Điểm báo ngày 30/7/2020

(CDC Hà Nam)
Nêu cao cảnh giác, không lơ là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 6 nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Nêu cao cảnh giác, không lơ là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Sáng nay (29-7), chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong bối cảnh tình hình phức tạp.

Theo Thủ tướng, dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0, do đó, tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tỉnh, thành phố xung quanh thành phố Đà Nẵng.

“Vì vậy, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này”, Thủ tướng nêu rõ. “Khi tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp”, do đó, không được chủ quan. Các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch để đề cao cảnh giác.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo.

Các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác, “các đồng chí bí thư, chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, “hỏi đâu có đó”, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan. Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, đặc biệt là Quân khu 5 cần tổ chức công tác cách ly cho người dân tại Đà Nẵng một cách tốt nhất.

Cần nâng cao năng lực xét nghiệm, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường phương tiện, cán bộ có liên quan, không chỉ cho Đà Nẵng, mà cả các địa phương khác khi có yêu cầu.

Thủ tướng đồng ý phương án tăng cường các vị trí điều trị ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình có các bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh nền nặng.

Thủ tướng nêu rõ, tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện. Còn đối với Đà Nẵng, thực hiện triệt để Chỉ thị 16 trong phạm vi toàn thành phố. Thủ tướng lưu ý, không được ngăn sông cấm chợ. Từng địa phương đều có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly mà mình đang quản lý.

Tại những nơi tập trung đông người, đặc biệt phương tiện giao thông công cộng, người dân cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch diệt khuẩn… Những nơi có dịch bệnh, không tổ chức các lễ hội lớn, vận động không tổ chức đám tang, đám cưới đông người…

Thủ tướng đề nghị, các địa phương, Bộ GD-ĐT có phương án bảo đảm kỳ thi an toàn.

Các địa phương đều phải tổ chức tốt quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là bảo đảm bình ổn giá cả, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng lộn xộn xảy ra trên địa bàn của mình.

Không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà các trung tâm, các thành phố lớn, nhất là các thành phố du lịch ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng cho đến Bình Thuận… phải có biện pháp chủ động hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia họp hai ngày một lần để đưa ra các biện pháp. (Hà Nội mới, trang 1; Công an nhân dân, trang 1; Gia đình & Xã hội, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Lao động, trang 2; Tuổi trẻ, trang 3; An ninh thủ đô, trang 3; Nông thôn ngày nay, trang 5).

 

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 6 nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19, ngày 28-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã ký văn bản của Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo 6 nhiệm vụ, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện ngay; đồng thời, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách lúc này, cần đặc biệt cảnh giác, có biện pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, ca mắc mới tăng cao. Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi phát hiện một số trường hợp nhiễm Covid-19 do nguồn lây nhiễm dịch bệnh khác nhau trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây nhiễm (F0), các bệnh nhân có quá trình di chuyển và tiếp xúc phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao.

Tại Hà Nội, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của nhân dân, 105 ngày qua, trên địa bàn chưa có ca mắc mới Covid-19. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, Thủ đô Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao, do có nhiều người đã đi công tác hoặc du lịch tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Thường trực Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách lúc này, cần đặc biệt cảnh giác, có biện pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả.

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu:

1. Thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố; triển khai quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Địa phương phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng cần tập trung cao độ, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Lên kế hoạch và cập nhật diễn biến tình hình của dịch bệnh để bổ sung vào kịch bản phòng, chống dịch cho phù hợp. Thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, thành phố, nhất là Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 3-4-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

2. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, không nên quá lo lắng, hoang mang, nhưng cũng không lơ là, chủ quan; cần nắm rõ các dấu hiệu mắc bệnh dịch Covid-19, chủ động khai báo y tế, chủ động theo dõi sức khỏe khi trở về từ vùng dịch, tự giác thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bí thư quận, huyện, thị ủy, người đứng đầu các cấp ủy Đảng trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, huy động toàn hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh; phát huy mạnh mẽ phương châm 4 tại chỗ; bình tĩnh, chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

3. Tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, nhất là tại các khu vực công cộng như bến tàu, xe, chung cư, trường học, bệnh viện… Song song công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn, không được để dịch chồng dịch; chỉ đạo tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

4. Giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố:

4.1. Chỉ đạo rà soát, sàng lọc, phát hiện nhanh, khoanh vùng, xét nghiệm sớm, nhất là những trường hợp đi thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở về Hà Nội từ ngày 8-7-2020; phân loại, thực hiện cách ly kịp thời, giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp từ vùng dịch theo quy định. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở, tổ dân phố, công an khu vực trong việc giám sát, phát hiện những người từ vùng có dịch, những người có liên quan tới ca nhiễm Covid-19 cư trú/lưu trú trên địa bàn nhưng chưa khai báo; tổ chức giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định cách ly y tế đối với những trường hợp cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Yêu cầu các cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai báo thông tin khách du lịch lưu trú để quản lý, giám sát sức khỏe; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất hành trình của du khách phục vụ giám sát dịch tễ.

Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo phối hợp với lực lượng chức năng tổng rà soát, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép; quản lý chặt chẽ công tác nhập cảnh trên địa bàn. Địa phương nào không phát hiện, để người nước ngoài nhập cảnh trái phép trú ngụ trên địa bàn thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.

4.2. Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục rà soát để bổ sung trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng. Thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh. Chủ động rà soát, báo cáo, đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, cơ chế hỗ trợ công tác bảo đảm an sinh xã hội trong trường hợp dịch bệnh bùng phát kéo dài, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố xem xét theo quy định.

5. Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, đẩy mạnh đấu tranh quyết liệt phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân; tiếp tục xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định thông tin phòng, chống dịch bệnh; lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ những trường hợp nhập cảnh đang cách ly tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

6. Các đơn vị chuẩn bị tổ chức đại hội triển khai ngay việc rà soát y tế đối với các đại biểu và thành phần tham gia đại hội; tổ chức các biện pháp và các điều kiện phòng dịch, sát khuẩn, khử trùng khu vực diễn ra đại hội, giãn cách… để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Cũng theo văn bản nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, cập nhật tình hình, diễn biến, kết quả, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy hằng ngày theo quy định.

Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương và chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức tự giác của người dân trong phòng, chống dịch, các biện pháp và các chính sách cũng như kết quả công tác phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và thường xuyên báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hà Nội: Kích hoạt toàn bộ công tác phòng chống dịch không để dịch chồng dịch

Tại Hội nghị trực tuyến giao ban công tác của UBND thành phố Hà Nội sáng nay 29-7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị khởi động lại các Ban Chỉ đạo chống dịch ở tất cả các cấp quận, huyện, phường, xã; sẵn sàng cho công tác phòng dịch trong giai đoạn mới – được đánh giá có khả năng sẽ khó khăn hơn giai đoạn 2…

Kết luận hội nghị trực tuyến giao ban công tác của UBND thành phố Hà Nội sáng nay 29-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao các đơn vị, quận, huyện, thị xã đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong triển khai toàn diện các nội dung về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP phân tích, diễn biến dịch Covid-19 dự báo sẽ rất phức tạp trong thời gian tới, vì vậy, tất cả sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần khởi động lại toàn bộ hoạt động của các Ban Chỉ đạo và đội phản ứng nhanh phòng chống Covid-19, các công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực chống dịch.

“Các quận, huyện khi phát hiện dịch phải triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch như giai đoạn trước đã thực hiện. Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã khi nhận được yêu cầu xác minh bệnh nhân từ các địa phương khác phải tập trung thực hiện ngay, không cần báo cáo lên các cơ quan cấp trên”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhắc nhở.

Nhận định công tác phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới có thể khó khăn, phức tạp hơn thời gian trước, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các phòng, trạm y tế, các bệnh viện kích hoạt toàn bộ công tác phòng chống dịch, đồng thời tập trung phòng chống các loại bệnh dịch khác, không để “dịch chồng dịch”.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT; đồng thời quán triệt, triển khai khởi động lại toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch trong các nhà trường như sát khuẩn, đo thân nhiệt; tiến hành rà soát các trường hợp học sinh đi Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế từ 1-7 đến nay.

Sở cũng chuẩn bị mọi điều kiện để tuyển sinh trực tuyến đầu cấp lớp 1 và lớp 6. “Trong bối cảnh dịch Covod-19 phức tạp, các đơn vị cần chuẩn bị tốt nhất công tác phòng chống, kiểm soát dịch tại các trường học nhằm bảo vệ sức khỏe cho 2,2 triệu học sinh. Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Liên quan đến các phần việc khác, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tiếp tục xây dựng, chuẩn bị đề án kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, chuẩn bị kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về công tác chuẩn bị tổ chức Seagames 31 và Paragames 11, Sở cần làm việc với các cơ quan chức năng để có phương án sửa chữa hay làm mới làng vận động viên.

Sở Công Thương được giao tiếp tục các biện pháp kích cầu tiêu dùng, đôn đốc các quận huyện triển khai cắm mốc, giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp để triển khai khởi công… (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Nêu cao cảnh giác, không lơ là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 29/7, cả nước có 90 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 12 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 trở lên với SARS-CoV-2… (Công an nhân dân, trang 1).

 

Đến 20 điểm sau ở Đà Nẵng, Quảng Nam cần liên hệ y tế ngay

Những ai đã đến 20 điểm (gồm 17 điểm ở Đà Nẵng, 3 điểm ở Quảng Nam), cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ – thông báo khẩn số 17 của Bộ Y tế vừa phát đi.

Cách đây ít phút, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn số 17, sau khi thông tin về 7 ca mắc COVID-19 mới hôm nay. Theo đó, những ai đã đến 20 điểm (gồm 17 điểm ở Đà Nẵng, 3 điểm ở Quảng Nam), cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ;

Gọi điện đến các đường dây nóng: 1900.9095 (Bộ Y tế), hoặc 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Đà Nẵng), hoặc 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình;

Bộ Y tế đề nghị thực hiện cách ly tại nhà; Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ.

Cụ thể:

I. Tại Đà Nẵng

1. Intercontinential Đà Nẵng, Bán đảo Sơn Trà, ngày 17-18/7/2020.

2. Nhà hàng Bảy Ban – Bãi Rạn, đường Hoàng Sa, Thọ Quang, Sơn Trà, từ 17h30 đến 20h00 ngày 17/7/2020.

3. Nhà hàng Hải sản Cua Biển, số 112 Võ Nguyên Giáp, Phước Mỹ, Sơn Trà, vào trưa ngày 18/7/2020.

4. Chùa Pháp Hội, 69 Nguyễn Văn Thoại, An Hải Đông, Sơn Trà, ngày 18/7/2020 và 25/7/2020.

5. Sân cầu lông Thanh Khê Đông, đường Đỗ Ngọc Du, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, từ 14-16h ngày 19/7/2020.

6. Quán Bún trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ 152 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu (chợ đêm Lê Duẩn), vào buổi sáng vào các ngày 20-25/7/2020.

7. Limousine Cafe, số 419 Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, vào buổi sáng vào các ngày 20-23/7/2020.

8. Chợ An Hải Đông, K/54 Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, Quận Sơn Trà, từ ngày 20-24/7/2020.

9. Chợ tự phát (quán cóc) dọc đường Hải Phòng, gần đường Điện Biên Phủ, phường Thanh Khê, từ ngày 20-25/7/2020.

10. Cà phê Lối Cũ, 07 Hải Phòng, Thạch Thang, Hải Châu (gần Bệnh viện Đà Nẵng) vào 7h-7h15 sáng ngày 22/7/2020.

11. Demen Coffee House, số 89 Nguyễn Trác, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu vào chiều ngày 23/7/2020.

12. Quán Lẩu & Nướng Phúc Tửu quán, số 366 Đống Đa, phường Thanh Bình, quận Hải Châu vào 16-17h ngày 24/7/2020.

13. Coffee Highland ở địa chỉ 203 Ông Ích Khiêm, phường Tân Chính, quận Thanh Khê vào 19h-20h30 ngày 24/7/2020.

14. Quán trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ: 40 Đinh Tiên Hoàng, phường Thanh Bình, quận Hải Châu sáng ngày 25/7/2020.

15. Nhà hàng của Khách sạn Công đoàn, số 2 Ông Ích Khiêm, phường Thanh Bình, quận Hải Châu vào trưa ngày 25/7/2020.

16. Bệnh viện 199 – Bộ Công An, số 216 Nguyễn Công Trứ, Phường An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7/2020.

17. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, số 118 Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7/2020.

II. Tại Quảng Nam:

1. Chợ ngã 4 Ái Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào ngày 22/7/2020.

2. Chùa Giác Nguyên, khu 2, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào tối ngày 24/7/2020 và sáng ngày 25/7/2020.

3. Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Khối 8A, huyện Điện Bàn ngày 25/7/2020. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Điểm chung đặc biệt giữa các bệnh nhân COVID-19 vừa công bố

Hai trong số 5 bệnh nhân ở Đà Nẵng hiện diễn biến nặng hơn, phải thở máy. Họ đều bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo.

4 trong 5 bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng (trừ nhân viên y tế) vừa được công bố tối 28/7 đều có bệnh nền (tăng huyết áp, suy thận, phổi tắc nghẽn mãn tính), đặc biệt, có 2 bệnh nhân có tiền sử suy thận giai đoạn cuối, đang phải thở máy. Trước khi phát hiện mắc bệnh, đa số họ đều có biểu hiện triệu chứng.

Người thứ 1 phải thở máy là bệnh nhân 436, 66 tuổi, ở thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, ngày 29/6, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chảy máu mũi, miệng nên đến khám tại Bệnh viện Đa Khoa khu vực Quảng Nam.

Sau khoảng 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa khu vực Quảng Nam, bệnh nhân xuất hiện lại các triệu chứng của suy thận nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng vào ngày 6/7.

Ngày 27/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong vòng 14 ngày qua, bệnh nhân chỉ ở nhà và đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Một trường hợp khác cũng phải thở máy là bệnh nhân 437, 61 tuổi. Theo lời khai của bệnh nhân/người nhân bệnh nhân, hiện người đàn ông này đang ở nhà với vợ, con trai và con dâu tại đường Nguyễn Công Hoan, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout đã điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài.

Ngày 22/7, bệnh nhân vào lại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng để chạy thận. Ngày 23/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt nhiều nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng trong ngày.

Ngày 27/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chuyển đến khu cách ly tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong vòng 14 ngày qua, bệnh nhân khai chỉ ở nhà và đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong hai người còn lại, một nam bệnh nhân 56 tuổi (số 438) ở đường Trần Cao Vân, Phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, có tiền sử bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và u ác niệu quản đã phẫu thuật cách đây 2 năm.

Ngày 10/6, bệnh nhân nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, sau đó chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, sau đó chuyển qua Khoa Nội tim mạch điều trị đến ngày 30/6 thì được xuất viện. Trong thời gian này gia đình bệnh nhân có thuê người chăm sóc.

Một ngày sau khi xuất viện, bệnh nhân mệt nhiều, sốt, ho đàm, khó thở nên đến tái khám tại Bệnh viện Đà Nẵng và được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực – chống độc và điều trị đến nay. Thời gian này gia đình bệnh nhân có thuê người chăm sóc bệnh nhân (ở đường Quang Trung, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Nữ bệnh nhân còn lại là nữ, số 434, 71 tuổi, ở đường Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, có tiền sử bệnh cao huyết áp, hiện, bà chỉ thấy nhói ngực.

Trước đó, bệnh nhân khai từ ngày 20/7 đến 24/7 chủ yếu ở nhà không đi đâu xa. Hàng ngày, bệnh nhân đi tập thể dục ở khu vực khuôn viên gần nhà cùng một số hàng xóm xung quanh nhà; sau khi tập thể dục, bệnh nhân thường đi chợ An Hải Đông. Con dâu sống cùng là người thường xuyên bà tiếp xúc. Chị này (37 tuổi) có mở quán cắt tóc gội đầu.

Sáng ngày 25/7, bà đi Lễ tại chùa Pháp Hội (đường Nguyễn Văn Thoại – quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng) có khoảng 30 người và 8 nhà sư tại chùa, sau đó về nhà nghỉ ngơi. Lúc này thì tình trạng sức khỏe bình thường, không có triệu chứng ho, sốt.

Đến chiều, bệnh nhân thấy mệt, bị ho, sốt, được cháu gái là cán bộ y tế tại Bệnh viện 199 đưa vào khám, cấp cứu tại Bệnh viện 199 – Bộ Công An (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Do bệnh nhân bên Bệnh viện 199 quá tải nên đến 21h00 cùng ngày bệnh nhân được Bệnh viện 199 chuyển qua Trung tâm Y tế quận Sơn Trà.

Ngày 27/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho thấy dương tính với SARS-CoV-2, sau đó, bệnh nhân được đưa vào khu cách ly tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Cứu sống bệnh nhân mang thai ngoài tử cung ở vị trí bất thường

Bệnh nhân này là trường hợp thai ngoài tử cung nằm ở vị trí bất thường, hiếm gặp, khó bóc tách lấy thai ra do thai xâm nhập vào vị trí gần mạch máu. Nếu gai nhau ăn vào làm thủng động mạch chủ hay tĩnh mạch chủ thì nguy cơ tử vong là rất cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vừa phẫu thuật nội soi cứu sống nữ bệnh nhân N.H.A, 21 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội mang thai ngoài tử cung 6 – 7 tuần thể trong ổ bụng nằm giữa động mạch chủ và tĩnh mạch chủ

Trong hơn 11 năm làm bác sĩ thì đây là lần thứ hai BS Bùi Thanh Phúc – Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cứu sống bệnh nhân mang thai ngoài tử cung thể trong ổ bụng nằm giữa động mạch chủ và tĩnh mạch chủ.

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp thai ngoài tử cung nằm ở vị trí bất thường, hiếm gặp, khó bóc tách lấy thai ra do thai xâm nhập vào vị trí gần mạch máu. Nếu gai nhau ăn vào làm thủng động mạch chủ hay tĩnh mạch chủ thì nguy cơ tử vong là rất cao.

Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi lấy thai ra. Phương pháp này có ưu điểm là ít gây dính vùng bụng sau mổ và ít để lại sẹo hơn phương pháp mổ mở.

Sau phẫu thuật người bệnh được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp, tránh di chứng viêm dính tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, nguy cơ chửa ngoài tử cung tái phát, thậm chí vô sinh. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Để tránh gặp phải trường hợp như trên, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ khi nhận biết có thai nên đi khám sớm để xác định vị trí làm tổ của thai trong buồng tử cung và tuân thủ chặt chẽ việc khám thai định kỳ.

Khi có những dấu hiệu bất thường như: chậm kinh nghiệt, đau bụng, xuất huyết âm đạo… chị em phụ nữ cần đến ngay cơ sở chuyên khoa có đầy đủ thiết bị y tế và nhân lực có trình độ chuyên môn cao để khám, chẩn đoán, phát hiện sớm các trường hợp bất thường của thai kì để có biện pháp xử trí nhanh chóng, kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thêm 4 bệnh nhân Covid-19 nặng, bệnh nhân 416 có xu hướng nhiễm trùng tăng

Ngoài bệnh nhân 416 và 418, cả nước có thêm 4 bệnh nhân Covid-19 nặng, gồm các bệnh nhân 433, 436, 437, 438. Bệnh nhân 449 (quốc tịch Mỹ) cũng đang phải thở hỗ trợ ô xy.

Chiều 29.7, Tiểu ban Điều trị thuộc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã hội chẩn quốc gia lần thứ 4 điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành bệnh nhân Covid-19, điều hành hội chẩn.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia cho hay, hiện Việt Nam có thêm 4 ca bệnh nặng là các bệnh nhân: 433, 436, 437 và 438. Trước đó, các bệnh nhân 416 và 418 cũng trong tình trạng nặng. Đây đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm. Theo nghiên cứu, trung bình 1 người cao tuổi có từ 5 – 6 bệnh lý đi kèm.

Hai bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế trở nặng

Trong số 4 bệnh nhân kể trên, 2 bệnh nhân 436 và 438 từ Bệnh viện Đà Nẵng, đang được điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2.

Về tình hình cụ thể, bệnh nhân số 436 (nam, 66 tuổi, ở xã Điện Trung, TX.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, được lọc máu 5 lần. Ngày 29.6, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chảy máu mũi, miệng, nên đến khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam.

Một tuần sau, bệnh nhân xuất hiện lại các triệu chứng của suy thận nên chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng ngày 6.7. Ngày 27.7, bệnh nhân được xác định mắc Covid-19 và chuyển đến BV T.Ư Huế cơ sở 2.

Bác sĩ tại Trung tâm cách ly và điều trị Covid-19, Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết hiện bệnh nhân ngủ sâu, mạch đập 120 lần/phút, huyết áp 80/50 mmHg, nhiệt độ 37,5 độ C. Bệnh nhân đang phải thở máy qua nội khí quản, hút đờm giải, vỗ rung, tiếp tục duy trì an thần.

Trong khi đó, bệnh nhân 438 (nam, 56 tuổi, P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) có tiền sử bị COPD và u ác niệu quản, đã phẫu thuật cách đây 2 năm. Ngày 10.6, bệnh nhân nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển Khoa Nội Tim mạch điều trị, đến ngày 30.6 được xuất viện. Ngày 1.7, bệnh nhân mệt nhiều, sốt, ho đờm, khó thở nên đến tái khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27.7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng, cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và chuyển đến Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2.

Hiện, bệnh nhân 438 tỉnh, bóp bóng hỗ trợ qua ống khai khí quản, đờm rỉ sắt nhiều khi hút nội khí quản. Tuy nhiên, bệnh nhân 438 thể trạng suy kiệt, COPD, ung thư, nên cần tăng cường vỗ dung, hút đàm, dinh dưỡng và dùng thuốc chống đông. (Thanh niên, trang 4).

 

Có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, TPHCM phong tỏa điểm nóng

Tối 29/7, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của TPHCM, PGS. TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết từ đầu mùa dịch đến ngày 28/7, các cơ sở xét nghiệm, điều trị COVID-19 của thành phố vẫn duy trì ở trạng thái “ngủ đông” và nay được kích hoạt sau khi TPHCM phát hiện 2 trường hợp mắc COVID-19.

Ngày 29/7, TPHCM bắt đầu phong tỏa, giám sát chặt một số địa điểm ở quận 8, quận 11 và Bệnh viện Quốc tế City ở quận Bình Tân vì liên quan 2 ca dương tính với SARS-Cov-2, theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM gửi Bộ Y tế. Hai ca mắc COVID-19 đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, gồm võ sư R.M.G (57 tuổi, quốc tịch Mỹ) và vợ là bà T.T.

Theo lời bà T, 2 người không rời khỏi Việt Nam suốt nhiều năm qua. Khi ông R bị bệnh, bà T đã theo chăm sóc trong suốt quá trình điều trị. Ông R nhập viện tại BV Hoàn Mỹ – Đà Nẵng từ ngày 26/6-6/7, sau đó chuyển đến BV Đà Nẵng. Ngày 20/7, bệnh nhân được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TPHCM). Ngày 21/7, bệnh nhân nhập khoa Cấp cứu BV Triều An, sau đó chuyển đến BV Quốc tế City (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân).

Tại TPHCM, bà T thuê khách sạn T.D 2 (quận 11) ngày 21/7 để nghỉ ngơi. Bà có về nhà trên đường 41, phường 16, quận 8 để tắm rửa, thay đồ. Sau khi có các triệu chứng ho, sốt, đau họng, ông R và bà T được lấy mẫu xét nghiệm và ngày 27/7 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ông Tăng Chí Thượng cho biết, hiện bà T không sốt, chỉ ho khan, còn chồng bà vẫn tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng phải thở ô-xy do phổi bị tổn thương và có nhiều bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp.

Phóng viên ghi nhận trưa 29/7, an ninh tại BV Quốc tế City được thắt chặt, lực lượng bảo vệ chốt chặn từ ngoài cổng, không cho người ngoài vào bên trong khuôn viên BV. Nhiều người dân phải mang đồ tiếp tế đến gửi ở cổng bảo vệ để bệnh nhân, nhân viên y tế ra nhận. Trong khi đó, những bệnh nhân còn điều trị trong BV chỉ được phép cho một người nuôi bệnh. Lực lượng y tế kiểm tra thân nhiệt bệnh nhân, thân nhân bên trong BV để phòng dịch.

Ngày 29/7, lực lượng công an, dân phòng cũng chốt chặn, không cho người bên ngoài bước vào hoặc đến gần khu vực đường 41. Tương tự, khách sạn T.D 2 (đối diện BV Chợ Rẫy) cũng trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khách sạn cũng tắt đèn, đóng cửa, không đón khách như trước. Theo người dân xung quanh, tối muộn 28/7, lực lượng chức năng đến những khu vực này phun thuốc khử trùng, sau đó cắt cử cán bộ canh giữ, không cho người dân đến gần. (Tiền phong, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 12/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận