phương.

Đối với cơ sở y tế thì bước đầu đáp ứng được nhu cầu theo dõi sức khoẻ hàng tháng, hàng năm của bệnh nhân. Cùng với đó, trình độ của nhân viên y tế của trạm y tế được nâng cao, đời sống nâng lên. Thu nhập tăng gấp 3 lần so vói năm 2018.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng mô hình điểm trạm y tế xã vận hành theo nguyên lý Y học gia đình nhằm giúp cán bộ ngành y tế và người dân có thể tiếp cận ngay tại Việt Nam, từ đó hình dung cụ thể, rõ ràng về những trạm y tế được tăng cường năng lực thông qua đổi mới toàn diện và đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, nhân lực tới hoạt động và tài chính.

Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh để xây dựng mô hình điểm, theo đó mỗi tỉnh tham gia xây dựng mô hình điểm sẽ lựa chọn ra ba trạm tại ba vùng (vùng 1-2-3) phân theo mức độ khó khăn của người dân trong tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực.

Để phát huy vai trò của các trạm y tế điểm, Bộ trưởng cũng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản… Sở Y tế sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại trạm y tế xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở…  (Sức khỏe & Đời sống (trang 3).20

Bài viết liên quan

Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 10/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 06/11/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận