Điểm báo ngày 30/11/2021

(CDC Hà Nam)
Quy định về hiến ghép mô, tạng còn nhiều bất cập; Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường; Vắc xin Covivac không tuyển được TNV thử nghiệm giai đoạn cuối…

 

Cần nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong đó có bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp là nhiệm vụ quan trọng. Ngành y tế cần có nhiều giải pháp chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân nhằm làm giảm những di chứng do vi-rút SARS-CoV-2 để lại…

Tiến sĩ (TS) tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, Covid-19 làm khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân. Ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp ba lần so với trước dịch Covid-19. “Tuy vậy, các quốc gia vẫn chưa quan tâm hoặc chú ý đến sức khỏe tâm thần của người dân”, TS Lê Minh Công nhận định.

Các rối loạn, vấn đề sức khỏe tâm thần khởi phát ngay trong dịch hay gặp như nhận thức tiêu cực, trầm cảm, lo âu, hoảng sợ,… hoặc kéo dài kể cả sau dịch có thể từ hai đến chín năm gồm trầm cảm; ám ảnh, sợ… Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là giãn cách xã hội, cách ly, dương tính, kiệt sức, khó tiếp cận nguồn an sinh xã hội… Có người bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần do thường xuyên tiếp nhận thông tin nhiễu loạn, độc hại, khủng hoảng tài chính và việc làm, mất người thân, lo sợ về tương lai.

“Những nhóm dễ tổn thương về sức khỏe tâm thần gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; công nhân, lao động phi chính thức; người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền trước đó; người khuyết tật. Do đó, người dân cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần trong và sau đại dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng về Covid-19 và sức khỏe tâm thần”, TS Lê Minh Công chia sẻ thêm.

Cũng theo TS Lê Minh Công, thành phố cần thúc đẩy chương trình phát hiện sớm các rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng, nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cũng như đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần từ xa. Chiến lược hỗ trợ sức khỏe tâm thần cần tập trung ba nhóm nguy cơ và từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa-can thiệp mục tiêu-can thiệp chuyên sâu.

Để điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc Covid-19 hiệu quả, PGS, TS Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông, Tây y kết hợp cho biết, cần có sự kết hợp giữa Tây y và Đông y. Bộ Y tế hiện đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị. Đây là điều rất đáng mừng nhưng còn nhiều khó khăn vì y học cổ truyền mang tính cá thể. Mỗi cơ địa, cùng một biểu hiện bệnh có thể có cách điều trị khác nhau. “Tuy nhiên, với tác dụng hỗ trợ hoạt động miễn dịch giúp tăng sức đề kháng đã được chứng minh, các vị thuốc, bài thuốc y học cổ truyền là vũ khí tăng cường cho thầy thuốc chọn lựa trong điều trị chống lại SARS-CoV-2. Điều đáng mừng là những dược liệu trong các bài thuốc Đông y đa phần có ở nước ta”, PGS, TS Nguyễn Thị Bay cho biết thêm…

Với số ca F0 đang tăng trở lại, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 ở các tuyến tiếp tục hoạt động khẩn trương để điều trị cho bệnh nhân. TS, Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 cho rằng, bệnh viện dã chiến góp phần trong điều trị người bệnh nặng, giảm tải cho các bệnh viện tầng trên. Việc phát hiện sớm, dự trù, dự phòng bệnh nhân trở nặng để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và không làm quá tải, không làm áp lực cho tuyến trên là nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh đó, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 cần phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà với mục tiêu chung là quản lý và giảm số lượng F0 tại cộng đồng, giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong.

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, dù dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát nhưng chúng ta cần nhìn lại những điều chưa làm được và tìm cách khắc phục để không lặp lại. Điều quan trọng nhất hiện nay là thành phố cần tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện 5K và tiêm vắc-xin. Trong đó 5K vẫn là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế  sự lây lan của dịch bệnh.

Bác sĩ Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh cho biết, Covid-19 được công nhận là một bệnh đa cơ quan với nhiều biểu hiện. Do đó, cần đánh giá toàn diện tài liệu hiện tại về hậu Covid-19 cấp tính, sinh lý bệnh và di chứng cụ thể của nó. Các báo cáo cho thấy, khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhận thức, đau khớp và suy giảm chất lượng cuộc sống…  (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Theo lộ trình dự kiến, trong tháng 12 tới, học sinh khối 9, 12 ở những vùng an toàn dịch bệnh được đến trường học trực tiếp.

Đến nay, khoảng 780 nghìn trẻ từ 12-17 tuổi ở TP Hồ Chí Minh cơ bản được tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để các cơ sở giáo dục sớm đón học sinh trở lại trường.

Em Trương Thế Mạnh, học sinh Trường THPT Củ Chi, huyện Củ Chi chia sẻ: “Em mong muốn được đến trường học trực tiếp để nắm vững kiến thức sau thời gian ở nhà học trực tuyến. Dù chúng em đã cố gắng nhưng việc tiếp thu kiến thức không bằng học trực tiếp. Chúng em đã tiêm vắc-xin nên tự tin khi quay lại trường”.

Hầu hết phụ huynh cũng mong muốn cho con em mình được đến trường khi các em đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Đán, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho hay: “Năm nay, con tôi học lớp 12, được tiêm vắc-xin để đi học trực tiếp thì tốt hơn. Ở nhà lâu quá, học trực tuyến nhiều, tôi cũng lo lắng cho sức khỏe, tinh thần của các cháu”.

Theo thống kê, có hơn 1.500 trường học trên địa bàn thành phố được trưng dụng để làm nơi phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, đa số cơ sở giáo dục đã được giao lại cho các trường. Các trường cũng gấp rút tiêu độc, khử trùng, dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang phòng học để tổ chức đón học sinh trở lại khi được cho phép.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ để đưa ra các phương án, kịch bản bảo đảm an toàn nhất khi học sinh trở lại trường. Trong tháng 10 vừa qua, căn cứ tình hình dịch bệnh, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Cần Giờ xây dựng phương án thí điểm cho học sinh các khối 1, 2, 6, 9, 12 của Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trực tiếp. Qua thời gian dạy và học trực tiếp, kết quả mang lại rất khả quan, nhất là công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ngành giáo dục thành phố đã rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành giáo dục, người dân trên nền tảng xây dựng thích ứng với dịch bệnh là rất quan trọng.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng, qua thí điểm, ngành giáo dục sẽ báo cáo và đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch cho học sinh trở lại học tập trực tiếp trên các địa bàn khác. Ngành giáo dục cùng ngành y tế bàn bạc, tính toán đưa ra những phương án tốt nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời, đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục. Đây là điều kiện để các trường thực hiện, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khi thành phố có chủ trương cho học sinh đi học trở lại…

Để thích ứng tình hình mới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các trường học dựa trên tình hình thực tế, diễn biến của dịch bệnh tổ chức cho các em hoạt động nhóm. Học sinh một lớp chia thành nhóm nhỏ, tổ chức hoạt động, học tập vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, vừa nâng cao kỹ năng làm việc nhóm. Qua đó, có thể quản lý được các em và quản lý được dịch bệnh phát sinh trong nhà trường.

Theo ông Dương Trí Dũng, thành phố mong muốn các em được học tập trực tiếp cả bậc mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, việc cho học sinh trở lại trường phải dựa trên tình hình thực tế của dịch bệnh và phải có kế hoạch cẩn trọng theo tinh thần an toàn đến đâu mở cửa tới đó.

Việc trường học mở cửa trở lại đã được quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục. Đối với trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế đã có phương án bảo đảm an toàn cho trẻ khi đến trường. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phải xây dựng phương án, kịch bản cụ thể để ứng phó với từng tình huống dịch bệnh xảy ra. Theo đó, phải xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại trường học; xây dựng kịch bản chuyển trạng thái hoạt động để bảo đảm dạy và học trực tiếp… Quy trình này được thẩm định chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng.

Sở Y tế thành phố vừa hoàn thành cẩm nang hướng dẫn cho giáo viên, học sinh nắm rõ các quy định, cách thức trong phòng, chống dịch bệnh khi dạy và học trực tiếp tại trường. Tài liệu này sẽ được chuyển đến trường học để phát cho giáo viên, học sinh trước khi đi học trở lại… (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch

Chiều 29/11, trao đổi với báo chí, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy thống nhất chỉ đạo khẩn trương đưa học sinh THPT trở lại trường học; đồng thời lên ngay phương án đưa học sinh THCS trở lại trường học. Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh khối 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trở lại trường; trước mắt, thực hiện đối với các đơn vị xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.

Thời gian thực hiện là từ đầu tháng 12/2021, có thể xem xét từ ngày thứ hai (6/12). Việc đưa học sinh trở lại trường học phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết. Người đứng đầu các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch, sẵn sàng khi học sinh đến trường.

Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng các tình huống dịch Covid-19 trước biến chủng mới (Omicron) của vi-rút SARS-CoV-2. Trong đó, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch. Các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có 36 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Các địa phương triển khai theo hình thức tiêm hạ dần độ tuổi, tiêm trước cho trẻ bậc THPT, sau đó hạ dần. Hiện nhiều địa phương đã tiêm cho trẻ lớp 8, lớp 9. Các địa phương đã tiêm được 3.427.977 liều vắc-xin, trong đó có 2.892.168 liều mũi một và 535.809 liều mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 31,7% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều là 5,9% dân số từ 12 đến 17 tuổi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thông báo tìm người đã đến các địa điểm sau: Nhà hàng Doncook (số 130 phố Trung Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy); Trụ sở Công ty IFC (số 9 Lô 1G-Khu đô thị Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) trong thời gian từ ngày 13 đến ngày 27/11 (tại các địa điểm này ghi nhận bốn nhân viên mắc Covid-19)  chủ động tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế nơi cư trú để được tư vấn và hướng dẫn. Ngày 29/11, Hà Nội ghi nhận 390 ca mắc Covid-19 mới, trong đó tại cộng đồng 220 ca. Đây là ngày TP Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay.

Ngày 29/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.770 ca nhiễm mới, gồm 12 ca nhập cảnh và 13.758 ca ghi nhận trong nước (tăng 830 ca so với ngày 28/11) tại 59 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều là: TP Hồ Chí Minh 1.554 ca, Cần Thơ 913 ca, Tây Ninh 719 ca, Bình Dương 697 ca… Trong ngày cũng có 16.088 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 173 ca tử vong tại 20 tỉnh, thành phố.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay đã có sáu doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Trường hợp Bộ Y tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn do quy định tại Điều 56, Điều 87 (khoản 1) và Điều 89 (khoản 1, điểm b khoản 3) của Luật Dược thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc Molnupiravir trong nước.

Bộ Y tế cũng cho biết, chương trình sử dụng thí điểm đưa thuốc Molnupiravir điều trị có kiểm soát F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã triển khai tại 36 tỉnh, thành phố với số lượng thuốc phân bổ gần 250.000 liều, cho hiệu quả tốt. Theo đó, các báo cáo giữa kỳ cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt,  hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi-rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ người bệnh; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02% đến 0,06% và không có ca nào tử vong liên quan thuốc. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 4: “Hà Nội: Điều trị F0 thể nhẹ ở xã, phường”; Tiền phong, trang 6: “Hà Nội: Học sinh THPT trở lại trường đầu tháng 12”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Hà Nội xem xét cho học sinh THPT trở lại trường học từ ngày 6-12-2021”; Hà Nội mới, trang 1: “Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Đưa học sinh trở lại trường sớm nhất, an toàn nhất”; Công an Nhân dân, trang 4: “Hà Nội chuẩn bị kỹ, sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn”

 

TPHCM, Đồng Nai: Ngăn y tế cơ sở quá tải

Những ngày qua, số ca mới mắc COVID-19 đang tăng nhanh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước trong đó có TPHCM và Đồng Nai. Trong bối cảnh nhân sự y tế tuyến cơ sở còn mỏng, các địa phương đã xảy ra tình trạng quá tải cục bộ ở những nơi tập trung nhiều ca bệnh.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 13.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế và cách ly, điều trị tại nhà, Riêng bệnh nhân F0 đang cách ly điều trị và trường hợp F1 cách ly tại nhà đã có trên 44.000. Nhiều phường ở thành phố Biên Hòa nơi tập trung đông ca mắc COVID-19, đã rơi vào tình trạng quá tải. Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, số F0 tăng nhanh trong khi lực lượng của các trạm y tế mỏng khiến việc xử lý các trường hợp F0 không đảm bảo thời gian quy định.

Nhiều người dân là F0, F1 gọi điện thoại để thông báo cho trạm y tế nhiều lần không được hỗ trợ trong nhiều ngày liền. Nhiều trường hợp là F0, F1 phải trực tiếp đến các trạm y tế phường để khai báo, nhận quyết định cách ly tại nhà…, dẫn đến quá tải tại các trạm y tế, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Ngoài ra, qua phản ánh của một số doanh nghiệp, thời gian qua có doanh nghiệp xuất hiện ca F0, báo cho trung tâm y tế địa phương nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Sở Y tế ban hành văn bản khẩn hướng dẫn quy trình xử lý F0, F1 trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện đúng, hiệu quả”.

TPHCM cố gắng không để quá tải

Tình trạng quá tải cục bộ cũng đang xảy ra tại một số quận, huyện có ca bệnh tăng cao trên địa bàn TPHCM. Ngày 29/11, trao đổi với phóng viên, BS Phạm Văn Nghĩa, Trưởng trạm Y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cho biết, hiện tại nhân sự của trạm có 9 người nhưng đang phải theo dõi, hỗ trợ điều trị cho 593 F0 trên địa bàn xã.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngành y tế đã tăng cường nhân sự cho các trạm y tế, sẵn sàng phương án luân chuyển cán bộ từ các bệnh viện đến những điểm tập trung nhiều ca bệnh để kịp thời hỗ trợ người bệnh.

Tuy nhiên, ở hệ thống điều trị tầng 2 và tầng 3, bà Mai khẳng định số nhập viện điều trị hiện nay là hơn 11.000 trường hợp đang thấp hơn tổng số giường hiện có hơn 31.000 giường. TPHCM đang cố gắng không để tình trạng quá tải xảy ra.

Sở Y tế TPHCM đã có công văn trình Bộ Y tế đề xuất phương án triển khai chích mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 cho những nhóm nguy cơ cao và nhóm tham gia trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch.

Bộ Y tế đã có văn bản trả lời đề xuất trên, theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương rất quan tâm vấn đề tiêm vắc xin mũi 3, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, TPHCM cần thực hiện việc tiêm vét cho người dân chưa chích ngừa mũi 2 và đặc biệt cần ưu tiên vắc xin cho nhóm trẻ từ 12 – 17 tuổi. (Tiền phong, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 1: “TPHCM: F0 tăng, thiếu nhân lực, trạm y tế lưu động quá tải”

 

Hải Phòng, Hải Dương: Hạn chế hoạt động đông người

Hôm qua, TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương ghi nhận thêm hàng trăm công nhân dương tính SARS-CoV-2. Hai địa phương này đã cho hàng vạn học sinh tạm dừng đến trường và bổ sung nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 29/11, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) ghi nhận có 98 ca dương tính SARS-CoV-2, là công nhân làm việc tại công trường xây dựng chung cư cao tầng thuộc phường Sở Dầu, do Công ty CP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy làm chủ đầu tư. Một lãnh đạo quận Hồng Bàng thông tin, công trường xây dựng này có khoảng 900 công nhân đến từ nhiều tỉnh, thành khác và ở trọ tại nhiều nơi. Do đó, số ca bệnh liên quan ổ dịch này còn tăng. Quận đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu lên danh sách để rà soát, phong tỏa nơi ở và làm việc của công nhân. “Ổ dịch này rất phức tạp, có nguy cơ lan rộng với số lượng F1, F2 lớn do nhiều F0 đã di chuyển đến nhiều nơi, nhiều khu dân cư khác. Quận đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung cao, quyết liệt rà soát truy vết, không lơ là, buông lỏng trong công tác phòng chống dịch”, đại diện lãnh đạo quận Hồng Bàng nói.

UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) thông tin, tuần qua (từ 22-29/11), địa phương ghi nhận 152 ca mắc COVID-19. Trong đó, 97 trường hợp là học sinh giáo viên, 30 trường hợp làm việc tại 5 doanh nghiệp sản xuất. Huyện xác định có hơn 2.800 F1, hơn 3.600 F2. Tiên Lãng đã quyết định cho 35.000 học sinh các cấp tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến.

UBND TP Hải Phòng đã họp khẩn với liên ngành, các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng ngừa. Lãnh đạo thành phố nhận định, gần đây, một số bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, không tuân thủ 5K. Trong những ngày tới, số ca bệnh có thể tăng nhiều. Hải Phòng kêu gọi người dân hạn chế tổ chức đám cưới, hạn chế người đến dự đám hiếu và sự kiện đông người. Thành phố cũng kêu gọi người dân hạn chế di chuyển. Đồng thời yêu cầu các quận, huyện rà soát tất cả các công nhân và người lao động tại các công trường trên địa bàn, đánh giá cấp độ dịch để chủ động biện pháp phòng ngừa.

Tạm dừng nhiều hoạt động

Ngày 29/11, tỉnh Hải Dương ghi nhận 69 ca dương tính, đa số là công nhân Công ty TNHH GFT Việt Nam, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ. Huyện đã quyết định cho hàng vạn học sinh các cấp tạm dừng đến trường, học trực tuyến tại nhà. Tạm dừng hoạt động chợ cóc, chợ tạm, hoạt động thể dục thể thao, dịch vụ cắt tóc gội đầu, cưới hỏi. Hạn chế tập trung ăn uống tại các đám hiếu, đám giỗ, tân gia, sinh nhật… Các nhà hàng, quán ăn, cà phê chỉ được bán mang về.

TP Hải Dương những ngày gần đây cũng liên tiếp ghi nhận nhiều ca dương tính, 40% ca bệnh là ca nhiễm cộng đồng, trong cùng gia đình. Đặc biệt, một số trường hợp thường xuyên di chuyển rộng, ra ngoài tỉnh, tiếp xúc nhiều người, tập trung ở đám hiếu, giỗ… Từ đó phát sinh các ổ dịch rất phức tạp tại xã Liên Hồng, Ngọc Sơn và phường Cẩm Thượng, Bình Hàn. TP Hải Dương đã tạm dừng tổ chức đám cưới, hạn chế số lượng người đến đám hiếu, nơi công cộng… (Tiền phong, trang 5)

 

Vắc xin Covivac không tuyển được TNV thử nghiệm giai đoạn cuối

Thành viên nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac cho hay một trong những nguyên nhân tạm dừng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin này do nghiên cứu không tìm được tình nguyện viên.

Ngày 29.11, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) xác nhận đã nhận được công văn của Viện Vắc xin và sinh phẩm (Ivac, Bộ Y tế) tại Nha Trang (Khánh Hòa) đề nghị tạm dừng thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc xin Covid-19 Covivac.

Vắc xin Covid-19 dự tuyển Covivac do Ivac nghiên cứu phát triển, NIHE và Trường đại học Y Hà Nội là 2 đơn vị triển khai TNLS. Từ tháng 2 đến nay, Covivac đã hoàn thành TNLS giai đoạn 1 và 2 với sự tham gia của gần 600 tình nguyện viên (TNV). Kết quả cho thấy vắc xin an toàn; dung nạp và sinh miễn dịch tốt sau tiêm trên người tình nguyện. Thành viên nhóm nghiên cứu TNLS Covivac cho hay một trong những nguyên nhân tạm dừng TNLS giai đoạn 3 vắc xin này do nghiên cứu không tìm được TNV.

Theo Bộ Y tế, trong nước hiện có các ứng viên vắc xin Covid-19 như Nanocovax, ARCT-154, Sputnik V, vắc xin do Công ty Shionogi Nhật Bản phát triển. Trong số vắc xin tiếp nhận công nghệ và gia công đóng ống, vắc xin Sputnik do Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sản xuất đã xuất xưởng lô thương mại đầu tiên hơn 1 triệu liều. Quy mô gia công, đóng ống vắc xin Sputnik V là 5 triệu liều 1 tháng.

Ngoài ra, vắc xin ARCT-154 do Tập đoàn Vingroup tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, đã được thử nghiệm trên TNV. Nếu đạt yêu cầu, quý 1/2022, vắc xin này có thể được Bộ Y tế xem xét phê duyệt, đi vào sản xuất. (Thanh niên, trang 4)

 

Thủ tướng chỉ đạo chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron

Thủ tướng yêu cầu chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra, tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ ngày 29.11 có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2.

Công văn nêu: Gần đây trên thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 và đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này vào nước ta. (Thanh niên, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Chủ động kiểm soát biến thế mới Omicron”

 

TP.HCM tập trung tiêm vét vắc xin Covid-19

Chiều 29.11, tại buổi họp báo định kỳ, theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, diễn biến dịch Covid-19 những ngày qua có 4 điều cần quan tâm.

Cụ thể, 4 điều là: số ca mắc mới cao, số ca tử vong cao, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện và biến chủng Omicron. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát, nhiều tuần liên tục duy trì ở cấp độ 2 – nguy cơ trung bình.

Để chuẩn bị đối phó với biến chủng mới, ông Hải cho hay TP.HCM đã chuẩn bị 4 nội dung; trong đó đề nghị người dân tuân thủ khuyến cáo 5K, nhất là đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế tụ tập. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo về biến chủng này, khi có vấn đề gì thì phải báo cáo ngay. TP.HCM đã xây dựng các kịch bản, triển khai các biện pháp như chăm sóc F0 tại nhà, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế cơ sở, tăng cường tiêm vắc xin; phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trên 3 khía cạnh: y tế công và tư; đông y và tây y; quân y và dân y.

Liên quan tiêm vắc xin, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố đang tập trung tiêm cho những người chưa tiêm mũi 2, nhất là các cháu từ 12 – 17 tuổi sẽ cố gắng tiêm vét cho hết. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” xem ai còn chưa tiêm vắc xin để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tiêm vắc xin để có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Về năng lực điều trị, bà Mai cho rằng ngành y tế đã chuẩn bị trên 31.000 giường bệnh, số bệnh nhân đang điều trị trên 11.000 người (cả bệnh viện tầng 2 và tầng 3) nên không có chuyện hệ thống y tế quá tải. Trước phản ánh về tình trạng bán túi thuốc Molnupiravir, bà Mai thông tin đây là loại thuốc để nghiên cứu lâm sàng, không phải thuốc bán ra thị trường; đồng thời cho biết công an đang phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp bán túi thuốc này.

TP.HCM đề nghị người dân ‘không hoang mang, không chủ quan’ trước biến chủng Omicron

Cũng tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị – Tư tưởng (thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng tính đến ngày 26.11, TP.HCM còn 124 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch, trong đó có 3 cơ sở là bệnh viện dã chiến, 57 cơ sở làm khu cách ly tập trung, 15 khu lưu trú cho nhân viên y tế và 43 cơ sở được sử dụng làm điểm tiêm và trạm y tế lưu động…

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn nhà trường chuẩn bị phương án cụ thể và diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1 khi đón học sinh trở lại học trực tiếp, mỗi trường phân công cán bộ phụ trách phòng, chống dịch từ khi đón học sinh đầu giờ đến cuối giờ.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 29.11, TP.HCM đã tiêm được 560.822 liều vắc xin Covid-19 mũi 2 cho học sinh từ 12 – 17 tuổi, đạt 79,8% (trẻ từ 12 – 17 tuổi tại TP.HCM là 702.563 em). Trong khi đó, mũi 1 đã tiêm 686.333 liều, đạt 97,6%. TP.HCM tiếp tục tiêm vét cho những học sinh chưa tiêm mũi 1 và mũi 2.

Như vậy, tính chung cả TP.HCM đến nay đã tiêm hơn 14,5 triệu liều vắc xin Covid-19 (kể cả học sinh từ 12 – 17 tuổi): mũi 1 hơn 7,9 triệu liều; mũi 2 là 6,6 triệu liều. Trong đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm 7,2 triệu liều mũi 1, đạt 100,17%; tiêm 6,1 triệu liều mũi 2, đạt 84,85% (tính trên dân số từ 18 tuổi trở lên là 7,2 triệu người, số liệu của Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình). Đối với người từ 50 tuổi trở lên, đã tiêm 1,7 triệu liều mũi 1, đạt 90,1%, 1,7 triệu liều mũi 2, đạt 86% (dân số từ 50 tuổi trở lên là 1.984.219, số liệu của Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình). TP.HCM tiếp tục tiêm mũi 2 cho khoảng 1,1 triệu người đến hạn tiêm.

Tính đến hết ngày 28.11, TP.HCM còn hơn 351.000 liều vắc xin Covid-19. Trong đó gồm 191.140 liều vắc xin AstraZeneca, 55.289 liều vắc xin Vero cell và 104.000 liều Pfizer.

Tính đến 11 giờ ngày 29.11, TP.HCM có tổng cộng 87.650 ca F0 đang cách ly, điều trị. Trong đó, có 14.580 ca F0 đang điều trị tại tầng 2, tầng 3; 6.199 ca F0 đang cách ly tập trung và 66.826 ca F0 cách ly tại nhà. (Thanh niên, trang 4)

 

Điều tra, làm rõ sự cố sau tiêm vaccine Covid-19 tại Thanh Hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Y tế và UBND tỉnh Thanh Hóa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về sự cố sau tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Thanh Hóa.

Theo đó, về sự cố sau tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Công ty TNHH giầy Kim Việt, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 23-11 khiến 4 người tử vong, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân sự cố sau tiêm vaccine phòng Covid-19, nghiêm túc rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-11-2021.

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, cùng các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản vaccine Covid-19 đúng quy định, không phân bổ vaccine cho các địa phương không đảm bảo điều kiện bảo quản; chịu trách nhiệm tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ thỏa đáng, động viên, chia sẻ kịp thời những gia đình có người thân bị tử vong sau tiêm nêu trên.

Trước đó, ngày 23-11, hơn 10 công nhân Công ty TNHH Giầy Kim Việt (đóng tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) gặp tai biến sau tiêm vaccine Covid-19. Đến ngày 25-11, có 4 công nhân tử vong, còn 10 người đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, hiện đã qua cơn nguy kịch, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Hội đồng tư vấn chuyên môn kết luận, nguyên nhân 4 trường hợp tử vong nêu trên là sốc phản vệ sau tiêm vaccine Verocell phòng Covid-19. Đồng thời khẳng định, toàn bộ quy trình cấp phát, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine Covid-19 được thực hiện theo đúng quy định. (An ninh Thủ đô, trang 6)

 

Hà Nội lên phương án điều trị F0 thể nhẹ tại nhà

Chiều 29-11, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Thường trực Thành ủy nhất trí về chủ trương đối với đề xuất thực hiện quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành Y tế.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho biết, hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch có nguy cơ bùng phát và có thể xuất hiện nhiều ca bệnh mới. Nguyên nhân do mầm bệnh đã tồn tại ngoài cộng đồng, còn những ca bệnh chưa được phát hiện; dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố có dịch và người nhập cảnh; trong khi tâm lý chủ quan đang tồn tại trong một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị. Chưa kể, chủng vi rút biến thể lây lan nhanh khó lường (hiện Việt Nam đã có 7 biến thể).

Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn từ ngày 21-11 đến ngày 29-11, trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 2.267 bệnh nhân, trong đó, có 1.402 trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin (chiếm 61,8%), 213 trường hợp đã tiêm 1 mũi vắc xin (chiếm 9,4%). Trung bình ghi nhận 284 ca bệnh/ngày, tăng so với tuần từ ngày 14-11 đến ngày 20-11 (trung bình 226 ca/ngày). Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, giai đoạn từ ngày 11-10 đến ngày 29-11, toàn thành phố ghi nhận thêm 22.621 trường hợp F1, trong đó có 3.371 trường hợp F1 chuyển thành F0. Như vậy, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn này là 14,9%; cao hơn so với tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn từ ngày 29-4 đến 10-10. Trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người…

Về công tác điều trị tại bệnh viện và cơ sở thu dung, thành phố đã ban hành Phương án 263/PA-UBND ngày 23-11-2021 về phương án đáp ứng thu dung điều trị “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, có việc tổ chức điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 100.000 ca bệnh.

Tính đến ngày 29-11, 4 huyện đã thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (Hoài Đức: 39 ca; Sóc Sơn: 8; Mỹ Đức: 7; Thanh Trì: 2). Từ ngày 1-12-2021, tất cả các địa phương còn lại sẽ thực hiện thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại cơ sở. Tính đến ngày 27-11-2021, đã có 10 quận, huyện sẵn sàng thu dung điều trị (Sóc Sơn, Đông Anh, Long Biên, Mỹ Đức, Hoài Đức, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Trì, Ba Vì, Hà Đông).

Liên quan đến việc khảo sát hộ gia đình đủ điều kiện cách ly tại gia đình, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện khảo sát và lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà để chủ động cách ly khi có trường hợp F1. Theo đó, đã rà soát được 1.993.336 hộ dân tại 26 quận, huyện với 778.781 hộ đủ điều kiện cách ly (F1) tại nhà. Hiện đang cách ly tại nhà 5.585 người tiếp xúc gần F1.

Sau khi nghe báo cáo, Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố đã bám sát Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thường trực Thành ủy thống nhất chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện một số biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, về điều trị, thực hiện điều trị F0 ở cơ sở xã, phường, thị trấn; củng cố hệ thống y tế cơ sở, huy động các lực lượng y tế và tăng cường tập huấn, hướng dẫn đối với lực lượng y tế cơ sở.

Triển khai điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế tối đa bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị. Thường xuyên cập nhật trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 của thành phố.

Thường trực Thành ủy chỉ đạo thực hiện việc cho học sinh trung học phổ thông đi học trực tiếp từ ngày 6-12-2021 và tiếp tục nghiên cứu cho học sinh trung học cơ sở tiếp tục đến trường sau khi hoàn thành việc tiêm phủ vắc xin cho trẻ từ 12-15 tuổi theo kế hoạch. Đồng thời, Thường trực Thành ủy cũng chỉ đạo nghiên cứu có phương án tầm soát y tế phù hợp để bảo đảm an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường.

Cũng theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương hệ thống chính trị trong việc nghiêm túc tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Hà Nội ghi nhận 390 ca mắc Covid-19 mới

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28-11 đến 29-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 390 ca dương tính với SARS-Cov-2, trong đó có 220 ca tại cộng đồng, 109 ca tại khu cách ly và 61 ca tại khu phong tỏa. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới và số ca Covid-19 cộng đồng kỷ lục từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn thành phố.

390 bệnh nhân được phân bố tại 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã: Đống Đa (177), Đông Anh (23), Đan Phượng (23), Gia Lâm (23), Quốc Oai (16), Hoài Đức (15), Hai Bà Trưng (11), Mê Linh (11), Ba Đình (10), Hà Đông (10), Bắc Từ Liêm (8), Thanh Oai (8), Thường Tín (7), Hoàn Kiếm (6), Tây Hồ (6), Chương Mỹ (5), Sơn Tây (5), Mỹ Đức (4), Thanh Xuân (4), Phú Xuyên (3),  Ba Vì (3), Sóc Sơn (2), Ứng Hòa (2), Cầu Giấy (1), Long Biên (1), Nam Từ Liêm (1), Thạch Thất (1), Thanh Trì (1).

Riêng 220 ca cộng đồng được phân bố tại 87 xã, phường thuộc 28/30 quận huyện, thị xã: Đống Đa (115), Đan Phượng (22), Gia Lâm (12), Đông Anh (10), Hoài Đức (9), Đông Anh (7), Mê Linh (6), Tây Hồ (6), Thường Tín (3), Hà Đông (3), Thanh Oai (3), Gia Lâm (2),  Hoàng Mai (2), Quốc Oai (2), Thanh Xuân (2), Ba Vì (2), Sóc Sơn (2), Sơn Tây (2), Ba Đình (1), Cầu Giấy (1), Bắc Từ Liêm (1), Long Biên (1), Nam Từ Liêm (1), Mỹ Đức (1), Thanh Oai (1), Thanh Trì (1), Thường Tín (1), Ứng Hòa (1).

Các ca cộng đồng được ghi nhận trong 24 giờ qua chủ yếu ở xã Tân Lập, thị trấn Phùng, xã Thượng Mỗ, xã Hạ Mỗ, xã Tân Hội (huyện Đan Phượng); xã Vân Nội, thị trấn Đông Anh, xã Nguyên Khê, xã Kim Chung (huyện Đông Anh); phường Khương Thượng, phường Ô Chợ Dừa, phường Trung Phụng, phường Cát Linh, phường Phương Liên, phường Thịnh Quang, phường Khâm Thiên, phường Thổ Quan (quận Đống Đa); thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm); xã Phú Cát (huyện Quốc Oai); xã Nhị Khê (huyện Thường Tín); xã Vân Canh (huyện Hoài Đức); phường Bưởi (quận Tây Hồ)…

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 10.059 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 3.963 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.096 ca. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Tử vong do COVID-19 vẫn cao, vì sao?

Tỉ lệ ca COVID-19 tử vong ở bệnh viện đa tầng TP.HCM chiếm 6,8%, tại sao con số này tăng cao trong những ngày qua?

Số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại TP.HCM những ngày qua luôn duy trì ở mức cao. Riêng ngày gần nhất, hôm 28-11 có 72 ca, trong đó có 10 ca ở các tỉnh khác chuyển đến. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất trong nhiều tuần qua và gần gấp đôi so với những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Tăng ca nhập viện, tăng ca tử vong

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.882 ca, chiếm tỉ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%. Riêng tại TP.HCM, với số ca tử vong cộng dồn đến ngày 28-11 là 17.906 ca trong tổng số 463.990 ca nhiễm, tỉ lệ tử vong chiếm 3,8%.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tiếp nhận số bệnh nhân COVID-19 nặng ở các tỉnh thành khác chuyển đến, tỉ lệ này chiếm khoảng 12-15% trong tổng số ca COVID-19 tử vong những ngày gần đây tại thành phố.

Theo thống kê của Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.HCM), trong những tuần gần đây số ca nhập viện tăng, kéo theo số ca tử vong, bệnh nặng và nguy kịch cũng tăng.

Ông Lê Đình Thanh – giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị đa tầng Tân Bình – nói: “Đây là quy luật tất yếu khi thành phố mở cửa. Bệnh nhân nặng và tử vong tăng do số lượng bệnh nhân nhập viện chung tăng. Hiện tỉ lệ bệnh nặng và tử vong vẫn nằm trong khả năng cho phép”.

Ông Hồ Hữu Đức – phó giám đốc Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (TP.HCM) – cho hay số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại bệnh viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Trong vòng 3 tháng – kể từ khi bệnh viện thành lập, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân và đã có hơn 340 bệnh nhân tử vong. Tỉ lệ tử vong chiếm 6,8% tổng số ca nhập viện, tuổi tử vong trung bình là 73 (số lượng nam tử vong gấp đôi nữ), chủ yếu mắc bệnh nền.

Trong số này có nhiều bệnh nhân nặng nằm điều trị trong thời gian dài nhưng không đáp ứng điều trị, kéo theo ngày nằm viện cao (trung bình khoảng 22 ngày). Tuy nhiên cũng có ít bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ nhập viện do chuyển viện muộn khi đã rất nguy kịch.

Riêng số ca bệnh nặng tại khoa hồi sức, bác sĩ Đức cho biết luôn duy trì ở mức tối đa là trên 40 ca mà khoa có thể nhận. Nguyên nhân là do bệnh viện nhận tất cả các ca bệnh ở những cơ sở y tế khác chuyển đến, đặc biệt ưu tiên bệnh nhân ở khu vực quận Tân Bình và Phú Nhuận (TP.HCM).

“Do bệnh viện 3 tầng, có khu hồi sức bệnh nhân nặng và tỉ lệ bệnh nhân ở đây chiếm đến 26% trong tổng số 3 tầng nên tỉ lệ bệnh nhân tử vong cao, chiếm 6,8%” – bác sĩ Đức giải thích.

Theo bác sĩ Đức, việc thêm một bệnh nhân cần hồi sức thì kéo theo nhiều vấn đề, từ cần có thêm phương tiện đến con người theo dõi, chăm sóc. Trong khi đó yếu tố tinh thần của các y bác sĩ phụ trách khu hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng rất quan trọng, quyết định một phần chất lượng điều trị, kéo giảm tỉ lệ tử vong.

“Nếu khu này quá tải bệnh nhân nặng, buộc nhân viên y tế phải làm nhiều hơn. Họ thường rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, cảm giác vô dụng khi không cứu chữa hết được bệnh nhân. Do đó, nếu không “kìm” số ca bệnh nặng thì chất lượng điều trị và tinh thần các y bác sĩ ở khu hồi sức sẽ bị ảnh hưởng, thêm bệnh nhân không qua khỏi” – bác sĩ Đức bộc bạch.

Thiếu thuốc phân bổ các nơi?

Số ca mắc mới COVID-19 cả nước đã tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng mạnh: 24-11 là 125; 25-11 là 164 ca; 26-11 là 137 ca; 27-11 là 148 ca; 28-11 là 190 ca, trong khi đầu tháng 11 con số này luôn giữ dưới 100 ca/ngày.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ số mắc tăng cao trong những ngày gần đây đã kéo theo số tử vong tăng. Chuyên gia này nhận định hiện mỗi ngày ghi nhận 11.000 – 13.000 ca mắc, nhưng thực tế mỗi ngày có 20.000 – 30.000 ca mắc mới, còn một lượng ca mắc chưa được ghi nhận do người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng nên không được phát hiện.

Và với người tiêm vắc xin Pfizer thì hiệu lực bảo vệ là 97,5%, như vậy vẫn còn 2,5% đã được tiêm nhưng chưa được bảo vệ. Các vắc xin khác cũng có một tỉ lệ “lọt”, đã tiêm nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh và có nguy cơ diễn biến nặng.

Ngoài ra, có những tỉnh thành số lượng bệnh nhân tăng nhanh, sử dụng hết cơ số giường hiện có (kể cả giường bệnh ở tầng 3), không loại trừ quá tải dẫn đến thiếu hụt chăm sóc trong khi COVID-19 là bệnh hô hấp, diễn biến rất nhanh.

Ngoài ra, thuốc kháng virus, loại thuốc có tác dụng ngăn chặn diễn biến nặng đang được sử dụng tại 36 tỉnh thành trong chương trình điều trị có kiểm soát, thì thời gian gần đây số lượng cấp phát cho các tỉnh thành hạn chế, như TP.HCM đề nghị cấp 100.000 liều nhưng thực tế được cấp chỉ 5.000 liều.

Bộ Y tế đã có kế hoạch thay đổi loại thuốc để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc cho điều trị, nhưng cần xem xét xem số lượng thuốc kháng virus và các thuốc điều trị đã được cung ứng khác có kịp so với số lượng bệnh nhân gia tăng hay không, từ đó làm rõ nguyên nhân gia tăng số ca tử vong để kịp thời điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch.

Bệnh viện đa tầng COVID-19 Tân Bình được “tiếp sức”

Sở Y tế TP.HCM đã cử lực lượng hỗ trợ Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, gồm 4 bác sĩ và 16 điều dưỡng thuộc Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện quận Phú Nhuận. Với nguồn nhân lực mới sẽ giúp giảm tải áp lực 3 tầng điều trị của bệnh viện.

Những ngày trước, bệnh viện này từng gặp nhiều khó khăn khi thiếu nhân lực. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tất cả các giường bệnh từ hồi sức bệnh nặng, trung bình, nhẹ đến cấp cứu ở bệnh viện đều kín bệnh nhân. Dọc hành lang khu D phải kê thêm nhiều giường xếp cho bệnh nhân bệnh nhẹ nằm. (Tuổi trẻ, trang 14)

 

Cần Thơ: Nhiều ca bệnh nặng, tử vong tăng dù tỉ lệ phủ vắc xin khá cao

Tính từ ngày 10 đến 19-11, số ca COVID-19 tử vong ở Cần Thơ là 17 người, tuy nhiên từ ngày 20 đến 28-11 số ca tử vong đã tăng lên 42, trong đó có cả người trẻ tuổi, có bệnh nền.

Chỉ tính đến trưa ngày 29-11, TP Cần Thơ đã ghi nhận 775 ca mắc COVID-19 mới. Trong thời gian từ đầu tháng 11 đến nay, số ca COVID-19 mới ghi nhận tại Cần Thơ bắt đầu tăng cao, cao điểm là từ 2 tuần gần đây với số ca mắc lên đến 800, 900 ca và đỉnh điểm có ngày tăng lên đến hơn 1.300 ca.

Nhiều bệnh viện và cơ sở y tế không còn chỗ để nhận bệnh, phải kê thêm giường cho bệnh nhân nằm. Theo số liệu của Sở Y tế TP Cần Thơ, không chỉ ca mắc mới mà số ca bệnh nặng, bệnh nền và tỉ lệ tử vong cũng có chiều hướng tăng.

Để dành giường điều trị tầng 2, tầng 3 cho bệnh nhân có bệnh lý nền, bệnh nặng. Sở Y tế Cần Thơ đã chia lại tầng điều trị, theo đó quản lý và điều trị F0 tại nhà do các trạm y tế lưu động và trạm y tế xã, phường thực hiện, đang quản lý trên 8.900 người F0.

Tầng 2 điều trị bệnh nhân COVID-19 không đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà, các ca F0 có diễn biến vượt khả năng chuyên môn của trạm y tế tại các bệnh viện điều trị COVID-19 với công suất 2.750 giường hiện đã không còn chỗ để tiếp nhận bệnh.

Tầng 3 điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân lĩnh vực chuyên khoa, bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý cấp cứu kèm theo có 350 giường, hiện đang điều trị 287 bệnh nhân.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng – giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ – cho biết bệnh viện được giao chức năng điều trị bệnh nhân COVID-19 từ đầu mùa dịch đến giờ, những ngày gần đây 150 giường bệnh (tầng điều trị 2 và 3) đều chật kín không còn chỗ trống.

Hiện đang có 151 bệnh nhân, trong đó 31 bệnh nhân nặng, điều đáng lo là các trường hợp bệnh nặng, ngoài người già trên 65 tuổi, có bệnh lý nền thì gần đây bắt đầu có dấu hiệu trẻ hóa vào nhóm người trẻ có bệnh lý nền, người đã tiêm 2 mũi vắc xin…

“Về trang thiết bị máy móc, máy thở hiện bệnh viện tương đối đáp ứng được, đang tiến hành để nâng công suất giường tầng 3 lên 50 giường, để tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng. Vấn đề đáng lo nhất là thiếu êkip chuyên khoa hồi sức tích cực, để nâng công suất giường bệnh nặng, bệnh viện cần thêm 2 êkip bác sĩ và điều dưỡng hồi sức tích cực. Vì lực lượng tại chỗ hiện không đủ để đáp ứng”, bác sĩ Hồng nói.

Cũng theo bác sĩ Hồng, vấn đề hiện nay là chúng ta cần có chuyên gia phân tích, đánh giá dịch tễ tình hình lây nhiễm và những khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ mắc COVID-19, để từ đó có các biện pháp ngăn chặn tốc độ lây lan, bùng phát của dịch. Phải kiểm soát được tốc độ lây và gia tăng chóng mặt như hiện nay, chúng ta mới làm tốt được việc điều trị, giảm được ca bệnh nặng, ca tử vong.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (đang được sử dụng làm bệnh viện điều trị COVID-19) hiện có 433 bệnh nhân điều trị, trong đó có đến 66 bệnh nhân nặng tầng 3. Nhiều bệnh nhân nặng mới nhập viện trong đó đã tiêm 1 mũi và 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Bác sĩ Trần Quốc Luận – giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ – cho hay do lượng bệnh mỗi ngày nhập vào nhiều hơn lượng bệnh nhân ra viện nên dẫn đến quá tải bệnh viện. Nhân viên y tế chịu áp lực rất lớn, kể cả công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân và chăm lo bữa ăn cho người bệnh ở khu vực khoa dinh dưỡng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ những ngày số ca mắc còn ở mức 200 – 300 ca/ngày thì số bệnh nhân nặng cũng vài chục ca. Hiện nay những ngày số ca mắc 700 – 900 ca thì số ca nặng cũng tăng trên 100 ca. Đến thời điểm số ca trên 1.000 thì số ca bệnh nặng tầng 3 cũng tăng trên 250 ca.

Tính từ ngày 10 đến 19-11, số ca COVID-19 tử vong là 17 người; tuy nhiên từ ngày 20 đến 28-11 số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên 42 ca. Trong đó có cả người trẻ tuổi, có bệnh nền.

Điều này cũng cần sự phân tích, lý giải của những nhà chuyên môn vì tỉ lệ bao phủ vắc xin của Cần Thơ đã khá cao, mũi 1 trên 96% và mũi 2 trên 86% (trên 18 tuổi); trên 85% trẻ 12-17 tuổi được tiêm mũi 1. (Tuổi trẻ, trang 14)

 

Thủ tướng: Thúc đẩy sản xuất bằng được thuốc điều trị, vaccine COVID-19 trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần hỗ trợ, thúc đẩy để sản xuất bằng được vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong nước, nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả….

Sáng 27/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan, đại diện các cơ sở nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine và thuốc, các chuyên gia, nhà khoa học.

Nghiên cứu một số loại thuốc điều trị COVID-19 đặc hiệu

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 26/11, trên thế giới có 326 loại vaccine đang được nghiên cứu, trong đó 132 loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau.

Có 24 loại vaccine đã được phê duyệt sử dụng ở các nước, trong đó có 8 loại được WHO cấp phép. Có hơn 25 phương pháp điều trị đã và đang được tiếp cận.

Tại Việt Nam, có 9 loại vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Đến ngày 25/11/2021, cả nước đã tiêm được khoảng 116,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19; trong đó có 69,0 triệu liều mũi 1 và 47,4 triệu liều mũi 2. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 113,5 triệu liều, trong đó có 66,5 triệu liều mũi 1 và 47,0 triệu liều mũi 2.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều là 92,2% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 65,2% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay đã có 28 tỉnh triển khai, tiêm được 2,9 triệu liều, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều là 27,9% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 4,0%.

Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, hiện có các ứng viên vaccine như Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.

Bộ Y tế cũng đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi WHO giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.

Việt Nam đang sử dụng một số thuốc điều trị đặc hiệu như Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,…; thuốc kháng thể kép cho bệnh nhân COVID-19 nặng và một số thuốc hỗ trợ khác, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền… Một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu… cũng đang được nghiên cứu.

Có đơn vị đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1,2,3 đối với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất phát từ các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền để phòng và điều trị COVID-19. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy các thuốc cổ truyền có tính an toàn, về hiệu quả cần được tiếp tục chứng minh trong các nghiên cứu giai đoạn 3 với cỡ mẫu lớn hơn.

Bộ Y tế và các bộ, ngành, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ để việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hai năm phòng, chống dịch, chúng ta đã đúc rút được các nguyên lý phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị và phương châm “5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “0 COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Để phòng, chống dịch hiệu quả, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy vaccine có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng.

Việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia đã hưởng ứng sự kêu gọi, phát động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, vào cuộc tích cực, chủ động trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị trên tinh thần nhân đạo, trị bệnh cứu người.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt để sản xuất bằng được vaccine và thuốc phòng, chống COVID-19 dựa trên truyền thống nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc và vaccine trong nhiều năm qua, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường của nhân dân ta, của ngành dược, ngành y tế, sự nỗ lực của các nhà khoa học, chuyên gia, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

Chia sẻ với các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, Thủ tướng nêu rõ, đây là công việc rất quan trọng, rất cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân. Do đó, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết để nhận thức và hành động cho đúng. Cần hết sức tránh hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ một tác động, sức ép nào. Các cơ quan quản lý, chuyên môn cần làm việc công tâm, khách quan, trung thực, hiệu quả để đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng đề ra, bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật.

Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất cần kiên trì theo đuổi công việc này vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất.

Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan cần khẩn trương rà soát lại, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thuốc và vaccine trong nước. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bộ Y tế chủ trì, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để mọi việc thông suốt, xử lý ngay các vướng mắc, không để kéo dài, ách tắc. Công tác truyền thông cần chủ động, tích cực nhưng thận trọng, trung thực và khách quan. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Quy định về hiến ghép mô, tạng còn nhiều bất cập

Hiến mô, tạng là hành động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo. Hơn nữa, hiện nay, trình độ ghép tạng của ngành y tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, không thua kém các nước phát triển trên thế giới. Thế nhưng, số người được ghép mô, tạng hiện còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế do những rào cản về pháp lý và một số chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT).

 Tiến bộ mạnh mẽ

Mới đây, ê kíp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi ghép gan lấy mảnh gan phải từ người hiến sống để ghép. Theo TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đây là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam mà người hiến sống được nội soi, cắt lấy mảnh gan để ghép cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.

Với kỹ thuật can thiệp này, người hiến gan ít bị đau hơn so với mổ mở và rút ngắn thời gian hồi phục sức khỏe. Đặc biệt, kỹ thuật nội soi phức tạp này hiện chỉ có số ít trung tâm gan mật và ghép gan tại các nước phát triển thực hiện.

TS Lê Văn Thành cho biết, bệnh viện bắt đầu ghép gan từ năm 2017 và là cơ sở có số lượng ca ghép gan từ người hiến sống nhiều nhất Việt Nam với 91 trường hợp, trình độ kỹ thuật ngày một nâng cao, mở ra triển vọng cứu sống những người bệnh hiểm nghèo. Cũng là một trong những cơ sở hàng đầu về ghép tạng, đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công trên 1.200 ca ghép thận, trong đó 150 ca từ người hiến thận đã chết não.

Ngoài ra, đã thực hiện 96 ca ghép gan (70 ca ghép từ người hiến chết não), 39 ca ghép tim từ người hiến chết não, 1 ca ghép tim và thận, 5 ca ghép phổi.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết, cả nước hiện có hơn 20 trung tâm ghép tạng. Các trung tâm đã làm chủ phần lớn kỹ thuật ghép tiên tiến trên thế giới.Đến nay, cả nước đã thực hiện được khoảng 6.113 ca ghép tạng, trong đó nhiều nhất là ghép thận với khoảng 5.730 ca, tiếp đó là 316 ca ghép gan, 54 ca ghép tim và một số ca ghép khác như: ghép khối thận – tụy, ghép khối tim – phổi, ghép phổi, ghép ruột và ghép chi.

Cần sớm sửa luật

Mặc dù hiến, ghép mô tạng là việc làm rất ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cứu sống được nhiều người, tuy nhiên, hiện số người được ghép ở nước ta còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Thống kê của cơ quan y tế cho thấy, cả nước có khoảng 10.000 người bệnh đang chờ ghép thận, 2.000 – 2.500 trường hợp chờ ghép gan và hàng ngàn trường hợp chờ ghép các bộ phận khác.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tính đến cuối tháng 11-2021, số lượng người đăng ký hiến tạng là khoảng 45.341 người, nhưng nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn quá ít (trên 93% nguồn tạng ghép vẫn đến từ nguồn cho sống).

Sở dĩ số người được ghép mô, tạng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu là do những bất cập về quy định pháp luật. Theo một số chuyên gia ghép tạng, hiện nay, chế độ cho người hiến (gồm người hiến sống và người hiến sau khi chết não) chưa đầy đủ và hợp lý. Luật không quy định kinh phí dành cho chăm sóc, phục hồi sức khỏe đối với người đã hiến mô, tạng tại cơ sở y tế, cũng như quy định khám sức khỏe định kỳ miễn phí sẽ được lấy từ nguồn nào.

“Các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng. Cũng như xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán. Đề xuất rõ mức hỗ trợ của BHYT từ 50%-80%”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Cùng với đó, hiện nay Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Tuy nhiên, với những người không may bị chết não mà không có Thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy mô, bộ phận cơ thể của họ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ, hoặc người giám hộ, hoặc vợ, chồng, hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.

Theo nhiều chuyên gia y tế, với quy định như trên thì người chưa đủ 18 tuổi không được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể. Do đó, cần phải sửa đổi luật, bổ sung quy định người dưới 18 cũng có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết nếu được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Mặt khác, dưới góc độ chuyên môn, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi quy định tiêu chuẩn để xác định chết não về thời gian giảm từ 12 giờ xuống 6 giờ. “Trong các trường hợp chẩn đoán chết não, chẩn đoán sau 6 giờ không khác với kết luận cuối cùng sau 12 giờ. Tuy nhiên có nhiều tạng bị suy sau 12 giờ trong thời gian chờ chẩn đoán chết não”, GS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.

Dự kiến, trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội về sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trong đó, các quy định độ tuổi với người hiến tạng sẽ là một trong những vấn đề được đề cập xem xét, sửa đổi. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 29/5/2019

CDC Hà Nam