Điểm báo ngày 31/1/2020

(CDC Hà Nam)
Xác định 3 người Việt nhiễm vi rút Corona; 3 người Việt đầu tiên nhiễm nCoV đã đi qua những đâu?; Ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona gây ra: Thủ tướng yêu cầu bình tĩnh, kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Xác định 3 người Việt nhiễm vi rút Corona

Cả 3 người đều từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc, trở về, trong đó 1 người đang được cách ly tại Thanh Hóa, 2 người đang được cách ly tại Hà Nội.

Chiều qua (30.1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Báo cáo cập nhật của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp cho hay, đến 17 giờ 30 ngày 30.1, số người mắc nCoV trên thế giới là hơn 7.822 trường hợp, trong đó 170 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, số người nhiễm nCoV là 5 trường hợp, trong đó 2 công dân Trung Quốc (1 người đã khỏi) và 3 công dân Việt Nam nhiễm bệnh – đều là người từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về. “Một ca đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Thanh Hóa; 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 2 của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tại Hà Nội”, ông Tuyên nói.

Không khuyến khích giao thương qua cửa khẩu với Trung Quốc

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý dự báo dịch sẽ bùng phát cuối tuần này, đầu tuần tới và xu hướng đi về phía nam là rõ nét. “Bùng phát dịch do viêm phổi Vũ Hán là rất nghiêm trọng, nhanh ở phạm vi toàn cầu. Do đó phải đề cao cảnh giác, tránh nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng”, Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc” để yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch mới được lập và Bộ Y tế có các kịch bản ứng phó, với những phương án cụ thể.

“Cần cấm hẳn đi lại đường mòn lối mở. Dừng đưa người VN qua Trung Quốc lao động và ngược lại. Ngừng các hoạt động đưa tour, tuyến du lịch qua lại. Ngành hàng không không đưa, đón máy bay các điểm có dịch đến Việt Nam và ngược lại. Ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc. Không khuyến khích giao thương buôn bán cửa khẩu lúc này”, Thủ tướng nêu hàng loạt yêu cầu.

Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần có biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu cũng như theo dõi sát sao sk công dân, lưu học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc đã nhập cảnh vào Việt Nam. Các cấp, các ngành liên quan, các địa phương phải thành lập BCĐ phòng chống dịch tại địa phương, do chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Ngoài ra, để chủ động hạn chế dịch lây lan, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế tập trung đông người và yêu cầu các lễ hội khi chưa khai mạc đều phải xin ý kiến về việc có cần thiết hay không, đồng thời kêu gọi mọi người dân đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

Sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý để có thể sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Từng làm Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng đến hôm qua dù WHO đang cân nhắc có công bố tình trạng y tế khẩn cấp hay không thì ở trong nước chúng ta đã có nhiều hành động như với tình trạng khẩn cấp rồi. Theo ông Long, dịch bệnh được dự đoán có thể kéo dài khoảng 2 – 3 tháng và vi rút lây qua 3 đường là: không khí, tiếp xúc với người bệnh (sờ, bắt tay…), và lây khi sờ vào bề mặt ở nơi công cộng có chứa vi rút. Vì thế, không chỉ phải đeo khẩu trang mà rửa sạch tay bằng xà phòng là việc rất quan trọng để phòng tránh.

Về kinh tế, Thủ tướng cho hay dù tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lớn và Trung Quốc là thị trường rất lớn của chúng ta nhưng vì tính mạng con người, vì sức khỏe nhân dân, chúng ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi về kinh tế. “Mặt khác, ta phải chủ động tìm thị trường mới, không thể phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, Thủ tướng nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay TQ đã thông báo tạm ngừng giao dịch với Việt Nam tại 2 cửa khẩu ở tỉnh Vân Nam, Quảng Tây đến ngày 8.2 và ngày 10.2, song thời hạn này có thể kéo dài do dịch còn bùng phát. Do vậy, “tư lệnh” ngành công thương hứa với Thủ tướng trong khoảng 5 ngày nữa sẽ có báo cáo gửi Chính phủ kịch bản cụ thể với các ngành kinh tế mà thị trường xuất khẩu chính vào nước láng giềng (Thanh niên, trang 4).

 

3 người Việt đầu tiên nhiễm nCoV đã đi qua những đâu?

Thông tin 3 người VN đầu tiên nhiễm vi rút nCoV được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là lịch trình di chuyển, tiếp xúc của những bệnh nhân này. Theo Bộ Y tế, cả 3 bệnh nhân này, cùng 5 người Việt Nam khác, được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang TQ tập huấn tại TP.Vũ Hán cách đây 2 tháng, và cùng trở về Việt Nam ngày 17.1 trên chuyến bay 8315 của Hãng Southern China, qua sân bay Nội Bài (Hà Nội). Tiếp xúc với nhiều người

Trong đó, bệnh nhân nữ Nguyễn Thị T. (25 tuổi, công nhân, ở H.Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), sau khi tới sân bay Nội Bài được xe công ty đón về trụ sở tại xã Thiện Kế, H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 23.1, bệnh nhân bắt xe ra Bến xe Giáp Bát và di chuyển bằng xe khách về H.Yên Định lúc 18 giờ cùng ngày. Sau đó, khoảng 22 giờ bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho. Đến 13 giờ ngày 24.1, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) H.Yên Định khám và được chuyển xuống điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, trong tình trạng ổn định.

Bệnh nhân Phạm Văn Ch. (nam, 29 tuổi, ở H.Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) khởi phát bệnh ngày 21.1, đã đi khám tại phòng khám tư ở H.Tam Dương, đến BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc ngày 23.1. Do điều trị không khỏi, ngày 26.1, bệnh nhân tiếp tục chuyển đến điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cơ sở Giải Phóng (Hà Nội). Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cơ sở Giải Phóng.

Bệnh nhân Nguyễn Thị D. (nữ, 23 tuổi, ở H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), khởi phát bệnh ngày 25.1 tại nhà và đã đi taxi cùng bố đẻ đến nhập viện tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cơ sở Đông Anh (Hà Nội). Kể từ khi nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17.1 đến khi nhập viện, bệnh nhân đã tiếp xúc với nhiều người thân, họ hàng. Hiện tại, các cơ sở y tế đang tiếp tục cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh và những người tiếp xúc gần, phòng lây nhiễm. Tất cả những người tiếp xúc gần bệnh nhân cần giám sát, theo dõi, sk trong vòng 14 ngày.

Theo Bộ Y tế, người tiếp xúc gần với ca bệnh có nguy cơ nhiễm bệnh cần được giám sát sức khỏe là: nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị trường hợp bệnh xác định; nhân viên y tế, nhân viên phục vụ khác có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân xác định trong quá trình làm việc; người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc với trường hợp bệnh xác định; người ngồi cùng hàng hoặc trước/sau 2 hàng ghế (2 m) trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định; người sống trong cùng gia đình với trường hợp bệnh xác định.

Nhiều địa phương họp khẩn

Chiều 30.1, UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan đã họp khẩn nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống nCoV. Mức độ cấp thiết càng được đẩy lên cao, sau khi Bộ Y tế công bố thông tin bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, ngụ xã Định Hòa, H.Yên Định, Thanh Hóa) là 1 trong 3 bệnh nhân người Việt Nam dương tính với nCoV. Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, Phó trưởng ban thường trực Ban Phòng chống dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngoài cách ly, theo dõi đặc biệt bệnh nhân T., ngành y tế Thanh Hóa còn khuyến cáo, cách ly và hạn chế tiếp xúc với 28 người từng tiếp xúc với bệnh nhân T.

Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho hay bệnh nhân T. từ Vũ Hán trở về quê hôm 17.1. Đến 24.1 thì có triệu chứng ho, sốt, tức ngực, nên nhập viện. Cũng theo ông Sỹ, đến 30.1, bệnh nhân T. đã bước sang ngày thứ 3 không có biểu hiện ho, sốt và các dấu hiệu về suy hô hấp. Theo kế hoạch, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào ngày 31.1, nhưng sau khi có kết quả dương tính với nCoV, bệnh nhân T. sẽ không được xuất viện, mà tiếp tục được cách ly, theo dõi; đồng thời tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm, phân tích tiếp.

Sáng 30.1, trước diễn biến phức tạp của nCoV UBND TP.Hà Nội đã tổ chức họp về phòng chống dịch. Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nhận định: “Nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch tại Hà Nội là rất cao, vì đây là điểm tụ của các tỉnh phía bắc. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại Hà Nội, có thể phải cách ly trường học, bệnh viện hoặc khu dân cư… nên cần có công an, quân đội, chính quyền, giao thông, xây dựng… vào cuộc theo kế hoạch đã được tham mưu cho UBND TP”.

Trước tình hình cấp bách này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Y tế túc trực 24/7, kiểm soát chặt chẽ sân bay Nội Bài; chính quyền các phường, xã đi kiểm tra từng nhà hàng trên địa bàn, cấm việc mua bán tất cả động vật hoang dã, nhất là vùng ngoại thành, những vùng đang có lễ hội như chùa Hương; khuyến cáo người dân đi lễ hội, đình chùa nên đeo khẩu trang…

Trong khi đó, BV đa khoa tỉnh Lào Cai tối 30.1 cho biết trong số 12 người Việt Nam có biểu hiện sốt cao hiện đã có 1 trường hợp có kết quả âm tính với vi rút corona; 11 bệnh nhân còn lại vẫn đang được điều trị, cách ly tại BV.

Đáng lưu ý vẫn còn 2/11 người sốt cao, kèm theo các dấu hiệu viêm phổi. 11 người này vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm vi rút coronacủa Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư; nếu kết quả âm tính thì BV tiếp tục điều trị như các bệnh cúm mùa thông thường, còn kết quả dương tính sẽ chuyển người bệnh về BV Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại H.Đông Anh, Hà Nội theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tối 30.1, bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa hiện đang cách ly 15 người (8 người Trung Quốc, 7 người Việt Nam) có dấu hiệu sốt để theo dõi, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Đáng chú ý, trong số người bị cách ly trên, có nữ nhân viên lễ tân của khách sạn trên đường Tôn Đản (TP.Nha Trang), người được cho là tiếp xúc gần với hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm nCoV đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Hai người Trung Quốc nhiễm vi rút Corona được phát hiện tại TP.HCM từng có thời gian lưu trú tại Nha Trang.

Nữ lễ tân khách sạn có dấu hiệu sốt và được đưa vào khu cách ly của BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cách đây 4 ngày (Thanh niên, trang 5).

Ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona gây ra: Thủ tướng yêu cầu bình tĩnh, kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Chiều 30-1-2020, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương để tổng kết công tác chuẩn bị, tổ chức đón Tết cho nhân dân và đánh giá tình hình, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV).
Thêm 3 trường hợp dương tính với nCoV tại Việt Nam

Báo cáo tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 15h20 chiều 30-1-2020, trên cả nước đã phát hiện thêm 3 trường hợp dương tính với nCoV; nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại Việt Nam đến thời điểm này lên 5 người. Trong đó, có 2 trường hợp là cha, con người Trung Quốc. Đối với 2 bệnh nhân này, người con sau điều trị đã có xét nghiệm âm tính; người bố do thể trạng và cơ địa yếu hơn nên xét nghiệm vẫn còn dương tính với nCoV. Ba trường hợp còn lại trong đó có 1 trường hợp được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và đều là những người Việt Nam đi từ Vũ Hán về nước.

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 30-1-2020, thế giới đã ghi nhận 7.819 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 170 trường họp tử vong (162 trường hợp tử vong tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). So với ngày 29-1, số ca mắc tăng 1.760 trường hợp, số trường hợp tử vong tăng 38 trường hợp. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 7.714 trường hợp tại 30/31 tỉnh/thành phố.

Trên thế giới ghi nhận 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm nCoV gồm: Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ma Cao (Trung Quốc), Singapore, Australia, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Malaysia, Hàn Quốc, Canada, Campuchia, Nepal, Sri Lanka, Phần Lan, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Việt Nam.

Xây dựng kịch bản ứng phó với 4 cấp độ dịch

Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh thành lập các đội phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có nhu cầu. Bộ cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó với 4 cấp độ dịch; hoàn thành hệ thống kết nối giao ban trực tuyến tại 22 bệnh viện với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel. Bộ Y tế cũng đã thống nhất các phương án điều trị khi phát hiện bệnh theo hướng: Phát hiện người bệnh ở địa phương nào thì tập trung điều trị tại địa phương đó, hạn chế vận chuyển người bệnh để giảm nguy cơ lây lan.

Bộ Y tế cũng đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm đối với các trường hợp phát hiện tại phía Bắc. Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm các trường hợp tại miền Trung và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đối với các trường hợp tại phía Nam. Bộ Y tế cũng đã thành lập một chuyên trang trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để cập nhật thông tin về dịch bệnh.

Cùng với đó là xây dựng dự trù về trang thiết bị y tế, cơ số thuốc; chỉ đạo các cơ sở sản xuất sẵn sàng các trang thiết bị bảo hộ để cung cấp cho quá trình phòng, chống dịch bệnh. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị thành lập 5 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nCoV và được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần phát động phong trào đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng để hình thành văn hóa tham gia giao thông từ nay về sau trên cả nước.

Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh

Tại buổi làm việc, đánh giá tình hình tổ chức đón Tết cho nhân dân, Thủ tướng cho rằng, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức thăm hỏi người có công; hỗ trợ các vùng khó khăn, thiên tai kịp thời. Hàng hóa phục vụ Tết phong phú, dồi dào, không còn tình trạng thiếu hàng sốt giá và đặc biệt, hàng Việt chiếm ưu thế. Việc cung cấp điện, nước đầy đủ, an ninh, trật tự được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm, Nghị định 100 nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Các cơ quan báo chí đã có vai trò quan trọng phục vụ Tết cho nhân dân với nhiều chương trình phong phú, đặc sắc.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngay sau Tết phải tập trung vào công việc, không để vui chơi quên nhiệm vụ. Cần “tập trung ngay từ ngày đầu, tháng đầu” những nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ; phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư, xuất khẩu; cùng với đó là cần có các phương án phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh dịch nCoV bùng phát.

Về tình hình dịch bệnh do nCoV, Thủ tướng cho rằng, tình hình bùng phát dịch rất nghiêm trọng và rất nhanh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã chủ động và có chủ trương sớm, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đã có những biện pháp với quyết tâm cao, giải pháp cụ thể.

“Tất cả chúng ta phải bình tĩnh xử lý và kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân với biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương, các cấp, các ngành có phương án cụ thể khi phát hiện bệnh tại địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy quyền hạn trong xử lý các vấn đề đặt ra, duy trì chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên để có biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng hoan nghênh Ban Chỉ đạo quốc gia đã thành lập 40 đội phản ứng nhanh để xử lý vấn đề này kịp thời hơn. Bộ Quốc phòng có phương án sẵn sàng huy động quân dân y khi cần thiết. Các bệnh viện lớn ở các khu vực cũng đã được giao nhiệm vụ cụ thể trong xử lý điều trị bệnh nhân với tinh thần hạn chế di chuyển bệnh nhân làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Nêu một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần cấm hẳn việc đi lại qua các đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới; dừng việc người Việt Nam qua Trung Quốc lao động. Bộ Ngoại giao sớm bàn bạc với phía Trung Quốc để đưa người Việt Nam tại Trung Quốc về nước. Tạm ngừng các hoạt động tour, tuyến du lịch qua lại Việt Nam – Trung Quốc.

Thủ tướng chỉ đạo ngành hàng không cần tạm ngừng các tuyến từ vùng có dịch đến Việt Nam và ngược lại. Ngừng cấp visa cho khách du lịch, kể cả các trường hợp khác trừ công vụ. Không khuyến khích giao thương, buôn bán khu vực cửa khẩu trong thời điểm này. Đối với các đoàn công tác của Việt Nam sang Trung Quốc nếu không thực sự cần thiết thì cần tạm hoãn trong dịp này. Các ngành Quân đội, Công an và đặc biệt là Y tế cần kiểm soát chặt chẽ khách du lịch đi qua các cửa khẩu đến Việt Nam.

Ngành Y tế cần có biện pháp theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch Trung Quốc, kể cả người Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc vào Việt Nam trong vòng 15 ngày. Thủ tướng cũng nhắc lại chỉ đạo cấm hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã – nguồn lây nhiễm nguy hiểm dịch bệnh.

Với vai trò Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần có tiếng nói để tạo sự đồng thuận cao trong ASEAN chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị các địa phương cũng cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ. Thủ tướng nhắc lại tinh thần hạn chế tụ tập đông người, hạn chế các hoạt động lễ hội. Các lễ hội chưa khai mạc cần phải xin ý kiến trước khi tổ chức.

Chính phủ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm đông người. Bộ Công Thương cần chủ động sản xuất trang thiết bị y tế để sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan truyền thông coi đây là nhiệm vụ chính trị để tập trung làm tuyên truyền nhưng không để người dân hoang mang; tăng cường tuyên truyền thông tin tự phòng ngừa cho nhân dân.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị tình trạng pháp lý sẵn sàng trong trường hợp WHO công bố tình trạng khẩn cấp.

Thủ tướng đồng ý thành lập tại Văn phòng Chính phủ một tổ công tác để phối hợp với Ban Chỉ đạo trong công tác điều phối các hoạt động liên quan. Bộ Y tế – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia cần đề ra những biện pháp sát thực, kịp thời, có hiệu quả để bảo đảm an toàn cho người dân (Hà Nội mới, trang 1).

 

Hà Nội triển khai các giải pháp ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp

Sáng 30-1-2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona (nCoV). Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thông tin từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến sáng 30-1, thế giới đã ghi nhận 7.711 trường hợp mắc nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong. Mỗi ngày, số mắc tăng thêm hơn 1.000 trường hợp. Ngoài Trung Quốc, nCoV đã lây lan sang 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cảnh báo dịch ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu.

Tại Việt Nam, tính đến sáng 30-1 đã ghi nhận hai trường hợp mắc nCoV là hai cha con người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, mắc bệnh tại Nha Trang và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh). Hiện tại, cả hai bệnh nhân đều đã hết sốt, tình trạng sức khỏe ổn định, một người đã khỏi bệnh với kết quả xét nghiệm lại đã âm tính với nCoV.

Còn tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã cách ly 14 trường hợp nghi ngờ vì có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về. Hiện tại, sức khỏe của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng, ba trường hợp đã khỏi bệnh, hết triệu chứng, một trường hợp có xét nghiệm âm tính với nCoV, các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước nguy cơ dịch bệnh nCoV xâm nhập vào thành phố, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan của 14 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lập danh sách theo dõi sức khoẻ của 60 người tiếp xúc gần. Hiện tại, tình trạng sức khoẻ của tất cả những người tiếp xúc gần đều ổn định, chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Ngành Y tế thành phố cũng đã tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn giám sát và điều trị cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường trực tiếp nhận thông tin 24/24h qua đường dây nóng: 0969082115 và 0949396115.

Hà Nội bố trí khoảng 43 tỷ đồng đối phó với nCoV

Đề cập các biện pháp thành phố đang triển khai để phòng, chống bệnh nCoV, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thành phố đã chủ động triển khai từ rất sớm các biện pháp ứng phó với nCoV. Trước thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn giám sát phát hiện sớm ca bệnh nCoV tại cộng đồng cho 30 trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Ngay trong những ngày nghỉ Tết, toàn bộ khối y tế dự phòng của ngành Y tế Thủ đô đã tổ chức thường trực 24/24h để phòng, chống ca bệnh nCoV xâm nhập, nhất là tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, bài học từ dịch bệnh SARS năm 2003 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng, chống bệnh nCoV. Khi đó, chúng ta đã thành công trong việc khoanh vùng, cách ly các ca mắc bệnh tại Bệnh viện Việt – Pháp, khống chế được bệnh lây lan trong cộng đồng. Đối với nCoV, ngành Y tế Thủ đô đã đưa ra những tình huống đối phó rất cụ thể. Để chủ động, sẵn sàng ứng phó nếu bệnh bùng phát, Chính phủ đã khuyến cáo xây dựng bệnh viện dã chiến và giao cho lực lượng quân đội. Hà Nội cũng đã lên kế hoạch cho tình huống này, sẵn sàng tổ chức bệnh viện dã chiến khi cần.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh nCoV ngày càng phức tạp tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự đoán, bệnh này có thể kéo dài từ 3 đến 5 tháng, cần sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị thì mới khống chế được bệnh. Hiện tại, với một trường hợp nghi nhiễm nCoV, chúng ta phải mất 4 ngày mới có được kết quả xét nghiệm. Thế nhưng, vào ngày mai (31-1), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sẽ tiếp nhận toàn bộ quy trình xét nghiệm nCoV từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Quy trình xét nghiệm này sẽ cho kết quả xét nghiệm nCoV nhanh nhất trong 6 tiếng.

“Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiến hành in tờ rơi, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng, chống nCoV và phát miễn phí đến mỗi hộ gia đình để nâng cao hiểu biết cho từng người dân. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người dân sẽ hợp tác với ngành Y tế, biết cách ly sớm, hạn chế sự lây lan, hạn chế số ca mắc bệnh trong cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm nói.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giám sát, phát hiện ca bệnh từ sớm. Do đó, các sở, ngành, trong đó có Sở Du lịch Hà Nội, Công an thành phố, cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, y tế cơ sở tại các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát, phát hiện ca bệnh tại cộng đồng. Hiện nay, ngành Y tế thực hiện việc giám sát tại các cơ sở lưu trú rất khó khăn, do đó cần có sự hợp tác của Sở Du lịch, cung cấp thông tin các cơ sở lưu trú có hành khách đến Việt Nam từ vùng có dịch. Từ đó, thông báo với hành khách cần đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng…

“Trước mắt, thành phố bố trí khoảng 43 tỷ đồng cho các sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phòng, chống bệnh. Tuỳ vào diễn biến thực tế, chúng tôi tiếp tục có sự điều chỉnh”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nói.

Cấm kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội là một trong những đơn vị triển khai từ rất sớm công tác phòng, chống bệnh nCoV ở cả 3 lĩnh vực. Cụ thể, tại sân bay quốc tế Nội Bài, thành phố đã triển khai sớm việc kiểm soát y tế hành khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt 24/24h.

Ngoài ra, Hà Nội đã kích hoạt sự vào cuộc của 65 đội chống dịch cơ động của thành phố và 30 quận, huyện, thị xã, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng phó với bệnh nCoV. Hà Nội cũng đã tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống nCoV trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm bắt. Nhờ đó, ngay trong những ngày đầu năm mới, tại các điểm vui chơi, lễ hội, nơi công cộng, sân bay…, người dân đã thực hiện đeo khẩu trang.

Đề cập diễn biến tình hình dịch bệnh nCoV tại Trung Quốc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, số ca mắc bệnh, tử vong đang tăng lên từng giờ. Nhiều bằng chứng cho thấy, bệnh này lây lan từ người sang người ngay cả trong thời gian ủ bệnh. Vì đây là chủng vi rút mới nên đến nay, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị bệnh. Do đó, tại Việt Nam, việc triển khai phòng, chống ca bệnh xâm nhập là vấn đề quan trọng số một.

Để làm được điều đó, trước tiên, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phân công cán bộ y tế thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh 24/24h tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tất cả trường hợp nghi ngờ phải được thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc cách ly, đưa về cơ sở y tế, đồng thời tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Mặt khác, rà soát lại hành trình của những người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh (nếu có), thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người tiếp xúc với những trường hợp trên chủ động đến cơ sở y tế theo dõi sức khỏe.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thành phố tiếp tục cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh trên thế giới, từ đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận. Cùng với đó, cử các chuyên gia y tế phối hợp với các cơ quan báo chí phổ biến kiến thức phòng bệnh, dấu hiệu nhận biết bệnh cho người dân.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu lực lượng quản lý thị trường, cơ quan chức năng của các quận, huyện, thị xã đến từng nhà hàng, khu vực có lễ hội, vùng ngoại thành… để kiểm tra việc thực hiện lệnh cấm kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã, nhất là cầy hương, tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Tổ chức phun khử trùng phòng bệnh tại tất cả trường học

Về việc phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường học trên địa bàn bảo đảm vệ sinh trường học, lớp học, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức vệ sinh phòng bệnh cho học sinh. Trong 3 ngày (từ 31-1 đến 2-2), 30 quận, huyện, thị xã phải tổ chức phun khử trùng phòng bệnh cho tất cả các trường học trên địa bàn, hoàn thành chậm nhất vào ngày 2-2.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các công nhân người Trung Quốc sẽ quay trở lại làm việc tại Việt Nam. Do đó, tại 30 quận, huyện, thị xã, cần thành lập các tổ giám sát, đến tận các công trường có công nhân Trung Quốc làm việc để phổ biến cho họ các biện pháp phòng bệnh nCoV và khi có biểu hiện bất thường, phải liên lạc với cơ sở y tế.

Đối với Sở Du lịch Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị đơn vị làm việc với tất cả các công ty du lịch trên địa bàn thành phố, tạm thời không đón, nhận khách đến từ những vùng đang có dịch bệnh nCoV. Thành phố tiếp tục duy trì 65 đội phòng, chống dịch cơ động. Với những quận, huyện, thị xã có nhiều cơ sở lưu trú, công trường có người Trung Quốc làm việc, cần tăng cường đội chống dịch cơ động để rà soát, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh, đồng thời phát hiện, cách ly kịp thời những ca bệnh nghi nhiễm nCoV.

Các quận, huyện, thị xã báo cáo việc triển khai việc phòng, chống dịch bệnh 3 lần/ngày, nếu xảy ra ca bệnh phải báo cáo ngay lập tức. Ngày mai (31-1), thành phố sẽ thành lập một tổ kiểm tra công tác ứng phó, chuẩn bị phòng, chống nCoV của các đơn vị.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu dự phòng khoảng 15-20 triệu chiếc khẩu trang. Nếu trong trường hợp xảy ra ổ dịch trên địa bàn quận, huyện, thị xã thì thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Tại các bệnh viện của ngành Y tế Thủ đô, cần dành riêng các khu vực cách ly những ca bệnh nghi ngờ mắc nCoV, bảo đảm đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Không chỉ các bệnh viện công lập, Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã phải mời các bệnh viện ngoài công lập tham gia chiến dịch này, không để họ đứng ngoài cuộc.

Đánh giá nguy cơ bệnh nCoV xâm nhập vào Thủ đô là rất lớn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị, Sở Y tế xây dựng 4 kịch bản đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Mỗi kịch bản cần có từng phương án ứng phó cụ thể. Ngành Y tế thành phố cần tập huấn cho toàn bộ hệ thống dự phòng, hệ thống điều trị tuân thủ toàn bộ hướng dẫn giám sát, cách ly, phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có thể học hỏi thêm kinh nghiệm giám sát, cách ly, điều trị mà Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai thành công khi điều trị cho hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc.

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Hà Nội phấn đấu không để một ca bệnh nCoV xâm nhập. Trong trường hợp có ca mắc bệnh, thành phố sẽ ứng phó ở mức cao nhất (Hà Nội mới, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/9/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 4/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/10/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận