Đẩy nhanh tiến độ vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam nhưng phải đảm bảo an toàn
Chiều 20-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến Học viện Quân y thăm hỏi, động viên 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ của 3 tình nguyện viên, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn sâu sắc về hành động nhân văn, dũng cảm của những bạn trẻ đã tình nguyện tiêm vaccine mới để góp phần ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, tại buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tình nguyện viên đầu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã gửi đến Phó Thủ tướng bức chân dung của ông với lời đề nghị: “Cháu xin phép bác cho cháu xin chữ ký vào bức ảnh này làm kỷ niệm”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký tặng tình nguyện viên bức chân dung do tình nguyện viên lưu giữ làm kỷ niệm và bày tỏ xúc động trước tình cảm của người tình nguyện viên này.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đam đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ và Học viện Quân y về việc nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao các nhà khoa học, đơn vị sản xuất trong nước đã nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất được vaccine ngừa Covid-19, đưa vào thử nghiệm trên người. Đồng thời yêu cầu thực hiện việc nghiên cứu, tiêm thử nghiệm trên tinh thần tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ Y tế về yêu cầu an toàn, hiệu quả nhưng khẩn trương. Bởi lẽ vaccine thành công không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học, của ngành Y tế Việt Nam mà đây thực sự là công cụ chống dịch Covid-19 hữu hiệu.
Phó Thủ tướng đề nghị, từ kinh nghiệm sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, đơn vị nghiên cứu, sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước cần bàn bạc, thảo luận kỹ trên tinh thần khoa học, cầu thị và “chạy đua với thời gian”, cần tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết cho các bước tiếp theo khi thử nghiệm thành công.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vaccine vẫn là câu chuyện của tương lai. Ngay bây giờ chúng ta vẫn phải hết sức chú trọng các biện pháp phòng chống dịch đã làm từ trước đến nay.
Với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và xã hội, của cả lực lượng y tế và các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước chính quyền các cấp đến bây giờ, chúng ta có một thành quả chống dịch rất tốt. Trước hết phải duy trì tiếp và bảo vệ thành quả này.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng và an toàn với mục tiêu đến năm 2022, Việt Nam có thể cung ứng rộng rãi vaccine ngừa Covid-19 trong cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine ngừa dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện tối đa để rút ngắn thời gian thực hiện các giai đoạn thử nghiệm so với điều kiện bình thường nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các bước, an toàn, khoa học. Các đơn vị liên quan đã và đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm 2 và 3.
Trước đó vào sáng 17-12, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vaccine Nano Covax ngừa Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất cho 3 người tình nguyện, gồm 2 nam và 1 nữ với liều tiêm 25 mcg/liều/người.
Trung tướng GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, hiện sức khoẻ của 3 tình nguyện viên sau khi tiêm vaccine Nano Covax đều ổn định. Hôm nay họ hết 72 giờ theo dõi sau tiêm tại Học viện Quân y và sẽ trở về nơi ở tiếp tục được theo dõi sức khoẻ bởi các y, bác sĩ.
“Trên thế giới tỷ lệ vaccine có biến cố không mong muốn không nhiều, chúng tôi hy vọng vaccine Nano Covax cũng vậy. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cao nhất cho tình nguyện viên, chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện để ứng phó, xử lý, kể cả tình huống nguy hiểm đến tính mạng”, Trung tướng Đỗ Quyết nêu rõ.
Chiều tối cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thông tin về 2 ca mắc dịch Covid-19 (từ ca bệnh thứ 1.412-1.413) là người nhập cảnh từ Mỹ và Nga được cách ly ngay tại tỉnh Bình Thuận (1 ca) và Đà Nẵng (1 ca).
Tại TPHCM tiếp tục trải qua ngày thứ 19 liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng.
Về tình hình điều trị, cả nước đã có 1.269 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 20 người đã âm tính với SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19: An toàn nhưng phải khẩn trương
Ngày 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc triển khai các giai đoạn thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 phải được tiếp tục với tinh thần tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, an toàn nhưng phải khẩn trương.
Chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, nghe lãnh đạo Bộ Y tế, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) báo cáo về tiến độ thử nghiệm vắc-xin Nano Covax phòng COVID-10 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.
Ba người thử nghiệm đầu tiên đều khỏe mạnh
Trước cuộc họp, Phó Thủ tướng thăm hỏi, động viên 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất. Ba người tiêm đầu tiên (2 nữ, 1 nam), gồm 2 thanh niên và 1 nữ giáo viên 40 tuổi ở Hà Nội. Sáng 17/12, họ được tiêm 3 mũi đầu tiên vắc-xin Nano Covax, liều 25mcg, tiêm bắp. Phó Thủ tướng cảm ơn các tình nguyện viên về hành động nhân văn, dũng cảm của họ. Nam thanh niên, người đầu tiên tiêm thử nghiệm, cho hay, không có phản ứng bất thường sau tiêm. Trong khi đó, nữ giáo viên nói rằng, chị xác định cống hiến cho xã hội, niềm vui của mọi người là của mình, “đóng góp cho khoa học có nghĩa là đóng góp cho cộng đồng”.
Một lãnh đạo của Học viện Quân y cho biết, có tình nguyện viên đau nhẹ ở vùng tiêm vì đây là mũi tiêm bắp, có người bị sốt nhẹ do phản ứng khi tiêm, nhưng đều là biểu hiện bình thường giống như sau khi tiêm các loại vắc-xin thông thường. Dự kiến, hôm nay (21/12), Học viện Quân y tiếp tục tiêm thử nghiệm cho những tình nguyện viên còn lại tham gia giai đoạn 1.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Nano Covax là vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người. Quá trình thử nghiệm trải qua 3 giai đoạn. Mục tiêu của giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn của vắc-xin. Giai đoạn 2 sẽ tiêm sau khi giai đoạn 1 tiến hành an toàn, thành công, tiêm trên 400-600 người để xác định liều tiêm tối ưu. Giai đoạn 3 sẽ tiêm trên ít nhất 1.500-3.000 người, có thể mở rộng ra 10.000-30.000 người. Giai đoạn 3 nhằm đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vắc-xin.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện tối đa để rút ngắn thời gian thực hiện các giai đoạn thử nghiệm so với điều kiện bình thường nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các bước, an toàn, khoa học. Sau 72 giờ tiêm cho 3 tình nguyện viên đầu tiên, đại diện Bộ Y tế, Học viện Quân y cho biết, các chỉ số cho thấy vắc-xin an toàn với người được tiêm. Đồng thời, qua quá trình rà soát hồ sơ, kết quả tiền lâm sàng tiêm trên chuột, khỉ, các chuyên gia hy vọng, sau khi tiến hành giai đoạn 2, giai đoạn 3, tính sinh miễn dịch của vắc-xin sẽ được đánh giá đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Nếu thử nghiệm thành công, đây không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học sức khỏe hay của ngành y tế mà thực sự là một công cụ phòng chống dịch hữu hiệu”. Từ kinh nghiệm sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị nghiên cứu, sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước thảo luận kỹ trên tinh thần khoa học, cầu thị và chạy đua với thời gian; đồng thời cần tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết cho các bước tiếp theo khi thử nghiệm thành công. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần tính đến cả trường hợp tốt lẫn tình huống xấu (vắc-xin không đạt hiệu quả sinh miễn dịch bảo vệ cơ thể).
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế tiếp tục liên hệ với các đối tác để có vắc-xin phòng COVID-19 sớm nhất theo phương án hoặc mua hoặc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay, giá bán vắc-xin trên thế giới rất cao, nguồn cung còn hạn chế, nên việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước là rất cần thiết.
“Vắc-xin vẫn là câu chuyện của tương lai. Ngay bây giờ, chúng ta vẫn phải hết sức chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch đã làm từ trước đến nay. Với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và xã hội, của cả lực lượng y tế và các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đến bây giờ, chúng ta có một thành quả chống dịch rất tốt”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Sẽ có trung tâm nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng các bệnh mới nổi
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN chủ trì, Học viện Quân y phối hợp Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xây dựng đề án phát triển trung tâm nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng chống các dịch bệnh mới nổi, trong đó có hạng mục xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 trở lên. Những trung tâm nghiên cứu này cùng với các viện nghiên cứu của Bộ Y tế sẽ hình thành mạng lưới sẵn sàng ứng phó các dịch bệnh mới cũng như thảm họa liên quan sức khỏe con người.
Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Học viện Quân y rằng, qua một số năm nghiên cứu và thực tiễn, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học cần gia tăng các học phần liên quan ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, thảm họa; tăng cường các nội dung liên quan ứng phó thảm họa trong các trường đào tạo y khoa. (Tiền phong, trang 6; Thanh niên, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Báo động gia tăng đột quỵ ở người trẻ
Trong những ngày giá rét này, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ; riêng Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 9-11 đến 15-12 đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca. Điều đáng nói, không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, giờ đây bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Đây là tình trạng rất đáng báo động.
Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại nước ta. Trung bình, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ đã phải gánh chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong hơn một tháng qua (từ ngày 9-11 đến 15-12) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Thậm chí, tại đây đã tiếp nhận trường hợp 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Khi nhập viện, bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch não…
Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận điều trị trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại đây đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%.
Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não, bao gồm: Bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, lạm dụng rượu, bia… “Người trẻ tuổi với thói quen ăn, uống có hại cho sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch”, bác sĩ Phạm Văn Cường cảnh báo.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội – Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) thông tin thêm, đột quỵ não trước đây thường xảy ra ở những người cao tuổi. Thế nhưng, hiện tại bệnh viện có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi, với mức tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đột quỵ đặc biệt tăng ở những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”, áp lực công việc…
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Phần lớn người trẻ mắc đột quỵ thường nhập viện muộn. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), lý do là người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra với mình. Khi đến bệnh viện muộn, họ đã làm mất đi “thời gian vàng” để xử lý.
“Với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn với người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng có bất thường mạch máu cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn khuyến cáo.
Để phòng tránh sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, những người trẻ tuổi không nên chủ quan, không được lạm dụng rượu, bia, nhất là trong điều kiện thời tiết giá lạnh như hiện nay. Bởi vì nếu uống nhiều rượu, bia trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu (do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm) làm huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ. Ở người trẻ tuổi có thể đẩy lùi được đột quỵ nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh, như: Tích cực vận động thể dục, thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia… Khi có biểu hiện của đột quỵ, như: Yếu, liệt tay chân, méo miệng, nói khó… cần thăm khám sớm nhất có thể ở các cơ sở y tế chuyên khoa. (Hà Nội mới, trang 5).