Điểm báo ngày 30/8/2018

(CDC Hà Nam)

Cung ứng thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi; Phát hiện chi sai chế độ BHXH, BHYT gần 100 tỉ đồng; BHXH tỉnh Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm y tế; Phấn đấu 100% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT; Bệnh viện Thanh Nhàn tổ chức hiến máu tình nguyện vì người bệnh…

 

Cung ứng thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi

Ngày 29-8, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và bệnh sởi có dấu hiệu tăng lên tại một số địa phương.

Trước tình hình trên, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc để phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị.

Đặc biệt, các địa phương phải bảo đảm cơ số thuốc, hóa chất khử trùng, diệt khuẩn và các loại thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh theo các hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, bệnh viện; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc. Sở Y tế kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, sởi và các bệnh có thể phát sinh sau mưa, bão, lũ lụt trên địa bàn.

Các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh sởi; liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn thuốc chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo qui định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần liên hệ với Cục để được giải quyết. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Phát hiện chi sai chế độ BHXH, BHYT gần 100 tỉ đồng

Số tiền chi sai quy định về BHYT khoảng 92,57 tỉ đồng (chiếm hơn 90%), số tiền hưởng BHXH sai phải thu hồi về quỹ là 3,92 tỉ đồng, số tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai là 2,67 tỉ đồng.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 8, ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết qua thanh tra, kiểm tra trong 8 tháng năm 2018, cơ quan BHXH phát hiện số tiền chi sai các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên tới gần 100 tỉ đồng.

Đáng chú ý, số tiền chi sai quy định về BHYT khoảng 92,57 tỉ đồng (chiếm hơn 90%), số tiền hưởng BHXH sai phải thu hồi về quỹ là 3,92 tỉ đồng, số tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai là 2,67 tỉ đồng.

Tính đến hết tháng 8, qua thanh tra 11.756 đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH đã ban hành 492 quyết định xử phạt hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính 550 đơn vị.

Số tiền xử phạt vi phạm hành chính 17,34 tỉ đồng, trong đó cơ quan BHXH đã thu được 3,47 tỉ đồng. (Thanh niên, trang 3).

BHXH tỉnh Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm y tế

Theo BHXH tỉnh Quảng Ninh, trong hai năm 2016 – 2017, chi phí khám-chữa bệnh (KCB) BHYT của Quảng Ninh đều tăng cao, số bội chi lớn, năm 2017 đứng thứ 4 toàn quốc.

Năm 2017, tổng số lượt KCB BHYT là hơn 2,1 triệu; các chỉ số thanh toán chi phí KCB đều ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc. Trong đó tần suất KCB nội trú là 0,28 lượt/thẻ/năm; tần suất KCB ngoại trú là 1,64 lượt/thẻ/năm; chi phí bình quân 1 thẻ là 1,642 triệu đồng, cao hơn bình quân chung toàn quốc 536.000 đồng.

Bước sang năm 2018, chi KCB 6 tháng đầu năm 2018 là 948 tỉ đồng, bằng 57,66% dự toán được giao cả năm 2018; tổng số lượt KCB là 1,1 triệu, trong đó ngoại trú là hơn 934.000 lượt, nội trú là hơn 162.000 lượt. So sánh với bình quân chung toàn quốc, chi KCB tại Quảng Ninh vẫn ở mức rất cao. Tỉ lệ điều trị nội trú trên tổng số lượt KCB là 14,88%, đứng thứ 9 toàn quốc và cao hơn bình quân cả nước 5,95% (bình quân chung cả nước là 8,93%). Ngày điều trị bình quân 1 lượt KCB của Quảng Ninh là 8,17 ngày/lượt, đứng thứ 4 toàn quốc, cao hơn bình quân chung toàn quốc 1,13 ngày/lượt. Chi phí bình quân cho 1 lượt KCB ngoại trú là 270.000 đồng/lượt, đứng thứ 11 toàn quốc; chi phí bình quân 1 lượt điều trị nội trú là trên 4,2 triệu đồng, đứng thứ 7 toàn quốc; chi phí bình quân cho 1 thẻ BHYT cao hơn bình quân cả nước gần 300.000 đồng.

Đánh giá nguyên nhân dẫn tới bội chi quỹ KCB BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh Vũ Xuân Hiển nhận định, trước hết là do áp dụng chính sách BHYT mới như thông tuyến huyện, áp dụng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC đã làm gia tăng chi phí KCB BHYT trong khi mức thu BHYT không đổi. Bên cạnh đó, tại các cơ sở KCB vẫn còn tình trạng chi phí KCB nội-ngoại trú trung bình cao, giá thuốc, xét nghiệm tăng cao; việc sử dụng quỹ KCB BHYT tại một số bệnh viện (như Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng) còn nhiều bất cập về thời gian và giá điều trị. Trong khi đó, sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành BHXH chưa thực sự hiệu quả trong triển khai các giải pháp để chống bội chi quỹ.

Về giải pháp quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT trong thời gian tới, ông Vũ Xuân Hiển cho biết, BHXH tỉnh sẽ thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách BHYT tại địa phương, đồng thời đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo hỗ trợ thực hiện công tác KCB BHYT trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt bám sát thực hiện các giải pháp điều chỉnh giảm các chỉ số KCB BHYT trong 6 tháng cuối năm; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác đấu thầu thuốc; đổi mới công tác giám định BHYT theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên sâu trong phân tích dữ liệu, tập trung giám định theo chuyên đề; tập trung tăng cường chỉ đạo công tác giám định BHYT; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi trục lợi BHYT; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ.

Đại diện BHXH tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác KCB và quản lý quỹ KCB BHYT trong tỉnh, trong đó có việc giao trách nhiệm trực tiếp cho ngành y tế trong việc giảm bội chi quỹ KCB BHYT. Đồng thời, đề nghị các cơ sở KCB không chỉ định những bệnh nhẹ vào điều trị nội trú như viêm đại tràng, viêm dạ dày – tá tràng, viêm tủy răng, thoái khớp hóa; không kéo dài ngày điều trị, đặc biệt những chuyên khoa lẻ, khoa Đông y, phục hồi chức năng; không chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh. (Lao động, trang 4).

Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

Mạng lưới bệnh viện của nước ta hiện có hơn 1.400 cơ sở (từ tuyến Trung ương đến huyện, bệnh viện ngành và tư nhân) đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay, việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB là đòi hỏi chính đáng của người dân và là việc làm thường xuyên của chính các bệnh viện.
Theo Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, ngành y tế và các bệnh viện đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể trong việc nâng cao chất lượng KCB, từ việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ðáng chú ý, với việc áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và làm thay đổi sự nhìn nhận và đánh giá của người dân về hệ thống KCB. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh (hơn một triệu phiếu khảo sát) cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh điều trị nội trú là 75,6%; người bệnh điều trị ngoại trú là 66,3%. Kết quả khảo sát độc lập của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam phỏng vấn qua điện thoại sau khi ra viện đối với 3.000 người bệnh thì kết quả hài lòng là 79,6%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng cho thấy người dân hài lòng hơn về dịch vụ y tế công.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm về chất lượng dịch vụ KCB tại các bệnh viện ở mức thấp, trong khi nhu cầu của người dân lại tăng cao, đòi hỏi bệnh viện cần tập trung hơn nữa các biện pháp nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ này. Theo chỉ thị của Bộ trưởng Y tế về các giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB thì các bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 2151/QÐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” bằng việc đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện. Bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, nhất là lúc cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh.

Ðáng chú ý, đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính thì các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần bảo đảm đủ thuốc, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn để làm tốt việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính.

Các bệnh viện đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và thời gian chờ khám bệnh. Ði liền với đó là công tác truyền thông, vận động để người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám vào buổi sáng; đối với người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính trong trường hợp chỉ đến khám để cấp thuốc hoặc cho đơn thuốc, không phải thực hiện xét nghiệm cần hướng dẫn và hẹn khám vào buổi chiều để giảm áp lực tại bệnh viện. Bệnh viện tuyến trên tập trung KCB theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được.

Thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải, trường hợp quá tải cần chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, hoặc sang các cơ sở KCB khác. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thật sự quá tải; không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao. Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú… Chú trọng công tác dinh dưỡng, tiết chế, kiểm soát nhiễm khuẩn; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Ðiều trị của bệnh viện; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm các tai biến, sự cố y khoa…

Mặt khác các bệnh viện tuyến trên tăng cường thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo mô hình bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ y tế về tuyến cơ sở… Thực hiện đúng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định 316/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế… (Nhân dân, trang 5).

Bệnh viện Thanh Nhàn tổ chức hiến máu tình nguyện vì người bệnh

Sau khi Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương kêu gọi mọi người hiến máu vì các bệnh viện lại tiếp tục thiếu nhóm máu O, ngày 29-8, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã tổ chức hiến máu tình nguyện vì sức khỏe của bệnh nhân.

Hơn 300 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đã tham gia hiến máu tình nguyện. Theo ông Hoàng Minh Đỗ, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, buổi hiến máu nhằm đáp lời kêu gọi của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhằm góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhất là nhóm máu O trong điều trị.\

  1. Đỗ cho biết thêm, hàng năm Bệnh viện vẫn tổ chức hai, ba đợt hiến máu tình nguyện. Không chỉ có cán bộ, nhân viên của Bệnh viện mà các nhân viên y tế còn vận động người nhà bệnh nhân hiến máu tình nguyện.

Bản thân bác sĩ Hoàng Minh Đỗ cũng trực tiếp hiến máu trong đợt này bởi theo ông, là bác sĩ điều trị nên ông hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của những giọt máu cứu người. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch chỉ vì thiếu máu. Vì thế, tham gia hiến máu lần này, ông cũng như tất cả đồng nghiệp đều mong muốn góp phần giúp bệnh nhân đủ máu điều trị trong thời gian tới.

Ông Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, cho hay, tại Việt Nam, gần 50% dân số có nhóm máu O nên số lượng bệnh nhân cần truyền máu nhóm O luôn cao hơn so với các nhóm máu khác. Hiện tại, lượng máu phục vụ điều trị bệnh nhân tại Viện mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu điều trị. Nguy cơ thiếu máu nhóm O càng lớn hơn nữa khi sắp tới người dân có kỳ nghỉ lễ 2-9 dài. Những bệnh nhân nặng, bị bệnh mãn tính cần máu sẽ tử vong nếu không có máu truyền. Do đó, hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử để cứu người bệnh. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/4/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận