Điểm báo ngày 28/11/2019

(CDC Hà Nam)
Nguy cấp vẫn đòi ‘sinh thuận tự nhiên’; Tăng cường vận động thể lực giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng; Khen thưởng các bác sĩ cấp cứu kịp thời bệnh nhân…

 

Năm 2019: Xử lý dứt điểm bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế

Giải quyết dứt điểm những bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế, xử lý nghiêm các sai phạm, xem xét thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiếp tục khẩn trương triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 – đó là những nội dung chính quan trọng trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua trong chiều nay, 27/11.

Với 446/447 Đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92.34%), chiều 27/11 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Xử lý nghiêm cán bộ công chức tham nhũng sai phạm

Nghị quyết nêu rõ, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ chống dịch bệnh, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ chính sách.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành Thủy sản bền vững; Sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong hỗ trợ đóng tàu; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ chính sách, tăng cường ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp.

Đối với lĩnh vực công thương, khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh; giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan chức năng ở địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đối với lĩnh vực nội vụ, theo Nghị quyết, cần tiếp tục thực hiện theo lộ trình việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, phân loại đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với các nội dung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ; xử lý nghiêm các sai phạm, xem xét thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, vi phạm các quy định trong thực thi công vụ, không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Năm 2019, xử lý dứt điểm những bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế; chỉ đạo sát sao đối với việc thực hiện tinh giản số lượng người làm việc trong ngành giáo dục, y tế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, song vẫn phải bảo đảm đủ khả năng cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội.

Tiếp tục triển khai khai quy hoạch báo chí

Nghị quyết còn nêu rõ, thời gian tới sẽ tiếp tục khẩn trương triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Khẩn trương ban hành quy định của pháp luật để quản lý hoạt động của tạp chí điện tử; rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan báo chí…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát chặt chẽ các điều kiện về cấp phép trong lĩnh vực báo chí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, tổng biên tập trong việc để xảy ra vi phạm; thiết lập và phát triển đường dây nóng phản ánh sai phạm trong hoạt động báo chí tại địa phương…

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; xử lý nghiêm tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí; có giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng; tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng “sim rác”, “tin nhắn rác”, “cuộc gọi rác”. (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Tăng cường vận động thể lực giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

Ngày 27-11, tại hội thảo ung thư Việt – Pháp lần thứ ba với chủ đề về ung thư đại trực tràng và khối u hệ thần kinh trung ương, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết, trong năm 2018, Việt Nam có gần 165.000 ca mắc mới ung thư, trong đó có 115.000 ca tử vong.

Riêng ung thư đại trực tràng, số ca mắc mới là hơn 14.700 ca và tử vong gần 9.300 ca mỗi năm. Với ung thư não và các khối u hệ thần kinh trung ương, hằng năm có hơn 3.500 ca mắc mới và hơn 3.000 ca tử vong. Tại Bệnh viện K trung ương, mỗi tháng chẩn đoán mới khoảng 200 ca và trung bình mỗi năm có khoảng 2.400 người bị ung thư đại trực tràng. Trong số các bệnh ung thư được ghi nhận tại nước ta, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Bệnh này ngày càng trẻ hóa và có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt như: Lười vận động, ăn uống ít rau, củ, quả, ăn nhiều mỡ, thịt, thức ăn nhanh, thực phẩm nướng, nhiều muối…

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Quảng, nhiều nghiên cứu cho thấy, người có hoạt động thể lực thường xuyên sẽ giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với người ít vận động. Ngoài ra, người có chế độ ăn hơn 800 gram rau, củ, trái cây mỗi ngày làm giảm 0,74 lần nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với người tiêu thụ ít hơn 200 gram/ngày.

Điều đáng nói, hơn 70% bệnh nhân ung thư đại trực tràng đến khám ở giai đoạn muộn. Chính vì vậy, người dân cần tầm soát bệnh khi xuất hiện các dấu hiệu: Sụt cân bất thường, ăn không ngon miệng, đau bụng âm ỉ, đại tiện ra máu, rối loạn tiêu hóa kéo dài như: Ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu…

PGS.TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh, chúng ta cần có những quan tâm đúng mức nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư, từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị. Từ đó, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Khen thưởng các bác sĩ cấp cứu kịp thời bệnh nhân

Sáng 27-11, tập thể và cá nhân Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy vinh dự nhận bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh với thành tích xuất sắc trong thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện, cứu sống bệnh nhi 12 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp.

Các cá nhân, tập thể nhận được Bằng khen của UBND TP trao tặng, gồm: Khoa hồi sức tích cực – chống độc cùng hai bác sĩ Đinh Tấn Phong – trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh và bác sĩ Phan Thị Xuân – trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước đó vào 21h ngày 25-10, bé V.N.T.O. được Bệnh viện tỉnh Bình Thuận chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 với chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim tối cấp. Bé bị bệnh đột ngột trong tình trạng ngất, lơ mơ, yếu chân tay và được đưa đến bệnh viện gần nhà điều trị. Sau đó tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận trong tình trạng sốc tim, nhịp tim chậm 26 lần/phút.

Tại đây bé được chẩn đoán bị sốc tim, viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim. Bé đã được các bác sĩ hội chẩn ngay với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 để chuyển lên bệnh viện này điều trị. Trên đường chuyển viện, nhân viên y tế thường xuyên liên lạc với bệnh viện Nhi Đồng 1 thông báo tình hình bé và được hướng dẫn xử trí kịp thời các tình huống cũng như thời gian dự kiến đến bệnh viện Nhi Đồng 1.

21 h ngày 25-10, khi tới Bệnh viện Nhi đồng 1, nhịp tim của bé O. rời rạc và ngưng đập ngay sau đó. Ngay lập tức, bé được cấp cứu với sự hỗ trợ của ê kíp nhiều các bác sĩ Chuyên khoa, đồng thời được đưa vào khoa Hồi sức tích cực. Ê kíp các bác sĩ Nhi đồng 1 – khoa tim mạch thì đặt nội khí quản giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cho chỉ định thuốc kích thích tim hoạt động lại; đồng thời bé được tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời;  song song đó, nhóm các bác sĩ Hồi sức Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy cùng tiến hành đặt máy kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi;

Trong suốt 48 giờ sau đó, do tình trạng viêm cơ tim tối cấp nên nhịp tim bệnh nhi bị rối loạn liên tục gây trụy tim mạch, kèm theo tổn thương gan, thận. Bên cạnh việc chạy ECMO, bệnh nhi được triển khai lọc máu liên tục.

Sau 6 ngày được theo dõi chặt chẽ 24/24, tình trạng viêm cơ tim của bé mới ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt. Bé đã được cai máy ECMO vào ngày 31-10 và đã xuất viện vào ngày 12-11. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Biến chứng do tiêm filler tại cơ sở thẩm mỹ trái phép

Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh nhập viện điều trị biến chứng do tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ.

Theo bác sĩ Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 1 đến 2 trường hợp cả nam và nữ bị biến chứng nặng do tiêm filler, không ít trường hợp đã để lại biến chứng nghiêm trọng và không thể phục hồi. Có nhiều người khi nhập viện đã trong tình trạng biến chứng nặng không thể phục hồi như hoại tử da, nhiễm trùng, thậm chí là mù mắt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân nghe theo lời quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ không phép hoặc từ những người không có chuyên môn thực hiện tiêm filler tại các cơ sở này.

Như trường hợp bệnh nhân V.T.H.T (SN 1984, ngụ quận 10) đến một cơ sở spa ở gần nhà để tiêm filler nâng mũi với mong muốn có một sống mũi đẹp hơn. Sau 4 ngày tiêm filler không rõ nguồn gốc, chị T bị sưng đỏ vùng tiêm, mắt phải bị mờ. Thấy không ổn nên chị T đến khám Bệnh viện Đại học Y dược khám, các bác sĩ cho biết chị T bị biến chứng do tiêm filler, gây nhiễm trùng và tắc mạch máu khiến vùng da mũi bị viêm đỏ, có hoại tử đen lấm chấm, mắt phải bị xuất huyết kết mạc… Các bác sĩ cho biết trường hợp này di chứng để lại có thể là các vết sẹo trên da, giảm hoặc mất hẳn thị lực mắt phải.

Còn anh V.V.N (SN 1992, ngụ tỉnh Long An) cũng tiêm filler không rõ loại tại một cơ sở spa để nâng mũi, sau đó bị biến chứng nặng phải nhập viện điều trị. Sau khi tiêm filler hai ngày, anh N thấy mắt bị mờ nên đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết anh N bị nhiễm trùng, hoại tử vùng da mũi, mất thị trường 1/2 dưới mắt phải. Tại Bệnh viện Đại học Y dược, anh N được làm các xét nghiệm MRI, soi đáy mắt. Kết quả, anh N bị tổn thương mô hậu nhãn cầu phải, phù gai thị… Bác sĩ cho biết anh N có nguy cơ cao bị sẹo trên da và mất thị lực mắt phải.

PGS.TS. BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, việc thực hiện tiêm filler tại các cơ sở spa, dịch vụ làm đẹp không hợp pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các biến chứng nặng nề, khó chữa. Vì vậy, để thực hiện làm đẹp nói chung và tiêm filler nói riêng an toàn và có kết quả tốt, người dân cần đến khám, tư vấn và chỉ định bởi các chuyên viên y tế chuyên khoa tạo hình – thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề tại các cơ sở hoạt động hợp pháp, đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như sử dụng các sản phẩm làm đẹp đã qua kiểm định của cơ quan chức năng. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Nhiều cơ sở y tế triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa y tế

Nhiều cơ sở y tế đã có sáng kiến, giải pháp thay đổi nhận thức, thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa.

Giảm phát sinh từ đầu nguồn

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động và Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế, tại một số địa phương, Sở Y tế và các cơ sở y tế cũng đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở. Nhiều đơn vị đã có các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” của cơ sở y tế trên cả nước.

Tại một số bệnh viện, đã có sáng kiến, giải pháp thay đổi nhận thức, thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa.

Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những bệnh viện đã thực hiện các biện pháp giảm phát sinh từ đầu nguồn như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết. Đồng thời Bệnh viện Trung ương Huế cũng đưa ra các khẩu hiệu hành động: “Hạn chế phát sinh – phân loại đúng – thu gom đủ – tái sử dụng hợp lý – xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc “Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế” (nguyên tắc 3R = Reduce – Reuse – Recycle).

Cũng trong các hoạt động giảm phát sinh chất thải, từ cuối năm 2018 đến tháng 3/2019, các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Định đã xây dựng và triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của từng đơn vị; thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy”. Trong 4 tháng đầu triển khai, các cơ sở y tế tỉnh Bình Định đã thu gom, phân loại và giao cho các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý gần 73.340 kg chất thải nguy hại; 6.500kg chất thải nhựa có thể tái chế. Việc tái chế, tái sử dụng túi nilon đã giảm thiểu 10.000 túi nilon dung tích 15 lít thải ra môi trường.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM đã triển khai chuỗi phong trào “Chống rác thải nhựa” cho nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại bệnh viện. Chuỗi phong trào bắt đầu với “Ngày hội chống rác thải nhựa và phát động tuần triển lãm cuộc chiến chống rác thải nhựa trên toàn thế giới và tại Việt Nam”. Tiếp đến là chương trình tập huấn về các phương pháp giảm thiểu rác thải nhựa cho nhân viên y tế để ứng dụng trong bệnh viện và trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, bệnh viện còn truyền thông hướng dẫn “Chống rác thải nhựa” thông qua các kênh truyền thông của bệnh viện cho người bệnh và người nhà của bệnh nhân, thông qua các bảng truyền thông, tờ rơi, bảng quy định, sinh hoạt với người bệnh.

Ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam, dù hiện tại việc tổ chức thu gom, phân loại rác do Công ty Urenco thực hiện nhưng hàng ngày các cán bộ, y bác sĩ bệnh viện vẫn phải chủ động phân loại rác thải bệnh viện, rác thải sắc nhọn theo quy định của Bộ Y tế… Bệnh viện vừa đề xuất 1 dự án đến năm 2025 bệnh viện mua túi rác có thể phân hủy được thay túi nilon. Hiện tại, Bệnh viện không dùng cốc nhựa trong các buổi họp, hội nghị… mà thay thế bằng cốc thủy tinh.

Tiến tới chấm dứt sử dụng vật liệu nhựa một lần có thể thay thế

Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng sinh thái môi trường, phát triển bền vững và sức khỏe con người, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị ngành Y tế cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…

Tuy nhiên, việc thay đổi các sản phẩm nhựa dùng một lần sang sản phẩm thân thiện môi trường là một thách thức. Thực tế, việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau, và hầu hết là chưa bảo đảm cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa là một quá trình.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Y tế dừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần. Các cơ sở y tế cần có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa một lần có thể thay thế và nilon khó phân hủy trong đơn vị.

Đi đầu trong phong trào, ngành Y tế sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay chai nhựa dùng một lần tại các cuộc họp. Trong đó, nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái được thực hiện.

Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành Y tế nghiêm túc thực hiện một số nội dung như: Thực hiện đúng chỉ định dùng thuốc, tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống nếu có thể; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa. Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Nguy cấp vẫn đòi ‘sinh thuận tự nhiên’

Một sản phụ và gia đình cương quyết từ chối mọi hỗ trợ của bác sĩ trong suốt cuộc sinh, mà muốn để sản phụ tự chịu đựng cơn đau, tự rặn… để được ‘sinh thuận tự nhiên’ dù ở tình huống nguy cấp.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa tiếp nhận sản phụ N.T.T. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện vào tuần thai thứ 40. Lúc đó, chị T. đã có dấu hiệu chuyển dạ, thai to, khung xương chậu nhỏ, cổ tử cung không mở với vết mổ cũ.Các bác sĩ đánh giá sản phụ không thể sinh tự nhiên, nên chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng cho thai nhi. Thế nhưng, sản phụ cùng gia đình không đồng ý.

Thai nhi gặp nguy hiểm

Hai giờ sau nhập viện, chị T. bị vỡ ối, nước ối vàng, đau bụng dữ dội, sốt cao, tim thai rất nhanh. Bác sĩ trực đánh giá chuyển dạ khó khăn, chỉ định truyền dịch, truyền thuốc hạ sốt, nhưng chị T. và gia đình vẫn không đồng ý thực hiện bất cứ can thiệp nào.

Gia đình còn đưa ra rất nhiều yêu cầu như: không được thăm khám âm đạo, không để sản phụ sinh trên bàn mà phải sinh trong tư thế đứng, không được tiêm kháng sinh, truyền hạ sốt cho sản phụ, không được tiêm văcxin cho trẻ khi sinh ra, phải để nửa tiếng mới được cắt dây rốn…

Vợ chồng chị T. là một trong những thành viên của một cộng đồng chọn sinh con theo phương pháp thuận tự nhiên. Do vậy, chị T. và gia đình quyết định sinh thuận tự nhiên, từ chối mọi can thiệp của bác sĩ, thậm chí còn ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm khi xảy ra trường hợp xấu. Chỉ đến khi dấu hiệu nguy hiểm lên thai đến mức báo động, lãnh đạo khoa kiên quyết giải thích rằng mổ lấy thai là để cứu sống thai nhi, lúc đó sản phụ và gia đình mới đồng ý để bác sĩ can thiệp.

Ca mổ thành công nhưng do để vỡ ối lâu nên mẹ con sản phụ đều phải tiêm kháng sinh, riêng em bé phải hỗ trợ hô hấp.

Chị T. kể rằng vào tháng thứ tư của thai kỳ, qua mạng xã hội chị biết đến trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”. Trong đó nói sinh con theo phương pháp tự nhiên con sẽ được khỏe mạnh và an toàn nhất nên không muốn bác sĩ can thiệp.

Trước đó, ngày 9-11, bé gái con chị T.N.Y.N. (ngụ Q.11, TP.HCM) được ba mẹ và bà nội đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn và bánh nhau đều đã bị khô. Người nhà bé kể lại bé ra đời tại nhà nặng 3,1kg.

Ngày trước, bà nội bé cũng sinh ba bé ở nhà, nên giờ gia đình cũng để bé sinh tại nhà. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hồi sức tích cực cho bé trong suốt 30 phút, nhưng tim cháu vẫn không thể đập được lại.

Sản phụ không nên quá cực đoan

BS Bùi Thị Phương Loan, khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược, cho biết phương pháp sinh tự nhiên đã được ứng dụng nhiều tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada… Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này, sản phụ và gia đình phải luôn có sẵn một êkip hỗ trợ từ bác sĩ chuyên môn cho đến chuyên viên tư vấn tâm lý.

Ngoài ra, sản phụ còn phải được chuẩn bị chu đáo các trang thiết bị y tế tại nhà. Khi sản phụ chuyển dạ, toàn bộ êkip sẽ có mặt để theo dõi, đảm bảo quá trình sinh con của sản phụ diễn ra an toàn và theo trình tự.

Mỗi sản phụ là một cá thể riêng biệt, không phải trường hợp nào cũng giống nhau. Thai phụ và người nhà thai phụ tìm hiểu những thông tin liên quan đến bệnh lý cũng như hành trình chuyển dạ sẽ giúp thai phụ hiểu thêm về quá trình chuyển dạ, điều trị. Tuy nhiên, sản phụ và gia đình nên tham khảo thông tin có chọn lọc, cần tuân thủ theo quy trình, quy định, phác đồ bệnh viện trong quá trình khám và điều trị.

Theo TS Trần Nhật Thăng – trưởng khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược, việc lựa chọn phương pháp sinh phù hợp để hạn chế tối đa những nguy cơ gây hại đến sức khỏe của mẹ và bé là điều mà cả sản phụ, gia đình và các bác sĩ, nhân viên y tế đều hướng tới. Nếu như không có quá trình theo dõi, hỗ trợ đúng mức của y học hiện đại thì quá trình sinh nở đều là những giai đoạn nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Trong quá trình theo dõi, trường hợp nào không thể sinh tự nhiên, bác sĩ sẽ phải hỗ trợ, can thiệp đúng phương pháp, đúng thời điểm để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé.

Cần tôn trọng những chỉ định y khoa

TS Nhật Thăng khuyến cáo các sản phụ cần tôn trọng những chỉ định trong y khoa. Các bác sĩ chỉ can thiệp vào những lúc cần thiết thì đó là can thiệp an toàn. Các bác sĩ sản khoa của bệnh viện luôn tôn trọng sinh thuận tự nhiên, nhưng đó là sự tự nhiên dưới sự kiểm soát đúng mức của y học hiện đại. Khi có vấn đề nên can thiệp thì phải phát hiện, can thiệp sớm, tránh để lại những hậu quả cho cả mẹ và con.Các sản phụ không nên quá cực đoan theo một trường phái nào, tránh việc nhận thức chưa đầy đủ khiến mẹ và bé rơi vào tình trạng nguy cấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/03/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/8/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 23/11/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận