Điểm báo ngày 26/9/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 26/9/2018

 

Vaccine cúm A/H5N1 do Việt Nam sản xuất có giá chỉ bằng 1/3 vaccine nhập khẩu; Hà Nội: Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân có chi phí cao nhất 1,48 tỷ đồng

 

Vaccine cúm A/H5N1 do Việt Nam sản xuất có giá chỉ bằng 1/3 vaccine nhập khẩu

Hiện tại, IVAC đang thực hiện các thủ tục đăng ký cấp phép cho các loại vaccine cúm mùa và vaccine cúm đại dịch, dự kiến sẽ lưu hành vào năm 2019, với giá thành chỉ bằng 1/3 so với thuốc nhập khẩu.

Ngày 25-9, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PATH – một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu, Cơ quan Nghiên cứu Phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ, đã tổ chức công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển vaccine cúm tại Việt Nam.

Theo báo cáo của IVAC, nhờ sự hỗ trợ của WHO, PATH, BARDA cùng nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, IVAC đã nghiên cứu thành công vaccine cúm mùa (với 3 chủng  A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vaccine cúm đại dịch A/H5N1.

IVAC sản xuất các loại vaccine trên với quy mô sản xuất công nghiệp, chất lượng cao, an toàn. Công suất vaccine cúm mùa là 1,5 triệu liều/năm; vaccine cúm A/H5N1 là 3 triệu liều/năm.

Theo IVAC, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,2-1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong số đó, 20-30% do vi rút cúm mùa gây ra và dịch cúm gia cầm đã xuất hiện từ năm 2003. Trong khi đó, Việt Nam từ trước tới nay đã thiếu nguồn cung cấp vaccine cúm bền vững, buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện trưởng Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), từ năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Kế hoạch hành động toàn cầu về vaccine cúm của WHO. Năm 2010, WHO, PATH, BARDA đã hợp tác với Việt Nam xây dựng kế hoạch dài hạn liên quan đến đăng ký vaccine cúm, sản xuất và sử dụng vaccine cúm, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu sản xuất vaccine cúm từ công nghệ trứng gà có phôi.

Từ năm 2012- 2018, IVAC bắt đầu công tác thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine cúm mùa và cúm A/H5N1 với nhiều giai đoạn. Kết quả tổng thể cho thấy các vaccine được dung nạp tốt và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch bảo vệ.

Hiện tại, IVAC đang thực hiện các thủ tục đăng ký cấp phép cho các loại vaccine trên và dự kiến sẽ lưu hành vào năm 2019, với giá thành chỉ bằng 1/3 so với giá thuốc nhập khẩu. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Lao động, trang 3).

 

Hà Nội: Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân có chi phí cao nhất 1,48 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến tháng 9-2018, Bảo hiểm xã hội thành phố đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho gần 8 triệu lượt người với tổng chi phí là 12.189 tỷ đồng.

Chiều nay (25-9) tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đã báo cáo kết quả thực hiện bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế trong 9 tháng đầu năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2018.

Đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, tính đến hết ngày 16-9-2018, tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 25.063 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 84,9% dân số; dự kiến đến hết năm 2018 hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP giao là 85,3%.

Để đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với 197 cơ sở y tế, trong đó 160 cơ sở y tế công lập (bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ, ngành), 37 cơ sở y tế tư nhân. Tính đến hết tháng 9-2018, đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 7.939.067 lượt người với tổng chi phí là 12.189 tỷ đồng.

Trong đó, có 20 bệnh nhân có chi phí bảo hiểm xã hội thanh toán trên 170 triệu đồng với tổng số tiền 10,49 tỷ đồng, bệnh nhân cao nhất là 1,48 tỷ đồng.

Bàn về công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong tháng 8-2018 đã đem lại kết quả với hơn 20 tỷ đồng thu về từ các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra tại 60 doanh nghiệp thu hồi được 9,31 tỷ đồng; Thanh tra, kiểm tra liên ngành (phối hợp cùng Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TB&XH) tại 58 doanh nghiệp, thu hồi được 9,55 tỷ đồng.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tại 12 doanh nghiệp, thu hồi được 1,32 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được sau thanh kiểm tra là 20,18 tỷ đồng/88,3 tỷ đồng tiền nợ. Bằng những biện pháp quyết liệt cụ thể, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.980,1 tỷ đồng. Kết quả này đã giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Giảm nợ bảo hiểm xã hội xuống 3%

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đức Hòa cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể, tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Nguyên nhân do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, tính tuân thủ pháp luật chưa cao, một số doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng nên buộc phải nợ các loại bảo hiểm.

