Thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch
Ngày 23-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc. Công điện gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thành; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Công điện nêu rõ, trên thế giới và trong khu vực, dịch Covid-19 với biến chủng Delta hiện đang gia tăng nhanh chóng. Trong nước, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng, nhất là tại TPHCM và một số địa phương phía nam.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thực hiện của các địa phương, đặc biệt là biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng kịp thời, đúng đắn, đạt kết quả tích cực, dịch bệnh có chiều hướng giảm tại 13/23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (như TPHCM, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.
Thủ tướng yêu cầu thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do đồng chí Chủ tịch UBND đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế – xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
Thủ tướng nêu rõ, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm; công tác phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ.
Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.
Thủ tướng lưu ý, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn. Các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp.
Cụ thể, giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài, lỏng trong”.
Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm Covid-19, bảo đảm đủ oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này.
Tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm Covid-19. Tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm lớn, nhiều bệnh nhân nặng.
Thủ tướng chỉ đạo huy động nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất y tế của các bộ, ngành, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác điều trị. Bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến nặng.
Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tiền phong, trang 3; Tuổi trẻ, trang 2).
Đề cao tính kỷ luật suốt thời gian tăng cường chống dịch
Ngày 23/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận 4, TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Võ Đức Đam đánh giá, trong buổi sáng đầu tiên thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch, quận 4 đã làm nghiêm và cần được duy trì suốt trong chiến dịch, đề cao tính kỷ luật.
Tuyệt đối không để nghiêm lúc đầu, lỏng dần về sau. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn đã trực tiếp đến kiểm tra một điểm thu dung F0 của quận 4 đặt tại Trường THCS Vân Đồn và đến thăm trạm y tế lưu động trên địa bàn phường 4 vừa đưa vào hoạt động ngày 22/8.
Trạm y tế lưu động này được tăng cường hai chiến sĩ quân y để phục vụ nhu cầu cấp cứu, chăm sóc y tế cho các F0. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu đến chiều 23/8, toàn bộ 312 phường, xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bằng mọi giá phải tập trung được hết nhóm người lang thang cơ nhỡ còn trên đường, tạo điều kiện cho họ có chỗ ở, được chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe.
Ngày 23/8, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 5 (đặt tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ rất quan tâm và triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường đội ngũ y tế cho thành phố.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chủ động phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, của Quân đội nhân dân Việt Nam, điều động lực lượng quân y đến tâm dịch để hỗ trợ, đồng hành. Từng cán bộ, chiến sĩ cần quyết tâm cao nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ để giúp thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh. Đại tướng Phan Văn Giang chỉ rõ: Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, cán bộ chiến sĩ các đơn vị phải nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng dịch bệnh. Bộ Quốc phòng đang nỗ lực tập trung các nguồn lực để hỗ trợ thành phố dập dịch.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình ở chung cư Linh Trung (TP Thủ Đức) và chốt giao thông cầu Đồng Nai – thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 23/8, tại Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam, Wojciech Gerwel thay mặt Chính phủ Ba Lan bàn giao cho Bộ Y tế 501.600 liều vắc-xin phòng Covid-19 Astra Zeneca. Đây là lô vắc-xin do Chính phủ Ba Lan tặng Chính phủ Việt Nam phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Số vắc-xin nêu trên đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài chiều 21/8. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thay mặt Bộ Y tế tiếp nhận lô vắc-xin, bày tỏ lời cảm ơn đến những tình cảm của Đại sứ nói riêng và Chính phủ Ba Lan nói chung dành cho Chính phủ, nhân dân Việt Nam, cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Bộ Y tế sẽ nhanh chóng phân bổ lô vắc-xin đến các địa phương tùy theo tình hình thực tế về dịch Covid-19.
Ngày 23/8 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp đến một số điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) để hướng dẫn người dân tự làm test nhanh tại nhà. Việc người dân tự lấy mẫu cũng sẽ bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng. Bộ Y tế dự kiến có khoảng 400 trạm y tế lưu động sẽ được thành lập và đi vào hoạt động tại TP Hồ Chí Minh trước ngày 24/8 (giai đoạn một) và trước ngày 27/8 (giai đoạn hai). Dự kiến, mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 người F0. Ngoài ra, tỉnh Long An triển khai mô hình trạm y tế lưu động tại năm địa phương tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP Tân An.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home – based care) bằng thuốc Molnupiravir (thuốc kháng vi-rút). Chương trình này sẽ dự kiến triển khai bắt đầu ngày 25/8 tại TP Hồ Chí Minh. Các trường hợp mắc Covid-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT – PCR hoặc kít xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích; khi người bệnh đồng ý tự nguyện tham gia bằng văn bản, sẽ được phát một túi thuốc gồm: tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Sau 5 ngày điều trị, tất cả người bệnh sẽ được đánh giá về tỷ lệ âm tính với vi-rút SARS-CoV-2, và tỷ lệ bệnh không tiếp diễn sang mức độ nặng hơn.
Và trong 14 ngày điều trị, người bệnh sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh Covid-19 và các tác dụng phụ của thuốc (nếu có). Trong ngày 23/8, 300 nghìn viên thuốc Molnupiravir loại 200mg tương đương hơn 7.500 liều đã về đến Việt Nam. Lô thuốc sẽ lập tức được chuyển thẳng vào TP Hồ Chí Minh để kịp thời điều trị cho người bệnh F0 Covid-19 có kiểm soát tại nhà và cộng đồng.
Chiều 23/8, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Công tác xã hội thanh, thiếu niên (thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) chính thức ra mắt “Tổng đài hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19”. Tổng đài sẽ trực tiếp hỗ trợ người dân có nhu cầu bằng nhiều mô hình như: cấp cứu cộng đồng, bệnh viện tại nhà, túi thuốc điều trị F0, “ATM oxy”, cứu trợ thực phẩm, mai táng miễn phí… Tổng đài hiện có bốn xe cứu thương hiện đại để vận chuyển người bệnh nhanh chóng, an toàn; được kết nối với các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị Covid-19, lực lượng y, bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm, nguồn dược phẩm điều trị Covid-19 cũng như những địa chỉ mai táng tin cậy. Người dân có nhu cầu, vui lòng liên hệ số điện thoại đường dây nóng của Tổng đài 1900 638 090.
Sáng 23/8, thực hiện ý kiến của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tăng cường 100 cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) của Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và 100 CB, CS của Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ cho tỉnh An Giang và Kiên Giang. Tại lễ xuất quân, lãnh đạo Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên và Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ đã yêu cầu CB, CS được điều động tăng cường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh cho người dân; tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương… Chiều 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh, từ 0 giờ ngày 24/8 cho đến khi có thông báo mới. Việc tiếp tục giãn cách chỉ sau ba ngày Cà Mau trở lại trạng thái bình thường mới và xuất hiện vài ca mắc trong cộng đồng (Nhân dân, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tiền phong, trang 3; Công an nhân dân, trang 3).
Ba Lan trao tặng Việt Nam hơn 500.000 liều vaccine AstraZeneca
Ngày 23-8, tại Hà Nội, Ngài Wojciech Gerwel, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam đã thay mặt Chính phủ Ba Lan bàn giao cho Bộ Y tế 501.600 liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tại lễ bàn giao, Đại sứ Wojciech Gerwell chia sẻ những khó khăn với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt các tỉnh thành đang là điểm nóng về dịch Covid-19. Đồng thời Đại sứ cũng rất ngưỡng mộ về những hiệu quả, quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân trong thực hiện các chính sách mà Chính phủ đưa ra.
“Với sự quyết tâm và đồng lòng như vậy, chúng tôi tin chắc chắn Việt Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch”, Ngài Đại sứ Wojciech Gerwel nói.
Đồng thời chia sẻ sự cảm động khi được chứng kiến cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã có nhiều hành động đẹp như nấu cơm phục vụ cán bộ y tế của nhiều bệnh viện ở Ba Lan chống dịch hồi năm ngoái. “Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam trong lúc khó khăn thì bây giờ cũng là lúc chúng tôi đền đáp điều đó”, Ngài Wojciech Gerwel nhấn mạnh. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trân trọng cảm ơn những tình cảm của Ngài Đại sứ nói riêng và Chính phủ Ba Lan nói chung dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Sự hỗ trợ này giúp cho Việt Nam có thêm nguồn lực chống dịch và thêm ý nghĩa khi 2 nước đã bước sang 71 năm quan hệ ngoại giao.
“Chúng tôi cảm ơn và đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Chính phủ, nhân dân Ba Lan và các doanh nghiệp Ba Lan cung cấp trang thiết bị, dược phẩm… cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt lần này, Chính phủ và nhân dân Ba Lan đã tặng khẩn cấp hơn nửa triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong bối cả Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam đang nỗ lực chống dịch. Bộ Y tế sẽ nhanh chóng phân bổ lô vaccine này đến các địa phương tùy theo tình hình thực tế về dịch bệnh của từng địa phương” – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 17-8, Chính phủ Ba Lan công bố quyết định tặng Việt Nam 501.600 liều vaccine AstraZeneca, đồng thời viện trợ nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 4 triệu USD. Ba Lan cũng sẵn sàng nhượng lại 3 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Dự kiến lô thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được phía Ba Lan chuyển sang Việt Nam trong đầu tháng 9. Đây là kết quả đàm phán của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan của hai nước, nỗ lực vận động của đại sứ quán hai nước, cũng như sự hỗ trợ tích cực của bạn bè Ba Lan yêu mến Việt Nam (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Quân đội – bức tường thành chống dịch
Nhiều ngày qua, hàng ngàn bộ đội từ nhiều đơn vị trên mọi miền Tổ quốc được điều động về TP.HCM sát cánh cùng đồng đội chống dịch, cùng chính quyền chăm lo đời sống người dân.
Trung sĩ Nguyễn Minh Mẫn – sư đoàn 5, Quân khu 7 – nói rằng bộ đội luôn nêu cao tinh thần “quân nhân là bức tường thành chống dịch, chỗ dựa vững chắc cho nhân dân yên tâm vượt qua đại dịch”.
Nếu đất nước còn dịch, mình cũng không yên tâm công tác. Việc chống “giặc” không hình, không mùi, không vị như “giặc COVID-19” là rất khó khăn nhưng không vì thế mà không chiến đấu.
“Tìm tới dân trước khi dân tìm chúng tôi”
Ngày 23-8, ông Trần Quốc Hưng – chủ tịch UBND phường Linh Trung (TP Thủ Đức) – cho biết phường vừa tiếp nhận 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, Quân khu 7 được tăng cường về địa phương hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch, giúp dân.
Vừa tới địa bàn, ngay trong sáng 23-8, các bộ đội phối hợp chính quyền địa phương trao hàng trăm phần quà, nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, nước tương, sữa, đường, gạo… đến tận tay người dân gặp khó khăn để vượt qua đại dịch.
Cầm trên tay bịch nhu yếu phẩm và tiền được địa phương và bộ đội hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Liên (trọ trên địa bàn) mừng rỡ. Chị Liên cho biết từ quê Quảng Nam vào TP làm công nhân may, dịch ập đến nên thất nghiệp và mắc kẹt lại TP.
“Dịch khó khăn, phòng trọ có 4 người thất nghiệp, không có thu nhập. Tôi có gọi đường dây nóng của phường nhờ hỗ trợ. May mắn, phường cùng các chú bộ đội nhanh chóng mang nhu yếu phẩm xuống cho, tôi mừng lắm” – chị Liên bày tỏ.
Trung sĩ Nguyễn Minh Mẫn cho biết bộ đội được phân công nhiệm vụ vận động, tuyên truyền cho người dân về các chỉ thị, quy định phòng chống dịch của TP. Bên cạnh đó, tổ cũng hỗ trợ chăm sóc, thăm khám các F0 nhẹ điều trị tại nhà và các bệnh thông thường.
Trong những ngày tới, bộ đội sẽ được địa phương phân chia ra làm nhiều tổ nhỏ để đảm trách các nhiệm vụ như trực chốt kiểm dịch trên địa bàn phường, hỗ trợ phát lương thực cho người dân, đi chợ giúp dân…
“Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, điều hành của địa phương. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận và cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Luôn trong tinh thần sẵn sàng hỗ trợ bà con nhân dân, tìm tới dân trước khi dân tìm tới chúng tôi” – trung sĩ Mẫn bày tỏ quyết tâm.
Quân y hướng dẫn người dân test nhanh tại nhà
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cùng ngày tại chung cư Long Mỹ (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) từ trưa 23-8, một bác sĩ và hai học viên Học viện Quân y phối hợp Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh trực tiếp hướng dẫn từng nhóm (khoảng 15 người) đại diện các hộ dân.
Các chiến sĩ Học viện Quân y tận tình hướng dẫn từng bước lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và lưu ý những sai lầm thường mắc như tổng thời gian lấy mẫu không quá 3 phút, đầu tăm bông tuyệt đối không được chạm bất kỳ vật gì khác…
BS.CKII Đỗ Đăng Ngân (hệ sau ĐH, Học viện Quân y) cho biết xét nghiệm nhanh tại nhà giúp đẩy nhanh số lượng mẫu được lấy tại những nơi có dân cư đông, đồng thời giúp sàng lọc, truy tìm những người có nguy cơ mắc COVID-19.
Trong trường hợp mẫu gộp nhanh dương tính, đại diện hộ gia đình sẽ báo ban quản lý chung cư hay nhân viên y tế địa phương để thực hiện xét nghiệm từng mẫu đơn trong mẫu gộp này. Mẫu đơn nào có kết quả dương tính sẽ tiếp tục làm xét nghiệm RT-PCR.
“Việc làm này là để bảo vệ sức của mình, mọi người cố gắng phát huy trách nhiệm. Nếu bỏ sót 1 – 2 hộ thì tất cả những việc làm ở đây đều vô nghĩa” – bác sĩ Ngân nhắn nhủ người dân khi hướng dẫn test nhanh tại nhà.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng một số thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp đến một số điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại TP Thủ Đức để hướng dẫn người dân tự làm test nhanh tại nhà.
Trực tiếp đến các điểm xét nghiệm COVID-19 và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, Thứ trưởng Sơn cho biết việc để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh sẽ giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để bóc tách, khoanh vùng và dập dịch. Đồng thời giảm tải công việc cho ngành y tế trước áp lực xét nghiệm diện rộng (Tuổi trẻ, trang 4).
Trạm y tế lưu động: Kênh chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà toàn diện
Kịp thời, chu đáo và hiệu quả là những nhận xét của người dân mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà trên địa bàn TPHCM sau khi được nhân viên y tế của các trạm y tế (TYT) lưu động chăm sóc, theo dõi sức khỏe. Dù mới triển khai nhưng mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực và hứa hẹn là kênh chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà toàn diện.
Hỗ trợ kịp thời
9 giờ sáng 23-8, sau khi nhận được điện thoại của một gia đình có 4 người mắc Covid-19 (F0) tại địa chỉ 183F/27-29 Tôn Thất Thuyết có dấu hiệu trở nặng, bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng TYT lưu động phường 4, quận 4 cùng một điều dưỡng tức tốc lên đường. Đến nơi, bệnh nhân là một bé trai 15 tuổi đang có dấu hiệu chóng mặt, khó thở.
Sau khi xử lý, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bác sĩ Tuấn Anh đã cấp thuốc, hướng dẫn người nhà tự theo dõi, điều trị tại nhà; đồng thời không quên căn dặn gọi điện thoại ngay khi sức khỏe bệnh nhân có dấu hiệu bất thường.
Anh N.V.Q. (bố của bệnh nhi) cho biết: “Lúc có kết quả dương tính, tất cả chúng tôi đều lo lắng, nhưng may mắn là cả nhà đều không có triệu chứng nghiêm trọng nên được cách ly tại nhà”. Sau đó, gia đình anh Q. được nhân viên y tế của TYT phường 4 xuống tận nơi hướng dẫn cách theo dõi, tự điều trị tại nhà và cung cấp các số điện thoại liên lạc cần thiết nếu có tình huống trở nặng.
Gia đình anh Q. là một trong 106 trường hợp F0 trên địa bàn phường 4, quận 4 điều trị tại nhà. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, TYT lưu động phường 4 hiện có 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng, được trang bị 4 máy tạo oxy, giường và bình oxy để hỗ trợ bệnh nhân khó thở. Hàng ngày, toàn bộ nhân sự của TYT sẽ thay phiên nhau đến từng nhà F0 để hướng dẫn, theo dõi diễn biến sức khỏe của người bệnh.
Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ thêm của 2 bác sĩ từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) nên việc thăm khám, theo dõi cho các F0 tại nhà cũng thuận tiện hơn. Đơn vị này cũng bố trí lực lượng 24/24 giờ, chỉ cần nhận được điện thoại có F0 trở nặng là sẽ lập tức lên đường để xử lý. Có mặt nhận nhiệm vụ tại TYT phường 4, Thượng úy Lê Tuấn Anh, K40, Học viện Quân y, chia sẻ, chiều 22-8 nhận nhiệm vụ thì rạng sáng 23-8, anh cùng các đồng đội đã phải xử trí trường hợp bệnh nhân chuyển biến nặng đầu tiên.
Lập gần 400 TYT lưu động
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay với số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, F0 phải điều trị tại nhà nhiều thì việc thành lập các TYT lưu động là vô cùng cần thiết. TYT lưu động có 2 chức năng chính là quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh TYT có sẵn) và quản lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà.
“Mô hình này sẽ giúp chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà tốt hơn. Mỗi phường, xã đều phải lập một TYT lưu động, mỗi trạm quản lý 50-100 F0. Trường hợp số F0 lớn hơn, có thể tăng thêm trạm. Các F0 đều có số liên lạc của bác sĩ, điều dưỡng và được hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc yếu tố nguy cơ, được thăm khám trực tiếp tại nhà. Dự kiến, TPHCM sẽ lập gần 400 TYT lưu động với nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho trên 180.000 ca F0 tại nhà”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
Trước đó, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc xây dựng kế hoạch triển khai các TYT lưu động. Theo đó, mỗi. Mỗi TYT lưu động phải bố trí 1 phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chính, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy, trang thiết bị… và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.
Sở Y tế cũng yêu cầu mỗi TYT lưu động cần trang bị tối thiểu 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo Sp02, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, test kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. Ngoài ra, phải trang bị đủ túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác (Sài Gòn giải phóng, trang 4; Tuổi trẻ, trang 3).
Chờ vắc xin nội được cấp phép lưu hành
Mới đây, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia (Bộ Y tế) đã nhóm họp phiên đầu tiên để đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a của vắc xin Nano Covax. Đây là cuộc họp được đánh giá rất quan trọng, quyết định việc có sớm cấp phép cho loại vắc xin này hay không.
Thông tin ban đầu cho biết vắc xin Nano Covax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (gọi tắt Nanogen) đạt yêu cầu về độ an toàn, tính sinh miễn dịch cũng có kết quả khá tốt.
Tuy vậy, hội đồng này đang yêu cầu nhóm nghiên cứu bổ sung thêm một số dữ liệu để hoàn thiện trước khi có kết luận.
Chờ kết quả từ hội đồng y đức
Một thành viên của Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc, vắc xin (Bộ Y tế) cho biết trong vòng 3 ngày kể từ khi Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia gửi kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng của vắc xin và nhà sản xuất nộp đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ họp xem xét và đệ trình Bộ Y tế cấp phép lưu hành khẩn cấp vắc xin với điều kiện hồ sơ đạt các yêu cầu.
Trước đó, ngày 19-8, Bộ Y tế có hướng dẫn mới cho phép vắc xin sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn, hiệu quả bảo vệ (thông qua tính sinh miễn dịch).
Theo đó có thể xem xét cấp phép có điều kiện, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng lấy ý kiến tư vấn của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tham khảo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Với hướng dẫn này, 3 loại vắc xin gồm Nano Covax, Covivac (vắc xin nội địa) và Arct-154 (vắc xin Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ) có cơ hội được cấp phép khẩn cấp sớm hơn so với điều kiện thông thường.
Và trong 3 vắc xin này, Nano Covax được đánh giá có tiến độ nhanh nhất và đang tiến hành bước đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3a. Nếu suôn sẻ, Nano Covax sẽ là vắc xin đầu tiên có thể áp dụng quy định mới về đăng ký vắc xin trong điều kiện khẩn cấp.
Hiệu lực bảo vệ 90%?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ ngày 5-8 Nanogen đã có văn bản báo cáo cập nhật kết quả nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Nano Covax.
Theo đó, dựa trên kết quả đánh giá sinh miễn dịch của nhóm tiêm vắc xin Nano Covax và nhóm hồi phục (convalescent), Nanogen cho biết nồng độ kháng thể trung hòa của nhóm tiêm Nano Covax cao hơn gấp 2 lần so với nhóm hồi phục, từ đó ước lượng hiệu quả bảo vệ là 90% (áp dụng mô hình dự báo của Khoury 2021).
Ngoài ra, hàm lượng Anti-S IgG (kháng thể) sau 3 tháng tiêm vắc xin Nano Covax vẫn còn cao hơn so với hàm lượng kháng thể của nhóm phục hồi.
Bên cạnh đó, khi so sánh kết quả xét nghiệm miễn dịch trên nhóm mắc COVID-19 đã hồi phục do nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP.HCM thực hiện với kết quả miễn dịch sau tiêm vắc xin Nano Covax, cũng như so sánh kết quả miễn dịch của một số vắc xin khác đã được công bố… cho thấy vắc xin Nano Covax có hiệu quả tốt trong việc phòng chống COVID-19.
“Đây là bằng chứng khoa học được đưa vào báo cáo nghiên cứu giữa kỳ của vắc xin Nano Covax. Đơn vị mong Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức xem xét để có cơ sở cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax” – báo cáo của Nanogen nêu.
Trước đó kết quả thử nghiệm trên 1.000 người (giai đoạn 3a) cũng cho thấy 100% đối tượng được tiêm vắc xin Nano Covax có kháng thể trung hòa (đây là kháng thể cho thấy độ đặc hiệu chống lại virus) trên ngưỡng 30%; 99,2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể loại IgG chống lại protein S (đây là cấu trúc chính của virus COVID-19) gấp 4 lần so với nền.
Năng lực sản xuất: có vắc xin ngay khi cấp phép?
Nanogen nhiều lần công bố trong năm 2021 có thể cung cấp 100 triệu liều vắcxin Nano Covax, năm 2022 là 200 triệu liều.
Như thông lệ trước khi sản phẩm được đăng ký lưu hành, nhà sản xuất đã sản xuất sẵn một số lô vắc xin, chờ khi có giấy phép thì kiểm định và đưa vắc xin vào tiêm chủng. Với cách làm này, ngay sau khi vắc xin được đăng ký lưu hành sẽ có vắc xin phục vụ tiêm chủng.
Đến nay đã có một số tỉnh thành có đề xuất sử dụng Nano Covax cho tiêm chủng tại địa phương, trong đó có Hà Nam, Khánh Hòa, Bình Dương…
Bộ Y tế cho biết trong 2 tháng (8 và 9) sẽ có khoảng 20 triệu liều vắc xin về Việt Nam, cao hơn so với dự báo trước đây là 12,3 triệu liều. Tuy nhiên, con số này vẫn như “muối bỏ biển” bởi nhu cầu tiêm chủng của Việt Nam đến tháng 6-2022 là 170 triệu liều.
Theo ước tính, hiện tổng số vắc xin tiêm chủng chưa đầy 20 triệu liều, do đó mỗi tháng từ nay đến tháng 6-2022 Việt Nam phải có 15 triệu liều vắc xin. Và để sớm quay trở lại hoạt động bình thường càng cần vắc xin nhiều và nhanh hơn.
Chính vì vậy, vắc xin nội nếu có thể ra mắt kịp thời sẽ là “cứu cánh” cho tiêm chủng, đặc biệt tại các tỉnh thành đang có dịch diễn biến phức tạp như TP.HCM và Bình Dương.
Giữa năm 2020, khi 4 nhà sản xuất Việt Nam bắt tay vào phát triển vắc xin ngừa COVID-19 nội, ít ai nghĩ được rằng sau hơn 1 năm, vắc xin nội đang đi những chặng đường cuối trước khi ra thị trường và tham gia chống dịch.
Chưa kể đây là cơ hội để xuất khẩu sản phẩm vắc xin công nghệ cao cho Việt Nam, khi Việt Nam là 1 trong số chưa đầy 50 quốc gia trên thế giới được đánh giá là có ngành công nghiệp sản xuất vắc xin và có đủ điều kiện để xuất khẩu vắc xin. Cơ hội thật sự cho vắc xin Việt, tại sao không? (Tuổi trẻ, trang 18).
Ngọc Nga tổng hợp