Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; Thông báo kết luận của lãnh đạo chủ chốt về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; Xét nghiệm toàn TP.HCM để tách F0; TP.HCM thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir; Thời gian xét nghiệm các vùng ra sao?
Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch
Lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là và thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài
Ngày 24/8, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đại diện các ban, bộ, ngành.
Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, các đại biểu dự họp, lãnh đạo chủ chốt đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài; đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu đã có nhiều đóng góp tích cực, các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân.
Công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng tình hình cho thấy còn một số vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng, một số địa phương còn chủ quan, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả.
Dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế – xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Không để dịch lan rộng, nhất là những khu vực trọng yếu như Hà Nội
Các bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua, phát huy những kết quả đạt được, phân tích thẳng thắn, rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt chưa làm được, dự báo đúng tình hình, trên cơ sở kinh nghiệm trong nước, quốc tế, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để thống nhất giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương.
Cùng với đó hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, ngăn chặn không để dịch lan rộng, nhất là những khu vực trọng yếu như Thủ đô Hà Nội, các khu đô thị lớn tập trung đông dân cư, khu công nghiệp…
Lãnh đạo chủ chốt yêu cầu tập trung nguồn lực chăm lo sức khoẻ, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo, giảm thiểu số ca tử vong, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và các hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Tổ chức tốt việc bảo quản, mai táng các trường hợp tử vong phù hợp với phong tục tập quán.
Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc-xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc-xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, sớm thực hiện tiêm vắc-xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Lãnh đạo chủ chốt cũng lưu ý kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là, thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Lãnh đạo chủ chốt thống nhất chủ trương đối với các kiến nghị của Chính phủ về các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội triển khai các bước để khẩn trương cụ thể hoá, bố trí ngay nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho các cấp, ngành, địa phương; đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả (Tiền phong, trang 2).
Thông báo kết luận của lãnh đạo chủ chốt về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch
Ngày 24-8-2021, lãnh đạo chủ chốt họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (Báo cáo số 234/BC-BCSĐ, ngày 23-8-2021).
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư chủ trì, cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư và đại diện các ban, bộ, ngành. Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, các đồng chí dự họp, lãnh đạo chủ chốt đã thảo luận, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận:
1. Vừa qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình, làm cơ sở để các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, kịp thời.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài; đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu đã có nhiều đóng góp tích cực, các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân.
Công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng tình hình cho thấy còn một số vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng, một số địa phương còn chủ quan, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả.
2. Dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế – xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, thống nhất phân công đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
2.1. Đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua, phát huy những kết quả đạt được, phân tích thẳng thắn, rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt chưa làm được, dự báo đúng tình hình, trên cơ sở kinh nghiệm trong nước, quốc tế, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để thống nhất giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương; hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, ngăn chặn không để dịch lan rộng, nhất là những khu vực trọng yếu như Thủ đô Hà Nội, các khu đô thị lớn tập trung đông dân cư, khu công nghiệp…
2.2. Tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo, giảm thiểu số ca tử vong, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và các hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Tổ chức tốt việc bảo quản, mai táng các trường hợp tử vong phù hợp với phong tục tập quán.
2.3. Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc-xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc-xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, sớm thực hiện tiêm vắc-xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
2.4. Quan tâm chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; không để các thế lực thù địch, phản động kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, cản trở công tác phòng, chống dịch.
2.5. Tập trung làm tốt hơn công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trong tình hình mới, biểu dương, khích lệ, động viên, khen thưởng các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là, thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.
3. Tiếp tục kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
4. Thống nhất chủ trương đối với các kiến nghị của Chính phủ về các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội triển khai các bước để khẩn trương cụ thể hóa, bố trí ngay nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho các cấp, ngành, địa phương; đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Trên cơ sở Thông báo này, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, căn cứ phạm vi trách nhiệm được giao, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các ban, bộ, ngành, địa phương, các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nhanh, có hiệu quả các công việc, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt theo quy định (Nhân dân, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Xét nghiệm toàn TP.HCM để tách F0
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, TP.HCM tận dụng thời gian siết chặt giãn cách để xét nghiệm COVID-19 cho người dân toàn TP nhằm phát hiện F0 và tổ chức điều trị hợp lý.
Đây được coi là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần kiểm soát dịch COVID-19 theo nghị quyết 86 của Chính phủ.
Trong ngày 24-8, nhiều địa phương tại TP.HCM đã triển khai chiến lược “xét nghiệm thần tốc” với nhiều hình thức “chạy đua” để kịp tiến độ đề ra.
Hướng dẫn dân tự test, thực hiện “2 trong 1”
Ngày 24-8, trước trụ sở UBND khu phố 3, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, dù thời tiết không được thuận lợi, lúc nắng gắt, lúc gió mạnh chuyển mưa, nhưng công tác lấy mẫu vẫn diễn ra hối hả.
Cùng thời gian này, tại quận Bình Thạnh, một tổ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng đã tổ chức xét nghiệm nhanh cho toàn bộ người dân tại tổ 33 và 34, khu phố 3 trên đường Vạn Kiếp, phường 3.
Bà Đoàn Thị Bích Ngọc – phụ trách tổ lấy mẫu – cho biết những trường hợp nghi nhiễm, tổ lấy mẫu sẽ báo cáo thông tin về Ban chỉ đạo phòng chống dịch của phường để có cách xử lý.
“Khu vực tôi đang ở có rất nhiều ca F0, nếu xét nghiệm toàn bộ dân trong hẻm như thế này thì gia đình tôi sẽ yên tâm” – ông Nguyễn Đặng Thanh Quang (44 tuổi, quận Bình Thạnh) nói.
Lực lượng tăng cường từ Học viện Quân y (Hà Nội) đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tại hẻm 381 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) để phát kit test nhanh cho từng người và hướng dẫn tận tình cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều trường hợp tự lấy mẫu test nhanh đều có kết quả âm tính.
Chị V.T.K.N., ở hẻm này, cho hay chị khá bất ngờ khi được lực lượng quân y đến nhà hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm.
“Nhiều khu vực quận Bình Thạnh là vùng nguy cơ cao nên khi được yêu cầu test nhanh, tôi rất hồi hộp. Nhưng khi test xong, nhận kết quả tôi yên tâm. Tôi thấy việc tự test này cũng không khó, bên y tế chỉ mất buổi đầu hướng dẫn cho người dân, những lần sau họ có thể tự xét nghiệm ở nhà đỡ tập trung đông người” – chị nói.
Còn tại phường 5, quận Gò Vấp, mặc cơn mưa rả rích kéo dài nhiều giờ, tại đường Huỳnh Khương An, lực lượng chức năng vẫn kiên trì thực hiện việc lấy mẫu. Điều đặc biệt tại điểm lấy mẫu này là người dân khi được xét nghiệm nhanh, có kết quả âm tính sẽ được tiêm vắc xin tại xe tiêm lưu động.
Việc thực hiện kế hoạch “2 trong 1” này vừa giúp quận Gò Vấp hoàn thành mục tiêu “truy F0” vừa đẩy nhanh được tiến độ tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn.
Phát hiện nhiều ca nghi nhiễm
Cũng tại điểm xét nghiệm tại phường 5, quận Gò Vấp, có nhiều người có kết quả test nhanh dương tính được yêu cầu nhanh chóng về nhà cách ly y tế theo quy định, sau đó lực lượng y tế sẽ có hướng xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Chức – giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức – cho biết công tác lấy mẫu không gặp nhiều khó khăn do đa số người dân đều sẵn sàng hợp tác. Một cán bộ tại phường Tam Bình cho biết phần lớn các khu vực trên địa bàn phường đều là vùng có mức độ nguy cơ rất cao.
Từ 8h-12h30 ngày 24-8, đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 450 người dân theo hình thức mẫu gộp 3. Tất cả mẫu đều cho kết quả âm tính.
Trước đó, ngày 23-8, phường đã lấy 1.084 mẫu gộp (tương ứng 3.206 người đang cư trú ở những vùng có nguy cơ rất cao), trong đó có 44 mẫu gộp (với 132 người) dương tính. Sau khi xét nghiệm từng mẫu đơn, phát hiện có 58 mẫu nghi nhiễm.
Ông Phạm Xuân Đạt – văn phòng Đảng ủy phường Tam Bình – cho hay trong trường hợp phát hiện mẫu gộp dương tính sẽ xét nghiệm nhanh từng mẫu đơn. Cá nhân nào có kết quả test nhanh dương tính, lực lượng chức năng đưa về khu cách ly tập trung là các trường học trên địa bàn phường.
“Chúng tôi ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân vùng nguy cơ cao để xử lý F0 (nếu có), biến nơi đây thành vùng sạch” – ông Đạt nói và cho biết hơn một tháng nay, phường được tăng cường thêm lực lượng là các sinh viên Trường ĐH Y Thái Nguyên.
Còn ông Văn Hữu Nghĩa – trưởng Trạm y tế phường 3, quận Bình Thạnh – cho biết hiện nay phường có 2 tổ lấy mẫu với 20 thành viên. Hai tổ này sẽ thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân trên địa bàn phường bằng hình thức test nhanh.
Trường hợp dương tính, sẽ được lập hồ sơ ghi nhận như là một F0 và gắn bảng cách ly, điều trị tại nhà.
Quá trình cách ly tại nhà, nếu F0 cần trợ giúp y tế thì có thể liên hệ với tổ phản ứng nhanh của phường để được hỗ trợ. Trường hợp F0 có triệu chứng nặng thì sẽ được chuyển đến các cơ sở điều trị.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho hay ngày 24-8 quận đã điều chỉnh nội dung kế hoạch xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, quận chỉ định xét nghiệm tại các tổ dân phố có mức nguy cơ cao và nguy cơ rất cao bằng cách test nhanh mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong vùng và hoàn tất vào ngày 25-8, sau đó tiến hành lặp lại xét nghiệm lần 2 (Tuổi trẻ, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7).
TP.HCM thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir
Dự kiến từ hôm nay (25-8), Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai chương trình thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM (home-based care).
Theo Bộ Y tế, lô thuốc Molnupiravir 300.000 viên loại 200mg (tương đương trên 7.500 liều) đầu tiên vừa được nhập khẩu về đến Việt Nam trong ngày 23-8 và dự kiến ngày 28-8 sẽ có thêm 1.700.000 viên 200mg (tương đương khoảng 50.000 liều). Các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu sử dụng trong chương trình vào đầu tháng 9-2021.
Ngoài ra hiện doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước cũng đã sẵn sàng tài trợ lô thuốc đầu tiên với 16.000 liều, đến ngày 5-9 sẽ cung cấp thêm 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều, tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg).
Các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình và đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản, đồng thời sẽ được phát 1 túi thuốc home-based care.
Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng. Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỉ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn.
Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh COVID-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc (Tuổi trẻ, trang 2).
Thời gian xét nghiệm các vùng ra sao?
UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đảm bảo công tác hậu cần, sẵn sàng 1 triệu test nhanh/tuần và sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR đảm bảo cho việc lấy mẫu 200.000 người/ngày (cả mẫu đơn và gộp).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đối với các “vùng đỏ” cần thực hiện lấy mẫu test nhanh 48 giờ/lần và test thường xuyên trong vòng 3 tuần, “vùng cam” lấy mẫu test nhanh 2 lần/tuần, “vùng vàng” và “vùng xanh” lấy mẫu gộp RT-PCR hoặc mẫu gộp hộ gia đình.
Những trường hợp test nhanh dương tính cách ly tại nhà không cần lấy mẫu xác định RT-PCR, còn trường hợp chuyển viện thì trước khi chuyển cần lấy mẫu RT-PCR xác định lại.
“Với sự tham gia tự nguyện của người dân cùng với sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành y tế, tôi tin rằng sẽ đảm bảo tiêu chí về mặt kỹ thuật cũng như số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây” – ông Sơn nhận định.
Theo Sở Y tế TP.HCM, dự báo trong một tháng tới có thể có khoảng 182.400 ca F0, tương ứng cần 182.400 túi thuốc (mỗi túi gồm 4 thuốc với số lượng đủ dùng cho 7 ngày).
Để đáp ứng nhu cầu điều trị F0 tại nhà, đơn vị này đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc cung ứng thuốc cho người mắc COVID-19 F0 cách ly điều trị tại nhà, ước tính kinh phí mua gần 54 tỉ đồng (295.246 đồng/túi thuốc) (Tuổi trẻ, trang 3).
Bình Dương tận dụng ‘thời gian vàng’ dập dịch
Với số ca mắc COVID-19 hiện hơn 73.000 ca, Bình Dương dự báo trong 2 tuần tới ghi nhận thêm 50.000 ca. Địa phương đang tập trung lực lượng kiểm soát với quyết tâm đầu tháng 9 khống chế được dịch bệnh.
Dự báo thêm 50.000 ca mắc
Tính từ đợt dịch lần thứ tư đến ngày 24/8, Bình Dương ghi nhận 73.425 ca mắc COVID-19, trong đó có 604 ca tử vong và hơn 30.000 bệnh nhân xuất viện . Địa phương hiện có 22 khu điều trị COVID-19 với khoảng 2.000 nhân viên y tế.
Ngày 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, địa phương đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ người dân để mọi người yên tâm “ai ở đâu, ở yên đấy”, tạo thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch. Theo ông Minh, dự báo trong 2 tuần tới, địa phương sẽ phát hiện nhiều ca mắc COVID-19, nhất là khi đang thực hiện xét nghiệm toàn dân đợt 3. “Dự kiến số ca mắc mới có thể lên đến 50.000 ca, nâng số ca mắc COVID-19 tại tỉnh Bình Dương trong đợt dịch lần thứ tư lên đến hơn 120.000 ca”- ông Minh dự báo.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phong tỏa “khóa chặt” vùng đỏ tại các địa phương, gồm: TX Tân Uyên; TP Thuận An và TP Dĩ An trong vòng 15 ngày với tổng số dân khoảng 1,2 triệu người.
Để kịp thời hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tính đến ngày 23/8, Bình Dương đã chi cho 1.382.302 trường hợp với số tiền gần 760 tỷ đồng. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng hưu trí, tử tuất hơn 14 nghìn đơn vị với hơn 1 triệu lao động, số tiền hơn 412 tỷ đồng. Ngoài ra, Bình Dương hỗ trợ tiền trọ cho công nhân 300 nghìn đồng/người; hỗ trợ thực phẩm tương ứng 500 nghìn đồng/người; hỗ trợ người dân bị phong tỏa 50 nghìn đồng/người.
Xử lý các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ
Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt, bảo đảm an sinh xã hội để an dân. Đồng thời tập trung lực lượng chi viện và tại chỗ tận dụng “thời gian vàng” khóa chặt các điểm nóng dịch bệnh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đặc biệt, đối với 11 phường của TP.Thuận An và TX.Tân Uyên với tổng số hơn 700.000 dân sẽ áp dụng “đông cứng, khóa chặt” trên tinh thần người dân không được ai ra khỏi nhà trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ ngày 22/8 với quyết tâm trong 2 tuần tới không còn F0 ngoài cộng đồng. Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các địa phương đảm bảo hoàn thành việc lấy mẫu trong vòng 5 ngày đối với 11 phường của 2 địa phương trên, bắt đầu từ ngày 23/8. “Địa phương tập trung mọi nguồn lực dập dịch với quyết tâm đầu tháng 9 trở lại trạng thái bình thường mới. Để đảm bảo hiệu quả kế hoạch đề ra, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của tập thể, cá nhân; không chủ quan, lơ là. Kịp thời xử lý các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch”, ông Thao cho biết thêm (Tiền phong, trang 4).
Hà Nội lo ngại phát sinh ổ dịch mới ở cộng đồng
Với việc phát hiện 21 ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, vẫn còn nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới ở cộng đồng, đặc biệt tại các quận nội thành. Ngày 24/8, Hà Nội ghi nhận 67 ca dương tính, trong đó 33 ca tại cộng đồng, 34 ca khu cách ly. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.677 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.352 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.325 ca.
Đáng chú ý, trong hai ngày 23 và 24/8, thành phố phát hiện 21 ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Để ngăn chặn dịch, quận Thanh Xuân đã thành lập khu vực cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ 14 giờ ngày 23/8 đến 14 giờ ngày 30/8 (7 ngày).
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 24/8, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định, về mặt tổng thể, hiện nay tình hình dịch bệnh các khu vực ngoại thành của thành phố đã cơ bản được kiểm soát, ổn định. Tuy nhiên, ở các quận khu vực nội thành còn nguy cơ. “Ví dụ như ổ dịch khu vực phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) là ổ dịch mới, thời gian tương đối lâu, trải qua một số chu kỳ lây nhiễm chứ không phải mới”, ông Tuấn thông tin.
Theo ông Tuấn, từ một ca bệnh “chỉ điểm”, đã phát hiện ra “ổ dịch” này, với 21 ca mắc. “Điều đó chứng tỏ nguy cơ vẫn còn tiềm tàng, vẫn chưa bóc tách được hết các trường hợp F0 ở cộng đồng”, ông Tuấn nói. “Mấu chốt nhất hiện nay vẫn là việc người dân có triệu chứng, hoặc thậm chí không có triệu chứng nhưng cảm thấy sức khoẻ có vấn đề, nghi vấn liên quan phải khai báo ngay để được lấy mẫu xét nghiệm. Nếu có ca mắc mà không phát hiện kịp thời, để thành nhiều chu kỳ lây nhiễm thì rất khó xử lý”, ông Tuấn nói thêm (Tiền phong, trang 4).
Phan Hạnh tổng hợp