Điểm báo ngày 23/7/2019

(CDC Hà Nam)
  Trông chờ nguồn tạng hiến; BV kẹp giữa hàng chục cơ sở sản xuất thép ở Vĩnh Phúc: Làm sao giải quyết “chuyện đã rồi”; Lo ngại siêu khuẩn kháng thuốc tại Việt Nam; Mổ cùng lúc 5 vị trí cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông…

Trông chờ nguồn tạng hiến

Ghép tạng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhiều kỹ thuật mới được thực hiện như ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập hay ghép tim, tụy, đa tạng…, cứu sống nhiều người bệnh. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến ở nước ta luôn trong tình trạng khan hiếm khiến hàng ngàn người đang mòn mỏi chờ đợi được nhận một quả tim, một trái thận để giành lại sự sống, vượt qua cánh cửa tử thần.

Cho đi là còn mãi

Mới đây, Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh đến Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đăng ký hiến tạng đã nhen lên ngọn lửa nhân ái với nhiều người về lối sống “cho đi là còn mãi”. Mỹ Linh cho biết, việc đăng ký hiến tạng của cô và mẹ nằm trong dự án Người đẹp nhân ái của chương trình Miss World Việt Nam. “Tôi mong muốn mọi người cùng chia sẻ, đồng hành trong dự án ý nghĩa “Góp phần xây dựng niềm tin và hy vọng sống cho nhiều người”. Ban đầu tôi không muốn chia sẻ quyết định đăng ký hiến tạng mình cho mọi người biết. Nhưng với ước mong lan tỏa thông điệp và việc làm nhân văn này, tôi hy vọng quyết định của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người cùng tham gia để mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác”- Hoa hậu Mỹ Linh chia sẻ. Trước đó, nhiều nghệ sĩ cũng đã tham gia đăng ký hiến tạng truyền cảm hứng cho nhiều người khác như MC Quyền Linh, MC Ngọc Hương, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ Khắc Việt, diễn viên Việt Trinh… Thậm chí có những gia đình cùng nhau đi đăng ký hiến tạng như trường hợp bà Phạm Thị Hòa (66 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) có tới 6 người thân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy, bắt đầu từ tháng 10-2014, khi BV phát hành đơn đăng ký hiến tạng nhân đạo, đơn vị đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ nhiều người. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận được gần 10.600 đơn đăng ký hiến tạng nhưng chỉ có 34 trường hợp hiến tạng sau khi qua đời. Riêng từ tháng 1-2019 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 4 trường hợp hiến tạng sau khi tim ngừng đập, và nhận được 2 thận, 6 giác mạc. “Đặc biệt, trong số này có nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, mẹ con, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng. Từ nguồn tạng này, đơn vị đã điều phối 1 khối tim – phổi đến BV Trung ương Huế, 2 quả tim và 2 lá gan đến BV Việt Đức (Hà Nội) và 14 giác mạc đến ngân hàng mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM”- bác sĩ Ngọc Thu cho hay.

Còn nhiều trở ngại

Theo các chuyên gia, hiện nay nhu cầu về ghép tạng ở nước ta rất lớn, chỉ riêng nhu cầu ghép gan, hiện có khoảng 23.000 người. Tuy nhiên, nguồn tạng (từ người chết não) vẫn còn khiêm tốn vì nhiều lý do khác nhau. Mặc dù cơ sở pháp lý để triển khai là Luật Hiến tặng mô, tạng ban hành năm 2006 và có hiệu lực từ tháng 1-2007, song đến nay số người chết não hiến tặng tạng rất ít, chưa đến 50 người. Điều này do ảnh hưởng của tâm lý, quan niệm của người dân là khi chết phải được nguyên vẹn. Bên cạnh đó, luật cũng quy định người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng.

Tuy nhiên, quy định này lại trở thành rào cản cho những người dưới 18 tuổi muốn hiến tặng mô tạng. Cùng với đó là sự bất cập về mặt tổ chức, phục vụ cho ghép tạng ở các bệnh viện còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực trong quá trình ghép tạng.
Trước thực tế nhu cầu của người cần ghép tạng rất lớn mà nguồn cung hợp pháp (người thân cho tạng hoặc chờ có người hiến tặng) lại quá ít, nên xuất hiện nhiều “đường dây” buôn bán thận nói riêng và nội tạng nói chung. Mặc dù điều 11 của Luật Hiến tặng mô, tạng cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích thương mại… nhưng chưa quy định các chế tài khi vi phạm các điều khoản này. Ngay cả Bộ Luật Hình sự cũng chưa có các điều khoản quy định các chế tài trong hoạt động mua bán trái phép nội tạng người. Bên cạnh đó, luật hiện hành quy định việc cấm lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, thực tế các đường dây mua bán tạng “chui” vẫn lách luật bằng cách “giả hiến tặng”. Đây cũng là kẽ hở lớn đang bị các đối tượng mua bán tạng lợi dụng hiện nay. “Cần có một cơ quan mang tính độc lập cho phép minh bạch việc mua bán tạng để vừa lợi cho Nhà nước, bệnh nhân và cả người cho tạng”- bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu kiến nghị.

Theo bác sĩ Ngọc Thu, một trở ngại lớn trong việc ghép tạng không chỉ là thiếu người cho tạng, mà còn bởi chi phí ghép tạng. Mặc dù ở nước ta hiện nay chi phí thực hiện một ca ghép tạng thuộc mức thấp nhất so với các nước trên thế giới nhưng so với thu nhập của người dân thì vẫn quá cao. Trung bình, một ca ghép tạng có chi phí từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, chưa kể sau ghép người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc chống đào thải với chi phí vài triệu đồng/tháng trong suốt phần đời còn lại…. Với số tiền lớn như vậy, những bệnh nhân nghèo rất khó để tiếp cận được kỹ thuật cao này. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Địa điểm tiếp nhận hiến tạng
Miền Bắc: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia – Bộ Y tế, 40 Tràng Thi, Hà Nội (nhà C2, tầng 2, Bệnh viện Việt Đức). Điện thoại 0915060550 hoặc 02439386693
Miền Nam: Đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy (201B, Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM). Điện thoại 02839560139 – 02838554137; 0913677016.

BV kẹp giữa hàng chục cơ sở sản xuất thép ở Vĩnh Phúc: Làm sao giải quyết “chuyện đã rồi”

BV Sản – Nhi tỉnh Vĩnh Phú được đầu tư 640 tỷ đồng được xây dựng tại Cụm Công nghiệp Hợp Thịnh, Tam Dương (Vĩnh Phúc). Sau khi khởi công xây dựng, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc mới kiểm tra phát hiện ô nhiễm môi trường tại khu vực này … (Tiền phong, trang 10).

 

Lo ngại siêu khuẩn kháng thuốc tại Việt Nam

Nhóm nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Linkoping (Thụy Điển) khảo sát 2.200 bệnh nhân ở 12 bệnh viện tại Việt Nam cảnh báo nguy cơ mắc một nhóm vi khuẩn đường ruột kháng thuốc kháng sinh. Ngày 21.7, thông tin kết quả khảo sát 2.200 bệnh nhân ở 12 bệnh viện tại VN của nhóm nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Linkoping (Thụy Điển) cảnh báo nguy cơ mắc một nhóm vi khuẩn đường ruột kháng thuốc kháng sinh Carbapenem (Carbapenem Resistant Enterobacteriaceae – CRE) như vi khuẩn E.coli, Klebsiella sp, Enterobacter sp… tăng lên thành dịch tại các bệnh viện tại VN.

Theo nghiên cứu này, trong 8 bệnh nhân nhập viện, ban đầu chỉ một người mang siêu khuẩn, sau 2 tuần nằm viện đã tăng lên 7 người. Còn nghiên cứu trong nước thì sao?

“Dính” vi khuẩn ở khu hồi sức cấp cứu

Từ năm 2012 – 2016, tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có 2 nghiên cứu về nhóm vi khuẩn CRE trên 4.000 bệnh nhân nhập viện có nhiễm trùng.

Các vi khuẩn trong BV luôn là vi khuẩn nguy hiểm, bởi chúng được tiếp xúc với các thuốc điều trị nên có khả năng kháng lại thuốc, nhiễm khuẩn chéo trong BV làm tăng gánh nặng bệnh tật

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Một nghiên cứu do TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan, Phó trưởng khoa Xét nghiệm thực hiện đề tài Mô tả đặc điểm dịch tễ và độ nhạy cảm của vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết tại TP.HCM, với 3.287 ca. Nghiên cứu còn lại là Tình hình mang trùng và nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc tại hồi sức cấp cứu (ICU) người lớn do TS-BS Dương Bích Thủy, Phó khoa ICU người lớn, thực hiện trên 838 ca. Đây là 2 đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Kết quả nghiên cứu Tình hình mang trùng và nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc ICU người lớn của TS-BS Dương Bích Thủy ghi nhận số bệnh nhân mang sẵn CRE nhập ICU 1% (8/838 ca nghiên cứu). Đây là nhóm bệnh nhân già, bệnh lý nặng đã nhập ICU các BV tuyến trước, đã sử dụng kháng sinh truyền tĩnh mạch phổ rộng (liều cao) trước đó. Trong quá trình nằm ICU tại BV, nhóm này tăng lên thêm 3% (thêm 25/838 ca nghiên cứu).

Còn đề tài nghiên cứu Mô tả đặc điểm dịch tễ và độ nhạy cảm của vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết tại TP.HCM của TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan cho thấy có 13 ca nhiễm CRE/3.287 ca nhiễm trùng huyết.

Kết quả nghiên cứu của cả 2 đề tài cho thấy nhóm bệnh nhân có nguy cơ nhiễm CRE chủ yếu nằm ở ICU, có cơ địa yếu, kèm các bệnh nền như tiểu đường, gan, thận… đã điều trị nhiều loại thuốc kháng sinh kéo dài… Việc sử dụng kháng sinh phổ rộng tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc.

Theo TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan, các nghiên cứu quốc tế và VN đều cho thấy nhóm CRE hiện diện và gây bệnh trên bệnh nhân trong các BV, đặc biệt là bệnh nhân tại các khoa ICU. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh do nhóm vi khuẩn CRE trên người lớn là rất ít, chiếm thứ 4 – 5 trong các loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Tỷ lệ phát hiện ít hay nhiều còn phụ thuộc vào chọn mẫu nghiên cứu, như ở các BV tuyến trên thì chắc chắn số người nhiễm nhóm CRE nhiều hơn các BV tuyến dưới.

Còn theo nghiên cứu của TS-BS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi T.Ư thực hiện thì trẻ bệnh đã được điều trị tại BV khác vào BV tuyến T.Ư có tỷ lệ mang CRE cao hơn rõ rệt so với trẻ nhập viện từ cộng đồng (39,2% so với 14,1%). Tỷ lệ mang CRE cao ở trẻ sơ sinh gồm: trẻ đẻ mổ, sinh non. Nghiên cứu cũng nhận thấy có sự tăng cao rõ rệt về tỷ lệ mang CRE ở bệnh sơ sinh tại thời điểm nhập viện so với thời điểm xuất viện (30,03% và 65,4%); ở trẻ mới sinh trong 48 giờ đầu so với trẻ sau sinh 48 giờ (4,4% và 66%). Điều này chứng tỏ CRE lan nhanh trong môi trường BV. Theo đánh giá của BS Ngãi, bằng xét nghiệm nuôi cấy đã ghi nhận được có đến trên 30% số người bệnh (cả người lớn và trẻ em) khi nhập viện đã mang sẵn CRE kháng thuốc kháng sinh thế hệ mới.

Tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM, số bệnh nhi nhiễm khuẩn đa kháng, siêu kháng thuốc tại khoa ICU chiếm 20 – 30%, nhưng bệnh nhân hầu hết ở tỉnh chuyển lên.

Ổ vi khuẩn trong bệnh viện

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái cho hay trong nước hiện chưa có con số chung về nhiễm khuẩn BV, nhưng có các nghiên cứu đơn lẻ tại các BV lớn về nhiễm khuẩn BV cũng như nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc, qua đó đã tìm thấy các vi khuẩn kháng kháng sinh, thậm chí là vi khuẩn đa kháng thuốc (kháng với nhiều kháng sinh).

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thông tin: “Trong nước đã có các nghiên cứu cũng như các hợp tác quốc tế nghiên cứu về nhiễm khuẩn BV cũng như tình trạng kháng kháng sinh tại VN. Các vi khuẩn trong BV luôn là vi khuẩn nguy hiểm, bởi chúng được tiếp xúc với các thuốc điều trị nên có khả năng kháng lại thuốc, nhiễm khuẩn chéo trong BV làm tăng gánh nặng bệnh tật. Thậm chí với một số tác nhân gây bệnh, nhiễm chéo trong BV làm lây lan dịch bệnh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.

Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, nhiễm khuẩn BV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các BV trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị. Tỷ lệ nhiễm khuẩn BV ở các nước phát triển dao động 3,5 – 12%. Nhưng số liệu về nhiễm khuẩn BV tại các quốc gia chậm và đang phát triển thường không đầy đủ và không có sẵn. Tuy nhiên, phân tích gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy các ca nhiễm khuẩn BV ở các nước đang phát triển có thể xảy ra với tần suất cao hơn các nước phát triển.

GS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lưu ý: “Vi khuẩn đường ruột kháng nhiều loại kháng sinh do tình trạng dùng kháng sinh dễ dãi, mua kháng sinh dễ như mua rau. Mà thuốc uống vào được hấp thu tại ruột nên vi khuẩn đường ruột dễ dàng tiếp xúc với các loại kháng sinh, chúng “làm quen” với kháng sinh và rồi chống lại kháng sinh”.

Bác sĩ kê toa không hợp lý

BS Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức – cấp cứu TP.HCM, cho biết trong nhóm vi khuẩn đề kháng kháng sinh nhiều nhất là các trực khuẩn gram âm, bên cạnh đó là nhóm tụ cầu khuẩn gram dương. Riêng nhóm CRE, có lẽ các nhà khoa học Thụy Điển dùng chữ “dịch” để mô tả sự lây lan, phát triển nhanh đến mức báo động.

Theo BS Cam, từ thập niên 1980, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường trước đây có thể điều trị bắt đầu với 1 kháng sinh đã trị khỏi viêm họng, viêm phổi. Hiện cũng là vi khuẩn đó, nhưng với kháng sinh thông thường nhiều trường hợp không chữa hết mà phải dùng kháng sinh thế hệ mới hơn. Tại VN, hiện hầu hết vi khuẩn ngoài cộng đồng tỷ lệ kháng kháng sinh penicillin, ampicillin lên đến 40 – 50%, nên việc điều trị vi khuẩn khó hơn trước.

Theo BS Cam, giám sát của BV Nhi đồng 1 và Bộ Y tế cho thấy, gần 70% kháng sinh điều trị ngoại trú là sử dụng không hợp lý chủ yếu gặp ở bệnh viêm đường hô hấp trên.

Theo BS Bạch Văn Cam, ở BV tuyến trên tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh nhiều là do bệnh nhân từ tuyến dưới bệnh nặng, kháng thuốc dồn về BV tuyến trên. BS Cam đề nghị bệnh nhân nặng ở tỉnh khi mới chuyển đến BV tuyến trên, thì xem như là bệnh nhân đa kháng thuốc, tạm cho nằm riêng, phải cấy vi sinh để phát hiện vi khuẩn và điều trị cho đúng. Đặc biệt, mỗi BV phải xây dựng được phác đồ sử dụng kháng sinh để sử dụng phù hợp với từng BV; phác đồ phải được cập nhật kết quả của vi sinh. Có tình trạng nhiễm khuẩn BV một phần do BS điều trị kiểu đánh thuốc “bao vây”, dùng nhiều kháng sinh, loại mạnh khi chưa cần thiết.

Điều trị nhiễm khuẩn nhóm CRE ra sao?

Theo TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan, với bệnh nhân nhiễm CRE đa kháng thuốc, hiện nay thế giới khuyến cáo phải phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh, liều cao để điều trị, tuy nhiên chi phí sẽ rất cao và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. (Thanh niên, trang 1).

 

Mổ cùng lúc 5 vị trí cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông

Ngày 22-7, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ của Khoa vừa tiến hành ca phẫu thuật đặc biệt, cùng lúc mổ 5 vị trí, cứu sống bệnh nhân bị gãy nửa người do TNGT.

Đó là bệnh nhân T.T.M, Sn 1978, ở Hà Nội vào cấp cứu trong trường hợp đa chấn thương nặng do ô tô đâm vào xe đi ngược chiều. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân M, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chấn thương chi trên và Y học thể thao tiến hành mổ cùng một lúc 5 vị trí: gãy – trật ổ cối phải, gãy xương đùi 2 tầng 3 đoạn, gãy cẳng chân phải, gãy cẳng tay phải. Sau 2 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, sau 10 ngày hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân T.T.M dần ổn định, các xét nghiệm trở về bình thường, bệnh nhân tỉnh táo. Đây là 1 trong những ca phẫu thuật đặc biệt, đòi hỏi nhiều yếu tố như: Gây mê hồi sức phải đảm bảo vì khi mổ sẽ kích thích hoặc làm nặng thêm tình trạng ngực, bụng; hơn nữa cùng 1 lúc mổ nhiều chỗ, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, nguy cơ mất máu cao hơn. Trang thiết bị đòi hỏi phải đầy đủ, khi cùng 1 lúc mổ nhiều chỗ, xương chậu vừa phải nắn trật khớp háng, vừa phải làm nẹp vít, đóng đinh xương đùi, nẹp vít cẳng chân, nẹp vít cẳng tay, trong và sau mổ phải đảm bảo hồi sức tốt, có đủ máu, dịch truyền và đạm cho người bệnh, đảm bảo hồi phục sớm cho bệnh nhân. Và hơn hết ca phẫu thuật đòi hỏi tay nghề cao của phẫu thuật viên và ê kíp mổ. Kết hợp mổ 5 vị trí gãy xương cùng 1 lúc giúp người bệnh không phải trải qua nhiều cuộc mổ, giảm bớt gánh nặng về kinh tế, rút ngắn thời gian, giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng, trở về với cuộc sống thường ngày. (Công an nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 14; Nhân dân, trang 5).

T5.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/08/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 21/10/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận