Điểm báo ngày 25/4/2022

(CDC Hà Nam)

Dịch Covid-19 ở TP.HCM đã ‘xuống đáy’?; Bộ LĐ-TB&XH nói gì về đề xuất Covid-19 là bệnh nghề nghiệp?

Dịch Covid-19 ở TP.HCM đã ‘xuống đáy’?

17 ngày liên tục vừa qua, TP.HCM không ghi nhận ca Covid-19 tử vong; 4 – 5 ngày qua, số ca mắc mới dưới 100 ca.

Ngày 27.4.2021, TP.HCM bắt đầu bước vào đợt dịch thứ 4. Đến nay sau gần 1 năm, TP.HCM tính chung có 608.961 ca mắc Covid-19, trong đó có 20.488 ca tử vong được báo cáo. Hiện tại, TP chỉ duy trì một số bệnh viện dã chiến (BVDC) đa tầng để tiếp nhận điều trị F0 nặng, còn hàng chục BVDC lập ra vào giai đoạn cao điểm bùng dịch đã được giải thể từ lâu.

Bệnh viện dã chiến đa tầng vắng bệnh nhân

Chiều qua 24.4, PV Thanh Niên đến BVDC đa tầng Tân Bình để ghi nhận tình hình điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 tại đây. BVDC đa tầng Tân Bình khánh thành ngày 18.8.2021, quy mô 1.000 giường, do BV Thống Nhất TP.HCM phụ trách chuyên môn. Dù dịch Covid-19 không còn nóng so với giữa cuối năm 2021, nhưng nhân viên y tế vẫn hướng dẫn PV mang đồ bảo hộ nghiêm ngặt và tuân thủ quy trình phòng chống lây nhiễm.

Ở khu bệnh nặng của BVDC đa tầng Tân Bình, không còn cảnh nhân viên y tế chạy tới lui hối hả cứu chữa BN. Không khí ở đây vắng vẻ, chỉ có vài nhân viên y tế. Không còn tiếng “tít, tít” liên hồi của hàng chục máy theo dõi sinh hiệu (chỉ số sinh tồn) BN nặng. Hầu hết khu đón bệnh đều tắt đèn, BN vắng bóng. Trang thiết bị tế, máy thở, bình ô xy… được xếp ngay ngắn. Trong khu A3 có 10 giường dành cho BN nặng, nhưng chỉ còn 1 BN và người này tỉnh táo. Trong khu A4 cũng chỉ có 4 – 5 BN, không ai phải thở ô xy, có BN nằm bấm điện thoại giải trí. Tình hình khác hẳn với thời gian cao điểm năm 2021.

Ông Phạm Văn Hồng (70 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) vừa được cai thở ô xy. Ông Hồng cho hay ông mắc Covid-19 lần đầu và được đưa vào BVDC đa tầng Tân Bình điều trị. Ông còn khoe nằm ở BVDC khỏe hơn nằm ở nhà, có thuốc men, được truyền dịch và đặc biệt có nhân viên y tế chăm sóc nên người nhà của ông không phải vào chăm. Theo ông Hồng, mắc Covid-19 thời điểm này đỡ lo hơn thời cao điểm năm 2021.

Nằm giường bên cạnh, cụ ông Lê Đức Khâm (84 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) cũng cho biết ông mắc Covid-19 lần đầu và được đưa vào BVDC để được chăm sóc đầy đủ. Ban đầu ông lo vì trước đó nghe nói người mắc Covid-19 cao tuổi, có bệnh nền tim mạch, huyết áp như ông là nguy cơ. Nhưng nhờ đã được tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19 nên ông yên tâm, vì nếu có mắc cũng hạn chế bệnh diễn tiến nặng.

Theo bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó giám đốc BVDC đa tầng Tân Bình, BV còn khoảng 10 BN, chỉ còn 1 ca thở máy, nhưng trong tuần này có thể hết bệnh và cho xuất viện hết. Thời kỳ cao điểm của BV có đến 800 – 850 ca. Tuy vậy, hiện nay nhân viên vẫn trực 24/24, mỗi ca trực 5 người gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng. Ngoài ra còn có các nhân viên hậu cần khác.

Ngày 24.4, lãnh đạo BVDC 3 tầng số 16 cũng cho biết BV không còn BN Covid-19 nào, dù trước đó 5 ngày BV còn 5 BN. BVDC 3 tầng số 14 cũng chỉ còn vài BN. Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết hiện BV còn hơn 30 BN Covid-19, trong đó 2/3 BN nhập viện điều trị bệnh khác kèm dương tính với Covid-19. “BN Covid-19 giảm xuống rất thấp, không còn nặng như thời cao điểm, thời đó BV tiếp nhận hơn 400 ca mà đa số BN nặng”, bác sĩ Việt nói.

Số ca mắc mới đã giảm rất sâu

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 27.4.2021, nhưng bùng phát mạnh từ cuối tháng 5.2021 và ca tử vong đầu tiên tại TP.HCM là ngày 2.6.2021. Từ trung tuần tháng 7.2021, số ca mắc và tử vong gia tăng mạnh. Đỉnh điểm là ngày 23.8.2021, TP có 340 ca tử vong. Thời điểm đó, TP phải quản lý, chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 ca F0 nặng.

Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân y, tình nguyện viên, các trung tâm hồi sức, BVDC, thuốc kháng vi rút, vắc xin (TP.HCM đã tiêm 20,6 triệu liều vắc xin Covid-19)…, số ca F0 mắc mới và tử vong đã giảm dần. Đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, số ca mắc mới và tử vong của TP.HCM giảm sâu. Từ trung tuần tháng 1.2022, số tử vong tại TP.HCM kéo giảm xuống dưới 10 ca, số ca mắc mới cũng dưới 1.000 ca.

Sau Tết Nguyên đán 2022, tức từ trung tuần tháng 2, dịch Covid-19 với biến thể chính là Omicron đã làm số ca mắc tăng vọt. Đỉnh điểm là đến trung tuần tháng 3, TP.HCM có 111.000 ca mắc Covid-19 phải cách ly, điều trị. Tuy nhiên, số ca tử vong mỗi ngày cũng chỉ 1 – 2 ca, có ngày không có ca nào.

Tính đến ngày 24.4, TP.HCM có 17 ngày liên tiếp không có ca tử vong, chỉ còn 518 ca điều trị ở BV tầng 2, tầng 3 (20 ca thở máy xâm lấn) và 5.646 ca đang cách ly tại nhà, 2 ca cách ly tập trung. (Thanh niên, trang 5)

Bộ LĐ-TB&XH nói gì về đề xuất Covid-19 là bệnh nghề nghiệp?

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần làm rõ đối tượng được áp dụng công nhận bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp, phân biệt với những nhóm lao động khác phải làm việc trong môi trường có virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến và hoàn tất dự thảo thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó đề xuất 6 nhóm ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao.

Góp ý vào dự thảo này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ tác động của chính sách cả mặt tích cực và tiêu cực; điều kiện bảo đảm về nguồn lực, tài chính.

Trong trường hợp coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành, cần nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật liên quan và cân nhắc việc có hay không cần thiết phải bổ sung bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, Bộ Y tế cần làm rõ đối tượng được áp dụng công nhận bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp, phân biệt với những nhóm lao động khác phải làm việc trong môi trường có SARS-CoV-2 theo hướng bổ sung thêm mệnh đề “… để thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc điều động của cấp có thẩm quyền”.

Nguyên nhân cần làm rõ thêm là do, Bộ Y tế đưa ra khái niệm bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Trong khi đó hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp thì nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vius SARS-CoV-2 bao gồm 6 nhóm.

Cụ thể: người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu không coi những người làm nghề, công việc ngoài những nhóm được đề xuất thì quy định này có thể tạo ra sự không bình đẳng về quyền, lợi ích giữa những người lao động làm việc trong môi trường lao động khác nhau nhưng đều bị bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. (An ninh thủ đô, trang 8)

Đã có 41 tỉnh tiêm vaccine cho trẻ em

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến chiều ngày 23/4 đã có 374.255 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi tại 41 tỉnh, thành phố. Sau 9 ngày triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, công tác tiêm chủng tại các địa phương đều diễn ra an toàn, chu đáo… (Chi tiết xem báo Công an nhân dân, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/10/2020

CDC Hà Nam