Điểm báo ngày 21/12/2021

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng chống dịch, trước nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập; Rà soát tất cả người nhập cảnh từ 28/11/2021 mắc COVID-19 để giải trình tự gen xác định biến thể Omicron; Vắc xin Nanocovax hoàn thiện dữ liệu để đánh giá hiệu quả; TP.HCM đã tiêm hơn 78.000 liều vắc xin Covid-19 mũi 3…

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng chống dịch, trước nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2.
Theo đó, nội dung Công điện nêu rõ, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn nhiều trong khi chưa có cơ sở để xác định độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta. Trong nước, dù chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron nhưng số người nhiễm bệnh, số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn có xu hướng gia tăng và hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ Trung ương và các địa phương khác.

Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng. Khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.

Tất cả các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch như nêu ở điểm 1 trên đây, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bộ Y tế bảo đảm phân bổ đủ vaccine cho các địa phương. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine.

Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng vi rút (túi thuốc C) cho các địa phương. Các địa phương tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc. Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải.

Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.

Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện các công cụ công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương để triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả, thực chất; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Omicron. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Rà soát tất cả người nhập cảnh từ 28/11/2021 mắc COVID-19 để giải trình tự gen xác định biến thể Omicron

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 để giải trình tự gen xác định biến thể Omicron
Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 10/2020 đến nay, thế giới đã liên tục ghi nhận những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Những biến thể này được Tổ chức Y tế thể giới (WHO) xếp thành các nhóm khác nhau như: biến thể được quan tâm (VOI-Variants Of Interest), biến thể đáng lo ngại (VOC-Variant Of Concern).

Ngày 24/11/2021, WHO ghi nhận biến thể Omicron tại Nam Phi. Đây là biến thể mới được xếp vào nhóm VOC, bước đầu đánh giá biến thể có khả năng lấy lan nhanh, né tránh hệ thống miễn dịch, khó khăn trong việc chẩn đoán, xác định ảnh hưởng tới công tác giám sát và phòng chống dịch. Đến ngày 17/12/2021 đã ghi nhận biến thể Omicron tại 77 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Bộ Y tế nhấn mạnh hiện Việt Nam chưa ghi nhận trưởng hợp mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc biến thể Omicron và triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur triển khai một số nội dung, cụ thể:

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh), phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.

Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến thể Omicron.

Tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể.…), trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh.

Đồng thời các địa phương tổ chức tiêm ngay lượng vaccine đã được phân bổ để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19, trong đó chú ý tiêm cho những đối tượng chưa hoặc tiêm chưa đủ liều trên địa bàn. Ngoài ra, cần triển khai tiêm vaccine liều bổ sung, tăng cường cho các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ động giám sát các biến thể/biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia điều tra, xử lý ổ dịch, các cơ sở xét nghiệm COVID-19 thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về điểu tra, bảo quản, vận chuyển mẫu dương tính với SARS-CoV-2 về Viện.

Tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ, có nguy cơ mắc biến thể Omicron từ các tỉnh, thành phố để xét nghiệm giải trình tự gen xác định biến thế Omicron. Thực hiện, phối hợp với các địa phương để chủ động giám sát các biến thể/biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.

Báo cáo ngay về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và thông báo cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố các trường hợp mắc biến thể Omicron hoặc biến thể mới để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch (nếu ghi nhận).

Cập nhật kết quả giải trình tự gen lên Global Science Initiative and Primary Source (GISAID – Nền tảng chia sẻ dữ liệu gen virus cúm và virus Corona gây đại dịch COVID-19) để chia sẻ và tiếp nhận thông tin về các biến thể/biến chủng virus gây dịch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Vắc xin Nanocovax hoàn thiện dữ liệu để đánh giá hiệu quả

Ngày 20.12, Bộ Y tế cho biết Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (HĐĐĐ) đã họp xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3 ứng viên vắc xin Nanocovax, do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu, phát triển.

Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu đến ngày 30.11, HĐĐĐ đánh giá vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch. HĐĐĐ ghi nhận TNLS vắc xin Nanocovax đã có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin nghiên cứu nhưng yêu cầu nhóm nghiên cứu bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc Covid-19 theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt, hoàn thiện báo cáo và gửi báo cáo phân tích hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc xin về HĐĐĐ trước 15 giờ ngày 22.12.

Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho hay đến ngày 20.12 đã có 139,45 triệu liều vắc xin được tiêm trên cả nước; các tỉnh thành bắt đầu tiêm mũi bổ sung, nhắc lại cho các trường hợp đã tiêm đủ liều cơ bản giúp củng cố miễn dịch.

Bộ Y tế đã tiếp nhận thêm 200.000 liều vắc xin Covaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi. VN đến nay đã tiếp nhận gần 172 triệu liều vắc xin Covid-19; đồng thời đã tiếp nhận 1 tấn nguyên liệu sản xuất thuốc Movinavir điều trị Covid-19, chuẩn bị cho việc sản xuất thuốc này tại VN. (Thanh niên, trang 4, Tiền phong, trang 6, Sài gòn giải phóng, trang 7).

TP.HCM đã tiêm hơn 78.000 liều vắc xin Covid-19 mũi 3
Sở Y tế TP.HCM cho hay TP đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngày 20.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết đến thời điểm này TP đã tiêm được 14,9 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, mũi 1 là 7,96 triệu liều; mũi 2 là 6,92 triệu liều; mũi 3 gồm mũi bổ sung là 22.516 liều, mũi nhắc lại 55.850 liều.

Theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, dân số từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM là hơn 7,2 triệu người; mũi 1 tiêm đạt 100%; mũi 2 đạt 87%. Người từ 50 tuổi trở lên là 1,98 triệu người, mũi 1 tiêm đạt 90%, mũi 2 đạt 87%. Trẻ từ 12 – 17 tuổi là 702.563, mũi 1 tiêm đạt 99,7%, mũi 2 tiêm đạt hơn 91,2%.

Sở Y tế TP.HCM cho hay TP đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, ngành y tế và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức để tổ chức tiêm vắc xin bằng nhiều hình thức phù hợp và thuận tiện cho người dân. Hiện TP.HCM còn 14.816 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc xin Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4%).

Các trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và tiêm vắc xin ngay cho những người này; trường hợp gặp khó khăn trong đi lại, ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà. (Thanh niên, trang 4).

 

WHO không chấp nhận kit test của Công ty Việt Á

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bộ kit test Covid-19 đầu tiên của Việt Nam do Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á – VietACorp) sản xuất không được WHO chấp nhận.

Không đạt tiêu chuẩn áp dụng cho nhà sản xuất thiết bị y tế

Cụ thể, tháng 4.2020, WHO thông báo: sản phẩm LightPower iVA SARS-CoV-2 Bộ RT-PCR có mã số EUL 0524-210-00 của Công ty Việt Á, địa chỉ tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM không được chấp nhận. Sản phẩm do Việt Nam sản xuất, không đủ điều kiện để mua sắm của WHO. Theo WHO, Công ty Việt Á được yêu cầu cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng của hệ thống quản lý chất lượng đối với sản phẩm này. Sau khi xem xét tài liệu được đệ trình, WHO đánh giá thông tin được cung cấp không phải là bằng chứng đầy đủ về việc tuân thủ tiêu chuẩn ISO 13485:2016. Đây là tiêu chuẩn đã được chấp nhận và cần phải có cho các nhà sản xuất thiết bị y tế trên toàn thế giới.

Về quy trình EUL (đánh giá sử dụng khẩn cấp), WHO đưa ra nhằm thúc đẩy sự sẵn có của các thiết bị y tế invitro (trong ống nghiệm) cần cho các tình huống khẩn cấp về  sức khỏe để hỗ trợ thông tin cho các cơ quan mua sắm và các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Trên cơ sở đánh giá sử dụng khẩn cấp, các quốc gia có thể quyết định phê duyệt, sử dụng các sản phẩm cụ thể đã được chấp thuận trong bối cảnh khẩn cấp về y tế, dựa trên dữ liệu về chất lượng, an toàn và hiệu quả đã được thẩm định.

Bộ Y tế nói gì?

Trước thông tin WHO không chấp nhận kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, chiều 20.12 Bộ Y tế cho biết: “WHO đưa ra danh sách EUL về một số sản phẩm để các đơn vị của WHO tham khảo và mua sắm khẩn cấp phục vụ phòng chống dịch, chứ không liên quan đến chất lượng hay tiêu chuẩn cấp phép”. Theo Bộ Y tế, sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, bao gồm kit test chẩn đoán từ ngày 1.1.2020 phải đạt tiêu chuẩn ISO 13485. Công ty Việt Á đã đạt tiêu chuẩn này khi sản xuất kit test xét nghiệm Covid-19.

Trước đó, ngày 4.3.2020, theo đề nghị của Bộ KH-CN, Bộ Y tế đồng ý cho sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất được cấp số đăng ký để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19. Sản phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp quốc gia được Bộ KH-CN đặt hàng Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện. Đề tài được nghiệm thu và thông qua. Do đó, bộ kit test này đủ điều kiện để các cơ sở y tế sử dụng trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch.

Như vậy có thể thấy sản phẩm kit test của Công ty Việt Á đạt tiêu chuẩn trong nước nhưng chưa được WHO chấp nhận sử dụng rộng rãi. Trong khi đó, vào thời điểm tháng 4.2020, có rất nhiều thông tin từ các cơ quan chức năng khẳng định WHO chấp thuận được sử dụng rộng rãi. Thậm chí, trang tin chính thức của Bộ KH-CN cũng đưa tin WHO đã chấp thuận, tuy nhiên đến nay tất cả thông tin này đã bị gỡ bỏ.

Trước đó, ông Phan Quốc Việt (41 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Việt Á, cùng nhiều thuộc cấp đã bị Bộ Công an khởi tố, điều tra về hành vi “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19. Công ty Việt Á quảng cáo đây là bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Y tế cấp số đăng ký; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE), cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS); WHO cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm cho phép lưu hành toàn cầu. Cũng theo quảng bá, năng lực sản xuất của công ty khoảng 30.000 kit xét nghiệm/ngày. Bộ kit xét nghiệm này cho kết quả chính xác 100% sau 2 giờ và đáp ứng được các tiêu chí tương đương các bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và WHO hướng dẫn.

Hà Nội gián tiếp nhận tài trợ bộ kit test của Công ty Việt Á

Ngày 20.12, Sở Y tế Hà Nội cho biết năm 2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) không mua bộ kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Trong năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số bộ kit test do Công ty Việt Á sản xuất, nhưng từ các nhà tài trợ thông qua MTTQ TP.Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch. (Thanh niên, trang 5).

 

TP.HCM làm rõ việc mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), khẳng định đơn vị này không mua sắm kit test của Công ty Việt Á .

Chiều 20.12, tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc ngành y tế TP.HCM có giao dịch, mua bán, sử dụng các loại kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á hay không.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), khẳng định đơn vị này không mua sắm kit test của Công ty Việt Á. Trước đây, khi đơn vị tổ chức đấu thầu mua sắm thì Công ty Việt Á có đến chào giá nhưng vì giá cao nên HCDC không mua. Ông Tâm cho biết việc mua sắm kit test thời gian qua được thực hiện đúng theo hướng dẫn của các bộ, sở, ngành liên quan và “giá mà HCDC mua là giá thấp nhất trên thị trường ở từng thời điểm”. “Cái này (tức việc không mua sắm kit test của Công ty Việt Á – PV) chỉ riêng của HCDC, không bao gồm các bệnh viện, cơ sở y tế khác trên địa bàn”, ông Tâm nói.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi ngoài HCDC, có bệnh viện, cơ sở y tế nào sử dụng, mua sắm kit test từ Công ty Việt Á thì đại diện Công an TP.HCM, Sở Y tế và HCDC cho rằng cần kiểm tra, rà soát lại và sẽ trả lời cụ thể trong buổi họp báo chiều 23.12.

Cũng tại buổi họp báo, ông Bùi Thế Hải, Phó chủ tịch UBND Q.10, lý giải việc địa phương tăng cấp độ dịch từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp 3 (nguy cơ cao) do quận đang tăng cường xét nghiệm tầm soát nhóm nguy cơ cao nên ghi nhận nhiều ca mắc mới. Q.10 có hơn 7.500 người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COvid -19. Qua tầm soát, quận ghi nhận 88 ca mắc Covid-19 mới được phát hiện, chiếm đa số trường hợp F0 trên địa bàn trong tuần qua. Bên cạnh đó, quận cũng ghi nhận một số lượng nhất định trường hợp mắc mới là F1 của các trường hợp F0 phát hiện trước đó.

Hiện 6 phường thuộc cấp độ 3 dịch Covid-19 gồm: P.2, P.8, P.12, P.13, P.14 và P.15 đã hạn chế một số hoạt động, hàng quán ngừng phục vụ rượu, bia cho khách. Đối với 8 phường đang ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) và cấp độ 2, các hoạt động vẫn được tổ chức bình thường nhưng chính quyền địa phương phải theo sát diễn biến dịch.

Tăng cường thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19

Ngày 20.12, UBND TP.HCM giao Sở Y tế và Thanh tra TP.HCM tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, trong đó tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, tham mưu chuyển hồ sơ sang Công an TP.HCM để xử lý theo quy định của pháp luật. (Thanh niên, trang 5; Tuổi trẻ, trang 1; Tiền phong, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).

 

COVID-19 tại Hà Nội: Gia tăng ca bệnh nặng, tăng cường y bác sĩ

Ngày 20/12, Việt Nam thêm 14.977 ca nhiễm COVID-19 mới tại 61 tỉnh, thành với 9.000 ca trong cộng đồng. Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc trong ngày với 1.612 trường hợp và là ngày thứ 2 liên tiếp đứng đầu cả nước về ca mắc, cùng với đó số ca nặng tăng nhanh.

Bệnh nhân nặng tăng nhanh

Tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (Hoàng Mai, Hà Nội) trong khoảng 1 tuần qua, số trường hợp nhập viện nặng tăng cao hơn hẳn những ngày trước đó. Hôm qua (20/12), khi phóng viên quay trở lại bệnh viện này, số bệnh nhân nặng đã lấp kín 3 phòng hồi sức tích cực. PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội), cho biết hiện nay có khoảng 60 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị tại đây.

Bác sĩ Hải phân tích, số lượng bệnh nhân nhẹ tăng lên sẽ kéo theo số ca nặng tăng, chiếm tỉ lệ khoảng gần 3%, vì kể cả tiêm vắc xin vẫn có tỉ lệ mắc bệnh. Bệnh nhân nặng vào viện cần 2 tuần đến 1 tháng điều trị tích cực, số này sẽ tích dồn ca nặng tại viện, trong khi mỗi ngày bệnh viện vẫn tiếp tục nhận thêm những ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên, tạo gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến cuối. Do đó số bệnh nhân nặng đầy lên rất nhanh trong những ngày vừa qua.

“Hiện nay các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội đã đông bệnh nhân nặng dần lên nên các bệnh viện cũng hạn chế sự chia sẻ, hỗ trợ những ca nặng như thời gian trước. Hiện Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 chỉ nhận những bệnh nhân phải thở ô xy trở lên, không nhận những bệnh nhân có triệu chứng chỉ sốt, ho, đau họng…”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải thông tin.

Tương tự tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết 500 giường bệnh đã kín, hiện bệnh viện chỉ nhận bệnh nhân nặng đã có tổn thương phổi, không tiếp nhận bệnh nhân nhẹ không triệu chứng. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tăng cường 3 bác sĩ hồi sức tích cực xuống hỗ trợ. Hiện nay có 40 bác sĩ đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (chiếm khoảng 50%), Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), bác sĩ từ Hà Giang xuống và từ Hà Tĩnh ra. Các bác sĩ địa phương đến đây được đào tạo về hồi sức tích cực vì họ vốn là những bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Dự kiến sau vài tháng đào tạo, đáp ứng được chương trình chuẩn về điều trị bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ này sẽ về địa phương chăm sóc người bệnh, tránh quá tải cho tuyến trung ương. “Thực tế trải nghiệm tại bệnh viện lớn điều trị COVID-19 là kinh nghiệm hữu ích cho những bác sĩ từ nhiều địa phương”, bác sĩ Hải nói.

Không tự ý mua và dùng thuốc kháng virus

Theo bác sĩ, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân cần chuẩn bị các thuốc như thuốc hạ sốt, theo hàm lượng cho người lớn hoặc trẻ con. Ngoài ra, người dân chuẩn bị thêm nhiệt kế, máy đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có điều kiện).

Trước thực tế nhiều người chia sẻ với nhau những loại thuốc điều trị COVID-19 mua trên mạng với cái mác “hàng xách tay”, bác sĩ Cấp khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua và dùng thuốc theo cách truyền miệng. Hướng dẫn tạm thời Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, hiện có 7 nhóm thuốc: thuốc hạ sốt, giảm đau; thuốc cân bằng điện giải; thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; thuốc sát khuẩn hầu họng; thuốc kháng virus; thuốc chống viêm corticosteroid; thuốc chống đông máu.

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus như sau: những thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Đối với thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lí của người bệnh. Tại quyết định mới nhất này, Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và chú ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là: Favipiravir 200mg, Remdesivir và Molnupiravir. Như vậy, ngoài 3 loại thuốc nói trên những thuốc đang được rao bán trên mạng chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Giám sát chất lượng thuốc điều trị COVID-19

Phó Cục trưởng Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để ứng phó linh hoạt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đang tiếp tục xem xét, phê duyệt các thuốc và phác đồ điều trị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời đảm bảo việc cung ứng đủ thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, Cục Quản lí Dược đề nghị 63 Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường.

Cục đề nghị các Sở Y tế chú trọng chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm, thanh tra Sở Y tế tăng cường hoạt động kiểm tra hậu mãi, lấy mẫu, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sử dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại các kiểm tra cơ sở sản xuất, phân phối và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Đồng thời đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM xây dựng kế hoạch, tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường, chú trọng việc lấy mẫu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir,… sử dụng trong các chương trình nghiên cứu, thử thuốc trên lâm sàng trong điều trị COVID-19 theo các phác đồ của Bộ Y tế phê duyệt.

TPHCM: 34 ca trong trường học sau 1 tuần học trực tiếp

Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều qua 20/12, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị – tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết sau 1 tuần đi học trực tiếp trở lại đã ghi nhận 34 ca mắc COVID-19 trong nhà trường. Cụ thể, những ca mắc COVID-19 được phát hiện bao gồm: 4 trường hợp là giáo viên; 3 trường hợp là nhân viên, 27 trường hợp còn lại là học sinh. (Tiền phong, trang 6).

 

Tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc điều trị COVID-19

Ngày 20/12, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc. Cục Quản lý Dược cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để ứng phó linh hoạt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đang tiếp tục xem xét, phê duyệt các thuốc và phác đồ điều trị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời đảm bảo việc cung ứng đủ thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị 63 Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường trong giai đoạn dịch COVID-19.

Trong đó, Cục đề nghị các Sở Y tế chú trọng chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm, thanh tra Sở Y tế tăng cường hoạt động kiểm tra hậu mãi, lấy mẫu, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sử dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, phân phối và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Cục Quản lý Dược đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch, tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường, chú trọng việc lấy mẫu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir,… sử dụng trong các chương trình nghiên cứu, thử thuốc trên lâm sàng trong điều trị COVID-19 theo các phác đồ của Bộ Y tế phê duyệt.

Cục Quản lý Dược đề nghị “Phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị COVID-19 nói chung và thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng vì ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, điều trị bệnh”. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Hà Nội dồn sức ứng phó dịch Covid-19

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 (F0) trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng cao, trong đó có hàng trăm ca mắc trong cộng đồng. Riêng ngày 20/12, toàn thành phố ghi nhận tổng số 1.641 ca. Các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhằm giảm số ca tăng nặng và số người tử vong.

Ba ngày gần đây, mỗi ngày thành phố Hà Nội ghi nhận từ 1.400 đến 1.600 ca mắc mới, trong đó có 40% là ca mắc trong cộng đồng. Số ca mắc tăng nhanh, cho nên thành phố thực hiện cách ly, điều trị F0 không triệu chứng và thể nhẹ tại nhà, lập các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị tại địa phương để giảm áp lực cho hệ thống y tế tuyến trên.

Kích hoạt các trạm y tế lưu động, cơ sở điều trị

Toàn thành phố hiện có 12.561 F0 đang điều trị, trong đó hơn 2.000 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, 2.829 người điều trị tại các cơ sở thu dung, 3.960 người đang điều trị tại các trạm y tế lưu động, 3.497 người đang được theo dõi, cách ly tại nhà. Trước số lượng các ca F0 tăng cao, thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100 nghìn ca bệnh. Ngành y tế đã ban hành Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà; cấp 40 nghìn viên thuốc Molnupiravir cho hai bệnh viện và 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; phân bổ 6.000 túi thuốc A cho các quận, huyện, thị xã để điều trị F0 tại nhà.

Là địa bàn có cấp độ dịch ở mức 3 (vùng cam), quận Ðống Ða đã kích hoạt các trạm y tế lưu động để chăm sóc, điều trị kịp thời cho F0. Tại trạm y tế lưu động ở phố Hào Nam, lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa cho biết, Ðoàn Thanh niên phường đã lập đội cơ động gồm 80 thành viên thực hiện giám sát người bệnh, cũng như hỗ trợ mang thuốc đến cho các trường hợp đủ điều kiện điều trị tại nhà. Phó Chủ tịch UBND quận Trịnh Hữu Tuấn cho biết, quận đã đưa vào vận hành cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ với quy mô 600 giường tại khu ký túc xá Trường đại học Thủy lợi, thu dung hơn 150 người bệnh thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tại quận Hai Bà Trưng, địa bàn vừa được đánh giá cấp độ dịch cũng ở mức 3, từ ngày 14/12, quận đã đưa vào hoạt động cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng với quy mô 250 giường tại khu ký túc xá Trường đại học Xây dựng. Ðến ngày 20/12, cơ sở đã thu dung điều trị 110 bệnh nhân, trong đó có ba người nước ngoài. Trong số các trường hợp được quản lý, chăm sóc tại đây có hai bệnh nhân diễn biến nặng hơn đã được kíp trực xử trí ổn định trước khi chuyển đến bệnh viện. Hiện tại đã có 19 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và không còn triệu chứng trong ba ngày, đã được về nhà tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.

Ông Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm)-địa bàn “vùng cam” trong khu phố cổ cho biết, những ngày qua, chùm ca bệnh tại phố Hàng Thiếc có xu hướng gia tăng các ca F0, toàn bộ phố Hàng Thiếc được cách ly y tế. Với các trường hợp F0 có triệu chứng, là người cao tuổi, có bệnh nền… được chuyển tới bệnh viện, trạm y tế lưu động, còn F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, bảo đảm yêu cầu theo quy định của Sở Y tế Hà Nội có thể điều trị tại nhà, được nhân viên y tế định kỳ một ngày hai lần đến thăm khám. Trước tình hình này, quận Hoàn Kiếm đã kích hoạt Trạm y tế lưu động tại địa chỉ số 9 phố Hai Bà Trưng, công suất thu dung, điều trị cho 200 bệnh nhân. Ðây là Trạm y tế lưu động thứ ba của quận sau trạm y tế lưu động tại phố Ðồng Xuân và phố Hàng Thiếc. Cùng với đó, quận đã chủ động lên phương án chuẩn bị, trong điều kiện cần thiết thành lập 38 trạm y tế lưu động.

Quận Ba Ðình đã thành lập hai trạm y tế lưu động, hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của Trung tâm Y tế quận, gồm Trạm y tế lưu động tại Trường mầm non Tuổi thơ, ngõ 24 phố Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, với quy mô 200 giường bệnh và Trạm y tế lưu động tại Trường mẫu giáo số 10, ngõ 100 Ðội Cấn, phường Ðội Cấn có thể thu dung, điều trị cho 180 người bệnh. Theo đại diện UBND quận Ba Ðình, đến nay hai trạm y tế lưu động tiếp nhận, điều trị 178 bệnh nhân Covid-19. Sau thời gian theo dõi, điều trị tích cực, đến nay 77 trường hợp đã đủ điều kiện trở về gia đình tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định.

Cùng với việc đưa vào vận hành các cơ sở thu dung; lập trạm y tế lưu động tại các phường, thành phố tiến hành mở rộng các cơ sở điều trị. Trong vòng bốn ngày, Bệnh viện Tim Hà Nội đã khẩn trương lắp đặt và đưa vào sử dụng Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 50 giường để phục vụ cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình. Từ ngày 12/12, quận Long Biên đưa vào vận hành phần mềm quản lý F0 đã giảm tải cho công tác quản lý, điều trị, giúp người dân yên tâm hơn. Sau khi người dân test nhanh cho kết quả dương tính có thể tự cập nhật vào hệ thống của Sở Y tế, sau đó trả lời các câu hỏi để đối chiếu với tình trạng sức khỏe của mình. Khi F0 không có triệu chứng, hệ thống sẽ báo mầu xanh; nếu đo thấy chỉ số SPO2 dưới 96, phần mềm sẽ báo mầu vàng và lực lượng chức năng tại địa phương sẽ ngay lập tức vận chuyển đến cơ sở thu dung để điều trị.

Tập trung tối đa cho y tế cơ sở

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng như hướng dẫn chuyên môn của một số sở, ngành vẫn còn chậm, việc tổ chức xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm chưa cụ thể, thống nhất, rõ ràng, một số F0 chậm được cơ quan y tế hướng dẫn điều trị. Tại nhà số 271 đường Hồng Hà (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) có 14 người gồm cả chủ nhà và người thuê nhà phát hiện dương tính ngày 18/12, không đủ điều kiện cách ly tại nhà, nhưng đến ngày 20/12 mới được phát thuốc, yêu cầu ở trong nhà, chưa được đưa đi điều trị cơ sở tập trung. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, do số lượng F0 tăng nhanh, nhiều xã, phường đang thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất và trang, thiết bị y tế thiếu thốn. Hiện các lực lượng y tế đang phải tập trung xử lý khối lượng công việc rất lớn cho nên đôi khi chậm trễ việc liên hệ F0 và cấp phát thuốc.

Xác định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang có chiều hướng phức tạp, nhất là trong thời điểm cuối năm, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khi mật độ người dân đi lại, giao thương tăng cao; biến chủng Omicron có nguy cơ xâm nhập rất lớn, thành phố xác định tập trung nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trước mắt, cần tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm vật tư, máy xét nghiệm, thiết bị y tế… để tăng cường cho bệnh viện cấp huyện nâng cao năng lực xét nghiệm khắc phục việc trả mẫu chậm, quá tải; xây dựng cơ chế, chính sách trả thù lao cho lực lượng y sĩ, bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y được huy động.

Ðể giảm tải công việc cho cán bộ, nhân viên y tế, thành phố thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà với lực lượng thanh niên là nòng cốt và chủ trì triển khai, để tiếp nhận thông tin từ F0 tại nhà, cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin và khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của người cách ly để thông báo ngay cho cán bộ trạm y tế. Thành phố tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước ngày 31/1/2022; và hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022. Những người hơn 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vắc-xin và các trường hợp chưa tiêm vắc xin… sẽ được các tổ Covid cộng đồng lập danh sách quản lý, có thể tổ chức tiêm lưu động, tại nhà, để những đối tượng này được tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời. (Nhân dân, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/8/2018

admin

Điểm báo ngày 26/10/2020

CDC Hà Nam