Điểm báo ngày 30/5/2022

(CDC Hà Nam)
“Nghi phạm” hàng đầu của bệnh viêm gan cấp tính; Để không bị hãng bảo hiểm từ chối thanh toán; Nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ 2-3 ở Đồng bằng sông Cửu Long; Sốt xuất huyết tăng mạnh, nguy cơ xảy ra dịch

“Nghi phạm” hàng đầu của bệnh viêm gan cấp tính

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra báo cáo thứ 2 về bệnh viêm gan cấp gây tử vong ở trẻ. Tính đến ngày 27-5, thế giới đã ghi nhận ít nhất 650 ca viêm gan cấp tại 33 quốc gia. Ngoài ra 99 trường hợp nghi mắc khác đang chờ xác minh, cho đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa thể xác định.

Theo WHO, phần lớn ca bệnh được xác định ở châu Âu với 22 quốc gia ghi nhận 374 trường hợp, chiếm 58%. Riêng Vương quốc Anh có 222 trẻ mắc bệnh (34%). Các trường hợp còn lại nằm ở châu Mỹ (240 ca, gồm 216 trẻ ở Mỹ), Tây Thái Bình Dương (34), Đông Nam Á (14), Đông Địa Trung Hải (5).

Virus adeno vẫn là “nghi phạm” hàng đầu

Theo báo cáo của WHO, virus adeno được phát hiện trong 75% ca mắc tại Anh, tại các quốc gia khác chưa có phát hiện đầy đủ. Trong số ít các mẫu đã được phân tích phần lớn nhiễm virus adeno loại 41.

WHO cho rằng virus adeno vẫn là nghi phạm hàng đầu của làn sóng viêm gan bí ẩn này. Trong khi đó các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được thực hiện để xác định tác nhân gây bệnh như đồng nhiễm nCoV.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, virus adeno loại 41 không mới và đang lưu hành tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. “Triệu chứng của trẻ khi nhiễm virus adeno loại 41 là sốt, tiêu chảy, nôn…, sau vài ngày trẻ sẽ tự khỏi. Hiện virus adeno vẫn là nguyên nhân nghi ngờ gây bệnh viêm gan ở trẻ nên chúng ta vẫn cần cẩn trọng”, ông Cấp thông tin.

Sau hơn 1 tháng bệnh viêm gan cấp gây tử vong ở trẻ xuất hiện, đến nay WHO đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này ở cấp độ toàn cầu là vừa phải.

Chuẩn bị phương án: ‘Trường hợp xấu nhất có thể ghép gan’

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện cục vẫn đôn đốc các cơ sở y tế chủ động giám sát ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân. Vị này cho hay “vẫn theo dõi các thông tin ca bệnh từ các nước cũng như thông tin từ WHO để có các biện pháp ứng phó kịp thời khi bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, cần tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp.

Từ đầu tháng 5-2022, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm ca bệnh nghi ngờ. Đến nay vẫn đang duy trì thực hiện các biện pháp này”.

Về nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam hay không? Bác sĩ Cấp đánh giá: “Sau gần 1 tháng tăng cường giám sát, hiện bệnh viện chưa phát hiện ca bệnh nào nghi ngờ mắc viêm gan cấp này.

Tuy nhiên đến nay bệnh đã có mặt tại 33 quốc gia, đã có một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận ca bệnh. Vì vậy chúng ta hoàn toàn nghĩ đến khả năng một thời điểm nào đó sẽ có thể xuất hiện tại Việt Nam. Chúng ta luôn chuẩn bị những phương án sẵn sàng”.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa – trưởng khoa gan mật, Bệnh viện Nhi trung ương – cho biết hiện Việt Nam đã có những phương pháp ghép gan tiến bộ. Trong trường hợp xấu nhất viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân xuất hiện và cần phải ghép gan, hoàn toàn có khả năng để thực hiện các phẫu thuật ghép gan cho trẻ.

Để phòng ngừa virus adeno và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác, WHO khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa như vệ sinh tay thường xuyên, sử dụng xà phòng và nước hoặc gel rửa tay có cồn, tránh nơi đông đúc và duy trì khoảng cách với những người khác.

Bên cạnh đó đảm bảo thông gió tốt khi ở trong nhà, đeo khẩu trang vừa vặn che miệng và mũi khi được khuyến nghị, che miệng khi ho, hắt hơi. Ăn chín uống sôi, thường xuyên khử khuẩn các bề mặt hay chạm tay vào, tự cách ly khi có triệu chứng bất thường và liên hệ ngay với bác sĩ (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Để không bị hãng bảo hiểm từ chối thanh toán

Một số khách hàng mua bảo hiểm thương mại nhưng khi phải điều trị tại bệnh viện thì bị công ty bảo hiểm từ chối thanh toán. Người mua bảo hiểm cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Bệnh nhân điều trị nội trú hay ngoại trú, phẫu thuật hay không là do Hội đồng chuyên môn của bệnh viện (BV) chỉ định. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân phải điều trị nội trú, thậm chí phẫu thuật nhưng Bảo hiểm Manulife vẫn từ chối chi trả hỗ trợ y tế cho khách hàng vì công ty cho rằng “không cần thiết” điều trị nội trú.

Phẫu thuật vẫn bị từ chối chi trả quyền lợi

Bà N.T.N (64 tuổi, trú tại phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa) phản ánh, tháng 3/2020, bà ký hợp đồng bảo hiểm với mức đóng 52 triệu đồng/năm. Sau đó, bà mua thêm một hợp đồng với giá trị tương tự.

Ngày 12/1/2021, bà đến nhà người thân ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) chơi, sau đó thấy đau bụng dưới, ra nhiều máu nên người nhà đưa đến BV Đa khoa huyện Yên Định (Thanh Hóa) cấp cứu. Tại đây, bà được xác định bị nang tuyến bartholin. Sau khi hội chẩn, BV chỉ định mổ phanh với phương pháp gây tê tủy sống. Kíp mổ đã phẫu thuật, bóc tuyến bartholin phải. Sau đó, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh, trợ sức và tư vấn ăn uống bồi dưỡng cơ thể. Đến ngày 25/1/2021, bà được xuất viện.

Ngày 27/2/2021, bà nhận được văn bản của Manulife Việt Nam thông báo về việc từ chối chi trả trợ cấp y tế. Manulife Việt Nam thông báo: “Căn cứ theo Giấy ra viện mà khách hàng cung cấp, từ ngày 12/1/2021 đến 25/1/2021, khách hàng nằm viện điều trị với chẩn đoán bệnh của tuyến bartholin; nang tuyến bartholin; tăng sản u tuyến nội mạc tử cung”. Với chẩn đoán trên, theo thực hành y khoa, bà có thể điều trị ngoại trú, không cần thiết phải nhập viện điều trị. Vì vậy, công ty không thể giải quyết quyền lợi trợ cấp y tế.

Nhận được thông báo của bảo hiểm, bà N. bức xúc. “Ốm đau, bệnh tật chẳng ai muốn. Tôi cũng chẳng muốn nằm viện. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ định như thế nào thì bệnh nhân phải nghe theo, chứ mình làm sao biết được chuyên môn của bác sĩ mà bảo cần thiết hay không cần thiết. Hơn nữa, đây là phẫu thuật, phải cần thiết lắm bác sĩ mới chỉ định, thế mà Manulife Việt Nam lại bảo không cần thiết nhập viện điều trị”.

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Sản – BV Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, Hà Nội, nói rằng, việc điều trị cho bệnh nhân như thế nào là do bác sĩ căn cứ diễn biến sức khỏe của bệnh nhân rồi mới đưa ra chỉ định. Với trường hợp phẫu thuật, quy trình lại càng chặt chẽ. Theo đó, sau khi thăm khám, hồ sơ bệnh án được thiết lập, Hội đồng chuyên môn của BV sẽ họp để đánh giá tình hình của bệnh nhân. Khi xác định được bệnh của bệnh nhân thì BV mới điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Trường hợp nặng, cần thiết phẫu thuật, BV sẽ chỉ định phẫu thuật và ca mổ sẽ được tiến hành. Như vậy, việc điều trị của bệnh nhân như thế nào là căn cứ theo quy định của ngành y tế.

Luật gia Trần Nhật Minh (Hà Nội) cho rằng, bảo hiểm Manulife đưa ra lý do không cần thiết nội trú để từ chối chi trả cho bà N.T.N thì công ty cần phải đưa ra được những căn cứ pháp lý.

Bà N. điều trị nội trú là theo chỉ định của bác sĩ, không phải theo ý muốn của người bệnh. Bảo hiểm có thể yêu cầu bà N. bổ sung tài liệu, căn cứ chứng minh như: hồ sơ bệnh án liên quan tình trạng bệnh lý hoặc chỉ định riêng đối với trường hợp của bà nhằm khẳng định việc phải điều trị nội trú là bắt buộc.

Giải pháp bảo vệ khách hàng mua bảo hiểm

Bác sĩ Lưu Quốc Khải cho rằng, để hỗ trợ khách hàng được chi trả hỗ trợ y tế khi điều trị nội trú, ngoài việc khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng thì BV cũng cần hỗ trợ bệnh nhân. Theo đó, các nhân viên y tế khi làm hồ sơ bệnh án hoặc tóm tắt bệnh án cần ghi đầy đủ thông tin về quá trình nhập viện, điều trị, chỉ định và nguyên nhân gây bệnh. Tại BV nơi ông làm việc, nhân viên đã được tập huấn, trang bị kiến thức rất kỹ về các loại hình bảo hiểm thương mại. Vì thế, mỗi khi thăm khám cho bệnh nhân hoặc làm bệnh án, nhân viên y tế của BV sẽ hỏi khách hàng có tham gia bảo hiểm thương mại không, nếu có thì là của đơn vị nào.

Sở dĩ nhân viên y tế hỏi như vậy là bởi họ đã nắm kỹ các hợp đồng của các hãng bảo hiểm để làm bệnh án cho bệnh nhân có thể dễ dàng được thanh toán mà không bị bảo hiểm gây khó dễ. Ví dụ hãng bảo hiểm A, hãng bảo hiểm B… sẽ loại trừ những bệnh nào… để ghi câu, từ cho phù hợp, nhưng không làm thay đổi bản chất bệnh.

Tại Khoa Quốc tế S – BV Nhi T.Ư, khi người nhà làm thủ tục nhập viện và điều trị, nhân viên y tế sẽ hỏi gia đình có tham gia loại hình bảo hiểm thương mại nào không. Nếu khách hàng có tham gia, nhân viên y tế sẽ có hướng xử lý phù hợp để hỗ trợ khách hàng.

Theo luật gia Trần Nhật Minh (Hà Nội), việc tham gia ký kết mua bán bảo hiểm là các quan hệ giao dịch dân sự, dựa trên sự thỏa thuận, đồng ý thông qua hợp đồng bảo hiểm, tự do về mặt ý chí, không bị ép buộc. Do đó, trước khi tham gia bất kỳ gói bảo hiểm nào, khách hàng hãy tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan; tìm hiểu kỹ các điều khoản, quy tắc chung, điều khoản liên quan hợp đồng bảo hiểm. “Hãy nhớ rằng khi đặt bút ký chính là “bút sa, gà chết”, một chữ ký của khách hàng trên hợp đồng bảo hiểm có thể gây thiệt hại cho chính khách hàng nếu như không đọc kỹ hoặc tìm hiểu kỹ mọi việc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm mà bạn dự định ký kết”, luật gia Minh nói.

Theo luật gia Minh, khách hàng nếu thực sự không hiểu kỹ hợp đồng bảo hiểm thì hãy thuê hoặc nhờ luật sư tư vấn. Quan hệ pháp luật điều chỉnh về các giao dịch bảo hiểm khá phức tạp, nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung 2010 và sử dụng khá nhiều thuật ngữ liên quan y học. Do đó, khách hàng nên nhờ luật sư có chuyên môn về hợp đồng bảo hiểm để tư vấn, xem xét, hướng dẫn, đồng thời thương lượng với phía bảo hiểm thay cho mình (Tiền phong, trang 15).

 

 

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ 2-3 ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 29-5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết kể từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 đến nay, lượng bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám và nhập viện gia tăng đột biến. Riêng trong tháng 5, lượt bệnh khám đã tăng gấp 7 lần so với tháng 4, trong đó tại khoa nhiễm kể từ đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày có 100 trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

BS Trương Cẩm Trinh – trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ – cho biết ngoài bệnh nhi tại Cần Thơ, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp đến từ Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh… Theo cảnh báo từ các địa phương phía Nam, đặc biệt khu vực miền Tây Nam Bộ, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng.

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ – cho hay bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở nhóm trẻ nhỏ, phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi học nhà trẻ, mẫu giáo. Đa số trẻ nhập viện bệnh ở độ 2, độ 3.

Tuy nhiên, theo thông lệ càng về cuối năm cảnh báo trẻ mắc tay chân miệng có biến chứng sẽ gia tăng theo. Vì vậy phụ huynh cần lưu ý việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp cho việc điều trị tốt hơn, trẻ được chăm sóc, theo dõi sát và hạn chế biến chứng.

Còn tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), từ ngày 13 đến 19-5 toàn TP đã ghi nhận 882 ca tay chân miệng (gồm 787 ca bệnh ngoại trú, 95 ca nội trú), tăng 137% so với trung bình 4 tuần trước (372 ca).

PGS Phạm Văn Quang – trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết hiện trẻ đến khám và nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng tại bệnh viện tuy có tăng nhưng hầu hết là độ 1 và 2. Chưa có ca nào nặng cần thở máy hay lọc máu.

Dự kiến về số trẻ mắc tay chân miệng trong thời gian tới, ông Quang cho rằng do đang trong thời điểm dịch bệnh tay chân miệng nên số ca mắc sẽ tăng nhưng hầu hết là nhẹ, khác với bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng và nặng. Tuy vậy khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng trở nặng (thường từ ngày thứ 3 đến ngày 6 của bệnh) thì diễn tiến rất nhanh, có thể tử vong trong 24 giờ.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng nặng gồm: sốt cao 39-40oC, sốt cao khó hạ, sốt kéo dài trên 2 ngày; giật mình chới với khi ngủ hoặc lúc bắt đầu thiu thiu ngủ; run tay chân, đi đứng loạng choạng; nôn ói nhiều; lừ đừ hoặc bứt rứt, quấy nhiều; thở bất thường; tay chân lạnh, nổi bông, vã mồ hôi.

“Phụ huynh không được chủ quan mà phải đưa trẻ tái khám theo y lệnh bác sĩ sau 1-2 ngày và luôn theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng trong 7 ngày. Khi có các dấu hiệu cảnh báo, lập tức đưa ngay trẻ đến khám tại cơ sở y tế, bất kể giờ giấc”, ông Quang nhấn mạnh (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Phó Giám đốc trung tâm xét nghiệm sử dụng tài khoản của bố vợ nhận ‘hoa hồng’ Việt Á

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Trần Gia Phú, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ông Phú bị tình nghi là người trực tiếp trao đổi, đàm phán về giá cả, cách thức mua bán và phương án “lại quả” với Công ty Việt Á.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Phú Thọ đã ban hành kết luận thanh tra chuyên đề tại Sở Y tế và một số đơn vị liên quan. Theo đó, trong 2 năm 2020 và 2021, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã ký kết 8 hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 với Công ty Việt Á, tổng giá trị hơn 8,2 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đoàn thanh tra nhận được thông tin về việc ông Trần Gia Phú nhận tiền “hoa hồng” của Công ty Việt Á.

Theo bản giải trình của ông Trần Gia Phú, báo cáo giải trình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ giao cho đơn vị Vi sinh thuộc Trung tâm xét nghiệm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chủ động đề xuất phương án làm xét nghiệm và dự trù sinh phẩm, hóa chất để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Trần Gia Phú, Trưởng đơn vị Vi sinh đã tìm hiểu thông tin và được biết Công ty Việt Á có đầy đủ giấy phép lưu hành nên đã báo cáo năng lực với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, thực hiện đề xuất và dự trù về số lượng chủng loại và tiếp nhận sinh phẩm, hóa chất từ Sở Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch của đơn vị. Việc ký kết hợp đồng mua bán với Công ty Việt Á do Sở Y tế tỉnh Phú Thọ thực hiện.

Sau đó, bà Hồ Thị Thanh Thảo, cán bộ của Công ty Việt Á có liên hệ với ông Trần Gia Phú xin số tài khoản để chuyển tiền “hoa hồng”. Trong khoảng thời gian, từ tháng 11-2020 đến tháng 9-2021, bà Thảo đã 4 lần chuyển cho ông Phú, trong đó có 2 lần chuyển vào tài khoản cá nhân ông Phú và 2 lần chuyển vào tài khoản của bố vợ ông Phú – số tài khoản ông Phú cung cấp với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra xác định, ông Phú không báo cáo việc nhận số tiền trên với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Sở Y tế. Chỉ đến khi đoàn thanh tra đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ông Phú mới báo cáo sự việc và xin nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty Việt Á (An ninh thủ đô, trang 14).

 

Sốt xuất huyết tăng mạnh, nguy cơ xảy ra dịch

Sốt xuất huyết đang tăng rất nhanh, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, mỗi tuần ghi nhận trên 4.000 người mắc, có một số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nặng. Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao, đau đầu, nguy hiểm nhất là giảm tiểu cầu gây chảy máu nội tạng. Bên cạnh một số trường hợp mắc sốt xuất huyết tưởng nhầm là COVD-19 đến viện muộn, còn có tình trạng trẻ thừa cân, béo phì do cha mẹ chủ quan theo dõi và chăm sóc tại nhà, khi bệnh trở nặng mới đưa tới viện cấp cứu. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, sốt xuất huyết có thể diễn tiến xảy ra dịch lớn.

Trẻ béo phì dễ bị sốc sốt xuất huyết

Trong 4 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh có 4.700 ca sốt xuất huyết, trong đó 109 ca nặng, chiếm tỷ lệ 2%, cao gấp 4 lần so với tỷ lệ của những năm trước, đã có 4 ca tử vong. Nhiều ca nặng phải nhập viện rơi vào trẻ thừa cân, béo phì.

Điển hình là bệnh nhi T.D.A. (7 tuổi, nam, cân nặng 38kg, ở Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) bị sốt cao liên tục 1 ngày, co giật toàn thân, tím tái. Khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bé lơ mơ, mê, gồng giật toàn thân, được hỗ trợ hô hấp chống co giật, truyền thuốc hạ sốt. Sau đó, bé hết co giật nhưng vẫn lơ mơ, hôn mê dần, bé phải đặt nội khí, thở máy.

Sau khi làm xét nghiệm, chọc tủy… bé được chẩn đoán sốt xuất huyết thể não. Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ bị tổn thương gan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, hạ đường huyết. Các bác sĩ đã điều trị tích cực cho bé với thở máy, truyền dịch chống sốc, chống co giật, chống phù não, điều trị hỗ trợ gan. Sau hơn một tuần, sức khỏe bé cái thiện dần và cai máy thở.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, đây là trường hợp sốt xuất huyết dạng não ở trẻ dư cân hiếm gặp dễ chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh lý khác. Trước đó, Khoa Cấp cứu của bệnh viện cũng tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Cả hai trường hợp này đều 4-5 ngày sốt cao liên tục, nôn, tiêu chảy, lúc đầu gia đình nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên mua thuốc cho trẻ uống nhưng không đỡ. Đến khi thấy con mệt, tay chân lạnh nên đưa vào bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng, suy hô hấp, rối loạn đông máu, được truyền dịch chống sốc, diễn tiến không thuận lợi nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP.

BS Tiến cho biết, các nghiên cứu cho thấy sốc sốt xuất huyết trên trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ suy hô hấp sớm. Việc điều chỉnh dịch truyền cho trẻ cũng khiến bác sĩ gặp nhiều khó khăn vì phải hiệu chỉnh cân nặng của trẻ sao cho phù hợp, tránh truyền quá tải dịch cũng như dễ dẫn đến sốc kéo dài, biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận.

Theo BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết, có thời điểm 90% bệnh nhân nằm ở Khoa Nhi điều trị sốt xuất huyết. Đa số các trường hợp sốt xuất huyết, trẻ có thể được điều trị tại nhà, tuy nhiên cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ về việc theo dõi và tái khám.

“Không phải cứ hết sốt là trẻ đã khỏi sốt xuất huyết. Thường thì khi trẻ bớt sốt vào ngày 3-7, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Do đó phụ huynh cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ. Sốt xuất huyết thường đi kèm với tổn thương gan, phần lớn trường hợp nhập viện đều ghi nhận men gan tăng. Để tránh ảnh hưởng đến chức năng gan, phụ huynh nên hạ sốt bằng cách lau mát, chỉ nên hạ sốt khi bé trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt theo đúng liều, phụ huynh không tự động tăng liều hạ sốt”, BS Thoa nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết dễ nhầm thành COVID – 19

Không chỉ tăng mạnh ở phía Nam, tại miền Bắc, sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa. Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca sốt xuất huyết tới khám hầu hết đều điều trị ngoại trú, nhập viện rất ít. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng so với những tuần trước đó. Cụ thể, vào đầu tháng 5/2022, trung bình ghi nhận từ 2 đến 5 ca mỗi tuần thì đến đến cuối tháng 5, tăng lên từ 8 đến 15 ca/tuần. Riêng tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, tăng 7 ca so với tuần trước đó.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng bắt đầu tăng. Tuy số lượng bệnh nhân chưa cao đột biến nhưng đa phần đều vào viện trong tình trạng nặng. Nam bệnh nhân 26 tuổi, ở Hà Nội đang điều trị tại đây cho biết, cách đó ít ngày anh bị sốt cao đột ngột. Nghĩ mình mắc COVID-19, đã tiêm 3 mũi vaccine, nên anh cho rằng mình bị nhẹ và nhanh khỏi. Nào ngờ tới ngày thứ 3, anh vẫn sốt cao 40 độ C kèm theo triệu chứng đau đầu, mệt mỏi nhiều, tới Bệnh viện Thanh Nhàn khám, kết quả anh mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm sâu. Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh nhân này, nếu đến viện muộn có nguy cơ xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não sẽ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng tâm lý e ngại tới viện nên tự điều trị tại nhà. Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi gây ra xuất huyết não, đường tiêu hoá. Nếu bệnh nhân điều trị tại nhà khi bị giảm tiểu cầu mà không kịp thời phát hiện rất nguy hiểm. Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn giữa COVID-19 và sốt xuất huyết.

BS Hường cho biết, theo chu kỳ dịch bệnh thì cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra gần đây nhất vào năm 2017. Năm 2022, theo dự báo có thể sẽ xuất hiện đỉnh dịch. Tuy nhiên, năm nay thời tiết miền Bắc có sự thay đổi. Hiện miền Nam số người mắc tăng khá cao, đã có những ca mắc nặng. Nhưng tại miền Bắc tới tháng 5 thời tiết vẫn đang còn lạnh, do vậy bệnh sốt xuất huyết sẽ đến chậm hơn các năm. Khả năng dịch tại miền Bắc sẽ rơi vào khoảng tháng 7-8.

BS Lê Phan Kim Thoa chia sẻ, giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 từng có ca tử vong do sốt xuất huyết mà nguyên nhân rất đau lòng là do sợ dịch. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị trì hoãn việc đi khám vì phụ huynh tự chẩn đoán bệnh cho trẻ. Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị COVID-19 nên tự cách ly tại nhà hoặc có những bé bị sốt sau tiêm phòng COVID-19 lại tưởng là sốt do tiêm mà không đến bệnh viện sớm. Cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách. Vì vậy, khi trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho con đi thăm khám vì có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em. Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục và không kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho hay sổ mũi; trong khi nhiễm COVID-19, trẻ có thể sốt cao hay sốt nhẹ, kèm triệu chứng ho, chảy mũi, nghẹt mũi…

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Đặc biệt với trẻ nhỏ, BS Lê Phan Kim Thoa khuyến cáo: Cần chú ý chọn thuốc hạ sốt nhóm Paracetamol, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khác mà không có ý kiến của bác sĩ vì có thể gây ra các biến chứng nặng như tổn thương gan, não hay xuất huyết nặng. Ngoài ra, không nên tự ý cho bé đi truyền dịch ở các cơ sở y tế ngoài bệnh viện vì khi sử dụng dịch truyền cho trẻ sốt xuất huyết, bác sĩ cần phải dựa trên xét nghiệm, thăm khám và đánh giá giai đoạn bệnh của trẻ để chọn lựa loại dịch truyền cũng như tốc độ và thời gian truyền dịch. Truyền dịch quá sớm hay quá trễ đều có hại cho trẻ (Công an nhân dân, trang 7).

 

Bùng phát bệnh thông thường ở trẻ: Có phải do “hậu COVID-19”?
Nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo ngại khi con em mình đồng loạt mắc các triệu chứng bệnh đường hô hấp, tiêu hóa… khiến nhiều cháu phải nhập viện điều trị. PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế – cho biết: Thời tiết miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa nên trẻ em dễ mắc các bệnh trên. Hơn nữa, do dịch COVID-19, trẻ em sau một thời gian dài không được đi ra ngoài, vì thế miễn dịch đối với các bệnh đó kém đi.

Bệnh nhi tăng từ 150%-200% 

Những ngày gần đây, Khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trung bình khoảng 200 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp. Theo thông tin từ bệnh viện, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhi phải nằm viện điều trị các bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản,…

Tương tự, tại khoa nhi của các bệnh viện khác như Bệnh viện E, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn… số bệnh nhi nhập viện do mắc các bệnh viêm đường hô hấp và tiêu chảy cấp cũng gia tăng mạnh.

Khoảng một tuần gần đây, số bệnh nhi đến khám, điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng tăng 150-200% so với những tháng trước đó.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), số lượng bệnh nhi phải nhập viện khá đông, các bệnh nhi nằm kín giường, nhiều trẻ sốt cao, quấy khóc, có trẻ nôn chớ.

Chị Trần Thị Tuyết Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bế con 5 tháng tuổi đến khám tại bệnh viện chưa hết lo lắng: “Trước khi nhập viện, cháu bị ho khan, sổ mũi khoảng 3 ngày xuất hiện thở rít nên gia đình vội đưa cháu đến viện khám thì đã được chẩn đoán bị viêm tiểu phế quản và phải nhập viện điều trị. Đến nay cháu đã điều trị được 6 ngày, tình trạng đang cải thiện dần”.

“Lúc ở nhà cháu ho, sốt cao trên 39 độ khiến cả gia đình chúng tôi lo lắng. Khi tôi đưa cháu đến bệnh viện thì được chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn, viêm phế quản, phải nhập viện điều trị ngay. Sau 2 ngày điều trị cháu vẫn còn sốt, hay quấy khóc” – chị Trần Thị Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) – mẹ bệnh nhi 27 tháng tuổi mệt mỏi chia sẻ.

Chị Nga, chị Linh là 2 trong số rất nhiều phụ huynh đang rất lo ngại về tình hình sức khỏe của con em mình, khi các cháu đồng loạt có những biểu hiện mắc bệnh, có gia đình có 2 con đều phải nhập viện.

Trả lời về tình trạng trẻ nhập viện ồ ạt trong những ngày gần đây, BS Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Những ngày gần đây khoa Nhi tiếp nhận số lượng bệnh nhi nhập viện tăng mạnh, thậm chí tăng khoảng 150-200% so với những tháng trước đó.

Theo bác sĩ, số lượng bệnh nhi tại khoa đang dao động khoảng 70-80 bệnh nhi/ngày; chủ yếu là mặt bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy; trong đó viêm đường hô hấp chiếm tới 70%. Các bệnh nhi chủ yếu khám và nhập viện với các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi; nôn, tiêu chảy… Một số bệnh nhi được đưa đến thăm khám sớm nhưng cũng có những trường hợp đến viện muộn, thậm chí suy hô hấp.

Hậu COVID-19 là một trong những nguyên nhân bùng dịch?

BS Nghiêm Thị Mai Sang cho hay, nguyên nhân của các trường hợp viêm phổi trẻ em chủ yếu do virus (tới 70%), thường gặp nhất là virus hợp bào đường hô hấp RSV; hoặc do vi khuẩn phế cầu gây ra viêm phổi ở trẻ.

Virus thường phát sinh, phát triển ở nhiệt độ, độ ẩm cao; thời tiết như hiện nay đang rất thuận lợi cho các virus này phát triển, vì vậy đã khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm ở trẻ.

“Đặc biệt, virus hợp bào đường hô hấp RSV có thể xâm nhập và gây tổn thương biểu mô đường thở, gây viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp, phù nề dẫn tới khó thở, suy hô hấp ở trẻ”, BS Nghiêm Thị Mai Sang cảnh báo.

Bên cạnh viêm phổi, viêm phế quản, số trẻ bị sốt và tiêu chảy, nôn cũng gia tăng; căn nguyên chủ yếu được xác định cũng là do virus. Với tình trạng này, trẻ thường đáp ứng tốt khi điều trị đúng, bù điện giải kịp thời cho trẻ; trẻ nhanh hồi phục.

ThS. BS Trương Văn Quý – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E – cho hay, các trường hợp trẻ nhập viện gần đây chủ yếu có biểu hiện nôn là chính, một số trẻ có xuất hiện đau bụng kèm theo sốt. Đối với những trường hợp này khi nhập viện, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận và chủ yếu chỉ định điều trị triệu chứng là chính như: Truyền dịch, bù nước và điện giải, khoảng 1-2 ngày trẻ sẽ ổn và có thể xuất viện.

Các bác sĩ cũng chỉ định một số xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán xác định các bệnh lý liên quan do virus. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng không quá nặng, chỉ ở mức độ có nôn, một số trường hợp đau bụng kèm theo sốt hoặc tiêu chảy… Do vậy, khi được điều trị, trẻ thường đáp ứng nhanh và 1-2 ngày là có thể xuất viện.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế – cho biết: Thời tiết đang trong thời điểm giao mùa và đây là lúc nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa, các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết… cũng có nguy cơ bùng phát mạnh. Và hầu như năm nào cũng vậy.

Hơn nữa, thời gian gần đây “đóng cửa” vì dịch COVID-19, trẻ em không được đi ra ngoài, không tiếp xúc nhiều, hạn chế nhiễm các bệnh như trên, vì thế miễn dịch đối với các bệnh đó kém đi (Lao động, trang 3). 

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/9/2019

CDC Hà Nam

Người Việt sống thọ hơn nhưng lại lắm bệnh tật

Ngọc Nga