Sốt xuất huyết tăng nóng, bệnh viện lo không kham nổi
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngày 27-6, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn.
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đến Bệnh viện Q.8, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết, sau đó làm việc với Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan.
Sốt xuất huyết tăng 2-4 lần, bệnh viện quá tải
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, lãnh đạo bệnh viện cho biết số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đã tăng 2-4 lần so với cùng kỳ những năm trước. Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 130 bệnh nhi sốt xuất huyết nằm điều trị, trong đó có nhiều trường hợp nặng.
Bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao từ tháng 4 đến nay cho thấy tình hình bệnh diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Lãnh đạo bệnh viện dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh dịch vào quý 3 này.
Đại diện phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến bệnh viện này khám ngày càng gia tăng, “bùng phát” vào tháng 5, tháng 6.
Tháng 6, bệnh viện có đến 3.961 người lớn và 1.464 trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám, tăng gấp 4 lần tháng 1. Khối nội trú cũng gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 7 ca bệnh nặng xin về, 3 ca tử vong tại bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hiện đang rơi vào tình trạng quá tại bệnh nhân sốt xuất huyết. Khoa nhiễm D của bệnh viện được duyệt công năng điều trị COVID-19 nhưng chiếm tới 70 giường là bệnh nhân sốt xuất huyết.
Các khoa khác (45 giường/khoa) hiện tại “gánh” 65 bệnh nhân sốt xuất huyết ở mỗi khoa. Bệnh nhân nội trú của bệnh viện là 739 ca trong sáng 27-6, trong khi toàn bệnh viện chỉ có 550 giường.
Ông Nguyễn Thành Dũng, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho rằng hiện bệnh viện còn kham nổi nhưng nếu số ca sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng thì sẽ rất khó cho bệnh viện. Ông đề xuất các bệnh viện tuyến dưới nếu có năng lực thì giữ bệnh nhân sốt xuất huyết lại điều trị, chỉ chuyển lên những trường hợp không thể giải quyết.
Tăng cường lượng thuốc điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế
TS Nguyễn Vũ Thượng – viện phó Viện Pasteur TP.HCM – cho biết ở phía Nam tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ tử vong của bệnh sốt xuất huyết cao, chỉ số về muỗi, lăng quăng cũng cao hơn so với những năm trước đây.
Riêng TP.HCM đã có 10 ca sốt xuất huyết tử vong. Theo ông Thượng, nếu không có biện pháp tích cực trong công tác dự phòng thì số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng, kéo theo số ca nặng và tử vong cũng tăng.
Ông Thượng khuyến cáo khu dân cư xung quanh bệnh viện và bệnh viện phải làm tốt công tác diệt muỗi, đặc biệt là ổ lăng quăng vì bệnh viện có bệnh nhân sốt xuất huyết, tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Ngoài ra những bệnh viện xây dựng sửa chữa, cần coi chừng mấy giếng nước, lu vại… vì sẽ có ổ lăng quăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đỉnh dịch gần nhất của bệnh sốt xuất huyết vào năm 2019. Theo chu kỳ dịch 3-4 năm sau lại quay trở lại. Tuy nhiên đến nay số ca mắc sốt xuất huyết đã hơn 77.000 ca, các trường hợp nặng, tử vong cũng vượt qua đỉnh dịch 2019.
Cả nước đã có 42 ca sốt xuất huyết tử vong, trong đó số tử vong chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và TP.HCM. Đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại vì sốt xuất huyết không chỉ vào tháng 6 mà có thể kéo dài đến tháng 11.
Ông Sơn nhận xét Bệnh viện Nhi đồng 1 đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới như ECMO để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết bị suy đa cơ quan. Bên cạnh đó bệnh viện đã chủ động chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, các nguồn thuốc để điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết.
Khi bệnh viện có một số loại dung dịch, thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết hết đã dùng các thuốc thay thế khác. Ví dụ thuốc Dopamine (loại thuốc chống sốc hàng đầu) hết đã thay thế bằng những loại thuốc khác.
Ông Sơn cho rằng những loại thuốc được thay thế chưa chắc đã tốt. Do vậy Bộ Y tế sẽ làm việc với các đơn vị dược để làm sao tăng cường lượng thuốc điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế (Tuổi trẻ, trang 13; Tiền phong, trang 2; Lao động, trang 7; Thanh niên, trang 4).
Phòng biến chủng mới COVID-19: Khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại
Ngày 27/6, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế cho biết, các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Từng mắc COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm, biến chứng
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, người từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Về hiệu quả của liều tiêm nhắc lại, bà Hồng cho biết, tiêm mũi nhắc vắc xin COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19.
Tại cuộc họp, đại diện WHO khuyến cáo, sau 4-6 tháng, cần tiêm tăng cường, trong đó ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao. Theo WHO, giai đoạn này rất quan trọng để Việt Nam thực hiện tiêm liều tăng cường cho người dân.
“Chúng ta không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ vì ngay cả tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh. Trong khi đó, các quốc gia vẫn đang lưu hành các biến thể mới. Trên toàn cầu, các biến thể mới ngày càng gia tăng làm tăng số mắc trên toàn cầu”, đại diện WHO lưu ý.
Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc xin COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
“Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới”, bà Hồng nói.
Cần tiêm mũi 3 và 4
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lí chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc xin tại nhiều địa phương.
“Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc xin phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc”, ông Lân thông tin.
Thông tin tại họp báo, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, tại Việt Nam, Hệ thống quản lí điều trị COVID-19 ghi nhận trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc xin và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
“Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản”, TS Dương nói (Tiền phong, trang 4; Lao động, trang 2).
Việt Nam ghi nhận biến chủng mới BA.5 của Omicron
Chiều nay, 27-6, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh và tiến độ tiêm vaccine Covid-19.
Tại đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân thông tin, trên thế giới hiện nay, các biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục được đánh giá. Các chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn; có biểu hiện nặng nhưng chưa được nghiên cứu bài bản nên chưa chính thức công bố.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc thấp với chủng lưu hành vẫn là BA.2 biểu hiện nhẹ; tỷ lệ tiêm chủng dần tới mức cao hơn. Việt Nam có chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao với hình thức tiêm chủng đa dạng, tiêm chủng tại nhà…
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch vẫn phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vaccine phòng Covid-19.
Đáng lưu ý, ông Phan Trọng Lân thông tin, qua phân tích, giải trình tự gen, Việt Nam đã có biến chủng BA.5 xâm nhập. Theo ông, chuyện xâm nhập biến chủng mới là tất yếu khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, giao thông, đi lại… Điều cần cảnh báo là biến chủng mới có thể có nguy cơ lấn lướt chủng cũ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát, đề xuất điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.
Thông tin thêm về vấn đề này, tại cuộc họp, đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết, với sự gia tăng của BA.4 và BA.5, một số quốc gia trên thế giới đã có hệ lụy là tỷ lệ nhập viện, hồi sức cấp cứu gia tăng nhiều hơn.
Liên quan đến sự cần thiết của việc tiêm mũi vaccine nhắc lại (mũi 3, mũi 4), tại cuộc họp, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế thông tin, tại Việt Nam, hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
Mặc dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên cả nước hiện nay đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do Covid-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu Covid-19.
“Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản”- TS Dương nói.
Thực tế hiện nay, nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết thêm, tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong (An ninh thủ đô, trang 6; Tiền phong, trang 4; Tuổi trẻ, trang 3; Công an nhân dân, trang 7).
Bộ Y tế đề xuất chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam
Bộ Y tế vừa gửi dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia.
Đáng chú ý, tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định chưa công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết trong nước, tuy tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm nhiều so với giai đoạn trước (tỷ lệ tử vong/mắc giảm mạnh, từ 1,03% trong tháng 1-2022 xuống còn 0,06% trong tháng 5-2022) nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và nhiều bệnh nhân nặng đang được theo dõi, điều trị.
Trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đề xuất Phương án Bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023, trong đó có 2 tình huống:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam mà hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái “bình thường mới”.
Lý giải về việc vì sao chưa thể coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, một bệnh được coi là lưu hành khi có 4 nhóm tiêu chí là: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Đối với tiêu chí số 4, Bộ Y tế cho rằng hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2; đồng thời miễn dịch có được (do vaccine hoặc đã mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian.
Theo Bộ Y tế, dịch có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào, do đó cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh (An ninh thủ đô, trang 6; Tuổi trẻ, trang 3).
Thanh Huyền