Điểm báo ngày 25/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 25/10/2018

Phát triển y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình; Trước thông tin phản ánh “cò” bán máu lộng hành, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói gì?; BHXH tỉnh Bạc Liêu: Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH

 

Phát triển y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình

Trạm y tế xã là tuyến đầu, gần dân nhất và được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế. Với mô hình ở nước ta hiện nay đòi hỏi các trạm y tế phải thay đổi căn bản phương thức hoạt động để thực hiện sứ mệnh của mình. Sau nhiều nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đang định hướng trạm y tế tuyến xã sẽ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ).

Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ: Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở. Nghị quyết cũng đề ra một số chỉ tiêu quan trọng: Ðến năm 2025: Phấn đấu hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% số trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Ðến năm 2030: 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Theo Bộ Y tế, trạm y tế là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận dịch vụ y tế, do vậy mô hình trạm y tế theo nguyên lý YHGÐ là cần thiết, bởi hiện nay có đến 70% số dân sống ở nông thôn, trong đó có 10% là người cao tuổi. Mặt khác, hệ thống trạm y tế xã, phường đang được phủ rộng khắp cả nước. Do vậy, đây là thời điểm phát triển y tế cơ sở để tạo nên bước ngoặt lớn của ngành y tế. Ngoài quyết tâm cao, Bộ Y tế đang tập trung nhiều nguồn lực, tăng cường y tế cơ sở, trong đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã theo nguyên lý YHGÐ là nhiệm vụ trọng tâm.

Ðể tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế theo nguyên lý YHGÐ, các trạm y tế cần tích cực triển khai dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm, được bảo hiểm y tế thanh toán, ưu tiên cho quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã. Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, như: tiến hành kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho một số tỉnh, thành phố trong thực hiện quản lý bệnh mạn tính; hoàn thiện mô hình điểm 26 trạm y tế xã (tại tám tỉnh, thành phố) với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm thực hiện công tác khám, chữa bệnh, dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, kiểm soát nhiễm khuẩn…; xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tại các trạm y tế, trước mắt tập trung đào tạo về quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý YHGÐ; tập huấn về lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho các trạm y tế…

Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết: Cục đã tham mưu, trình Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho các chuyên khoa, chuyên ngành, trong đó có các hướng dẫn như chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán và điều trị đái tháo đường; quy trình lâm sàng chẩn đoán, điều trị đái tháo đường; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hướng dẫn phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm đã được ban hành tháng 6-2017 (bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, một số bệnh ung thư và rối loạn tâm thần)… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành cuốn Tài liệu chuyên môn hướng dẫn khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Ðây là tài liệu quan trọng cho các trạm áp dụng trong thực hành khám, chữa bệnh thông thường tại xã.

Song song với các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật, Bộ Y tế đang xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn việc phân bổ ngân sách y tế theo hướng ưu tiên cho y tế dự phòng cũng như cho hoạt động khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị y tế tuyến dưới triển khai thực hiện tốt Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18-10-2017 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, bao gồm 76 dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và 241 thuốc cung ứng tại trạm y tế xã để trạm có điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý một số bệnh không lây nhiễm nhằm thu hút người bệnh về tuyến y tế cơ sở.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng đang phối hợp các bộ, ngành sửa đổi quy định giao quỹ khám, chữa bệnh cho trạm y tế cao nhất bằng 20% quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú. Việc sửa đổi theo hướng cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ ký hợp đồng với Trung tâm y tế tuyến huyện để tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã. Việc bỏ quy định giao quỹ cho trạm y tế tuyến xã sẽ nâng mức chi trả chi phí khám, chữa bệnh tại đây, kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… Qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại tuyến cơ sở, giảm tình trạng người bệnh vượt tuyến, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Về lâu dài sẽ xây dựng cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới; đồng thời quy định các cơ sở y tế tuyến trên chỉ cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa thực hiện được.

Với những hướng đi đúng và cách thực hiện quyết liệt, Bộ Y tế hy vọng, khoảng sau mười năm, người dân sẽ tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở và đến khám, chữa bệnh, theo dõi bệnh tại các trạm y tế phường, xã nhiều hơn. (Nhân dân, trang 5)

 

Trước thông tin phản ánh “cò” bán máu lộng hành, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói gì?

Trước thông tin phản ánh về tình trạng “cò” bán máu lộng hành ngay cổng Bệnh viện Việt Đức, bán máu cho người bệnh với giá cắt cổ, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định bệnh viện không có chủ trương nào bắt người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật.

Theo phản ánh trên báo chí những ngày gần đây, lợi dụng tình trạng nhiều người bệnh vào mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức cần truyền máu gấp nhưng do khan hiếm máu, lại không có người nhà đến hiến máu kịp thời, một số “cò” máu đã môi giới để bán máu cho người nhà bệnh nhân với giá cắt cổ hàng triệu đồng/ 1 đơn vị máu…

Trước thực trạng này, ngày 18-10, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã có công văn 1291/KCB-QLCL&CĐT yêu cầu Bệnh viện Việt Đức kiểm tra, xử lý thông tin về những phản ánh liên quan đến hiện tượng ‘cò máu” kể trên.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, hôm qua, 23-10, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã có công văn trả lời thông tin báo chí phản ánh liên quan đến hiện tượng “cò” máu tại Bệnh viện này.

Theo đó, với đặc thù là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối của cả nước, năm 2017, số lượng ca mổ lên tới trên 65.000 ca, Bệnh viện Việt Đức luôn cần lượng máu rất lớn để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Vì thế, tại Bệnh viện Việt Đức có hẳn một Trung tâm truyền máu hiện đại, có thể thực hiện đồng thời các nhiệm vụ lấy, chiết tách các thành phần máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp máu, các chế phẩm máu…

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nguồn máu của bệnh viện đến từ 3 nguồn chính: tiếp nhận máu từ những người hiến máu trong cộng đồng, tiếp nhận máu từ Viện huyết học truyền máu Trung ương và tiếp nhận máu tại điểm hiến máu cố định trong bệnh viện bao gồm từ cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và từ người nhà bệnh nhân.

“Hàng ngày, Bệnh viện mổ trung bình 150 ca mổ phiên, khoảng trên 30 ca mổ cấp cứu, hầu hết cần truyền máu. Có những loại máu và thời điểm không đủ cung cấp từ các nguồn trên, bệnh viện vận động người nhà người bệnh, người dân và cả cán bộ y tế của bệnh viện hiến máu để truyền cho người bệnh. Đây là một nghĩa cử cao đẹp giúp cứu sống người bệnh, nhiều người nhà người bệnh sẵn sàng hiến máu” – GS.TS Trần Bình Giang cho biết.

Cũng trong công văn này, Bệnh viện Việt Đức khẳng định với Bộ Y tế 4 điểm: Tại bệnh viện, không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện; Bệnh viện không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật;

Đặc biệt, không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp “cò” máu, tất cả trường hợp “cò” máu khi bệnh viện phát hiện được đều đã tiến hành giao cho cơ quan Công an để xử lý theo pháp luật; Người nhà bệnh nhân nếu cho máu chỉ trong trường hợp cần nhóm máu hiếm đòi hỏi phải cùng huyết thống hoặc người nhà tình nguyện hiến máu khi nguồn cung không đủ. (An ninh thủ đô, trang 7; Tiền phong, trang 6)

 

BHXH tỉnh Bạc Liêu: Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH

Ngoài việc ký kết tuyên truyền với hàng loạt hội, đoàn, tổ chức chính trị và chính trị nghề nghiệp, BHXH tỉnh Bạc Liêu cũng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền.

Ông Lê Danh Đấu – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị 21-NQ/TW, BHXH tỉnh Bạc Liêu đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT.

BHXH tỉnh Bạc Liêu chủ động phối hợp với với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh, Sở Y tế, Sở LĐTBXH, LĐLĐ, Hội nông dân, Tỉnh đoàn… tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt, lồng ghép trong các hội nghị của các đơn vị. Tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tổ chức hội thi, hội diễn bằng hình thức sân khấu hóa nhằm tuyên truyền BHXH đến quần chúng nhân dân.

Riêng 9 tháng đầu năm 2018, BHXH tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 58 cuộc hội nghị, tập huấn, tọa đàm, đối thoại trực tiếp chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. BHXH cùng tham gia 14 cuộc tiếp xúc cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhằm kịp thời giải đáp các thắc mắc của cử tri về chính sách BHXH, BHYT đồng thời vận động người dân tích cực tham gia các loại bảo hiểm. BHXH tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan Sở LĐTBXH, các phương tiện truyền thông địa phương tuyên truyền về BHXH, BHYT.

Đồng thời, BHXH tỉnh đã tổ chức biên soạn và phát hành 100.000 tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình”; 12.000 tờ gấp, 2.000 poster “Những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh BHYT” cấp phát đến các cơ sở khám chữa bệnh, hộ gia đình và người dân thông qua hệ thống đại lý; in và phát hành 15.000 bìa hồ sơ tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT phát hành rộng rãi đến các đại biểu tại các buổi hội nghị, tập huấn. BHXH tỉnh Bạc Liêu cũng đã huy động lực lượng đoàn viên cơ quan tổ chức diễu hành, cổ động, tổ chức treo băng rôn, tranh cổ động, pano, áp phích tuyên truyền trên các trục đường chính. Bên cạnh đó phối hợp với các phương tiện truyền thông địa phương mở nhiều đợt tuyên truyền.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trốn nộp BHXH, BHYT, BHXH tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Cục thuế, Tòa án, Công an tỉnh thực hiện nắm chắc số lao động, tăng cường công tác thanh, kiểm tra kết hợp vận động, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Thời gian tới, BHXH tỉnh Bạc Liêu xác định tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và mọi người về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của việc chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. (Lao động, trang 4)

 

Hưng Yên: BHYT là “phao cứu sinh” cho bệnh nhân nghèo

Theo BHXH tỉnh Hưng Yên, Quỹ BHYT đã chi trả phí khám chữa bệnh (KCB) đối với bệnh nhân lớn nhất lên đến 2,497 tỉ đồng. Vì vậy, thẻ BHYT được xem như chiếc “phao cứu sinh” với những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân nghèo.

Nhiều ưu đãi cho người dân

Để tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhằm tăng nhanh tỉ lệ bao phủ BHYT, BHXH tỉnh Hưng Yên đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu.

Tính đến 30.9, trên toàn tỉnh Hưng Yên có 167 đại lý thu với 486 điểm thu và 889 nhân viên đại lý. Hệ thống đại lý thu bao gồm UBND các xã, phường, thị trấn, hệ thống bưu điện, các trạm y tế, một số hội đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Uỷ ban MTTQ tỉnh, hệ thống ngân hàng. Trung bình mỗi địa bàn xã, phường, trị trấn có từ 1 – 2 điểm thu, một số nơi phát triển tốt có 3 điểm thu.

BHXH tỉnh cũng đã tích cực, chủ động phối hợp tham mưu UBND tỉnh trích hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa Hưng Yên sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân theo quy định.

Theo đó, từ năm 2015, ngoài nguồn hỗ trợ (20%) từ Ngân hàng Thế giới (WB) thì ngân sách Nhà nước tỉnh đã hỗ trợ thêm 10% kinh phí mua thẻ BHYT đối với hộ gia đình cận nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu 100% người cận nghèo có thẻ BHYT; từ năm 2018, ngân sách tỉnh tiếp tục trích hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như Đảng viên được tặng huy hiệu từ 30 năm tuổi Đảng trở lên chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; người tham gia tổ thu gom rác thải tại các thôn, khu phố chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; học sinh tiểu học, THCS, THPT tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 60% mức đóng BHYT.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên đã đồng ý hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT bổ sung đối với 2 nhóm dân cư là người cao tuổi từ trên 60 tuổi đến dưới 80 tuổi và các chức sắc tôn giáo chưa có thẻ BHYT với mức hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT.

2,497 tỉ đồng chi trả cho một người bệnh

Theo thống kê của BHXH tỉnh, ca điều trị được quỹ BHYT chi trả lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay lên đến 2,497 tỉ đồng. Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Bạch Nhật (sinh năm 1956 ở xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào).

Hay như trường hợp của bệnh nhân Lê Duy Minh (sinh năm 2001 ở Thôn La Mát, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi) được Quỹ BHYT chi trả tới 783 triệu đồng.

Ông Phạm Hữu Hiện – Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên – nhận định, có những người lúc khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến việc tham gia BHYT, nhưng khi bị bệnh tật phải điều trị với số tiền lớn thì mới biết giá trị của thẻ BHYT. Vì vậy, thẻ BHYT được xem như chiếc “phao cứu sinh” đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân nghèo.

Đối với những gia đình có điều kiện, khi phải thanh toán một khoản viện phí lớn đôi khi còn cảm thấy hối tiếc vì lỡ bỏ qua việc mua BHYT, huống chi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đã có nhiều trường hợp người bệnh vừa thoát được bệnh lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì viện phí.

Cá biệt, một số gia đình vì không có tiền tiếp tục chữa trị cho người thân phải “xin” bác sĩ cho bệnh nhân về nhà. Nếu có thẻ BHYT, người bệnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng có cơ hội được điều trị nhiều hơn.

Để thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, BHXH tỉnh Hưng Yên tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng KCB và thái độ phục vụ, tạo thuận lợi cho người bệnh khi tham gia KCB bằng thẻ BHYT. (Lao động, trang 4)

 

  1. Cần Thơ: Tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 79,02% dân số

Theo báo cáo của BHXH TP. Cần Thơ, tính đến hết tháng 9/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn là 118.042 người, tăng 2.491 người so với cuối năm 2017. Số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP. Cần Thơ là 893 người, tăng 170 người so với cuối năm 2017. Số người tham gia BHTN là 108.117 người, tăng 3.648 người với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn thành phố đạt 79,02 % dân số (chỉ tiêu giao 82,5%). Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN của BHXH TP. Cần Thơ trong 9 tháng là 1.991.018 triệu đồng, đạt 71,1% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Tính đến tháng 9/2018, các đơn vị trực thuộc BHXH TP. Cần Thơ thực hiện khai thác mới 465 đơn vị với 5.209 lao động; tiếp tục phối hợp với Cục Thuế thành phố tiếp nhận và bàn giao danh sách cho quận, huyện quản lý khai thác đơn vị đăng ký mới. Tiếp nhận từ Cục thuế danh sách 2.595 đơn vị, doanh nghiệp với 16.714 lao động và chuyển cho BHXH quận, huyện khai thác. Thực hiện đôn đốc, thu nợ tại 37 đơn vị, kết quả thu được trong 9 tháng 22.026 triệu đồng/32.194 triệu đồng, đạt 68.42% so với tổng số phải thu tại 37 đơn vị nêu trên. Số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đến cuối tháng 9/2018 là 66.735 triệu đồng, tỷ lệ nợ 2,38%. (Lao động, trang 4)

 

Xây bệnh viện, chưa thể giảm quá tải!

Chiều 21-10, Bộ Y tế đã tổ chức khánh thành khu khám bệnh của BV Bạch Mai và BV Việt Đức Cơ sở 2 (tạm gọi là Bạch Mai 2 và Việt Đức 2) tại TP Phủ Lý, Hà Nam.

BV Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 có tổng diện tích là 123.000 m2 và 125.000 m2, đáp ứng 5.000 và 3.500 lượt khám mỗi ngày, quy mô 1.000 giường bệnh nội trú cho mỗi BV. Đây là hai BV được xây dựng theo hướng thân thiện với bệnh nhân, máy móc hiện đại, kỹ thuật cao, theo chuẩn quốc tế, ngang tầm BV của các nước tiên tiến.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư xây mới, mở rộng hàng loạt BV lớn cấp quốc gia, BV đa khoa khu vực, BV đa khoa tỉnh, BV đa khoa quận/huyện, chi phí xây dựng lên đến hàng chục tỉ đồng. Theo tôi, nếu ngành y tế chỉ nỗ lực xây thêm BV, mua sắm thiết bị, máy móc y tế, đào tạo bác sĩ, điều dưỡng viên không thôi thì vẫn chưa đủ. BV sẽ vẫn quá tải, vẫn hai người nằm chung một giường nếu ngành y tế không thay đổi cung cách quản lý, điều hành BV cũng như công tác khám chữa bệnh theo chuẩn quốc tế.

Thực tế đã chỉ ra rằng khi BV ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh, năng suất khám bệnh của BV tăng từ bốn đến tám lần. Lý do đơn giản là khi ấy thời gian bác sĩ hoàn toàn tập trung cho việc khám và chẩn đoán bệnh, không cần làm những việc không phải chuyên môn của bác sĩ như mở hồ sơ xét nghiệm, phim chụp chiếu, cặp phim chụp chiếu lên giá, bật đèn, viết đơn thuốc, viết bệnh án… Như vậy, một hệ thống công nghệ thông tin có hiệu quả lớn hơn xây một BV mới.

BV quá tải là một thực tế, thế nhưng không phải tất cả BV đều quá tải; BV tuyến trung ương quá tải nhiều hơn BV tỉnh/TP; BV khu vực, BV tỉnh/TP quá tải hơn BV quận/huyện. Như vậy, việc ngành y tế cần làm ngay là tăng cường năng lực khám chữa bệnh của BV tuyến dưới và tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức cho người dân đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế một cách hợp lý.

Việc khám bệnh có hẹn giờ (trừ bệnh nặng cấp cứu) cũng cần được triển khai trên toàn bộ BV, tránh tình trạng bệnh nhân và người nhà ngồi kín phòng khám nhiều giờ chờ đến lượt khám. Việc bệnh nhân và người nhà ngồi chờ khám quá lâu làm cho BV trở nên chật chội, tạo ra không khí ngột ngạt, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của bác sĩ cũng như của các bệnh nhân đang khám bệnh.

Để thay đổi cung cách quản lý, điều hành BV cũng như công tác khám chữa bệnh theo chuẩn quốc tế không chỉ cần nỗ lực của ngành y tế mà cần sự cộng tác, sự thay đổi tư duy và thói quen của người dân, của toàn xã hội. (Pháp luật TP.HCM ngày 24/10, trang 12)

 

Lập 3 đoàn kiểm tra dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019, Bộ Y tế sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Trị, Kon Tum, Đắc Lắc, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn được kiểm tra.

Theo Bộ Y tế, đợt kiểm tra này nhằm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đồng thời, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những biện pháp khắc phục những sơ hở bất cập và nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm. (Tiền phong, trang 6)

 

Can thiệp mạch cấp cứu thành công bệnh nhi 11 tuổi bị viêm tụy cấp

  1. BS Lê Thanh Dũng – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhi 11 tuổi, nhập viện trong tình trạng nôn ra máu nhiều lần không tự cầm.

Kết quả trên phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy ổ giả phình lớn động mạch vị tá tràng (có chức năng cung cấp máu cho tá tràng – tụy và dạ dày). Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nặng, nguy cơ chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh nhi đã được can thiệp cấp cứu ngay sau đó. Sau 20 phút can thiệp với 5 coils ổ giả phình đã được loại bỏ hoàn toàn.

Theo TS. Dũng, viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do sự hoạt hóa men tụy ồ ạt ngay trong nhu mô tụy. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều mức độ nặng – nhẹ khác nhau tùy thể lâm sàng. Bệnh có thể để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm trong đó có tổn thương mạch máu dẫn đến ổ giả phình động mạch. “Những ổ giả phình mạch gây ra do men tụy phá vỡ cấu trục mạch máu bình thường, chúng có thể vỡ gây chảy máu ồ ạt, thậm chí đe dọa tính mạng chỉ trong vài giây”.

Bệnh viêm tuỵ cấp vốn thường xảy ra ở người lớn do các nguyên nhân như nghiện rượu, do chế độ ăn, hoặc có thể là một biến chứng của sỏi mật. Cũng vì vậy mà bệnh thường xảy ra ở người lớn, trẻ em ít gặp hơn và có thể liên quan đến một số biến đổi giải phẫu tụy. Can thiệp mạch là phương pháp được lựa chọn để điều trị các tổn thương giả phình mạch do viêm tụy cấp với tỷ lệ thành công và độ an toàn rất cao. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo Ngày 25/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận