Bệnh nhân cuối cùng xuất viện, Đà Nẵng ‘sạch’ COVID-19
Sáng 23/9, bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của Đà Nẵng được Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cho xuất viện sau hơn 1 tháng chữa trị.
19 lần xét nghiệm dương tính
Bệnh nhân 936 xuất viện trong niềm vui mừng của cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Bệnh nhân 56 tuổi, trú ở quận Hải Châu trước đó cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng liên quan đến bệnh lý tim mạch. Ngày 15/8, ông có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 và được chuyển lên bệnh viện dã chiến Hoà Vang để cách ly và chữa trị. Ông cũng là bệnh nhân rất đặc biệt trong số 258 bệnh nhân chữa trị tại Bệnh viện dã chiến này, bởi thời gian chữa trị kéo dài (1 tháng 6 ngày) trải qua 19 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 với kết quả liên tục thay đổi.
Được xuất viện, bệnh nhân 936 chia sẻ, tối 22/9, kết quả xét nghiệm lần 3 âm tính với virus SARS-CoV-2 từ CDC Đà Nẵng báo về, lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua, ông mới ngủ một giấc ngon lành. Bác sĩ Đặng Công Quýt, Phó trưởng Khoa Nội, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, người trực tiếp theo dõi và chữa trị cho bệnh nhân 936, cho biết: Bệnh nhân cuối cùng xuất viện, anh em thở phào nhẹ nhõm vì vơi đi bao nhiêu áp lực trong chữa trị và phòng chống lây nhiễm.
Ðà Nẵng có chiến lược kịp thời
Trực tiếp trao hoa chúc mừng cho bệnh nhân cuối cùng mắc COVID-19 ra viện, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng hết sức vui mừng vì cuối cùng sau bao nỗ lực cố gắng, Đà Nẵng đã chữa trị thành công đến ca bệnh cuối.
Nữ chỉ huy ngành Y Đà Nẵng kể: Chiều 23/7, Sở nhận tin về bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch thứ 2 mắc COVID-19 ở Bệnh viện C. Đến nay, tròn 2 tháng bệnh nhân cuối cùng đã chữa trị thành công, cả ngành y tế, cả thành phố đều rất vui mừng. “Trong 2 tháng qua, không riêng gì ngành y tế thành phố mà cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước đã đóng góp cho thành công này”, bà Yến cho biết.
Theo bà Yến, có kết quả điều trị thành công COVID-19, Đà Nẵng “sạch” COVID-19 là sự nỗ lực, tập hợp của việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Riêng nguồn nhân lực thành phố nhận rất nhiều sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện lớn và các địa phương trong cả nước. Tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang tuy là cơ sở y tế tuyến huyện nhưng rất nhiều nhân viên y tế, chuyên gia giỏi của thành phố và các nơi khác về đây để cùng chung sức, chung lòng, với mục tiêu, kiểm soát được dịch bệnh, bệnh nhân dương tính phải chữa trị khỏi.
“Chúng tôi rất buồn vì các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền rất nặng. Dù cả ngành Y tế đã nỗ lực hết sức, nhưng họ đã không thể qua khỏi”, bà Yến nói.
Riêng trường hợp bệnh nhân 936 với 19 lần dương tính, bà Yến cho biết: Mỗi lần theo dõi biểu đồ điều trị, xét nghiệm của bệnh nhân này đều thật sự cảm thấy “rất khủng khiếp”. Tuy nhiên, tất cả đã thở phào khi bệnh nhân đã hết virus và có thể xuất viện.
Sau khi bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ra viện, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang sẽ phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên. Các bác sĩ chia ca đi cách ly tập trung 14 ngày, trước khi đoàn viên với gia đình và khám chữa bệnh trở lại. Ngành y tế Đà Nẵng vẫn giữ lại khu vực điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Hòa Vang, mỗi nơi 50 giường bệnh, để sẵn sàng tiếp nhận nếu phát hiện ca nhiễm mới (Tiền phong, trang 10).
‘Phù phép’ chất thải y tế: quá nguy hiểm
Sự việc có tới 324.000 bao cao su (tương đương 360kg) đã qua sử dụng được phát hiện khi đang tái chế tại Bình Dương và trước đó là nhiều vụ ‘tích trữ’ găng tay, khẩu trang đã qua sử dụng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Và dư luận đặt nghi vấn về lỗ hổng trong quản lý rác thải y tế. Thay vì tiêu hủy theo quy định, không hiểu bằng con đường nào, những loại rác thải với nguy cơ lây nhiễm cao lại được tuồn ra ngoài…
Bao cao su từ đâu ra?
Ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), chia sẻ ông rất băn khoăn về nguồn gốc lô bao cao su được cho là đã qua sử dụng và được tái chế mà cơ quan chức năng mới phát hiện gần đây.
Theo ông Tú, có thể lô hàng này là hàng hết hạn, lỗi, hỏng là chính, bởi giá bao cao su hiện nay trên thị trường rất rẻ. Chương trình hỗ trợ giảm sinh tại các vùng nghèo thì sử dụng bao cao su tiếp thị xã hội, chỉ mấy trăm đồng/chiếc.
“Tôi cho rằng với giá thành này, sản phẩm làm thủ công (thu gom rồi tái chế) giá còn cao hơn, bởi sản phẩm thủ công khó có thể tránh dầu bôi trơn đều như bao cao su sản xuất tại nhà máy” – ông Tú chia sẻ.
Trong khi đó, một bác sĩ lâu năm trong lĩnh vực sản phụ khoa ở TP.HCM nói rất có thể được tuồn ra từ cơ sở y tế. Theo vị bác sĩ này, trong lĩnh vực sản khoa, bao cao su thường được dùng để bọc đầu dò siêu âm ngả âm đạo, ở một số bệnh viện sản khoa lớn thường được trang bị rất nhiều máy siêu âm, mỗi máy có thể siêu âm trên 100 bệnh nhân/ngày. “Do đó con số bao cao su đã qua sử dụng rất lớn” – vị bác sĩ khẳng định.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đặt vấn đề với các loại bao cao su dùng để khám trong sản khoa thường bị giãn ra rất rộng, không hiểu các đối tượng này dùng “thủ thuật” gì để có thể tái chế và sử dụng được!? Tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Tuyết cho biết quy trình quản lý, phân loại rác thải y tế rất nghiêm ngặt. Theo đó, với các loại rác thải y tế như bao cao su, găng tay, khẩu trang… sau khi sử dụng đều được phân loại đầu nguồn, giao nhận, ký tên và được công ty vệ sinh môi trường (có ký hợp đồng) đến thu gom tiêu hủy định kỳ, có ngày vận chuyển đến 2 lần các loại rác thải y tế.
“Tính sơ sơ một ngày bệnh viện có thể sử dụng trên 1.300 bao cao su để khám hoặc bọc đầu dò siêu âm ngả âm đạo” – bác sĩ Tuyết nói.
Bác sĩ Tuyết cho rằng trong các bệnh viện đều có quy trình quản lý rác thải đầu nguồn nghiêm ngặt nên khả năng không dễ xảy ra tình trạng tuồn rác thải ra ngoài tái chế. Do đó, hiện tượng này có thể xảy ra ở khâu trung gian trong quá trình vận chuyển, tiêu hủy (!?).
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cũng cho biết mỗi ngày bệnh viện có một lượng rác thải y tế khổng lồ cần tiêu hủy và khẳng định đơn vị có ký hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường để chịu trách nhiệm xử lý. “Bệnh viện chỉ có trách nhiệm phân loại theo đúng quy định, còn khi ra khỏi cổng bệnh viện đơn vị không thể kiểm soát được rác đi đâu, về đâu” – bác sĩ Thức nói.
Găng tay, khẩu trang qua sử dụng cũng tràn lan
Ngoài bao cao su, găng tay và khẩu trang là hai sản phẩm thường dùng với nhân viên y tế và trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều kho găng tay, khẩu trang “khủng” đã qua sử dụng ở nhiều nơi trên toàn quốc.
Liên quan đến nghề nghiệp, bác sĩ Tuyết cho biết khám bệnh thường không tiêu hao găng tay nhiều bằng khâu thủ thuật và mổ. Ở khu vực phòng khám, nội trú phòng bệnh bình thường một ngày hai cái khẩu trang, còn ở phòng mổ mỗi ca đều phải thay một cái chứ không thể đeo từ ca này qua ca kia được.
Giám đốc một bệnh viện đa khoa ở TP.HCM khẳng định găng tay, khẩu trang là hai vật “bất ly thân”, được nhân viên y tế sử dụng thường xuyên với số lượng rất lớn trong các bệnh viện. Ông dẫn chứng như trong phòng hồi sức hay ở các khoa bệnh nặng, bác sĩ khám bệnh ở nhiều thời điểm và mỗi lần như thế đều phải đeo khẩu trang, thay một cặp găng tay để kiểm soát nhiễm khuẩn.
“Một ngày với một bác sĩ khám cẩn thận, đúng quy trình thì việc sử dụng 20 cặp găng tay là chuyện bình thường” – vị này thông tin. Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, phần lớn các vụ găng tay tái chế được các cá nhân tham gia mua bán khai nhận gom từ nguồn trôi nổi. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, khả năng cao nguồn hàng này được gom chủ yếu từ các khu công nghiệp (đòi hỏi công nhân sử dụng găng tay) và các cơ sở y tế.
“Nhiều khu công nghiệp có hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân nên lượng găng tay y tế đã qua sử dụng hằng ngày rất lớn, và do thải loại dưới dạng rác thải nên các đường dây dễ dàng móc nối để vận chuyển đi tái chế” – đại diện cơ quan này nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Trần Văn Tùng – cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương – cũng cho rằng khả năng cao găng tay y tế đã qua sử dụng được gom từ các khu công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, điểm chung các vụ án là được phát hiện phần lớn tại các kho, điểm tập kết ít người qua lại, móc nối với nhiều đối tượng, tổ chức để gom hàng, gia công và tiêu thụ nên không dễ triệt phá cả đường dây.
Trong khi đó, dù một số vụ án, cá nhân bị khởi tố do sản xuất, tái chế khẩu trang, găng tay kém chất lượng nhưng đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng vẫn còn nhiều vụ hiện nay mới chỉ “chặt” được phần ngọn. Đặc biệt, những vụ án móc nối với nhiều đối tượng để thu gom và tiêu thụ với quy mô lớn, thậm chí liên tỉnh.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Theo quy định hiện hành (ban hành năm 2015) về quản lý chất thải y tế, chất thải y tế được chia làm hai nhóm: chất thải nguy hại là các vật dính máu hoặc dịch sinh học của cơ thể, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải giải phẫu…
Ngoài ra còn có chất thải không lây nhiễm nhưng cũng có độ nguy hại cao, như thiết bị y tế đã sử dụng có chứa thủy ngân và các kim loại nặng, dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm có gây độc tế bào, hóa chất thải bỏ có thành phần nguy hại. Hai loại chất thải này có quy trình xử lý riêng, chặt chẽ, thu gom và lưu giữ tại nơi đủ điều kiện trước khi chuyển về cơ sở xử lý đúng quy định.
Với chất thải y tế thông thường, là chất thải phát sinh từ sinh hoạt tại bệnh viện, chất thải lỏng không nguy hại được thu gom riêng. Nếu xét theo quy định vật có dính máu hoặc dịch sinh học thì bao cao su, găng tay, khẩu trang y tế thuộc nhóm chất thải nguy hại và yêu cầu xử lý chặt chẽ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho hay do tác động của dịch bệnh, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế tăng cao.
Trong khi đó, nguồn cung hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng chống dịch bệnh. Lợi dụng cơ hội này, một số nhóm đối tượng đã thu gom, tái chế găng tay, khẩu trang đã qua sử dụng, sau đó “phù phép” như mới để quay lại thị trường. Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo vì tính chất, mức độ nguy hiểm, tác động đến an toàn sức khỏe con người (Tuổi trẻ, trang 2).
Tái chế bao cao su đã sử dụng: công an sẽ truy nguồn gốc
Theo Đội quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, sau khi lô bao cao su được phát hiện, cơ quan chức năng đang xác minh danh tính người đàn ông đã thu gom bao cao su rồi thuê người tái chế. Bước đầu, thông tin được bà Phạm Thị Thanh Ngọc (33 tuổi, quê Nghệ An, là người được thuê) cho biết người đàn ông thuê bà Ngọc tên là T., ngụ tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng gọi điện vào số điện thoại của ông T. nói trên thì không liên lạc được.
Hiện nay, bà Ngọc cũng đã không còn ở trọ tại khu nhà trọ phát hiện vụ việc. Vì vậy, lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 4 cho biết sẽ báo cáo cấp trên và có thể phải nhờ tới sự vào cuộc của công an để xác định danh tính những người liên quan và nguồn gốc lô bao cao su đã qua sử dụng nói trên. Trước mắt, các lô bao cao su này đã được niêm phong để chờ xử lý theo quy định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-9, đại diện Công an thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết cũng mới biết sự việc thông qua báo chí. Trường hợp nhận thấy có dấu hiệu hình sự hoặc được đề nghị phối hợp từ cơ quan quản lý thị trường, công an sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Trong khi đó, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết cũng chưa nhận được thông tin nào từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đề nghị phối hợp xử lý đối với vụ việc hàng trăm ngàn bao cao su đã qua sử dụng bị tái chế nói trên.
Ông Trần Văn Tùng – cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay chưa chuyển hồ sơ sang công an do cơ quan quản lý thị trường vẫn đang tiếp tục làm rõ xem vụ việc ở mức xử lý hành chính hay có dấu hiệu vi phạm hình sự. Đây là lần đầu tiên phát hiện trường hợp tái chế bao cao su đã qua sử dụng nên cơ quan chức năng cũng cần xác định rõ quy định pháp luật đối với trường hợp này. Ngoài việc xử lý về lô hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ, còn cần phải xem xét tới việc tái chế bao cao su như vậy có nguy cơ truyền nhiễm bệnh tật như thế nào.
Về thông tin bà Ngọc (người bị phát hiện đang tái chế lô hàng) và ông T. (được bà Ngọc khai là người mang bao cao su tới thuê bà tái chế) hiện đã không có mặt tại nơi phát hiện vụ việc, ông Tùng cho biết cơ quan quản lý thị trường sẽ tiếp tục có biện pháp để làm rõ và xử lý (Tuổi trẻ, trang 2).
Nỗ lực để 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế
TPHCM có gần 1.200 trường học với hơn 1,8 triệu HS-SV. Bước vào năm học 2020-2021, TPHCM vẫn còn khoảng 97.000 HS-SV chưa tham gia BHYT (khoảng 5% tổng số học HS-SV). Việc vận động các bậc phụ huynh tham gia BHYT cho con em được triển khai ngay từ đầu năm học tại các trường.
Tặng thẻ BHYT cho học sinh khó khăn
Tại Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2), cô Trần Thị Ngọc Diễm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, trường đã nâng cấp phòng y tế, mua sắm thuốc men, dụng cụ để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho học sinh. Với trường hợp khó khăn, nhà trường vận động mạnh thường quân, xây dựng quỹ xã hội hóa mua thẻ BHYT tặng các em.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận 2) Đặng Quang Trung cho biết, một số học sinh dự định không tham gia BHYT. Bởi gia đình cho rằng đã mua bảo hiểm thương mại nên không cần BHYT nữa; hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngại mua thẻ. Những gia đình định thay thế BHYT bằng bảo hiểm thương mại, nhà trường trao đổi rõ. Cụ thể, việc HS-SV tham gia BHYT là tuân thủ quy định của pháp luật (thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT). Điều này nhằm chăm sóc sức khỏe cho bản thân và mang tính chia sẻ, nhân văn với cộng đồng.
“Các em năng động, giờ ra chơi, ngoại khóa thường chạy nhảy, có khi vô ý té ngã, rồi ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Chi phí khám chữa bệnh có khi lên tới vài chục triệu đồng. Nhà giàu có khi còn “khóc”, huống chi nhà có hoàn cảnh khó khăn. Nếu có thẻ BHYT thì chi phí khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả, rủi ro về kinh tế sẽ vơi bớt nhiều phần”, ông Đặng Quang Trung nhìn nhận. Tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho hay, quận có lượng người nhập cư gia tăng hàng năm. Trong đó, nhiều học sinh là con em của những cư dân mới đến sinh sống có hoàn cảnh khó khăn, việc thụ hưởng một số chính sách còn hạn chế vì không có hộ khẩu. Phòng đã đề nghị các trường thực hiện tốt BHYT, giúp đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, quận có 12 trường có học sinh đã tham gia BHYT 100%. Còn một số trường có tỷ lệ chưa tốt, ở mức 94%, phòng đề nghị phải tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Nếu không đạt 100% như chỉ tiêu thì ít nhất cũng cần đạt 98%-99% học sinh có thẻ BHYT. Càng trân trọng khi Quỹ từ thiện Tâm nguyện Việt đã tặng gần 600 thẻ BHYT trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.
Tiền mua BHYT không đáng so với tiền điều trị
Là người có thâm niên hơn 10 năm chuyên trợ giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận xét, BHYT đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người bệnh. Đặc biệt, người tham gia BHYT 5 năm liên tục thì sẽ được hưởng 100% nếu đã đồng chi trả 6 tháng lương cơ sở (hiện là 1,49 triệu đồng/tháng).
Mới đây, Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị một thầy giáo bị gãy chân. Người này mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh nên mất nhiều máu, rơi vào nguy kịch. Thuốc trị bệnh này rất đắt và toàn bộ chi phí điều trị 11 tỷ đồng đã được quỹ BHYT chi trả.
“Có trường hợp điều trị phải tốn kém cả chục, cả trăm triệu, thậm chỉ cả tỷ đồng. Tiền mua thẻ BHYT chỉ hơn 800.000 đồng, so với mức chi phí điều trị ở bệnh viện thì không đáng bao nhiêu. Vì thế, thẻ BHYT rất cần cho mỗi người để bảo vệ bản thân. Nếu không xài tức là may mắn sức khỏe tốt; còn nếu xài thì có quỹ BHYT chi trả, tránh rơi vào rủi ro kép – vừa đau ốm, vừa tốn tiền”, ông Lê Minh Hiển chia sẻ.
Với 97.000 HS-SV chưa có thẻ BHYT, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, BHXH TPHCM đang phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM nâng cao tỷ lệ HS-SV tham gia BHYT. BHXH TPHCM cũng đôn đốc các khâu tiếp nhận hồ sơ tham gia, thẩm định, xử lý dữ liệu và cấp thẻ đảm bảo kịp thời, đúng quy định; phối hợp với nhà trường cấp thẻ học sinh cho các em dưới 14 tuổi, chưa được cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM đưa chỉ tiêu tham gia BHYT HS-SV là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của trường học. Sở phấn đấu đến hết năm học 2020-2021, đạt 100% HS-SV tham gia BHYT (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Bệnh viện Chợ Rẫy kết nối tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với hơn 300 điểm cầu
Sáng 23-9, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. Đây là một trong những hoạt động thuộc đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025 của Bộ Y tế.
Theo BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, để thực hiện đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025 của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, với sự tham gia của hơn 300 điểm cầu nối trực tuyến.
Với công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại, hệ thống này là một trong những giải pháp tối ưu không chỉ lưu trữ và bảo mật các thông tin cá nhân của người bệnh mà còn giúp các bác sĩ có thể hội chẩn và đưa ra hướng điều trị ngay trên hệ thống.
Theo BS Nguyễn Tri Thức, hiện mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy khám và điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân nội và ngoại trú, đặc biệt trong đó có rất nhiều bệnh nhân nặng được chuyển lên từ các tuyến.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, có hơn 26.500 bệnh nhân từ các tỉnh thành được chuyển đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Bên cạnh nguy cơ mất an toàn do bệnh lý trong quá trình vận chuyển, người bệnh còn có thể đối diện với rất nhiều khó khăn và tốn kém.
Việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như kịp thời được xử lý trong tình huống khẩn cấp, an toàn hiệu quả ngay ở tuyến dưới, tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị…
“Trung tâm này còn góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho các bệnh viện tuyến địa phương, gia tăng cơ hội cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các kỹ thuật, phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị”, BS Nguyễn Tri Thức cho hay.
Cũng ngay trong sáng 23-9, Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp hội chẩn cho 3 bệnh nhân tại 3 đầu cầu gồm Trung tâm Y tế quân dân y huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bệnh viện Đa khoa Cà Mau và Bệnh viện Đa khoa Bình Định (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Thêm một ca mắc Covid-19 lằ người nhập cảnh
Chiều tối 23-9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thông báo về việc ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19 là người nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam. Tuy nhiên, cả nước tiếp tục trải qua 21 ngày không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng.
Ca bệnh 1.069 (nữ, 18 tuổi, ở phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay VN0002 ngày 20-9, được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Hưng Yên. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hưng Yên và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 21 và 22-9 đều dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Như vậy tới chiều tối cùng ngày, Việt Nam đã có 1.069 người mắc Covid-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca. Tuy nhiên, cả nước tiếp tục trải qua 21 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 20.872 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 355 người. Về tình hình điều trị, trong ngày, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng tại Đà Nẵng đã được Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang công bố khỏi bệnh, đó là bệnh nhân thứ 936. Cùng với đó, 10 bệnh nhân Covid-19 tại một số tỉnh thành khác cũng đã được công bố khỏi bệnh. Đến nay, Việt Nam đã có 991 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh và 25 bệnh nhân Covid-19 đã âm tính với SARS-CoV-2. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 35 trường hợp (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Ngồi một chỗ, cứu bệnh nhân khắp nơi
Sáng 23/9, Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức đi vào hoạt động. Các bệnh viện được trang bị hệ thống thiết bị truyền hình trực tiếp chất lượng cao để qua đó, bác sĩ tuyến trên có thể xem phim chụp X-Quang, CT, MRI trên màn ảnh mà không cần phải đến tận nơi. Đồng thời, tìm hiểu tình trạng bệnh lý của người bệnh thông qua các bác sĩ ở tuyến dưới để hội chẩn tư vấn khám chữa cho bệnh nhân một cách hiệu quả nhất.
Ngay sau khi Trung tâm đi vào hoạt động, Ban giám đốc và các bác sĩ nhiều kinh nghiệm ở nhiều chuyên khoa thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy đã tham gia hội chẩn khám chữa bệnh từ xa cho một bệnh nhân 91 tuổi tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu). Các bác sĩ tại đây phát hiện bệnh nhân bị khối u đại tràng, cần được chuyển đến bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể đưa bệnh nhân đi xa. Cũng trong sáng 23/9, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia hội chẩn, tư vấn khám chữa từ xa cho hai bệnh nhân khác ở tỉnh Bình Định và Cà Mau.
BS.CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Chợ Rẫy được đưa vào hoạt động với sự tham gia của hơn 300 điểm cầu trực tuyến, nhằm kịp thời xử lý trong tình huống khẩn cấp. Theo bác sĩ Thức, việc hỗ trợ đọc phim cận lâm sàng (X-Quang, CT, MRI) vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán kịp thời từng ca bệnh. Bên cạnh đó, việc khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp bệnh nhân không phải di chuyển, tiết kiệm chi phí…
Nâng cao năng lực bệnh viện tuyến dưới
Theo bác sĩ Thức, ngoài chữa bệnh kịp thời cho bệnh nhân ở xa, việc khám chữa bệnh từ xa còn góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho các bệnh viện tuyến địa phương, gia tăng cơ hội cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các kỹ thuật, phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị.
Trước Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh viện khác ở TPHCM như Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM… cũng triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên hệ thống Telehealth. Nhiều ca bệnh phức tạp ở nhiều tỉnh thành phía Nam đã được các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn với các chuyên gia của các bệnh viện tuyến trung ương để có hướng điều trị nhanh nhất, tốt nhất cho bệnh nhân.
Đây là một trong những hoạt động thuộc Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế. Với việc thành lập các trung tâm hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, một bác sĩ tuyến trên, tuyến trung ương sẽ phụ trách hỗ trợ 4 bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 y-bác sĩ ở tuyến phường, xã, góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới (Tiền phong, trang 6).
Giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết, bạch hầu
Bộ Y tế dự báo từ nay đến cuối năm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), bạch hầu tiếp tục gia tăng, bùng phát tại cộng đồng. Để chủ động phòng, chống, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp ngành y tế tập trung giám sát, xử lý triệt để các
ổ dịch bệnh tại địa phương mình phụ trách.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 70 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có bảy người chết tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Ðịnh, Tây Ninh, Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2019, số người mắc giảm 64,8%, số người chết giảm 33 trường hợp. Riêng ba tuần trở lại đây, số mắc có xu hướng tăng cao và tăng nhanh, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh phía nam và miền trung. Ðối với bệnh bạch hầu, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 198 trường hợp dương tính (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng) tập trung tại khu vực Tây Nguyên, miền trung và miền nam. Riêng khu vực Tây Nguyên có 172 trường hợp, trong đó có bốn người chết tại các tỉnh Ðắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc tăng 157 trường hợp, số chết tăng một trường hợp…
Cục trưởng Y tế dự phòng, TS Ðặng Quang Tấn đánh giá, so với mọi năm, dịch SXH năm nay không có sự bất thường; tuýp lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 (chiếm 90%). Tỷ lệ nhóm tuổi mắc SXH tại khu vực phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, số mắc chủ yếu ở người lớn; song tại khu vực phía nam, tỷ lệ mắc có xu hướng tăng dần ở nhóm hơn 15 tuổi. Ðáng chú ý, kết quả kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại các địa phương do Bộ Y tế thực hiện cho thấy: Nguyên nhân gia tăng SXH do sự chủ quan, chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng; các chiến dịch diệt bọ gậy vẫn còn mang tính hình thức, nhất là không duy trì được lâu dài, bền vững. Tại không ít địa phương, kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, liên tục bị cắt giảm, hoặc cấp muộn và định mức chi cho công phun hóa chất rất thấp; phương tiện xử lý dịch như máy phun, hóa chất, vật tư còn thiếu so với nhu cầu thực tế; chế tài xử phạt chưa được áp dụng… Ðối với bệnh bạch hầu, nguyên nhân do các xã có ổ dịch chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắc-xin. Tại một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm, nhất là nhiều trường hợp mắc bệnh ở nhóm tuổi lớn, ở thời điểm chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được triển khai đầy đủ, còn có xã trắng về tiêm chủng. Trong khi đó, vắc-xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố, không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc-xin; đầu tư cho công tác phòng, chống dịch từ nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, hoặc cấp muộn, không bảo đảm đủ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh tại
cộng đồng…
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch, lồng ghép trong phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, sở y tế các địa phương; các đơn vị y tế đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; đồng thời tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết; tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, lưu ý đối với các người bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp chết. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo để phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học; phát hiện kịp thời trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, để thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị, xử lý ổ dịch kịp thời…
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu bằng việc tổ chức, hướng dẫn triển khai các chiến dịch tiêm vắc-xin. Các địa phương thống kê đối tượng tiêm chủng, bảo đảm không để sót đối tượng và sót mũi tiêm, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực đi lại khó khăn. Hỗ trợ các đơn vị điều trị tuyến tỉnh tổ chức thu dung, cách ly, điều trị người bệnh, phân tuyến điều trị; cung cấp đầy đủ, kịp thời vắc-xin và vật tư tiêm chủng cho công tác tiêm chủng mở rộng, kiểm tra, giám sát việc cấp phát, bảo quản, vận chuyển vắc-xin theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực công tác tiêm chủng cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, nhất là tại khu vực có dịch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền với ngôn ngữ phù hợp tại từng địa phương về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu và các nội dung khuyến cáo ngành y tế đưa ra (Nhân dân, trang 8).
Theo T5g.org.vn