Rà soát, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19
Ngày 30/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.000 ca nhiễm mới, gồm 20 ca nhập cảnh và 16.980 ca trong nước tại 61 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày 29/12 là: Bình Phước 704 ca, Hải Phòng 567 ca, Trà Vinh 242 ca. Trong ngày có 34.102 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 225 ca tử vong tại 25 tỉnh, thành phố.
Về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, Bộ Y tế cho biết: Các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 11.779.039 liều, trong đó có 7.451.674 mũi một và 4.327.365 mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 81,9% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều vắc-xin là 47,5% dân số từ 12 đến 17 tuổi. Hiện, có 17 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này. Về số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 136.419.823 liều, trong đó có 69.906.356 mũi một; 62.995.874 mũi hai; 1.170.168 mũi ba (đối với vắc-xin Abdala); 844.445 liều bổ sung và 1.502.980 liều nhắc lại.
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên. Ðồng thời, tiến hành rà soát, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vắc-xin. Các đơn vị có thể bố trí thêm các điểm tiêm chủng lưu động hoặc tiêm chủng tại nhà (trong trường hợp đối tượng tiêm chủng không thể đi lại được..), phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo quy định. Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị Trung ương chủ động liên hệ và lập danh sách đối tượng đã tiêm liều cơ bản gửi về các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được phân công để được tổ chức triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.Trường hợp các đơn vị có nhân viên ở các địa phương khác thì chủ động liên hệ với Sở Y tế nơi đóng trên địa bàn để được tiêm chủng.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn vừa đại diện Bộ Y tế tiếp nhận 100 nghìn liều vắc-xin Sputnik Light do Chính phủ Liên bang Nga hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ðể chủ động giám sát phát hiện sớm biến thể Omicron, nhất là sau khi Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến thể Omicron, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã lấy mẫu trên các bệnh nhân có kết quả RT-PCR dương tính gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gien. Kết quả, 15 trên 22 mẫu gửi đều thuộc biến thể Delta, chưa ghi nhận biến thể Omicron (bảy mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gien).
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tổ chức lễ xuất quân đưa đoàn 32 y, bác sĩ vào chi viện cho Trung tâm hồi sức Covid-19 tỉnh Vĩnh Long. Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, các thành viên trong đoàn đã được đào tạo, tập huấn chuyên sâu các kiến thức chuyên môn liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Kể từ khi bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử chín đoàn cán bộ y tế vào chi viện tỉnh Vĩnh Long chống dịch. (Nhân dân, trang 8)
Nhiều thay đổi về quản lý trang thiết bị y tế
Ngày 30/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với hơn 1.000 điểm cầu trong cả nước triển khai Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về Quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực 1/1/2022 thay thế Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016, Nghị định số 169/NĐ-CP ngày 31/12/2018 và Nghị định số 03/2020/NĐ-CP.
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP đã kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc quản lý trang thiết bị y tế; giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay của hệ thống pháp luật quản lý trang, thiết bị y tế; đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực trang, thiết bị y tế. Nghị định mới là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lý các cấp, cũng như lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ.
TS Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: Nghị định số 98/2021/NĐ-CP có 5 thay đổi về quản lý trang thiết bị y tế so với các quy định trước đây.
Bãi bỏ 16 trong 30 thủ tục hành chính lĩnh vực trang thiết bị y tế. Bãi bỏ điều kiện đối với người thực hiện phân loại, tổ chức phân loại và cắt bỏ thủ tục hành chính cấp chứng chỉ hành nghề phân loại, công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế. Việc phân loại trang, thiết bị y tế sẽ do Chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Bãi bỏ thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh xác nhận nội dung quảng cáo trang thiết bị y tế và thay bằng hình thức quản lý doanh nghiệp tự đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử về quản lý trang thiết bị y tế nội dung, hình thức dự kiến quảng cáo và được thực hiện sau khi đã công khai.
Đơn giản hóa 5 thủ tục hành chính lĩnh vực trang thiết bị y tế. Thay đổi hình thức của thủ tục công bố đủ điều kiện sản xuất, mua bán, tư vấn kỹ thuật trang, thiết bị y tế bằng việc kiểm soát điều kiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Các cơ sở, cá nhân khi hoạt động kinh doanh dịch vụ trang, thiết bị y tế tự cập nhật thông tin để chứng minh việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Nghị định trên hệ thống điện tử của Bộ Y tế, cơ quan quản lý không thực hiện việc rà soát, kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận mà chuyển sang thực hiện hậu kiểm. Đơn giản hóa thủ tục cấp nhanh số lưu hành nhanh trang, thiết bị y tế: từ yêu cầu 2 chứng chỉ lưu hành tự do trang, thiết bị y tế của nước tham chiếu sang 1 chứng chỉ lưu hành tự do của nước tham chiếu. Đơn giản hóa các giấy tờ trong quá trình cấp phép, trong đó bao gồm cả việc áp dụng mẫu hồ sơ đăng ký trang, thiết bị y tế theo thông lệ của quốc tế.
Tăng cường phân cấp, thay đổi cơ bản cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trong đó đã chuyển trang thiết bị y tế thuộc loại B từ xét cấp số lưu hành sang công bố tiêu chuẩn áp dụng và tăng cường phân cấp cho Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ công bố. Bổ sung các trường hợp cấp nhanh, cấp khẩn cấp các số lưu hành trong trong tình trạng cấp bách phục vụ phòng, chống dịch bệnh trên cơ sở thừa nhận các sản phẩm đã được cấp lưu hành hoặc sử dụng khẩn cấp của các nước tiên tiến. Quy định cụ thể việc đình chỉ, thu hồi, xử lý sau thu hồi số lưu hành để tạo cơ chế pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Sửa đổi hiệu lực của số lưu hành của trang thiết bị y tế có giá trị không thời hạn, thay vì 5 năm như trước. Doanh nghiệp có trách nhiệm cập nhật hồ sơ khi có thay đổi trong quá trình lưu hành trang, thiết bị y tế.
Bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, gồm: đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá; Quy định cụ thể nội dung kê khai giá (giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bảo dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng); Quy định chỉ chủ sở hữu số lưu hành hoặc đơn vị phân phối được chủ sở hữu ủy quyền mới được thực hiện việc công khai giá và các nhà phân phối còn lại không được bán hơn giá mà chủ sở hưu số lưu hành đã công khai đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán; Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết; Công khai minh bạch thông tin về giá bán, giá trúng thầu trang thiết bị y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Việc bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm sẽ xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm về giá bán trang thiết bị y tế trên thị trường và chủ thể này phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá trang thiết bị y tế mà mình kinh doanh; đồng thời công khai các thông tin về giá bán của chủ sở hữu, giá bán của từng nhà phân phối, đại lý, giá trúng thầu của trang, thiết bị đó tại các cơ sở y tế của nhà nước để tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận, tham khảo. (Nhân dân, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Ngăn chặn tình trạng mua bán lòng vòng, “thổi giá” trang thiết bị y tế”
Thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phải kê khai giá
Ngày 30/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến rộng rãi nội dung của Nghị định 98 (về quản lý trang thiết bị y tế) với hơn 1.000 điểm cầu trung ương và địa phương. Nghị định này thay đổi căn bản hoạt động cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế.
Nhiều điểm mới
Cụ thể, Nghị định thay đổi theo hướng chuyển cơ chế quản lí từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường phân cấp, chú trọng thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, bổ sung các biện pháp quản lí giá trang thiết bị y tế… Nghị định 98 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Nghị định 98 đã kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lí cho việc quản lí trang thiết bị y tế, giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay của hệ thống pháp luật quản lí trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lí và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Nghị định là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lí các cấp cũng như lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ”.
Nghị định có hàng loạt những điểm mới. Trong đó, bãi bỏ 16/30 thủ tục hành chính lĩnh vực trang thiết bị y tế, đơn giản hóa 5/30 thủ tục hành chính. Nghị định thay đổi hình thức của thủ tục công bố đủ điều kiện sản xuất, mua bán, tư vấn kỹ thuật trang thiết bị y tế bằng việc kiểm soát điều kiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin.
Các cơ sở, cá nhân khi hoạt động kinh doanh dịch vụ trang thiết bị y tế tự cập nhật thông tin để chứng minh việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Nghị định trên hệ thống điện tử của Bộ Y tế. Cơ quan quản lí không rà soát, kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận mà chuyển sang thực hiện hậu kiểm.
Nghị định bổ sung các trường hợp cấp nhanh, cấp khẩn cấp các số lưu hành trong tình trạng cấp bách phục vụ phòng, chống dịch bệnh trên cơ sở thừa nhận các sản phẩm đã được cấp lưu hành hoặc sử dụng khẩn cấp của các nước tiên tiến. Đặc biệt, sửa đổi hiệu lực số lưu hành của trang thiết bị y tế có giá trị không thời hạn, thay vì 5 năm như trước. Doanh nghiệp có trách nhiệm cập nhật hồ sơ khi có thay đổi trong quá trình lưu hành trang thiết bị y tế.
Bổ sung các biện pháp quản lí giá trang thiết bị y tế
Nghị định đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá. Trong đó quy định cụ thể nội dung kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lí, chi phí đào tạo, bảo dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng. Nghị định yêu cầu công khai minh bạch thông tin về giá bán, giá trúng thầu trang thiết bị y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi cho biết: “Doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá vốn nhập khẩu với trang thiết bị y tế nhập khẩu và chi phí sản xuất đối với sản phẩm trong nước sản xuất, lợi nhuận dự kiến, chi phí đào tạo (nếu có), giá bán tối đa… Điều này nhằm tránh câu chuyện mua bán lòng vòng đẩy giá cao hơn giá thực tế. Chỉ chủ sở hữu mới được kê khai giá, trong đó công khai giá bán, lợi nhuận… để đảm bảo mặt hàng giá ổn định”.
Nghị định cũng quy định các nhà phân phối không được bán hơn giá mà chủ sở hữu số lưu hành đã công khai. Đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán. Cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
“Việc bổ sung các biện pháp quản lí giá trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm sẽ xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm về giá bán trang thiết bị y tế trên thị trường. Chủ thể này phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá trang thiết bị y tế mà mình kinh doanh; đồng thời công khai các thông tin về giá bán của chủ sở hữu, giá bán của từng nhà phân phối, đại lí, giá trúng thầu của trang thiết bị đó tại các cơ sở y tế của nhà nước để tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận, tham khảo”, ông Nguyễn Minh Lợi nhấn mạnh.
“Doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá vốn nhập khẩu với trang thiết bị y tế nhập khẩu và chi phí sản xuất đối với sản phẩm trong nước sản xuất, lợi nhuận dự kiến, chi phí đào tạo (nếu có), giá bán tối đa… Ðiều này nhằm tránh câu chuyện mua bán lòng vòng đẩy giá cao hơn giá thực tế” – Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế. (Tiền phong, trang 4)
TPHCM siết chặt biện pháp ngăn biến chủng Omicron
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay sau khi Việt Nam phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên, ngành Y tế TPHCM đã rốt ráo siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn từ xa nguy cơ xâm nhập lây nhiễm của biến chủng nguy hiểm này.
Thông tin tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID19 trên địa bàn thành phố chiều 30/12, bà Huỳnh Mai cho biết, những trường hợp người nước ngoài nhập cảnh, phát hiện dương tính với COVID-19 sẽ lập tức được lấy mẫu bệnh phẩm giải mã trình tự gen. Thành phố đã chuẩn bị Bệnh viện Dã chiến số 12 đặt tại thành phố Thủ Đức là nơi sẽ tiếp nhận, thu dung, điều trị, cách ly đối với các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron hoặc trường hợp nghi ngờ.
Đối với cộng đồng, hiện các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã được kích hoạt, thực hiện các giải pháp tầm soát nếu phát hiện dấu hiệu bất thường khi có số ca nhiễm bệnh, ca tử vong tăng nhanh theo khu vực. Việc xét nghiệm sẽ được tập trung triển khai kết hợp với giải mã trình tự gen.
Những đơn vị giải mã trình tự gen đã được Bộ Y tế chỉ đạo bao gồm Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TPHCM.
Tại các bệnh viện đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch ở mức độ cao nhất. Những trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới lập tức được báo cáo đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị liên quan để tiến hành giải mã trình tự gen.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, thành phố đã đề xuất tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 đến 11 tuổi. Bộ Y tế đã ra văn bản chỉ đạo rà soát lập danh sách, lên kế hoạch tiêm cho trẻ nhóm tuổi này trong năm 2022. TPHCM đã chuẩn bị, chỉ chờ Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch, hướng dẫn triển khai.
Hiện TPHCM còn 464.000 liều vắc xin, trung bình mỗi ngày tiêm gần 100.000 liều. Theo kế hoạch, trước Tết Nguyên đán, thành phố sẽ tiêm xong mũi 3 cho toàn bộ người dân trong nhóm có chỉ định tiêm chủng. (Tiền phong, trang 4)
Hà Nội chưa phát hiện biến chủng Omicron
Ngày 30-12, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, để chủ động giám sát phát hiện sớm biến chủng Omicron, CDC Hà Nội đã lấy mẫu trên các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính, gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để giải trình tự gen. Kết quả cho thấy, 15/22 mẫu gửi đều thuộc biến thể Delta, chưa ghi nhận biến chủng Omicron (7 mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gen).
Các mẫu thuộc biến chủng Delta phân bố tại: Chương Mỹ (2), Đống Đa (2), Quốc Oai (1), Mỹ Đức (1), Bắc Từ Liêm (1), Hoàn Kiếm (1), Mê Linh (1), Gia Lâm (1), Nam Từ Liêm (1), Hà Đông (1), Thanh Oai (1), Đông Anh (1), Hai Bà Trưng (1).
Trước đó, vào trưa 28-12, Bộ Y tế công bố ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Đây là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh về Việt Nam. Đáng chú ý, theo điều tra có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Tất cả cũng đã được cách ly tập trung theo quy định. Trong đó, chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 310/KH-UBND về việc ứng phó với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn thành phố. Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tổ chức giám sát người nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tăng cường giám sát, phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời các trường hợp người nhập cảnh có triệu chứng sốt, ho, đặc biệt là các hành khách hoặc chuyến bay đến/về từ các quốc gia ghi nhận ca bệnh mắc biến chủng Omicron.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm gen RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Lựa chọn ngẫu nhiên hoặc có chủ đích dựa vào kết quả điều tra dịch tễ các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 để làm xét nghiệm giải trình tự gen đối với bệnh nhân trong 3 nhóm sau: Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, đặc biệt là người đi đến/về từ các nước đã ghi nhận biến chủng Omicron; người tái nhiễm Covid-19 (có xét nghiệm RT-PCR dương tính sau 2 tháng khỏi bệnh); bệnh nhân trong các ổ dịch phức tạp có số mắc cao. Ngoài ra, có thể tổ chức giám sát ngẫu nhiên một số trường hợp nghi ngờ khác tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới. (Hà Nội mới, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang4: “Chưa ghi nhận biến thể Omicron”
Ghi nhận thêm 17.000 ca Covid-19 mới trong 24 giờ qua
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 17.000 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó, có 20 ca nhập cảnh và 16.980 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.107 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Phú Yên (giảm 397 ca), Vĩnh Long (giảm 331 ca), Đắk Lắk (giảm 144 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Phước (tăng 704 ca), Hải Phòng (tăng 567 ca), Trà Vinh (tăng 242 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.289 ca/ngày.
Cụ thể, tính từ 16h ngày 29-12 đến 16h ngày 30-12, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.000 ca nhiễm mới, trong đó, 20 ca nhập cảnh và 16.980 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố (gồm có 11.404 ca tại cộng đồng): Hà Nội (1.866), Cà Mau (1.008), Tây Ninh (935), Hải Phòng (838), Khánh Hòa (788), Bình Phước (759), thành phố Hồ Chí Minh (697), Bạc Liêu (666), Bình Định (620), Đồng Tháp (590), Vĩnh Long (586), Trà Vinh (579), Lâm Đồng (477), Thừa Thiên – Huế (439), Hải Dương (299), Bắc Ninh (289), Phú Yên (289), Cần Thơ (287), Bình Thuận (277), An Giang (262), Quảng Nam (233), Hưng Yên (211), Tiền Giang (203), Kiên Giang (203), Bến Tre (196), Đà Nẵng (185), Thanh Hóa (182), Bà Rịa – Vũng Tàu (180), Sóc Trăng (180), Quảng Ninh (165), Đồng Nai (160), Hà Giang (160), Ninh Bình (160), Gia Lai (155), Hậu Giang (153), Quảng Ngãi (141), Sơn La (129), Nghệ An (123), Phú Thọ (104), Lạng Sơn (103), Nam Định (102), Đắk Nông (100), Hà Nam (98), Vĩnh Phúc (96), Bình Dương (96), Đắk Lắk (69), Quảng Trị (59), Cao Bằng (58), Thái Bình (58), Ninh Thuận (57), Long An (53), Thái Nguyên (50), Hòa Bình (47), Bắc Giang (46), Lào Cai (44), Tuyên Quang (21), Điện Biên (17), Yên Bái (14), Quảng Bình (13), Lai Châu (4), Bắc Kạn (1).
Ngoài ra, ngày 30-12, Sở Y tế Cà Mau đăng ký bổ sung 2.868 ca nhiễm tại Cà Mau trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin của người nhiễm.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.714.742 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.383 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.709.042 ca, trong đó có 1.333.827 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (502.687), Bình Dương (290.564), Đồng Nai (97.540), Tây Ninh (74.333), Hà Nội (43.924).
Về tình hình điều trị, có thêm 34.102 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 30-12, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.336.644. Ngoài ra, có 7.336 bệnh nhân nặng đang điều trị.
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 29-12 đến 17h30 ngày 30-12, nước ta ghi nhận 240 ca tử vong tại: Thành phố Hồ Chí Minh (37), Bình Dương (20), An Giang (16), Cần Thơ (16), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Tiền Giang (14), Kiên Giang (13), Hà Nội (13), Sóc Trăng (12), Bà Rịa – Vũng Tàu (11), Long An (10), Tây Ninh (9), Bến Tre (8), Bình Thuận (6), Cà Mau (6), Trà Vinh (5), Phú Yên (5), Huế (2), Hậu Giang (2), Hải Phòng (1), Lạng Sơn (1), Lâm Đồng (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1). Ngoài ra, Sở Y tế Thừa Thiên – Huế bổ sung 51 ca tử vong từ ngày 31-7 đến 29-12.
Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 227 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.168 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN). (Hà Nội mới, trang 7)
Sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ 3 – 11 tuổi
Chiều 30.12, tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP từng đề xuất tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 3 – 11 tuổi. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo rà soát, lập danh sách, lên kế hoạch tiêm cho nhóm tuổi này trong năm 2022.
Hiện TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch, hướng dẫn triển khai. Ông Tâm cho biết TP.HCM còn khoảng 464.000 liều vắc xin Covid-19, trung bình mỗi ngày tiêm không đến 100.000 liều. Hiện TP.HCM không thiếu vắc xin, hôm nay (31.12) nhận thêm 200.000 liều và sắp tới nhận thêm 1 triệu liều.
Trước phản ánh một số địa phương chậm chi hỗ trợ cho nhân viên y tế, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết có 2 nguồn hỗ trợ gồm phụ cấp chống dịch và chính sách hỗ trợ một lần của TP.HCM gửi tặng tất cả lực lượng tham gia, tùy mức độ đóng góp. Hầu hết cơ sở y tế và UBND quận, huyện đã hoàn thành chi hỗ trợ, một vài đơn vị chi trả chậm trễ do kế toán trưởng mắc Covid-19, phải cách ly nên công tác chi trả đình trệ. Hiện Sở Y tế đã tháo gỡ vấn đề này.
Cũng tại buổi họp báo, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Từ Lương cho biết chương trình đếm ngược (countdown) đón chào năm mới 2022 chỉ tổ chức tại khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ (phía trước tòa nhà Sunwah), không tổ chức tại đường Lê Duẩn như kế hoạch ban đầu. Chương trình không mời đại biểu và khán giả tham dự mà sẽ được trực tiếp truyền hình, truyền thanh…
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD-ĐT đã đề xuất với UBND TP từ 3.1.2022, học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đi học trở lại. Về việc kiểm tra học kỳ 1 đối với học sinh bậc tiểu học, đại diện Sở GD-ĐT cũng thông tin học sinh lớp 3, 4, 5 sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Còn học sinh lớp 1, 2 sẽ kiểm tra theo hình thức trực tiếp khi học sinh đi học trở lại.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cho biết TP ghi nhận nhiều kết quả lạc quan như số ca nhập viện ít hơn số ca xuất viện; số ca nhập viện ngày càng giảm, trước đây 900 ca/ngày thì nay giảm còn 400 – 500 ca/ngày. Tương tự, số ca tử vong liên tục giảm trong tuần qua.
Hà Nội chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội đã lấy mẫu trên các bệnh nhân có kết quả RT-PCR dương tính Covid-19, gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư giải trình tự gien. Kết quả cho thấy 15/22 mẫu gửi đều thuộc biến thể Delta, chưa ghi nhận biến chủng Omicron (7 mẫu không đủ tải lượng vi rút để giải trình tự gien).
Ngày 28.12, Bộ Y tế công bố phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên tại Việt Nam là hành khách từ Anh nhập cảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), được cách ly y tế ngay tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội). Bệnh nhân không triệu chứng, nguy cơ thấp, hiện sức khỏe ổn định. (Thanh niên, trang 17)
Ban Chỉ đạo T.Ư phòng chống tham nhũng yêu cầu xử lý nghiêm vụ Việt Á
Ngày 30.12, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) có thông cáo về chủ trương chỉ đạo xử lý của Thường trực Ban Chỉ đạo đối với vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.
Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu, Đảng ủy Công an T.Ư, Ban Cán sự Đảng Viện KSND tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Thường trực Ban Chỉ đạo giao Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng giao Ban Nội chính T.Ư – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với vụ việc tại Công ty Việt Á. (Thanh niên, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 3: “Vụ Kit xét nghiệm Việt Á: Xử lý nghiêm, không có vùng cấm”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Yêu cầu mở rộng điều tra, xử lý nghiêm vi phạm tại Công ty Việt Á”
Định nghĩa mới nhất về ca bệnh COVID-19: Thế nào được coi là F0?
Trong hướng dẫn mới nhất ngày 29/12, Bộ Y tế đưa ra các định nghĩa điều chỉnh về ca bệnh COVID-19. Trong đó người được coi là F0 khi có 1 trong 4 yếu tố dịch tễ…
Bộ Y tế ngày 29/12 đã có công văn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các biến chủng có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta và Omicron.
Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới có xu hướng tăng tại một số tỉnh, thành phố; để tiếp tục chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc, quản lý hiệu quả các ca bệnh COVID-19 trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của các địa phương, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thực hiện giám sát bệnh COVID-19 với các nhóm đối tượng, cụ thể:
Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp
– Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giám hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.
– Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên.
– Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 (F0).
– Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) là người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền.
– Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.
Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau:
– Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).
– Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.
– Là người có biểu hiện lâm sàng nghĩ mắc COVID-19 (ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
– Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
– Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
– Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Theo Bộ Y tế, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 2: “Định nghĩa lại các F trong tình hình mới”
Bộ Y tế: Rà soát, tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19 đủ liều cho người từ 12 tuổi trở lên
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng
Ngày 29/12, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo Bộ Y tế, ngày 17/12, Bộ đã ban hành Công văn số 10722/BYT-DP gửi các đơn vị về hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại; để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản.
Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.
Các Cơ quan, đơn vị trung ương chủ động liên hệ và lập danh sách đối tượng đã tiêm liều cơ bản (ghi rõ loại vaccine tiêm, thời gian tiêm mũi 1, mũi 2, mũi 3 (đối với vaccine tiêm 3 liều)) gửi về các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được phân công để được tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trường hợp các đơn vị có nhân viên ở các địa phương khác thì chủ động liên hệ với Sở Y tế nơi đóng trên địa bàn để được tiêm chủng.
Các Bệnh viện, Viện, Trường Đại học Y đã được Bộ Y tế phân công gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chúc tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị Trung ương trên địa bàn; Tiêm cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người làm việc tại đơn vị mình và người thân của nhóm đối tượng này; Những người đến khám bệnh và điều trị tại đơn vị mình.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị có thể bố trí thêm các điểm tiêm chủng lưu động hoặc tiêm chủng tại nhà (trong trường hợp đối tượng tiêm chủng không thể đi lại được,..) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo qui định.
Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương căn cứ đề xuất của các đơn vị để phân bổ vaccine phòng COVID19 phù hợp.
Theo Bộ Y tế, trong ngày 28/12 có 811.888 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 148.198.862 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.358.030 liều, tiêm mũi 2 là 67.323.239 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 3.517.593 liều.
Về tiêm mũi 3, báo cáo của Bộ Y tế ngày 28/12 cho biết đến nay đã có 39 tỉnh, thành phố triển khai tiêm, trong đó các tỉnh, thành phố phía Nam tiêm nhiều nhất với hơn 1,2 triệu liều, tiếp theo là miền Bắc với hơn 720.000 liều, các tỉnh miền Trung đứng thứ 3 với hơn 45.000 liều và khu vực Tây Nguyên gần 800 liều. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Gần 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine
Theo Bộ Y tế, tới chiều 30/12, cả nước đã tiêm hơn149,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 29/12, các điểm tiêm của cả nước tiêm được 1.119.796 liều.
Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại. Đến nay, đã tiêm được 136.419.823 liều cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó mũi 1 có 69.906.365 liều, mũi 2 là 62.995.874 liều và mũi 3 đã tiêm được hơn 1.170.000 liều. Việt Nam đã tiêm được 844.445 liều bổ sung và 1.502.980 liều nhắc lại. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 là 99,0%và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 89,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 95,7% và 86,0%; miền Trung là 96,7% và 87,6%; Tây Nguyên là 92,4% và 78,6%; miền Nam là 100% và 92,4%. Hiện có 17 địa phương cơ bản hoàn thành tiêm 2 mũi cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế đề nghị hết tháng 1/2022 phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho nhóm đối tượng này.
Để ứng phó với biến chủng mới Omicron, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng hết mũi 2, tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người dân. (Công an Nhân dân, trang 1).