Thêm 4 bệnh nhân Covid-19 là các ca nhập cảnh
Chiều nay, 23.7, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) thông báo có thêm 4 ca mắc Covid-19 nhập cảnh và được cách ly ngay, không có nguy cơ lây ra cộng đồng.
Theo Ban Chỉ đạo, các ca mắc mới là bệnh nhân Covid-19 thứ 409 – 412 tại Việt Nam. Trong đó, bệnh nhân 409 (nữ, 37 tuổi) quốc tịch Philippines, chuyên gia về lĩnh vực giáo dục. Ngày 19.7, bệnh nhân từ Hàn Quốc nhập cảnh sân bay Phú Quốc , Kiên Giang trên chuyến bay QH9461 và được cách ly tập trung ngay sau nhập cảnh tại H.Phú Quốc.
Ngày 20.7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế H.Phú Quốc.
Bệnh nhân 410 (nam, 25 tuổi) địa chỉ tại H.Tiên Lữ, Hưng Yên. Bệnh nhân 411 (nữ, 30 tuổi) địa chỉ tại TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bệnh nhân 412 (nam, 49 tuổi) địa chỉ tại TP.Đồng Hới, Quảng Bình
Cả 3 bệnh nhân trên từ Liên bang Nga (quá cảnh Belarus) trên chuyến bay VN5062 về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh ngày 17.7, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định lấy mẫu lần 1 và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Các bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 ngày 22.7 và có kết quả sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Hà Nội xét nghiệm khẳng định, kết quả ngày 23.7 có 3 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Cả 3 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.
Trước đó, 16 ca dương tính trên chuyến bay VN5062 trên đã được thông báo, là các bệnh nhân ở 3 tỉnh: Nam Định (4 ca), Ninh Bình (8 ca), Hòa Bình (4 ca) và được cách ly tập trung ngay sau nhập cảnh tại Trung đoàn 180, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định.
Theo Ban Chỉ đạo, cả nước đã qua 98 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong số 412 ca mắc ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch, có 272 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; 365 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Có 10.336 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. (Thanh niên, trang 4).
120 công nhân từ Guinea xích đạo mắc covid-19 về nước: Điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ
Chiều ngày 23/7, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị xong mọi công đoạn cho chuyến bay sang đón công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích đạo ngày 28/7 tới.
Theo đó bệnh viện cử 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng làm việc tại khoa Cấp cứu mang theo 2 máy thở, máy monitor theo dõi, quần áo phòng hộ và các thiết bị y tế khác đi trên chuyến bay đón công nhân về nước.
TS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết thêm, chuyến bay sẽ đón khoảng 250 công nhân Việt Nam ở Guinea xích đạo về nước, trong đó ước chừng có 120 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong số những bệnh nhân này có một số trường hợp được xác định đã khỏi bệnh, một số khác diễn biến nặng trong thời gian qua phải nằm bệnh viện ở Guinea nhưng hiện nay tình trạng bệnh đã tốt lên nhiều.
Theo bác sĩ Cấp, việc đón một đoàn 250 người với số lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19 lại đi trên một máy bay có diện tích hạn chế là vấn đề khó khăn. Bởi lẽ, lượng bệnh nhân dương tính khá lớn kiến môi trường trong máy bay sẽ đậm đặc virus SARS-CoV-2. Lúc này phải đảm bảo hạn chế thấp nhất nguy cơ lây bệnh cho phi hành đoàn, những người chưa mắc bệnh và cả nhân viên y tế.
Đây là chuyến bay kéo dài, ước tính hơn 15 giờ liên tục nên cũng khó khăn. Với nhóm bệnh nhân mắc bệnh hiện không có ca nặng nên không quá lo lắng về sức khỏe của bệnh nhân trên chuyến bay dài này.
Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), toàn bộ 250 công nhân sẽ được chuyển về Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư để cách ly, theo dõi. Những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại đây. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ đầu vụ đại dịch tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết 3 công ty có người lao động và quản lý đang làm việc tại Guinea Xích Đạo thuộc châu Phi đã gửi thông báo cho biết số ca mắc COVID-19 trong đoàn công nhân và cán bộ quản lý. Trong số 120 bệnh nhân có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo (là nhóm dễ có biến chứng hơn) như loét dạ dày, cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản. Ngoài 120 bệnh nhân COVID-19, còn 7 người phải nhập viện để theo dõi bệnh khác, 3 người bị sốt rét, 1 người trong đó vừa sốt rét vừa COVID-19. (Tiền phong, trang 6).
Bệnh viện Nhân dân Gia định triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Sáng 23-7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tổ chức khai trương triển khai dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiện mặt.
Theo đó, với các giải pháp tiện ích này khi được triển khai, người bệnh, người nhà có thể sử dụng đa dạng các phương thức thanh toán, giảm thời gian chờ đợi, góp phần tăng sự hài lòng khi khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Cụ thể, bệnh viện cung cấp cho người bệnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều hình thức và tiện ích khác nhau như: Thẻ y tế thông minh, lưu trữ thông tin người bệnh đồng thời tích hợp chức năng thanh toán viện phí.
Thanh toán viện phí qua POS, hỗ trợ người bệnh, người nhà thanh toán viện phí đa dạng các loại thẻ ngân hàng như: thẻ ghi nợ nội địa Napas, các loại thẻ tín dụng quốc tế trên thị trường như Visa, Master, JCB…; thanh toán viện phí qua mã QR Code, thanh toán viện phí qua các ki-ốt thanh toán tự động,…
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh nhân Nhân dân Gia Định, so với phương thức thanh toán viện phí trước kia, sự đa dạng giải pháp thanh toán viện phí của bệnh viện giúp người bệnh, người nhà có thể chủ động lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.
Ngoài ra, kết quả thanh toán viện phí qua các kênh thanh toán sẽ được cập nhật ngay lập tức (online) lên hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện.
Do đó, người bệnh, người nhà không phải di chuyển nhiều hay xếp hàng để thanh toán viện phí, đăng ký khám chữa bệnh, giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện, hạn chế được cả tình trạng mất cắp tại bệnh viện.
“Trong quá trình hoạt động và phát triển, bệnh viện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh. Các giải pháp này nhằm góp phần gia tăng tiện ích cho người dân trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện, giúp giảm thời gian chờ đợi và các bước trong quy trình khám, chữa bệnh và nằm trong những nỗ lực không ngừng của bệnh viện trong chuyển đổi số hóa, hướng tới bệnh viện thông minh”, TS-BS Nguyễn Anh Dũng cho hay.
Chúc mừng Bệnh viện Nhân dân Gia định chính thức triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, đây là bộ phận không thể thiếu khi xây dựng y tế thông minh.
Hiện, ngành y tế đang xúc tiến, đẩy mạnh, triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh và xây dựng y tế thông minh.
“Để thay đổi thói quen của người dân thanh toán không dùng tiền mặt, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cần kiên trì hơn. Nếu truyền thông tốt, người dân sẽ thấy được nhiều tiện ích và sử dụng nhiều hơn. Nếu bệnh viện làm tốt sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình này cho nhiều bệnh viện khác tham gia”, PGS-TS Tăng Chí Thượng kỳ vọng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Đắc Lắc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho cán bộ y tế toàn tỉnh
Tính đến 7h ngày 23/7/2020, thống kê của Sở Y tế Đắc Lắc cho biết, toàn tỉnh có 22 ca nhiễm bạch hầu, không có ca tử vong. Trước tình hình trên, ngành Y tế Đắc Lắc đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu. Ngành y tế địa phương đã lấy tổng cộng 1238 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Đồng thời, đã triển khai tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu cho các địa phương có trường hợp dương tính. Đặc biệt, ngành y tế đang chuẩn bị tiêm vắc xin Td cho 7500 cán bộ, nhân viên y tế trên toàn tỉnh. Dự kiến, tổng số liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn tỉnh là 3,7 triệu liều, tiêm 2 vòng… (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).