Điểm báo ngày 22/7/2022

(CDC Hà Nam)
Việt Nam đã xuất hiện biến thể phụ BA.2.12.1 của Omicron; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng; Lan thăm gia đình Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm

 

Việt Nam đã xuất hiện biến thể phụ BA.2.12.1 của Omicron

Tuần qua, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gen do Viện Pasteur TP HCM thực hiện thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.
Thông tin trên được TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra chiều ngày 21/7 do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do TS Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng trình bày cho biết những ngày vừa qua, chúng ta ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận trên 1.000 (1.185 ca). Do đó, hệ thống y tế cần cảnh giác, không được chủ quan. Ngoài ra, trong cộng đồng nhiều người dân sau khi đã tiêm mũi cơ bản hoặc đã mắc COVID-19 có tâm lý chủ quan.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh phía Bắc, TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, theo xu hướng chung giảm chung rất sâu về số mắc và tử vong do COVID-19.

6 tháng đầu năm các tỉnh miền Bắc ghi nhận gần 7 triệu ca COVID-19, chiếm 95% tổng số ca mắc của cả toàn bộ đợt dịch từ đầu năm đến giờ, chủ yếu cộng đồng, số nhỏ ca xâm nhập. Đỉnh dịch rơi vào tháng 3 với 5 triệu ca mắc, sau đó giảm dần, đến nay mỗi tháng ghi nhận khoảng gần 20.000 ca. 2-3 tuần gần đây có tăng nhẹ.

Về kết quả giải trình tự gen, trong số hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm thì phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.

Đại diện phía Nam, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh khu vực phía Nam giảm dần trong thời gian vừa qua và thấp nhất vào tuần 24-26 sau đó có sự gia tăng nhẹ từ tuần 27 đến nay.

Về kết quả giải trình tự gen, Phó Viện trưởng Nguyễn Vũ Thượng cho biết những tuần trước biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, 3-4 tuần gần đây lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc.

“Trong tuần vừa rồi, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gen thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5″- PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng cho biết.

Theo chuyên gia, hiện nay biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2 . Theo y văn thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch.

Việc tăng tỷ lệ nhiễm BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 đi kèm với tăng mắc mới. Ở một số quốc gia, sự gia tăng ca bệnh cũng dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện, nhập ICU và tử vong. BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron.

BA.4/BA.5 có hiệu giá kháng thể trung hòa thấp hơn khoảng 7,5 lần so với BA.1. BA.4/BA.5 có khả năng kháng với kháng thể vaccine cao gấp 3-4 lần so với các biến thể cũ của Omicron. BA.2.12.1 tăng 1.8 lần khả năng kháng với kháng thể tạo ra từ vaccine so với BA.2.

Vì thế, nếu chúng ta không làm tốt các biện pháp phòng chống dịch (đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung, tăng cường theo hướng dẫn cho một số đối tượng theo hướng dẫn, đeo khẩu trang…), dự báo ca mắc sẽ gia tăng, cùng với dịch sốt xuất huyết thì có nguy cơ dịch chồng dịch. Do đó các địa phương cũng cần thận trọng khi thấy dịch giảm, có thể do chưa nhập liệu đầy đủ nên chưa cập nhật được đầy đủ số liệu”- Chuyên gia Viện Pasteur TP HCM cảnh báo. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3; Tiền phong, trang 6).

 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm gia đình Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm

“Công tác đền ơn đáp nghĩa là truyền thống của dân tộc ta, sắp đến Ngày Thương binh, Liệt sĩ, chúng con thay mặt Bộ Y tế đến thắp hương cho chị Trâm và hỏi thăm sức khoẻ Bà cùng gia đình”- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ với cụ Doãn Ngọc Trâm mẹ của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm…
Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), cuối giờ chiều ngày 20/7, đồng chí Đào Hồng Lan, Uỷ viên TW Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm gia đình cụ Doãn Ngọc Trâm mẹ của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các thành viên trong đoàn đã thành kính dâng hương bày tỏ lòng tri ân đến Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Trò chuyện cùng cụ Doãn Ngọc Trâm và các thành viên trong gia đình Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ân cần thăm hỏi và chúc sức khoẻ mẹ Doãn Ngọc Trâm cùng toàn thể gia đình.

“Công tác đền ơn đáp nghĩa là truyền thống của dân tộc ta, hôm nay chuẩn bị đến Ngày thương binh, liệt sĩ, chúng con thay mặt Bộ Y tế đến thắp hương cho chị Trâm và hỏi thăm sức khoẻ của Bà cùng toàn thể gia đình”-  Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Cụ Doãn Ngọc Trâm năm nay đã gần bước sang tuổi 98 nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn hoạt bát. Trò chuyện với Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, cụ Doãn Ngọc Trâm xúc động và gửi lời cảm ơn đến Quyền Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ, phải lo nhiều việc của ngành nhưng đã dành thời gian chăm lo đến gia đình chính sách.

“Gia đình rất cảm kích vì luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ và các y bác sĩ. Đặng Thuỳ Trâm mất đi nhưng gia đình có thêm nhiều con khác là các y bác sĩ đã luôn dành sự quan tâm đến sức khoẻ của gia đình tôi”- Cụ Doãn Ngọc Trâm bày tỏ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng vượt quá thực tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 211/TB-VPCP ngày 20/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề quảng cáo thuốc trên truyền hình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư và nhân lực y tế.

Thông báo nêu rõ, về hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chiếm tỷ trọng lớn trong số sản phẩm quảng cáo được phát trên đài truyền hình, đài phát thanh. Thực trạng này phản ánh nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng nhằm bảo đảm đúng quy định, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, còn một số sản phẩm quảng cáo chưa đáp ứng yêu cầu, quảng cáo công dụng vượt quá thực tế, cách thể hiện còn phản cảm, thời điểm phát quảng cáo chưa phù hợp, thậm chí có trường hợp còn vi phạm thuần phong, mỹ tục… cần có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan y tế rà soát, chịu trách nhiệm xác nhận nội dung chuyên môn liên quan đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng trong quảng cáo trước khi phát hành, công khai nội dung xác nhận trên Cổng Thông tin điện tử để các cơ quan kiểm tra, thanh tra, tổ chức phát hành quảng cáo, doanh nghiệp liên quan có căn cứ thực hiện.

Bộ Y tế chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng quảng cáo vượt quá thực tế.

Các cơ quan báo chí, trước hết là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chú trọng rà soát, xem xét các hợp đồng quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, chịu trách nhiệm quảng cáo đúng nội dung chuyên môn đã được cơ quan y tế xác nhận và góp phần định hướng ý thức giữ gìn, rèn luyện sức khỏe, không phát hành các sản phẩm quảng cáo gây phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng để chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; trong đó khẩn trương rà soát, quy định rõ, cụ thể, chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo, bảo đảm việc xác nhận đúng luật, đúng nội dung chuyên môn để các cơ quan liên quan thực hiện.

Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tiếp tục, khẩn trương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bảo đảm thuốc, vật tư y tế và về việc cán bộ y tế thôi việc, bỏ việc tại các cơ sở y tế công lập. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Cảnh báo siêu nhiễm trùng ở bệnh nhân Covid-19

Báo cáo của các bác sĩ tại trung tâm điều trị COVID-19 (Bệnh viện Quân y 175 – Bộ Quốc phòng) cho thấy có tình trạng “siêu nhiễm trùng” ở bệnh nhân COVID-19.

Bên cạnh đó, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến ngày 21-7, Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo đã ghi nhận biến chủng BA.2.12.1, biến chủng có khả năng lẩn tránh miễn dịch gấp 1,8 lần so với BA.2.

Ca mắc tăng, biến chủng mới xuất hiện

Theo thông tin từ Bộ Y tế, 1 tuần trở lại đây số ca mắc COVID-19 trên cả nước có dấu hiệu gia tăng. Ngày 20-7 số ca mắc mới lên tới gần 1.200, cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Đáng chú ý, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 21-7, đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho hay sau khi giải trình tự gene 30 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19, đã ghi nhận 30% mắc biến thể BA.2, số còn lại là BA.4, BA.5, và có cả biến chủng BA.2.12.1 lần đầu thấy tại Việt Nam.

Chia sẻ tại cuộc họp của Bộ Y tế tổ chức, ông Ngũ Duy Nghĩa, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại nhưng người dân lại khá chủ quan trong biện pháp chống dịch.

“Bên cạnh đó, hiện tại đang là thời tiết mùa hè – thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gia tăng các bệnh truyền nhiễm. Chúng ta cùng lúc đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19”, ông Nghĩa cho hay.

Tại khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP.HCM cho biết số ca mắc COVID-19 đã giảm trong tháng 5-6 nhưng mới gia tăng nhẹ trở lại. Trong đó, ngoài các chủng BA.4, BA.5, có cả ổ dịch của chủng Delta. Chủng BA.5 cũng là chủng thường gặp tại khu vực phía Bắc gần đây.

“Siêu nhiễm trùng” ở bệnh nhân COVID-19

Theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 175, nhận định này được đưa ra sau khi thực hiện giám sát trên gần 3.500 mẫu bệnh phẩm các loại từ trung tâm điều trị COVID-19 của bệnh viện từ tháng 7-2021 đến tháng 5-2022. Nghiên cứu cũng vừa được báo cáo tại hội nghị khoa học “Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19” do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức ngày 21-7.

Đại diện nhóm nghiên cứu, BS Nguyễn Thị Trang cho biết tất cả các mẫu đều được nuôi cấy vi khuẩn/vi nấm từ trung tâm COVID-19; đều đáp ứng các tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng, quy chuẩn đóng gói và thời gian gửi mẫu…

Theo đó, trong gần 1 năm hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận hơn 6.500 ca bệnh nặng và vừa, trong đó có 3.407 mẫu bệnh phẩm của 610 bệnh nhân được gửi lên khoa vi sinh nuôi cấy định danh vi khuẩn/vi nấm.

Trong số này, bệnh phẩm máu chiếm phân nửa với trên 1.700 mẫu, bệnh phẩm hô hấp trên 1.100 mẫu, còn lại là các mẫu bệnh phẩm như nước tiểu và catheter (ống thông), mủ, nhầy họng, phân…

Một kết quả khá bất ngờ, theo BS Trang, là tỉ lệ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 được nuôi cấy dương tính với vi khuẩn, vi nấm chiếm 34,7%. Tác nhân gây bệnh chủ yếu thuộc nhóm vi khuẩn gram âm chiếm 76% và nhóm vi khuẩn gram dương chiếm 14%, còn lại 10% nhiễm nấm.

Đặc biệt, trong các chủng phân lập được vi khuẩn Acinetobacter chiếm tỉ lệ cao nhất 30,3%, Klebsiella chiếm 19,1%, Burkholderia chiếm 12,4%, Candida sp chiếm 10%, Staphylococcus chiếm 7,6%…

Theo Bệnh viện Quân y 175, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ở bệnh nhân COVID-19 rất cao. Đặc biệt, đại đa số các mẫu phân lập trên bệnh nhân COVID-19 trong thời gian điều trị có tỉ lệ kháng thuốc khá cao.

Đối với bệnh nhân COVID-19, tỉ lệ kháng thuốc ở các chủng phân lập được là 59%, trong đó tỉ lệ vi khuẩn đa kháng (MDR) chiếm 33%, kháng mở rộng (XDR) gần gấp đôi MDR, trong đó đáng chú ý tỉ lệ toàn kháng (PDR) khá cao với 15%.

“Việc siêu nhiễm trùng gặp với tỉ lệ cao là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19. Ngoài ra với tỉ lệ các vi khuẩn này ngày càng tăng cũng chính là nguy cơ trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, căn nguyên của tình trạng siêu nhiễm trùng ngày một đa dạng” – đại diện nhóm nghiên cứu nói.

Ngoài ra, trong số gần 30 bài báo cáo khoa học, đáng chú ý còn có kết quả nghiên cứu về tình trạng nhiễm nấm xâm lấn ở bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, các bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn trong quá trình mắc COVID-19 thường rơi vào bệnh nhân nguy kịch có tỉ lệ tử vong cao, hiện nay khả năng phân lập được vi nấm và chẩn đoán xác định chắc chắn tình trạng nêu trên còn rất khó khăn. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Công đoàn y tế Việt Nam chỉ ra nguyên nhân khiến 9.400 y, bác sĩ thôi việc, bỏ việc

Lý giải về việc có đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc trong một năm rưỡi vừa qua, Công đoàn y tế Việt Nam chỉ ra 8 nguyên nhân, trong đó đứng đầu là lương thấp…
Công đoàn Y tế Việt Nam vừa có báo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư.

Theo báo cáo này, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Trong báo cáo của mình, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Cụ thể:

Nguyên nhân đầu tiên là do thu nhập thấp. Theo Công đoàn y tế, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Theo quy định hiện nay, bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Với mức lương chưa đến 5 triệu đồng/ tháng như trên rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Thứ hai, Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.

Mặt khác trong các năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thâm chí nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Thứ ba, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế.

Một lý do quan trọng khác là sự phát triển mạnh mẽ của Hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương…, các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: do áp lực công việc cao; do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao; do môi trường làm việc đặc thù của ngành y tế, cán bộ viên chức y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến một nguyên nhân là do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng: thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường…

Trước thực trạng trên, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề lên mức 100%; xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường. Đồng thời, kiến nghị được tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Số ca mắc Covid-19 tăng, không chủ quan để dịch bùng trở lại

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 20.7, TP.HCM có 123 ca mắc Covid-19 , trong đó có 28 ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện và 95 ca lấy mẫu tại cộng đồng (trung tâm y tế lấy mẫu hoặc F0 tự khai báo); sau nhiều ngày TP.HCM có số ca mắc dưới 100.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc Covid-19 nhập viện trong ngày 20.7 tại TP là 11 ca, nâng tổng số ca đang điều trị lên 51 ca. Trong đó có 15 ca cần hỗ trợ hô hấp, 2 ca thở máy xâm lấn. Đặc biệt, đợt này có 1 trẻ em và 1 phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nhập viện. Hiện TP đang cách ly tại nhà 556 ca.

Xuất hiện nhiều biến thể

Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, TP.HCM có 612.191 ca mắc và 20.488 ca tử vong. Tuy nhiên, kể từ ngày 8.4 đến nay, TP.HCM không có ca tử vong. Liên quan đến tiêm vắc xin Covid-19, tính đến hết ngày 20.7 TP đã tiêm được 22,3 triệu liều vắc xin. Trong đó có hơn 8,5 triệu mũi 1, gần 7,6 triệu mũi 2, 685.863 mũi bổ sung, hơn 4,5 triệu mũi nhắc lại lần 1 và hơn 1 triệu mũi nhắc lại lần 2.

Tại cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở Q.Bình Tân mới đây (19.7), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP đã trải qua chặng đường cam go phòng chống dịch, đến nay TP đã kiểm soát Covid-19. Nhưng hiện nay biến thể Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường và chưa biết diễn biến tới đâu, nhiều nước có số ca nhiễm tăng. Trong khi đó, TP cũng đã có những ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.5. Như vậy mầm bệnh đã có trong cộng đồng, cần phải vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa tăng cường tiêm vắc xin Covid-19 với tỷ lệ càng cao càng tốt.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, vì dịch Covid-19 hoàn toàn có thể trở lại nếu như không có những chuẩn bị tốt, không tiêm vắc xin đáp ứng, không có những kế hoạch phòng chống chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. “Chúng ta đã có bài học, nếu như đợt 1, 2, 3 dịch Covid-19 đến chúng ta khoanh vùng dập dịch, nhưng đợt 4 TP trở tay không kịp. Hiện nay nhiều người dân có cảm giác như dịch đã xong, có người nói chỉ cần tiêm mũi thứ 2. Nhưng dịch không phải đơn giản, phải truyền thông cho người dân hiểu rõ”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Trong khi đó, hôm qua (21.7), tại hội nghị khoa học kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bệnh viện (BV) Quân y 175 tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết dịch Covid-19 là một tiền lệ chưa từng có, ngay cả thế giới vẫn coi đây là đại dịch.

Hiện nay xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng quan ngại như: biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75. Do đó, cần phải trong tâm thế chủ động mọi điều kiện không để TP.HCM tái dịch bệnh lần 2, đó chính là mệnh lệnh. Theo Thứ trưởng Sơn, tính mạng và sức khỏe người dân là trên hết, cần củng cố niềm tin, hệ thống lý thuyết và thực tiễn trong công tác điều trị Covid-19.

Tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân Covid-19 rất cao

Cũng tại hội nghị khoa học nêu trên, theo báo cáo của BV Quân y 175, từ tháng 7.2021 – 6.2022, BV đã cấy tìm vi khuẩn, vi nấm trên 3.407 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân (BN) Covid-19. Kết quả cho thấy tỷ lệ mẫu bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn, vi nấm chiếm 34,7%. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là nhóm vi khuẩn Gram âm chiếm 76% và 14% là nhóm vi khuẩn Gram dương, và 10% nhiễm nấm.

Trong các chủng phân lập được thì vi khuẩn Acinetobacter chiếm tỷ lệ cao nhất 30,3%, Klebsiella chiếm 19,1%, Burkholderia chiếm 12,4%, Candida sp chiếm 10%, Staphylococcus chiếm 7,6%…

Theo BV Quân y 175, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ở BN Covid-19 rất cao. Tỷ lệ vi khuẩn Acinetobacter kháng nhóm Carbapenem (nhóm kháng sinh phổ rộng, gồm 4 kháng sinh: imipenem, meropenem, ertapenem và doripenem, thường được dùng để điều trị nhiễm trùng nặng và đa đề kháng) là 60% và chỉ còn nhạy 82% với Colistin, 54% còn nhạy với Minocyclin. Trong khi đó, các chủng này kháng với nhóm Cephalosporin thế hệ 2, 3, 4 và nhóm Aminoglycoside với tỷ lệ trên 90%.

Đối với vi khuẩn Klebsiella, có tới 70% số chủng phân lập được kháng Carbapenem, số kháng sinh còn nhạy để lựa chọn cho các chủng này rất ít, chỉ còn nhóm Aminoglycoside và Colistin, đại đa số các kháng sinh đều kháng với tỷ lệ cao trên 50%.

Ngoài ra, đại đa số các mẫu phân lập trên BN Covid-19 trong thời gian điều trị có tỷ lệ kháng thuốc khá cao (59%). Trong đó, tỷ lệ vi khuẩn đa kháng chiếm 33%, kháng mở rộng chiếm 52%, toàn kháng là 15%.

Cũng theo BV Quân y 175, siêu nhiễm trùng gặp tỷ lệ cao là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tử vong ở BN Covid-19. Căn nguyên siêu nhiễm trùng đa dạng bao gồm cả vi khuẩn và vi nấm. Bên cạnh đó, vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng và toàn kháng ngày càng gia tăng, cũng là các mối nguy cơ trong điều trị các bệnh nhiễm trùng. Các xét nghiệm vi sinh đã chứng minh được tầm quan trọng trong việc hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị hiệu quả BN Covid-19. Do đó, việc giám sát căn nguyên vi sinh gây bệnh và xu hướng đề kháng kháng sinh của các căn nguyên gây bệnh này là rất cần thiết, giúp thiết lập kịp thời được các phác đồ điều trị. (Thanh niên, trang 5).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/6/2019

Mậu Ngọ