Khám, sàng lọc tim miễn phí cho hơn 2.200 trẻ em tại Ninh Bình
Các bác sỹ đã khám, sàng lọc, phát hiện 80 trường hợp mắc bệnh tim, trong đó có 41 trường hợp chỉ định mổ và các trường hợp khó khăn sẽ được hướng dẫn hoàn thiện thủ tục xin trợ giúp.
Trong hai ngày 18 và 19/5, tại Bệnh viện Quân y 5 (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), Viettel Ninh Bình, Quỹ Tấm lòng Việt, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Quân y 5, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám, sàng lọc bệnh tim miễn phí cho hơn 2.200 trẻ em dưới 16 tuổi tại tỉnh Ninh Bình theo chương trình “Trái tim cho em.”Việc khám, sàng lọc đã phát hiện 80 trường hợp mắc bệnh tim, trong đó có 41 trường hợp chỉ định mổ.Nhân dịp này, các trường hợp bị bệnh tim chỉ định mổ có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được Ban tổ chức trực tiếp hướng dẫn hoàn thiện thủ tục xin trợ giúp để được chương trình tài trợ phẫu thuật miễn phí .Bác sỹ Nguyễn Đăng Hùng, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết qua việc khám, sàng lọc trong hai ngày cho thấy, số lượng trẻ mắc bệnh tim tại địa phương khá cao, với tỷ lệ khoảng 50 đến 60 cháu mắc trên 1.000 cháu khám; có nhiều bệnh lý phức tạp. Vì vậy, hoạt động khám, sàng lọc góp phần giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho các em nhỏ mắc bệnh tim. Bác sỹ Hùng khuyến cáo, trẻ có các triệu chứng, biểu hiện như thường hay bị ho, thở khò khè tái đi tái lại nhiều lần; thở khác thường như thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào; trẻ hay bị sưng phổi, viêm phế quản; có biểu hiện bú chậm hoặc không thể chấm dứt bữa bú; trẻ chậm lớn, da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi, thường rất dễ mệt; môi, lưỡi, đầu ngón tay tím xanh hoặc hay hụt hơi khi gắng sức, thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.Đây là lần đầu tiên, chương trình “Trái tim cho em” được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ phẫu thuật thành công cho hơn 4.500 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức 53 chương trình khám, sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho hơn 100.000 trẻ em nghèo trên toàn quốc. Hoạt động này nhằm thúc đẩy việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo giúp các em sớm có cơ hội chữa trị kịp thời, có một trái tim khỏe mạnh để tiếp tục sống và vững bước vào đời; đồng thời chia sẻ khó khăn giúp các gia đình vươn lên trong cuộc sống./. (An ninh Thủ đô, trang 2).
“Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác” xác lập 2 kỷ lục Việt Nam
Chỉ riêng trong ngày 19-5, hơn 100.000 người dân trên cả nước được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và hơn 50.000 người đã tham gia đi bộ 10.000 bước chân hưởng ứng chương trình “đi bộ vì sức khỏe”… Đây là 2 kỷ lục mới ở Việt Nam. Chiều nay, 19-5, nhân kỷ niệm 129 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết thực triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe công đồng” năm 2019 và cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe – walk your health”.
Lễ phát động được diễn ra ở tất cả 63 tỉnh/ thành trên cả nước. Tại Hà Nội, lễ phát động diễn ra tại Vườn hoa Lý Tự Trọng (đường Thanh Niên, quận Ba Đình), với sự tham dự của ông Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc – Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, ông Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam…Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam – Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đây là năm thứ 10, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hoạt động khám chữa bệnh đồng loạt trên cả nước, năm nay Hành trình với chủ đề “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh”.
Ngay tại lễ phát động ở cấp Trung ương (diễn ra tại Hà Nội), hơn 100 thầy thuốc trẻ cùng Đoàn viên thanh niên Thủ đô sẽ triển khai các hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 2.000 người dân, tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp và xét nghiệm tiểu đường, khám sàng lọc ung thư vú cho 200 phụ nữ cùng nhiều hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đặc biệt, hưởng ứng hoạt động “hạn chế tối đa sử dụng rượu bia”, tại sự kiện, Bệnh viện Việt Đức tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho người dân khi bị hoặc chứng kiến tai nạn giao thông, đồng thời tuyên truyền thông điệp sử dụng rượu, bia là nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm, giảm sử dụng rượu, bia giảm là giảm đột quỵ, giảm tử vong.
Cũng nhân dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Y tế, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Công đoàn Ngành Y tế đã phát động Cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe – Walk for your health” – chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động “Walk your talk” do WHO phát động trên toàn cầu.
Tại lễ phát động, các đại biểu sẽ tham gia đi bộ 4 km quanh khu vực tổ chức, cùng lúc đó hoạt động này cũng được diễn ra tại 63/63 tỉnh/ thành trên cả nước.
Dự kiến riêng trong ngày 19-5, hơn 100.000 người dân trên cả nước sẽ được khám bệnh, sàng lọc và cấp phát thuốc miễn phí và hơn 50.000 người, chủ yếu là cán bộ ngành Y tế và thanh niên sẽ đi bộ 10.000 bước chân hưởng ứng chương trình “Đi bộ vì sức khỏe” , vì một Việt Nam khỏe mạnh.
PGS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, với 2 hoạt động chính này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam sẽ nhận 2 kỷ lục Việt Nam, gồm: “Chương trình có số người được khám bệnh, sàng lọc bệnh mạn tính nhiều nhất trong 1 ngày” và “Chương trình đi bộ có số người tham gia nhiều nhất trong 1 ngày”. (An ninh Thủ đô, trang 4).
Nhiều người nhập viện vì say nắng, say nóng, bác sĩ khuyến cáo cách xử trí
Trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận một số trường hợp đang đi ngoài đường bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân say nắng, say nóng thường gặp vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm và hay xảy ra với những người phải làm việc hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy. Khi bị sốc nhiệt, người bệnh không chỉ sốt cao, mặt mũi đỏ, vã mồ hôi, mạch nhanh, có biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê…) mà còn có nguy cơ để lại những tổn thương não không thể hồi phục, thậm chí tử vong.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, vào các đợt nắng nóng gay gắt, khoa tiếp nhận không ít trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu.
Đáng chú ý, không chỉ trẻ em, người già bị đổ bệnh do nắng nóng mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải nhập viện vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.
Trước điều kiện thời tiết hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, để phòng tránh say nắng, say nóng, sốc nhiệt có hiệu quả, người dân cần lưu ý:
– Hạn chế đi, làm việc ngoài trời nắng vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất (từ 11-15h hàng ngày).
– Luôn uống thật nhiều nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước.
– Mặc áo dài tay, mũ rộng vành chống nắng khi phải ra ngoài đường.
– Khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối (đường, hoặc nước chanh, nước bột sắn dây…) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng…
– Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 4).
Nắng nóng đỉnh điểm, bệnh viện kín bệnh nhân
Nắng nóng gay gắt trên 40 độ C trong 2 ngày cuối tuần đã khiến lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến.
Sáng Chủ nhật (19/5) khoa Cấp cứu Nội Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) rất đông bệnh nhân. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 20 ca đột quỵ, gia tăng nhiều so với những ngày thường. Bác sĩ điều trị cho biết hầu hết các ca bệnh liên quan đến nắng nóng. Trong đó đáng chú ý có những bệnh nhân đang đi ngoài đường bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt được người dân đưa vào cấp cứu. Đây phần lớn là những người phải làm việc hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy. Ngoài ra có những bệnh nhân tăng huyết áp, thường xuyên đau đầu do nắng nóng… cũng phải nhập viện cấp cứu.
Nhiệt độ cao bất thường cũng khiến nhiều trẻ nhập viện vì sốt cao, viêm đường hô hấp…
Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết, những đợt nắng nóng gay gắt, khoa thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu. Đáng chú ý, không chỉ trẻ em, người già bị đổ bệnh do nắng nóng mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải nhập viện vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca t.ử v.o.ng, tổn thương não vì nắng nóng.
Nắng nóng gay gắt như hiện nay là thời điểm khiến người dân dễ đổ bệnh, và là nguyên nhân gây sốc nhiệt, nhất là người cao tuổi vì đối tượng này thường có nhiều bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường. Bên cạnh đó, các phản xạ của người già rất kém, sức chống đỡ không tốt. Vì vậy, khi tiết trời nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ, các bệnh trong c,ơ th.ể bất ổn thì rất dễ bị sốc nhiệt, đột quỵ phải nhập viện.
Bác sĩ Chi cho biết thêm, sốc nhiệt là tình trạng thường gặp những người ở trong trời nắng nóng trong thời gian dài. Khi đó, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra, người bệnh có thể rơi vào hôn mê. Biểu hiện sốc nhiệt thường là kí.ch thí.ch, lẫn lộn, thân nhiệt tăng cao 40-41 độ C, mất nước, bệnh nhân tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài (như người làm việc ngoài trời, công nhân trong lò cao…).
Bù đủ nước, không để điều hòa quá lạnh
Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Thanh Nhàn) cảnh báo, nhiệt độ vượt quá ngưỡng c,ơ th.ể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố. Để đối phó thời tiết nắng nóng của mùa hè chú ý bù đủ nước, có các phương tiện hỗ trợ chống nắng nóng khi ra ngoài hoặc làm việc.
Tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) số lượng bệnh nhi nhập viện tăng do thời tiết nắng nóng, chủ yếu các trẻ nhỏ sốt cao 39-40 độ, sốt virus, viêm phế quản. Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa khuyến cáo, không bật điều hòa quá lạnh khiến trẻ dễ bị ốm, không để nhiệt độ quá chênh lệch với ngoài trời và bổ sung đủ nước cho trẻ. Trẻ em có sức đề kháng thấp, mức độ giữ thân nhiệt thấp hơn, do vậy, khi trẻ tiếp xúc nắng nóng trong thời gian dài hoặc ra ngoài trong nhiệt độ cao thường dẫn đến các bệnh tiêu hóa, hô hấp. Trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn, sổ mũi…phải lập tức đưa đến bệnh viện điều trị. (Tiền phong, trang 15).
Nhiều thành tựu trong bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại sự kiện Đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) do Bộ Y tế phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Y Havard và các đối tác đồng tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.
Đối thoại nhằm chia sẻ các thách thức và cơ hội về đổi mới CSSKBĐ và chuyển tuyến trong hệ thống y tế cơ sở, với trọng tâm là các sáng kiến, dự án và đầu tư do Bộ Y tế chỉ đạo; đạt được sự đồng thuận từ Bộ Y tế, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về một tầm nhìn chung trong đổi mới CSSKBĐ ở Việt Nam…
Nỗ lực thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân
Phát biểu tại đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, cải thiện sức khỏe cộng đồng đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống phúc lợi cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Nhiều chính phủ trong khối ASEAN đã ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh nhân và sức khỏe của người dân. Việt Nam đã và đang đáp ứng hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đồng thời có được những bước tiến ấn tượng nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, vai trò của CSSKBĐ đã và đang được khẳng định và đã nhận được chỉ đạo về chiến lược và cam kết chính trị. Nghị quyết 20- NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Đề án 2384 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở và dự án thí điểm xây dựng 26 trạm y tế xã phường trên 8 tỉnh thành phố…
Việt Nam đã đạt được các thành công vượt bậc về phát triển hệ thống y tế với gần 90% dân số có BHYT. Đặc biệt, theo báo cáo giám sát toàn cầu mới nhất về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được công bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, 97% trẻ em Việt Nam được tiêm phòng chuẩn – một tỷ lệ cao hơn ở hầu hết các nước có thu nhập cao.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu như vấn đề tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tăng cường CSSKBĐ, giảm các khoản chi phí phát sinh, nâng cao hiệu quả và khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thiết lập 3 trụ cột để hỗ trợ CSSKBĐ
PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định tại đối thoại, Việt Nam cam kết đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030.
Hiện Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên phát triển một hệ thống y tế vững mạnh và rộng lớn, coi đây là nền tảng nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Bộ Y tế đã thiết lập 3 trụ cột để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm chương trình Việt Nam khỏe mạnh, chương trình tăng cường y tế cơ sở và các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình này cần được đồng hành và thống nhất với nhau để tối ưu hóa các tác động của chúng.
Theo Bộ Y tế và các chuyên gia, việc đồng thuận về việc tạo dựng sự hợp tác đối tác công – tư điển hình mới, dưới hình thức nhóm công tác về đổi mới CSSKBĐ, có tiềm năng đổi mới cách thức hệ thống y tế cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Đối thoại về hợp tác trong CSSKBĐ đã thảo luận việc thành lập nhóm công tác về đổi mới CSSKBĐ, giúp bổ sung thêm vào các nỗ lực của Chính phủ trong chuyển đổi CSSKBĐ tại Việt Nam.
Nhóm công tác sẽ được đặt tại Bộ Y tế và thúc đẩy sự chia sẻ kinh nghiệm đa dạng, các đầu tư và chuyên môn của các đối tác nhằm tăng cường cho các dự án thí điểm hiện tại của Bộ Y tế, nhằm tạo nên mô hình CSSKBĐ mới và toàn diện trên khắp Việt Nam. Nhóm công tác cũng có mục đích tạo ra cú hích đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia nhằm đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cho mọi công dân vào năm 2030.
Nhóm công tác về đổi mới CSSKBĐ sẽ bao gồm các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và ba thành viên đồng sáng lập là Diễn đàn kinh tế Thế giới, Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu của Trường đại học Y Harvard và đối tác, nhằm xây dựng một hình thức hợp tác đối tác công – tư sáng tạo để giúp thực hiện các mục tiêu thông qua việc tăng cường các dự án thí điểm hiện tại về CSSKBĐ tại 30 tỉnh của Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Đìu hiu ở trạm y tế
Nằm gần các bệnh viện, cơ sở y tế lớn, nên các trạm y tế tại TP.HCM đìu hiu, gần như không có người bệnh.
Vắng bóng bệnh nhân
9 giờ ngày 9.5, PV Thanh Niên đến TYT P.9 (Q.10), đối diện Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và gần đó còn có BV Nhân dân 115, BV Q.10… Tại trạm đang có 3 – 4 nhân viên, nhưng không có bệnh nhân (BN) nào. PV xin gặp trưởng trạm thì người này đang đi với đoàn liên ngành kiểm tra thực phẩm.
Theo các nhân viên, trạm có 5 người, gồm 1 bác sĩ (BS) trẻ mới ra trường. Mỗi tháng nơi này khám 30 – 35 BN, gần 80 ca bệnh mãn tính, tiêm chủng 50 trẻ; còn lại công việc chủ yếu là làm chương trình quốc gia và chống dịch, mỗi người “ôm” 3 – 4 mảng.
“Lúc trước cũng có BN là trẻ em và người lớn tuổi đến khám, nhưng dần dà ít người đến vì thiếu… thuốc. BN đến khám xong phải lên BV quận nhận thuốc nên ít người đến”, một nhân viên nói.
Trước đó, ngày 8.5, PV đến TYT P.12 (Q.5), chỉ cách BV Chợ Rẫy vài chục bước chân và rất gần BV Răng Hàm Mặt T.Ư, BV Đại học Y Dược, BV Hùng Vương… 14 giờ, tại đây không một bóng BN ra vào, bên trong 2 nhân viên ngồi nói chuyện. Trưởng TYT đang họp trên phường.
Theo các nhân viên, trạm có 5 người, chủ yếu làm các chương trình quốc gia như tiêm vắc xin, chống dịch, quản lý bệnh mạn tính…; còn khám chữa bệnh KCB) thì lâu lâu mới có người đến rửa vết thương, thay băng… và 1 tháng tổng cộng chỉ KCB, tiêm chủng cho khoảng 40 người. Trong tủ thuốc của trạm có vài viên giảm đau hạ sốt, thuốc cấp cứu…
“Muốn KCB cũng không được vì trạm không có BS chỉ định”, nhân viên ở trạm nói và cho biết họ phải làm các chương trình y tế nhưng mỗi tháng lương chưa đến 6 triệu đồng; một ngày đêm trực chỉ có 25.000 đồng. “Thay băng 70.000 đồng/lần, nhưng trạm chưa bao giờ dám lấy 70.000/lần nên kêu BN ra ngoài mua bông băng, trạm chỉ lấy tiền công 20.000 đồng/người. Còn đo huyết áp thì miễn phí. BN đến TYT chủ yếu là người nghèo”, y sĩ Nguyễn Thanh Thảo, Trạm trưởng TYT P.12 (Q.5), chia sẻ.
10 giờ ngày 15.5, TYT P.Bến Thành (Q.1, cách BV đa khoa Sài Gòn không xa) không một BN. Y sĩ Trương Thị Thanh Thúy, Trưởng trạm, cho biết trạm có 7 người, bao gồm 1 BS. Mỗi ngày trạm KCB 7 – 8 người như viêm họng, cao huyết áp, chăm sóc vết thương… Khi không có BN thì mọi người ở đây làm các chương trình quốc gia. Do trạm chưa ký hợp đồng với bảo hiểm y tế nên BN đến khám thì được kê toa và ra ngoài mua thuốc. Nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc, có người vừa làm xét nghiệm, kiêm thủ quỹ thu tiền và làm luôn các chương trình quốc gia, kể cả trưởng trạm cũng làm đủ thứ, nhưng lương người cao nhất chỉ 6 – 7 triệu đồng/tháng, còn trung bình là 4 – 5 triệu đồng/tháng. Gần 11 giờ có một nam BN đến TYT hỏi thuốc viêm họng, được BS khám, kê toa và đề nghị… ra ngoài mua thuốc. Tiền khám miễn phí. Từ sáng đến 11 giờ ngày 15.5, TYT P.Bến Thành phục vụ 3 BN đến KCB.
Lãng phí nếu không đổi mới cách làm
Trước thực trạng các TYT phát triển không đồng đều, đặc biệt là TYT trung tâm TP vắng BN, mới đây, tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lấy ý kiến góp ý về 8 năm thực hiện luật KCB, có đại biểu cho biết nhiều cử tri thắc mắc TP.HCM có nên giữ mỗi phường/xã có một TYT không, vì các BV trên địa bàn dày đặc?
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, giải thích: TP có 319 TYT phường/xã trực thuộc 24 trung tâm y tế quận, huyện. Ngoài chức năng KCB ban đầu, các TYT còn nhiều chức năng: phòng chống dịch bệnh, y tế công cộng, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia và lập hồ sơ và quản lý sức khỏe điện tử của từng người dân trên địa bàn. “Mỗi TYT trung bình có 6 – 7 nhân viên, với một khối lượng công việc không nhỏ.
Việc tồn tại TYT cho mỗi phường, xã là bắt buộc, thậm chí cần bổ sung nhân lực cho TYT theo quy mô dân số của mỗi phường, xã vì sắp tới việc quản lý hồ sơ sức khỏe sẽ quản lý tại TYT nên khối lượng công việc rất lớn”, ông Thượng nói.
Tồn tại là “bắt buộc”, nhưng cứ để TYT đìu hiu BN vậy có lãng phí? PGS-TS Thượng cho rằng cách cũ trong hoạt động KCB tại các TYT làm mất niềm tin và khó thu hút người dân đến KCB ban đầu. Đó là do không có BS thường trực tại TYT.
Thứ đến là thiếu phương tiện chẩn đoán, thiếu thuốc nên TYT phải giới thiệu người bệnh đến BV để lãnh thuốc; phân công cố định BS về TYT công tác, nhưng do thu nhập thấp nên khó tuyển và khó giữ chân; BS công tác KCB tại TYT cảm giác “đơn lẻ một mình” trong hoạt động KCB; chưa đa dạng hóa phương thức KCB…
“Sở Y tế TP cũng đã họp các chuyên gia đầu ngành để đánh giá và kết luận: TYT có nhiều chức năng quan trọng và cần phải có hoạt động KCB, như quản lý bệnh mạn tính không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường…), các chương trình mục tiêu quốc gia (lao, phong, HIV, tâm thần), chương trình tiêm chủng, y tế học đường, dinh dưỡng cộng đồng…; nhưng phải đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng KCB. Muốn vậy đòi hỏi phải có nguồn lực, lộ trình thực hiện và dứt khoát không làm theo cách cũ”, ông Thượng nói.
Cụ thể, theo lãnh đạo Sở Y tế, sẽ đổi mới hoạt động TYT theo nguyên lý y học gia đình. Tại các TYT được chọn thí điểm, đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là nguồn nhân lực BS, kết nối BS của TYT với BS chuyên khoa tại các BV tuyến trên. Khi thí điểm hiệu quả thì sẽ triển khai cho các TYT còn lại.
Đầu tư tiền tỉ, bệnh nhân vẫn… lèo tèo
Tại TP.HCM, TYT P.Tân Quý (Q.Tân Phú) được Bộ Y tế chọn làm TYT điểm đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. TYT này được đầu tư bài bản, có 2 BS trực KCB để thu hút BN, nhưng quý 1/2019 trạm chỉ khám được 1.573 BN, tính ra mỗi ngày chỉ có khoảng 17 BN.
Ngoài TYT P.Tân Quý được Bộ Y tế đầu tư thì ngành y tế TP.HCM cũng chọn 23 TYT ở 23 quận/huyện để thí điểm mô hình tương tự, mỗi TYT được đầu tư 1,7 tỉ đồng sửa chữa cơ sở vật chất, chưa kể đầu tư trang thiết bị. TYT P.13 (Q.Bình Thạnh) là nơi đầu tiên của TP thí điểm và từ tháng 11.2018 đến nay mỗi ngày trung bình tại TYT này có 20 – 30 BN đến KCB. Ngoài ra còn các BN vãng lai đến trị cảm sốt, đau dạ dày, khớp… “Trước giờ người dân không biết TYT làm gì nên không đến và TYT chủ yếu là tiêm chủng. Sau này, khi trạm được đầu tư, mỗi ngày có 2 – 3 BS trực KCB thì BN biết và đến từ từ. Qua hoạt động cho thấy TYT rất cần thiết cho người già, người neo đơn”, BS Lê Hoài Nam, Trưởng TYT P.13 (Q.Bình Thạnh), nói.
Một mô hình khác được TP cho thí điểm là xã hội hóa TYT. Phòng khám đa khoa DHA Medic đầu tiên đặt tại TYT P.11 (Q.3) và sau đó mở rộng ra một số quận huyện khác. Tuy nhiên, đến nay số BN đến các điểm này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Thực tế nêu trên đặt ra cho TP bài toán đổi mới TYT cần được cân nhắc kỹ hơn, nếu không sẽ lại trở nên lãng phí. (Thanh niên, trang 14).
Cứu sống bệnh nhân đột quỵ não nhờ phối hợp liên viện
Ngày 16/5 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã cho bệnh nhân L.Đ.T, 52 tuổi ở thị trấn Chư Prong, huyện Chư Prong, tỉnh Gia Lai xuất viện sau khi điều trị thành công đột quỵ não nặng cho ông … (Tuổi trẻ, trang 14).