Để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018, ông Nguyễn Đức Hoà cho biết, trong những tháng cuối năm 2018, Bảo hiểm xã hội Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa tham gia.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, phấn đấu năm 2018 giảm tỷ lệ nợ đọng xuống 3%. Trong đó, sẽ chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, doanh nghiệp nợ trước khi tiến hành thanh tra.

Đồng thời, sẽ yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; Tích cực phối hợp với các sở, ngàng tăng cường thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người lao động. (An ninh thủ đô, trang 7)

 

Hà Nam tập trung phòng chống sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, những ngày qua, bệnh sốt xuất huyết gia tăng trở lại trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 15 đến 25-9, toàn tỉnh ghi nhận 25 trường hợp có biểu hiệu lâm sàng bệnh sốt xuất huyết, trong khi từ đầu năm 2018 đến ngày 14-9, chỉ ghi nhận ba trường hợp.

Huyện Lý Nhân là địa phương có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nhất với 23 trường hợp, trong đó, riêng tại xã Nhân Chính có 18 trường hợp. Các trường hợp khác nằm rải rác ở huyện Thanh Liêm và TP Phủ Lý. Hiện, còn năm trường hợp đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, không ghi nhận trường hợp tử vong và biến chứng.

Trước tình trạng bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, ngành y tế tỉnh Hà Nam đã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương; tổ chức giám sát điều tra, xử lý ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tổng vệ sinh môi trường, lật úp và loại bỏ các vật dụng đọng nước; khi có các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, như: sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, trên da xuất hiện chấm đỏ hay vết bầm, chảy máu cam, chảy máu chân răng… phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng cũng như lây lan ra cộng đồng. (Nhân dân, trang 5)

 

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh phát hiện nhiều bệnh lý, khuyết tật

Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, ca sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đều rất cần thiết với sự phát triển cảu trẻ. Bởi mọt số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này. Tính đến 8/2018, tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn TP. Hà Nội đạt 78,9%, tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn TP. Hà Nội đạt 81,1%. Trong năm 2017, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của Hà Nội đạt 74%, qua đó đình chỉ thai nghén 289 ca do bệnh lý và khuyết tật thai nhi… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Hội nghị cấp cao Đại hội đồng LHQ về chấm dứt bệnh lao: Việt Nam khẳng định cam kết chấm dứt bệnh lao

Hội nghị cấp cao lần đầu tiên về chấm dứt bệnh lao toàn cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ được tổ chức tại New York, Mỹ từ ngày 26/9 với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, các quan chức cấp cao các thành viên LHQ. Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung , Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương , Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia – một thành viên của đoàn đại biểu Việt Nam trước chuyến tham dự hội nghị.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và những cam kết của mình trong phòng chống lao. Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia, là một trong những thành viên quan trọng của đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết chủ đề của hội nghị cấp cao đầu tiên về chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu lần này là gì? Nội dung chính các nhà lãnh đạo sẽ bàn bạc tập trung vào vấn đề gì thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Tiếp nối thành công từ Hội nghị Bộ trưởng về chấm dứt bệnh lao tại Mát-cơ-va ngày 16 và 17 tháng 11 năm 2017 vừa qua, cùng với nhiều cam kết chính trị cấp cao từ các bộ trưởng và nhà lãnh đạo của 120 quốc gia trên thế giới, đây là Hội nghị cấp cao lần đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu và là một bước tiến lớn trong việc kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của cả hệ thống chính trị các nước vào cuộc chiến chống bệnh lao.

Chủ đề chính của Hội nghị là “Đoàn kết để chấm dứt bệnh lao: Lời kêu gọi khẩn cấp toàn Thế giới đối với một đại dịch toàn cầu”. Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy nỗ lực của tất cả các quốc gia thành viên triển khai các can thiệp tích cực hướng đến chấm dứt bệnh lao, cụ thể là đảm bảo đầu tư nguồn lực để cung cấp các dịch vụ phát hiện, điều trị, chăm sóc và phòng ngừa hiệu quả cho tất cả mọi người dân.

Hội nghị cấp cao tại New York hướng đến Tuyên bố chính trị chung mang tính cụ thể và hành động giữa các nguyên thủ quốc gia về công cuộc chấm dứt bệnh lao, thể hiện qua khung trách nhiệm đa ngành, cam kết tăng cường nguồn lực và nguồn đầu tư cho phòng chống bệnh lao để cứu sống sinh mạng hàng triệu người dân.

Phóng viên: Về  phòng chống lao, Việt Nam đã đạt được những thành tựu như thế nào và liệu rằng chúng ta có cán đích thanh toán bệnh lao vào năm 2030 không, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.  Chúng ta có hành lang pháp lý khá đầy đủ cho chấm dứt bệnh lao như Nghị quyết Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao, Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015-2020.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế phòng chống lao và bệnh phổi trên toàn quốc gồm 51 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao, 15 tỉnh có đơn vị chống lao thuộc các trung tâm, các bệnh viện đa khoa và tư nhân được đào tạo cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.

Đến nay, mỗi năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm, con số này trên toàn cầu là 61%.  Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90% trong số mới mắc lần đầu). Lao đa kháng thuốc đã được phát hiện và điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh cao, đến năm 2017 đã thu nhận điều trị cho 5827 người bệnh lao kháng thuốc với tỷ lệ khỏi bệnh trên 75%, con số này trên toàn cầu là 52%.

Hiện nay, Chương trình có thể điều trị cho tất cả các thể lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến năm 2018 sẽ thu nhận 3420, năm 2019 là 4050 và năm 2020 là 4680 trường hợp …

Phóng viênĐược biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu, là hình mẫu trong phòng chống lao. Vậy, tại hội nghị Đại hội đồng LHQ về chấm dứt bệnh lao lần này, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ mang đến hội nghị  những đóng góp gì ?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam cho rằng, chấm dứt bệnh lao không chỉ là trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi quốc gia, mà đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của nhiều nước trên thế giới. Nên Việt Nam sẽ bày tỏ cam kết và ủng hộ mạnh mẽ một Chương trình nghị sự toàn cầu về chấm dứt bệnh lao để có thể tránh đi cái chết của hàng triệu người và đem lại hạnh phúc cho hàng chục triệu gia đình mỗi năm trên trái đất này. Trong đó, nhấn mạnh các nội dung:

Lao là một bệnh lây theo đường không khí, không thể thực hiện chấm dứt bệnh lao trên một quốc gia đơn lẻ. Vì vậy, kêu gọi sự nỗ lực toàn cầu thể hiện bằng cam kết chính trị tăng cường đầu tư nguồn lực của các quốc gia thành viên cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao là hết sức cần thiết.

Trong mỗi quốc gia, để chấm dứt bệnh lao không thể thực hiện được bởi riêng hệ thống y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị như trong chiến lược quốc gia. Khung trách nhiệm đa ngành sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của các ngành các cấp và cộng động vào đẩy nhanh tiến độ triển khai các can thiệp để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao cuả từng địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu.

Cần có sự đột phá về khoa học công nghệ tìm ra công cụ mới, phương pháp điều trị hiệu quả hơn, thân thiện hơn mới có thể đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Kêu gọi nỗ lực toàn cầu, sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như đầu tư thoả đáng cho nghiên cứu lao trên phạm vi toàn thế giới là hết sức cần thiết.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông (Sức khỏe & Đời sống, trang 12)

 

Bỏ tiêm vắc xin, nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng nặng

Trong 2 tháng qua, số ca mắc sởi vào BV Nhi TƯ điều trị có xu hướng gia tăng, tại một số BV khác cũng ghi nhận gia tăng bệnh nhân sởi. Riêng tại Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 389 trường hợp mắc sởi, 75% là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm đông nhất… (Sức khỏe & Đời sống, trang 12)

 

Bệnh nhân BHYT căng thẳng vì thiếu thuốc

Thay vì bệnh nhân được lãnh thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng do bệnh viện bị thiếu thuốc nên bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra mua.

Ngày 19-9, bà TM 60 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TPHCM đến Bệnh viện Q.Tân Phú khám BHYT bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ mãn tính. Sau khi kê toa một số loại thuốc, bác sĩ khám bệnh viết thêm thuốc Clopidogrel 75Mg để bà mua thêm vì bệnh viện đang thiếu loại thuốc này. Bà M kể 5-6 năm nay, bà đều đặn khám BHYT ở bệnh viện này nhưng chưa từng có chuyện phải ra ngoài mua thuốc như thế này… (Tuổi trẻ, trang 2)

 

Phẫu thuật thành công cắt nang tuyến phổi khổng lồ

Ngày 25-9, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, sau 2 ngày phẫu thuật cắt nang tuyến phối, sức khỏe của bệnh nhân Trần T.P.T, 3 tháng tuổi, ở TP. Móng Cái, Quảng Ninh đã ổn định và đang được chăm sóc và theo dõi đặc biệt tại khoa HSCC… (Công an nhân dân, trang 2)

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/9/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận