Điểm báo ngày 26/2/2021

(CDC Hà Nam)
 Đề xuất phê duyệt thêm vắc-xin của Nga và Mỹ; Xuyên Tết chống dịch; Những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch: “Mẹ đi đánh con COVID, hết dịch mẹ sẽ về”; Bác sĩ truy vết F1 thâu đêm; Chúc mừng cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2); Chín tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận người mắc Covid- 19 trong cộng đồng

Đề xuất phê duyệt thêm vắc-xin của Nga và Mỹ

Tối 25/2, nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt thêm 2 vắc-xin phòng COVID-19 của Nga và Mỹ.

Vắc-xin của Công ty Moderna (Mỹ) và Công ty Generium (Nga) được đề xuất phê duyệt nhằm sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin AstraZeneca (trụ sở ở Anh). Ngày 24/2, hơn 117.000 liều vắc-xin này đã về tới Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo người dân tiếp cận sớm nhất với vắc-xin, Bộ nỗ lực đàm phán để nhập khẩu. Dự kiến, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin.

Chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất

Chiều tối 24/2, tại cuộc họp giữa Bộ Y tế với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vắc-xin phòng COVID-19, các bên trao đổi các nội dung liên quan tiêm chủng như cấp phép vắc-xin, đối tượng tiêm, truyền thông tiêm chủng và các vấn đề liên quan.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, bày tỏ sự cảm ơn đối với những nỗ lực của chương trình COVAX Facility, tạo điều kiện để Việt Nam được tiếp cận sớm nguồn vắc-xin phòng COVID-19. Về đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc-xin phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Đại diện các tổ chức quốc tế đồng ý với những trao đổi về việc một số vắc-xin bảo quản trong điều kiện khó khăn, phải huy động nguồn lực xã hội hoá như vắc-xin của Pfizer. Với vắc-xin của Pfizer, yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông, nên nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan sẽ gây lãng phí. Thực tế tiêm vắc-xin này tại Mỹ cho thấy tỷ lệ không sử dụng ở mức cao.

“Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vắc-xin đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, phù hợp, bảo quản như theo điều kiện của các vắc-xin thông thường mà Việt Nam đang có”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. Ông cam kết Bộ Y tế sẽ giải quyết ngay các vấn đề liên quan thủ tục để đảm bảo vắc-xin của chương trình COVAX Facility sớm được nhập vào Việt Nam.

Tại cuộc họp về tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 diễn ra ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống.

Các cơ sở y tế công lập tham gia tiêm chủng

Đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đã thảo luận các vấn đề như nguồn cung, thủ tục, quy trình phê duyệt, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết phải huy động tổng lực ngành Y tế… Theo đó, tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia quá trình tiêm chủng, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường y để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.

Vấn đề bảo quản vắc-xin cũng được bàn bạc, rà soát kỹ. Hệ thống kho lạnh ở các khu vực đủ khả năng bảo quản vắc-xin, các thiết bị vận chuyển vắc-xin tới các trạm y tế, điểm tiêm lưu động cũng đảm bảo. Thảo luận về đánh giá sau tiêm, các đại biểu thống nhất, bất cứ vắc-xin nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%, nhất là vắc-xin phòng COVID-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi, đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá này, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để người dân không gây hoang mang với những phản ứng sau tiêm.

Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng, quy trình tổ chức điểm, buổi tiêm, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm, đánh giá hiệu quả của vắc-xin sau tiêm (Tiền phong, trang 6). 

 

Xuyên Tết chống dịch

Vội vàng tạm biệt vợ con, xếp vội hành lý, nhiều bác sĩ sẵn sàng xung phong đi đến những vùng dịch bệnh đang hoành hành và lao vào công việc nguy hiểm mà quên cả những ngày lễ, Tết.

Chống dịch những ngày giáp Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương như Gia Lai, Hải Dương. Thông tin về số ca bệnh liên tục tăng đòi hỏi những bệnh viện tuyến đầu phải chi viện nhân lực giúp các vùng dịch điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

23h ngày 23 âm lịch (4.2), Ths Kỹ sư Lê Hữu Hoàng – Phó khoa Sinh hóa Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) – đang chuẩn bị vào giấc ngủ thì nhận được cuộc gọi từ BS CKII Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Việt thông báo, anh Hoàng được phân công đến Gia Lai chống dịch, chuyến bay sẽ cất cánh vào trưa hôm sau.

Ngồi dậy, anh Hoàng báo tin với vợ và hai vợ chồng rón rén thu dọn hành trang, tránh đánh thức các con. Đến rạng sáng, anh Hoàng chỉ kịp hôn tạm biệt con trong lúc hai đứa trẻ say giấc rồi vội đến ngay Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp giờ họp với Ban giám đốc. Trưa cùng ngày, chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất cất cánh đến Gia Lai, anh Hoàng cùng 3 đồng nghiệp khác bay thẳng vào tâm dịch.

“Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia chống dịch. Trước đó, tôi cũng có nhiều lần tham gia hỗ trợ các địa phương. Lần gần nhất là tháng 8 năm 2020, tôi cùng đồng nghiệp đến Đà Nẵng hơn 1 tháng để trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19” – anh Hoàng tâm sự.

Đến Gia Lai, anh Hoàng cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến. Người kỹ sư 42 tuổi chịu trách nhiệm chính về việc thành lập khoa Sinh hoá tại Bệnh viện Dã Chiến Gia Lai. Khoa sẽ thực hiện xét nghiệm cho các bệnh nhân vừa mắc COVID-19, vừa mắc các bệnh nền. Từ kết quả xét nghiệm sinh hoá, các bác sĩ trực tiếp điều trị COVID-19 tại đây sẽ đưa ra phác đồ phù hợp cho từng người bệnh.

Những ngày ở tâm dịch cũng là ngày giáp Tết, anh Hoàng và đồng đội lúc này đang trong tình trạng “trực chiến” nên cũng quên mất nghỉ ngơi. Niềm vui lớn nhất của anh chính là những cuộc điện thoại Facetime từ gia đình, những lời động viên “Bố ơi, cố lên” từ hai người con.

“Tôi sợ mình bị mắc bệnh khiến đồng nghiệp phải điều trị cho mình, sợ cảm giác phiền cho mọi người” – anh Hoàng kể về những cảm xúc khi ở tâm dịch Gia Lai.

4 ngày sau (tức 28 Tết), đội phản ứng nhanh của anh Hoàng về lại TPHCM và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho đến giao thừa. Suốt thời gian này, anh tự cách ly tại nhà, sinh hoạt riêng, tránh giao tiếp với những người trong gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

Ngay giây phút giao thừa, anh Hoàng cũng từ xa nhìn vợ con cúng Tất niên. Đây là cái Tết đặc biệt nhất trong suốt 17 năm làm nghề của người đàn ông này. “Cái Tết khó quên đối với gia đình tôi và cũng là dịp để tôi được giúp người, giúp đời. Đến bây giờ, qua nhiều thăng trầm của công việc, tôi vẫn tự hào khi chọn nghề y và theo đuổi nghiệp này” – anh Hoàng cười nói khi được hỏi về quyết định lựa chọn nghề y.

“Mình không xung phong thì ai?”

Không chỉ đội ngũ hành nghề y lâu năm, những bác sĩ trẻ cũng tình nguyện vào các khu cách ly những ngày Tết. Đối với bác sĩ trẻ Nguyễn Tấn Nghĩa (25 tuổi, quê Quảng Nam), Tết Tân Sửu là những ngày thật đặc biệt.

Chàng trai này vừa tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM, làm việc Trung tâm y tế quận Bình Thạnh, TPHCM. Khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp những ngày cuối năm, anh tình nguyện xung phong vào khu cách ly tập trung của quận để hỗ trợ những trường hợp F1.

Công việc bắt đầu từ ngày 1.2 (20 âm lịch) và chưa biết ngày kết thúc. Gần 1 tháng trôi qua, bác sĩ Nghĩa đã có khoảng thời gian tuy cực nhưng rất đáng trân trọng ghi dấu những bước chân đầu tiên bước vào nghề y.

Tại khu cách ly tập trung quận Bình Thạnh, anh Nghĩa phải trực 24/24, đo nhiệt độ, nhập thông tin những người đang cách ly lên phần mềm, nhắc nhở nội quy và lên danh sách lấy mẫu xét nghiệm. Lần đầu ăn Tết xa bố mẹ, bạn bè, BS Nghĩa có chút nhớ quê nhưng công việc bận rộn khiến anh vơi đi phần nào nỗi nhớ.

“Mình không xung phong thì ai sẽ làm công việc này. Bao giờ tình hình dịch bệnh ổn định thì mình lại về thăm nhà. Có trực tiếp tham gia chống dịch mình mới hiểu nỗi vất vả của các y bác sĩ và càng vững tin vào lựa chọn của bản thân” – BS Nghĩa tâm sự.

Ngày 27.2 tới, nhiều đơn vị y tế tại TPHCM quyết định dừng các hoạt động chúc mừng nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam để tập trung phòng chống dịch COVID-19. Tuy các “thiên thần áo trắng” không được chung vui vào ngày đặc biệt của nghề nhưng trong lòng mọi người, họ chính là những chiến binh (Lao động, trang 5).

 

Những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch: “Mẹ đi đánh con COVID, hết dịch mẹ sẽ về”

Đó là lời của bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung – khoa Nội Bệnh viện Đại học Kỹ thuật – Y tế Hải Dương với 2 con trước khi lên đường tham gia tuyến đầu chống dịch. Có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 2 mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của những người thầy thuốc nơi đây.

Gác niềm riêng để gánh nỗi lo chung

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 tại Hải Dương, ngày 28.1.2021, Bộ Y tế đã chính thức huy động Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trở thành bệnh viện dã chiến số 2 tại Hải Dương tham gia thực hiện điều trị tại chỗ các ca bệnh COVID-19. Mặc dù đang cận kề dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những “chiến sĩ áo trắng” tiếp tục gánh trên vai trọng trách nặng nề đứng trên tuyến đầu chống dịch.

Có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Hải Dương mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ ở nơi tuyến đầu chống dịch.

TS-BS Nguyễn Hằng Lan – Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương – đã tạm gác những nỗi niềm gian truân, vất vả của gia đình để tập trung sức lực quản lý, điều hành, đưa Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương thành Bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh Hải Dương điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Mặc dù cả bố đẻ và chồng chị đều đang mắc bệnh hiểm nghèo, hơn bao giờ hết cần người sẻ chia, chăm sóc, nhưng vì nhiệm vụ chung, chị đã gắng thu xếp việc gia đình để nhận trọng trách được giao.

Ngay sau khi nhận được lệnh trưng dụng bệnh viện trường thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, cùng với tập thể lãnh đạo trường, TS-BS Nguyễn Hằng Lan đã họp khẩn xuyên đêm 28.1.2021 để bàn bạc, triển khai các giải pháp nhanh chóng đưa bệnh viện dã chiến vào hoạt động, sẵn sàng đón nhận bệnh nhân chỉ sau 24 giờ chuẩn bị. Chị đã không quản ngày đêm, không quản khó khăn, gian khổ túc trực tại bệnh viện, quản lý điều hành các hoạt động của bệnh viện để đón, điều trị, chăm sóc một cách tốt nhất cho người bệnh.

Những ngày đầu thành lập bệnh viện dã chiến, khó khăn thiếu thốn trăm bề, chị bận rộn như con thoi, miệng nói tay làm, vừa quản lý, điều hành, vừa triển khai công tác chuyên môn và chỉ đạo các khâu tiếp đón bệnh nhân vào viện. Đêm giao thừa, chị cũng không về đoàn tụ bên những người thân trong gia đình mà có mặt tại phòng họp của bệnh viện cùng đoàn chuyên gia Bộ Y tế động viên cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện và triển khai các biện pháp điều trị cho người bệnh.

Hỗ trợ đắc lực cho giám đốc điều hành hoạt động chuyên môn của bệnh viện phải kể đến TS-BS Nguyễn Đình Dũng – Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Anh chia sẻ: “Bố mẹ tôi ở xa, cả hai vợ chồng đều công tác trong ngành Y tế. Ngay khi nhận được nhiệm vụ vào tối 28.1, tôi khẩn trương sắp xếp công việc gia đình, gửi hai con về cho ông bà nội ở Bắc Ninh, lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần sẵn sàng và quyết tâm cao nhất”.

Từ khi bệnh viện dã chiến số 2 đi vào hoạt động, chưa đêm nào anh có mặt ở nhà. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kể từ những giây phút bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, TS-BS Nguyễn Đình Dũng đã tham gia bố trí, sắp xếp nhân lực: Phân công bác sĩ, điều dưỡng của các kíp trực phù hợp với vị trí công tác, chuẩn bị các phương án điều phối nhân lực, hỗ trợ chuyên môn các nhóm điều trị, sẵn sàng là thành viên kíp trực khi cần điều động… BS Dũng luôn có mặt, sát cánh cùng đồng nghiệp, tổ chức phân luồng, kiểm soát, khám sàng lọc bệnh nhân, chuẩn bị nhóm hồi sức cấp cứu, sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân nặng, đồng hành hỗ trợ các kíp trực để anh chị em bác sĩ, điều dưỡng yên tâm công tác.

Anh đã có nhiều đêm thức trắng tại bệnh viện khi bệnh nhân nhập viện đông, diễn biến bệnh phức tạp… Kinh nghiệm công tác đã tôi luyện thêm cho BS Dũng có cái nhìn đa chiều và điều phối nhân lực phục vụ công tác điều trị tại bệnh viện hợp lý, hiệu quả, góp phần chung sức, đồng lòng cùng cán bộ, viên chức bệnh viện đẩy lùi dịch bệnh.

“Mẹ đi đánh con COVID-19”

Cùng với các chuyên gia y tế của Bệnh viện Bạch Mai, trực tiếp có mặt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung (Khoa Nội, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) đang được nhà trường cử đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn tại Hà Nội. Khi biết được thông tin bệnh viện trường trở thành Bệnh viện dã chiến số 2 và đang rất thiếu bác sĩ, điều dưỡng phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, BS Nhung đã nhanh chóng di chuyển từ Hà Nội về Hải Dương để kịp thời tham gia công tác chống dịch.

BS Nhung chỉ kịp về qua nhà thu dọn ít đồ đạc cá nhân và nhắn lại với chồng: “Em đi lần này chắc qua Tết mới về. Em chưa kịp sắm sửa gì cho ông bà nội ngoại 2 bên, cho anh và các con. Anh giúp em nhé! Hai con nhỏ nhìn mẹ thu dọn đồ đạc liền bám lấy, nước mắt giàn giụa: “Mẹ ơi, sao mẹ vừa về đã phải đi rồi? Mẹ ở nhà ngủ với con 1 đêm thôi, mai mẹ hãy đi. Mẹ ơi, Tết mẹ có về không?”.

“Tôi nuốt nước mắt vào trong, ôm hai con vào lòng và nói: Mẹ đi đánh con COVID-19. Hết dịch mẹ sẽ về” – BS Nhung chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung đã xung phong tình nguyện tham gia kíp trực đầu tiên. Những ngày đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, còn vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ nhưng với sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trường và lãnh đạo bệnh viện cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế Trung ương, bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung với vai trò kíp trưởng, đã không ngại khó khăn, gian khổ và hiểm nguy đang rình rập, điều hành kíp truyền nhiễm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sau 14 ngày làm việc liên tục, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19, kết thúc kíp làm việc, bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung vẫn tiếp tục sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công.

Còn rất nhiều những “chiến sĩ áo trắng” khác tại tâm dịch Hải Dương đã tạm để lại sau lưng gia đình mình để toàn tâm toàn ý chống dịch. Họ chính là những “chốt chặn” nơi tuyến đầu để mang lại bình yên cho người dân (Lao động, trang 5).

 

Bác sĩ truy vết F1 thâu đêm

Vừa trải qua cuộc chiến chống dịch bạch hầu cả năm 2020 thì đầu năm 2021, toàn bộ nhân viên y tế tỉnh Gia Lai lại tiếp tục đối diện với dịch COVID-19 bùng phát. Nhân viên y tế chịu nhiều khó khăn, thử thách chống chọi dịch bệnh cho đến ngày khống chế, dập tắt được dịch.

Bác sĩ Lê Văn Vinh – Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai – cho biết, khi dịch mới xuất hiện ở thị xã Ayun Pa vào ngày 29.1, đoàn công tác phải tiến hành truy vết F1 một cách nhanh nhất. Khi truy vết, nhiều bà con địa phương thường khai báo không có tiếp xúc và không nhớ là đã tiếp xúc với F0, gây khó khăn. Có người còn không chịu vào khu cách ly, nại lý do con nhỏ ở nhà không ai chăm, người thân đau ốm.

Dịch bùng phát vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nên nhiều người đắn đo không muốn đi cách ly dài ngày. Có nhiều hoàn cảnh đặc biệt như phụ nữ có con nhỏ thì bác sĩ Vinh thống nhất với Ban chỉ đạo, đưa cả 2 mẹ con vào khu cách ly, chăm lo chu đáo cho họ. Nhiều người vào khu cách ly thấy chỗ ăn ở, sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp đã xóa bỏ tâm lý sợ hãi, tự giác sắp xếp đồ đạc, gửi chìa khóa nhà cho hàng xóm để đi cách ly.

Bác sĩ Vinh kể, khi ngồi trên xe vào khu cách ly, vẻ mặt người dân ai cũng toát lên nỗi lo sợ, lúc này bác sĩ sẵn sàng lên xe ngồi chung với bệnh nhân. Bác sĩ tâm sự, chia sẻ với họ việc virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh nhưng không phải dễ, nếu chúng ta biết đề phòng, giữ khoảng cách, giữ vệ sinh và rửa tay thường xuyên. Được y, bác sĩ động viên, mọi người tự tin hơn, xóa đi tâm lý lo sợ ban đầu.

Đêm về, có khi bác sĩ trẻ chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ, ăn vội miếng cơm rồi xách balô đi làm nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu. Còn F1 trong cộng đồng thì bác sĩ chưa ăn ngon ngủ yên được. Vợ bác sĩ Vinh là dược sĩ nên hiểu, thông cảm và gọi điện động viên anh cố gắng hằng ngày. Từng có 20 năm làm công tác dự phòng bệnh truyền nhiễm, vợ là người giúp anh vượt qua bao khó khăn. Nỗi nhớ nhà và 2 đứa con nhỏ cũng là động lực để giúp anh sớm hoàn thành nhiệm vụ, thắng dịch COVID-19.

Trong dịch COVID-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai với công suất xét nghiệm chỉ 300 mẫu/ngày, trước diễn biến dịch lan rộng phải tăng lên 3.000 mẫu/ngày với sự trợ giúp của Bộ Y tế. Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng đưa các chuyên gia giỏi về virus qua hỗ trợ xét nghiệm (Lao động, trang 5).

 

Chúc mừng cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2)

Sáng 25-2, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn; khen thưởng các cá nhân tiêu biểu của ngành y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Qua kiểm tra tại Bệnh viện Thanh Nhàn, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao sự triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, không để xảy ra lây nhiễm trong cán bộ, nhân viên y tế, cũng như người nhà người bệnh. Tuy vậy, đồng chí lưu ý Bệnh viện Thanh Nhàn không được chủ quan, mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch. Gửi lời chúc đến đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, đồng chí Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ cho ngành y tế Thủ đô ngoài việc tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, phải chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng thiết bị, nhân lực để ứng phó tình hình dịch có thể diễn biến phức tạp hơn, không để bị động, không bất ngờ trong mọi tình huống; đồng thời sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác theo yêu cầu. Đồng chí cũng yêu cầu sau đợt phòng, chống dịch này, ngành y tế cần tổng kết, đánh giá lại năng lực chuyên môn, từ đó định hướng bài bản hơn cho toàn ngành, trong đó chú ý đến y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân và y tế dự phòng.

★ Cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương đến chúc mừng và trao quà trị giá gần 1,6 tỷ đồng tặng các đơn vị y tế và sinh viên ngành y ở tuyến đầu chống dịch. Tại hai Bệnh viện dã chiến số 1 và số 3 ở TP Chí Linh, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng, tặng quà và cảm ơn đội ngũ cán bộ y tế đã không quản khó khăn vất vả, ứng trực suốt những ngày Tết cổ truyền, hết lòng chăm sóc điều trị người bệnh Covid-19 trong mọi thời điểm. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng thăm hỏi, tặng hoa chúc mừng đội ngũ thầy thuốc ở Bệnh viện dã chiến số 2 ở TP Hải Dương, đội ngũ giảng viên và sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và đội ngũ y tế đang trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

★ Ngày 25-2, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Ban thi đua khen thưởng của tỉnh và ngành y tế tỉnh tổ chức lễ trao Huân chương Lao động hạng ba, tặng Thầy thuốc Ưu tú Phạm Cao Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú tặng 13 thầy thuốc thuộc các cơ sở y tế trong tỉnh; trao tặng 21 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 21 tập thể, cá nhân là các bác sĩ, y tá có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
★ Ngày 25-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố và trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”. Đợt này, Quảng Ngãi vinh dự có 11 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú (Nhân dân, trang 2).

Chín tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận người mắc Covid- 19 trong cộng đồng

Chiều 25-2, Việt Nam ghi nhận thêm tám ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có bảy ca lây trong cộng đồng tại Hải Dương và một ca nhập cảnh được cách ly tại Tây Ninh.

Trong ngày hôm nay, tỉnh Hải Dương ghi nhận bảy ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có một ca bệnh tại huyện Bình Giang được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc (BN2416) và một ca bệnh tại thành phố Chí Linh qua giám sát trường hợp có triệu chứng nghi ngờ (BN2418).

Tỉnh Hải Dương cũng phát hiện thêm năm ca bệnh đã được cách ly trước đó, trong đó có một ca bệnh tại thành phố Hải Dương là F1 của BN2210, đã được cách ly tập trung trước đó từ ngày 15-2 ( BN2414). Một ca bệnh tại huyện Tứ Kỳ là F1 của BN2408, đã được cách ly tập trung từ ngày 24-2 (BN2415). Một ca bệnh tại thành phố Hải Dương là F1 của BN2190, đã được cách ly tập trung trước đó từ ngày 12-2 (BN2417); Hai ca bệnh tại huyện Cẩm Giàng, là các trường hợp có liên quan đến ổ dịch Công ty Kuroda Kagaku, trong đó một ca đã được cách ly tại nhà từ ngày 9-2 và một ca được ca cách ly tại nhà từ 14-2 (BN2419-2420). Hiện các ca bệnh BN2414-2420 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 – Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Ca bệnh BN2417 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 – Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh.

Hôm nay, Việt Nam cũng phát hiện một ca nhập cảnh tại Tây Ninh là nữ, 25 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Bệnh nhân nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ngày 22-2, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 24-2 của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (BN2413). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.520 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 827 ca. Chín tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh). Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, hiện Việt Nam ghi nhận 2.420 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.804 ca đã được điều trị khỏi. Trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 62 ca âm tính lần 1, 57 ca âm tính lần 2 và 77 ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 (Nhân dân, trang 8).

 

Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng thầy thuốc, cán bộ y tế tiêu biểu

Các đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Trần Lưu Quang – phó bí thư thường trực Thành ủy và ông Nguyễn Hồ Hải – phó bí thư Thành ủy – làm trưởng đoàn đã đến thăm thầy thuốc, cán bộ y tế nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Chiều 25-2, nhân ngày 27-2, đoàn cán bộ TP.HCM do ông Trần Lưu Quang – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – dẫn đầu đã đến thăm, chúc mừng gia đình viện sĩ, tiến sĩ, bác sĩ Dương Quang Trung – anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM và phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Trung Chiến – nguyên bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại gia đình các cán bộ y tế, ông Quang đã thay mặt lãnh đạo TP thăm hỏi sức khỏe, gửi lời tri ân sâu sắc với những đóng góp, cống hiến của cán bộ cho ngành y tế.

Ông Quang cũng hi vọng các cán bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, truyền lửa cho các thế hệ phía sau để tiếp tục thúc đẩy ngành y tế của TP và của cả nước.

Cùng ngày, đoàn đại biểu TP.HCM do ông Nguyễn Hồ Hải – phó bí thư Thành ủy TP.HCM – làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Anh – nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1.

Đoàn cũng đã đến thăm dược sĩ Trần Văn Nhiều – Anh hùng lao động, nguyên giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic (Tuổi trẻ, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/1/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận