11 triệu người Việt Nam nhiễm virus viêm gan B, C nhưng 90% mà không biết
Sáng nay, 24-6, với vai trò là bệnh viện truyền nhiễm đầu ngành của thành phố Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã tổ chức triển khai “Tháng hành động vì sức khỏe người viêm gan” để hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống viêm gan (28-7)” và ra mắt “Trung tâm viêm gan” của bệnh viện.
Tại đây, TS Phạm Bá Hiền cho biết, hiện tại Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B, C cao nhất trong khu vực. Theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước đang có khoảng 10 triệu trường hợp nhiễm virus viêm ga B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C.
Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật của viêm gan virus B và C là rất lớn. Cụ thể, tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B rất cao, khoảng 10-15% dân số. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C chiếm từ 1-3% dân số.
Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đáng chú ý, bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Theo TS Hiền, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, khoảng 80% các trường hợp ung thư gan là do viêm gan virus B, C gây ra. “Mới tuần qua, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân gần 70 tuổi ở Hà Nội vào trong tình trạng viêm gan rất nặng, đã tiến triển thành ung thư gan, nhưng bản thân bệnh nhân và gia đình bệnh nhân trước đó không hề nghĩ đến viêm gan” – TS Phạm Bá Hiền dẫn chứng.
Hiện tại, viêm gan B đã có vaccine phòng bệnh. Viêm gan virus C chưa có vaccine phòng bệnh nhưng gần đây với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) với phác đồ điều trị đơn giản, thời gian điều trị được rút ngắn và tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 95%), đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, TS Lê Hưng cho biết, tính đến tháng 6-2019, số người bệnh viêm gan virus B đang được quản lý và điều trị tại viện là hơn 1.200 người. Trong đó, việc quản lý, thu dung và điều trị bệnh viêm gan virus C được hỗ trợ một phần từ dự án (dự án CHAI – Hoa Kỳ) và được thanh toán qua BHYT. Số người bệnh đã được điều trị viêm gan virus C là hơn 300 người, tỷ lệ khỏi bệnh lên tới trên 95%.
Cũng theo TS Lê Hưng, trong Tháng hành động vì sức khỏe người viêm gan (từ 1/7-31/7/2019), Bệnh viện Đống Đa sẽ tiến hành khám, tư vấn và xét nghiệm phát hiện viêm gan virus B, C cho khoảng 2.000 người dân trên địa bàn thành phố. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Nghi vấn đường dây cung cấp vắc xin ‘lậu’
Từ thông tin Trung tâm y tế TP.Đồng Hới (Quảng Bình) tiêm vắc xin 5 trong 1 giá cao hơn quy định, cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện nơi cung cấp không có chức năng kinh doanh vắc xin và đã… “biến mất”
Từ thông tin Trung tâm y tế TP.Đồng Hới tiêm vắc xin Pentaxim (vắc xin 5 trong 1) với giá cao hơn quy định, cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện nơi cung cấp không có chức năng kinh doanh vắc xin và đã… “biến mất”.
Theo Sở Y tế Quảng Bình, thời gian qua, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu vắc xin dịch vụ phòng một số bệnh truyền nhiễm như vắc xin Pentaxim, Hexaxim… do các công ty kinh doanh vắc xin không cung ứng đủ theo dự trù của đơn vị. Vì thế, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn đã liên hệ nhiều nhà cung ứng khác nhau để tìm nguồn cung.
Khan hiếm dẫn đến tiêm giá cao
Theo tài liệu PV Thanh Niên có được, khoảng cuối tháng 3.2019 rộ lên thông tin Trung tâm y tế TP.Đồng Hới tiêm vắc xin 5 trong 1 với giá cao. Ngày 4.4, Sở Y tế Quảng Bình thành lập đoàn để kiểm tra việc quản lý, sử dụng vắc xin dịch vụ tại trung tâm này. Ngày 17.4, UBND tỉnh Quảng Bình có công văn yêu cầu kiểm tra thông tin, dư luận.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh ngày 24.4, Sở Y tế cho biết Trung tâm y tế TP.Đồng Hới nhập 50 liều vắc xin Pentaxim từ cửa hàng trang thiết bị y tế Đức Thành (số 21, ngõ 6, tổ dân phố 3, P.La Khê, Q.Hà Đông, Hà Nội) theo hóa đơn số 0046428 ngày 19.3 với giá 1,15 triệu đồng/liều. Sau khi nhập vắc xin, trung tâm tổ chức tiêm với giá 1,4 triệu đồng/liều, cao hơn mức giá 786.000 đồng/liều do UBND tỉnh Quảng Bình quy định. Lý do trung tâm tiêm giá cao hơn giá phê duyệt của UBND tỉnh vì phải mua vào với giá cao hơn giá mua vào do UBND tỉnh quy định (630.000 đồng/liều). Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm y tế TP.Đồng Hới ngừng ngay việc tiêm vắc xin Pentaxim cho người dân với giá cao hơn giá của UBND tỉnh phê duyệt.
Cũng theo báo cáo, hóa đơn xuất của cửa hàng Đức Thành không đủ thông tin số lô sản xuất, hạn dùng, nhà sản xuất của vắc xin. Giá bán vắc xin ghi trong hóa đơn cũng cao hơn giá kê khai đăng tải trên website của Cục Quản lý dược.
Cơ sở cung cấp “biến mất”
Cửa hàng Đức Thành là cơ sở kinh doanh không thuộc địa bàn quản lý của Sở Y tế Quảng Bình, do đó ngày 17.4, Sở có Công văn số 649 gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị Cục kiểm tra hoạt động của cửa hàng Đức Thành để làm rõ nguồn gốc và giá bán của vắc xin Pentaxim.
Sau khi nhận công văn, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra. Ngày 10.5, Cục Quản lý dược nhận được Công văn số 1967 của Sở Y tế Hà Nội. Theo kết quả xác minh thông tin kinh doanh vắc xin của cửa hàng trang thiết bị y tế Đức Thành, tại địa chỉ số 21, ngõ 6, tổ dân phố 3, P.La Khê (Q.Hà Đông) không có biển hiệu; không có hoạt động mua bán hàng hóa. Chủ hộ là ông Đinh Văn Trung cho ông Nguyễn Đức Thành mượn địa điểm trên để kinh doanh, nhưng thời gian gần đây ông Thành đã tạm ngừng kinh doanh.
Cửa hàng trang thiết bị y tế Đức Thành được P.Tài chính – kế hoạch Q.Hà Đông cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 0108012424 cho ông Nguyễn Đức Thành với ngành nghề kinh doanh bán hàng: dụng cụ y tế, vật tư y tế, thiết bị y tế. Cơ quan chức năng khẳng định: “Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng trang thiết bị y tế Đức Thành (ở địa chỉ trên – PV) không có hoạt động mua bán hàng hóa và không có chức năng kinh doanh vắc xin”.
Ngày 31.5, Cục Quản lý dược có Công văn số 8270 gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Bình và Sở Y tế TP.Hà Nội yêu cầu: “Sở Y tế Quảng Bình báo cáo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra xác minh nguồn gốc và việc mua 50 lọ vắc xin Pentaxim nên trên của Trung tâm y tế Đồng Hới; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục kiểm tra hoạt động của cửa hàng Đức Thành, phối hợp với Sở Y tế Quảng Bình và các đơn vị chức năng liên quan trong việc xác minh nguồn gốc 50 lọ vắc xin trên”. (Thanh niên, trang 17).
Dịch sởi trái mùa tăng bất thường
Theo khảo sát mới đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trên 3.400 trường hợp mắc sởi được ghi nhận trong hơn 5 tháng đầu năm 2019 cho thấy, 96,7% số ca mắc sởi chưa tiêm vaccine ngừa sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trong số các trường hợp mắc sởi được khảo sát, chiếm nhiều nhất là trẻ từ 1-4 tuổi (hơn 31%), tiếp đó là trẻ từ 5-9 tuổi (khoảng 19%). Đáng chú ý, mùa dịch sởi năm nay rất bất thường dù thời tiết đã giữa mùa hè, không phải mùa chính của dịch sởi (thông thường dịch sởi bùng phát cao điểm vào mùa đông xuân) nhưng số người mắc sởi vẫn ở mức cao. Bộ Y tế dự báo năm 2019 là năm chu kỳ của dịch sởi nên số ca mắc vẫn còn có thể tiếp tục tăng.
Trước diễn biến phức tạp và bất thường của dịch sởi, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tổ chức phân tuyến điều trị, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp. Thiết lập khu vực riêng khám, điều trị bệnh sởi, phân luồng khám chữa bệnh; thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc người bệnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Các đơn vị y tế dự phòng đẩy mạnh tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ 9 tháng và vaccine sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi, đảm bảo đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% quy mô xã, phường. Tập trung xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sởi để tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho đối tượng nguy cơ cao, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Tin vào “thần dược” thuốc cam, nhiều trẻ ngộ độc chì nặng
Dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc để vệ sinh lưỡi, tẩm bổ, giúp trẻ tăng cân, chữa viêm loét miệng… sẽ khiến các em nhỏ bị ngộ độc chì nặng nề.
Nhiều trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam
Bác sĩ Đinh Thị Hồng, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho sáu trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn các ca ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng…
Bé Nguyễn Phan Bảo N (7 tháng tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 15-5 trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài.
Theo lời kể của người nhà, trước đó hai tuần, bé bị viêm loét miệng. Bà nội nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống.
Sau bảy ngày dùng thuốc cam bé xuất hiện nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Sau đó bé được chuyển tiếp lên khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam. Bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả nồng độ chì trong máu rất cao (vượt mức cho phép).
Bác sĩ Đinh Thị Hồng, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng phải truyền máu.
“Hiện tại, sau hơn hai tuần điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm nhiều. Tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng song những di chứng mà ngộ độc chì để lại chưa thể xác định được do bệnh nhi còn quá nhỏ. Trẻ có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động IQ. Việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện”, BS Hồng nói.
Nhiều phụ huynh quá tin tưởng vào “thần dược” thuốc cam
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Không ít các mẹ truyền tai nhau thuốc cam giúp trẻ tăng cân, chữa lành các vết loét miệng, hoặc sử dụng thường xuyên để vệ sinh lưỡi cho con. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bác sĩ cho biết, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây tổn thương trên nhiều cơ quan như thần kinh, huyết học, gan, thận, dạ dày, đường ruột, tim mạch,… Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này sẽ được hấp thu vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể đặc biệt là xương. Chì từ xương sau đó sẽ giải phóng từ từ vào máu gây ngộ độc kéo dài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, hoặc sử dụng đồ chơi bằng nhựa có sơn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là “thuốc cam” không rõ nguồn gốc dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.
TS, BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh. Gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. (Nhân dân, trang 5).