Điểm báo ngày 28/8/2020

(CDC Hà Nam)
Dịch COVID -19 vẫn có nguy cơ bùng phát; Làm gì khi 70% ca bệnh COVID-19 không triệu chứng?; Hà Nội duy trì thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19; Ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid -19 mới, ca F0 ở Hà Nam tiếp xúc với 50 người tại Hà Nội…

Dịch COVID -19 vẫn có nguy cơ bùng phát

“Nếu không quyết liệt, tốc độ lây lan của dịch COVID-19 sẽ nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Do đó, phải truy vết, khoanh vùng nhanh gọn và cách ly triệt để nhằm đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng nhanh nhất”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tại giao ban trực tuyến với 63 sở y tế và các bệnh viện ngày 27/8.

Quyền bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay cơ bản kiểm soát được tình hình dịch tại một số ổ dịch Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thời gian tới đây, Việt Nam tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng vì mầm bệnh đã lây lan, do đó có thể bùng phát thành đợt mới nếu lơ là, mất cảnh giác.

“Dịch xảy ra ở mùa Đông Xuân còn khó khăn hơn khi điều kiện thời tiết thuận lợi, môi trường lạnh ẩm cho mọi loại virus phát triển, do đó, luôn phải trong trạng thái ngăn chặn triệt để”, GS.TS Nguyễn Thanh Long phân tích.

Quyền Bộ trưởng hoan nghênh Sở Y tế Hà Nội vừa qua đã dừng 3 bệnh viện không đảm bảo an toàn phòng dịch. Đối với các địa phương khác cũng phải tương tự như vậy. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, bệnh viện nào cũng có khả năng có virus SARS-CoV-2 xâm nhập, không phải chỉ bệnh viện đa khoa. Do đó, rất cần phải lưu tâm, tránh lơ là…

Tại buổi giao ban, thêm một lần nữa Quyền Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến vấn đề tuân thủ trong thực hiện cách ly chống dịch, tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 đã được ra khỏi khu cách ly tập trung. Người ra khỏi khu cách ly phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 14 ngày. Đồng thời các địa phương cũng phải đảm bảo tuân thủ việc quản lý, giám sát các chuyên gia nhập cảnh trong công tác cách ly 14 ngày.

Tăng cường năng lực xét nghiệm

Các địa phương cần tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm PCR. Tại buổi giao ban, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tổ chức tập huấn ngay cho các địa phương trong công tác xét nghiệm bằng phương pháp ELISA. Việt Nam hiện đã sản xuất được kit ELISA có độ nhạy tương đối cao. Quyền Bộ trưởng đánh giá cao Hải Phòng vừa rồi đã xét nghiệm song song cả PCR và ELISA để xem có mầm bệnh trong cộng đồng hay không, điều này rất quan trọng.

Liên quan đến việc người Việt Nam xuất cảnh sang các nước có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng xét nghiệm F1 ở trong nước lại âm tính, hiện Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng liên hệ với các cơ quan đầu mối y tế quốc tế nước bạn để tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên ở mức độ cảnh giác cao, Việt Nam tiến hành ngay việc khoanh vùng, cách ly các trường hợp F1, F2 để tránh những tình huống lây lan dịch bệnh…

Đối với vấn đề mua sắm vật tư chống dịch, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chủ động, ngay bây giờ phải mua sắm để đảm bảo trang thiết bị chống dịch từ nay đến cuối năm, đầu năm sau và việc mua sắm vật tư thiết bị chống dịch phải tuân thủ theo quy định.

Quảng Nam gỡ bỏ cách ly toàn tỉnh 

Từ 6h hôm nay (ngày 28/8), 3 địa phương còn lại của tỉnh Quảng Nam là TP Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên được gỡ bỏ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Như vậy, tất cả 18 huyện thị, thành phố của tỉnh sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19.

Theo Sở ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên Sở Y tế phải xây dựng phương án quản lý người ra, vào từ Đà Nẵng sau khi tháo dỡ cách ly, thực hiện phân nhóm và có biện pháp quản lý y tế.

Theo GD&ĐT Quảng Nam, đợt 2 thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ 2 – 4/9, với 9.231 thí sinh dự thi, tại 28 điểm thi, 409 phòng thi. Tất cả các thí sinh thi đều phải thực hiện đầy đủ khai báo y tế, các trường hợp thí sinh F1, F2 được bố trí tại phòng thi riêng. Theo báo cáo từ các địa phương, đến thời điểm này chưa phát hiện có trường hợp thí sinh thuộc diện F1, F2.

Tối 27/8, Bộ Y tế thông tin có thêm 2 ca mắc mới. Trong đó tại Đà Nẵng có 1 ca lây trong cộng đồng và Khánh Hòa 1 ca, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong ngày có thêm 1 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca chết lên 30 trường hợp. Bệnh nhân tử vong là nữ, 51 tuổi, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối đã chạy thận nhân tạo chu kỳ 15 năm nay, tăng huyết áp, suy tim. (Tiền phong, trang 15; Tuổi trẻ, trang 15, Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Làm gì khi 70% ca bệnh COVID-19 không triệu chứng?

Ngày 27-8, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phát đi thông báo số 3 (tính từ 20-8), khi hành khách L.T.P.U. ở Gia Lộc, Hải Dương, đi Nhật Bản trên chuyến bay JL752 hôm 25-8 đã dương tính với COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản.

Trước chị U., đã có 3 hành khách ở Hà Nội, Hà Nam và Hải Phòng dương tính với COVID-19 khi bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

70% bệnh nhân không triệu chứng

Các triệu chứng thường được nhắc tới hiện nay liên quan COVID-19 là sốt, ho, khó thở, mất hoặc giảm khứu giác, nhưng theo tổng hợp của tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, trong số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có đến 70% không có biểu hiện lâm sàng, trên 16% biểu hiện nhẹ, số người sốt, ho, khó thở, đau ngực, mất khứu giác và các biểu hiện nặng hơn chiếm chưa đầy 14%.

70% người mắc bệnh không triệu chứng kể trên là nhóm rất dễ bị bỏ sót trong tình huống mầm bệnh xuất hiện ở nhiều nơi như hiện nay. Trường hợp bệnh nhân U. kể trên, tỉnh Hải Dương đang có 2 ổ dịch được khoanh vùng tại thành phố Hải Dương, nhưng chưa ghi nhận ổ dịch tại Gia Lộc. Biểu hiện bệnh của bệnh nhân cũng không có triệu chứng nên vẫn xuất cảnh được bình thường.

Ngày 25-8 có một bệnh nhân dương tính sau 14 ngày cách ly tại Chí Linh, Hải Dương cũng không có triệu chứng, bệnh nhân đã về nhà trước khi nhận kết quả xét nghiệm.

Nhưng dù có hay không có triệu chứng, bệnh nhân COVID-19 vẫn làm lây lan sang người khác như bình thường. Ở giai đoạn này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận xét virus corona gây COVID-19 đã biến đổi gen theo hướng dễ lây lan hơn, và thực tế cho thấy có nhiều chùm ca bệnh, bệnh nhân siêu lây nhiễm hơn hẳn giai đoạn trước.

Giải pháp hữu hiệu lúc này chính là tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay sạch và giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc. Rất đơn giản nhưng hiệu quả. Hãy tạo một thói quen với những biện pháp chống dịch kể trên, thay vì lúc nào cũng lo lắng mầm bệnh ở quanh ta.

Có nguy cơ bùng phát những đợt dịch mới

Phát biểu tại buổi giao ban với các sở y tế sáng 27-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian tới đây cũng tiếp tục có những ca bệnh trong cộng đồng, do mầm bệnh đã có ở nhiều nơi. “Nguy cơ của Việt Nam là vừa từ bên ngoài – người Việt và người nước ngoài nhập cảnh, vừa từ bên trong do mầm bệnh trong cộng đồng” – ông Long nhận xét.

Tình hình hiện nay, ông Long cho rằng nỗ lực chống dịch phải gấp 2-3 lần trước đây. Mỗi địa phương phải rà soát để bịt các lỗ hổng. Trường hợp bệnh nhân đã về nhà hôm 25-8 trước khi nhận kết quả dương tính tại Hải Dương cho thấy có lỗ hổng, tới đây áp dụng chặt chẽ 2 xét nghiệm âm tính mới được rời khu cách ly. Các cơ sở y tế thực hiện khai báo y tế, tránh xảy ra phong tỏa bệnh viện hoặc xuất hiện ổ dịch trong bệnh viện như trường hợp ở Đà Nẵng.

Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Hiện đã có xấp xỉ 35 nhân viên y tế mắc COVID-19. Qua khảo sát của chúng tôi, các bệnh viện hiện đều đo nhiệt độ, phân luồng người tới bệnh viện, tuy nhiên tại Hà Nội đã có 3 bệnh viện chuyên khoa mắt phải tạm ngừng hoạt động do chưa đảm bảo an toàn chống dịch, hàng ngàn phòng khám cũng đang được kiểm tra.

Còn các địa phương khác, bệnh viện, phòng khám liệu có an toàn thì chưa có câu trả lời. (Tuổi trẻ, trang 15).

 

Hà Nội duy trì thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19

Sáng ngày 27/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn – Trưởng đoàn Kiểm tra của Ban thường vụ Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid -19  trên địa bàn ... (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid -19 mới, ca F0 ở Hà Nam tiếp xúc với 50 người tại Hà Nội

Chiều ngày 27/8, BYT công bố thêm 2 bệnh nhân mắc Covid -19, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng do tiếp xúc với 3 người dương tính, 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Khánh Hòa … (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế

Chiều ngày 27/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp về công tác phòng chống dịch Covid -19 … (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 5).

Số ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước có xu hướng giảm

Ngày 27.8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo có thêm 2 ca mắc Covid-19, là bệnh nhân (BN) 1.035 – 1.036.

Trong đó, 1 ca ghi nhận tại Đà nẵng và 1 ca nhập cảnh tại Khánh Hòa.

Cụ thể, BN 1.035 (nữ, 34 tuổi, ngụ H.Nam Sách, Hải Dương) từ Đài Loan nhập cảnh sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 8.8 trên chuyến bay VJ2849, được cách ly tập trung tại Trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh thuộc Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) ngay sau khi nhập cảnh. Hiện BN được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế Cam Lâm (Khánh Hòa). BN 1.036 (nam, 52 tuổi, ngụ H.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) từng tiếp xúc các BN 1.025, 1.027 và 1.029. Hiện BN 1.036 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện (BV) dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng).

Các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương đã được kiểm soát

Theo BCĐ, đến 18 giờ ngày 27.8, trong số 1.036 ca mắc Covid-19  tại Việt Nam có 688 ca do lây nhiễm trong nước, bao gồm 548 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng từ 25.7. Số ca mắc mới trong cộng đồng, lây nhiễm trong nước đã có xu hướng giảm trong các ngày gần đây. Các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương đã được kiểm soát. (Thanh niên, trang 3).

 

Vì sao 2 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng xuất viện sau 5 ngày điều trị?

Việc 2 bệnh nhân 1.012 và 1.013 ở  Đà Nẵng được xuất viện chỉ sau 5 ngày công bố bệnh và điều trị đã dấy lên sự băn khoăn, thắc mắc của nhiều người về quy trình điều trị, cách ly bệnh nhân. Ngày 26.8, trong số 34 bệnh nhân (BN) Covid-19 được xuất viện, có 2 trường hợp đáng chú ý là BN 1.012 và 1.013 (là 2 tiểu thương ở chợ tại Đà Nẵng).

Trước đó, ngày 20.8, 2 BN này nằm trong số 1.885 tiểu thương của 9 chợ truyền thống trên địa bàn Q.Thanh Khê được tiến hành xét nghiệm diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại chợ Siêu Thị (P.Chính Gián, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng).

Đến ngày 21.8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm đã khẳng định cả 2 BN đều dương tính. Ngày 22.8, BN được BYT công bố bệnh và đưa đến BV dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng) theo dõi. Tại các lần lấy mẫu xét nghiệm lần lượt cách 24 giờ (ngày 22, 24, 26.8) đều cho kết quả âm tính. Chiều 26.8, 2 BN trên được cho xuất viện.

Do thay đổi quy trình chẩn đoán và điều trị

Liên quan đến việc được xuất viện khá nhanh chóng, bác sĩ (BS) Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc BV dã chiến Hòa Vang, khẳng định: “Không BS nào đặt bút ký quyết định công nhận BN khỏi bệnh và cho ra viện mà không từ kiến thức chuyên môn”.

Theo đó, BS Vĩnh cho biết các BN Covid-19 tại BV được xét nghiệm và theo dõi điều trị theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) do Bộ Y tế ban hành ngày 29.7.2020. Hướng dẫn này do PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ký, thay thế cho hướng dẫn ban hành ngày 25.3.2020.

Theo hướng dẫn mới, 2 BN nói trên thuộc nhóm không có triệu chứng lâm sàng cụ thể, không sốt và các dấu hiệu sinh tồn ổn định, xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi ổn định. Đặc biệt là 3 mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau 24 giờ) xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính với Covid-19 nên đảm bảo các tiêu chuẩn được công bố khỏi bệnh, xuất viện.

Còn bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho rằng quyết định cho ra viện là quyết định của BV điều trị với hội đồng tư vấn chuyên môn sâu. Sau khi xuất viện, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh phải tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày nữa, và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám ngay tại cơ sở y tế. (Thanh niên, trang 3).

 

Trường kỳ chống dịch tại bệnh viện

Trong số 11 ca mắc Covid-19 tại cộng đồng ở Hà Nội được ghi nhận từ ngày 29-7 đến nay, có tới 8 ca được phát hiện trong bệnh viện. Thực tế này cho thấy, bệnh viện là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Hiện, thành phố đang tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện trong và ngoài công lập, các phòng khám tư nhân. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài, việc siết chặt quy trình phòng dịch tại các cơ sở y tế cần phải được thực hiện trường kỳ.

Khó kiểm soát người ra, vào bệnh viện

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 25-8 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ngay từ phía ngoài cổng, bệnh viện đã bố trí chốt kiểm soát, sàng lọc người ra, vào. Sau khi được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mới được di chuyển vào bên trong bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, bệnh viện đang áp dụng quy trình khám theo lịch hẹn, nên khu khám bệnh thưa bệnh nhân hơn, bảo đảm việc giãn cách 1m. Bệnh viện cũng bố trí phòng khám sàng lọc riêng đối với những trường hợp liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thiết lập quy trình đón tiếp, phân luồng bệnh nhân, bố trí cổng ra, vào riêng biệt. Đối với bệnh nhân bị ho, sốt, đau mỏi người… hoặc có yếu tố dịch tễ nghi nhiễm Covid-19 được hướng dẫn di chuyển ra cổng số 4 ở số 59A phố Trần Phú (quận Ba Đình). Bệnh nhân đến khám đi cổng số 5 ở số 59B phố Trần Phú. Bệnh viện cũng dán bảng khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở ngay cổng ra, vào.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, khu vực cổng vào nằm trên phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) được bố trí một phòng sàng lọc người bệnh viêm đường hô hấp cấp. Tại đây, người bệnh được đo thân nhiệt, khử khuẩn, khai báo y tế trước khi bước vào bên trong. Các trường hợp bị sốt, ho, đau họng,… được bố trí lối vào riêng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương Trần Danh Cường, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 người, chưa kể khu vực trước cổng bệnh viện luôn tập trung đông đối tượng “cò mồi”, taxi, xe ôm không đeo khẩu trang… Dù đã tăng cường và tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch, song việc quản lý, kiểm soát người ra, vào viện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương Phan Hướng Dương cũng chia sẻ, lo ngại nhất là khó kiểm soát người nhà bệnh nhân ra, vào viện. Nhiều người ra mua sắm, ăn uống ở các quán ăn xung quanh, sau đó vào viện nên nguy cơ dịch từ bên ngoài xâm nhập vào rất cao.

Dừng hoạt động đối với bệnh viện không an toàn

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 111 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập của thành phố, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện trung ương, các bộ, ngành và hơn 3.600 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, qua kiểm tra cho thấy, công tác kiểm soát người ra, vào bệnh viện vẫn chưa triệt để: Có nơi chưa bố trí chốt phân luồng tại cổng ra, vào; bệnh nhân và người nhà chưa đeo khẩu trang đầy đủ. Đặc biệt, có bệnh viện chưa thực hiện giãn cách tại các khu vực đông người và buồng bệnh. Sở Y tế Hà Nội đã cho tạm dừng hoạt động 3 bệnh viện ngoài công lập, đồng thời nghiêm khắc phê bình các giám đốc bệnh viện…

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, bài học tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, khi bệnh viện trở thành ổ dịch sẽ nguy hiểm như thế nào. Do đó, các bệnh viện cần phải tuân thủ 37 tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn trong phòng dịch Covid-19 mà Bộ Y tế đã ban hành. Khi tiến hành kiểm tra, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cần công khai cho người dân biết bệnh viện nào không an toàn. Bảo hiểm xã hội thành phố cũng sẽ thông báo với bệnh nhân không đến bệnh viện đó.

Còn theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, nếu để “lọt lưới” một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh, thì nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng là rất lớn. Do đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện trong và ngoài công lập. Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm kiểm tra các phòng khám tư nhân.

“Đơn vị nào không thực hiện nghiêm quy trình sàng lọc người đến khám, chúng tôi sẽ kiến nghị tạm đình chỉ điều hành với lãnh đạo đơn vị đó. Nơi nào không đáp ứng được điều kiện an toàn phải dừng hoạt động. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình hình mất an ninh trật tự ở khu vực xung quanh các bệnh viện. Các bệnh viện cần tăng cường các dịch vụ ăn uống, phục vụ người bệnh, người nhà bệnh nhân, hạn chế tối đa việc người ra, vào tự do khó kiểm soát trong bệnh viện”, ông Nguyễn Khắc Hiền lưu ý.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tăng tốc nghiên cứu vắc-xin, thuốc điều trị, tăng cường hợp tác quốc tế phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 27-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp ứng phó dịch Covid-19. Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã bình tĩnh chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, không chủ quan, do đó, đã đạt nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều chủ trương đúng, hiệu quả, kịp thời đã được đưa ra, thực hiện tốt trong xã hội như vấn đề đeo khẩu trang, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều tra, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định xuất nhập cảnh… Ðến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia. Nhân dân và các ngành, các địa phương, ngay cả trong vùng có dịch đã rất bình tĩnh xử lý kịp thời với trách nhiệm cao nhất.

Mục tiêu kép mà chúng ta đưa ra bước đầu được thực hiện tốt như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để không đứt gãy nền kinh tế. Ðây là sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19…

Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, một lần nữa Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là ngành y tế không được chủ quan, coi thường, quán triệt tinh thần “sống chung với dịch” với những biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và có văn hóa ứng xử trong lúc dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp. Việc đề cao cảnh giác để dịch không xâm nhập vào các địa bàn dân cư là yêu cầu cấp bách hiện nay. Và nếu có, phải khoanh vùng nhanh, xử lý nhanh, không để dịch Covid-19 lây lan diện rộng. Ðây là một kinh nghiệm quan trọng về sự kịp thời của ngành y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các biện pháp đã đề ra như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung quá đông người khi không cần thiết. Tiếp tục quán triệt tinh thần thần tốc, quyết liệt, khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh để nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an sinh, việc làm. Lo dịch là một chuyện, nhưng lo nhất là thu nhập của người lao động, thất nghiệp tràn lan có thể xảy ra, Thủ tướng bày tỏ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ban hành và hoàn thiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch, mặt khác, có phương án cụ thể để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trường hợp đặc biệt phát hiện ổ dịch mới, giãn cách xã hội trong phạm vi cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới phối hợp Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ nhập cảnh tại khu vực biên giới, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Bộ Công an khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cá nhân, tổ chức, đường dây, cơ sở lưu trú đưa người hoặc tiếp nhận trường hợp nhập cảnh trái phép. Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để các cấp, các ngành, người dân có thể dễ dàng thực hiện. Ðặc biệt là phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế.

Ngành y tế cần tăng tốc nghiên cứu vắc-xin, thuốc điều trị, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các quốc gia có kết quả nghiên cứu vắc-xin ban đầu. Ðầu tư nghiên cứu dịch tễ học, khả năng miễn dịch cá thể và cộng đồng, củng cố năng lực giải mã gien vi-rút SARS-CoV-2 nhằm phục vụ việc ngăn chặn và nghiên cứu thuốc chữa, lưu ý nghiên cứu những ca tái nhiễm và khả năng miễn dịch của con người. Cần tiếp tục làm tốt và hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông và thông tin để người dân luôn đề phòng dịch bệnh nhưng không để người dân hoang mang. Các hình thức thông tin cần phong phú, đa dạng như phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, thậm chí dùng cả loa phường, loa tay ở những vùng xa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tăng cường vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để sớm phát hiện lây nhiễm, hiện đến nay đã có hơn 25 triệu thuê bao cài đặt. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh liên quan rà soát lại các thủ tục cho chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam, cần nhanh, đơn giản, thuận lợi và phải chặt chẽ về y tế, đặc biệt cấp thị thực nhanh hơn, nhất là cần có quy trình cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, hướng dẫn nhà đầu tư vào làm việc ngắn ngày ở Việt Nam. Bộ Y tế sớm ra hướng dẫn về vấn đề này. Ban Chỉ đạo giải quyết ngay những vướng mắc về mua sắm vật tư y tế, dụng cụ phòng, chống dịch.

Về việc cách ly linh hoạt tại các cơ sở lưu trú có trả phí, Thủ tướng đồng ý mở rộng thực hiện và yêu cầu giám sát y tế chặt chẽ. Các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xem xét sát sao, đề xuất với Thủ tướng về việc mở các đường bay thương mại tới một số quốc gia có hệ số an toàn dịch bệnh cao. “Các đồng chí phải tìm mọi biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đi đôi với an toàn về y tế”. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần “sống chung với dịch bệnh” nên phải có cách làm đạt mục tiêu, kết quả tốt nhất. Từng cơ sở, từng địa phương, nhất là các bệnh viện, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp phải có phương án phù hợp.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý cụ thể, linh hoạt trên địa bàn với sự tham mưu ngành y tế địa phương, hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ, kịp thời. Các địa phương phải chủ động hơn trong việc triển khai, kể cả trong việc tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nêu cao vai trò người đứng đầu, trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò tham mưu, đề xuất xử lý nhanh, kịp thời của ngành y tế cho các cấp, các ngành có liên quan. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì điều phối các chuyến bay đưa người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài về Việt Nam và chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam bằng các hình thức linh hoạt, tránh quá tải các cơ sở cách ly tập trung. Các lực lượng công an và chính quyền địa phương hỗ trợ ngành y tế trong việc thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở cách ly, cần xem xét tăng dần chuyến bay đến các nước, kể cả thương mại và đưa người Việt Nam về nước một cách phù hợp khả năng có thể kiểm soát được.

* Ngày 27-8, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tiếp nhận hai hệ thống máy ECMO trị giá bảy tỷ đồng từ Tập đoàn Hành trình Thành Công Mới (NSJ Group) ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của Tập đoàn NSJ Group. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng NSJ Group vẫn sẵn sàng chung tay góp sức cùng Ðảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ðến nay, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương lên tới hơn 2.200 tỷ đồng.

* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 27-8, có thêm hai người bệnh (thứ 1.035 và 1.036) mắc Covid-19; trong đó một ca bệnh trong nước ở Ðà Nẵng và một ca ở Khánh Hòa được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ðáng chú ý, có thêm một người mắc Covid-19 chết là người bệnh thứ 696, nữ, 51 tuổi (TP Ðà Nẵng), chẩn đoán viêm phổi do Covid-19 biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không hồi phục trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy thận mạn chạy thận nhân tạo chu kỳ, suy tim. Ðây là người bệnh mắc Covid-19 chết thứ 30 tính từ khi dịch xảy ra ở nước ta.

Trong ngày, có năm người bệnh điều trị tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế cơ sở 2 (ba người); Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng (một người); Trung tâm Y tế Hòa Vang (một người) được công bố khỏi bệnh. Trong đó, người bệnh thứ 655 điều trị tại Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng mới tám tuổi. Như vậy, đến nay đã có 637 trên tổng số 1.036 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

* Ngày 27-8, tại buổi giao ban trực tuyến với các bệnh viện tuyến T.Ư và sở y tế các tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần ngay lập tức rà soát lại các kịch bản, tình huống chống dịch của địa phương để chủ động mọi tình huống; nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, dập dịch, tránh lây lan rộng. Giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tổ chức tập huấn ngay cho các địa phương trong công tác xét nghiệm bằng phương pháp ELISA, do Việt Nam hiện đã sản xuất được kit ELISA có độ nhạy tương đối cao. Các bệnh viện tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế tại các khoa trọng điểm như cấp cứu, hồi sức, khám bệnh, thận nhân tạo; đồng thời lưu ý các trường hợp người bệnh có yếu tố dịch tễ sốt, ho, khó thở cũng phải lưu ý lấy mẫu xét nghiệm…

Liên quan việc người Việt Nam xuất cảnh sang các nước có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng xét nghiệm F1 ở trong nước lại âm tính, Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết thêm: Hiện Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng liên hệ với các cơ quan đầu mối y tế quốc tế nước bạn để tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên, ở mức độ cảnh giác cao, nước ta vẫn tiến hành ngay việc khoanh vùng, cách ly các trường hợp F1, F2 để tránh những tình huống lây lan dịch bệnh tại cộng đồng…

* Ngày 27-8, UBND thành phố Ðà Nẵng có văn bản giao Sở Y tế phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 cho người ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn có nguyện vọng trở về; học sinh, sinh viên đến nhập học tại các trường thuộc các tỉnh, thành phố khác. Số lượng, danh sách người ngoại tỉnh, học sinh, sinh viên cụ thể do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cung cấp theo đề nghị của từng tỉnh, thành phố, nhằm thống nhất trong công tác phối hợp với các địa phương, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng ngày, UBND thành phố Ðà Nẵng quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với khu vực tổ 61 phường Mỹ An (khu vực số nhà số 2 đến số 48 đường Hồ Huân Nghiệp, giáp đường Lê Văn Hưu và đường Mỹ An 14), quận Ngũ Hành Sơn. Thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế ít nhất 14 ngày kể từ ngày xác định ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 cuối cùng của vùng cách ly y tế và có thể gia hạn thêm.

* Ngày 27-8, tỉnh Hải Dương đã quyết định gia hạn thiết lập vùng cách ly y tế tại khu phố Ngô Quyền, TP Hải Dương để phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian áp dụng 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 28-8.

Trước đó, khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 liên quan nhà hàng Thế giới bò tươi, số 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương đã phong tỏa, cách ly y tế khu phố Ngô Quyền 14 ngày (kể từ 0 giờ ngày 14-8 đến 0 giờ ngày 28-8 và có thể gia hạn thêm). Khu vực này có 71 hộ dân với 255 nhân khẩu, 9 ki-ốt bán hàng và một cơ quan nhà nước. Khu vực bị cách ly thuộc quản lý của ba phường Thanh Bình, Bình Hàn và Phạm Ngũ Lão.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương đã chỉ đạo các phường, xã tháo dỡ các chốt kiểm soát, điểm rào chắn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn chỉ tiếp tục duy trì chốt tại chợ dân sinh. Ðối với bảy chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ TP Hải Dương do lực lượng công an thành phố làm trưởng chốt được giữ nguyên cho đến khi có chỉ đạo mới.

* Từ 14 giờ ngày 27-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi dỡ bỏ ba khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh, gồm Trung tâm Y tế huyện Vinh Linh (cơ sở hai); thôn Ðơn Duệ của xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh và Xóm Bàu (đội 3) của thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh. Trong thời gian bị phong tỏa, cách ly y tế, cán bộ và nhân dân ba khu vực đều chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch. Ngành y tế hai lần lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2, kết quả 100% số mẫu đều âm tính; các trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly tập trung, xét nghiệm hai lần cũng cho kết quả âm tính.

* Chiều ngày 27-8, tại UBND tỉnh Hải Dương, Câu lạc bộ Sao Ðỏ (Hà Nội) chuyển giao tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương 62.500 khẩu trang y tế 4 lớp; 480 chai gel sát khuẩn; 5.000 đôi găng tay y tế. Ngoài ra, Chi hội Phụ nữ Cụm thi đua số 5 (Bộ Công an) ủng hộ Hải Dương 25.000 khẩu trang y tế và hơn 100 chai gel sát khuẩn.

* Tối 27-8, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Ðà Nẵng có văn bản thông báo điều chỉnh thời gian, địa điểm tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Cụ thể, đối với thí sinh (TS) thuộc diện F1, F2 và đang ở khu vực cách ly y tế sẽ được cơ quan y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm tại nơi cách ly tập trung và tại nhà TS; các TS khác lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 31-8 (cả sáng và chiều) tại 24 điểm thi; cán bộ, giáo viên, nhân viên, công an, y tế tại điểm thi chính thức và lực lượng tại chỗ của điểm thi dự phòng được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 1-9. Trong quá trình lấy mẫu, thí sinh và các bộ phận làm công tác thi phải bảo đảm thực hiện an toàn phòng dịch: Ðeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, nói chuyện, không tập trung đông người, giữ khoảng cách theo yêu cầu, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn…

Ngày 27-8, theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong tuần đoàn số 1 kiểm tra, đánh giá Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn đã kiểm tra một số bệnh viện tại TP Hà Nội và hai tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh. Kết quả: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đạt mức an toàn; Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Thận Hà Nội và Bệnh viện Phổi Hà Nội xếp loại an toàn ở mức thấp; Bệnh viện đa khoa Hồng Phúc, Bắc Ninh xếp loại chưa an toàn.

Qua kiểm tra, Bộ Y tế yêu cầu ban giám đốc các bệnh viện nêu trên tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch; kiểm điểm một số bộ phận tổ chức sàng lọc, phân luồng chưa khoa học, chưa đúng hướng dẫn; yêu cầu khắc phục và cải tiến, bảo đảm chất lượng các hoạt động nêu trên… Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh tạm dừng hoạt động đón người bệnh mới của Bệnh viện đa khoa Hồng Phúc để khắc phục toàn diện các nội dung chưa đạt theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đã kiểm tra được 46 bệnh viện, trong đó tạm dừng hoạt động ba bệnh viện không an toàn. (Nhân dân, trang 5; Hà Nội mới, trang 1).

 

Không được rời khu cách ly khi chưa có đủ kết quả xét nghiệm

Lưu ý trên được GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng BYT, nhấn mạnh khi chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các bệnh viện tuyến T.Ư và các sở y tế hôm qua 27.8. Tại buổi giao ban, GS Nguyễn Thanh Long cho hay sẽ tiếp tục có ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, do mầm bệnh đã lây lan, có thể bùng phát thành đợt mới. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khiến nguy cơ dịch bệnh vừa từ bên ngoài vào, vừa từ bên trong, đòi hỏi phải quyết liệt, trường kỳ hơn nữa.

Trước sự cố ca F1 rời khu cách ly tập trung khi chưa có xét nghiệm âm tính lần cuối, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Cần cách ly F1 tập trung để tránh lây lan dịch bệnh, các địa phương cần quán triệt việc này và tuân thủ nghiêm những quy định về cách ly, tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 ra khỏi khu cách ly tập trung. Người ra khỏi khu cách ly vẫn phải theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày”. Ông Long yêu cầu: “Các địa phương cũng phải quản lý, giám sát các chuyên gia nhập cảnh trong cách ly. Tuân thủ cách ly theo quy định trong 14 ngày”.

Liên quan đến việc một số ca tái dương tính sau khi đã được công bố khỏi bệnh, các chuyên gia về y tế dự phòng cho rằng “tái nhiễm” và “tái dương tính” là hai khái niệm khác nhau.

Theo các chuyên gia, tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới. Tái dương tính sẽ không lây lan cho người khác, nhưng vẫn cần được cách ly riêng biệt tại khu cách ly tập trung như yêu cầu cao hơn F1; đồng thời sẽ được chuyển đến điều trị cách ly tại BV nếu có triệu chứng bệnh như: sốt, ho, khó thở, rát họng…

“Tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại. Khi xét nghiệm gien của vi rút sẽ xác định được là ca tái dương tính hay tái nhiễm. Vì tái nhiễm là do vi rút khác với chủng đã gây bệnh lần đầu”, một chuyên gia giải thích và cho rằng: “Cơ quan y tế, các địa phương cần giải thích rộng rãi, để người dân hiểu đúng về tái dương tính và tái nhiễm, không hoang mang”. (Thanh niên, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 5).

 

Thực hiện nghiêm trạng thái bình thường mới trong chống dịch

Chiều ngày 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ với một số địa phương, bộ ngành theo hình thức trực tuyến về các giải pháp phòng chống Covid-19. Phát biểu chỉ đạo tại phiên hợp, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành và đặc biệt là ngành y tế không được chủ quan, coi thường. Thủ tướng chỉ đạo phải bám sát tinh thần “Sống chung với dịch”, triển khai những biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất, đi liền với đó là có thái độ văn hóa ứng xử trong tình hình dịch bệnh …  (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm chủng đầy đủ

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ phòng chống được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

Để hiểu rõ về lợi ích của tiêm chủng, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống có cuộc trao đổi với ThS.BS. Nguyễn Trọng Di – Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.

PV: Xin bác sĩ cho biết về lợi ích của tiêm chủng.

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ phòng chống được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, khi bị mắc bệnh thì ngoài việc tốn nhiều chi phí để điều trị, trẻ còn gặp phải những biến chứng nặng, thậm chí là trẻ bị tử vong.

Cụ thể, trong những năm (2007 và 2014) và gần đây nhất là cuối năm 2018 và đầu năm 2019, cả nước bùng phát dịch sởi với hàng trăm ngàn trẻ mắc bệnh, trong đó có rất nhiều trường hợp đã tử vong. Riêng ở Nghệ An ghi nhận vài ngàn trường hợp mắc sởi, các trẻ mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm phòng hoặc có tiêm phòng nhưng không tiêm đủ liều, đúng lịch.

Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ các đối tượng người lớn như vắc-xin phòng cúm mùa, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư cổ tử cung… Tại Việt Nam, công tác tiêm chủng đã đem lại những kết quả hết sức to lớn. Nhờ có chương trình TCMR, hàng năm có hàng triệu trẻ em được bảo vệ, hạn chế số trẻ mắc bệnh hoặc khi mắc bệnh hiếm để lại các di chứng hay tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

PV: Cụ thể hiện nay, chương trình TCMR triển khai tiêm những loại vắc-xin gì và lịch tiêm như thế nào?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Hiện nay, có rất nhiều loại vắc-xin được triển khai trong chương trình TCMR, đây là hình thức triển khai tiêm chủng ở phường xã, được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí. Trẻ nhỏ sau khi được sinh ra sẽ được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu; trong vòng 1 tháng, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng bệnh lao; đến 2-3-4 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin 5 trong 1 và được uống vắc-xin bại liệt; Tháng thứ 5, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng bại liệt nhắc lại; đến tháng thứ 9 thì trẻ được tiêm phòng bệnh sởi và tháng thứ 12 thì trẻ được tiêm phòng viêm não Nhật Bản; đến 18 tháng tuổi thì trẻ sẽ được tiêm nhắc lại vắc-xin sởi – Rubella và vắc-xin 5 trong 1.

PV: Trong thời gian qua, CDC Nghệ An đã triển khai những giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng cao của người dân?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng cao của người dân tỉnh Nghệ An, ngoài việc cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình TCMR cho các địa phương, CDC Nghệ An đã triển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó có việc mở một phòng tiêm SAFPO thực hiện tiêm dịch vụ cho người dân; đảm nhiệm chuyên môn ở phòng tiêm này là đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong tiêm chủng; Các vắc-xin sử dụng tại phòng tiêm có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới và bảo quản bằng hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng vắc-xin theo đúng quy định.

Khi đến phòng tiêm, người dân được khám, tư vấn tiêm chủng phù hợp với tình trạng sức khỏe, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Quá trình thực hiện tiêm chủng được triển khai theo quy trình của Bộ Y tế; người dân được theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ. Mỗi tháng, phòng tiêm SAFPO phục vụ khoảng 6.000 mũi tiêm giúp người dân chủ động phòng tránh mắc các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vắc-xin.

PV: Xin bác sĩ cho biết về tình hình bệnh dại ở Nghệ An và biện pháp phòng chống bệnh dại?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Theo thống kê, từ tháng 1-7/2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 05 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Điều đáng nói là cả 5 trường hợp này không đi tiêm phòng dại mà tự đi bốc thuốc ở thầy lang không phép và sử dụng thuốc nam để điều trị nên dẫn đến tử vong.

Bệnh dại hiện nay chỉ phòng tránh được bằng cách duy nhất là tiêm phòng huyết thanh và vắc-xin phòng dại. Không có một phương pháp nào có thể điều trị cho người lên cơn dại, khi người bệnh lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Vì vậy, khi bị các loại súc vật cắn (chó, mèo…), người dân cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng.

PV: Khi bố mẹ quên lịch đưa trẻ đi tiêm chủng, nên xử lý thế nào?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quên lịch tiêm chủng cho trẻ như: bố mẹ bận công việc nên quên lịch tiêm chủng của con; trẻ bị bệnh, sốt trong thời gian có lịch hẹn tiêm chủng… Trong các trường hợp lỡ lịch hẹn, khi sức khỏe của trẻ bình thường, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng sớm nhất để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm chủng phù hợp cho bé.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Lời khuyên của bác sĩ

Các bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng cần thiết phải đưa con em mình đến trạm y tế các xã phường, thị trấn để tiêm chủng định kỳ, đúng lịch cho các cháu. Việc tiêm chủng cần được thực hiện càng sớm càng tốt theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời người dân cũng nên chủ động tiêm phòng thêm các loại vắc-xin dịch vụ như: thủy đậu, cúm mùa, phế cầu… để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Tổ giám sát dịch COVID-19 cộng đồng: Cánh chim không mỏi góp phần đẩy lùi dịch

Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đến làm việc và có ý kiến chỉ đạo tỉnh Quảng Nam phải thành lập ngay các tổ giám sát cộng đồng, Quảng Nam đã chấp hành ngay ý kiến chỉ đạo. 5.484 tổ giám sát cộng đồng ở tất cả khu dân cư được thành lập trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ rất nhiều trong công việc truy vết và giám sát dịch.

Các thành viên của tổ giám sát cộng đồng có từ 2-3 thành viên là những người có uy tín trong tổ dân phố, hàng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nhắc nhở, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. “Các tổ giám sát hoạt động rất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phòng chống dịch COVID-19 hiện nay”, ông Trần VănTân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Là thành viên cốt cán của tổ giám sát cộng đồng, ông  Nguyễn Quang Lê ở TP. Tam Kỳ, Quảng Nam ngược xuôi khắp tổ đoàn kết, phát tờ khai y tế, kê khai nhân khẩu cho từng tổ, nắm danh sách những người thuộc diện F1, F2. Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, thành viên tổ giám sát và cả người dân liên lạc với ông bất kể giờ giấc, ngày đêm. Đúng trưa, ông gõ cửa nhà một gia đình trong tổ là thành viên của tổ giám sát, gửi xấp tờ khai y tế, dặn dò phải phân phát và thu thập ngay trong ngày.

“Tôi đi liên tục. Khối phố có 10 tổ đoàn kết thì cũng có 10 tổ giám sát cộng đồng được thành lập theo chỉ đạo của UBND phường. Chúng tôi họp nhanh, sau đó phân việc, khẩn trương thực hiện. Dịch đã đến đây rồi, chậm chừng nào, nguy cơ cho chính mình, cho khu dân cư nơi mình ở càng lớn chừng đó”, ông Lê nói.

Thông tin được cập nhật từng giờ, nhưng với tổ giám sát cộng đồng, những thông báo cần kíp từ phía ban chỉ đạo còn nhanh hơn thế. Họ đến từng nhà, vừa tuyên truyền những chỉ đạo, vừa nắm tình hình tư tưởng, biến động người đi về địa bàn. Nhờ sự khẩn trương đầy trách nhiệm đó mà không lâu sau, khi 2 ca dương tính với COVID-19 được công bố, danh sách F1, F2 được báo cáo về phường, được tổ chức khoanh vùng, đưa đi cách ly, cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.

Sự tận tụy của các thành viên tổ giám sát cộng đồng đã góp phần củng cố khả năng phòng vệ cần thiết cho cộng đồng trước diễn biến phức tạp của dịch. Song, từ cơ sở cũng còn nhiều điều đáng lưu ý từ góc độ ý thức cộng đồng.

Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý – Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ giám sát cộng đồng.

Ông Quý yêu cầu, các địa phương phải kích hoạt ngay các tổ giám sát với 2 nhiệm vụ chính: Tuyên truyền, vận động; Kiểm tra, giám sát người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Với tinh thần này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã phát huy cao vai trò của các tổ giám sát. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận đã triển khai 457 tổ giám sát, tiến hành nhắc nhở các cơ sở, điểm di tích trên địa bàn quận bảo đảm giãn cách. Các tổ giám sát này cũng nhắc nhở và xử phạt 162 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Tại quận Long Biên, lực lượng y tế của quận và tổ giám sát cộng đồng tập trung tiếp nhận thông tin từ công dân ra khai báo y tế, rà soát triệt để người về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, người nhập cảnh Việt Nam đang lưu trú trên địa bàn quận theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không để sót những người có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 nhập cảnh Việt Nam, kịp thời phát hiện và cách ly những người nhập cảnh trái phép.

Trung tâm y tế quận, trạm y tế phường thực hiện rà soát vật dụng y tế, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch như: khẩu trang, găng tay, nhiệt kế, áo mưa dùng một lần, sát khuẩn tay và chủ động mua sắm vật dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, tổ chức xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR cho các trường hợp đi về từ vùng dịch, các trường hợp có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, các trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn đều cho kết quả âm tính.

Đồng thời, thành lập các tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của các ngành y tế, công an, các đoàn thể tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm đối với cá nhân và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các chung cư, chợ, siêu thị, công trình xây dựng… không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế trong rất nhiều cuộc làm việc với các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam đều nhắc nhở địa phương thành lập sớm các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng, họ là những cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, thành. “Nhờ những hoạt động không mệt mỏi của thành viên tổ giám sát dịch cộng đồng nên chúng ta đã tạo nên thế trận lòng dân trong chống dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội: Vinmec là bệnh viện an toàn nhất trong đợt kiểm tra phòng dịch COVID-19

Vinmec Times City là bệnh viện đạt điểm cao nhất trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Y tế Hà Nội: 92,66/100. Với kết quả này, Vinmec được cơ quan quản lý y tế đánh giá là bệnh viện an toàn nhất, thực hiện tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh đến thăm khám và điều trị. Từ 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 11 ca mắc ngoài cộng đồng và hầu hết đều phát hiện từ các bệnh viện. Chính vì vậy, bệnh viện là khu vực Sở Y tế Hà Nội quan tâm hàng đầu trong mùa dịch bệnh COVID-19. Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các bệnh viện, đến nay đã kiểm tra được 46/80 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 30/41 bệnh viện công lập, 16/39 bệnh viện tư nhân. Kết quả: 36/46 bệnh viện an toàn, 7/46 bệnh viện an toàn ở mức thấp. Vinmec Times City là bệnh viện đạt điểm kiểm tra cao nhất. Tại Vinmec Times City, đoàn kiểm tra bệnh viện theo Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” với 37 nội dung như: Các biện pháp phòng ngừa chung, Sàng lọc và phân luồng, Đào tạo và tập huấn… Bệnh viện Vinmec Times City được Sở Y tế đánh giá đã xây dựng đầy đủ các phương án phòng chống dịch theo 4 giai đoạn, bao gồm cả kế hoạch cách ly bệnh viện, các kế hoạch đón tiếp người bệnh COVID-19 trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp với các chuyên khoa trọng điểm như Sản, phẫu thuật, nội soi; công tác sàng lọc, phân luồng tiếp đón người bệnh nghi ngờ COVID-19 cũng như các biện pháp phòng ngừa an toàn cho nhân viên và người bệnh… Đoàn kiểm tra đã đánh giá cao sự tổ chức khoa học, thực hiện nghiêm túc, bài bản của bệnh viện trong cả chuyên môn và vận hành bệnh viện trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Từ khi có dịch COVID-19, đặc biệt từ cuối tháng 7/2020, ngay khi dịch tái xuất hiện trong cộng đồng, cùng với tất cả các bệnh viện trong toàn Hệ thống Y tế Vinmec trên cả nước, Vinmec Times City tại Hà Nội nghiêm túc tuân thủ thực hiện sàng lọc với 100% khách hàng, đối tác và cán bộ, nhân viên y tế.
Bệnh viện có các phương án phân vùng nguy cơ lây nhiễm tại các khu vực tiếp đón cũng như các phương án tiếp nhận, thu dung, vận chuyển và điều trị người bệnh trong trường hợp dịch bệnh lan rộng và có yêu cầu từ cơ quan y tế. Đặc biệt, khi giãn cách xã hội, bệnh viện đã triển khai ngay các hoạt động chăm sóc sức khỏe từ xa nhằm đảm bảo người bệnh được chăm sóc và điều trị liên tục.
Luôn thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như các tiêu chuẩn y khoa thế giới, Vinmec Times City đã được các tổ chức y tế hàng đầu trong nước và khu vực đánh giá là môi trường y tế an toàn cao. Bệnh viện là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam cho đến nay 2 lần được công nhận đạt chuẩn JCI – Tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả trong lĩnh vực y tế khắt khe nhất thế giới. Năm 2015 và 2019, Vinmec Times City cũng đã được Hiệp hội quản lý bệnh viện châu Á (HMA) vinh danh với 2 giải thưởng ‘Bệnh viện tiến bộ nhất” và “An toàn người bệnh”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Cứu sống nữ sinh viên y khoa 9 lần ngưng tim

Chiều 26/8, ThS.BS Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế cho biết, các y, bác sĩ của khoa vừa cứu sống nữ BN P.T.L. (SN 1997, trú tại tỉnh Kon Tum) mắc bệnh nguy kịch với 9 lần ngưng tim, hôn mê sâu.

Em L. hiện đang theo học năm thứ 5 ngành Y học dự phòng, trường đại học (ĐH) Y dược Huế. Ngày 15/7, em L. lên cơn hen, ngưng tim giữa đêm và được chuyển đến Bệnh viện trường ĐH Y dược Huế cấp cứu với chẩn đoán suy đa tạng, ngừng tuần hoàn ngoại viện, hen phế quản.

Sau 5 ngày hồi sức tích cực tại Bệnh viện trường ĐH Y dược Huế không tiến triển, ngày 20/7, BN L. được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện T.Ư Huế điều trị. Nghe tin con gái nhập viện, bố mẹ BN L. từ Kon Tum tức tốc ra Huế để chăm con. Dù chi phí điều trị của BN L. đã được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 80% nhưng vì phải chạy thận, lọc máu liên tục nên chi phí rất tốn kém. Trong khi gia cảnh của L. khá khó khăn.

ThS.BS Bùi Mạnh Hùng cho biết, khi nhập viện, tình trạng của BN L. rất nặng, rối loạn nhịp tim, tiêu cơ, suy thận cấp. Các y, bác sĩ đã nỗ lực để điều trị thở máy, chạy thận lọc máu liên tục. Trong quá trình điều trị, L. có 9 lần ngưng tim, các y, bác sĩ phải sốc điện cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng sau đó em bị hôn mê sâu, chỉ số sinh tồn còn 5 điểm. Do suy đa tạng, viêm phổi nặng, rối loạn nhịp tim, hội chứng hoạt hóa đại thực bào nên bệnh của BN L. diễn tiến nặng hơn.

Tuy vậy, với quyết tâm cứu sống nữ BN này, các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện T.Ư Huế đã tích cực điều trị, giúp BN L. chạy lọc máu liên tục trong nhiều ngày, thở máy cùng với nhiều kỹ thuật hỗ trợ khác.

Sau hơn 1 tháng điều trị, BN L. đã hồi tỉnh, các chức năng sống đang cải thiện tốt, đã có thể ngồi dậy và nói chuyện được. Hiện L. đã được chuyển đến khoa chức năng để tiếp tục điều trị phục hồi. “Việc cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngoại viện, sau khi nhập viện trải qua 9 lần ngưng tim phải sốc điện cấp cứu tích cực là sự việc hy hữu từ trước đến nay mà các y, bác sĩ đơn vị chứng kiến”, BS Hùng cho hay. (Công an nhân dân, trang 4. Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Bài viết liên quan

Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 19/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/3/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận