Điểm báo ngày 26/4/2022

(CDC Hà Nam)
Chuyên gia y tế cảnh báo thời gian tái nhiễm COVID-19 đang rút ngắn; Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về khám chữa bệnh hậu Covid-19; Việt Nam đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi; …

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về khám chữa bệnh hậu Covid-19

Theo Bộ Y tế có đến 203 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19, có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát. Người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành, các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh…

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các Bộ, ngành về việc khám chữa bệnh hậu COVID-19.

Tránh lạm dụng chỉ định khám chữa bệnh hậu COVID-19

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, số lượng người mắc COVID-19 đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.

Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện một số nội dung, cụ thể:

Các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu COVID-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (COVID-19)…

Khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19) nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.

Thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo công tác khám bệnh, chữa bệnh, khám hậu COVID-19 phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.

Người dân cần đi khám hậu COVID-19 khi nào?

Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh.

Một số nội dung chính cần truyền thông gồm:

  •  Sau mắc COVID-19 một số người chậm hồi phục sức khỏe cần được theo dõi sức khỏe.
  •  Hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc COVID-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác (theo Tổ chức Y tế thế giới và Viện NICE – Vương Quốc Anh).
  • Các triệu chứng hậu COVID rất đa dạng: có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…
  • Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu COVID-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe.
  •  Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh hậu COVID-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép.
  •  Người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.
  •  Một số nội dung truyền thông khác phải dựa trên các khuyến cáo, hướng dẫn, bằng chứng khoa học tin cậy trong nước và quốc tế.

Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.

Đồng thời Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các Vụ, Cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

Việt Nam đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi
Thông tin từ Bộ Y tế chiều ngày 24/4 cho biết, đến nay đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi tại 45 tỉnh, thành phố. Tuần tới, các địa phương còn lại bắt đầu tiêm cho trẻ trong độ tuổi này với mục tiêu “tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi đến chiều ngày 24/4 là 575.771 liều (mũi 1).

Như vậy sau mười ngày triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, tính từ ngày 14/4 khi Quảng Ninh tiến hành tiêm cho gần 200 trẻ đầu tiên học lớp 6 trường THCS Trần Quốc Toản ( TP Hạ Long), đến nay đã có 45/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế là TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, TP Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Bạc Liêu.

Ngày mai- 25/4, các địa phương tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi theo lộ trình tiêm trẻ lớp 6 trước sau đó hạ dần độ tuổi và khối lớp.

Theo GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2; Nhân dân, trang 5)

 

Hà Nội tạm dừng, thu gọn các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19
Với số ca mắc COVID-19 mới giảm mạnh thời gian gần đây, nhiều cơ sở thu dung điều trị F0 thể nhẹ tại Hà Nội đang được tạm dừng, thu gọn.

Trạm Y tế lưu động số 1 huyện Thanh Trì cuối năm 2021 từng là một trong những Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 thể nhẹ đầu tiên của Hà Nội. Cùng với đó là 20 Trạm Y tế đã được kích hoạt đồng loạt tại 16/16 xã, thị trấn của huyện Thanh Trì. Đến nay, khi dịch có xu hướng giảm, huyện Thanh Trì đã có những thay đổi để thích ứng.

Bà Nguyễn Kim Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết: “Chúng tôi đã xin ý kiến huyện và huyện đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động của các cơ sở thu dung và 13 Trạm y tế lưu động. Tất cả cơ sở khi dừng hoạt động, chúng tôi đã phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện cũng như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện để thực hiện các biện pháp y tế, đảm bảo khử sạch, khử khuẩn và bàn giao lại cho các đơn vị trường học tiếp tục hoạt động”.

Bên cạnh việc tạm dừng phần lớn hoạt động của các cơ sở thu dung và các Trạm y tế lưu động, Y tế huyện Thanh Trì đã có những phương án từng bước, không để bị động trước tình hình dịch có thể thay đổi.

Bà Nguyễn Kim Nhung cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn đang còn 7 trạm y tế lưu động đang hoạt động, sẽ tiếp tục tạm dừng hoặc là kích hoạt lại tuỳ theo tình hình dịch trên tinh thần tạm dừng, chứ không giải thể. Tất cả Trạm y tế lưu động hay các cơ sở thu dung F0 đều có thể kích hoạt ngay lập tức trên những kinh nghiệm đã đúc rút để có thể triển khai rất nhanh khi cần trở lại”.

Cùng với huyện Thanh Trì nhiều quận, huyện khác của Hà Nội cũng đã và đang giải thể, tạm dừng các cơ sở thu dung bệnh nhân COVID-19 không sử dụng đến.

Còn tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 – nơi điều trị F0 nặng nhất của Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc, khu vực phòng đệm, tiếp đón cấp cứu đầu tiên bệnh nhân COVID-19 hiện nay gần như không có bệnh nhân. Toàn bệnh viện đang điều trị khoảng 20 bệnh nhân ở mức độ trung bình.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho hay: “Lúc đỉnh dịch, bệnh viện hoạt động tới 9 Đơn nguyên, điều trị khoảng hơn 250 bệnh nhân. Hiện tại, bệnh viện đang vận hành 2 đơn nguyên, trong đó mỗi đơn nguyên chỉ vận hành dưới 1 nửa, áp lực cho các nhân viên y tế đã giảm đi rất nhiều”.

Việc tạm dừng, thu gọn loạt cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là cần thiết nhằm tránh lãng phí thiết bị y tế và nhân lực vận hành. Bên cạnh đó là tâm thế sẵn sàng huy động đưa vào sử dụng lại khi có những diễn biến mới của dịch bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)

 

Chuyên gia y tế cảnh báo thời gian tái nhiễm COVID-19 đang rút ngắn
Andrea McLean bị sốc khi cô lại nhìn thấy vạch đôi trên xét nghiệm kháng nguyên nhanh của mình.

McLean bị nhiễm COVID-19 lần đầu tiên vào đầu tháng 3 và xét nghiệm dương tính lại vào tuần trước một tháng sau lần nhiễm trùng đầu tiên.

“Tôi đã rất ngạc nhiên khi các triệu chứng bắt đầu trở lại và khi biết mình thực sự có kết quả xét nghiệm dương tính một lần nữa” – cô McLean cho biết.

Các nhà dịch tễ học cho biết thời gian tái nhiễm có thể ngắn hơn với các biến thể Omicron mới.

“Các biến thể Omicron mới có khả năng vượt qua một số phản ứng miễn dịch sớm. Điều đó có nghĩa là chúng ta không có mức độ bảo vệ chống lại sự lây nhiễm mà chúng ta đã có trước đó” – Phó giáo sư Jason Kindrachuk – Chủ nhiệm khoa nghiên cứu các loại virus mới nổi tại Đại học Manitoba (Mỹ) cho biết.

“Việc chúng ta nhiễm bệnh không có nghĩa ngày hôm sau hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động trở lại 100% hoặc đạt mức cao, mà phải cần có thời gian. Khi tiếp xúc với virus hoặc bị tái nhiễm hoặc bị nhiễm lần đầu tiên, sẽ mất thời gian để hệ thống miễn dịch của cơ thể hồi phục trở lại sau đó” – phó giáo sư Kindrachuk giải thích.

Cynthia Carr, nhà dịch tễ học và là người sáng lập EPI Research, cho biết miễn dịch đối với COVID-19 tương tự như bệnh cảm lạnh thông thường, vì vậy một người có thể bị nhiễm trùng nhiều lần. “Đây không phải là bệnh thủy đậu, chỉ mắc một lần trong đời” – bà Carr khẳng định.

Theo bà Carr,  càng nhiều người mắc bệnh, càng có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2.

Nhà dịch tễ học này cũng khẳng định có khả năng tái nhiễm COVID-19 chỉ trong thời gian ngắn sau lần mắc đầu tiên. Khả năng này xảy ra trong trường hợp virus vẫn “núp” trong cơ thể người ở một tải lượng rất thấp, sau đó, khi người bệnh suy giảm sức khỏe hoặc một số yếu tố nào đó khiến hệ miễn dịch suy yếu, virus lại nhân lên.

Các nhà dịch tễ học đều đồng ý rằng tiêm vaccine, đeo khẩu trang và tránh xa xã hội là cách bảo vệ tốt nhất để bạn không bị nhiễm COVID-19.

May mắn cho McLean là cô chỉ bị triệu chứng nhẹ cho lần tái nhiễm này. Theo McLean, việc tiêm phòng đã giúp cô tránh được nguy cơ trở bệnh nặng. Tuy nhiên, McLean muốn nêu ra trải nghiệm của mình như một lời cảnh báo cho những người khác.

“Hãy đề cao cảnh giác, ngay cả khi dịch bệnh chỉ ở mức độ nhẹ. Rất may, tôi nghĩ rằng vaccine đã bảo vệ chúng tôi khỏi nhiều trường hợp nghiêm trọng, nhưng đồng thời, tôi cũng không mong sớm trải qua điều này (việc tái nhiễm) một lần nữa” – McLean khẳng định. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 10)

 

Chữa ung thư bằng các phương pháp không chính thống làm mất cơ hội điều trị, tăng nguy cơ tử vong
Ung thư luôn được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Đa phần bệnh nhân ung thư nghĩ rằng mình đang mang án tử trên người, nên bệnh nhân sẵn sàng tìm kiếm bất cứ phương pháp nào được giới thiệu là chữa khỏi ung thư.

Hiện nay có nhiều phương pháp chính thống để điều trị ung thư bao gồm hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nội tiết, điều trị đích và điều trị miễn dịch. Các phương pháp này đều có bằng chứng khoa học rõ ràng, an toàn, hiệu quả và được sự chấp thuận từ các tổ chức y khoa trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp không chính thống được nhiều người truyền nhau để điều trị ung thư, đó là phương pháp bổ sung và phương pháp thay thế.

1. Các phương pháp điều trị ung thư không chính thống
1.1. Phương pháp bổ sung điều trị ung thư

Phương pháp bổ sung là những phương pháp hỗ trợ được sử dụng cùng với phương pháp điều trị ung thư chính thống. Các phương pháp này không phải là phương pháp điều trị ung thư mà chỉ hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu của ung thư và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị chính thống.

Trung tâm Quốc gia Hoa Kỳ về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH) phân loại các phương pháp bổ sung thành ba nhóm lớn.

– Nhóm các sản phẩm tự nhiên, dễ dàng được tìm thấy tại các nhà thuốc đông y và tây y. Nhóm này bao gồm thực phẩm chức năng, thảo dược, vitamin và khoáng chất, men vi sinh.

– Nhóm luyện tập thân thể và tinh thần, gồm yoga, châm cứu, kỹ thuật thư giãn, trị liệu cảm ứng, trị liệu vận động, thái cực quyền, khí công và thôi miên. Trong đó, yoga, trị liệu thần kinh cột sống, nắn xương, xoa bóp và thiền là các phương pháp được dùng nhiều nhất.

 Nhóm các phương pháp như y học cổ truyền Trung Quốc, y học Hindu truyền thống Ayurveda, phương pháp thuận tự nhiên và vi lượng đồng căn.

Ở các nước phát triển, phương pháp bổ sung thường không được đưa vào hệ thống y tế. Tuy nhiên bệnh nhân ung thư sử dụng các phương pháp này ngày càng nhiều và theo một nghiên cứu có đến một nửa số bệnh nhân ung thư sử dụng ít nhất một phương pháp bổ sung bên cạnh các phương pháp điều trị chính thống.

1.2. Phương pháp thay thế

Đúng như tên gọi, phương pháp thay thế là các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư thay cho phương pháp chính thống. Hiện nay, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy phương pháp thay thế có thể chữa khỏi ung thư.

Các phương pháp bổ sung cũng được xem là phương pháp thay thế nếu như bệnh nhân dùng các phương pháp đó thay cho điều trị tiêu chuẩn. Thực tế cho thấy vì lợi nhuận mà nhiều người giới thiệu các phương pháp điều trị thay thế này cho bệnh nhân, vì họ biết rằng bệnh nhân ung thư sẵn sàng chi trả mọi thứ để chữa khỏi bệnh.

2. Vì sao bệnh nhân tìm đến các phương pháp bổ sung và thay thế?

– Bệnh nhân mắc ung thư giống như đang mang án tử trên người nên họ luôn tìm đủ mọi cách để chống lại căn bệnh này.

– Phương pháp điều trị chính thống đôi khi mang lại cảm giác khó chịu, đau đớn và tác dụng phụ trong khi các phương pháp thay thế đơn giản, dễ thực hiện và không có tác dụng phụ vì thế bệnh nhân muốn tìm kiếm một phương pháp điều trị dễ chịu hơn.

– Có nhiều người quảng bá rằng các phương pháp bổ sung và thay thế giúp bệnh nhân chữa khỏi được ung thư, người tư vấn mang lại cảm giác thoải mái vui vẻ và sự hài lòng cho bệnh nhân. Bệnh nhân đôi khi tin tưởng và nghe theo lời giới thiệu của bạn bè, người thân trong gia đình về các phương pháp này.

– Các phương pháp bổ sung và thay thế có vẻ quen thuộc và gần gũi với bệnh nhân hơn do bản chất các phương pháp này chủ yếu dựa vào dinh dưỡng, cơ thể và tâm trí nên bệnh nhân cảm thấy tự chủ trong việc điều trị.

3. Những nguy hiểm khi dùng các phương pháp bổ sung và thay thế

Theo một khảo sát của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, gần 40% người Mỹ tin rằng bệnh ung thư có thể được chữa khỏi chỉ thông qua các phương pháp thay thế. Đây là điều đáng báo động vì bằng chứng cho thấy những người sử dụng các phương pháp thay thế thay cho các phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều:

– Các phương pháp bổ sung và thay thế khiến bệnh nhân gián đoạn, trì hoãn hoặc ngừng hẳn các phương pháp điều trị ung thư chính thống. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì các phương pháp chính thống mới chính là chìa khóa có thể điều trị được ung thư và được khoa học chứng minh. 

Ung thư giai đoạn sớm nếu cứ trì hoãn điều trị thì bệnh sẽ không cải thiện được. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Yale, những bệnh nhân dùng các phương pháp điều trị thay thế sẽ tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân điều trị ung thư bằng phương pháp chính thống. 

Sau trung bình 5 năm, bệnh nhân mắc ung thư vú hoặc ung thư đại trực tràng sử dụng phương pháp thay thế có nguy cơ tử vong cao gấp gần 5 lần so với bệnh nhân không dùng các phương pháp này. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc ung thư phổi không di căn sử dụng các phương pháp thay thế có nguy cơ tử vong gấp 2 lần so với bệnh nhân được điều trị thông thường.

– Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy phương pháp điều trị thay thế có thể chữa khỏi ung thư. Những người quảng bá các phương pháp này đều dựa trên trải nghiệm cá nhân nên không có đủ tính thuyết phục.

– Một số phương pháp thay thế có thể gây hại, dẫn đến các tác dụng phụ, tương tác thuốc và cản trở quá trình điều trị ung thư thông thường. Một khảo sát cho thấy có đến 60% bệnh nhân ung thư dùng hai hoặc nhiều loại thực phẩm chức năng mỗi ngày. Thực phẩm chức năng/thảo dược có khả năng gây tương tác, làm giảm hiệu quả và tăng độc tính của thuốc chữa ung thư chính thống.

– Bệnh nhân thường giấu bác sĩ khi tiến hành điều trị bằng phương pháp thay thế. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc khảo sát thái độ của bác sĩ về các phương pháp điều trị thay thế thì có đến 50% bác sĩ Tây y đồng ý với quan điểm “các phương pháp điều trị chưa có cơ sở khoa học thì không nên được khuyến khích dùng trên bệnh nhân”, trong khi nghiên cứu tại Phần Lan thì hơn 90% bác sĩ cho rằng phương pháp thay thế không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư và do đó không được khuyến khích.

– Ở các nước kém phát triển, chi phí để điều trị ung thư vượt quá khả năng chi trả của bệnh nhân, vì thế bệnh nhân tìm kiếm sự giúp đỡ từ các phương pháp thay thế. Điều này lại khiến cho bệnh nhân chậm trễ trong điều trị và dẫn đến tăng chi phí điều trị lẫn nguy cơ tử vong. Theo nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm có thể ngăn chặn ⅓ số ca tử vong.

Do đó, để tránh “tiền mất, tật mang”, bệnh nhân ung thư nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị nếu có ý định thử một trong các phương pháp điều trị ung thư không chính thống trên. Đồng thời bệnh nhân cần tỉnh táo trước các lời giới thiệu hoa mỹ về một phương pháp điều trị ung thư “bước đột phá của khoa học”, “thành phần bí mật”, “cách chữa bệnh thần kỳ” hay “phương thuốc cổ xưa”. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14).

Phan Thị Hạnh

Bài viết liên quan

Điểm báo 11/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/8/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/7/2019

CDC Hà Nam