Điểm báo ngày 30/3/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: An ninh y tế là vấn đề hết sức quan trọng; Chống dịch Covid-19 là thành công then chốt; Từ 1/4, Hải Dương về trạng thái bình thường mới

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: An ninh y tế là vấn đề hết sức quan trọng

Chiều ngày 29/3, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp và làm việc với ông Jonh MacArthur – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của  Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ  (CDC Hoa Kỳ) và ông Mathew Moore – Quyền giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ  tại Việt Nam.

Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chúc mừng ông Jonh MacArthur được bổ nhiệm Giám đốc khu vực của CDC Hoa Kỳ tại Đông Nam Á và chào mừng ông tới thăm và làm việc tại Bộ Y tế

Bày tỏ tin tưởng công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Cả Giám đốc CDC Khu vực Đông Nam Á của CDC Hoa Kỳ và Quyền giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đều bày tỏ niềm tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Đồng thời đánh giá cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 và điều trị bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam.

Ông Jonh MacArthur – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của CDC Hoa Kỳ cho biết, trong những năm qua CDC Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đã cùng phối hợp trên nhiều lĩnh vực y tế, trong đó có phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ông nhận định, Việt Nam có bề dày kinh nghiệm về ứng phó với dịch bệnh mới nổi, từ dịch SARS năm 2003, dịch cúm gia cầm đến dịch COVID-19 đều đã nhanh chóng được khống chế.

Tuy nhiên theo ông Jonh MacArthur, các bệnh truyền nhiễm không hề biết đến biên giới của các quốc gia, lan toả nhanh chóng vì vậy có thế nói an ninh y tế là một trong những vấn đề mấu chốt của mỗi quốc gia cũng như an ninh y tế toàn cầu.

Nhấn mạnh việc thành lập CDC Khu vực Đông Nam Á của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vục an ninh y tế, ông Jonh MacArthur cho hay nhiệm vụ của CDC khu vực Đông Nam Á không phải là thay thế cho CDC quốc gia mà làm thế nào để kết nối các hoạt động của CDC khu vực với Bộ Y tế Việt Nam.

Thông tin tại buổi làm việc cũng cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra cam kết tài trợ 4 tỷ USD trong cơ chế vắc xin COVAX để giúp người dân thế giới có thể tiếp cận vắc xin nhiều hơn. Đồng thời, Hoa Kỳ đang thúc đẩy sản xuất 1 tỷ liều vắc xin phòng COVID-19 (tại Ấn Độ) để cung cấp vắc xin này trên toàn thế giới với mong muốn đáp ứng được miễn dịch toàn cầu với COVID-19.

CDC Hoa Kỳ cũng đã bố trí nguồn vốn trong năm tài chính 2021 là 2,3 triệu USD cho các hoạt động với Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và 4 Viện đầu ngành của Việt Nam…

Việt Nam mong muốn được tiếp cận vắc xin COVID-19 nhiều hơn

Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Bộ Y tế Việt Nam ủng hộ các vấn đề mà CDC Hoa Kỳ khu vực Đông Nam Á đưa ra, nhất là vấn đề an ninh y tế. Đồng thời, Bộ trưởng cảm ơn những hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và CDC Hoa Kỳ cho ngành y tế Việt Nam thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, an ninh y tế là vấn đề hết sức quan trọng, đồng thời là một trong những ưu tiên trong chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi xác định an ninh y tế không chỉ là vấn đề sức khoẻ mà còn liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội, sự ổn định về an ninh, an toàn trật tự xã hội. Đại dịch COVID-19 vừa qua thể hiện rất rõ vấn đề an ninh y tế có liên quan chặt chẽ với an ninh toàn cầu”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác với các nước và trong đó có Hoa Kỳ về an ninh y tế với mục tiêu tăng cường an ninh y tế chung của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, bởi  mức nguy hiểm của dịch bệnh hiện nay ngày càng cao hơn, tần suất suất hiện ngắn hơn, đòi hỏi đáp ứng phòng chống dịch nhanh hơn.

Khẳng định mạng lưới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các địa phương của Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện hơn nữa hệ thống CDC để đáp ứng tốt và nhanh hơn nữa các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ thành lập CDC Trung ương đặt tại 2 khu vực miền Bắc và miền Nam.

“Chúng tôi mong muốn CDC Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình thiết lập các CDC Trung ương này cả về vấn đề tài chính và kỹ thuật” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, liên quan đến vấn đề vắc xin phòng chống dịch COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để có thể tiếp cận được vắc xin COVID-19 bằng nhiều cách khác nhau, cả tăng cường đàm phán, tìm kiếm nguồn cung bên ngoài và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển trong nước.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vắc xin của các nước ASEAN rất khó khăn, trong khi đó tình hình dịch trong khu vực phức tạp, nguy cơ xâm nhập dịch bên ngoài là rất lớn. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Đông Nam Á hỗ trợ khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vắc xin của Hoa Kỳ, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế đang giao cho các đơn vị chức năng hoàn thiện những nội dung liên quan đến vấn đề “hộ chiếu vắc xin” để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất nhưng phải đảm bảo an toàn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Chống dịch Covid-19 là thành công then chốt

Ngày 29/3, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Chính phủ đã để lại những tình cảm đẹp, những việc làm ấn tượng khó quên

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) khẳng định trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại và là biểu tượng của niềm tin, đoàn kết toàn dân tộc. Đại biểu cũng đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được đổi mới quyết liệt, sâu sắc, sáng tạo và linh hoạt, tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính với tinh thần kiến tạo, phát triển tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử; đấu tranh với việc trì trệ, chần chừ; khơi thông các nguồn lực phát triển; quan tâm đến chính sách an sinh xã hội,  đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn ; lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân; linh hoạt, sáng tạo trong xử lý giải quyết khủng hoảng nhất là trong phòng chống COVID-19  và thiên tai.

“Dù còn những mặt được chưa mong muốn nhưng chắc chắn trong lòng đại đa số cử tri, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã để lại những tình cảm đẹp, những việc làm ấn tượng khó quên”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu chia sẻ và bày tỏ trong nhiệm kỳ mới, cử tri mong muốn Chủ tịch nước, Chính phủ tiếp tục tiếp tục phát huy những kết quả đạt được. Đặt biệt là thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng thể chế, coi đây tài nguyên, nguồn lực phát triển vô tận nếu biết cách tạo ra, khai thác, sử dụng trong bối cảnh nguồn lực vật chất của đất nước còn hạn chế. Mặc dù chúng ta đã có một nhiệm kỳ rất thành công nhưng Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tiếp tục tấn công mạnh mẽ hơn nữa và căn bệnh chần chừ, chậm trễ, trì trệ, trông chờ… vẫn đang hiện hữu ở nơi này, nơi khác trong toàn hệ thống của chúng ta.

Chống dịch COVID-19 là thành công then chốt

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đánh giá cao kết quả công tác nhiệm kỳ của Chính phủ; mặc dù có nhiều khó khăn thách thức nhưng Chính phủ đã quyết liệt, năng động, sáng tạo, thế và lực đất nước ta hơn 5 năm trước rất nhiều, quy mô nền kinh tế đứng 37 thế giới, trở thành nước có thu nhập trung bình.

Thành công của Chính phủ rất nhiều, nhưng một thành công mang tính kỳ tích, kết tinh của một Chính phủ năng động, sáng tạo, quyết liệt, đó là kỳ tích chống dịch COVID-19. Khi dịch mới bắt đầu bùng phát trên thế giới, thế giới còn loay hoay thì Chính phủ đã nhận diện tình hình, đề ra các giải pháp hết sức kiên quyết với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội, huy động sự vào cuộc, đoàn kết của nhân dân. “Nếu Chính phủ chỉ chần chừ thêm một ít thời gian, thì tình hình đất nước sẽ ra sao? Sức khỏe nhân dân ra sao? Có thể nói đến việc xây dựng đất nước hùng cường được không? Chắc chắn là khó có thể nói như thế nào”, đại biểu nhấn mạnh. Đây là thành công then chốt, duy trì đà tăng trưởng, là cú hích để thực hiện mục tiêu hùng cường vào năm 2045.

Công thức 5K là một sáng tạo chống dịch của Việt Nam

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), thành công lớn của Nhà nước nhiệm kỳ qua là đã tạo ra sự ổn định trong toàn xã hội. Trong bối cảnh thế giới phức tạp, Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng, dịch giã, thiên tại phức tạp thì việc ổn định xã hội là ko dễ. Nhưng những năm qua, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, nhất trí và đồng lòng của toàn dân, chúng ta đã tạo được sự ổn định. Đại biểu bày tỏ đánh giá cao các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực mình quản lý, góp phần vào thành công chung của cả nhiệm kỳ. “Có thể thấy, Chính phủ đã làm việc rất đều tay trong nhiệm kỳ qua, nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống dịch COVID-19. Theo đại biểu, công thức 5K mà chúng ta đã và đang áp dụng trong cuộc chiến chống COVID-19 là rất đúng, là một sáng tạo chống dịch của Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và sử dụng vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng, nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, cần triển khai nhanh, mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin dù vẫn cần thận trọng bởi chúng ta chưa biết hết những tác dụng phụ. Cần động viên cả xã hội, từ các bệnh viên công, bệnh viên tư, thậm chí các tập đoàn tư nhân trong công cuộc nghiên cứu và tiếp cận vắc xin tốt nhất, an toàn nhất để đưa vào sử dụng.

Một số hạn chế lớn cần sớm khắc phục

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ tin tưởng cử tri cả nước đều nhất trí đánh giá cao những thành tựu mà đất nước đạt được trong 5 năm qua, như thể hiện trong báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý đến một số hạn chế lớn cần sớm khắc phục.

Thứ nhất là 3 hạn chế lớn mà báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra. Cụ thể, nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Đại biểu bày tỏ lấy làm tiếc vì báo cáo chưa đưa ra những nguyên nhân cụ thể và đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ ra nguyên nhân, hạn chế và có những giải pháp bởi nông nghiệp và nông dân đóng vai trò rất quan trọng đối với kinh tế-xã hội của đất nước. Hạn chế thứ hai mà Báo cáo chỉ ra là phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH đất nước. “Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hóa nhưng đến nay 1 năm sau mốc chúng ta vẫn chưa thành nước CNH”, đại biểu Kim Thúy nhấn mạnh. Đại biểu đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng mục tiêu này và có những giải pháp quyết liệt, thiết thực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu. Hạn chế thứ ba mà đại biểu Kim Thúy nhắc đến là vấn đề kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai công sản còn có những sai lầm ở một số nơi. Đại biểu nêu vấn đề “Báo cáo đặt ra như vậy có nhẹ quá không?” bởi quản lý không chỉ là vấn đề kỷ luật, kỷ cương bị xem nhẹ ở một số nơi mà thực tế có những vi phạm rất nghiêm trọng.

Cùng đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng lưu ý là vấn đề kỷ cương. Đại biểu nhắc lại việc xử lý 12 dự án thua lỗ, mặc dù Quốc hội đã liên tục giám sát và nhắc nhở nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và không biết đến bao giờ mới xử lý dứt điểm. Hay việc thu phí cao tốc đường bộ đến giờ cũng chưa xong và chưa rõ thời gian hoàn thành, và điều đáng lưu ý là không rõ cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm cho những chậm trễ này… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Nông thôn ngày nay, trang 2)

 

Từ 1/4, Hải Dương về trạng thái bình thường mới

Từ 0 giờ ngày 1/4, toàn tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các dịch vụ “nguy cơ” như: quán bar, vũ trường, karaoke, massage.. tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến ngày 15.4.

Đó là nội dung được thảo luận và thống nhất quyết định tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy diễn ra sáng 29.3

Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch tễ, Hải Dương quyết định sẽ kết thúc việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ ngày 1.4, toàn tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa tích cực, chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cũng từ 1.4, học sinh từ mầm non đến THPT tại tất cả các địa phương trong tỉnh trở lại trường học, tuy nhiên vẫn tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, các cuộc thi, giao lưu; lùi thời gian tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 một tuần; việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại các trường phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như: Quán bar, vũ trường, karaoke, massage, gym, rạp chiếu phim, quán game tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến ngày 15.4.

Nhà hàng, quán ăn, quán cà phê được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các quán bia vỉa hè tạm thời chưa cho phép hoạt động. Riêng TP.Hải Dương, TP.Chí Linh và huyện Kim Thành chủ động áp dụng thêm một số biện pháp chặt chẽ hơn trong phòng chống dịch… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Hơn 45.000 người ở Việt Nam đã được tiêm vắc xin Covid-19

Theo Bộ Y tế, đến ngày 29.3, tại Việt Nam đã có 45.140 người được tiêm vắc xin Covid-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 3 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới là các ca nhập cảnh. Trong đó, BN 2592 (nữ, 43 tuổi) có địa chỉ tại TT.Bến Cầu (H.Bến Cầu, Tây Ninh); BN 2593 (nữ, 19 tuổi) có địa chỉ tại xã Long Thuận (H.Bến Cầu, Tây Ninh).

Ngày 27.3, hai BN này từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh. BN 2594 (nữ, 30 tuổi, là chuyên gia Ấn Độ) ngày 28.3 từ Qatar nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất và được cách ly tại TP.HCM ngay sau đó. Hiện BN được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM). (Thanh niên, trang 3)

 

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19

Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ ngày 8-3. Sau gần 1 tháng triển khai, sức khỏe của những người được tiêm đều ổn định và các phản ứng sau tiêm đều trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở nhiều địa phương còn chậm. Trước diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp, Bộ Y tế đang nỗ lực tìm nguồn cung vắc xin, đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

Không ngại phản ứng phụ sau tiêm…

Tính từ ngày 8-3 đến 29-3, Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca đợt 1 cho hơn 45.000 người tại 19 tỉnh, thành phố. Phó Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin phòng Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm. Tuy nhiên, các phản ứng sau tiêm gặp phải đều được các địa phương xử lý kịp thời. Nhờ đó, phản ứng ở các trường hợp sau tiêm chỉ dừng lại ở mức độ xuất hiện, chưa tăng cấp độ nặng lên.

Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 28-3 đã tiêm cho 7.419 người, trong đó có 2.557 trường hợp có phản ứng sau tiêm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và đang tiêm nốt cho một số đối tượng còn lại. Một số người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng gặp phải các phản ứng thông thường, chiếm hơn 33%; còn các phản ứng nặng chỉ chiếm 0,17%. Tất cả trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được phát hiện và xử lý kịp thời đúng quy định và hiện sức khỏe đều ổn định.

Trực tiếp kiểm tra công tác tiêm chủng tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh từ ngày 24-3 đến 27-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, trong khi tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội đạt tỷ lệ cao, thì nhiều tỉnh, thành phố khác, tốc độ tiêm chủng còn chậm. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 3-2021 sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 với 117.600 liều, nhưng đến sáng 28-3 mới có gần 45.000 người được tiêm, chiếm gần 40%. “Vắc xin Covid-19 có thời hạn sử dụng nhất định, nên các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Khi tiêm phải khám sàng lọc kỹ, không vì số lượng mà tiêm cho cả những trường hợp không đạt yêu cầu”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Trước tình hình dịch trên thế giới và các nước trong khu vực còn diễn biến phức tạp, nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt những biện pháp phòng dịch, trong đó có việc tiêm vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, không vì lý do lo ngại phản ứng sau tiêm mà làm chậm công tác tiêm chủng. Để bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm xử lý phản ứng cao hơn một mức. Do đó, một số trường hợp sau tiêm chưa đến mức phản vệ độ 2, nhưng đã được xử lý ngay ở mức độ như vậy. Thực tế, những phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại nước ta thời gian qua đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Giám sát an toàn ở mức cao nhất

Theo Bộ Y tế, hiện có hơn 250 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được các nước nghiên cứu, phát triển, song mới có 13 loại được cấp phép với tổng số 486 triệu liều trên toàn cầu. Cuộc chạy đua vắc xin phòng Covid-19 và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đang hiện hữu.

Để tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đủ điều kiện tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vắc xin phòng Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 26-2-2021, về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Hiện tại, có Tập đoàn AMV, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex đang tiếp cận với các đối tác từ Mỹ và Ấn Độ để có nguồn cung vắc xin phòng Covid-19. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các hãng dược quốc tế (AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac…) bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc, xuất xứ.

Trong 3 tuần tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận khoảng 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 của chương trình Covax Facility. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, vắc xin phòng Covid-19 được đưa vào tiêm chủng đều phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn, dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Việt Nam đang giám sát an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất. Trong thời gian tới, hoạt động tiêm chủng sẽ được tiếp tục tiến hành theo chỉ đạo “tiêm đến đâu, an toàn đến đó” của Bộ Y tế. (Hà nội mới, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/5/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận