Điểm báo ngày 30/6/2021

(CDC Hà Nam)
Bình Định có 3 ca dương tính Covid-19 đầu tiên; Moderna trở thành vắc xin phòng Covid-19 thứ năm được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách; Trong ngày 29-6: Thêm 372 ca mắc mới, 245 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh; Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ kinh phí mua vaccine COVID-19; Việt Nam sẽ nhận 30 triệu liều vắc-xin trong 3 tháng tới; Băn khoăn thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Bình Định có 3 ca dương tính Covid-19 đầu tiên
Ngày 29.6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 tỉnh Bình Định công bố 3 ca đầu tiên ở tỉnh này dương tính Covid-19. Trong đó, có hai vợ chồng ở khu phố Tân Thành 1, P.Tam Quan Bắc (TX.Hoài Nhơn, Bình Định). Từ trước ngày 24.6, người vợ nhiều lần từ nhà đến chợ Sa Huỳnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) để buôn bán và trở về nhà hằng ngày. Ngày 27.6, người vợ mệt mỏi, ăn không ngon, mất vị giác nên đi khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm. Sáng 28.6, hai vợ chồng được chuyển đến BVĐK khu vực Bồng Sơn (TX.Hoài Nhơn) để cách ly, điều trị và lấy mẫu gửi BVĐK tỉnh Bình Định để xét nghiệm, kết quả cả 2 dương tính (Thanh niên, trang 3).
Moderna trở thành vắc xin phòng Covid-19 thứ năm được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3122/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.Theo đó, vắc xin được phê duyệt có tên Spikevax (tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna). Đây là vắc xin phòng Covid-19 thứ năm được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp, sau AstraZeneca, Sputnik V, Vero-Cell của Sinopharm và Comirnaty.Vắc xin Moderna có thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: Mỗi liều 0,5ml chứa 100mcg mRNA (được nhúng trong các lipid nanoparticle SM-102) với dạng bào chế hỗn dịch tiêm bắp. Tên cơ sở sản xuất – nước sản xuất vắc xin này là Rovi Pharma Industrial Services, S.A – Tây Ban Nha; Recipharm Monts – Pháp.Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vắc xin Spikevax theo quy định. Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin Spikevax trước khi đưa ra sử dụng.Vắc xin Spikevax được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam cung cấp cho Bộ Y tế.Cùng với đó, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) và đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin Spikevax trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.Theo Bộ Y tế, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định các lô vắc xin Spikevax trước khi đưa ra sử dụng; phối hợp với Cục Y tế dự phòng hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin Spikevax cho các cơ sở tiêm chủng.Bộ Y tế cũng yêu cầu Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế để triển khai quản trị rủi ro đối với vắc xin Spikevax trong suốt quá trình lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, việc sử dụng vắc xin Spikevax phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam (Hà Nội mới, trang 7).

Trong ngày 29-6: Thêm 372 ca mắc mới, 245 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh

Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 12h đến 18h30 ngày 29-6, nước ta có 175 ca mắc mới, trong đó có 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh và 172 ca ghi nhận trong nước tại 16 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (43), Bình Dương (24), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (21), Quảng Ngãi (21), Bắc Giang (12), Nghệ An (12), Long An (4), Đồng Nai (4), Bắc Ninh (2), Phú Yên (2), Bình Thuận (1), Lạng Sơn (1), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1); trong đó, 137 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.Như vậy, trong ngày 29-6, Việt Nam ghi nhận thêm 372 ca mắc mới, trong đó có 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 361 ca ghi nhận trong nước tại 19 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (155), Bắc Giang (27), Bình Dương (24), Đồng Tháp (22), Tiền Giang (22), Quảng Ngãi (21), Phú Yên (20), Hưng Yên (15), Nghệ An (14), Long An (12), Hà Tĩnh (12), Bắc Ninh (5), Đồng Nai (4), Hải Phòng (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1); trong đó, 308 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.Tính đến 18h30 ngày 29-6, Việt Nam có tổng cộng 14.624 ca ghi nhận trong nước và 1.789 ca nhập cảnh. Riêng số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 13.054 ca.Về tình hình điều trị, nước ta có thêm 245 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca điều trị khỏi là 6.764.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh– 1 ca bệnh (BN16240) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh: Nam, 47 tuổi, địa chỉ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 14-6-2021, bệnh nhân nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 28-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.- 1 ca bệnh (BN16241) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh: Nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại phường Na Tông, thành phố Điện Biên. Ngày 26-6-2021, bệnh nhân nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 28-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.- 1 ca bệnh (BN16242) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh: Nam, 29 tuổi, địa chỉ tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngày 25-6-2021, bệnh nhân nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 28-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

172 ca ghi nhận trong nước – 1 ca bệnh (BN16239) ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh trong vùng phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 28-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.- 1 ca bệnh (BN16243) ghi nhận tại tỉnh Bình Thuận: Nữ, sơ sinh, địa chỉ tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, là F1 của BN15917 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 27-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 21 ca bệnh (BN16244-BN16256, BN16258-BNBN16265) ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi trong khu vực phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 28-6-2021, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 12 ca bệnh (BN16257, BN16266-BN16268, BN16270, BN16272, BN16275, BN16321-BN16323, BN16212, BN16213) ghi nhận tại tỉnh Nghệ An: 10 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước, 1 ca liên quan đến chợ đầu mối Vinh, 1 ca có tiền sử đi về từ thành phố Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo và được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 1 ca bệnh (BN16269) ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: Nữ, 41 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu – Bắc Giang, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 29-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện được cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.- 1 ca bệnh (BN16271) ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên: Nam, 31 tuổi, địa chỉ tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; được điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 29-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh.- 12 ca bệnh (BN16273, BN16274, BN16278-BN16280, BN16282, BN16285, BN16287-BN16291) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 2 ca bệnh (BN16276, BN16277) ghi nhận tại tỉnh Phú Yên, liên quan đến chợ Màng Màng.

Kết quả xét nghiệm ngày 28-6-2021, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 2 ca bệnh (BN16281, BN16284) ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: Là các trường hợp F1, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. – 4 ca bệnh (BN16283, BN16286, BN16292, BN16293) ghi nhận tại tỉnh Long An: 1 ca là F1 của BN13784 đã được cách ly từ trước, 1 ca liên quan đến chợ Bình Điền – thành phố Hồ Chí Minh, 2 ca được điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 28-6-2021, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 4 ca bệnh (BN16294-BN16297) ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai, liên quan đến chợ Hóc Môn – thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 28-6-2021, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.- 22 ca bệnh (BN16298-BN16319) ghi nhận tại tỉnh Tiền Giang: 15 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước, 7 ca liên quan đến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 1 ca bệnh (BN16320) ghi nhận tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Nam, 29 tuổi, địa chỉ tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; được điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 29-6-2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 21 ca bệnh (BN16324-BN16344) ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp: 16 ca trong khu vực đã được phong tỏa, 5 ca là các trường hợp F1. Kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 24 ca bệnh (BN16345-BN16368) ghi nhận tại tỉnh Bình Dương: 10 ca liên quan đến công ty tại thành phố Thủ Dầu Một, 2 ca là F1 của BN14866 đã được cách ly từ trước, 7 ca liên quan đến công ty tại thành phố Thuận An, 1 ca liên quan đến khu nhà trọ Đức Tân, 1 ca liên quan đến công ty tại thị xã Tân Uyên, 3 ca được điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.- 43 ca bệnh (BN16369-BN16411) ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh: 19 ca là các trường hợp F1, 13 ca liên quan đến Khu công nghiệp Tân Phú Trung – huyện Củ Chi, 6 ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ – quận Tân Phú, 2 ca liên quan đến chợ Hoàng Hoa Thám – quận Tân Bình, 1 ca liên quan đến chợ Bình Điền – quận 8, 2 ca được điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (Hà Nội mới, trang 7).

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ kinh phí mua vaccine COVID-19Bình Dương – tỉnh được ví như thủ phủ công nghiệp tại khu vực phía Nam, tập trung khoảng gần 1,3 triệu lao động. Những ngày qua số công nhân mắc Covdi- 19 liên tục tăng. Lực lượng lao động tỉnh này đang mong sớm được tiêm vaccine để an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Người lao động mong sớm được tiêm vaccine

Những tháng gần đây, do phần lương cơ bản của công nhân không đủ trang trải cho cả gia đình, mỗi buổi tối anh Anh Đỗ Văn Tiến (26 tuổi, làm việc khu công nghiệp VSIP I, thành phố Thuận An), phải chạy xe chở hàng để có thêm thu nhập.Anh Tiến chia sẻ: “Khi đến công ty cũng như khi làm việc ở bên ngoài, tôi luôn tuân thủ thực hiện khuyến cáo 5K của cơ quan y tế. Tuy nhiên thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương liên tục phát hiện các ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng khiến tôi rất lo lắng. Tôi hy vọng sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19 để an tâm đi làm”.Anh Bùi Văn Biện (34 tuổi, làm việc trong công ty may túi xách tại thị xã Bến Cát) cho biết, công ty yêu cầu 100% người lao động phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đo nhiệt độ mới cho vào nhà máy làm việc. Trong quá trình ở công ty cũng phải giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp giữa các dây chuyền kia.“Tuy triển khai nhiều biện pháp, nhưng công nhân cũng rất mong được tiêm vaccine phòng COVID-19 để hạn chế việc bị lây nhiễm. Từ đó người lao động chúng tôi an tâm hơn, tập trung sản xuất” – anh Biện bày tỏ mong muốn.Tại khu công nghiệp Đại Đăng (thành phố Thủ Dầu Một), công ty giày có hơn 1.000 công nhân cũng đã phát hiện có ca mắc COVID-19. Lập tức 42 người trong chuyền của công ty này phải ngưng việc đi cách ly tập trung, một số chuyền sát bên trong nhà xưởng cũng phải cách ly tại chỗ. Đại diện doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn người lao động trong công ty sớm được tiêm vaccine, nếu có nguồn vaccine trong lúc này công ty sẵn sàng trích kinh phí mua tiêm phòng cho người lao động.Công Đoàn KCN VSIP cho biết, có khoảng 20 doanh nghiệp với khoảng 20.000 lao động đăng ký được tiêm vaccine. Các công ty bày tỏ sẵn sàng bỏ kinh phí để sớm tiếp cận nguồn vaccine tiêm phòng cho người lao động.

Cái khó của phòng dịch trong công nhân

Sáng 23.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có chương trình kiểm tra đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nhà trọ, khu công nghiệp nhằm hướng dẫn giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Ông Nguyễn Trường Sơn đã đến kiểm tra việc phòng dịch ở một nhà trọ sát khu công nghiệp Đồng An, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An.Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND thành phố Thuận An đã có báo cáo đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đây với Thứ trưởng Bộ Y tế. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, hầu hết không gian trong nhà trọ nhỏ hẹp, kín. Trong một nhà trọ lại có công nhân làm ở nhiều công ty và trong một công ty công nhân lại ở trọ trên nhiều địa bàn khác nhau. Nếu 1 công nhân bị mắc COVID-19 nguy cơ lây nhiễm và dịch lan rộng sẽ rất nhanh. Thành phố Thuận An lại là địa bàn giáp ranh TPHCM nên lao động có tính giao thoa cao, khiến nguy cơ lây nhiễm giữa 2 thành phố cũng cao hơn và khó phòng dịch hơn.Đại diện ngành Y tế Bình Dương cho biết, trong các ổ dịch hiện nay, đáng ngại nhất và có nguy cơ lan rộng là ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và công ty tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An có tốc độ lây lan rất nhanh. Ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân, do đó rất khó kiểm soát và có thể ca bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời (Lao động, trang 5).

Dự kiến hơn 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người chịu ảnh hưởng dịch Covid-19

Ngày 29-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, thông qua: dự án Luật Cảnh sát cơ động; đề nghị xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 năm 2005 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật; phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tăng cường lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn. Chính phủ cũng đã thảo luận về dự thảo nghị quyết của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dự thảo bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, rà soát để chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.Nghị quyết này cũng phải hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Nhẹ nhàng đi vào điểm nóng

TPHCM liên tiếp ghi nhận những ca mắc Covid-19, những chuyến xe cấp cứu dù ngày hay đêm vẫn sẵn sàng cùng đội ngũ y tế đưa bệnh nhân đến bệnh viện, khu cách ly kịp thời. Đằng sau lớp khẩu trang, kính chống giọt bắn và bộ đồ bảo hộ dày cộm, kín mít… những “bác tài” trẻ vững vàng: “Ai cũng sợ thì ai sẽ lái xe. Tụi em sẽ có mặt khi mọi người cần”.

“Thương quá chừng!”

Xe cấp cứu về nhà kho trên đường 14 (phường Tân Quy, quận 7), mặc dù trước đó đã được phun khử khuẩn, hai cô gái trẻ vẫn cẩn thận khử khuẩn lại một lần nữa và rửa xe. “Kỹ một chút cũng là an toàn cho mình thôi, chuẩn bị để tối nay đưa ca F0 bên quận 1 vô bệnh viện trên Củ Chi”, “bác tài” Nguyễn Thị Hà Nhi (25 tuổi, ngụ quận 1) nói.Làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ, những ngày dịch, công việc bị ảnh hưởng, Hà Nhi dành trọn thời gian cho việc thiện nguyện và phần việc cô phụ trách chính là lái những chuyến xe chở F0, F1 đến bệnh viện và các khu cách ly y tế tập trung. Có những ngày sau khi xong việc đã quá nửa đêm, xe về đến kho đậu, sau lớp khẩu trang kín mít, mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt hằn những vết đỏ vì đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn quá lâu, nữ tài xế trẻ chợt rơi nước mắt: “Thương quá chừng chị ơi! Tối nay chuyến xe của em có em bé mới 3 tuổi thôi, còn chuyến xe của anh Long có em bé mới hơn 10 tháng”.

Những ngày đầu, xe thường xuyên chở F1, nhưng những ngày gần đây, tình hình dịch phức tạp, ca bệnh nhiều, các chuyến xe chủ yếu chở F0… nhưng Hà Nhi vẫn nhẹ nhàng và hết lòng khi cầm lái: “Trong khả năng bản thân mình làm được, hơn nữa mình cũng còn trẻ, nên dù ban ngày hay nửa đêm, em luôn để sẵn điện thoại, cuộc gọi báo gấp là em tới liền. Mỗi người chung tay hỗ trợ người bệnh kịp thời đến bệnh viện và đội ngũ y tế cũng bớt gánh nặng”. Chung đội lái xe với Hà Nhi, Nguyễn Minh Trí (28 tuổi, ngụ quận 8) ban đầu tuy không được gia đình ủng hộ vì lo lắng nguy cơ lây nhiễm, nhưng Trí đã thuyết phục ba mẹ: “Tôi giải thích cặn kẽ, rồi trưng ra nào là đồ bảo hộ, găng tay, kính chống giọt bắn, rồi kể xe được phun khử khuẩn để ba mẹ yên tâm. Lúc này cần tài xế, mình biết lái mà im re thì coi sao được, phải chung tay để cùng Nhà nước mình chống dịch chứ”.

Yêu thương sau mỗi chuyến xe

Lo sợ lây nhiễm, tâm lý e ngại với những ca F0 là điều không tránh khỏi. Nhưng với những người trẻ cầm lái đưa các F0 đến bệnh viện, sự yêu thương và mong muốn được sẻ chia đã át đi nỗi sợ.Nhận điện thoại, anh Trí lái xe đến đón em bé chỉ mới 8 ngày tuổi cùng bà của em vào bệnh viện, vì ba mẹ em đã được xác định mắc Covid-19. “Em còn quá nhỏ, bà của em phải ẵm ngửa trên tay. Tôi cầm lái mà lòng xót xa, không dám cho xe chạy nhanh, cố gắng tránh ổ gà trên đường để đỡ xóc cho em bé”, anh Trí kể lại.Nửa đêm, lái chuyến xe đưa 3 em nhỏ đến Bệnh viện Quận 4, sau khi ba của các em được xác định mắc Covid-19.

Bé lớn nhất 6 tuổi, bé nhỏ nhất 3 tuổi, đoạn clip từng em một leo lên xe cấp cứu được anh Trí chia sẻ lên mạng xã hội, dù các em đã được mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, nhưng anh Trí vẫn che mặt các em trong clip và thẳng thắn từ chối khi có người bình luận hỏi tên, địa chỉ cụ thể của các em.“Trang cá nhân của tôi hiện tại có hơn 10.000 lượt theo dõi, tôi muốn chia sẻ lên để mọi người thêm ý thức trong việc phòng chống dịch, vì lỡ không may bị nhiễm sẽ ảnh hưởng trước tiên là bản thân và gia đình. Tôi không muốn dùng hình ảnh, clip để tăng thêm lượt theo dõi và cũng không kêu gọi mọi người phải chia sẻ hay thích clip, chỉ mong mọi người hiểu rõ và áp dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch”, anh Minh Trí bày tỏ.Có những trường hợp cả gia đình là F0, bà mẹ tay dắt con, tay xách theo túi đồ, hay có những em còn nhỏ quá, phải loay hoay mới leo lên được xe cấp cứu…

“Những lúc như vậy, thấy thương đứt ruột, rớt nước mắt luôn mà tôi cũng không thể làm gì được, vì tuân thủ theo sự hướng dẫn của đội ngũ y tế và giữ khoảng cách an toàn cho mình. Tôi đứng từ xa, cố gắng nói vọng lại để hướng dẫn mọi người lên xe”, Hà Nhi kể.Sau một ngày cầm lái, đưa xe về kho đậu, trở về nhà khi đã quá nửa đêm, Hà Nhi tiếp tục chia sẻ những bài viết hướng dẫn mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. “Thương nhất là các em nhỏ, có em đi vô bệnh viện tay xách theo gấu bông, đồ chơi…, không hiểu tại sao mình phải mặc đồ bảo hộ rồi đi cách ly. Em mong chia sẻ qua mạng xã hội để mọi người nâng cao ý thức chống dịch, có như vậy thì mới ngăn chặn lây nhiễm, không còn cảnh mấy em nhỏ ngơ ngác trên xe cấp cứu nữa”, Hà Nhi xúc động (Sài Gòn giải phóng, trang 5).

Việt Nam sẽ nhận 30 triệu liều vắc-xin trong 3 tháng tới

Ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự kiến gần 30 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 về Việt Nam trong 3 tháng tới, hơn 100 triệu liều về trong quý IV. Cùng ngày, Bộ Y tế phê duyệt khẩn cấp có điều kiện vắc-xin Moderna (Mỹ). GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin, đến nay, tổng số liều vắc-xin từ đàm phán, viện trợ là khoảng 125 triệu liều. Trong đó, nguồn Covax Facility có 38,9 triệu liều; nguồn ký 3 bên giữa Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam và AstraZeneca có 30 triệu liều; nguồn thứ ba ký với Pfizer, trong năm 2021 sẽ về 31 triệu liều (dự kiến quý III về 3 triệu liều, quý IV về 28 triệu liều). Tháng 7, dự kiến có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt Nam, trong tháng 8-9 sẽ có thêm 20-21 triệu liều. Số vắc-xin này chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer.Ngoài ra, Việt Nam có nguồn viện trợ từ một số nước, tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, UNICEF… với khoảng 5-10 triệu liều.

“Mới đây nhất, Ấn Độ đã đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong năm 2021, trong đó 6 triệu liều sẽ về trong quý III, số còn lại về trong quý IV”, ông Thuấn nói. Với nguồn vắc-xin Sputnik V của Nga, Việt Nam vẫn đang đàm phán để mua 40 triệu liều, nhiều khả năng 20 triệu liều sẽ về trong năm 2021.Ngoài ra, sẽ có nguồn 5 triệu liều vắc-xin Moderna đàm phán qua công ty Zuellig Pharma. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, do lượng lớn vắc-xin sẽ về vào cuối năm, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến khi triển khai, có thể tiêm tối đa hơn 1 triệu liều mỗi ngày. Ông Thuấn nhấn mạnh, nguồn cung vắc-xin trên thế giới từ nay đến tháng 9 vẫn rất khan hiếm, do đó số lượng vắc-xin chắc chắn về Việt Nam chỉ mang tính tương đối. Việc phân bổ vắc-xin hiện nay dựa trên cân bằng nhiều yếu tố như tỷ lệ mắc bệnh, dân số, mật độ dân số hoặc các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp.

Phê duyệt ModernaThứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin Spikevax (tên khác là Moderna) cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19. Đây là vắc-xin dạng hỗn dịch tiêm bắp; mỗi lọ chứa 10 liều. Tập đoàn Zuellig Pharma đóng tại TPHCM là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối Moderna ở Việt Nam.Dựa vào bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, với người từ 18 tuổi trở lên, Moderna đạt hiệu quả 94,1% trong việc phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 ở những người đã tiêm 2 liều. Vắc-xin này sử dụng công nghệ mRNA – công nghệ sản xuất vắc-xin mới nhất hiện nay. Moderna là vắc-xin COVID-19 thứ 5 được phê duyệt tại Việt Nam, sau AstraZeneca, Spunik V, Pfizer và Sinopharm (Tiền phong, trang 4).

Băn khoăn thí điểm cách ly F1 tại nhà

Trước tình hình số trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 (F1) ngày càng tăng nhanh tại TPHCM, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể điều kiện để F1 được cách ly tại nhà và đề nghị thành phố xem xét áp dụng thí điểm. Bình Dương đang triển khai thí điểm cách ly F1 ít nguy cơ tại nhà. Sau chỉ đạo của Bộ Y tế ngày 28/6, Sở Y tế TPHCM đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19, lãnh đạo thành phố xem xét quyết định việc thí điểm cách ly f1 tại nhà.BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho rằng, sự gia tăng số lượng F1 trên địa bàn, biến chủng virus lây lan nhanh, việc cho cách ly tập trung thường không đảm bảo không gian, phải sử dụng nhà vệ sinh chung sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Khi cách ly tại nhà, nếu người nhà ý thức được F1 có nguy cơ mắc bệnh cao thì họ cũng sẽ cẩn thận và hợp tác hơn.

Sẽ dùng công nghệ giám sát?

Tại buổi họp báo công tác phòng chống COVID-19 ngày 28/6, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng nói rằng, trong văn bản Bộ Y tế gửi thành phố hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà có những quy định hết sức nghiêm ngặt, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện.“Khi triển khai cách ly F1 tại nhà, bên cạnh những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên y tế tham gia cũng cần phải từng bước thí điểm”, ông nói. Trước đó, ông Hưng cho rằng, việc cách ly tại nhà sẽ giúp tâm lý người bị cách ly nhẹ nhàng hơn vì vẫn được ở chung với người thân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đỡ phải chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly khi số F1 tăng lên.

Tuy nhiên, việc cách ly F1 tại nhà phải tính đến giải pháp giám sát cũng như sự tuân thủ của người bị cách ly tại nhà. Sở Y tế cũng tính đến việc sử dụng công nghệ để giám sát người bị cách ly, nhưng phải lưu ý để không vi phạm quy định pháp luật.BS Nguyễn Trung Hoà, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TPHCM), nhìn nhận, một người cách ly tại nhà có khả năng sinh hoạt chung với nhiều người trong gia đình, rất khó tuân thủ phòng dịch như cách ly ở trung tâm. Do đó, để giám sát F1 tại nhà hiệu quả cần quy định chặt chẽ từ nơi ở, yếu tố dịch tễ để tránh xảy ra lây nhiễm chéo hoặc hình thành ổ dịch. Ông Tuấn Anh (38 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) nói: “Mình ở nhà riêng nên các tiêu chí của Bộ Y tế đều đáp ứng được. Tuy nhiên, điều mình băn khoăn là trước cửa nhà có gắn biển cảnh báo “địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19” cũng khiến người bị cách ly lo lắng hệ lụy khi bị hàng xóm phân biệt đối xử, đề phòng”.

Thuê trọ trong căn hộ mini ở quận Tân Bình, TPHCM vài năm nay, chị Mai Hoa (nhân viên ngân hàng) cho biết, chị hoàn toàn có đủ điều kiện để được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, do chị Hoa ở một mình nên không biết nhờ ai hỗ trợ chuyện cung cấp thực phẩm, dọn rác… trong 28 ngày cách ly. “Cách ly tại nhà đòi hỏi sự tự giác của F1, nhưng nếu họ không thực hiện thì cơ quan chức năng có biện pháp gì để giám sát, quản lý?”, chị đặt vấn đề.Điều kiện để được cách ly tại nhà là phải ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập). Ngoài ra, phải bố trí phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe… Thực tế, khá đông người Sài Gòn sống ở chung cư.Theo BS Trương Hữu Khanh, khi thí điểm cách ly tại nhà, nhân viên y tế có thể phải gánh vác nhiều việc hơn, như phải đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm PCR định kỳ. “Nên chăng, có thể hướng dẫn cho người cách ly tự test nhanh như đã hướng dẫn cho Bắc Ninh, Bắc Giang, sau khi kết thúc cách ly thì lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR để đảm bảo”, BS Khanh nói.

Bình Dương: Áp dụng với F1 ít nguy cơ

Ngày 29/6, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai thí điểm cách ly các trường hợp F1 ít nguy cơ tại nhà. Mỗi địa phương triển khai thí điểm một trường hợp F1 (nếu có) và xem xét kỹ các điều kiện về an toàn COVID-19 để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Đoàn kiểm tra sẽ khảo sát trước, nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn về không gian riêng dành cho người cách ly tại nhà mới được thực hiện.Ngoài ra, địa phương sẽ bố trí lực lượng chuyên trách theo dõi F1 đang cách ly tại nhà để xử lý kịp thời. Ông Hà cho biết, trước việc dịch bệnh xâm nhập một số công ty trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các doanh nghiệp thực hiện test nhanh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly, xét nghiệm trong khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Các trung tâm y tế của tỉnh Bình Dương đang tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp thực hiện test nhanh kháng nguyên để tiến tới họ tự thực hiện. Trong đợt dịch thứ tư này, Bình Dương ghi nhận 302 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng với hàng chục nghìn người liên quan được đưa đi cách ly (Tiền phong, trang 5).

Như Huệ tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/1/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/10/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận